Kiếm Lai - Phong Hỏa Hí Chư Hầu

Chương 61: Tốt qua sông




Phu nhân chuyên gây rắc rối vừa đi, không còn cảnh tượng ăn mặc lồ lộ để nhìn, đám người tiệm Dương gia cũng nhanh chóng tản đi.
Trịnh Đại Phong co đầu rụt cổ chạy đến dưới mái hiên nhà chính, ngồi xổm ở phía xa, không dám đến quá gần lão Dương.
Cùng là đồ đệ, đãi ngộ của hắn và Lý Nhị ở trước mặt sư phụ này lại khác nhau một trời một vực.
Trịnh Đại Phong cũng oán trách sư phụ thiên vị, nhưng có một số chuyện đúng là buộc phải cam chịu.
Trịnh Đại Phong rụt rè hỏi:
- Sư phụ, nếu Tề Tĩnh Xuân quyết tâm không tuân theo quy củ, đến lúc đó chúng ta phải làm thế nào?
Ông lão không nói lời nào, chỉ rít thuốc lá. Một con mèo đen không biết từ lúc nào nơi nào chạy đến đây, ngồi xuống bên chân ông lão không xa, rung người làm văng lên rất nhiều nước mưa.
Trịnh Đại Phong ưu sầu lo lắng nói:
- Cái gã núi Chân Vũ kia lại mời thần xuống núi, liệu có phiền toái hay không? Dù sao hiện giờ cũng có vô số người nhìn chằm chằm vào nơi này.
Ông lão vẫn không nói chuyện.
Trịnh Đại Phong đã quen với sự trầm mặc ít nói của sư phụ, cho nên cũng không cảm thấy lúng túng. Hắn nghĩ ngợi lung tung, lại nghĩ tới Tề Tĩnh Xuân, bèn mắng chửi:
- Con mẹ nó Tề Tĩnh Xuân ngươi đã làm cháu trai năm mươi chín năm, còn thiếu vài ngày nữa thôi cũng không chờ được sao? Người đọc sách đúng là cố chấp ngang ngạnh!
Ông lão cuối cùng lên tiếng:
- Ngươi không đọc sách cũng như vậy.
Trịnh Đại Phong không thấy ngượng ngùng, quay đầu nịnh nọt:
- Có cần con xoa vai bóp chân cho sư phụ không?
Ông lão hờ hững nói:
- Ta không có tiền quan tài gì đâu, ngươi từ bỏ suy nghĩ này đi.
Trịnh Đại Phong xấu hổ nói:
- Sư phụ nói như vậy đúng là tổn thương người khác. Đồ đệ con đây bản lĩnh không lớn nhưng lại rất hiếu thuận, nào dám nghĩ đến những thứ kia, con có phải là mụ vợ Lý Nhị đâu.
Ông lão ừ một tiếng, nói:
- Ngươi còn không bằng cô ta.
Cả gương mặt Trịnh Đại Phong đều tối sầm, cụp đầu giống như quả cà bị héo, không có một chút tinh khí thần nào.
Nhưng đột nhiên vẻ mặt của hắn lại kinh ngạc vui mừng, phát hiện sư phụ hôm nay mặc dù vẫn nói chuyện khó nghe, nhưng dù sao cũng đã nói nhiều hơn trước, đúng là hiếm thấy. Chờ lát nữa trở về phòng phía đông có thể uống một bình rượu ăn mừng rồi.
Tâm tình Trịnh Đại Phong vui vẻ thêm mấy phần, thuận miệng hỏi:
- Sư huynh có ngăn được tên kia không?
Lần này không đợi ông lão châm chọc, Trịnh Đại Phong đã tự tát mình một cái:
- Sư huynh không ngăn được mới có hi vọng, nếu ngăn được thì sau này phải ăn không khí rồi.
Ông lão hỏi một câu khó hiểu:
- Trịnh Đại Phong, ngươi có biết vì sao mình lại chẳng có tiền đồ không?
Trịnh Đại Phong ngẩn ra tại chỗ.
Nghĩ thầm vấn đề này của sư phụ có nhiều huyền cơ, mình nhất định phải cẩn thận trả lời, cân nhắc cho kỹ.
Không ngờ ông lão đã thản nhiên nói ra đáp án:
- Vì xấu xí.
Hai tay Trịnh Đại Phong ôm đầu, nhìn nước mưa tung tóe trong sân, một gã đàn ông lớn đầu như vậy lại khóc không ra nước mắt.
- --------
Quản sự dinh quan không cần đoán ý cũng biết mình không nên tiếp tục ở đây, bèn tùy tiện tìm một lý do rời khỏi phòng.
Trần Tùng Phong tiếp tục vùi đầu tra cứu hồ sơ, so với dáng vẻ nơm nớp lo sợ khi Trần Đối có mặt ở đây, cuối cùng hắn đã khôi phục được mấy phần phong phạm tiêu sái của con cháu thế gia. Nhưng càng như vậy thì Lưu Bá Kiều ở một bên quan sát lại càng bực bội, một bụng ủy khuất không nhổ ra thì không thoải mái. Có điều tính tình ngay thẳng là một chuyện, còn nói năng tùy tiện lại là một chuyện khác. Lưu Bá Kiều cũng muốn ra ngoài đi dạo, mắt không thấy thì tâm không phiền.
Trần Tùng Phong đột nhiên ngẩng đầu cười nói:
- Bá Kiều, cuối cùng không ngồi yên được nữa à?
Lưu Bá Kiều vừa nhấc mông lên khỏi ghế, nghe vậy lại đặt mông ngồi xuống, vừa bực vừa buồn cười nói:
- Ôi chao, còn có tâm tình trêu đùa ta, lòng dạ khí phách của thằng nhóc ngươi cũng được đấy.
Trần Tùng Phong để một quyển sách cũ kỹ trong tay xuống, khổ sở nói:
- Để huynh chê cười rồi. Ban nãy huynh lên tiếng bênh vực, ta cũng không phải không biết tốt xấu, chỉ là...
Lưu Bá Kiều sợ nghe người khác kể khổ và thổ lộ tâm tình nhất, vội vàng khoát tay nói:
- Đừng đừng đừng, ta vốn không vừa mắt người bà con xa của ngươi bắt nạt kẻ dưới, ta nói cô ta mấy câu chỉ là do không quản được cái miệng mà thôi, Trần Tùng Phong ngươi không cần đội ơn.
Trần Tùng Phong ngửa người về phía sau, khẽ tựa lưng vào ghế, thở nhẹ ra một hơi.
Nếu đây là nhà họ Trần ở quận Long Vĩ, chỉ với tư thế ngồi ra vẻ lười nhác này, một khi bị bề trên phát hiện thì dù cà con vợ lẽ hay trẻ nhỏ đều sẽ bị xử phạt, người trưởng thành thì sẽ bị giáo huấn.
Người đọc sách ở hào phiệt thế gia mặc dù thường bị võ nhân châm chọc là đạo mạo trang nghiêm, cố làm ra vẻ, nhưng quy củ chính là quy củ. Từ lúc ra khỏi bụng mẹ đã đi trên con đường được định sẵn, con cháu gia tộc lớn nhỏ đều không ngoại lệ, từ bé đã nghe quen tai nhìn quen mắt rồi.
Đương nhiên cũng có nước Nam Giản, nơi sinh ra nhiều danh sĩ chỉ biết nói suông và nhân sĩ phóng túng hoang đường, lời nói và việc làm nổi tiếng là không câu nệ lễ nghi.
Lưu Bá Kiều hỏi:
- Ngươi và Trần Đối rốt cuộc có quan hệ gì mà lại sợ cô ta như vậy? Nếu liên quan đến cơ mật gia tộc thì cứ xem như ta không hỏi.
Trần Tùng Phong đứng dậy đi đóng cửa phòng lại, ngồi xuống chiếc ghế của quản sự ban nãy, nhẹ giọng hỏi ngược lại:
- Danh phận người mua sứ của thiếu niên Họ Lưu nhiều lần chuyển đổi, cuối cùng rơi vào tay họ Trần quận Long Vĩ chúng ta, huynh không cảm thấy thắc mắc sao?
Lưu Bá Kiều gật đầu.
Có lẽ con vượn Bàn Sơn nghĩ nát óc cũng không ra, đối thủ cạnh tranh bộ Kiếm Kinh nghe tin lập tức hành động kia, không phải là tử địch vườn Phong Lôi, mà là họ Trần quận Long Vĩ xuất hiện ngang trời.
Vẻ mặt Trần Tùng Phong mệt mỏi, hẳn là trên đường đi tới đã tích tụ thời gian dài. Người nghĩ nhiều thì tâm sẽ mệt, cuối cùng không nhịn được muốn tìm một người thổ lộ, hơn nữa hắn tin tưởng nhân phẩm tính cách của Lưu Bá Kiều, cho nên chậm rãi nói:
- Tuy nói họ Trần chúng ta có quan hệ gần gũi với vườn Phong Lôi các người, nhưng con cháu họ Trần tuân thủ nghiêm ngặt tổ huấn, không dính vào ân oán trên núi dưới núi, đã giữ vững nhiều năm như vậy. Chẳng lẽ vì một quyển Kiếm Kinh chẳng khác nào gân gà đối với con cháu họ Trần, lại khiến chúng ta phải phá lệ? Họ Trần là dòng dõi trí thức chứ không phải thế gia tu hành, chen chân vào vũng nước đục này để làm gì?
Lưu Bá Kiều nương theo mạch suy nghĩ này:
- Là gia tộc của Trần Đối kia muốn thu lấy bộ Kiếm Kinh này? Chẳng lẽ nhà cô ta là gia tộc kiếm tu quyền thế hiếm thấy trên đời?
Trần Tùng Phong lắc đầu nói:
- Cũng không phải như vậy. Lúc trước huynh và Tiết quản sự có nhắc đến, họ Trần trong trấn nhỏ chia làm hai nhánh, Trần Đối thuộc về nhánh ban đầu đã chuyển ra ngoài, đi rất dứt khoát, cũng không ở lại Đông Bảo Bình Châu mà chuyển thẳng đến châu khác. Trải qua nhiều đời sinh sôi nảy nở, vươn cành tỏa lá, hôm nay gia tộc của Trần Đối đã được khen là “nơi tập hợp tư tưởng phong cách của các nhà trên thế gian”. Đương nhiên những tin tức này chưa từng lưu truyền ở Đông Bảo Bình Châu, họ Trần quận Long Vĩ chúng ta cũng nhờ có chút ngọn nguồn với bọn họ nên mới biết được nội tình.
Lưu Bá Kiều cười nhạo nói:
- Là cô ả kia ba hoa khoác lác, hay là khi dễ Lưu Bá Kiều ta không có học vấn? Nhà cô ta có phường công đức sao? (1)
Trần Tùng Phong giơ hai ngón tay ra.
Lưu Bá Kiều xem thường nói:
- Nghe cho rõ, ta nói là phường công đức chứ không phải phường công danh!
Trần Tùng Phong không thu ngón tay lại.
Lưu Bá Kiều có phần nhận thua, nhưng vẫn không phục hỏi:
- Vậy phường học cung thư viện, nhà cô ta có không?
Cái gọi là phường học cung thư viện mà Lưu Bá Kiều nói, dĩ nhiên là ba học cung bảy mươi hai thư viện chính thống của Nho gia, chứ không phải thư viện bình thường của vương triều thế tục.
Đông Bảo Bình Châu lớn như thế, cũng chỉ có hai thư viện là Sơn Nhai và Quan Hồ.
Trần Tùng Phong chậm rãi thu một ngón tay, còn dư lại một ngón.
Lưu Bá Kiều giả vờ muốn đứng dậy, hai tay chống lên tay vịn ghế dựa, ra vẻ kinh hoảng nói:
- Ta phải mau đi xin lỗi bà cô kia, ta biết điều rồi. Với thân thế ngang ngược bất chấp lý lẽ như vậy, đừng nói là bắt Trần Tùng Phong ngươi lật vài quyển sách, cho dù bảo ngươi làm trâu làm ngựa cũng không có vấn đề gì.
Trần Tùng Phong chỉ cười không nói gì.
Có lẽ đây là sức hút đặc biệt của Lưu Bá Kiều, có thể nói về một chuyện xấu hổ ấm ức mà lại khiến đương sự hoàn toàn không tức giận.
Lưu Bá Kiều vặn vặn cái mông, hai tay khoanh trước ngực, ung dung nói:
- Được rồi, đã biết lai lịch dọa người của bà nội tổ tông kia, ngươi nói tiếp chủ đề chính đi.
Trần Tùng Phong cười nói:
- Thực ra Tiết quản sự cũng nói đáp án rồi.
Đầu óc Lưu Bá Kiều chợt sáng lên:
- Tổ tiên của thiếu niên Họ Lưu là người giữ mộ mà nhánh họ Trần của Trần Đối để lại trấn nhỏ?
Trần Tùng Phong gật đầu đáp:
- Trẻ nhỏ dễ dạy.
Lưu Bá Kiều ồ lên:
- Không đúng, Kiếm Kinh tổ truyền của nhà thiếu niên họ Lưu chẳng phải xuất xứ từ vị phản đồ của núi Chính Dương sao? Đương nhiên ông ta cũng xem như là một trong số tổ sư của vườn Phong Lôi chúng ta. Bất kể thế nào thì thời gian cũng không khớp, làm sao có thể trở thành người giữ mộ của gia tộc Trần Đối?
Trần Tùng Phong giải thích:
- Ta có thể xác định, Lưu gia ban đầu chính là người giữ mộ của gia tộc Trần Đối. Còn như sau này vì sao vị kiếm tu trốn ở vườn Phong Lôi các người lại đi đến trấn nhỏ, trở thành người của Lưu gia, còn truyền lại Kiếm Kinh, đoán rằng có một số nội tình bí ẩn. Cho nên cuối cùng đồ gia truyền đã biến thành hai món là Kiếm Kinh và giáp cục. Còn về Trần Đối, thực ra cô ấy không nhắm vào bảo vật, chỉ đến để tế tổ mà thôi. Ngoài chuyện này ra, nếu Lưu gia còn có hậu nhân, cho dù tư chất thế nào, cô ấy cũng sẽ đưa về gia tộc dốc sức bồi dưỡng, xem như báo đáp công giữ mộ của lão tổ Lưu gia năm xưa.
Vẻ mặt Lưu Bá Kiều khó tưởng tượng:
- Một gia tộc lớn như vậy lại để một cô gái trẻ đến tế tổ? Sau đó thiếu chút nữa đã bị vị phiên vương Đại Ly kia dùng một quyền đánh chết? Trần Tùng Phong, ta đọc sách không ít, mặc dù phần lớn là sách son phấn thần tiên đánh nhau trên giường, nhưng cũng nhờ đó mà lĩnh ngộ được rất nhiều đạo lý đối nhân xử thế, vì vậy ta cảm thấy cô ả kia chắc chắn là hàng giả mạo!
Trần Tùng Phong lắc đầu cười khổ nói:
- Đó là huynh không thấy sau khi ông nội ta gặp được cô ấy, đã... khách sáo ra sao.
Vì kiêng dè nên Trần Tùng Phong cũng không dám nói ra chân tướng, chỉ có thể dùng hai chữ “khách sáo” để hình dung mập mở.
Gia tộc đã mở rộng cửa nghênh đón cô ta, gia chủ vái chào đến thấp nhất, trên dưới cả tộc tôn cô ta là thượng khách, trong tiệc đón khách còn để cô ta ngồi ở vị trí chủ nhân.
Có thể tưởng tượng những chuyện này khiến Trần Tùng Phong kinh ngạc thế nào.
Lưu Bá Kiều nghi hoặc hỏi:
- Không phải thiếu niên họ Lưu kia suýt chút nữa đã bị con vượn già dùng một quyền đánh chết sao?
Trần Tùng Phong thở dài:
- Chính huynh cũng nói rồi, là suýt chút nữa.
Trần Tùng Phong đứng dậy đi tới cửa sổ, lúc này ngoài cửa gió nghiêng mưa nhỏ, nhưng nhìn sắc trời giống như sắp đổ mưa to.
Trần Tùng Phong nhẹ giọng nói:
- Vị Nguyễn sư kia hình như có quen biết với một vị bề trên của Trần Đối, đã từng cùng nhau đi lại thiên hạ, vô cùng thân thiết.
Lưu Bá Kiều thử dò hỏi:
- Ngươi muốn nói Nguyễn Cung có thể thay thế Tề Tĩnh Xuân trấn giữ nơi này, cũng có công của gia tộc Trần Đối?
Trần Tùng Phong hờ hững nói:
- Ta không nói gì cả.
Lưu Bá Kiều tấm tắc lấy làm kỳ.
Chẳng trách cô ả này đối diện với Tống Trường Kính vẫn có thể kiên cường như vậy.
Gia tộc uy thế xa tận chân trời, thánh nhân che chở gần ngay trước mắt, cô ta có thể không ngang ngược sao?
Lưu Bá Kiều đột nhiên hỏi:
- Nhắc đến chuyện đồ sứ bản mệnh và người mua sứ, ta vẫn luôn cảm thấy rất hứng thú. Chỉ tiếc vườn Phong Lôi chúng ta không chuộng việc này, lần này bị sư phụ ép tới làm lao dịch mới nghe được qua loa. Đông Bảo Bình Châu chúng ta hiện nay, hình như có mấy nhân vật đỉnh cao thanh danh hiển hách, ban đầu cũng từ trấn nhỏ này đi ra?
Trần Tùng Phong hơi do dự, cuối cùng vẫn quyết định nói hết toàn bộ, tiết lộ thiên cơ:
- Có phần tương tự với cược đá ở thế tục. Hàng năm trấn nhỏ đại khái có hơn ba mươi đứa trẻ sinh ra, ba mươi lò gốm dựa theo địa vị và thứ tự chọn một đứa trẻ làm “đồ sứ” trong lò gốm nhà mình. Ví dụ như năm nay trấn nhỏ sinh ra ba mươi hai đứa trẻ, vậy hai lò gốm xếp đầu sẽ có hai món đồ sứ. Nếu sang năm chỉ có hai mươi chín đứa trẻ mới sinh, nghĩa là lò gốm xếp sau cùng xem như cả năm không có thu hoạch gì.
- Vì vậy người sinh trưởng và lớn lên ở trấn nhỏ đều có đồ sứ bản mệnh của mình. Chẳng hạn như hai người Tào Hi và Tạ Thực danh tiếng lẫy lừng ở bản châu hiện nay, một vị có hi vọng trở thành Chân Quân Đạo giáo của Thiên Quân, một vị là kiếm tiên tự do sát lực vô tận, cả hai đều không ngoại lệ. Mặc dù so với bên ngoài thì cái ao cá trấn nhỏ này xem như rất dễ xuất hiện giao long, nhưng cái giá để hóa rồng rất lớn. Những “đồ sứ” này một khi thành công bước vào năm cảnh giới trung, nếu lúc còn sống không lên được năm cảnh giới cao, vậy thì đã định sẵn sẽ không có kiếp sau, hồn bay phách lạc, đời đời kiếp kiếp, vạn sự đều ngừng, e rằng ngay cả Đạo Tổ Phật Tổ cũng không làm gì được. Mà trong thời gian này sẽ bị người mua sứ nắm thóp điểm yếu, sống chết nằm trong tay người khác, mặc cho ngươi là nhân vật như Tào Hi Tạ Thực cũng vậy.
- Lại nói đến khi trở thành nhân vật thông thiên như Tào Hi Tạ Thực, người mua sứ sẽ cung phụng như tổ tông, nào dám tự cho mình là chủ nhân đồ sứ. Dù sao cũng là chuyện đôi bên cùng có lợi, bất cứ gia tộc nào có được chiến lực như Tào Hi Tạ Thực đều sẽ ngủ ngon giấc. Lý do rất đơn giản, chuyện nhỏ bình thường có lẽ không mời nổi xa giá của bọn họ, nhưng một khi liên quan đến tồn vong của gia tộc, bọn họ chắc chắn phải tới giúp một tay. Không muốn chiến đấu cho gia tộc của ta, được thôi, vậy ta sẽ đập vỡ đồ sứ bản mệnh của ngươi, mọi người ngọc đá cùng tan là được.
Lưu Bá Kiều nghe vậy liền cảm thán. Chẳng trách trong hai ba trăm năm ngắn ngủi vương triều Đại Ly đã quật khởi nhanh chóng, hình thành khí thế to lớn muốn thôn tính lãnh thổ bắc bộ một châu. Hắn nghe đến mê mẩn, bèn dứt khoát khoanh chân ngồi trên ghế dựa, bàn tay xoa cằm hỏi:
- Ta biết ở trấn nhỏ bé gái sáu tuổi và bé trai chín tuổi là một ngưỡng cửa lớn, đạo lý giống như chúng ta tu hành vậy, khi đó có thể biết được thành tựu tu hành trong tương lai cao hay thấp. Nếu như nói đến lúc đó người mua sứ sẽ tới trấn nhỏ mang những đứa trẻ có hi vọng đi, vậy những đồ sứ không ra hồn kia thì sao? Những đứa trẻ trong trấn nhỏ đánh cược thua, đồ sứ bản mệnh của chúng không còn đáng giá, các lò gốm lớn sẽ xử trí thế nào?
Trần Tùng Phong nhẹ giọng nói:
- Sẽ bị mang ra khỏi lò gốm, đập bể vứt bỏ ngay tại chỗ, ngoài trấn nhỏ có một ngọn núi sứ là bắt nguồn từ đây.
Trong lòng Lưu Bá Kiều loáng thoáng cảm thấy không vui, hỏi:
- Kết cục của những đứa trẻ kia thế nào?
Trần Tùng Phong lắc đầu nói:
- Chưa từng nghe nói, có lẽ cũng không tốt bao nhiêu.
Lưu Bá Kiều thở dài, đưa tay dụi mạnh vào má.
Quy củ bí mật này do thánh nhân các phương tự định ra, một kiếm tu vườn Phong Lôi nho nhỏ như hắn chẳng thể nào xen vào được.
Nhưng người trẻ tuổi vẫn cảm thấy hơi khó chịu.
Sau khi im lặng một lúc lâu, cuối cùng Lưu Bá Kiều nhẹ giọng nói:
- Nói như vậy, những người từ nơi này đi ra đều là tốt qua sông.
Trần Tùng Phong nói theo:
- Trên đường tu hành có ai không như vậy?
Trong lòng Lưu Bá Kiều ngổn ngang tâm sự, gật đầu nói:
- Cũng đúng.
- --------
Cửa nhà kêu một tiếng khẽ mở ra, thiếu niên giày cỏ sắc mặt hơi tái rón rén bước qua ngưỡng cửa, xoay người nhẹ nhàng đóng cửa gỗ lại.
Hắn cũng học theo lão Dương, mang một ghế đẩu nhỏ tới ngồi trên bậc thềm. Hạt mưa lớn như hạt đậu nành, sắc trời mờ mịt như đêm tối. Một trận mưa lớn như vậy, chẳng biết tại sao hạt mưa bắn vào dưới mái hiên lại không nhiều, ông lão đã ngồi rất lâu nhưng trên quần áo cũng chỉ dính một chút hơi nước mà thôi. Mười ngón tay Trần Bình An đan vào nhau, yên tĩnh nhìn ao nước nhỏ trong sân do nước mưa tạo thành.
Ông lão rít thuốc lá, khói mù tràn ngập chung quanh, nhưng khói mù dưới mái hiên và màn mưa bên ngoài lại giống như nước giếng không phạm nước sông.
Giống như trong trời đất tồn tại một ranh giới không nhìn thấy.
Nguyên nhân lớn nhất mà ông lão không ghét đứa bé này, đó là bất kể trong tình huống nào nó cũng sẽ không tùy tiện kêu la, không ồn ào đến mình, nếu có thể không cần lên tiếng làm phiến phiền người khác thì nó chắc chắn sẽ không mở miệng.
Điểm này của đứa bé rất giống với đồ đệ Lý Nhị.
Trịnh Đại Phong còn kém quá xa.
Trần Bình An nhẹ giọng nói:
- Dương gia gia, nhiều năm như vậy, cám ơn ông.
Ông lão nhíu mày nói:
- Cám ơn ta? Nếu như không nhớ sai, trước giờ ta chưa từng giúp ngươi không công, có lần nào thiếu thù lao à?
Trần Bình An cười cười.
Giống như năm xưa lão Dương đồng ý để mình lên núi hái thuốc cho tiệm Dương gia, sau đó mua với giá thấp, đồng thời cũng bán rất nhiều thảo dược trong tiệm với giá thấp cho Trần Bình An. Nhìn như công bình, nhưng trong lòng Trần Bình An biết rõ đây mới là giúp đỡ thực tế nhất.
Còn có một tẩu thuốc bằng trúc tự chế, đáng được mấy đồng tiền?
Nhưng Trần Bình An có thể kiên trì nhiều năm như vậy, quanh năm suốt tháng không bệnh không tai, một phần lớn là nhờ phương pháp hít thở mà năm xưa lão Dương truyền thụ.
Ông lão ngẩng đầu nhìn lên trời, cười nhạo nói:
- Người khác bố thí cho một chút ơn huệ nhỏ thì đã xem là Bồ Tát cứu khổ cứu nạn, nhất là nhân vật lớn moi ra một chút cặn bã trong kẽ răng thì đã đội ơn đội nghĩa. Thậm chí chính mình cũng có thể bị tấm lòng son của mình làm cảm động, cảm thấy mình là người biết ơn biết báo đáp, là một trung thần nhà nho chính gốc, là môn sinh đắc ý của người nào đó, lời hay ý đẹp gọi là kẻ sĩ chết vì người tri kỷ. Một đám khốn khiếp quên gốc, ngay từ đầu chúng đã không nên bò ra khỏi bụng mẹ...
Trần Bình An gãi gãi đầu, hơi thấp thỏm, không biết có phải lão Dương đang nói mình hay không.
Ông lão dời mắt đi, thờ ơ nói:
- Không phải nói ngươi.
Trần Bình An đột nhiên nhìn thấy một bóng dáng quen thuộc, hơi sững người ra.
Cửa sau nhà chính có một hành lang dưới mái hiên, một vị nho sĩ trung niên tóc mai như sương đi đến, một tay cầm ô còn một tay xách ghế dài, sau khi băng qua cửa hông thì đặt ghế dài ở hành lang. Ông ta ngồi xuống, đặt chiếc ô bằng giấy dầu dựa nghiêng vào ghế, sau đó hai tay vỗ vỗ đầu gối, tư thế ngồi nghiêm trang. Cuối cùng mỉm cười nhìn về phía ông lão và thiếu niên dưới mái hiên nhà chính hậu viện, nói nhỏ nhẹ:
- Tề Tĩnh Xuân của thư viện Sơn Nhai bái kiến Dương lão tiên sinh.
Đôi giày dưới chân nho sĩ đã bị nước mưa thấm ướt, dính bùn lầy, vạt áo bào cũng vậy.
Tư thái ông lão nhàn hạ, dùng tẩu thuốc chỉ vào vị thánh nhân vùng này:
- Ngày đầu tiên ngươi tới, ta đã biết ngươi là một kẻ không thực hiện được chí nguyện, nhưng nhiều năm như vậy vẫn không nghe ngươi oán trách câu nào, đó cũng là chuyện lạ. Tề Tĩnh Xuân ngươi không giống như người biết nhịn nhục, cho nên lần này ngươi liều lĩnh như vậy, có lẽ người bên ngoài cảm thấy khó hiểu, nhưng ta thì lại không thấy kỳ lạ chút nào.
Tề Tĩnh Xuân đưa tay phủi phủi bụng, mỉm cười nói:
- Oán trách thì có, đầy cả một bụng, chỉ là không nói ra miệng mà thôi.
Lão Dương ngẫm nghĩ:
- Ta không rõ bản lĩnh của ngươi, nhưng thầy giáo của ngươi đã dám nói ra bốn chữ kia, trong mắt ta có thể xem là thế này.
Ông lão giơ ngón cái lên.
Tề Tĩnh Xuân cười khổ nói:
- Thực ra học vấn của ông ấy còn lớn hơn.
Ông lão cười nhạo nói:
- Ta không phải là người đọc sách, dù học vấn của thầy giáo ngươi lớn hơn cả chí thánh tiên sư, ta cũng sẽ không khen lão nửa câu.
Tề Tĩnh Xuân nghiêm nghị hỏi:
- Dương lão tiên sinh, ngài cảm thấy bốn chữ mà thầy giáo tôi nói mới đúng sao?
Ông lão cười ha hả nói:
- Ta không cảm thấy đúng, chỉ là tất cả đám người áo mũ trên thế gian đều tin thờ bốn chữ trước đó, khiến cho ta nhìn thấy bực bội. Cho nên khi có người làm trái lại, ta liền cảm thấy hả giận, chỉ thế mà thôi. Người đọc sách các ngươi tự mình lên lôi đài, đấu đá giống như trí thức đi quét rác, lông gà bay đầy đất, ta lại rất cao hứng!
Tề Tĩnh Xuân cười nghẹn ngào.
Tề Tĩnh Xuân vừa muốn nói chuyện, ông lão đã hiểu ý khoát tay nói:
- Đừng nói mấy lời khách sáo, ta không thích nghe. Chúng ta cũng không phải là người chung đường, các đời đều như vậy, đừng phá hư quy củ. Hơn nữa hôm nay Tề Tĩnh Xuân ngươi là chuột qua đường người người hô đánh, ta cũng không dám bám víu vào ngươi.
Tề Tĩnh Xuân gật đầu, đứng dậy vẫy tay nói với Trần Bình An:
- Đã dùng đá mật rắn mà ngươi tặng khắc thành hai con dấu, một chữ lệ và một chữ tiểu triện, tặng cho ngươi.
Trần Bình An đội mưa chạy qua khoảng sân như ao nước, đứng trước người Tề Tĩnh Xuân, nhận lấy một túi vải trắng.
Tề Tĩnh Xuân mỉm cười nói:
- Nhớ cất kỹ. Sau này nếu thấy tranh chữ mà mình ngưỡng mộ, chẳng hạn như một số tranh vẽ địa thế núi sông phong cách không tầm thường, có thể lấy con dấu ấn lên đó.
Trần Bình An mù mờ gật đầu nói:
- Được.
Lão Dương liếc nhìn cái túi trong tay thiếu niên, hỏi:
- Chữ Xuân kia thì sao?
Tề Tĩnh Xuân cười nói:
- Trước kia đã khắc một con dấu, đưa cho một đứa trẻ Triệu gia.
Ông lão cười nói:
- Tề Tĩnh Xuân Ngươi là Thiện Tài đồng tử à?
Tề Tĩnh Xuân nghe được lời chế nhạo của ông lão cũng không để bụng, cáo từ rời đi.
Nhìn thấy thiếu niên vẫn đứng yên tại chỗ như khúc gỗ, lão Dương vừa bực vừa buồn cười nói:
- Cầm đồ của người ta xong lại muốn tung tăng về nhà chui vào chăn cười lén à? Không biết tiễn Tề tiên sinh sao?
Thiếu niên vội vàng chạy về phía cửa sau nhà chính. Ông lão cười mắng:
- Mang theo ô! Hiện giờ thân thể của ngươi chịu nổi mưa to gió lớn như vậy sao?
Trần Bình An mượn một chiếc ô từ người phục vụ trong tiệm, chạy theo kịp Tề tiên sinh, cùng đi trên đường lớn.
Ông lão vẫn ngồi dưới mái hiên rít thuốc lá, khói mù lượn lờ.
Nhớ tới hai con dấu kia, mặc dù vẫn nằm trong túi, nhưng lão Dương đã phát giác được đầu mối trong đó, cho nên mới hỏi về chữ “Xuân”.
Giữa một tấc vuông lại rất nguy nga.
Không lâu sau thiếu niên giày cỏ trở về. Lão Dương hỏi:
- Cuối cùng đã nói gì?
Trần Bình An thở dài, ngồi trở lại ghế đẩu nhỏ:
- Tề tiên sinh nói một câu, quân tử có thể bị lừa gạt bằng cách hợp tình lý.
Lão Dương phiền muộn nói:
- Đám lão già đứng trong văn miếu kia đầu óc bị hỏng rồi à, rõ ràng có người đang nhằm vào thư viện Sơn Nhai và Tề Tĩnh Xuân, nhưng bọn họ vẫn khoanh tay đứng nhìn, thật xem mình là vật chết như tượng đất sao?
Trần Bình An không nghe rõ, bèn hỏi:
- Dương gia gia, ông nói gì?
Ông lão im lặng không lên tiếng.
Hay cho một kẻ không làm thánh hiền mà làm quân tử.
- --------
Chú thích:
(1) Một vật được xây dựng để đại biểu cho người hiền ở các làng mạc được gọi là phường, như phường trung hiếu, phường tiết nghĩa...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.