Lời Nguyền Chung Tình

Chương 59: Lĩnh Tây đại loạn




Trong khi ở chiến biên Tây – Nam, chiến sự thay đổi liên tục thì lúc này, trong triều đình hoàng hậu và Lý quí phi cũng không ngừng lao tâm vì phải đối phó với các đại thần ương kháng tỏ ý chống đối. Vị tiểu hoàng đế Đinh Hạo lên ngôi thực sự như là một trò hề trong mắt quần thần. Bọn họ sớm đã linh cảm được thế lực của Lưu Hoành đã lấn át vương quyền của Đinh thị. Còn hai nữ nhân hậu cung này rốt cuộc cũng chỉ là bù nhìn, bình phong cho sự tồn tại của hoàng triều Đinh thị, cho nên các đại thần bắt đầu rục rịch tranh thủ thể hiện, ra vẻ hiểu thời biết thế lấy lòng bè đãng của Lưu Hoành chèn ép hai vị thánh cung. Lúc này hoàng hậu thật sự rơi vào thế suy kiệt. Lý quí phi thâu tóm quyền hành chưa lâu, đối với triều sự quả thật có nhiều lúc không thể xử lí thỏa đáng. Lại thêm các đại thần cố ý làm khó, bè đãng ủng hộ Lưu Hoành bắt đầu ra sức ép khiến các nàng ở vào tình huống vô lực khả thi, tiến thoái lưỡng nan. Lý quí phi lúc này cũng không dám manh động tự thể hiện. Ở vào thời khắc này, nàng mới chân chính cảm thụ được cầm trong tay cái quyền vị hoàn toàn không đơn giản, không dễ như nàng vẫn nghĩ. Đấy cũng không phải là một việc sung sướng, thoải mái gì. Thế mà bấy lâu nay nàng cứ cho rằng hoàng hậu kiên trì cố chấp, nắm níu đế uy là vì ham muốn hư vinh, tham quyền cố vị. Nàng còn mang lòng tiểu nhân, ganh tị oán hận hoàng hậu, nào có nghĩ tới một nữ nhân nhu nhược như nàng ấy khư khư gìn giữ cái hoàng triều này quá lao tâm túng khổ rồi!
Áp lực từ muôn dân, từ bá quan quần thần, từ quyền thần lấn át quân vương, từ những phe phái nổi lên tranh đấu, khiêu khích triều đình. Hoàng hậu một ngày phải giải quyết hằng hà những chính vụ nan hành khả dĩ, những tin báo không hay liên tục gửi đến nhức nhối lòng người. Có những ngày, đám đại thần làm khó, cùng nhau đứng hết ở bên ngoài Chính sự điện để phản đối quyết định của hoàng hậu. Hoàng hậu ở bên trong, không nói được đám đại thần nhưng cũng không thể tỏ ra nhượng uy, để bọn họ làm sức ép. Rốt cuộc hai bên giằng vặt nhau cả hai ngày. Hai ngày đấy, hoàng hậu một bước cũng không ra khỏi Chính sự điện. Cơm nước nghỉ ngơi nàng cũng không màng, đến hôm sau thì kiệt quệ đến mức ngất xỉu. Lý quí phi bước vào thăm, nhìn thấy hoàng hậu ngất nằm đấy mà trên tay còn cầm chắc quyển tấu thư. Lý quí phi xúc động đến quặn lòng. Nàng ấy khổ tâm đến như thế, vì cái gì? Quyền vị không phải điều nàng ấy mong muốn. Trách nhiệm nặng nề cùng lao nhọc đến như này, rốt cuộc vì điều gì mà nàng ấy phải không ngừng gắng gượng?
Lý quý phi ở bên giường nhìn hoàng hậu hôn mê nằm đấy, sắc mặt xanh xao nhợt nhạt, khóe môi chốc chốc lại giật nhẹ, run run như gọi ra gì đó. Lý quí phi cố gắng áp tai đến thật gần để nghe, nhưng chỉ nghe loáng thoáng được hai chữ: trị bình. Lý quí phi nhíu đôi mày liễu, bâng khuâng nghĩ. "Nữ nhân này đến cùng tâm tư có bao nhiêu rộng đây? Trị bình kinh thế, đâu phải một việc dễ dàng? Huống hồ chi đến bước đường này rồi, nàng ấy vẫn kiên trì đối kháng với các thế lực quyền thần thật sự là một việc muôn hại lụy thân, nàng ấy lại vẫn quyết liệt kiên trì như thế...". Lý quí phi nhất thời không biết nên tiếp thụ làm sao? Nàng vốn là đến muốn khuyên bàn với hoàng hậu hay là tạm thời đàm phán với Lưu Hoành, nhượng quyền vị cho hắn để tránh đến lúc bị bức thì không kịp trở tay. Dè đâu lời nàng còn chưa nói ra, đám đại thần kia nhịn không nổi tới cửa ép hoàng hậu. Quả nhiên là Lưu Hoành dã tâm quá rõ ràng, ép các nàng đến mức như vậy!
Lý quí phi bước qua phụng án, cầm lấy số tấu chương, điện thư hoàng hậu đã phê duyệt qua. Vô tình, nàng đọc được một dòng chữ thanh tao trên một tờ giấy: "Tận nhân lực, tri thiên mệnh." Lý quí phi bất chợt thở dài. Rốt cuộc thì nàng đã hiểu nàng kém hoàng hậu là ở đâu? Luận về tài mạo, nàng chưa bao giờ nghĩ hoàng hậu có thể hơn nàng. Hoàng hậu so với bất kì các cung phi nào khác của Đinh vương vẫn là chỉ một vẻ điềm nhiên bình dị. Nàng không quá xinh đẹp, không sắc sảo. Huống hồ tuổi tác cũng gần đến độ tứ tuần. Nàng cư xử kể cả với Đinh vương vẫn là một sắc mặt không đậm không nhạt, không ai hiểu nàng nghĩ gì, cũng không ai cảm thấy nàng là xứng đáng được ở ngôi chí chủ hậu cung. Trừ một việc nàng là thê tử tào khang với Đinh vương từ thuở Đinh vương còn chưa đoạt được thiên hạ. Ấy thế mà năm này qua tháng nọ, nàng vẫn là người được Đinh vương sủng ái đến tận trời mây. Trong khi Lý Dung Uyển nàng tuổi trẻ nhập cung, tự phụ mình là một tuyệt sắc giai nhân cả hậu cung chưa người nào sánh kịp vậy mà vào cung tận những đến hai năm mới được Đinh vương để mắt. Mà nghĩ đến lần đầu tiên nàng thị tẩm cho Đinh vương là do Đinh vương bị hoàng hậu từ chối. Đêm ấy, Đinh vương ở chỗ nàng nhưng khi ngủ, tên người gọi đến vẫn là ba chữ Trần Ý Đình. Lý Dung Uyển cảm thấy không cam. Vì cái gì? Hoàng hậu như thế nào cũng là một nữ nhân luống tuổi rồi. Dù Đinh vương chung tình sâu sắc, xem trọng tình nghĩa tào khang thì cũng không cần đến độ như thế?
Kể từ đó, nàng xem hoàng hậu là mục tiêu, là cái gai, là người mà nàng nhất định phải vượt qua, phải thắng được nàng ấy. Hoàng hậu ở hậu cung, không cần gợn một tia tranh sủng nào vẫn giữ được trái tim của quốc chủ ở mãi trong lòng nàng ấy. Còn trong triều, địa vị của phụ thân và gia tộc của hoàng hậu cũng không ngừng nâng cao, được Đinh vương vị nể. Lý Dung Uyển chỉ một lần vô tình lỡ miệng nói ra sân ý với hoàng hậu liền bị Đinh vương tức giận sai đày đi Thiên Sơn lĩnh dâng hương mặc dù trước khi đi Đinh vương cũng biết Lý quí phi nàng đang mang long chủng. Chính vì như thế, nàng không thể không hận đối với hoàng hậu. Việc nàng gặp được Kiều Vũ Phi chính là cơ may. Nàng muốn dùng người này để từng bước từng bước kéo hoàng hậu xuống đài. Và mọi chuyện chẳng những diễn ra đúng ý nàng, mà lại còn vô cùng thuận lợi khi Đinh vương và thái tử vừa băng thì hoàng cung nội chiến khiến phe hậu thuẫn của hoàng hậu tan rã. Thật sự chuyện diễn ra tốt đẹp quá mức bất ngờ. Con cờ "tiểu đệ Lý Thần" của Lý Dung Uyển nàng thực sự đã thu được tâm của hoàng hậu khiến nàng ấy tuyệt nhiên không chút do dự tin tưởng sự đề bạt từ miệng Lý Thần nói ra cho nên Lý Dung Uyển một mẻ thu lưới, cả binh quyền nội cung liền ở hết vào tay nàng. Thế nhưng đến lúc này, nàng nhìn hoàng hậu, hoàng hậu vẫn cứ như thế, ánh mắt lạnh nhạt xa cách, không gợn một chút tâm tư oán hận nào. Lý Dung Uyển bất chợt cảm thấy không được thỏa mãn. Nàng cố ý làm nhiều đến như thế, mưu toan lâu đến như thế, rốt cuộc đoạt đi đại quyền của hoàng hậu, hoàng hậu vẫn không thèm bận tâm đến nàng. Nàng ấy thật sự rộng lượng đến như thế hay có thể nói là nàng ấy vốn đã xem thường tất cả, không còn lưu tâm đến bất cứ chuyện gì nữa rồi?
Mãi cho đến những ngày gần đây, hai nàng bị buộc ở vào thế phối hợp lẫn nhau duy trì ổn định triều cương. Đến lúc này, Lý Dung Uyển mới hiểu, mới thừa nhận nàng so với hoàng hậu thật ra chỉ là một nữ nhân tinh ranh vặt vảnh. Hoàng hậu mới thật sự là một tài nữ anh danh, bản năng kinh thế. Các chính sự vụ, nàng ấy xem lướt qua liền có nhận định chuẩn xác và phân phó sắp đặt ổn thỏa mọi bề. Trong khi Lý Dung Uyển thật sự sơ sót, qua loa, thậm chí không thể có tầm nhìn xa và nghĩ sâu được như nàng ấy. Rốt cuộc Lý Dung Uyên tranh quyền rồi cuối cùng lại phải tìm đến cùng hoàng hậu thảo luận trước sau mới có thể quyết sách. Ở vào thời khắc này, nàng mới cúi đầu thán dài. Kinh thế an bang không phải chuyện ai cũng có thể làm. Mà Lý Dung Uyển nàng cũng chỉ là một nữ nhân tự cho mình là thông minh, bây giờ hiểu ra nắm đại quyền trong tay chính là cả một ngọn núi lớn đè lên thân tâm chính mình ngày đêm dằn vặt. Nàng bất chợt thở dài, tay nâng niu vuốt nhẹ vào dòng chữ tao nhã của hoàng hậu, nói một mình:
- Tận nhân lực, tri thiên mệnh. Hoàng hậu, ta cùng tỉ tranh đoạt ganh đua, không từng thủ đoạn, rốt cuộc đến thời khắc này ta mới thấu hiểu cùng tỉ ganh hận thật sự là một chuyện vớ vẩn nhất cuộc đời này. Bây giờ chúng ta đều là chim trong lồng, cá trên thớt. Ta thật hối hận vì đã không sớm nhận thức ra hai chúng ta vốn không cần là đối thủ.
Nàng nhoẽn cười một cách chua xót sau đó đứng dậy, cầm theo long ấn bước ra ngoài. Đứng bên ngoài tẩm cung của hoàng hậu, Lý Dung Uyển phân phó cho thủ hạ mấy lời rồi quay mặt bước đi. Lúc thấy hai thủ hạ Thành Vũ, Thành nhận lệnh tiến vào tẩm cung của hoàng hậu, Lý Dung Uyển khẽ thở ra một hơi dài, chầm chậm bước đi hướng về điện Cần Chính.
Ở chiến biên Tây Nam, cái chết của hai vị sứ quân thực sự là một đánh đòn chí tử vào hai lãnh cứ Kiều – Lương. Chỉ trong vòng mấy ngày, tin tức báo đến lãnh phận phía Tây của họ Kiều đã bị thu hẹp nghiêm trọng. Ngô Thế Minh dẫn theo các thổ hào, tù trưởng gần đó liên tục công kích tấn công lãnh cứ Kiều gia. Kiều gia quân bây giờ là rắn mất đầu. Tin tức Kiều sứ quân cùng trưởng tử Kiều Vũ Phong tử nạn đã khiến sĩ khí toàn quân họ Kiều sụp đổ. Các tướng lĩnh tranh giành quyền thế, mâu thuẫn công kích lẫn nhau. Tình hình Lĩnh Tây chỉ có một chữ loạn. Loạn từ trong nội doanh đến bên ngoài. Rất nhiều binh sĩ dưới trướng Kiều gia không thể trụ nổi trước tình cảnh loạn lạc này cho nên đã bỏ quân ngũ, chạy sang đầu quân vào các thế lực lân cận đó. Và đúng lúc như thế, danh nghĩa của tam hoàng tử Đinh Trọng một lần nữa nổi lên ở Lĩnh Tây. Các đào binh từ Kiều doanh bỏ sang đầu nhập vào dưới trướng của Đinh Trọng. Thanh thế của Đinh Trọng mỗi lúc một tăng, hắn liền tự hiển xưng vương, lấy danh Bạo Vũ. Ngoài mặt hô hào khẩu hiệu "diệt gian thần, phục giang sơn, bình thiên hạ, lập thái an".
Đinh Trọng so với Ngô Thế Minh càng lao tâm khổ tứ, nhẫn nhục phụ trọng. Hắn bề ngoài lấy danh nghĩa hoàng tử của Đinh vương, kêu gọi nghĩa sĩ đứng lên ủng hộ hắn. Mặt khác hắn âm thầm mật thiết quan hệ cùng Ngô Thế Minh, cùng Từ gia của Lĩnh Bắc, thậm chí cũng không tiếc khom lưng cúi gối bợ đỡ Lưu Hoành. Hắn tự biết bản thân không có bản lĩnh gì để đấu lại Lưu Hoành đoạt lại giang sơn cho nên ngay lúc nghe tin phụ hoàng vừa băng hà, hai vị huynh trưởng đương về kinh chịu tang cũng gặp họa phục kích. Hắn ngay lập tức dụng khổ nhục kế, bày ra hiểm cảnh giả, sau đó ẩn thân đi theo dõi tình huống trong triều rồi mới tính toán kế hoạch.
Nhác thấy tất cả quyền thế trong triều đều đã ở hết vào tay Lưu Hoành, lại thêm xảy ra chuyện Đinh thị hoàng thân xông vào kinh tạo phản, Đinh Trọng tự hiểu không thể trông cậy vào ai. Có trách thì nên trách trước đây phụ vương lại thiên vị tiểu hoàng đệ thái tử Đinh Uy mà không tin tưởng các hoàng tử bọn hắn, lại giao hết binh quyền vào tay Lưu Hoành. Bây giờ phụ vương không còn, Lưu Hoành muốn phản là phản thôi, trong triều còn ai có thể ngăn nổi? Nếu như dùng cương không được thì dùng nhu. Dù sao, Lưu Hoành trước kia cũng từng một thời là thái phó dạy võ nghệ cho các hoàng tử bọn hắn, cho nên Đinh Trọng bí lối chạy đến cầu tình, ra vẻ khổ sở biện một cái lí do cho là Trần hoàng hậu đã sai người giết bọn hắn. Hắn còn vu khống, nói Trần hoàng hậu có gian tình với hoàng thúc của mình là Đinh Phong, lấy nước mắt cầu xin lòng thương của Lưu Hoành, mong được Lưu Hoành chiếu cố, giúp đỡ cho hắn. Lưu Hoành hiển nhiên không tin được những cáo buộc vớ vẩn của Đinh Trọng. Đinh Trọng trong mắt Lưu Hoành chỉ là một đứa nhỏ không có căn cơ. Đúng lúc, chỗ hắn đang cần một người để dùng cho nên hắn mới ra vẻ đồng cảm, hứa sẽ giúp đỡ Đinh Trọng "đòi lại công bằng". Dù sao thì Đinh Trọng hay Ngô Thế Minh cũng chỉ là những con gián, nhưng không ngờ dùng tốt hai con gián này lại còn có thể đối phó được với hai con hổ Kiều – Lương. Thế là Lưu Hoành sắp đặt, tạo điều kiện cho Đinh Trọng và Ngô Thế Minh phất cờ dấy nghiệp. Hai kẻ ngốc ôm dã tâm này lại nghĩ hắn sơ ý thiếu đề phòng để cơ may cho mình cho nên ngoài mặt thì vâng dạ phụ tử, nhưng phía sau thì âm thầm mưu toan với nhau đoạt được Tây – Nam sẽ chia đều rồi tự mình hùng bá. Lưu Hoành vừa về kinh thì Ngô Thế Minh và Đinh Trọng ra sức tấn công Lĩnh Tây, vơ vét của cải, tranh đoạt binh sĩ thu về dưới trướng mình. Thật đáng thương khi cả hai đều không nghĩ đến trước khi đi Lưu Hoành còn sớm dàn sẵn cho cả hai một ván cờ kịch chiến.
Đứng trước lều trại, nhìn về dãy núi hướng Tây xa xa, Kiều Vũ Phi cảm thấy trong lòng lắng lại một hồi mặn đắng. Chỉ trong vòng mấy ngày, lại xảy ra quá nhiều chuyện. Kiều gia nàng tan hoang lại là liên quan đến Đinh Ngọc Phụng. Đinh Ngọc Phụng thì không có tin tức, không rõ an nguy. Nàng và Lương Mẫn Doanh thì từ lúc đó như trở mặt. Lương Mẫn Doanh giận cả nàng và Lâm Dĩ Thông cho nên cửa lớn Lương gia quân doanh nàng thể bước vào, đành phải cùng Lâm Dĩ Thông và người của Quang Mục trại dựng lều gần Hoạt Thạch Cốc. Bởi vì người Lĩnh Tây có phong tục hỏa táng, lại nói người chết nếu không thể được an táng trong lãnh phận đất Tây thì phải chịu cảnh cô vong lưu lạc, không nơi nương tựa, cho nên Lâm Dĩ Thông mới thương cảm, lệnh cho thủ hạ Quang Mục trại giúp nàng lo liệu đưa tro cốt các binh sĩ tử nạn kia hồi hương.
Trong thời gian chờ người của Quang Mục trại giúp hỏa táng tro cốt, tin dữ truyền đến, Lĩnh Tây một đời cố công gây dựng của phụ thân đã tan hoang chỉ trong một ngày. Kiều Vũ Phi vừa áy náy, vừa xót xa. Càng nghĩ càng thương tâm, càng ngẫm càng bi ai và day dứt. Nàng tự trách chính mình, hối hận vì sự bàng quang, vô cảm của mình đã khiến phụ thân, Lương thế bá và các huynh trưởng thiệt mạng oan uổng. Bây giờ không chỉ là những người đã chết ở đây, mà những người ở Lĩnh Tây cũng đang ở vào cảnh nước sôi lửa bỏng, thê thảm khôn cùng. Hơn nữa ở đó còn có mẫu thân. Phải. Nàng đã vô tâm như thế để lão phụ và thân huynh oan mạng ra đi, nếu như còn để lỡ, không cứu được mẫu thân và những người còn lại ở Lĩnh Tây, nàng thật sự không đáng làm người nữa.
Mặc kệ cái gì là số mệnh lịch sử, họ không đáng chết, nàng biết trước số mệnh của họ lại không cứu họ thì nàng mới đúng là đáng chết!
Lúc đoàn người Kiều Vũ Phi đi rồi, Lương Mẫn Doanh mới từ doanh trại Lương gia hớt hãi chạy sang, xộc đến trước mặt Lâm Dĩ Thông hỏi:
- Lâm bá phụ, tên kia hắn...đi đâu thế?
- Ngươi đánh đuổi hắn khỏi Lương gia, thì hắn đi về Kiều gia. – Lâm Dĩ Thông tỉnh khô trả lời.
- Người nói sao? – Lương Mẫn Doanh hoảng hốt lên – Người sao có thể để hắn đi?...Lĩnh Tây đang loạn. Kiều gia quân của nhà hắn tan rã rồi. Huống hồ chi...hắn...
Lương Mẫn Doanh rối rắm đến nói không ra lời. Thân phận Kiều Vũ Phi thế nào, nàng rõ hơn ai hết. Từ chuyện bí mật Kiều Vũ Phi phẫn nam trang, đến cả chuyện nàng ấy bị phụ thân ghẻ lạnh, từ bé đến lớn đều bị tách riêng, bỏ mặc ở tiểu phủ. Đừng nói Kiều Vũ Phi nàng ấy không có thể nào tiếp nhận quyền binh Kiều gia, chỉ sợ dù Lĩnh Tây không loạn, binh sĩ ở Kiều gia quân cũng không ai nhận diện được nàng ra là Kiều nhị công tử.
Bây giờ, Lĩnh Tây lại nguy hiểm đến như vậy, Kiều Vũ Phi dẫn theo số binh sĩ ít ỏi kia đi chịu chết ư? Thật sự là một kẻ ngu xuẫn! Tại sao nàng ta lại có thể ngu xuẫn đến như vậy? Nhưng đáng ghét nhất, lão già Lâm Dĩ Thông cớ nào lại đồng tình, còn cho người theo hộ tống, cùng nàng ta đi chết kia?
Nhác thấy ánh mắt tóe lửa tức giận kia của Lương Mẫn Doanh, Lâm Dĩ Thông ra vẻ vô tội vạ, nhướng mày nói:
- Nhìn ta làm gì? Nếu như ngươi lo lắng cho hắn cớ sao lúc đầu lại không cho hắn mượn binh? Ừ thì ngươi không giúp thì thôi. Hắn muốn đi Lĩnh Tây làm một anh hùng, làm một đại trượng phu vì dân bình loạn. Lão phu đây thân là trưởng bối lẽ nào có thể ngoảnh mặt không giúp? Ở đây ta cũng chỉ có hơn một trăm binh sĩ, đều cho hắn mượn. Ta chỉ có thể giúp được bấy nhiêu, còn lại thì dựa vào số mạng của hắn thôi.
Lão nói xong, còn vuốt mũi, liếc trộm xem biểu tình của Mẫn Doanh. Sắc mặt Lương Mẫn Doanh mỗi lúc một trắng xanh rồi cũng trở nên biến tím. Lâm Dĩ Thông biết nàng đã giận đến đỉnh điểm rồi, tức thì liền đã nghe nàng nghiến răng phán:
- Ta sẽ mặc kệ tên ngu xuẫn ấy! Muốn chết thì cứ đi mà tìm chết đi!
Nàng nói xong, thật sự tức giận đến không nén được bật khóc rồi thật nhanh bỏ chạy đi. Lâm Dĩ Thông nhìn theo bóng dáng nàng, bất khả tư nghì, chỉ còn biết nhướn mày, rồi lại nheo mắt sau đó thì thở dài. Lương Mẫn Doanh đi khuất rồi, lão chợt linh động nghe được động tĩnh có người tiến đến. Cũng không đợi người đó hiện thân, lão đã cất lời, giọng trầm trầm, nghiêm túc nói:
- Được rồi, bây giờ bọn họ đã đi Lĩnh Tây, tiếp theo chắc đã hết chuyện của lão phu?
Trong đêm, dưới ánh lửa mờ ảo, Lâm Dĩ Thông cũng không quay đầu nhìn về người phía sau. Chỉ nghe một giọng nữ nhàn nhạt thanh âm cất lên:
- Lâm lão đừng nói cứ như lão là một kẻ chỉ đứng ngoài cuộc thế này! So với ta, Lâm lão mới thực là một người có lòng với thiên hạ. Lão cũng đã bỏ công nghiên cứu thần cơ diệu học bấy nhiêu năm rồi, thừa biết rất rõ nghịch đảo thiên mệnh, biến chuyển thiên luân sẽ gây ra hậu quả gì? Lẽ nào, lão thật sự muốn nhìn thế cuộc biến chuyển như một trò đùa nghịch vớ vẩn thế này hay sao?
Đôi mày kiếm của Lâm Dĩ Thông khẽ chau nhẹ. Lúc này, lão mới chầm chậm quay sang nhìn về phía nữ nhân đang nói chuyện với mình, nhưng lúc nhìn lại người này đã không thấy thân ảnh đâu, chỉ văng vẳng vang lại một câu nói:
- Lâm lão, chúng ta đều rõ thiên mệnh sở uy là do thiên ý an bày. Không phải chúng ta có thể lựa chọn, cũng không ai có thể lựa chọn. Lão đã sớm hiểu sao vẫn còn cố chấp? Ta cũng chỉ nhắc nhở lão, nếu lão thật sự vẫn muốn ngoài cuộc đứng nhìn, ta cũng không còn cách nào.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.