[Khoái Xuyên] Lưu Ly

Chương 7.2: Ngoại truyện 3:Hoa đăng nguyện ước




Đêm trăng tròn rằm tháng tám, nội cung mở tiệc linh đình. Vòm trời nguyệt thu vành vạnh chiếu xuống những giai nhân đang nhảy múa trong điệu nhạc đàn trống hân hoan. Các quan văn võ cùng nâng chén kính bậc đế vương, mỗi người một câu ra sức chúc tụng.
Bữa tiệc này vốn đâu chỉ là mừng một ngày lễ, mà còn mang nhiều mục đích sâu xa khác. Hoàng đế miệng cười ha hả uống rượu ngon, trước mặt là các vũ công vô cùng kiều diễm, nhưng ngài chẳng bận lòng đến, thi thoảng sẽ hướng mắt lên nhìn vầng trăng đêm nay.
Ngày rằm, trời cao trong, trăng tròn đầy và sáng tỏ. Trung thu là tết đoàn viên, nhưng cũng là ngày để tiên đoán nhiều truyện tương lai.
Trăng vàng mùa lúa tằm tơ, trăng xanh thiên tai lận đận, trăng cam giang sơn phồn thịnh.
Mắt người thường có nhìn trăng, cũng chỉ thấy ánh sáng vàng dịu lan toả khắp nơi. Chuyện suy đoán vận mệnh, vẫn nên là để những người có chuyên môn nói ra.
Đợi đến lúc trăng treo đỉnh đầu, ca nhạc cũng dừng lại, hoàng đế lên tiếng với một lão già râu dài tóc bạc trông vô cùng huyền bí và đạo mạo:"Ngài quốc sư, ngài nhìn xem trăng hôm nay, có thể cho chúng ta vài lời tiên đoán hay không?"
Lão quốc sư ngồi tại vị trí vô cùng quan trọng, cao hơn bậc của tả hữu thừa tướng. Nghe hoàng đế hỏi, lão chưa trả lời luôn, chậm rãi vuốt vuốt bộ râu rồi mới hé đôi mắt hí lên nhìn trời, chỉ mấy khác sau lão đã mở miệng:"Thưa hoàng thượng, đêm nay tinh tượng thuận hoà, là điềm báo may mắn cho Đế Đô. Chắc chắn năm nay mùa màng bội thu, kinh thương phát đạt, hoàng thượng cũng diễm phúc muôn phần. Chỉ có điều..."
Nói đến đây, lão ta bỗng chốc ngừng lại, ánh mắt liếc ngang qua vị trí của thái tử Sở Hoàn Kiệt rồi mới tiếp tục:"... mong hoàng thượng có thể xem xét chỉnh đốn đức hạnh của thái tử, tránh điềm xấu sau này."
Trực tiếp nhắc đến thái tử như vậy, lão già này ý đồ cũng thật lộ liễu, nhưng cũng thể hiện ra rằng lão được nể trọng đến mức chẳng cần coi thái tử ra gì. Mặc dù đã biết trước kế hoạch của quý phi Lan Phương cùng quốc sư nhưng Sở Huyền Dương cũng không hề nghĩ rằng bọn họ sẽ lợi dụng bữa tiệc đêm nay để hành động.
Nhìn trăng đoán vận, quả là một cớ thích hợp để truyền lại "ý trời".
Sở Huyền Dương cười khẩy, hắn mặc kệ thánh thượng vẫn ở đây, ngang nhiên đâm chọt ý của lão già kia:"Quốc sư nói vậy, ý là đức hạnh của thái tử có vấn đề hay sao?"
Đây là lần đầu tiên quốc sư chạm mặt Sở Huyền Dương, chỉ biết hắn là Kỷ vương phế trận ốm yếu, cơ bản cũng chẳng đặt vào mắt. Lão vẫn giữ nguyên thái độ, tỏ vẻ cao cao tại thượng:"Ta chỉ dựa vào ý trời để truyền đạt lại. Thái tử ra sao ta không cần biết, ta chỉ biết giờ thái tử là một điềm xấu, nếu không tu nhân tích đức sẽ gây hoạ cho đất nước."
Càng nói, lão càng đẩy thái tử vào sâu hơn trong vũng bùn. Trong đám quan lại cũng bắt đầu xì xào bàn tán, đánh giá phán xét về Sở Hoàn Kiệt.
Tại thời điểm này, bọn họ vẫn chưa để ý đến chuyện sẽ theo phe phái nào vì hoàng đế sẽ còn tại vị rất lâu nữa. Nhưng sau đêm nay, ngôi vị thái tử có thể sẽ thành một vị trí không còn giá trị để quyết định ngôi vương tương lai nữa.
"Hồ ngôn loạn ngữ!" Sở Huyền Dương đập bàn, đồ sứ trên bàn bật tung lên phát ra âm thanh leeng keeng đặc trưng. Hắn lườm quốc sư, lửa giận bừng bừng hai con mắt, thẳng thừng bóc trần lớp mặt nạ giả dối của lão già kia:"Ngươi đừng có giả thần giả quỷ nói mấy lời tráo trở như vậy. Bệ hạ, thần thấy người đã khiến cho tên thầy bói quá mức coi thường hoàng tộc rồi đấy. Người nên anh minh soi xét lại thì hơn. Giờ thần thấy không khoẻ, xin phép hồi phủ sớm."
Nói rồi chẳng đợi hoàng thượng đồng ý, Sở Huyền Dương đã ngang nhiên đứng dậy rời khỏi hội tiệc trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người. Hắn đi chẳng được bao lâu, thái tử trong lòng sốt ruột cũng kiếm cớ rời đi.
Cậu muốn đuổi theo hoàng thúc của mình, nhưng ra khỏi nội cung đã chẳng thấy hắn đâu nữa cả.
Bên trong, bữa tiệc vốn dĩ vui vẻ lại bị một màn vừa rồi phá tan bầu không khí, nay chìm trong tĩnh lặng trầm mặc.
Quý phi Lan Phương nhìn sắc mặt hoàng thượng, cảm thấy màn kịch vừa rồi chưa đủ đặc sắc, cố ý châm dầu vào lửa:"Hoàng thượng bớt giận. Kỷ vương vốn là người trông coi thái tử từ nhỏ, cũng coi là một người thầy nặng công dạy dỗ. Quốc sư có nói vài điều đến thái tử dẫu sao cũng sẽ cảm thấy bị đụng chạm. Ngài ấy thất lễ như vậy cũng không phải phép, nhưng nay là ngày vui, hoàng thượng hãy để khi khác trách phạt. Thiếp và các vị quan viên kính mong hoàng thượng có thể tiếp tục tiệc mừng được không ạ?"
Người đứng đầu hậu cung đã lên tiếng, đám quan lại cũng nhanh nhẹn nâng rượu kính vua. Hoàng thượng cũng không làm khó, lại tiếp tục cười nói như chưa có chuyện gì xảy ra.
Chỉ có quý phi Lan Phương mặt cười nhưng trong lòng đầy phẫn uất. Rõ ràng nàng ta cố ý ra mặt là để hoàng đế nổi giận thêm, dùng dịp này để hạ bệ tên Kỷ vương làm kì đà cản mũi kia. Vốn với tính cách của hoàng thượng, chắc chắn sẽ nổi trận lôi đình trực tiếp ra lệnh xử phạt hắn tội mạo phạm.
Nhưng tại sao hoàng thượng lại có thể thản nhiên như vậy? Tâm tư của bậc đế vương nàng chẳng thấu nổi, vậy thì rốt cuộc, kế sách mượn "ý trời" của nàng liệu đã thành công hay chưa?
Nàng nhìn lên vầng trăng, trăng cũng chẳng thể nào đáp được lời nàng.
Nhưng kẻ khác nhìn trăng, lại tìm được ra câu trả lời.
Tại hồ nước quen thuộc, Sở Huyền Dương đã thấy một bóng người ngồi chờ trên tảng đá lớn.
Án Diễm Mạnh ngửa đầu quan sát vầng trăng sáng, bất chợt một khuôn mặt chắn mất tầm nhìn của y.
Thấy hắn, y kinh ngạc:"Sao ngài rời tiệc sớm vậy?"
"Sợ ngươi chờ lâu." Sở Huyền Dương đưa tay ra chỉnh lại lọn tóc bị gió thổi rối của y, trong ánh mắt phủ đầy sự dịu dàng.
Không gian tĩnh lặng chỉ nghe tiếng gió thổi sóng trên mặt hồ, tiếng lá cây xào xạc và cả tiếng hơi thở của hai sinh mệnh nơi đây. Án Diễm Mạnh không tin lắm vào lời nói của hắn, nghi vấn đặt câu hỏi:"Có phải quốc sư đã nói gì đến thái tử không?"
Sở Huyền Dương không trả lời trực tiếp, mà hỏi ngược lại:"Vì sao ngươi nghĩ vậy?"
Y giữ lấy bàn tay làm càn nãy giờ của hắn, nương vào đó làm điểm tựa mà đứng lên. Đôi mắt y dưới trăng mang màu xanh lam như đang phát sáng, đó là đặc trưng của tộc người tu tiên mỗi khi sử dụng thần thuật. Tay y chỉ mắt mình, chẳng che dấu gì:"Mắt ta thấy được, nhưng tai không nghe được."
Để khẳng định thêm tính chân thật của lời mình nói, y còn bồi thêm:"Dáng vẻ lúc tức giận của vương gia, thật sự khiến người khác vô cùng nể sợ đấy."
"Chuyện đó ngươi cũng thấy sao..." Sở Huyền Dương có chút bất lực:"Ta không nghĩ lão già kia lại nói mấy lời khó nghe đến vậy, nhất thời không kiềm chế được."
Án Diễm Mạnh yên lặng nhìn hắn, thần thuật thu liễm lại, đôi mắt dần trở về trạng thái bình thường. Y cũng chẳng nói thêm gì về chuyện tiên đoán mà hôm nay y thấy được.
Lão quốc sư chỉ họa lời giả dối, trăng đêm nay ánh xanh phủ chướng khí, là điềm vận tai ương.
Đế Đô chẳng mấy chốc sẽ gặp họa.
Hay trực tiếp hơn mà nói, nghiệp chướng này tụ tại hoàng cung, giáng lên đầu thiên tử.
Sở Huyền Dương là kẻ tinh mắt, sớm đã nhận ra vẻ mặt của Án Diễm Mạnh là có điều đang che dấu, song hắn cũng chẳng quan tâm lắm. Hơn nữa đêm trung thu vẫn chưa vãn hội, không thể để mấy chuyện vớ vẩn này làm trễ nải thời gian được.
Hắn nắm lấy tay y, kéo đi khỏi hồ nước. Hành động đột ngột khiến y có chút bất ngờ, bước chân có phần loạng choạng, nhưng chẳng mấy chốc đã theo được Kỷ vương.
Hoàng cung tường thành cao vút, chẳng hợp cho hai gã cò hương leo trèo, nhưng cũng chẳng phải thiếu nơi để xuất cung.
Chỉ chốc lát, hai người bọn họ đã hòa vào dòng người tấp nập trên phố trẩy hội trăng rằm. Âm thanh kèn trống, ca nhạc phủ quanh khắp nơi, nam thanh nữ tú sóng đôi, trẻ con ríu rít lô đùa.
Đèn lồng trung thu được treo khắp mọi chỗ, ánh sáng rực rỡ bao lấy phố phường, bao lấy cả hai bóng người trầm mặc.
Án Diễm Mạnh và Sở Huyền Dương chậm rãi rải bước, thong thả tận hưởng không khí xô bồ mà hoàng cung hoa lệ chẳng thể có được.
Bọn họ lui tới bên bờ sông, dân chúng tụ tập ở nơi đây đông nhất để thả đèn hoa đăng ước nguyện. Cả dòng sông lập lòe những ánh nến, mỗi ngọn là một đóa sen giấy màu đỏ được gấp đầy tỉ mỉ.
Một toán trẻ con đứng trên bờ hí hửng cầm hoa đăng, một người đàn ông trông chúng nó. Từng đứa xếp hàng chờ đến lượt được đốt đèn và thả xuống sông. Đến khi đèn của bản thân đã trôi đi, đứa trẻ đó sẽ đứng bên bờ quan sát, một nụ cười hạnh phúc và ẩn chứa một niềm hi vọng nhỏ nhoi trong ánh mắt.
"Thật đẹp." Án Diễm Mạnh khẽ khàng nói. Chẳng phải lần đầu y thấy hoa đăng, nhưng không thể phủ nhận cảnh tượng lung linh trước mắt hiếm khi được nhìn thấy. Huyền ảo và mộng mơ, tựa như đang được ở trong giấc chiêm bao, chẳng cần phải nghĩ suy gì.
"Ngươi muốn thả không?" Sở Huyền Dương hỏi, nhưng bản thân hắn lại là người quyết định. Chỉ vừa nói xong hắn đã lấy từ đâu ra hai đóa sen giấy, một đóa bản thân giữ, còn một đóa dúi vào tay Án Diễm Mạnh.
Y ngơ người nhìn hắn đánh lửa đốt nến cho hai đóa hoa nhỏ kia, đến khi bị thúc giục mới từ từ đến bên cạnh bờ sông ngồi xuống.
"Ta ước sớm gặp được nhân duyên của mình." Sở Huyền Dương nói thẳng miệng rồi đặt hoa đăng của mình xuống nước, bàn tay khẽ khuấy nhẹ tạo sóng đưa đèn đi.
Án Diễm Mạnh nhìn theo hoa đăng của hắn, rồi nhìn lại hoa đăng của mình, buông lời châm chọc:"Nếu nói ra điều ước, ngài sẽ không đạt được đâu."
"Vậy ngươi cũng ước cho ta sớm gặp được nhân duyên của ta đi." Hắn cũng chẳng vừa, lập tức xoáy lại lời y.
Y cười bảo hắn trẻ con, rồi đưa tay thả đèn của mình xuống. Mặt nước lại bị khuấy động một lần nữa, lặng lẽ nhìn theo hoa đăng của mình đang đuổi theo hoa đăng của Sở Huyền Dương.
Vốn y cũng chẳng ước gì cả, nhưng giờ đây chiếc đèn kia đã mang theo một lời nguyện cầu hèn mọn mà y chẳng dám nói ra.
Hoa đăng chậm rãi trôi, nhẹ nhàng đi thật xa, thật xa...
...----------------...
...[Hết ngoại truyện 3- Thế giới thứ tư]...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.