Màn đêm vừa xuống đã lên đèn náo nhiệt, cả phủ Đô cũng chỉ có mỗi một nơi.
Phố Khâm Thiên buổi sáng có phần yên tĩnh hơn những con phố khác, nhưng tối đến lại vặn mình thức dậy, ồn ã khác thường. Người thì đến uống trà nói chuyện thế sự, kẻ lại đến nghe đàn hát xướng ca.
Đối với thương nhân khắp nơi đổ về thì con phố này đặc biệt quan trọng. Không cần phải nói, thương gia luôn là trước luận bàn trong quán trà, kế kết thân qua chung rượu, tuyệt nhiên không thể thiếu tiếng đàn hát của các nàng ả đào giúp không khí thêm hòa hoãn. Có thể nói, không một khế ước được lập thành nào mà không phải ở nơi đây.
Ngoài ca kỹ ra, sự tồn tại của kỹ nữ nói chung là không thể thiếu. Triều đình không thể cấm cản, nhưng cũng không thể dẹp bỏ hoàn toàn đành để mặc bọn họ chung một chỗ, nhắm mắt làm ngơ. Các kỹ viện muốn sinh ra cũng phải che đậy bên ngoài, chỉ gọi là "ca phường" chứ không gọi là "kỹ viện".
Vốn, "kỹ viện" nồng nặc mùi tình cũng không thể là nơi thu hút được thương nhân đến luận bàn việc làm ăn, thành ra luôn luôn có phục vụ thêm đàn hát nhảy múa. Giống như là thương nhân đến đây không chừng vì những hình thức ca vũ này sẽ được thêm phần nho nhã, bớt đi tục khí, thuận mua lợi bán.
Các cô nương trong ca phường có nhiệm vụ tiếp đón từ xa xa đã nhìn thấy một vị khách tuấn lãng nổi bật giữa đám đông đang tiến tới. Các nàng sớm đã biết y là ai, liền tranh nhau khoe sắc khoe hương. Có người còn không nhịn được, len lén lấy ra Có người còn không nhịn được, len lén lấy ra một chiếc khăn mềm mại đầy màu sắc mà vẫy vẫy, chỉ mong chàng ta để ý.
Mà Mạc Tư Thanh vẫn không động khóe mi, chỉ đến trước một tiểu đồng chờ sẵn, không đợi hắn nhiều lời liền nói gọn:
"Ta có hẹn ở đệ Nhị phòng, phiền ngươi dẫn đường."
Tiểu đồng có vẻ quen thuộc với vị khách này, vẻ mặt tươi cười dẫn y đến điểm hẹn.
Hoan ca phường là nơi rộng lớn danh tiếng nhất phố Khâm Thiên. Không cần như nơi khác để cô nương ra đưa đón ồn ã, chỉ cần vài người trẻ trung xinh đẹp đứng phía trước làm duyên, như thể một chữ "Hoan" trên biển hiệu kia là đã đủ chứng minh vị trí. Khi bước vào ngoài sảnh lớn đầy khách uống rượu cùng mỹ nhân, còn lại là các phòng được gọi đơn giản từ đệ Nhất đến đệ Thập - cũng là nơi thường được các thương nhân giàu có hẹn gặp.
Mạc Tư Thanh chưa hẳn là một thương nhân như vậy, đây cũng chỉ là lần thứ hai y hẹn gặp ở phòng riêng tại Hoan ca phường. Những lần khác có đến đây cũng chỉ ngồi ngoài sảnh lớn, xong việc nếu có hứng thú thì trực tiếp lên phòng ngủ.
Y đi theo sau tiểu đồng vào cửa bên hông sảnh lớn, qua một hành lang dài phía bên ngoài quanh khoảng sân không lớn mấy, trồng nhiều loại cây hoa tao nhã, đến một gian phòng mà phía trên chỉ có tấm biển đơn giản hai gạch ngang, chính là chữ "Nhị". Y từ sớm đã nghe thấy tiếng đàn hát nho nhỏ phát ra từ gian phòng này.
Tiểu đồng gõ cửa rồi đứng nép sang một bên, nhanh chóng đã có người ra mở cửa đón tiếp y. Y đưa thẻ hẹn cho nàng ta, cùng nàng ta bước vào.
Đi qua phòng ngoài rồi lại đến phòng giữa rộng rãi, vị khách đang hẹn y ngồi mân mê ly rượu, mắt ngẩn ngơ nhìn về phía sau tấm màn trắng mỏng được phủ như không. Sau bức màn là một chiếc bục cao ngang tầm ghế, ngồi trên đó là ba cô nương, một người phía trước ôm chiếc đàn đáy (1) vừa đàn vừa hát, hai người phía sau một người gõ phách một người đánh trống nhỏ phụ họa cho nàng ta.
Thấy y đã vào tới, người nam nhân kia cũng không đứng lên, chỉ nhỏ tiếng nhanh nhẹn mời y ngồi xuống, như thể sợ rằng chỉ tốn vài giây nghe mỹ nhân đàn hát thôi cũng là xa xỉ. Y cũng không câu nệ tiểu tiết, liền ngồi một bên cũng ngắm nhìn thử xem, thuận tay nhấp môi ly rượu đã được cô nương đón y lúc nãy rót đầy.
Mạc Tư Thanh xuất thân không cha không mẹ, làm nô cho một gia đình phú hộ ở phủ Quy Hóa (2) từ khi mới sáu tuổi. Qua mười năm thì y bỏ sang Tuyên Quang (2) làm công cho một thực quán, không lấy lương chỉ lấy bữa ăn qua ngày. Thấy y chăm chỉ thật thà, ông chủ dạy y làm tính toán sổ sách, bắt đầu làm phụ tá cho chưởng quỹ vào năm mười tám tuổi. Đến năm hai mươi mốt tuổi thì y xin nghỉ, lấy lý do muốn thử đi đây đi đó học tập làm ăn.
Ông chủ thực quán thấy y trẻ tuổi mà có chí khí, thường ngày lãnh lương không cao cũng không có ý kiến gì, công việc trước sau hoàn hảo không có chỗ chê, trước khi đi cho y hai mươi lượng bạc đi đường.
Y cầm hai mươi lượng bạc, cộng thêm ba mươi lượng tích cóp không dám tiêu xài gì, lấy đất làm giường lấy trời làm màn cứ như vậy đi đến phủ Kiến Xương (2). Nơi đây vốn nổi tiếng trồng lúa bạt ngàn, mà các thương nhân thường thấy người nông dân không hiểu chuyện, ép giá họ đến gần sát đáy.
Y lúc trước ở Quy Hóa làm nô không chỉ giỏi cấy cày, phơi tóc giã gạo, dĩ nhiên cũng biết xem gạo nào là thích hợp nhất, dùng gần hết số tiền chưa dùng mua giá cao hơn, được một ít gạo sau đó đem sang Nam Sách (2) bán, trước khi đi không quên dặn dò người bán cho y để dành lại một phần cho lần kế tiếp. Người này ban đầu bán tín bán nghi, nhưng thấy y mua giá cao hơn hẳn nên cũng thử để lại.
Không lâu sau đó, y quay lại không chỉ mua thêm gạo mà còn đem theo mấy loại cá khô, hỏi tìm người mua với giá rẻ hơn bình thường. Cũng phải nói rằng Nam Sách tuy khá gần phủ Kiến Xương, nhưng đất đai không rộng lớn bằng nên không chuyên về làm ruộng mà tập trung đánh bắt cá, y bổn cũ soạn lại mua giá đắt hơn - bán giá rẻ hơn thương nhân bình thường. Người nông dân ngày ngày tằn tiện dĩ nhiên cũng sẽ tích trữ cá khô, đổi qua đổi lại y còn lời thêm chút bạc nữa.
Tích cóp đến khi số lượng gạo y mua đã lên tới hai trăm bạc, cũng không thể cứ tiếp tục làm như thế này mà không bị phát giác, y lại nghĩ làm cách nào có thể lên phủ Đô làm ăn, vậy là y nghĩ ngay đến phủ Phú Bình (2) chuyên trồng chè (trà). Dĩ nhiên hai trăm bạc này mua chè thôi không thể đủ được, quan trọng nhất vì chè cần vận chuyển cẩn thận để không mất chất.
Y đến Phú Bình tìm hiểu một chút, rồi ra giá cho một nhà nông trồng chè hứa hẹn nọ kia. Nhà nông vốn trước giờ chỉ làm ăn với một thương nhân duy nhất, ngoài biết giá bán chè của các hộ xung quanh ra thì cũng không hiểu gì. Y biết bản thân không đủ tiền, bảo với họ mười ngày sau y đến lấy hàng sẽ ứng trước trăm bạc, số tiền còn lại thêm mười ngày sau nữa sẽ trả, vậy là y lập khế ước đầu tiên trong cuộc đời, phủ quan chứng nhận.
Chè này là loại phẩm chất rất tốt, chỉ thua mỗi chè tiến lên cung đình, giá các thương gia khác mua vốn đã cao hơn loại bình thường rồi. Nhà nông nhân kia thấy y đòi mua thiếu cũng sinh lòng nghi ngại, nhưng vì y ra giá cao hơn bình thường gần gấp rưỡi, nói không muốn cũng không phải. Có khế ước của quan, lòng cũng đỡ lo hơn một chút.
Y mua nửa cân chè làm mẫu rồi đi lên phủ Đô, sắm một bộ trang phục đắt tiền, thuê thêm một người hầu sạch sẽ đến một hiệu buôn chè ngỏ ý muốn làm ăn.
Hiệu chè kia không lớn không nhỏ, đại loại cũng có chút danh tiếng trong Kinh thành. Y nói với chủ hiệu rằng có một số lượng hàng tốt ở Phú Bình muốn nhượng lại, nhưng ngặt nỗi hiện thời không có xe vận chuyển. Nếu chủ hiệu chè trả số tiền thuê người lên đấy lấy, giá y nhượng lại sẽ rẻ hơn các thương nhân khác.
Chủ hiệu kia tính đi tính lại vẫn không tính ra đường lỗ, lại được tặng nửa cân chè nhìn qua là biết hảo hạng, liền thuê một tín nô biết xem chè đi theo y.
Tín nô kia lên tới Phú Bình thấy chè đúng là hàng tốt, thuê một chuyến xe ngay tại trong phủ gấp gáp chuyển hàng về phủ Đô. Y trả một trăm lạng cho nhà nông, theo xe hàng lên phủ Đô nhận tiền chè, sau đúng mười ngày thì quay về trả phần còn lại.
Đi lại mấy hồi gần hai trăm bạc kia coi như là vốn, lúc này trong tay y đã hơn một ngàn năm trăm lượng bạc.
Phải nói, chè là thức uống được ưa chuộng từ ngàn xưa, từ thiên tử đến thứ dân không ai mỗi ngày lại không uống một chén chè. Các thương nhân thấy vậy giá chè bình thường chính là một lời mười, dưới lấy công nông dân trên lấy tiền chủ hiệu, rất nhanh trở thành phú ông cùng nhau đồng lòng giữ giá chè trên tận mây xanh. Y cũng không cần tham lam như vậy, chỉ cần một lời sáu-bảy đã là quá đủ.
Mà việc mua bán phá giá này của y cũng không giấu diếm được. Y biết vậy, nhanh chóng về phủ Đô tìm việc làm ăn khác.
Phủ Đô là nơi đất chật người đông, dĩ nhiên không dễ mà thuê một mặt bằng cứ vậy làm kinh doanh. Y đành chậm lại một bước, lui về phủ Ứng Thiên (2) cạnh đó mở một hiệu vải. Chen chúc giữa nhiều hiệu vải đến năm năm thì có phân hiệu thứ hai ở phủ Đô. Thêm ba năm nữa, phân hiệu kia trở thành cửa hiệu chính, lớn mạnh nhanh như vậy do cửa hiệu của y là nơi đầu tiên kết hợp, không chỉ bán vải mà còn thêm các loại trang điểm, phục sức, hương liệu, rất được lòng các quý cô.
Tám năm trôi qua từ khế ước đầu tiên, mười ba năm tính từ lúc không còn là người ở, y đâm đầu vào làm ăn, trong nhà cũng chỉ có mỗi một thiếp thất chăm lo.
Cũng không phải là y làm cao không muốn lập nàng ta làm thê tử. Chỉ là nàng ta lúc trước được y thuê phụ giúp ở cửa hiệu dưới Ứng Thiên, thấy nàng ta nguyện ý nâng khăn sửa túi, y không tìm ra được lý do gì khác chỉ có thể lập nàng làm thiếp. Với cái danh phận thị thiếp này, nàng cũng không thể trách y ra vào ca phường làm ăn trên dưới.
Vậy nên tóm lại, y ngồi cả buổi nghe xong cô nương phía trong hát nói, thật sự ra mà nói cũng không thấy được điểm nào hay ho. Khó trách được, y vốn là thương nhân trong đầu chỉ có tiền bạc, phàm phu tục tử không hiểu chuyện phong nhã tuyệt trần kia. Nếu không phải đối tác của y thông thương với ngoại quốc, muốn làm ăn lâu dài với lượng hàng mới lạ giá hợp lý, y cũng sẽ không ngồi đây nghe đàn.
Cô đào hát xong thì vị khách bên cạnh kia vỗ tay nhiệt liệt. Y cười cười coi như là khen ngợi.
Ả đào nhẹ nhàng đặt đàn xuống, rời khỏi bậc cao, đi qua tấm màn mỏng. Từ lúc nãy nàng ta đã nhìn thấy vị khách mới đến, liếc một cái đã thấy vẻ ngoài nổi bật của chàng ta. Không giống vị khách kia của nàng mặc bộ quần áo từ Đại Minh rất xa hoa màu mè, chàng ta chỉ mặc một bộ áo the khăn xếp đơn giản.
Tuy vậy, chất liệu sang trọng cùng vải màu đen nhánh càng làm nổi bật lên dáng người cao, vai ngang bắp tay rộng, cơ ngực cũng nở nang hơn nam nhân khác. Khăn xếp phía trên gọn gàng hoàn hảo, tô điểm cho gương mặt cương nghị mày kiếm mắt ưng, sống mũi cao thẳng tắp. Nàng thấy chàng ta nhấp môi lên ly rượu, bờ môi mỏng càng thêm quyến rũ khiến nàng không khỏi muốn thưởng rượu cùng nhân vật bất phàm này.
Người thương gia có khí chất như vậy, cả phủ Đô vốn chỉ có một, nàng biết y là Mạc Tư Thanh.
Mà y lúc đó nhìn thấy ả đào bước qua lớp màn mỏng, cũng hiểu tại sao vị khách của mình nhất quyết hẹn ở đây. Y biết để ở đệ Nhị phòng phải tốn hơn năm trăm lượng bạc một canh giờ, hoàn toàn không phải số tiền nhỏ để nghe đàn hát.
Cô nương kia má phúng phính mặt trái xoan trắng hồng, mắt phượng môi anh đào, từng động tác nhu nhuyễn mà không quá phận thực sự mê người. Mái tóc đen láy không vấn vào khăn mà chỉ đơn giản nửa thả nửa buộc hờ lên, tăng thêm phần nhu mì hiền thục lại thêm ý phong tình. Nàng ta bận một chiếc yếm đỏ tươi, khoác bên ngoài chiếc áo tứ thân màu lam đối nghịch được buộc gọn gàng, khiến khuôn ngực đầy đặn nổi lên đầy hấp dẫn. Phía dưới nàng là váy trắng dài hơn gót mềm mại thướt tha khi đi vô tình ôm lấy từng đường nét đôi chân, trông quyến rũ mà không dung tục.
Mạc Tư Thanh đã nhìn thấy nhiều người đẹp, biết được ca nương này chính là Thúy Hồng - một trong ba kỹ nương nổi tiếng nhất toàn phố Khâm Thiên, cũng là một trong hai đào chính của Hoan ca phường.
Hoan ca phường có hai đào chính, một người Thúy Hồng một người Thúy Lam, một người ca một người vũ, phòng đệ Nhất hay đệ Nhị hai nàng luân phiên nhau giành lấy. Thúy Hồng ngoài biết ca hát còn biết chơi đàn đáy không thua kém một ai. Y từng một lần thấy nàng ta từ xa trong một dịp Trung Thu nàng chơi đàn ở đài cao trước ca phường, tuy nhiên sau đó Thúy Lam dưới ánh trăng tròn nhảy múa trên cao, tung người mấy cái khiến phía dưới vừa lo lắng vừa hâm mộ, cuối cùng vũ đã thắng ca.
Nhưng y không hiểu lắm về nhảy múa, thấy tiếng hát ngọt ngào cao vút vẫn ấn tượng hơn.
Tuy nhiên đối với Mạc Tư Thanh mà nói, nàng đến cuối cùng vẫn chỉ là kỹ nữ, sau đó đã không nhớ rõ về nàng nữa. Bây giờ gặp lại không khỏi có chút lạnh nhạt. Y thấy rõ phía sau kia còn có tư phòng. Ở chốn này không thể bán nghệ mà không bán sắc.
Thúy Hồng không biết được suy nghĩ của nam nhân, chỉ thấy người này vẻ mặt không động, khóe mi không nhịn được bắn ra mị nhãn, cúi đầu nhún người nói:
"La lão bản khen ngợi. Vị này chắc chắn là Mạc lão bản. Thúy Hồng tài hèn sức mọn mong hai vị không cười chê.".
||||| Truyện đề cử: Sư Phụ Tôi Là Thần Tiên (Vô Địch Tiên Nhân - Ngạo Thế Tiên Giới) |||||
Ca nương số một nói câu "tài hèn sức mọn", thật khiến người khác không khỏi nghĩ nàng hoặc là quá tự cao, hai là quá khiêm tốn.
Vị thương gia họ La kia nghe nàng nói vậy liền khoác tay: "Trên đời này ta chưa thấy ai ca hát hay như nàng. Đến đây! Cùng chúng ta uống!" - nói rồi mới quay sang y - "Mạc lão bản thật thất lễ, ta mải nghe Thúy Hồng hát đến đầu óc choáng váng, chưa tiện tiếp chuyện với huynh. Nào! Ta kính huynh một chung, coi như nhận tội!"
Y nhận ly rượu, giả bộ cười cười: "La lão bản quá lời. Ta hoàn toàn hiểu rõ mê say của huynh, lòng không muốn mà cũng bị cuốn theo. Chung rượu này cảm tạ huynh cho ta được hưởng cùng!"
La lão bản nghe thấy vậy thích chí lắm, uống cạn một chung rượu rồi quay sang người đẹp bên cạnh: "Nàng xem ta nói đâu có sai? Ngay cả Mạc lão bản nổi tiếng chuyên tâm làm ăn cũng bị tiếng hát của nàng hấp dẫn. Ta thưởng nàng một chung rượu!"
Nói rồi, La lão bản không để mỹ nhân phải động tay, tự rót vào ly rượu của chính mình rồi đưa lên trước miệng người đẹp.
Thúy Hồng thấy Mạc Tư Thanh thật sự không hề để ý đến mình vậy mà vẫn khen ngợi trái phải, nhận ly rượu xong cũng không khỏi nương người một chút về hướng La lão bản, mềm mại ngọt ngào "mắng yêu": "Hai vị không phải là đang cùng nhau trách thiếp càn quấy, không cho hai người bàn chuyện làm ăn đó chứ?"
Thấy giai nhân trong tay nói như vậy, La lão bản liền nịnh bợ: "Ta nào dám! Nếu vì lời ta nói mà nàng nghĩ như vậy thì ta thưởng nàng thêm một chung, ta đây cũng tự phạt một chung!"
Y không định uống nhiều, nghe thấy vậy cũng muốn để hai người họ ta ta ngươi ngươi một hồi, không ngờ nữ nhân kia nhận ly rượu xong nhìn sang y: "Mạc lão bản có thể nào cũng cùng uống một chung? Thiếp không giỏi hầu rượu, nhưng để lão bản như vậy chỉ mình thiếp nhận thưởng cũng thấy không đành!"
Trong lời nói có gai đâm, nhác thấy La lão bản kia nhìn mình, Mạc Tư Thanh không muốn cũng phải nhấc ly rượu của mình lên: "Nàng nói như vậy là trách ta rồi. Ta cũng theo La lão bản, chịu phạt với nàng một chung, rồi tự chịu phạt với La lão bản một chung nữa!" - nói rồi uống liên tục hai ly rượu.
La lão bản thấy y sảng khoái như vậy càng cười lớn, nhưng vẫn chưa vô đề ngay ôm mỹ nhân trong lòng càng chặt: "Thúy Hồng nàng như vậy là trọng hắn hơn ta! Có phải ta cũng nên uống thêm một chung để làm đẹp lòng nàng không?"
Thúy Hồng nghe xong liền bĩu nhẹ cánh môi hồng thắm xinh đẹp: "La lão bản nói vậy là không phải. Chàng với thiếp bây giờ sao còn tính toán chuyện một chung hay hai chung? Mạc lão bản hôm nay là chàng mời tới, dĩ nhiên thiếp phải lấy lễ đối khách tiếp đãi chàng ta!"
Lời nói bây giờ nghe như trách móc nhưng lại muốn nói La lão bản kia vốn là người thân, mà y thì là ngoại nhân nên mới nhận được chút chú ý thường tình. La lão bản nghe thấy cũng không thể giận hờn thêm được, trái lại càng thêm muốn thân cận, thưởng thêm cho nàng ta vài cái động chạm có phần suồng sã. Nàng ta thế nhưng càng chiều lòng "gia chủ", thuận theo mọi điều.
Y ở trước cảnh đó chán ghét đến về sau không muốn nhìn vào nàng nữa, bao ấn tượng tốt đẹp từ trước đến giờ trong phút chốc bay biến mất.
Hai kẻ tình qua ý lại, ba người uống thêm một hồi thì La lão bản mới ngà ngà say. Y thuận thế nhắc chuyện khế ước, hắn lúc này mới lôi hai tờ khế ước viết sẵn ra ký cho mau mau chóng chóng, chỉ mong y về ngay để còn được hưởng trọn mỹ nhân.
Y nhận tờ khế ước của mình xong thì vội vã đứng dậy định ra về.
Ngay lập tức, Thúy Hồng đã dừng chân y lại:
"Mạc lão bản khoan vội. Hôm nay hai đại lão bản thành giao nơi đây, không thể nào không uống một chung rượu đặc biệt để chúc mừng. Thiếp xin kính rượu cho hai vị, chúc hai vị làm ăn càng ngày càng phát đạt, tư gia càng lúc càng rộng lớn!"
La lão bản cười ha hả luôn miệng khen nàng khéo léo. Đôi chân y đã quay đi bị buộc phải dời lại, nghĩ không có gì cũng vội vàng uống hết một chung.
Y không biết được, Thúy Hồng vốn là một cái liếc mi khiến bao nam nhân say đắm. Nàng chưa bao giờ thấy có gã đàn ông nào không xốn xang khi nhìn thấy nàng. Nhất là từ khi lên đến vị trí đào chính của Hoan ca phường, lắm kẻ cố gắng cũng chỉ đủ tiền nghe nàng hát sau tấm màn kia, vậy nhưng cũng không hối không tiếc trực tiếp dốc túi. Một ca nương như vậy không thể nào không có tự tôn của chính mình.
Mà thái độ của y từ nãy đến giờ, lạnh nhạt như không có gì, ánh mắt tránh nhìn nàng như đang khinh rẻ, giống như đang muốn chà đạp lên cái tự tôn đó!
Vậy nên y vừa bước ra khỏi cửa, chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì đầu óc đã choáng váng, cả thân người đổ ập xuống đất!
(còn tiếp)
ghi chú:
Truyện này được viết thời gian là cổ đại, nhưng lấy bối cảnh ở nước ta. Trên ghi chép không có nhiều lắm về nghề kỹ nữ, thành ra mình cũng chỉ có thể tự chế ra một thời điểm bằng cách tổng hợp những gì có thể.
Ở đây trong dân gian, nam giới người có học thức, trong lễ hội, hoặc dư giả tiền bạc sẽ mặc áo the khăn xếp, chân đi guốc mộc (giống như cụ đồ mọi người thường thấy), nông dân thì bận áo giao lĩnh (áo cổ vắt chéo, giống trên phim Trung Quốc) đi chân đất; nữ sẽ mặc áo tứ thân, yếm đào, váy hoặc quần dài (thường màu đen), cũng sẽ đi guốc mộc hoặc chân trần, trong lễ hội hoặc sân khấu lớn thì đội thêm nón quai thao, còn thường thì chít khăn mỏ quạ hoặc khi ra đường. Các ca nương khi trên sân khấu nhỏ cũng sẽ vấn khăn mỏ qua.
Ca nương thật ra là để chỉ người con gái làm nghề ca hát, còn được gọi là ả đào, thể loại nhạc lúc trước thường là ca trù nên sử dụng đàn đáy là chính.
Các địa điểm được ghi chú (2) cũng dựa vào cách gọi của các địa danh nước ta thời Lê sơ. Ở thời này nước ta phân thành 1 phủ và 12 đạo thừa tuyên, có thể hiểu là 1 thành phố và 12 tỉnh, trong 12 đạo lại có phủ (tương ứng với thành phố / thị xã thuộc tỉnh) và huyện. Tương ứng với trong truyện là:
- phủ Trung Đô (phủ Đô): bao gồm Kinh thành, tức trung tâm Hà Nội hiện nay
- phủ Ứng Thiên: một phần Hà Nội ngày nay, thuộc thừa tuyên Thiên Trường
- phủ Quy Hóa: bao gồm một phần phía đông nam Yên Bái, một phần Phú Thọ và Lào Cai ngày nay, thuộc thừa tuyên Hưng Hóa
- Tuyên Quang: tức thừa tuyên Tuyên Quang, tương đương với tỉnh Tuyên Quang ngày nay
- phủ Kiến Xương: thuộc thừa tuyên Thiên Trường, phía nam tỉnh Thái Bình ngày nay
- Nam Sách: bao gồm tỉnh Hải Phòng hiện nay
- phủ Phú Bình: thuộc đạo Thái Nguyên, bao gồm tỉnh Thái Nguyên hiện nay.
Phố Khâm Thiên được nhắc đến sơ qua là khu vực "đèn đỏ", tuy nhiên vì sử sách Việt không ghi chép về nghề kỹ nữ nhiều nên mình cũng chỉ dám chọn lấy lệ. Các nghề nổi bật của các địa điểm cũng dựa vào ngày nay mà suy ra: Thái Bình thì chuyên trồng lúa, Hải Phòng thì chuyên đánh bắt thủy hải sản (giờ không còn đúng lắm nữa ha?), Thái Nguyên thì chuyên trồng chè / trà.