Kiếp Nào Mình Bên Nhau

Chương 17: Bỏ em lại thế gian




Hai tháng sau, Châu cùng cha mẹ Nhung đưa cô trở về nhà.
Lăn bánh xe lăn vào bên trong, ngắm nhìn lại ngôi nhà thân thuộc mà mấy tuần liền Nhung xa cách. Trên nắp kệ, hương gỗ trầm ngào ngạt tỏa ra làm ấm cả một gian.
“Mẹ có mua rất nhiều đồ tốt để tẩm bổ cho con.” Rồi bà Năm quay sang Châu. “Châu à! Lát hồi con cũng ở lại ăn cơm với gia đình cô nha.”
“Dạ thôi cô, con chỉ đưa Nhung về thôi à.”
“Có gì đâu mà khách sáo. Cũng là cho cô chú gởi lời cảm ơn đến con đã chăm nom Châu thời gian qua.”
“Dạ… vậy con xin phép làm phiền gia đình cô.” Châu ngượng ngùng đáp.
“Trời đất ơi! Có gì đâu mà phiền.” Bà sợ cô lại ngại nên cứ nói thêm vào.
Bất chợt giọng của Nhung cắt ngang cuộc trò chuyện giữa hai người, điệu bộ ra vẻ thắc thỏm.
“Anh hai đã xuất viện về chưa cha mẹ? Tình hình anh sao rồi? Sao suốt hai tháng qua con không hề biết một chút tin tức gì về anh vậy?”
Bà Năm ậm ừ.
“Có phải gia đình giấu con chuyện gì không? Anh hai con…” Nhung dồn dập hỏi, lồng ngực cô bắt đầu đánh trống không ngừng.
“Gia đình định đưa con về xong rồi mới thông báo.”
Bà Năm đi vào một góc gần dưới chân cầu thang, cầm di ảnh của Huy chần chừ mãi chưa dám bước ra. Bà nhớ lại lúc gặp Châu và trò chuyện cùng cô lúc sớm mơi.
“Cô à, có nên cho Nhung biết sự thật không cô? Con sợ Nhung không chịu nổi cú sốc quá lớn này đâu.” Châu nói.
“Cô cũng không biết nó sẽ phản ứng thế nào nữa.”
“Con thấy từ khi Nhung biết mình bị liệt hai chân, tâm lý đã có chút bất ổn.”
Bà nghe cô nói vậy, chỉ biết thở dài, sớm từ trước bà đã thấy biểu hiện bất thường của con gái. Một người đang có cuộc sống bình thường bỗng dưng trở nên tật nguyền, thì làm sao có thể chấp nhận được điều tồi tệ đó.
“Trước sau gì cũng nên cho nó hay.”
Thấy bà Năm lâu chưa trở ra, Hồng Nhung cho chiếc xe tự động chạy đến chỗ sau chân cầu thang, mặc trước đó đã bị Châu và ông Năm ngăn cản. Đập vào đôi mắt Nhung là chiếc bàn thờ còn phủ màu của vải trắng, trang nghiêm đèn, bánh và nhang khói. Lồng ngực cô căng đầy, như có một thế lực nào chèn ép đến mức hơi thở không đồng đều. Hai tay cô vịn vào xe, tận dụng hết sức bình sinh đẩy người về trước. Đôi chân vì đã mất đi khả năng chống đỡ làm cho Nhung quỵ ngay xuống đất. Cùng lúc ông Năm Thành đến kịp đỡ cô lên.
Nghe tiếng động bà Năm xoay mặt lại, Nhung còn đang sững người thì trông thấy bà ôm vào lòng tấm di ảnh. Bà không nói gì, nhưng đã khiến hai khoé mắt đỏ au của cô trào dâng nức nở.
Lúc bà mang tới, bàn tay cô run rẩy đón nhận, rồi gào thét trong nỗi đau tột cùng, hướng về ông Năm, rồi qua Châu: “Tại sao tất cả mọi người lại giấu?”
Nhung vẫn ngồi bệt dưới sàn, vòng bàn tay lạnh lẽo ôm lấy di ảnh như thể ôm lấy hình hài mà giờ đây chỉ còn lại tàn dư bụi trắng. Bàn tay ấm áp của anh khi xưa đâu rồi, sao không vòng qua đáp lại, mà chỉ mỗi mình cô lặng lẽ thương tiếc bóng hình anh.
Anh ra đi đột ngột đã để lại nỗi đau không thể nào nguôi với những người thân trong gia đình anh.
Nhung gục xuống, mái tóc dài đã che đi mất một nửa khuôn mặt: “Tại sao lại như vậy? Tại sao anh hai lại chết? Anh đã lỗi lầm gì mà sao lại cướp mất đi anh của tôi…”
Mẹ Nhung ôm chầm đứa con gái đáng thương, giọt lệ bà đã rơi: “Không có cách nào cứu được anh con nữa. Nó chết ngay tại nơi xảy ra tai nạn.”
Thật sự nếu một đứa trẻ mất đi cha hoặc mẹ thì người ta gọi nó là đứa trẻ mồ côi, đàn ông mất vợ thì gọi là goá, phụ nữ mất chồng thì gọi là quả phụ, nhưng có biết tại sao không có tên gọi nào dành cho những người cha, người mẹ bị mất con? Ðó là vì không có một từ ngữ nào đủ để miêu tả về nỗi đau đó cả. Không một từ nào…
Hồng Nhung hỏi thì hay biết ra, đoạn đường mà anh lái xe chở cô ngày hôm đó, có công trình đang thi công bên vách núi. Còn vật hình chữ nhật cướp đi tính mạng của anh là một chiếc bàn chông.
Cô đeo trên trán chiếc khăn trắng, lòng đau đớn day dứt vì đã chậm trễ. Nhờ người thay sang chiếc âu phục màu đen, dẫu sao nó cũng trịnh trọng hơn tất cả. Nhung ngồi bên trong chánh điện của một ngôi chùa mà nhà đã gửi tro cốt anh, gập đầu khom lưng thực hiện bốn lạy bốn vái.
Gia đình cô vì cái chết của anh mà tiến hành khởi kiện chủ thầu công trình. Vụ kiện kéo dài cũng lên tới nửa năm nhưng hồ sơ vẫn chưa được khép lại. Bởi cảnh sát điều tra đã trao toà án rất nhiều chứng cớ, khiến ai cũng nghĩ đó là tai nạn ngoài mong muốn nhưng thực chất ra là giết người có chủ đích.
Ngày công bố sự thật, cả gia đình, dòng họ Nhung ngỡ ngàng, không biết trước kia đã từng gây thù chuốc oán với ai, mà lại khiến người ta ra tay tàn nhẫn với con cháu trong nhà mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.