Kim Sơn Hồ Điệp

Chương 55: Vịnh San Francisco (5)




Khi Hoài Chân thức giấc, lửa trong lò sưởi chỉ vừa mới tắt. Trên ghế sofa chẳng còn ai, cô chỉ thấy mỗi chiếc giỏ đặt trên bàn, bên trong có ổ bánh nướng và một chai sữa.
Có lẽ Hoài Chân ngủ dậy trễ hơn giờ ăn sáng gần hai tiếng, nên khi cô đưa bánh vào miệng thì ổ bánh đã khô rang khô rốc.
Đúng lúc McLean đi qua ban công, cách ô cửa sổ lên tiếng chào cô. Cô lập tức đứng dậy, kéo cửa ra hỏi anh ta về hai cô gái tối qua.
“Đang bị giam trong tầng một ở doanh trại, quý cô đáng yêu của tôi à.”
“Nghe nói phải đợi liên lạc với cha của cô gái kia hả?” Cô dò xét hỏi.
“Cô gái ấy có tên của người liên lạc, sáng nay bà ta đã ngồi phà đến đây ghi lời khai rồi. Nhưng người này chỉ là nhân viên của hội quán Trung Hoa, phụ trách đón người Hoa đến trạm tàu hỏa thôi.”
“Vịgiáo sư kia có liên lạc lại không?”
McLean lắc đầu, “Đúng là bất hạnh.” Anh ta có vẻ không đành lòng bèn bổ sung, “Có điều đã liên lạc được với mẹ của cô gái kia, là em gái của giáo sư nọ. Vị phu nhân này bày tỏ một tuần sau có thể đến đảo Thiên Thần.”
Hoài Chân nhìn màn trời đen ngòm đối diện phòng, ngẩn ngơ một lúc.
Sau đó lại hỏi anh ta, “Bữa sáng của các cô ấy cũng là bánh mì mềm à?”
“Nữ tù phục vụ lao động sẽ thay phiên nấu đồ ăn cho người Hoa trong doanh trại. Tôi nghĩ sẽ có mì sợi đấy. Nhưng cũng chưa chắc, có lúc có người lười biếng…”
“Tôi có thể đi thăm hai người họ không?”
McLean nhíu mày, có vẻ khó khăn, “Có lẽ cần hỏi ý kiến của Ceasar trước đã, bây giờ cậu ấy đang thẩm vấn trong văn phòng, chắc phải chờ thêm nửa tiếng nữa.”
Hoài Chân gật đầu, “Tôi biết rồi.”
McLean đang định rời đi, quay đầu nhìn thấy trong giỏ vẫn còn dư bốn ổ, bèn hỏi cô, “Tôi vất giúp cô nhé?”
Cô lắc đầu, ôm giỏ bánh vào trong ngực, nói, “Cám ơn. Nhưng tôi muốn giữ chúng lại.”
McLean nhìn chằm chằm chiếc giỏ, im lặng.
Mấy phút sau, anh ta thay đổi ý định, giơ chìa khóa trong tay với cô: “Đi nào, tôi dẫn cô đi trước rồi thông báo với Ceasar sau. Có điều đừng để lộ đấy.”
Tòa nhà hành chính được xây dựng trên một sườn đồi phía sau trạm nhập cư 50 mét, địa hình khá cao, băng qua sân giữa rồi đi lên bậc thang mấy chục cấp thì mới đến tầng một của tòa nhà.
Vì phụ nữ người Hoa đến Mỹ ít hơn so với đàn ông, nên những người phụ nữ không thông qua đảo Thiên Thần đều bị giam giữ trong mấy căn phòng ở cuối tầng một, còn các phòng lớn ở tầng hai được bố trí cho đàn ông người Hoa. Phòng nào trống thì dùng làm phòng bếp với phòng tắm, có thêm một phòng nhỏ dùng để sinh hoạt, có thể chơi cờ hoặc thư giãn gân cốt.
Phòng đầu tiên khi bước vào là phòng kiểm dịch. Lúc Hoài Chân và McLean đi vào, đúng lúc gặp hai mươi thiếu niên người Hoa vừa tắm xong, đi theo cảnh sát ở trạm di trú vào phòng để kiểm dịch bệnh truyền nhiễm. Bọn họ ở trần, có người mặc khố vải màu trắng, lại có người chưa kịp mặt quần vào. Bất chợt trông thấy có con gái đi vào, mấy chàng trai mười ba mười bốn tuổi giật mình vội vã giơ hai tay che lại bộ phận quan tọng, xấu hổ nấp ra sau lưng người ta.
Vừa vào cửa đã bất ngờ gặp nhiều cậu chàng trần truồng như thế, Hoài Chân cũng sợ chết khiếp, chỉ biết giả vờ như gặp vài cảnh đời, mắt nhìn thẳng đi theo McLean vào hành lang.
Hoài Chân hỏi: “Tầng này không có phụ nữ à, vì sao không để bọn họ mặc quần áo tử tế?”
McLean ngoái đầu nhìn, “Ồ, vì áo quần của bọn họ quá bẩn. Người càng lúc càng đông, quần áo sạch không dùng đủ.”
Hoài Chân còn đang muốn nói gì đó, thì bất chợt trông thấy cuối hành lang âm u, có một người phụ nữ da trắng tinh thần phấn chấn đứng ngoài cửa phòng giam.
McLean lập tức tiến đến, trò chuyện đôi câu với bà ta.
Người phụ nữ da trắng mở cánh cửa gỗ nặng nề ra, lúc này Hoài Chân mới biết, có mặc quần hay không không phải là chuyện gì to tát ở đây: trong phòng giam chưa đến 40m² là giường ba tầng đặt sát nhau, ở giữa chỉ chừa lối đi chỉ vỏn vẹn đủ cho một người đi dọc, gần như không có không gian để xoay người.
Người phụ nữ giữ cửa đi vào cuối cùng, dẫn hai người đi vào sâu trong phòng, vì đi cuối nên cũng dễ ra ngoài hơn.
Gần như mỗi giường ngủ đều có một người phụ nữ quốc tịch Trung Hoa. Vì không có quá nhiều không gian hoạt động, nên bọn họ chỉ ngồi trên giường ăn sáng hoặc làm đồ thủ công. Đa số bọn họ trông khá đần độn, có lẽ vì có người lạ đi vào nên hầu như trong phòng không ai nói chuyện. Ánh mắt khiếp đảm của bọn họ thật đáng thương, lại mang theo đầy hy vọng nhìn hai người. Hoài Chân thấy ít nhất có không dưới mười đôi mắt khóc sưng húp.
Trần Mạn Lệ và Lưu Trân Linh nằm sát tới mức giữa cả hai không đủ không gian kê thêm một người. Trần Mạn Lệ nằm ở giường dưới, Lưu Trân Linh ngủ ở bên trên. Người hầu đi theo hai người họ không có ở đây, nghe nói vừa bị gọi sang đối diện thẩm vấn.
Hoài Chân ngẩng đầu, liếc thấy trên bức tường gỗ sau lưng Lưu Trân Linh có khắc một bài thơ bằng chữ phồn thể, có lẽ là do cô gái bị giam trước đó khắc lên:
“Quy củ đất Mỹ như hổ chực, nhốt người trong phòng thực bí bách
Tạm giam hậu thẩm mệt biết bao, chim rơi vào lồng đúng xui xẻo
Thảm thiết tới mấy nào dám kể, oán trời oán đất chẳng ai thưa
Vượt qua ải khổ Kim Môn này, nếm trải vị đắng hận bôn ba.”
Trần Mạn Lệ nghiêng người kéo khăn tay, vừa thấy Hoài Chân thì ngồi bật dậy.
Sắc mặt Lưu Trân Linh cũng không tốt lắm, tái mét nằm trên giường, đưa gò má về phía Hoài Chân, đột nhiên hỏi: “Sinh ra ở California, trời sinh đã hơn người Trung Quốc một bậc. Và cũng trời sinh thấp hơn người da trắng một bậc.”
Quả thật Hoài Chân không biết phải tiếp lời thế nào, chỉ liếc cô ta mà nói, “Tôi sinh ở Trung Quốc.”
Rồi cô dùng giọng Tứ Xuyên nhẹ nhàng hỏi Trần Mạn Lệ: “Ăn sáng chưa?”
Cô ấy lắc đầu, “Họ nói không nấu phần của chúng tôi.”
Hoài Chân đưa giỏ bánh cho cô.
“Cám ơn.” Trần Mạn Lệ nhận lấy rồi liếc mắt nhìn lên giường trên, nói, “Tôi không gọi cô ấy được. Không biết cô ấy có sao không, tối qua khóc cả một đêm, cô hỏi giúp tôi có được không?”
Hoài Chân gõ lên ván giường, “Ăn ít bánh nướng đi.”
Bên trên hổn hển nói, “Tôi không ăn, để cho bọn họ đi…”
Hoài Chân nghĩ ngợi rồi bảo, “Trạm di trú đã liên lạc với mẹ cô rồi, tuần tới bà ấy sẽ đến đây.”
Một lúc sau có tiếng nức nở vang lên: “Tôi… đau bụng quá.”
“Ăn đồ hư hả?”
“Không phải…” Giọng cô ấy càng lúc càng nhỏ.
Hoài Chân hỏi Trần Mạn Lệ, “Cô có thấy cô ấy ăn gì không? Cô ấy nói đau bụng.”
Trần Mạn Lệ a lên, “Có phải quỳ thủy đến không?” Nói rồi cô ấy mở hòm trúc ở cuối giường ra, tìm ra một chiếc băng thêu vệ sinh thêu hình Tứ Lang Thám Mẫu, gõ lên giường trên nhét vào tay Lưu Trân Linh.
Lưu Trân Linh nhìn trong tay, tức giận vung tay ném đi, “Tôi không cần thứ cổ lỗ sĩ này…”
Hoài Chân sợ hãi giơ tay bắt lấy, không để băng thêu vệ sinh rơi xuống sàn bẩn.
Trần Mạn Lệ ấm ức, “Đồ mới mà, tôi còn không nỡ dùng.”
Hoài Chân thay cô ấy chuyển đạt ý lại cho người giường trên, mãi không nghe thấy động tĩnh thì nói tiếp, “Nếu cô không cần, trước khi mẹ cô đến thì cũng không ai lau giường cho cô đâu.”
Cô ấy nhỏm người dậy nhìn Hoài Chân, cơn giận đã xẹp đi phần nào, “Thế… cô đưa nó đây.”
McLean không hiểu các cô gái nói gì, cũng không biết tấm vải thêu kia dùng để làm gì, vẫn đứng lù lù một bên đợi. Lưu Trân Linh cầm băng vệ sinh, ấm ức nhìn người cao to kia, mở to miệng song lại lúng túng không biết nói sao. Hoài Chân thấy thế thì lập tức đứng dậy, định cùng McLean rời khỏi phòng giam.
Nhưng vừa xoay người thì nghe thấy phía sau gọi, “Đợi đã.”
Rồi cô nghe thấy Trần Mạn Lệ hỏi, “Nếu tôi bị nổ giấy, có phải cô ấy có thể về nhà ngay đúng không?”
Đột nhiên Hoài Chân sững sờ.
Nổ giấy là tiếng lóng Quảng Đông ám chỉ việc ‘người con giấy tờ’* mạo danh là người Mỹ gốc Hoa bị bại lộ, làm sao cô ấy biết?
(*Người con giấy tờ/paper sons là thuật ngữ dùng để chỉ những người Trung sinh ra ở Trung Quốc, nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ bằng cách mua chuộc gian lận các tài liệu, ghi rằng họ là con trai hoặc con gái của người Mỹ gốc Hoa đã nhận quốc tịch Hoa Kỳ.)
“Cô hiểu ý của từ nổ giấy này từ ai?”
Trần Mạn Lệ mở miệng, song không nói gì.
Hoài Chân nhìn cô ấy, không nhận được câu hỏi bèn cất bước đuổi theo McLean.
McLean lơ đãng hỏi bằng tiếng Anh, “Cô ấy gọi cô lại nói gì vậy?”
“Cô ấy hỏi tôi, có thể nhờ mua vài thứ cho cô gái ở giường trên không.”
“Thứ gì?”
“Đồ của… con gái.”
McLean không hỏi thêm.
Lòng bàn tay Hoài Chân thấm đầy mồ hôi, lúc này cô còn căng thẳng hơn khi đi qua trạm hải quan.
Tới gần mười giờ mà Ceasar vẫn chưa hết bận, anh đành nhờ McLean cùng hai cảnh sát liên bang khác đưa Hoài Chân về lại thành phố.
Lúc sắp tới phố người Hoa, đến cửa hàng O.M. Oded trên phố Columbus, Hoài Chân bảo McLean đậu xe ven đường.
Cửa hàng Oded chỉ cách phố người Hoa năm phút đi bộ. Bước xuống xe, cô chạy nhanh vào cửa hàng, dùng hai mươi đô mua hai gói băng vệ sinh Southall’ s Towels rẻ nhất, đặt trong túi giấy rồi giao cho McLean ngồi ở ghế lái, nhờ anh ta đưa về trạm di trú trên đảo Thiên Thần.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.