Kiều Nam

Chương 36:




Sau khi từ trên núi về. Cẩm Tiêu càng lúc càng dính người. Nhưng thật ra là y đang sợ.
Vốn đã nhát rồi này càng thêm nhát gan hơn, ví dụ như nghe tiếng gió thôi cũng giật mình.
Đi tắm cũng phải rủ Giản Húc tắm cùng, đi tiểu đêm càng phải gọi hắn theo.
Giản Húc bất lực, trong bất lực là sự dung túng đầy kiên nhẫn.
Có đêm Cẩm Tiêu đau bụng, lại chẳng nỡ gọi tỉnh Giản Húc, lại không dám đi một mình nên cứ cố nhẫn nhịn, dù đau dù vội đến mấy cũng phải nhịn.
Nếu không phải Giản Húc tai thính ngủ nông nghe được tiếng sụt sịt từ cậu, có lẽ cậu có thể thức trắng đêm và nhịn đến sáng.
Cũng do vậy mà Giản Húc vừa tức vừa bất lực, hắn nhéo hai vên má mềm trắng trẻo của Cẩm Tiêu mà rằng, sau này có bị đau bụng hay mắc tiểu không dám đi một mình thì phải gọi hắn, đừng có nhịn làm gì.
Cẩm Tiêu chỉ bĩu môi lúng búng nói em biết rồi.
Thôn Sơn Giang không đông dân, số lượng trẻ đi học rất ít.
Và có một điều Cẩm Tiêu thấy xót cho ba đứa trẻ thường hay đến trường dưới núi để đi học. Dù ngày mưa gió bão, dù nắng nóng chói chang đến mấy, ba bạn nhỏ vẫn siêng năng đến trường.
Có một lần Cẩm Tiêu bắt gặp một bạn nhỏ trong ba đứa hay đến trường học bị sốt, dù nhóc ta lơ mơ đau đầu thế nào cũng cố chấp phải đến được lớp. Một là vì cha mẹ không cho nghỉ vì nghĩ chẳng có gì nặng, hai là do nhóc hiểu chuyện không muốn làm cha mẹ buồn bực, dẫu sao học phí để đến trường đối với gia đình họ là rất lớn. Nghỉ một ngày là lãng phí một ngày học tập.
Nhưng đường đến trường rất xa. Đường đi thì gập ghềnh, vượt đèo vượt sông phải mất hơn một hai tiếng mới tới được trường.
Bọn nhỏ phải đi từ sáng đến chiều tối rồi mới về.
Có hôm học sáng và chiều, bọn nhỏ phải tự mang đồ ăn theo để trưa ăn. Nói là đồ ăn thật ra chỉ là một hai nắm cơm trắng đã nguội, lúc không có cơm ăn bọn nhỏ sẽ mang bánh bột hoặc trái bắp đã luộc chín. Cũng có lúc không có một món nào để mang theo cả.
Học phí quá đắt đỏ so với gia đình nghèo khó, nhưng dẫu vậy người lớn cũng hiểu biết chút ít, học để có tương lai, mai sau có biết đọc biết chữ cũng có thể lên trấn hoặc lớn lao hơn là lên thành phố kiếm sống tìm việc.
Con cái biết đọc sách hoặc nếu mai sau có may mắn lên thành phố, gia đình hay họ hàng cũng có mặt mũi hơn.
Điều đó tất nhiên là đáng tự hào hơn là cứ ở một nông thôn hẻo lánh, chân lấm tay bùn cặm cụi làm nông làm ruộng như họ.
Cẩm Tiêu lôi hành lý dưới gầm giường, mở ra thì toàn là sách vở, thước và bút. Cậu lấy quyển sách, nhẹ nhàng vuốt ve mặt bìa đã sờn cũ.
Cậu chỉ hoàn thành xong chương trình học cấp hai, song điều này cũng khiến bao người nơi nông thôn phải ngưỡng mộ. Bởi con cái họ muốn học cũng chẳng được, dù có học cũng chẳng gánh nổi học phí, rồi học cao nhất cũng chỉ được lớp 4, lớp 5 mà thôi.
Trong khi người trên trấn rồi thành phố lớn đã học lên cao học đại học xong xuôi lại tiếp tục học lên tiến sĩ.
Cẩm Tiêu ngồi trên ghế, mở trang sách yên tĩnh đọc.
Mong rằng một nơi lạc hậu nghèo khó nơi đây sẽ có một người học lên đại học.
Mong rằng thôn làng nhỏ sẽ có một ngôi trường cho bọn trẻ đi học.
Một ngôi trường…
Cẩm Tiêu ngưng động tác lật trang, nếu như có một ngôi trường vậy bọn trẻ có đến lớp không? Người lớn trong nhà có chịu cho con cái đến lớp?
Cẩm Tiêu đứng dậy chạy tìm Giản Húc đang tập hít xà đơn ở sân sau.
“Anh ơi, nếu thôn ta có nhiều đứa trẻ muốn đến lớp nhưng trường quá xa thì có khả năng được lãnh đạo xây cho trường học không?”
Giản Húc nhẹ nhàng buông tay nắm xà đơn, chân chạm đất lại chẳng phát ra tiếng. Hắn đi đến cạnh Cẩm Tiêu rồi hôn cậu một cái trước rồi mới nói:“Điều này phải xem ý lãnh đạo thôi.”
Hắn cởi trần thân trên, giờ đây nó đẫm mồ hôi, cơ thể cương tráng nam tính càng thêm gợi cảm cuốn hút trong bộ dạng nửa trần.
Cẩm Tiêu chọt cơ bắp của Giản Húc, “Nghe không đơn giản xíu nào.”
Giản Húc nắm lấy ngón tay thanh mảnh nghịch ngợm của ai kia khẽ cắn vào miệng, “Hiển nhiên là vậy rồi.”
“Nhưng nếu em gặp được lãnh đạo sở giáo dục, em nghĩ em sẽ nói gì với họ?”
“Nếu gặp được à?” Cẩm Tiêu ngẫm nghĩ, “Em muốn nói với lãnh đạo hoàn cảnh khó khăn của các em khi đến trường, và một số em cũng muốn được đi học nhưng trường lại quá xa, đường đi thì khó khăn, lúc học thêm buổi chiều cũng đã muộn, việc học sáng và chiều vốn đã quá sức với mấy đứa trẻ, mà giờ về nhà cũng là lúc bọn trẻ đã đói lả, đường về thì xa, đến khi tới đường thôn trời cũng tối rồi.”
Cậu nói rất nhiệt huyết rất trôi chảy, nói một cách xúc động. Câu nào câu nấy đều nhắc về việc đến trường khó khăn của bọn trẻ.
Giản Húc mỉm cười nghe Cẩm Tiêu nói, thầm nghĩ bụng sao bé Tiêu nhà hắn giỏi thế, bộ dạng nói này nghe mặc dù hay, hay như một bài văn mẫu. Nhưng hoàn cảnh của bọn trẻ quả thật giống như lời Cẩm Tiêu nói.
Bây giờ nếu muốn có một ngôi trường, vậy số người muốn học cũng phải nhiều hơn.
Mà đa số người dân lại mang theo tâm lý bài trừ việc đến trường của con em mình. Thứ nhất vì nghĩ đến trường rất tốn tiền, người làm nông cả năm chẳng kiếm được bao nhiêu như họ sao nỡ xài tiền để nộp học phí cho con? Cơm ăn áo mặc bọn họ còn chẳng có nữa là.
Thứ hai là trường rất rất xa, đứa con nhỏ phải leo trèo vượt sông núi mới tới đích đến trường, nghĩ thôi đã thấy rất khổ và rất mệt rồi. Và sẽ rất nguy hiểm nếu bọn trẻ trở về quá muộn.
Thứ ba cũng vì việc đồng áng nhiều, vậy nên để con mình ở nhà phụ việc còn hơn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.