Loài Bướm Xấu Xa

Chương 1: Oneshot




1.
Tôi có một chuyến đi tới thôn Hồ Điệp để chụp ảnh.
Nói cho chính xác thì là vào ngày 28 tháng 6.
Tôi là Triệu Khâm, là một nhiếp ảnh gia. Khoảng đầu năm nay, sự nghiệp của tôi bỗng rơi vào bế tắc*.
*raw là cổ chai.
Bình thường tôi không kết bạn nhiều, không xã giao cũng chẳng có chống lưng khủng, làm mất lòng mấy bên truyền thông bởi vì thường xuyên từ chối lời đề nghị chụp ảnh của họ. Đây cũng không phải là việc lớn gì nếu tôi vẫn còn ở thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp, nhưng giờ không có công việc mới nào trong vòng 6 tháng liên tiếp cũng đủ đẩy tôi vào hoàn cảnh rất khó khăn.
Sau sự nghỉ ngơi kéo dài 6 tháng của tôi, Tuần san Tự nhiên – một trong những hãng truyền thông có uy tín nhất trong giới đã phát hành một bài báo đặc biệt tên là “Vết thương không thể lành”. Trong đó liệt kê những nhiếp ảnh gia có tuổi nghề ngắn, ảnh chụp mặt tôi chiếm nửa trang giấy.
Một khách mời của Tuần san Tự nhiên đã bình luận cho tôi như thế này: “Tài năng nhiếp ảnh của Triệu Khâm như hình ảnh một đụn cát, bây giờ đã hết sạch, anh ta không thể chụp ảnh được nữa rồi.”
Tôi muốn chứng minh là bọn họ sai nên đã bán xe, vác theo khẩu súng dài* trèo đèo lội suối, cuối cùng dừng lại ở thôn Hồ Điệp.
*lens dài như khẩu súng
2.
Nói về trải nghiệm của tôi khi đi đến thôn Hồ Điệp cũng khá kỳ thú.
Tôi đang lang thang giữa sườn núi thì bỗng dưng bắt gặp một cô bé.
Cô bé tên là Tuần Lệ, năm nay mười ba tuổi, học năm đầu ở trường cấp hai Thanh Mật. (lớp 7)
Ngày bọn tôi gặp nhau, cô bé mặc một chiếc váy polyester mua ở chợ phiên trên núi, họa tiết trên váy mang một vẻ lòe loẹt nhưng khi được cô bé mặc lên thì trông giống như một cánh bướm dập dờn. Cô bé đi giữa chợ, cầm sách trong tay với khuôn mặt hồn nhiên và tươi vui như chưa hề bị thế gian này nhuốm bẩn, ai cũng không thể dời mắt khỏi cô.
Tôi rất thích sự tươi sáng này nên đã chủ động đưa ra một lời mời chụp ảnh, cô bé đồng ý ngay.
Từ sáng đến tối mà tôi đã chụp được mấy ngàn tấm, chết tiệt.
Ánh mắt của Tuần Lệ trong veo và linh hoạt là thế nhưng dưới ống kính của tôi, cái nhìn của cô bé lại trông như hơi nặng nề, thậm chí còn mang lại cảm giác u ám hơi khó chịu.
Tôi cảm thấy hổ thẹn với vẻ đẹp của Tuần Lệ.
Tôi suy sụp đến nỗi ngồi trên bậc cầu thang của cửa hàng phần cứng và tự tay xóa hết những tấm ảnh trong máy, nghĩ rằng có thể tài năng của mình thực sự đã hết rồi.
Tuần Lệ ngồi bên cạnh tôi, ôm mặt hỏi: “Cháu thấy tấm nào cũng đẹp mà, sao chú lại muốn xóa hết đi?”
Tôi cũng không thể giải thích quá nhiều cho cô bé nên chỉ đành lắc đầu và giải thích với cô bé bằng một giọng mềm mỏng: “Vẫn chưa đủ tiêu chuẩn.”
“Chưa đủ sao? Cuối cùng thì chú muốn chụp cái gì?” Tuần Lệ lại hỏi tôi. Với đôi má hồng trong ráng chiều đỏ ở vùng cao, cô bé nhìn thật nhiệt tình.
Tôi nghĩ một lúc rồi nói với cô bé: “Chú cần một thứ gì đó đặc biệt, như cháu ấy.”
“Cái này không phải là rất dễ à?” Cô bé vui vẻ nói: “Dù sao cháu cũng sắp được nghỉ hè, chúng ta cùng về đi, chắc chắn thôn chúng cháu sẽ có thứ chú muốn tìm.”
3.
Thôn Hồ Điệp nằm rất sâu trong dãy Thanh Mật, đường rất khó đi.
Đầu tiên là chúng tôi ngồi xe van hơn bốn tiếng để đi sâu vào trong rừng núi, sau khi xuống xe thì đi bộ qua một cái cầu treo rồi đoạn đường tiếp theo đi bằng xe bò. Mất tổng cộng hai ngày để đến thôn Hồ Điệp.
Trong hai ngày này, Tuần Lệ đã kể cho tôi không ít chuyện của thôn Hồ Điệp.
Trong thôn có khoảng hơn sáu mươi người, phần lớn bọn trẻ ở đây đều đi học ở một ngôi trường tên Hi Vọng ở gần đó. Chỉ có Tuần Lệ được chọn đến trung học Thanh Mật vì điểm số xuất sắc.
Lý do thôn này tên là Hồ Điệp là bởi nhà từ đường trong thôn đã nuôi một loại bướm khổng lồ nhiều thế hệ nay, mà loài này không thể tìm thấy trong bất kỳ quyển sách sinh học nào.
Mọi người trong thôn đều gọi nó là “Quan Âm Hồ điệp”.
Tuần Lệ miêu tả cho tôi, Quan Âm Hồ điệp có đôi cánh màu xanh, xanh hơn cả sắc xanh nhất của rừng núi Thanh Mật, mắt của nó thì lại trong suốt hơn cả những hạt sương trong núi.
Tôi càng nghe càng tò mò. Trong suốt quá trình trèo đèo lội suối dài đằng đẵng này, cảnh tượng trước mắt tôi càng trở nên rõ ràng hơn: nhà từ đường cổ, bài vị khắp nơi và một con bướm khổng lồ màu xanh lá.
4.
Lúc đến thôn Hồ Điệp thì mặt trời đã xuống núi. Tuần Lệ dẫn tôi vào thôn, gõ lên cánh cửa gỗ nhà mình rồi giới thiệu tôi với bố mẹ cô bé. Bố mẹ Tuần Lệ đều là nông dân, khuôn mặt đầy nếp nhăn, tất cả đều là do nắng và gió, rất khó để nhận ra độ tuổi thật của họ, mà họ cũng không quá giống cô bé.
Mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng Tuần Lệ lại rất giỏi ăn nói, cô bé nói cho họ nghe lý do to lớn của chuyến đi này.
Cô bé nói tôi sẽ mang thôn Hồ Điệp ra cho toàn bộ thế giới bên ngoài, để mọi người đều biết đến đây sau đó đường cái sẽ được mở đến thôn Hồ Điệp. Khi cô bé nói điều này xong, tôi đã được chào đón một cách nhiệt tình, bố mẹ cô bé còn mang rượu quý ra, thậm chí còn làm cho tôi một đĩa thịt nhỏ.
Cách chế biến thịt của thôn Hồ Điệp rất đặc biệt. Họ băm thịt ra rồi trộn với một loại cây gia vị chỉ sinh trưởng ở núi Thanh Mật, sau đó nấu với xì dầu nhà làm. Điều này khiến thịt tan chảy trong miệng với một thoáng kết cấu sạn sạn như cát, một loại vị mà tôi chưa từng được nếm ở đâu bao giờ.
Tuần Lệ và bố mẹ mình đều nhịn miệng đãi khách, cô bé chỉ chấm đôi đũa vào chút nước sốt sau đó cho vào miệng rồi mút thêm vài lần nữa với vẻ mặt mãn nguyện.
Không hiểu sao tôi thấy hơi chột dạ, tôi muốn cho cô bé một miếng nhưng Tuần Lệ từ chối, nói: “Chú Triệu, chú là khách mà, chú ăn đi.”
Tôi cũng chả còn tâm tình mà ăn thịt nữa. Người mẹ tốt bụng của Tuần Lệ thấy tôi ngừng ăn thì lấy thịt trút vào bát của tôi, để tôi ăn cùng với cơm.
5.
Ngay sau khi ăn xong, Tuần Lệ rất hào hứng dẫn tôi đến từ đường.
Bố của Tuần Lệ thấy tôi mang theo máy ảnh thì mặt đổi sắc, nhìn sang Tuần Lệ. Tuần Lệ nói: “Bố, con nói với bố rồi, chú Triệu đến đây để chụp ảnh.”
Bố cô bé do dự một chút những vẫn đồng ý. Ông ấy vào phòng lấy ra một cái chìa khóa đồng, nói với tôi: “Đi theo tôi.”
Từ nhà Tuần Lệ đến từ đường không xa, đi mấy bước chân là đến. Từ đường là một ngôi nhà nhỏ, cửa bị khóa. Bố Tuần Lệ mở cửa ra, dẫn bọn tôi vòng qua Phật đường, đi đến cổng một căn nhà thấp. Đầu tiên ông lạy ba cái sau đó mở cửa đi vào, đốt lên hai ngọn nến ở hai bên cánh cửa rồi quay lại nhìn tôi. Không biết sao nhưng tự dưng tôi thấy cảnh này hơi đáng sợ.
Tuần Lệ thấy tôi không động đậy liền đẩy tôi: “Vào đi chú.”
Bước chân của tôi ngừng lại một chút, sau đó cũng bắt chước bố Tuần Lệ lạy ba cái rồi mới đi vào với hộp đồ nghề chụp ảnh.
6.
Căn phòng rất tối nhưng tôi vẫn bị choáng ngợp bởi những gì nhìn thấy.
Quan Âm Hồ điệp quá lớn, đến mức che phủ cả một bức tường của từ đường. Nó dính lấy bức tường với đôi cánh rộng mở, trông như một bức tranh lập thể.
Nói rằng đây là một loài bướm thì thà rằng bảo đây là một con ngài với cái bụng béo, rộng nửa mét, dài hai mét. Bên trong như chứa đầy dịch của côn trùng, nhầy nhầy và mềm dính.
Đuôi của Quan Âm Hồ điệp đặt ở trên một cái bàn thờ.
Phải mất một lúc tôi mới tìm lại được giọng nói của mình, hỏi Tuần Lệ: “Nó còn sống không?”
“Sống ạ.” Giọng Tuần Lệ trở nên nhẹ nhàng như thể sợ đang quấy nhiễu vị thần của mình “… và vẫn ăn được.”
Màu cánh của Quan Âm Hồ điệp đúng là rất xanh với họa tiết đối xứng cực kỳ độc đáo. Con mắt của nó quá cao, tôi không nhìn rõ lắm, chỉ thấy một chút gì đó lấp lánh.
Tôi nhẹ giọng hỏi Tuần Lệ: “Đó có phải con mắt không?”
Tuần Lệ gật đầu. Bố cô bé đột nhiên quay đầu lại, hỏi: “Xem xong chưa?”
Tôi còn chưa kịp chụp ảnh nữa, đang định mở miệng nói thì Tuần Lệ kéo tay tôi, nói: “Mai cháu lại dẫn chú đến vào ban ngày.”
Tôi thực sự bị cuốn hút bởi thứ này.
7.
Tôi đã nghĩ đến việc Quan Âm Hồ điệp rất to nhưng chưa bao giờ nghĩ nó lại to như thế này.
Tuần Lệ nói nó vẫn còn sống và vẫn ăn được.
Mập mạp và đẹp đẽ.
Tôi lại hỏi nó từ đâu đến.
Tuần Lệ nói nó đến từ trên núi.
8.
Tôi vẫn chưa chụp được tấm ảnh tử tế nào của Quan Âm Hồ điệp nhưng vẫn muốn có được một tấm đẹp, thế nên tôi tiếp tục công việc của mình.
Tôi ở lại trong thôn, cũng không biết tại sao chân tôi ngày càng nặng nề và sưng vù lên.
Bố mẹ Tuần Lệ thỉnh thoảng lại nấu thịt cho tôi, họ vẫn không ăn món đó như cũ.
Có một ngày, tôi đến để chụp Quan Âm hồ điệp như mọi khi. Tuần Lệ không có ở đó, tự nhiên tôi nảy ra một ý tưởng là bò xuống bàn, chụp từ khe hở lên.
Tôi phát hiện cái bụng của Quan Âm Hồ điệp đã bị móc rỗng.
Nó chết rồi.
9.
Chân của tôi rất đau, không đi được. Sau đó phát hiện ra chân tôi dường như bị dính lại, có những nếp nhăn như phần bụng của Quan Âm Hồ điệp. Một cái đầu từ bụng tôi tòi ra, phần thân trên và phần dưới của tôi bị đứt rời.
Lấy thịt nuôi Quan Âm Hồ điệp.
Mất một lúc lâu tôi mới nghĩ đến việc sống sót.
Tôi cầm lấy máy ảnh, trước mắt chỉ toàn là mờ ảo nhưng tôi biết tôi đã chụp được tấm ảnh quý giá nhất chuyến đi này.
Con bướm phá kén chui ra, đẹp đẽ, đẫm máu mà béo mập, cứ thế bò ra khỏi bụng tôi.
Tuần Lệ lấy máy ảnh của tôi.
“Ê, cái này hay nè.”
Rồi cô bé xóa tấm ảnh đó.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.