Mình thấy những thông tin về sự kiện lịch sử này khá hay ho nên muốn chia sẻ thêm cho mọi người.
Vào tháng 5/1968 đã xảy ra một loạt các vụ xuống đường và bãi công để cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ tổng thống de Gaulle ở Pháp.
Nhưng không chỉ tại Pháp mà sinh viên nhiều nước khác như Hoa Kỳ, Mexico, Anh, Đức, Bỉ cũng xuống đường và lan sang cả Đông Âu như Ba Lan với Tiệp Khắc.
Nhiều sinh viên ở phương Tây trong giai đoạn này ngưỡng mộ các phong trào xã hội tại những nước như Cuba, Việt Nam, Trung Quốc.
Tại Pháp thoạt đầu chỉ có sinh viên biểu tình, sau đó là phong trào lan tràn đến giới công nhân. Chứng kiến sự kiện lịch sử này là ba sinh viên Việt Nam có mặt tại Paris hồi đó.
Nghiêm Quang Thái, Paris:
"Hồi đó tôi đang còn là sinh viên, khi tôi thấy họ biểu tình ở Khu Latin, thoạt đầu tôi không hiểu rõ lý do vì sao họ biểu tình."
"Có những khẩu hiệu như Il est interdit d'interdire, (cấm không được cấm đoán), Press libre (Tự do báo chí) và nhiều khẩu hiệu khác."
"Các khẩu hiệu thể hiện một vấn đề tổng quát là cởi mở mọi ràng buộc cho xã hội."
"Tôi không tham gia vào các cuộc biểu tình này, tôi chỉ đứng nhìn họ biểu tình. Dĩ nhiên là các cuộc biểu tình đã ảnh hưởng đôi chút đến việc học của tôi."
"Tôi nghĩ những điều họ đòi hỏi trong những cuộc biểu tình này thì ai cũng đồng ý hết, nghĩa là tự do thì ai cũng muốn. Nhưng vấn đề là phải làm cách nào để đạt được điều đó là chuyện khác."
"Ngày nay nhìn lại tôi thấy muốn đạt được những đòi hỏi đấy thì phải có một xã hội phát triển kinh tế mạnh và có tổ chức hữu hiệu. Theo tôi, một xã hội như thế bắt buộc phải là một xã hội dân chủ."
Nguyễn Gia Kiểng, doanh nhân, Paris:
"Khi ấy tôi đang học năm cuối của một trường kỹ sư tại Pháp, và hoạt động trong phong trào sinh viên quốc gia ủng hộ chính thể VNCH."
"Do sự tình cờ mà tôi gần gũi với một nhân vật lãnh đạo chủ chốt của cuộc cách mạng 1968 này là anh Alain Pierre Muet là một người chống chế độ tư bản đứng về phe xã hội. Và chúng tôi có lẽ là hai sinh viên ham mê chính trị nhất trong trường nên mặc dù lập trường rất khác nhau nhưng chúng tôi thân nhau."
"Cuộc cách mạng này có những biến chuyển rất mau chóng trong thời gian hai tháng. Thoạt đầu xuất hiện thuần túy do những sinh viên thân cộng và cộng sản chủ xướng nhưng trong giai đoạn sau nó lại trở thành phong trào phản bác chủ nghĩa Marx Lenine."
"Tôi có tham gia vào một số cuộc biểu tình cùng với Alain Pierre Muet và một số buổi thảo luận về đường hướng trong."
"Trong thời gian bắt đầu vào những ngày đầu tháng Năm các trường đại học ở Paris bị chiếm đóng, hoạt động kinh tế của Paris bị ngưng trệ."
"Không khí lúc ấy như một lễ hội, rất vui vẻ. Thoạt đầu nó xuất hiện một cách tình cờ do một nhóm sinh viên ở trường đại học Nanterre là một trường đại học kém nhất của Pháp. Sinh viên ở trường đại học này thường xuyên có những phong trào chống đối, bất mãn, biểu tình."
Chín muồi cho thay đổi
Vẫn ông Nguyễn Gia Kiểng nói tiếp về nước Pháp hồi đó:
"Đây là giai đoạn sinh viên nước Pháp đã có những sự chín muồi cho một sự thay đổi xã hội."
"Những giá trị cũ không còn được tuổi trẻ chấp nhận nữa cho nên những cuộc biểu tình phản kháng xảy ra thường ngày và nhất là ở trường đại học Nanterre, đây gần như là một trung tâm bất mãn của sinh viên Pháp. Khi ấy sinh viên biểu tình trên tất cả mọi lý do."
"Lý do gần nhất là một cuộc biểu tình cũng ngộ nghĩnh. Ở đó có một ký túc xá nữ sinh, và quy định lúc đó là cấm nữ sinh tiếp đón bạn trai trong chỗ ở."
"Một số sinh viên nam nữ xông vào cư xá nữ sinh đấy để giành quyền nam nữ tự do luyến ái tự do tình dục và bị cảnh sát đẩy ra."
"Thế là thành cuộc biểu tình có xô xát và cảnh sát bắt đi một số người. Ngày hôm sau là ngày 22/3 họ thả hết và chỉ giữ lại có hai người. Về sau sự kiện này có tên là Mouvement du 22 Mars 1968 (Phong trào 22 tháng Ba 1968)."
"Mục đính ban đầu là đòi trả tự do cho hai người bị bắt giữ đó, nhưng dần dần anh em đến rất đông vì cuộc biểu tình có chính nghĩa."
"Lúc đó vấn đề vận động cho tự do tình dục nam nữ được xem là một chính nghĩa cho nên số người tham dự càng ngày càng đông. Cuối cùng anh em rủ nhau tràn về Paris và được Paris hưởng ứng."
"Thế rồi cuộc biểu tình trở thành chống chế độ, chống chủ nghĩa tư bản, chống đế quốc Mỹ, ủng hộ Mặt trận Giải póng miền Nam."
"'Lúc đó có thể nói là ai muốn làm gì thì làm. Có những người trương cả những hình ảnh của Staline, Trotsky, Mao, Hồ Chí Minh. Nhưng thực chất của sinh viên là vui chơi. Lúc đó họ chiếm được các trường đại học thì họ tổ chức những phòng ngủ hỗn hợp nam nữ. Họ ca hát, thảo luận ngày càng hăng về mặt chính trị."
"Dần dần những sinh viên cộng sản giải thích không được nên cuối cùng trong phong trào đó, các sinh viên đi đến kết luận là không ủng hộ chủ nghĩa Marx Lenine nữa và lên án Liên Xô."
"Có thể nói nó như là một hội chợ và không khí tưng bừng kéo dài hơn một tháng."
"Lúc đấy danh từ "phản chiến" không có nghĩa là chống chiến tranh mà là ủng hộ chiến tranh của MTGPMN, của phe cộng sản và chống đế quốc Mỹ. Dần dần cuối cuộc cách mạng đấy mới trở thành chống chiến tranh."
"Trên cửa những trường đại học có những bích chương rất lớn in hình kháng chiến quân cầm khẩu AK giương lên và hô rằng quyền lực ở đầu họng súng."
"Dần dần sinh viên sau khi thảo luận cảm thấy có những điều bất ổn nên cuối cùng tôi có cảm tưởng trở thành chống mọi hình thức chiến tranh, và dĩ nhiên là tôi ủng hộ lập trường này."
"Sau đấy trong các trường đại học xảy ra nhiều vấn đề khi bị chiếm đóng lâu ngày, ví dụ như vấn đề vệ sinh, và cuối cùng cuộc sống ở trong các trường đại học trở thành khó khăn."
"Cuối tháng 6, chính quyền tổ chức một cuộc biểu tình ở đại lộ Champs Elysées thu hút cả triệu người tham gia với nội dung ủng hộ tổng thống de Gaulle, lên án chủ nghĩa cộng sản, thiết lập lại trật tự an ninh."
"Do đó phong trào xẹp xuống và sinh viên rủ nhau đi về."
"Hoàn toàn không có một sự đàn áp nào. Cuộc cách mạng 1968 nổ ra tại Paris và lớn nhất tại Paris nhưng cảnh sát rất thận trọng cho nên trong suốt cuộc cách mạng không hề xảy ra một án mạng nào."
"Những cuộc biểu tình xuống đường này rầm rộ và đập phá đủ thứ, thậm chí sinh viên còn đào cả đường lên lấy đá đánh nhau với cảnh sát. Cảnh sát đã nhượng bộ và chỉ tự vệ, giữ trật tự nhiều hơn là tấn công lại cho nên không có sinh viên nào bị thiệt mạng."
"Cuối cùng cuộc cách mạng không còn được dân chúng ủng hộ nữa cho nên nó chấm dứt."
"Cuộc cách mạng đó theo tôi có ảnh hưởng lớn nhất là nó đã là cuộc cách mạng của tình người, của con người và nó xóa bỏ những bức tường ngăn cách giữa những con người và làm cho xã hội trở thành thân thiện hơn."
Nguyễn Ngọc Chơn, kế toán, Paris:
"Đúng ra khoảng thời gian đó nhóm được gọi là cực tả họ rất mạnh, khi họ đòi hỏi những gì họ cần."
"Đối với chính phủ Pháp hồi đó là ông Charles de Gaulle làm tổng thống, dĩ nhiên hào quang của de Gaulles sau cuộc kháng chiến chống Đức quốc xã rất sáng chói và những đảng phái khác, nhất là các đảng thiên tả hoặc cánh tả muốn phá hoại đủ mọi hình thức, lúc đó cộng sản trên thế giới cũng rất mạnh."
"Chính phủ de Gaulle lúc đó không nhượng bộ những đòi hỏi của sinh viên. Lúc đó tôi là sinh viên sắp ra trường nên cũng không chú ý theo dõi lắm đâu."
"Tôi thấy những cuộc biểu tình này xảy ra khi đất nước mình đang còn chiến tranh, Mậu Thân 68 đang để lại nhiều vết thương rướm máu trên khắp lãnh thổ Việt Nam, vì thế mà tôi không có theo họ đi biểu tình."
"Đúng ra là có tự do hơn, như tự do luyến ái chẳng hạn. Nhưng vì sau Đệ Nhị Thế chiến, những nước có nền dân chủ lâu đời như nước Pháp, nước Anh theo trào lưu chung, dần dần người phụ nữ có tiếng nói."
"Xã hội các nước này cũng dần dần đi đến chỗ tự do để ít năm sau có những quyền tự do rộng rãi hơn như được phá thai chẳng hạn."
"Cho nên tôi thấy những điều này không phải là nguyên do chính xác lắm để đưa đến sự đòi hỏi của các cuộc biểu tình năm 68, vì lúc nào cũng có đảng cộng sản đứng sau giật giây và có những nhóm cực tả làm rùm beng lên."
"Ví dụ như trong các viện đại học có những câu khẩu hiệu ví dụ như câu Il est interdit d'interdire tức là cấm không được cấm đoán, thì đây đã là một câu mâu thuẫn ngay từ trong chủ trương của nó rồi."
"Có những điều họ đòi hỏi mà không thể nào chấp nhận được. Một mặt họ đòi hỏi nhưng một mặt họ lại chống, thế là đã có mâu thuẫn từ gốc ra rồi."
"Đối với tôi, gọi đây là một cuộc cách mạng là không đúng. Tôi nghĩ rằng đây không phải là một cuộc cách mạng mà là một sự đòi hỏi đưa đến nổi loạn của sinh viên. Họ đập phá, họ đốt những gian hàng buôn bán thương mãi trong thành phố và có những nhóm người không phải sinh viên mà chỉ là những kẻ quá khích họ cũng đến đập phá, đánh nhau với cảnh sát hay cướp giật hàng hóa trong những gian hàng bị đập bể."
Cre: BBCVietnamese.com