Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 34: Mắt kính




Trương Ngạc nói:
- Giới tử, đệ gật gà gật gù cái gì. Đã không tới trường, vậy thì cùng ta làm vài ván cờ đi.
Trương Nguyên nói:
- Chơi cờ thì được, nhưng Tam huynh ngày mai phải dẫn ta tới Đại Thiện Tự, chỉ cho đệ chỗ nào là thiết quán của Lưu Khải Đông tiên sinh nhé. Hôm qua đệ tìm mãi mà vẫn không thấy thiết quán của ông ấy đâu cả.
Trương Ngạc nói:
- Đệ muốn đến xin học ở chỗ ông già cổ quái đó sao? Chỉ sợ lão không chịu thu nhận đệ thôi. Nếu đệ có bản lĩnh thì cứ tới đó tranh luận với lão, mà tốt nhất là đuổi luôn lão đi càng tốt.
Trương Nguyên nói:
- Chớ coi thường học vấn thế gian. Đệ chỉ có thể tranh cãi với một tên tầm thường như Chu Triệu Hạ mà thôi. Còn Khải Đông tiên sinh là bậc đại nho nức tiếng thiên hạ, đệ tranh luận với ông ấy chẳng phải là tự rước lấy nhục à?
Trương Ngạc nói:
- Ai mà chẳng có sở trường riêng của mình. Đệ đấu cờ mồm với lão ấy, chắc chắn lão ta đấu không lại đệ đâu.
Trương Nguyên nói:
- Thôi đừng lôi thôi nữa, hay là thế này nhé, đệ và huynh chơi cờ, nếu huynh thua thì ngày mai phải dẫn đệ tới Đại Thiện Tự bái sư.
- Được.
Trương Ngạc nhận lời, rồi như nhớ ra điều gì, nói:
- À, nếu cậu thua thì sao?
Trương Nguyên cười nói:
- Đệ sẽ không thua đâu. Nếu thua thì sẽ không tới Đại Thiện Tự xin học nữa.
Trương Ngạc cũng cười, luôn miệng kêu Trương Nguyên khôn lỏi. Hai người vào trong nội phủ Tây Trương, tới thư phòng của Trương Ngạc chơi cờ.
Nhìn thư phòng của Trương Ngạc, thay vì nói đây là phòng đọc sách thì nói là nơi để giải trí thì phù hợp hơn.
Bởi lẽ sách chính kinh thì chẳng có mấy cuốn, còn song lục, phóng lao, cờ vây...mấy thứ đồ này đã chiếm hết không gian trong phòng rồi.
Hai người đấu cờ vây, Trương Nguyên vẫn ngồi đánh cờ mồm như cũ, Trương Ngạc bảo hắn dùng khăn bịt mắt lại, y nói như vậy sẽ ngồi đối diện với nhau, mặt đối mặt, chứ ngồi nhìn lưng của Trương Nguyên, y cảm thấy hắn xem thường mình quá.
Trương Nguyên cười làm theo lời Trương Ngạc. Đồ che mắt của Trương Nguyên vẫn luôn mang theo người, bên trong có nhồi thuốc làm sáng mắt, đeo vào cảm thấy rất thoải mái. Mỗi khi cảm thấy mỏi mắt , cậu đều lấy ra đeo một lúc rồi nhắm mắt dưỡng thần.
Kết quả cuộc đấu cờ, Trương Ngạc đại bại. Cậu căn bản không hề tức giận về kết quả này, bởi đến Tông tử Đại huynh còn không phải đối thủ của Trương Nguyên, cậu đánh không lại Trương Nguyên cũng là chuyện bình thường. Trình độ đã cách xa như vậy thì đâu có lí gì để bực dọc cơ chứ?
Trương Nguyên đang định cởi bịt mắt xuống, lại nghe Trương Ngạc nói:
- Giới tử, đợi một chút, ta có cái này thú vị lắm. Nếu đệ chỉ sờ vào mà đoán được là vật gì thì ta mới tâm phục khẩu phục.
Trương Nguyên thầm nghĩ: “Còn không phục ư? Chẳng lẽ để ta bảy lần bắt bảy lần tha, thắng hết lần này đến lần khác mới vừa lòng?” Cậu nói:
- Được, cứ thử xem sao.
****************************
Trong thư phòng của Trương Ngạc có một mùi hương rất kì lạ mà không thể nhận ra nổi đó là mùi gì, đó là hỗn hợp của rất nhiều các mùi hương khác nhau. Trương Ngạc vốn tính có mới nới cũ, bát hương trầm trong phòng thường xuyên được thay đổi, nay dùng Kê Thiệt, mai dùng Giai Nam, hôm sau lại đổi sang Hương Đàn. Trương Ngạc tuy rằng hào hoa xa xỉ nhưng vẫn không thể nào biết thưởng thức bằng Trương Đại, cậu ta chỉ là thích dùng những thứ mới lạ, cầu kì, đắt tiền mà thôi.
Trương Nguyên cảm thấy hết sức ngột ngạt, sờ sờ vải bịt mắt, hỏi:
- Tân huynh có thứ gì mới lạ độc đáo muốn cho đệ xem vậy? À không, là sờ chứ.
Nghe thấy tiếng mở hòm, Trương Ngạc đắc ý nói:
- Mới tậu về hai kiện bảo vật đây, nếu đệ chỉ sờ mà đoán được là gì thì sư huynh đây tâm phục khẩu phục.
Rút một món đồ ra, đặt lên bàn cờ trước mặt Trương Nguyên, cậu nói:
- Đệ thử sờ xem. Chỉ cần đoán ra vật này dùng để làm gì thì ta sẽ tặng nó cho đệ.
Trương Nguyên đưa tay ra, nhẹ nhàng chạm vào vật trên bàn, sờ một chút rồi bỗng cất tiếng cười. Thứ này lành lành, tròn tròn, mỏng manh, chia làm hai mảnh, ở giữa nối với nhau bằng một miếng vải lụa....
- Đệ cười cái gì? Chớ có xem thường thứ này. Ta nói cho đệ biết, vật này thần kì lắm đó, không được bày bán trên phố đâu.
Trương Nguyên nhẹ nhàng vuốt vuốt vật tròn tròn mỏng manh kia, nói:
- Đệ biết thứ này dùng để làm gì. Có điều, không biết ở đây nó được gọi tên là gì thôi.
Trương Ngạc nói:
- Thứ đồ chơi này có không ít tên gọi, muốn gọi thế nào thì gọi, dù sao cũng là một món mới mà. Trước đây chưa từng dùng qua, ai cũng có thể đặt tên cho nó cả, chỉ cần đệ nói ra được thứ này dùng để làm gì thì ta đã phục đệ rồi, đồng thời cũng tặng cho đệ luôn.Ta đã phải dùng năm lạng bạc để mang nó về đấy, cho đệ biết, cả Thiệu Hưng phủ này cũng không tìm mua được đâu.
Trương Nguyên cười nói:
- Thật đúng lúc, đây chính là vật mà đệ đang cần, đa tạ đa tạ.
- Đệ nói xem, nói xem, nói ra được nó dùng để làm gì thì ta sẽ tặng cho ngay.
Trương Ngạc cao giọng nói, không tin Trương Nguyên đã từng gặp qua vật này, bởi chính chính mình cũng chỉ vừa trông thấy nó hôm trước
Trương Nguyên móc vải lụa bên trong vật đó vào ngón trỏ, nói:
- Đệ gọi thứ này là mắt kính. Thứ này dùng để đeo lên mắt, giống như đệ đeo bịt mắt này vậy.Thứ này rất sáng và trong suốt. Khi đọc sách quá nhiều dẫn tới mỏi mắt, đeo vật này lên sẽ làm mắt đỡ mỏi và nhìn rõ hơn, đúng không?.... Tam huynh, sao không lên tiếng vậy?
Trương Ngạc trợn tròn hai mắt, kêu lên:
- Trương giới tử, sao đến cái này mà đệ cũng biết vậy. Chả lẽ trong mơ đệ còn được thấy cả thứ này hay sao? Rốt cuộc là giấc mơ của đệ kéo dài bao lâu mà cái gì cũng thấy, cái gì cũng có cả thế! Đúng là kì quái, kì quái mà!
Trương Nguyên thầm nghĩ: “Chuyện gì cũng lấy lý do nằm mơ thấy thì có vẻ không ổn lắm.
Nghĩ vậy Trương Nguyên bèn cười đáp:
- Tam huynh học rộng biết nhiều mà cũng có lúc khinh suất vậy ư? Loại kính này ở Tô Châu đã có từ mấy năm trước rồi. Đầu năm khi về quê thăm ngoại, gia tỷ đã có lần nói với đệ rồi. Các học trò phủ Tùng Giang có người cũng đeo thứ này, nên đệ chỉ cần sờ là biết ngay.
Tô Châu là nơi hội tụ đông đủ nhất của những thứ mới mẻ và kì lạ nhất của Giang Nam, mà theo như Trương Nguyên biết thì thứ đồ này khoảng trung kỳ thời Vạn Lịch đã xuất hiện rồi.
Trương Ngạc tỏ vẻ giận dữ:
- Nói như vậy chẳng phải ta đã bị lừa rồi sao? Bọn gian thương bán vật này cho ta còn nói vật này là Tây....
Nói đến đây, Trương Ngạc vội vã ngậm miệng, sửa lời nói:
- Đệ đã nói như vậy thì xem ra ta đã bị lừa mất năm lạng bạc rồi. Cái bọn gian thương này, ta phải đến phá sập tiệm của chúng mới được, còn nói là đồ quý hiếm, trên phố nhất định không có bày bán...
Trương Nguyên nói:
- Đúng là loại mắt kính này rất hiếm, cũng đáng năm lạng bạc đó chứ.
(Năm lạng bạc tương đương với hơn 3000 NDT, bằng hơn 9 triệu đồng VN, cái loại kính đắt tiền sau này chắc cũng phải cái giá đó đấy nhỉ?)
Nghe Trương Nguyên nói vậy, Trương Ngạc cũng cảm thấy hả dạ:
- Được, nói lời giữ lời, kính này tặng cho đệ đấy, đệ thử đeo vào xem xem. Ta thử rồi, vừa đeo đã choáng váng cả đầu.
Trương Nguyên tháo bịt mắt xuống, ngắm kĩ món đồ hiếm có này. Thấu kính trong suốt như thủy tinh, nhưng khác với thủy tinh ở chỗ, sờ vào có cảm giác man mát mà khi đeo vào thì cả thế giới hiện ra vô cùng rõ nét mà mắt cũng không thấy có khó chịu gì, dường như chiếc kính này được làm ra là để dành sẵn cho cậu vậy. Trương Nguyên tấm tắc khen ngợi:
- Đúng là kì diệu. Đây quả là một bảo vật, sau này thì không lo không nhìn rõ những vật ở xa nữa rồi.
Bệnh mắt của Trương Nguyên một phần là do ăn quá nhiều đồ ngọt và đồ cay nóng, một phần cũng là do bị cận di truyền. Trương Nguyên của trước kia không thích đọc sách nên không có chuyện vì đọc sách thâu đêm suốt sáng mà cận thị.
Phụ thân cậu là Trương Thụy Dương đọc rất nhiều sách đến nỗi mắt bị cận, vậy mà thi vẫn không đỗ tú tài, cách xa mười bước là không nhìn rõ mặt người ra sao rồi. Trương Nguyên bây giờ mặc dù không đến nỗi bị cận nghiêm trọng như thế, cậu ta chỉ bị cận tầm hơn 3 độ mấy thôi, cũng không gây trở ngại nhiều trong cuộc sống hằng ngày.Thế nhưng dù sao nhìn rõ được hơn thì càng tốt, chiếc kính này đối với cậu quả thực vô cùng có ích.
Thấy Trương Nguyên thích thú như vậy, Trương Ngạc vui vẻ nói:
- Nếu đệ đã thích nó như vậy thì ta không uổng phí năm lượng bạc kia rồi. Đây, hộp đựng kính này.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.