Lê Viên Đệ Tử, Tóc Bạc Đầu

Chương 10:




Dịch: Amelie.Vo
Nguyên quốc đã diệt vong, tân triều được thành lập, đóng đô ở Kim Lăng.
Bách tính thường hay kháo nhau rằng tân đế rất quan tâm đến dân sinh, yêu dân như con, đối với những ngành nghề như: xa thuyền điếm cước nha, thì đặc biệt coi trọng.
(Xa phu = người đánh xe; thuyền phu = người lái thuyền; khách điếm tiểu nhị, cước phu = người khuân vác, nha ký = người làm giao dịch, môi giới)
Sau khi đăng cơ được một năm, người hạ lệnh tu bổ chùa miếu khắp nơi, tôn Phật giáo làm Quốc giáo.
Bách tính còn bảo rằng, tân đế rất thích những khúc điệu phương Nam, nhất là khẩu âm Côn Sơn-Giang Ninh, mỗi khi gặp được nhạc sư hay ca nữ có sở trường ngâm Côn khúc hoặc xuất thân từ Côn Sơn, tân đế thường giữ lại diễn tấu và trọng thưởng hậu hĩnh. 
—o0o—
Dạo gần đây, có một gánh hát biết biểu diễn Côn khúc đã đến Kim Lăng, nghe đồn rằng phu nhân của chủ gánh hát là một ngư nương không những xinh đẹp động lòng người mà còn cực kỳ thạo Côn khúc.
Có thần tử muốn lấy lòng Hoàng đế, đã bỏ ra vạn lượng bạc để mời gánh hát này vào cung biểu diễn.
Đêm ấy tháng năm như đổi dời, Hoàng thượng buồn thương ngồi trên long ngai cao cao nghe khúc, bàn tay y mải mê xoa niết một đôi bông tai hạt châu đã bạc màu. Y cự tuyệt chùm nho mà quý phi đưa tới bên miệng, đôi đồng tử chăm chăm nhìn thẳng đến hí đài chỉ cách y có mấy trượng.
Trên mặt ngư nương thoa một lớp phấn bột trang điểm, một mình độc xướng trên hí đài, thanh âm tựa tơ, âm điệu trầm bổng. Tay chụm hoa lan chỉ, nàng lả lướt xoay người, xoè nan quạt trong tay.
(Hoa lan chỉ = tay chụm ngón cái và ngón giữa, xoè ba ngón còn lại)
Mặt quạt đã rách nát, chỉ nhìn thấy một mảng vàng xanh trộn lẫn, khó mà phân biệt được hình vẽ ban đầu.
Dù cho chỉ mới nhìn thoáng qua, gương mặt của Hoàng thượng lại ướt đẫm lệ nhoà.
Y nhận ra: nơi đáy nước sâu dưới gốc phong xanh, một đàn cá tung tăng bơi lội.
(“Thanh phong lâm uyên, ngư du thọ hạ.”)
Vẫn còn có một tiểu cô nương ngang ngược ngồi dưới tán phong xanh.
—o0o—
Điệu hát mà ngư nương xướng là Kinh kịch, không phải Côn khúc.
Song, Hoàng thượng đã nghe đến mê mẩn, tâm tình y xúc động khôn nguôi.
Khúc ca vừa khép lại, y chợt chấn động, bèn trầm ngâm hỏi:
“Trẫm nghe bảo rằng Côn khúc rất hay, phải chăng nàng cũng có thể xướng một khúc?”
Đôi mắt xinh đẹp của ngư nương nhìn thẳng nam nhân ngồi trên bệ cao kia, nàng mỉm cười, hỏi lại:
“Không biết thánh thượng muốn nghe khúc nào?”
“Không biết nàng có nguyện ý xướng khúc ‘Hoán Sa Ký’ cho ta nghe?”
Ngư nương không đáp lời, nàng cúi người hành lễ, thu quạt lại, rồi xoay người bước về sau một bước nhỏ, bắt đầu xướng điệu.
Nàng cứ hát rồi lại hát, ánh mắt trong veo bỗng chốc trở nên mông lung.
—o0o—
Vào một ngày mùa xuân nọ, có một tiểu hoà thượng đi ngang qua một con suối nhỏ. Y mặc một chiếc tăng bào rách nát, cung cung kính kính xin nàng một ngụm nước uống.
Có lẽ ngay từ khi bắt đầu, nàng nên đưa cho y một bát nước, hoặc có lẽ ngày hôm ấy, nàng chẳng nên ra bờ suối chơi đùa.
[TOÀN VĂN HOÀN]
—o0o—
Lời của tác giả:
1. Đây là một triều đại không có thật, không có thật và không có thật (việc quan trọng phải nói ba lần)
2. Cảm hứng của câu chuyện đến từ một bài học trong sách lịch sử cấp ba.
3. Côn kịch là loại hình nghệ thuật đầu tiên của Trung Quốc được UNESCO đưa vào danh sách Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.