Bọn họ nhớ lại tháng 5 của 40 năm trước.
——————————————————————————————————
"...Tòa án Hành chính Liên bang Tối cao tuyên án, kết thúc vụ kiện kéo dài ba năm với sự tham gia của nhiều bên tố tụng. Từ hôm nay trở đi, phố Koch chính thức được đổi tên thành phố Dutschke để tưởng nhớ những đóng góp của ông cho Phong trào 68!"(1)
Conrad đang vất vả ngồi xổm rắc thức ăn cho mèo vào bát thì nghe được thông tin này, không khỏi ngẩng đầu nhìn TV. Trong ấn tượng trước đây của lão, giọng nói của nữ phóng viên đưa tin vốn lạnh lẽo như vô hồn, nhưng mới vừa rồi lão rõ ràng nghe ra được một chút xúc động trong đó.
Tuy nhiên, nữ phóng viên đã khôi phục lại trạng thái như ngày thường, đọc tin tức tiếp theo với vẻ mặt không cảm xúc. Lão không quan tâm, đi tới tắt TV, chuẩn bị đi dạo.
Hôm nay quận Kreuzberg vô cùng náo nhiệt, khắp nơi đều là những tốp sinh viên trẻ tuổi ồn ào. Phương thức thăm hỏi của mọi người cũng có sự thay đổi. Mọi người không còn nói về thời tiết tháng 4 thất thường ở Berlin, mà thay vào đó là reo hò: "Chào mừng đến với phố Dutschke!"
Conrad mới đi vài chục mét đã gặp ba thanh niên chào hỏi mình như vậy. Những người đó không quan tâm phản ứng của lão thế nào, nói xong họ liền vui vẻ chạy đến người tiếp theo. Lão thậm chí còn nghe thấy những khẩu hiệu quá khích được hét đến bể giọng—— "Đả đảo nhà xuất bản Springer, kẻ phản bội nền dân chủ!"(2), "Dutschke muôn năm!"
Một ông già chậm chạp với nhiều nếp nhăn đến mức khó có thể nhìn thấy nét mặt đương nhiên là không phù hợp với tất cả những điều này. Lão cười tự giễu, có lẽ hôm nay lão không nên ra ngoài đi dạo.
Vừa cúi đầu suy nghĩ, lão đột nhiên bị đẩy mạnh suýt chút nữa là ngã ra đất. Lão theo bản năng dùng hai tay chống đỡ, nhưng đã có người đỡ lấy. Giọng nói áy náy của người trẻ tuổi vang lên: "Xin lỗi ông rất nhiều! Xin ông tha lỗi cho cháu! Ông có bị thương ở đâu không? Cháu vội chạy sang bên kia đường xem bức grafiti mới, lỡ chạy nhanh quá——"
Được người thanh niên đỡ, lão chật vật đứng lên, liếc mắt nhìn người thanh niên tóc quăn trước mặt, lạnh nhạt nói: "Không sao đâu. Chàng trai trẻ, cứ đi xem đi."
Tuy nhiên, chàng trai lại muốn giúp lão ngồi lên băng ghế bên đường một lúc. Lão nhìn đám đông hỗn loạn trên phố, vì vậy cũng không từ chối lời đề nghị này. Họ ngồi xuống chiếc ghế dài dưới gốc cây bằng lăng.
Người thanh niên vừa đỡ lão, vừa ríu rít: "...Ông biết sao không? Hôm nay phố Koch, à không, phố Dutschke chắc chắn rất đông người! Cháu nghe nói lát nữa còn có diễu hành. Người nhà của ông đâu sao lại để mình ông ra ngoài?"
"Ta sống cùng với một con mèo. Hơn nữa ta cũng tính về nhà sớm."
"À, ra ông ở một mình..."- Người thanh niên lộ ra vẻ mặt đã hiểu, sau đó đột nhiên chuyển sang chuyện khác, "Xin lỗi, ông có thể không trả lời, nhưng cháu muốn hỏi một chút, ông sinh năm bao nhiêu ạ?"
"Năm 45."
Người thanh niên hào hứng đáp: "Vậy ông có tham gia vào phong trào sinh viên năm 1968 không? Ông đã từng gặp Dutschke chưa——"
Conrad lắc đầu, cắt ngang chàng trai trẻ đang mơ mộng: "Chưa, ta chưa từng gặp ông ấy."
Lão nhìn đôi vai rũ xuống của chàng trai trẻ, nói tiếp: "Bởi vì ta đã ở Paris vào năm 68 ấy."
Người thanh niên không thể tin nổi, há hốc miệng, kết hợp với mái tóc quăn xoăn phồng, trông thật buồn cười. Phải mất một lúc lâu cậu mới lấy lại được khả năng nói chuyện: "Vậy ông đã trải qua tháng 5 đó? Nó như thế nào?"
Conrad im lặng. Coriando, người luôn vui vẻ và hoạt bát, muốn tiếp tục hỏi, nhưng lúc nhìn thấy đôi mắt xanh xám của ông lão, cậu không biết tại sao mình không dám nói nữa.
Cậu dường như bị cuốn vào một bầu không gian riêng tư, nơi chỉ có cậu với một mảnh ghép màu xanh xám cổ xưa. Cậu không nhìn thấy tia sáng cách mạng mà mình mong đợi, mà chỉ có một màn sương mù không thể xua tan.
Ngay khi Coriando cảm thấy xấu hổ và định chia tay lão để tham gia cuộc diễu hành, ông lão đột nhiên nói: "Đó là tháng 5 hỗn loạn nhất mà ta từng trải qua. Không có ngày nào ở Paris là yên bình như phố Dutschke bây giờ."
"Cả thành phố như cắn LSD*, và nhảy vũ điệu vòng tròn* suốt một tháng."
Sắc trời dần tối, lá cây bằng lăng xào xạc theo gió, cả một mùa xuân rực rỡ đã chìm vào màn đêm như thế. Lão không nhìn Coriando nữa mà dời mắt về phía đám thanh niên đang reo hò trên phố.
***
*LSD là thuốc gây ảo giác.
*ở đây có thể hiểu là làm cách mạng/biểu tình. Vì tên truyện "La Ronde" nghĩa là "nhảy múa vòng tròn", mang ý nghĩa ẩn dụ.
***
Mọi người không thể kể rõ nó đã xảy ra như thế nào. Có thể nó đã được ấp ủ trong một tháng, một tuần, hoặc một đêm. Khi mọi người bắt đầu chú ý đến, Paris thanh lịch buồn tẻ kia đã thay đổi diện mạo. Những người trẻ bắt đầu ghét Paris, nơi đã được xây dựng vững chắc trên nền đá granite trong hàng trăm năm. Họ tuyên bố rằng họ muốn có một thành phố trên cát. Thế là tháng 5 ấy, đá lát đường lần lượt được cạy lên, đường phố mù mịt khói bụi, đi đâu cũng có thể thấy khẩu hiệu in đậm bắt mắt: "Dưới đá lót đường là bãi biển!"(3)
Lúc đầu là sinh viên, sau là công nhân. Số người ngày càng tăng, có vẻ như không đủ đá lát đường để họ cạy lên. Conrad không quan tâm đến những điều đó. Lúc có việc cần làm, cậu chỉ làm một cách đối phó, không tính là quá siêng năng cần cù ở trong xưởng ô tô; khi không có việc để làm, cậu liền trở lại ổ nhỏ của mình để đánh một giấc tới tận nửa ngày, sau đó cùng ra ngoài uống rượu với đồng nghiệp hoặc với các cô gái ở Sorbonne*. Tất nhiên, đó là những ngày tháng mà quán rượu vẫn còn mở cửa. Đối với việc cạy đá, cậu không có hứng thú—— chẳng lẽ cạy đám đinh ốc vô tận ở nhà xưởng còn chưa đủ hay gì? Mặc dù cậu ta là người không có tư cách nhất để phàn nàn về điều này. Suy cho cùng, chỉ cần cậu cười và nói "Cậu có thể vui lòng...", với năm chữ này, một nửa số công nhân trong xưởng sẽ tình nguyện hy sinh thời gian nghỉ của họ để cạy thêm hai con vít cho cậu ta.
*Sorbonne (Sorbonne Université): một trường đại học ở Paris, còn có tên gọi khác là trường đại học Paris (University of Paris)
Lại là một ngày đình công. Chiều nay, không biết Marco và Kurt phát điên cái gì, mỗi người một bên, lôi kéo Conrad vừa mới tỉnh ngủ, không chịu buông tay: "Đi thôi. Hôm nay chú phải đi xuống đường với chúng tôi, đi xem tinh lực của công nhân! Nghe bài "Quốc tế ca" rúng động đến tâm can!"
Conrad chỉ nghĩ hai gã này bị cuồng loạn rồi, muốn đẩy bọn họ ra. Kurt nói thêm: "Hết hôm nay tôi sẽ mời rượu chú! Tôi biết một quán rượu nhỏ vẫn còn mở cửa, cách Sorbonne không xa lắm."
Conrad nghe xong, không giãy giụa nữa. Thấy vậy, hai người mới buông cậu ra. Cậu vò vò mái tóc vàng hoe của mình, phủi phủi nhẹ bộ đồ lao động trên người, đội một chiếc mũ phớt màu nâu, nháy mắt với Kurt và Marco: "Vậy chúng ta sẽ đi đâu và khi nào?"
Người Pháp đặt cho hoàng hôn một cái tên rất kêu: giờ xanh (4). Khi mặt trời dần khuất bóng, cũng là lúc xuất hiện những tia sáng chạng vạng xanh thẳm luôn khiến người u sầu và đa cảm, và những lúc như thế này, mọi người thường cần một ly rượu chanson hoặc một tách cà phê. Nhưng bây giờ mọi thứ đã thay đổi, không có chanson, chỉ có "Quốc tế ca"; không có cà phê, chỉ có đá lót đường. Ngay cả con người cũng thường xuyên thay đổi, những tư tưởng của tiểu tư sản đã bị làn sóng thế hệ trẻ sơ sinh* và chính phủ cánh hữu* dập nát hoàn toàn. Mọi người vẫn cứ u buồn, nhưng không phải giờ xanh mang đến u buồn. Có thể ngay giây tiếp theo, mọi người sẽ bắt đầu kích động. Paris sẽ chìm trong cơn lửa giận của sinh viên và công nhân.
Trên đường phố có rất nhiều thanh niên tụ tập, có người mặc đồ lao động, có người trông như học sinh, còn có những người đàn ông tóc dài mặc áo sơ mi hoa, có lẽ là người Mỹ bị mắc kẹt ở Paris. Bọn họ kề vai sát cánh, giơ cao biểu ngữ trên tay và hát vang bài "Quốc tế ca" với những âm điệu khác nhau. Biểu cảm và hành động của mọi người đều cuồng nhiệt như cuồng loạn. Nói không chừng trong đám đông đó có lẽ có người đã cắn thuốc.
Cả Marco và Kurt đều hát rất to, nhiệt huyết phát khóc. Conrad chỉ biết hát ba câu đầu tiên, sau đó cậu ngân nga một cách mơ hồ, hoặc thay thế bằng "la la la". Dòng người kích động không tuân theo bất kỳ quy tắc nào, tựa như chuyển động hỗn loạn của một lượng lớn các phân tử, và chúng nhanh chóng bị phân tán. Conrad gần như bị đẩy về phía trước trong đám đông. Cậu vặn mình một chút còn khó chứ đừng nói là thoát ra khỏi đám đông.
Sự nhiệt tình của các sinh viên đối với công nhân thật đáng kinh ngạc, Conrad không ngờ rằng những sinh viên đại học này lại có thể thân thiện và nồng hậu với họ như vậy. Có cô gái còn ôm cậu và hôn vào mặt cậu, còn có chàng trai còn đeo chuỗi hạt jalisco nhiều màu quanh cổ cậu. Cậu nhìn chuỗi hạt một lúc, cảm thấy hơi chóng mặt vì màu sắc sặc sỡ cũng những tiếng ca lảnh lót vang lên từ tứ phía.
Cậu đưa mắt nhìn về phía đám đông, đầu óc trống rỗng, nhưng ánh mắt lại tự tìm được tiêu điểm—— người đàn ông cao lớn đứng xéo trước cậu. Là dáng vẻ điển hình của người Địa Trung Hải, góc nghiêng kiệt xuất như một tác phẩm điêu khắc của La Mã cổ đại. Người ấy mặc âu phục, trông có hơn ba mươi, có lẽ là một giảng viên đại học. Tất cả những người xung quanh đều phấn khích và la hét, nhưng người đàn ông đó như có một lớp màng bong bóng bọc quanh mình, phong thái tách biệt hẳn.
Có lẽ cảm nhận được ánh mắt sau lưng, người đàn ông kia quay đầu lại nhìn về phía cậu, vẫn giữ vẻ mặt bình tĩnh như cũ. Trong lòng Conrad đột nhiên có một cảm giác kỳ lạ, cảm giác như mình bị nhìn thấu. Hơn nữa, thân là một thanh niên tóc vàng chưa từng quan tâm đến cách mạng lại đột nhiên cảm thấy mình thật vô dụng so với những người trẻ khác, tính hét lên: "Nhìn kìa, trong hàng ngũ của mấy người có kẻ đang mất tập trung!"
Nhưng cuối cùng cậu cũng không hét lên, dù cho có hét lên cũng không ai nghe thấy. Khi đám đông thay đổi hình thái, cậu bị đẩy đến bên cạnh người đàn ông nọ. Cậu khó mà tránh được đụng chạm thân thể với người đàn ông đó, đối phương còn nhìn cậu. Nhất thời, cậu nở một nụ cười ngọt ngào với đối phương, đủ để cậu tiết kiệm được nửa giờ làm việc trong công xưởng. Sau đó, cậu tháo chuỗi hạt Mexico trên cổ xuống và đeo thứ sặc sỡ đó quanh cổ anh ta.
Vẻ mặt của người đàn ông thay đổi, anh ta cực kỳ ngạc nhiên. Âu phục, chuỗi hạt, vẻ mặt kinh ngạc. Conrad nhìn cảnh này mà cười thành tiếng. Chiếc mũ phớt của cậu đã bị người ta húc rớt, nhưng cậu cũng không thèm để ý đến. Mái tóc vàng của cậu dưới ánh đèn mờ ảo lại toả sáng lấp lánh, giống như nụ cười của cậu, sáng đến mức gần như chói mắt.
Người đàn ông mở miệng, dường như muốn nói điều gì đó. Conrad không nghe thấy, nhưng cậu cũng không để tâm. Ở trong đội ngũ giống như đại dương này, cậu cảm thấy như mình đang phiêu phiêu, tất cả mọi thứ đều không còn quan trọng. cậu quay đầu lại và vui vẻ cùng hát bài "Quốc tế ca" với đám đông. Lần này, cậu ghi nhớ thêm được một vài lời của bài hát, nhưng giai điệu lại bị cậu ngâm nga thành "Viễn chinh khúc".
Cậu không nhìn lại người đàn ông kia một lần nữa. Rất nhanh đám đông đã tách bọn họ ra.
——————————————————————————————————
Tác giả chú thích:
(1) Alfred Willi Rudi Dutschke là một nhà lãnh đạo của phong trào Đức và là một trong những diễn giả tiêu biểu vào năm 1968 khi đang theo học tại Đại học Tự do Berlin. Ông bị bắn vào ngày 11 tháng 4 năm 1968 bởi một tuyển thủ cánh hữu tên là Josef Bachmann. Năm 2008, một phần của Kochstraße (phố Koch) ở quận Kreuzberg của Đức được đổi tên thành Dutschke-Straße để vinh danh ông.
(2) Axel Springer, Đức. Vào cuối những năm 1960, nhà xuất bản đi theo đường lối bảo thủ và phản đối phong trào sinh viên. Các ấn phẩm truyền thông của nhà xuất bản đã chỉ trích phong trào sinh viên và kêu gọi chống lại thủ lĩnh phong trào sinh viên Đức là Dutschke. Vào năm 2007, nhà xuất bản đã cố gắng phản đối quận Kreuzberg đổi tên từ Kochstraße thành Dutschke-Straße. Thú vị là ngày nay Dutschke-Straße lại giao nhau với Springer-Straße.
(3) Một trong những khẩu hiệu của Cơn bão tháng 5, nguyên văn: Sous les pavés, la plage!
(4) Giờ xanh, chỉ khoảng thời gian trước khi mặt trời mọc hoặc sau khi mặt trời lặn, nguyên văn: L'Heure Bleue.
Editor:
*thế hệ trẻ sơ sinh (baby boomer) là thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh sau Thế chiến II, từ khoảng năm 1946-1964.
*chính phủ cánh hữu: xu hướng chính trị dựa trên cơ sở của luật tự nhiên, truyền thống, tự do cá nhân và tự do kinh tế với mục tiêu hướng tới sự giàu có cho toàn xã hội mặc dù điều này có thể gây ra bất bình đẳng. Đồng thời cánh hữu cũng mong muốn giảm thiểu sự kiểm soát và can thiệp của Nhà nước đối với nền kinh tế.
Theo chủ nghĩa tự do cổ điển, phản đối chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản và dân chủ xã hội. Còn được gọi với cái tên chủ nghĩa bảo thủ (Conservatism), nhưng đây là do sự thiên vị của giới sử gia và truyền thông cánh tả nhằm bôi nhọ những người theo chủ nghĩa tự do cổ điển mà ngày nay họ bị xem là thành phần "bảo thủ". Tuy nhiên đây là cách gọi dễ gây hiểu lầm. Cả 2 xu hướng chính trị cánh tả lẫn cánh hữu đều có những khía cạnh cấp tiến và bảo thủ của riêng nó.