Kinh Thành Về Đêm (Dạ Lan Kinh Hoa)

Chương 36: Nhớ nhà cũng mong em (1)




Tạ Vụ Thanh bôn ba về Nam.
Lúc bước vào Quảng Tây, có người mang theo một phong thư, quyển sổ nhật ký cùng một chiếc đồng hồ đưa cho anh.
Đồng hồ vàng kiểu mới, cái hộp được cô dùng tơ đỏ quấn quanh mấy vòng, chắc vì lấy may mắn. Đây là thư nhà đầu tiên của cô, lưu lạc suốt hai tháng mới đến tay anh:
Anh Thanh,
Năm nay tuyết lớn, thật hối hận vì trước lúc anh đi không dẫn anh đến Điện Thái Hoà. Nơi ấy mấy năm gần đây không tổ chức điển lễ [1], cỏ dại mọc cao, khi trời đổ tuyết rất đẹp. Có điều từ lúc Hoàng đế Tốn Thanh rời đi, đã có người bắt đầu kiểm kê đồ đạc trong cung. Nghe bảo mùa thu sẽ cho xây dựng bảo tàng cổ vật và thư viện. Anh về trễ chút cũng được, vừa về kịp đến xem.
Một tướng quân, phải có đồng hồ tốt, dù va chạm thế nào cũng không hỏng, chiến cơ quan trọng, ăn uống cũng gấp gáp.
Thêm một quyển nhật ký để lại cho người thân. Ngoài ra, hải đường trong Bách Hoa Thâm Xử em đã mang về nhà rồi. Ông bác nói, tuỳ em xử lý. Mong anh cũng như hải đường, sau khi quay về, tuỳ em xử lý.
Em Vị Vị
Ngày 16 tháng Hai.
[1] Điển lễ là cách gọi những nghi thức long trọng, lễ nghi lớn được cử hành trong hoàng cung 
Thư cũng có hai mặt, ở mặt thứ hai có một hàng chữ:
Trong nhà bận rộn làm ăn, mỗi ngày gấp không thở được, hết ngày lại đêm đều bàn chuyện với bên ngoài, không nói được nhiều với anh. Mặt khác, hiện giờ thịnh hành bạch thoại [2], anh có thể thử xem, biết đâu tìm được điều thú vị mới.
[2] Bạch thoại là một hình thức sử dụng phương ngữ để viết thành văn
Tạ Vụ Thanh xoa mấy cái lên mặt sau thư, nhìn hồi lâu.
Cuối cùng cũng có một quan quân giải đáp thắc mắc của anh, quan quân tuổi trung niên kia là người chăm sóc anh lúc dưỡng thương tại Nam Dương, cũng từng nói chuyện yêu đương tân thời với con gái, bảo những sinh viên thích dùng thứ này bày tỏ nụ hôn môi.
“Ti chức chỉ từng nghe qua, đây là lần đầu nhìn thấy”. Quan quân nghiêm túc nói.

Tạ Vụ Thanh gấp thư cẩn thận.
Bằng sự hiểu biết của anh với Vị Vị, e là cô cũng có ý này.

Chỗ đóng quân của Tạ Vụ Thanh nằm trong núi.
Khi lộ trình cách nơi đóng quân chỉ còn hai giờ, xe chạy khó khăn, anh dẫn theo Bạch Cẩn Hành cùng các sĩ quan dọc theo đường núi đi bộ về phía trước, lại gặp tham mưu của trung đoàn Hai nôn nóng đuổi theo, mang đến một phần quân báo khẩn, chuẩn bị trình lên.
Nội dung quân báo ngắn gọn: Lâm Đông đích thân mang bảy vạn binh chủ lực, vây quanh khu vực rừng núi áp sát.
Tham mưu trung đoàn Hai không ngờ Tạ Vụ Thanh lại gấp quay về sớm như thế, nhất thời không biết nên vui hay buồn.
Vui chính là, thiếu tướng quân cuối cùng cũng trở lại, được cứu rồi; Buồn chính là, thiếu tướng quân đã bắt kịp kiếp nạn sinh tử.
Trận chiến lần này vô cùng hung hiểm.
Nơi đóng quân ở đây chỉ có bảy trung đoàn, không đến một vạn năm trăm binh lính, may mắn họ đều là quan quân nòng cốt tinh nhuệ, toàn bộ xuất thân từ học sinh ở giảng võ đường mà anh từng dạy, cũng xem như cấp dưới trực tiếp của Tạ Vụ Thanh.
Tạ Vụ Thanh giữ lại quân báo, nhờ tham mưu ra khỏi núi gửi một bức điện tín mới có nội dung tương tự như trên, thông báo đến những quân phiệt khu vực lân cận, nói rằng anh và Lâm Đông sẽ chiến một trận với nhau. Là trận chiến sinh tử.
“Bọn họ sẽ giúp cậu sao?” Bạch Cẩn Hành hỏi.
“Tất nhiên là không”, Tạ Vụ Thanh đáp lời, “Nhưng sẽ tranh nhau phân chia thành quả”.
Bọn họ sẽ chờ khi Tạ Vụ Thanh và Lâm Đông chiến đến ta chết ngươi sống mới đi lo liệu phân chia thành quả.
Tạ Vụ Thanh là một tướng lĩnh của quân cách mạng, không tiền nong, không mỏ dầu, không thuốc phiện, chỉ có súng pháo, nếu thất bại cùng lắm thuận lợi cho bọn họ bớt đi một người quấy nhiễu trồng thuốc phiện. Mà quân phiệt phương Nam đó giờ đều hiểu rõ đạo lý hôm nay hợp tác với quân cách mạng, ngày mai có thể trở mặt thành thù, cũng không cảm thấy tướng lĩnh cách mạng uy hiếp quá lớn. Nhưng Lâm Đông đối với bọn họ lại mang một tầng nghĩa khác, chỉ cần Lâm Đông bại trận, bất luận là binh lực hay tài sản trong phủ viện, ruộng thuốc phiện, còn có cả địa bàn chiếm đóng đều là miếng thịt béo bở người người muốn tranh.
Tạ Vụ Thanh không thể tiêu diệt hoàn toàn binh lực của Lâm Đông ngay ngày mai. Anh cần người chia chác thành quả, chặt đứt hết thảy đường lui của Lâm Đông.
Tạ Vụ Thanh đến nơi đóng quân, những trung đoàn trưởng trông thấy anh đều hoảng hốt, tranh nhau hỏi anh vì sao lại quay về?
Trận chiến này ác liệt ai nấy đều hiểu, họ nhìn Tạ Vụ Thanh tự xông vào tình thế hiểm nguy, không khỏi sốt ruột.
Tạ Vụ Thanh không nhiều lời, dẫn mọi người vào lều trại, đêm khuya thắp đèn.
Từng trung đoàn trưởng báo cáo tình hình lộ binh của quân địch. Trọng điểm là đối phương mang theo một trung đoàn pháo binh có mười tám khẩu đại pháo. Mà họ nơi này chỉ có một tiểu đoàn tầm sáu khẩu.
“Hiện tại họ đóng quân ở đâu?” Tạ Vụ Thanh hỏi.
“Bên kia bờ sông”.
“Lâm Đông là người cẩn thận, khi đến chỗ không quen thuộc, tất sẽ chờ rạng sáng mới tiếp tục hành quân”, Tạ Vụ Thanh gọi mọi người đến cạnh sa bàn, “Trước khi trời sáng, chúng ta phải vượt sông, cướp được tiên cơ”.
“Tôi cho cậu ba trung đoàn binh trấn giữ”, Tạ Vụ Thanh nói với Bạch Cẩn Hành trước, “Nắm lấy hai vạn binh ở cánh tả của Lâm Đông”, anh chỉ vào chỗ rừng núi trên sa bàn, “Không cần trực diện đối địch, cứ bám theo bọn họ. Cậu mang một trung đoàn tham mưu đi, họ quen thuộc nhất là địa hình rừng núi. Rừng chỗ này chướng khí mù mịt, nghĩ cách dẫn dụ bọn người kia vào”.
“Còn có cả trận pháp khí độc?” Bạch Cẩn Hành bất ngờ với phương pháp đánh giặc đa dạng của người phương Nam. 
Tạ Vụ Thanh cười cười: “Lần này mệnh chúng ta tốt, chướng khí âm u trong rừng núi chỉ xuất hiện sau thanh minh mỗi năm, tiết sương giá vừa buông, hiện giờ đúng lúc cần dùng”. Tết Thanh minh vừa đi qua, đúng là thời điểm chướng khí nặng nề.
Tạ Vụ Thanh sai người mang toàn bộ trang bị chống độc giao cho Bạch Cẩn Hành.
Trước khi kiểm kê trang bị, Bạch Cẩn Hành còn cảm thấy kỳ quái vì sao tạ Vụ Thanh không cho rút binh, đến khi xem xét trang bị chống độc, hắn đã hiểu, hết thảy trang bị cũng chỉ đủ cho hai trung đoàn sử dụng.
Con đường sau lưng là vách đá cheo leo, mặt bên là rừng núi chướng khí dày đặc. Phía trước đã bị Lâm Đông chặn đứng, chỉ còn cách đối mặt với trận chiến này.
“Ba giờ chiều, cậu dẫn theo một trung đoàn rút về, từ phía sau tập kích Lâm Đông”. Tay Tạ Vụ Thanh đè chặt lên vai Bạch Cẩn Hành, “Trước lúc mặt trời lặn, tất cả chúng ta, hoặc là cùng nhau chết, hoặc cùng nhau ăn mừng”.
Bạch Cẩn Hành cười đáp: “Tôi không muốn chết cùng cậu, cậu có người mình muốn hợp táng, tôi cũng có của riêng mình”.
Tạ Vụ Thanh hơi bất ngờ, nhìn về hắn.
Từ hai năm trước, Bạch Cẩn Hành đã biết Hà Vị và Tạ Vụ Thanh yêu nhau, mà ý trung nhân của bị lão huynh này, ngược lại chưa nghe nhắc bao giờ.
“Hơn tôi mười tuổi, đang chờ ở Nam Kinh”, Bạch Cẩn Hành cười nói, “Những thứ khác, đợi quay về rồi nói”.
Tạ Vụ Thanh gật đầu. Anh tháo đồng hồ trên cổ tay xuống, ước lượng chính xác thời gian cùng Bạch Cẩn Hành.
Bạch Cẩn Hành trịnh trọng cúi chào, quyết đoán rời đi.
Tạ Vụ Thanh cũng đáp lại bằng quân lễ nghiêm trang, nhìn hắn cất bước.
Anh gọi một đoàn tham mưu đang định ra ngoài, thấp giọng dặn dò, nếu trước ba giờ chiều đối mặt với quân địch thất bại, pháo binh sẽ phát tín hiệu. Đến lúc đó nhờ tham mưu ngăn cản Bạch Cẩn Hành, không cần quay lại cứu người: “Đưa hắn cùng các anh em còn lại theo hướng rừng núi rậm rạp trốn đi, nếu trang bị chống độc không đủ, còn có mấy hang động đá vôi nhỏ có thể ẩn nấp mấy trăm người”.
Một đoàn tham mưu nhận quân lệnh, hành quân lễ đầy kính trọng với Tạ Vụ Thanh, nhìn thoáng qua từng vị đoàn trưởng trong đội của mình, khổ sở quay đầu.
“Nhìn dáng vẻ lưu luyến không rời kìa”, đoàn trưởng trung đoàn Hai cười giễu từng người, “Đó là tham mưu hay là vợ chúng ta vậy”.
“Có thể lựa lời nói dễ nghe chút không?” Một trung đoàn trưởng cười mắng.
Bạch Cẩn Hành vừa đi, Tạ Vụ Thanh không cười nữa, anh nhìn thuộc cấp còn lại của mình.
Bốn trung đoàn, tổng cộng tám ngàn người, phải nghênh đón năm vạn quân chủ lực của Lâm Đông. Phần thắng cao nhất cũng chỉ được năm – năm, năm phần tự tin này xuất phát từ những sĩ quan trung cấp nhận được sự giáo dục của nền quân sự hiện đại. 
“Lúc này là một giờ sáng, mười phút sau chúng ta xuất phát. Đến sáu giờ, binh đoàn Bốn vòng đến đây”, Tạ Vụ Thanh kiểm tra bên ngoài thôn xóm Giang Đông không người ở trên sa bàn, “Bọc lốp đánh họ từ cánh phải, giữ chân một vạn quân. Lâm Kiêu dẫn theo trung đoàn Ba, đúng sáu giờ, tập kích tại nơi này, ngăn chặn một vạn quân khác”.
Tạ Vụ Thanh hạ tối hậu thư: “Tôi cùng trung đoàn Hai, qua sông, trực diện đối địch”.
Các tướng lĩnh tuân lệnh, đồng thời cúi chào rời đi chuẩn bị.
Tạ Vụ Thanh đeo đồng hồ, bên người chỉ còn sót lại Vương Cẩn.
Anh lấy từ túi quần hai cái bánh khô quân dụng được nén nhỏ, đưa cho Vương Cẩn một cái: “Có thể chết trận nhưng để đói chết thì thật không đáng”.
Trên người anh thường mang theo lương khô dạng này hoặc những thanh chocolate, nhiều thứ ăn không được, nhiệt độ lại cao, dễ chịu đói.
Vương Cẩn ngẩn người, đáy mắt bất chợt đỏ, nửa ngày trước lúc bọn họ ngồi xe, vì đường núi xóc nảy nên vị phó quan nhỏ tuổi này cảm thấy buồn nôn, không ăn được gì. Hắn không ngờ Tạ Vụ Thanh còn để tâm đến cả chuyện đó…
Tạ Vụ Thanh tự rót cho mình một cốc nước ấm, bảo Vương Cẩn ra ngoài báo cho các trung đoàn tập hợp ngoài trướng.
Anh ở lại lều trại im ắng, mở quyển nhật ký còn chưa kịp viết gì, tìm thấy bút máy, đầu bút dừng lại hồi lâu trên mặt giấy, nghĩ xem nên viết thế nào.
Ngày thường anh luôn cẩn thận, ngoại trừ điện báo phải viết khá nhiều, anh luôn cho rằng từ ngữ câu văn của một người đều có thể để lộ thông tin che giấu, thế nên Tạ Vụ Thanh không thích viết chữ, không muốn để người ta tìm được chút manh mối nào từ bản thân.
Anh nhấp ngụm nước ấm, dùng hình thức bạch thoại mà Hà Vị thích, viết vài chữ đơn giản:
Ngày 16 tháng Tư, trước đêm chiến đấu với Lâm Đông. Chân núi vô cùng ẩm ướt, đang vào mùa mưa, sợ rằng ngày mai trước khi vượt sông trời mưa lớn, nếu nước dâng cao, sẽ ảnh hưởng đến thời gian qua sông. Thanh Minh vừa qua, trận chiến này nếu có thể thắng, cũng xem như an ủi phần nào vong linh của các tướng sĩ đã chôn thây nơi núi rừng.
Tạ Vụ Thanh đóng quyển nhật ký lại, thay một bộ quân trang gọn nhẹ, kiểm tra thanh chuỷ thủ, súng lục của mình rồi mới ra khỏi lều lớn.
Ngoài trướng, đã có mấy chục sĩ quan đứng sẵn.
Tạ Vụ Thanh nương theo ánh trăng quan sát từng khuôn mặt của những tiểu đoàn trưởng, đại đội trưởng và các tham mưu: “Liệt vị. Trận chiến hôm nay, trung đoàn Một và trung đoàn Hai là quân chủ lực. Chúng ta bốn ngàn người cùng một đội pháo binh, đối phương có ba vạn quân cùng một đoàn pháo binh”.
Anh nghiêm túc nhìn mọi người: “Các vị đều là tinh nhuệ nhất trong quân đội, và sắp đối mặt với quân địch cũng thuộc loại tinh nhuệ nhất. Đây là một trận chiến có ý nghĩa quyết định, nếu thành công, tất sẽ thừa thắng xông lên, tiêu diệt toàn bộ quân phiệt Lâm Đông. Nếu thất bại, thì tất cả năm binh đoàn yểm hộ của chúng ta, đều phải chôn thây. Trung đoàn Một Hai đều là quân tinh nhuệ, cũng là anh em của năm trung đoàn chúng ta, nhất định phải nắm chắt trận chiến này!”
Mọi người nghiêm thẳng, không đáp một lời.
Cuối cùng Tạ Vụ Thanh nói: “Đi chuẩn bị đi, đúng sáu giờ vượt sông”.
5 giờ 30 phút sáng, mưa to tầm tã.
Tạ Vụ Thanh lo lắng nước dâng cao, trước nửa giờ vượt sông, tìm được nửa căn nhà bỏ hoang, dựng tạm bộ chỉ huy. Bảy giờ sáng, đã nhìn thấy quân địch bố trí phòng thủ, trung đoàn Ba truyền đến tin tức xấu: Gặp mai phục, không địch nổi.
Nhiệm vụ yểm trợ của trung đoàn Ba thất bại.
Nói cách khác, quân địch bên bờ sông đã tăng đến bốn vạn người.
“Nói với tiểu đoàn trưởng của trung đoàn Hai, quân địch tăng thêm một vạn binh”, Tạ Vụ Thanh dặn dò người liên lạc, “Tôi sẽ cho họ thêm một tiểu đoàn, năm trăm người”.
Nói đoạn, anh tiếp tục: “Báo thêm với tiểu đoàn trưởng trung đoàn Hai, kéo dài đến chính ngọ [3], nhất định sẽ có tiếp viện”.
[3] Chính ngọ: Giữa trưa 12 giờ
Bình minh lên, đại chiến bắt đầu sau phát súng thứ nhất nổ ra tại một thôn làng hoang vắng.
Tiểu đoàn Một trung đoàn Một cùng tiểu đoàn Một, tiểu đoàn Hai trung đoàn Hai đồng thời xuất kích, hai bên trận thế rất nhanh đã giao hoả, chỉ trong vòng nửa giờ đã bắt đầu đao thương chém giết.
Thừa dịp những anh em của mình dùng thân thể máu thịt để tranh thủ từng giây từng phút, tiểu đoàn Ba của trung đoàn Một chiếm giữ vị trí đất cao của địch, quân chủ lực Lâm Đông bị bức lui về phía Đông.
“Nã pháo!” Pháo binh nhìn thấy quân địch liên tục tiến vào tầm ngắm, thay phiên nhau khai hoả. 
Tiếng đạn pháo oanh tạc khắp nơi, chấn động cả đất trời.
Trong tiếng pháo nổ đinh tai nhức óc, hai tiểu đoàn binh của địch tan tác.
Lâm Đông vốn định đánh nhanh thắng nhanh, không ngờ sau mấy lần xung phong tiến quân đều không thành, còn bị mất một chỗ đất cao, ông ta càng tức tối, nhanh chóng tăng thêm binh lực. Mỗi lần quân địch tăng thêm hơn một ngàn người, mà bên Tạ Vụ Thanh mỗi lần thêm người chỉ có thể được vài chục… Số lượng quân địch áp đảo chiếm ưu thế, tuy nói Tạ Vụ Thanh cùng quan quân thuộc nhóm tinh nhuệ lấy một địch mười, nhưng vì đối phương không ngừng bổ sung nên quân số cũng bị bức ép gắt gao.
Hai giờ sau, bốn tiểu đoàn của trung đoàn Hai đều xông pha chiến trường, trung đoàn Một cũng chỉ còn sót lại một tiểu đoàn súng lục quân chờ lệnh.
Khắp nơi trên tiền tuyến nhuốm máu đỏ thẫm và những con người không ngừng điên cuồng vật lộn.
Trong suốt buổi sáng, hết lần này đến lần khác xuất kích, bọn họ đã trải qua thời khắc dài đằng đẵng nhất cuộc đời, đối diện với quân địch gấp mười lần mình, cật lực chống đỡ…
Mười hai giờ trưa.
Cánh trái bất ngờ xuất hiện một cỗ xe tăng, là trung đoàn Ba. Cuối cùng Lâm Kiêu cũng mang theo hai ngàn người quay về.
Trung đoàn Ba tiếp viện bước vào trận chiến, vừa nhìn thấy thi thể chất đầy đất của các anh em trung đoàn Hai, đôi mắt đỏ quạch, không ngừng triển khai phản công như muốn báo thù quân địch. Lâm Đông sau cùng bị bức đến phải rút lui triệt để.
Tạ Vụ Thanh từng ra lệnh cho trung đoàn Ba và trung đoàn Bốn, nếu có biến cố xảy ra, không cần kéo dài, lập tức rút quân, nghĩ cách vòng về từ trên núi. Đúng mười hai giờ trưa là tử lệnh, cho dù bò lết cũng nhất định phải quay lại.
Nhiệm vụ đầu tiên sau khi trở về là phải bắt được tiểu đoàn pháo binh của quân địch.
Lâm Kiêu để lại hai tiểu đoàn thuộc trung đoàn Ba để hỗ trợ Tạ Vụ Thanh, bản thân dẫn theo những người còn lại tấn công tiểu đoàn pháo binh. Mười tám khẩu đại pháo là trọng yếu, cho dù không đoạt được, nổ mất xác cũng phải phá nát những khẩu pháo kia.
“Tổng đội dự bị!” Tạ Vụ Thanh cởi áo ngoài quân trang ném lên ghế, rút súng.
Anh bước ra từ trại quân được dựng tạm bằng tấm vải rách, dẫn theo một tiểu đoàn súng lục quân cùng tổng đội dự bị, dọc theo bờ sông truy kích Lâm Đông. Súng lục quân vốn là lực lượng mũi nhọn, nhất định phải nhắm thẳng vào tim kẻ thù.
Mọi người xung quanh ngã xuống mảnh đất nhuốm máu.
Tạ Vụ Thanh giống như giết chóc đến đỏ mắt.
Một giờ tiếp theo, tiếng súng ầm ầm rền vang, truyền từ trận địa của pháo binh phía quân địch.
Tiểu đoàn pháo binh của quân địch bị bắt giữ.
Mất đi tiểu đoàn pháo binh, phòng tuyến tâm lý của Lâm Đông bị phá vỡ, ông ta hạ lệnh tạm thời rút lui.
Tạ Vụ Thanh truy đuổi không ngừng, không để Lâm Đông có cơ hội hít thở và lui binh…
Một bên rút lui rất nhanh, một bên truy sát còn nhanh hơn, không ngừng có binh lính ném vũ khí xuống đất, ngồi xổm đầu hàng. Tạ Vụ Thanh đuổi đến một thôn xóm hoang phế kế đó, hậu phương quân địch cuối cùng cũng truyền đến tiếng chém giết.
Ba giờ chiều, Bạch Cẩn Hành đích thân mang theo hai ngàn binh đúng hẹn quay về, xông thẳng vào phòng tuyến hậu phương của quân địch…
Trong tiếng giết chóc xa xôi, Tạ Vụ Thanh dẫn dắt súng lục quân lần nữa tiên phong. Dưới từng đợt lửa đạn mãnh liệt yểm trợ, không ngừng tiến lên. Lâm Đông bốn phía thụ địch, nghe tiếng pháo lửa liên miên, tâm thần đại loạn, hạ lệnh toàn bộ tiền tuyến rút về.

Chỉ cần vừa lui, dưới sự tấn công dồn dập từ pháo binh, quân chủ lực Lâm Đông tan rã thành cát.
Hoàng hôn hôm nay, trên mảnh đất nhuốm máu, tù binh ngồi xổm khắp nơi…
Trung đoàn tham mưu đỏ mắt quỳ xuống trước thi thể được che mặt của đoàn trưởng mình, khóc thành tiếng.
Trên quân trang của Tạ Vụ Thanh đều là máu, anh đứng cạnh bờ sông, nghe trung đoàn trưởng lần lượt báo cáo tình trạng thương vong. Đáy mắt anh cũng ửng hồng.
Có trung đoàn trưởng hy sinh trong trận chiến, còn tiểu đoàn trưởng chết hơn phân nửa, đại đội trưởng hy sinh hơn mười người, những sĩ quan, binh lính khác chôn thây vô số. Trải qua quá nhiều chiến tranh, đối với khung cảnh nơi tiền tuyến, giống như chỉ còn sót lại bốn chữ đầy bất lực – “Chiến trường tàn khốc”.
Sau trận này, thế lực Lâm Đông nhanh chóng bị tan rã và nuốt chửng.
Khi đại bản doanh bị quân bộ đội chủ lực của Tạ Vụ Thanh vây quét, Lâm Đông mang theo tàn binh giành giật suốt mấy tháng, sau đó bị tiêu diệt gần như toàn bộ, dùng súng tự sát.

Đầu năm 1926, sau hai lần đông chinh, toàn bộ Quảng Đông được thống nhất.
Tết Âm lịch vừa qua, Hà Vị lập tức xuôi Nam đến Hồng Kông.
Chuyến đi này vì để hoàn thành một chuyện xưa mà chú hai từng nhận lời với người Hà gia ở Hồng Kông.
Lúc trước Hà Vị được làm con thừa tự của một chi ở Hồng Kông, chú hai đã từng hứa hẹn, Hà Vị cũng sẽ nhận một đứa trẻ thừa tự ở đây để làm đáp lễ. Phía Hồng Kông bên kia cũng không đưa ra yêu cầu quá khắt khe với họ, gia tộc trọng nhân thân, phàm là người hưng thịnh đều nhận nuôi một đứa nhỏ nghèo trong tộc để báo đáp, chuyện lập con thừa tự cũng phổ biến thường thấy.
Trong một xấp ảnh đưa đến, Hà Vị chọn cô bé nhỏ nhất. Chỉ mới hai tuổi, dáng vẻ giống cô.
Hà gia bên kia gửi điện báo xác nhận đáp lại, nói mẹ ruột của đứa bé này mắc bệnh mất vào năm ngoái. Đứa nhỏ sợ người lạ, hy vọng Hà Vị có thể đích thân đến đó, nhìn xem thử thật sự có duyên hay không.
Hà Vị sảng khoái đồng ý.
Lúc cô đến Hồng Kông, nhìn thấy một bé gái mặc váy áo màu xanh lá đứng trong hoa viên của toà nhà lớn, cô ngồi xổm xuống, mỉm cười với cô bé, thế nhưng đứa bé ấy lại chủ động đi đến ôm lấy cổ cô. Một người bên cạnh bảo bé gái gọi mẹ, bé gái ngơ ngác không lên tiếng.
Hà Vị cười, nói với người bên cạnh: “Gọi là cô nhỏ đi”.
Bản thân Hà Vị cũng như thế, chỉ khi có người ngoài mới gọi chú hai là cha. Nếu không quen gọi thì cũng không cần thiết sửa lại làm gì.
Bé gái tên Hà Tư Niên, mẹ ruột của bé họ Tư, thế nên chọn luôn tên này. Hà Vị cũng không thay đổi.
Hà Vị sợ hành trình bị lộ, trước lúc xuôi Nam không gửi điện báo cho Tạ Vụ Thanh, sau khi đến Hồng Kông mới dùng danh nghĩa công ty phát điện tín đến Quảng Châu. Cô dành một tuần ở Hồng Kông để xử lý giấy tờ pháp lý nhận con thừa tự, nhưng chờ mãi không thấy Tạ Vụ Thanh hồi âm.
Điều này nằm trong dự liệu của cô, mấy tháng nay Tạ Vụ Thanh vẫn luôn diệt phỉ ở ngoài.
Những năm qua, hầu hết những vùng đất bên ngoài phương Nam đều trở thành thuộc địa nước Pháp. Giữa người Pháp cùng dân bản địa tranh đấu không ngừng, kẻ nhập cư trái phép không ít, cùng với những người vì nội chiến loạn thế phải làm giặc cỏ lưu lạc đến vùng rừng núi biên cảnh, trở thành bọn phỉ hung hăng.
Thế nên, diệt phỉ cũng là chuyện mà Tạ Vụ Thanh phải làm mỗi năm.
Tuy vậy, Hà Vị vẫn ôm theo tia hy vọng, đến thành Quảng Châu.
Cô nhờ bạn bè giúp mình che giấu thân phận đến Quảng Châu, sau đó phải theo bạn bè quay về Hồng Kông, cùng lắm chỉ có thể ở lại một đêm.
Trước khi đến, cô đã sớm hỏi thăm chỗ ở của tướng quân Tạ Khanh Hoài, dắt theo Tư Niên đến căn hộ nhỏ. Sau mấy lần ấn chuông, cuối cùng cũng có một ông bác đi tới mở khoá sắt, từ trong ô cửa nhìn ra. Hà Vị nói muốn gặp tướng quân Tạ Khanh Hoài, đối phương lắc đầu, nói tướng quân không có nhà, liền lập tức đóng cửa.
Tạ Vụ Thanh từng nhắc với cô, nói căn hộ ở Quảng Châu là của chị hai anh, người coi sóc cũng là của cô hai Tạ gia, Hà Vị hiểu người này nhất định biết Tạ Vụ Thanh cũng chính là Tạ Vụ Khanh Hoài. Cô lấy ra một quyển sổ cứng từ trong túi, đưa cho ông bác, nói dù anh không có ở nhà, đêm nay cô cũng muốn ở lại đây.
Ông bác khó hiểu, vừa lật quyển sổ kia ra thì sửng sốt, đúng là một bức hôn thư được ép lại bằng tờ nhựa, sau khi nhìn rõ chữ ký và con dấu ở góc trái dưới cùng, lúc này ông bác mới khép quyển sổ, lập tức mở xích khoá, hai tay dâng trả giấy tờ cho Hà Vị.
Hà Vị bế Tư Niên lên, nói với lái xe cùng thư ký đang chờ bên đường, sáng mai bảy giờ hãy đón.
Cô ôm bé gái, đi theo ông bác vào căn hộ.
Trước nay luôn là Tạ Vụ Thanh vào kinh, xâm nhập vào thế giới của cô, còn hôm nay, cô giống như bước vào vùng đất chỉ thuộc về riêng anh. Một căn hộ nho nhỏ, tầng một có phòng khách và thư phòng, tầng hai mới là phòng ngủ cùng một gian cho khách.
“Tướng quân thích hải đường, tôi không dám động vào… sợ nuôi không tốt sẽ chết hoa”, ông bác chỉ vào những chậu hải đường đặt trong thư phòng, không ngừng lẩm bẩm, “Trong nhà đã lâu không ai về, tôi không chăm sóc chúng… À, đúng rồi, tháng trước tướng quân có sai người từ Quảng Tây mang đến mấy túi cam quýt, vẫn còn, để tôi đi lấy. Cam quýt trồng trên núi, ngọt nước vô cùng”.
Hà Vị thả Tư Niên xuống đất, bị mấy tấm ảnh chụp trên kệ sách thu hút ánh nhìn.
Cô cầm lấy một bức ảnh Tạ Vụ Thanh diện quân trang kiểu cũ, nhìn qua, có lẽ là dáng vẻ anh lúc mới được xưng thiếu tướng quân, chỉ tầm mười bảy mười tám tuổi. Đây là lần đầu Hà Vị trông thấy Tạ Vụ Thanh thiếu niên, từ bức ảnh cũ kỹ có thể nhận ra ánh mắt sáng ngời của anh.
Có điều theo tuổi tác dần lớn, trải qua nhiều bận sinh tử, nguyên khí tổn hại nhiều, nếp gấp trên mí mắt sâu dần, hốc mắt cũng sâu hoắm, ánh sáng trong đáy mắt bị năm tháng che giấu, khuất lấp.
Tư Niên đến chỗ lạ cảm thấy sợ, hai cánh tay vòng qua đùi cô, ngửa đầu nhìn.
Cô ngồi xổm xuống, chỉ vào người đàn ông mặc quân trang áo cổ đứng, chân mang ủng quân đội trong bức ảnh, nói với Tư Niên: “Đây là dượng nhỏ”.
Tư Niên mở to đôi mắt tròn xoe nhìn chăm chú ảnh chụp.
Đây là cha ư.
Tư Niên nghĩ thế, càng nhìn kỹ lưỡng.
— HẾT CHƯƠNG 36 —

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.