Lục Mạch Thần Kiếm

Chương 119: Theo huyền từ , nhị nương hủy mình




Quần hùng đã nghe Tiêu Viễn Sơn nói phụ thân Hư Trúc là một vị cao tăng đắc đạo, bây giờ lại thấy Diệp Nhị Nương bảo y thanh danh rất lớn trong võ lâm và có địa vị tối cao. Mấy câu này kết hợp với nhau, ai nấy tự hỏi:
- Chẳng lẽ người đó là một nhà sư có địa vị cao cả tại chùa Thiếu Lâm?
Mọi người đều đưa mắt nhìn khắp các vị lão tăng râu tóc bạc phơ ở chùa này?
Bỗng nghe Huyền Từ phương trượng lên tiếng:
- Ðức Phật từ bi! Bần tăng đã gây nên nghiệt nhân nên phải chịu nghiệt quả. Hư Trúc! Ngươi lại đây!
Hư Trúc chạy lại trước mặt phương trượng quỳ xuống.
Huyền Từ ngắm tướng mạo y hồi lâu rồi đưa tay ra khẽ vỗ vào đỉnh đầu y nói:
- Ngươi đã ở trong chùa hai mươi bốn năm thế mà thuỷ chung ta vẫn không hay. Ngươi chính là con ta!
Huyền Từ vừa thốt ra câu này, quần tăng và quần hùng nhốn nháo cả lên. Ai cũng ra chiều kinh dị, hãi hùng. Người căm hờn kẻ khinh mạn. Lại có một số lộ vẻ bi thương, mỗi người có một cảm xúc riêng.
Huyền Từ phương trượng đạo cao, đức trọng. Ðã là người võ lâm, chẳng ai không ngưỡng mộ. Ngờ đâu bật ra việc này khiến ai nấy đều sửng sốt.
Tiếng người huyên náo bàn tán chừng nửa giờ rồi lắng xuống.
Huyền Từ lại lên tiếng bằng một giọng nói trầm tĩnh:
- Tiêu thí chủ! Thí chủ cùng lệnh lang xa cách nhau ba mươi năm trời tuy không thấy mặt nhau nhưng còn được biết tung tích của đứa con yêu quý và ngày nay võ công cực kỳ tinh tiến, thanh danh lừng lẫy trên chốn giang hồ, thành một bậc anh hùng hảo hán vào bậc nhất võ lâm. Tưởng như vậy trong lòng thí chủ cũng được an ủi phần nào. Còn bần tăng thì hàng ngày được thấy hài nhi mà vẫn tưởng y bị quân cường đạo cướp mất, sống chết không hay. Nỗi niềm canh cánh bên lòng, ngày đêm mong nhớ.
Diệp Nhị Nương vừa khóc vừa nói:
- Ðại sư... Ðừng nói nhiều như vậy nữa! Bây giờ biết làm thế nào đây?
Huyền Từ đáp bằng một giọng ôn hoà:
- Nhị nương! Mình đã làm nên tội nghiệt thì có hối hận cũng bằng vô dụng, mấy chục năm nay nỗi thống khổ của Nhị nương biết nói thế nào cho xiết được!
Diệp Nhị Nương nói:
- Tiên phụ chẳng lấy thế làm đau khổ cho lắm. Ðại sư có mối sầu khổ mà không nói ra được mới thật đau lòng.
Huyền Từ từ từ lắc đầu nhìn Tiêu Viễn Sơn nói:
- Tiêu thí chủ! Về việc xảy ra ở ngoài cửa ải Nhạn Môn quan đó, bần tăng gây nên lỗi lầm. Các anh em đã vì lão tăng giúp tay vào việc này. Nhưng họ đều chết cả rồi. Lão tăng đến nay mới chết kể ra đã là quá muộn quá. Có điều trong lòng vẫn chưa hiểu rõ.
Ðột nhiên, đại sư cất cao giọng nói:
- Mộ Dung Bác thí chủ! Ngày ấy thí chủ phao tin có toán võ sĩ Khất Ðan vào chùa Thiếu Lâm đoạt kinh điển võ học là có ý gì?
Mọi người nghe đến ba chữ "Mộ Dung Bác" đều giật mình kinh hãi. Trong đám quần hùng chỉ người kiến thức quảng bác, giàu kinh nghiệm mới biết được trong bọn tiền bối Cô Tô Mộ Dung có tên Mộ Dung Bác. Nhưng người này hành tung bí mật, rất ít người biết chân tướng lão nữa. Thế mà sao Huyền Từ đột nhiên kêu tên gọi họ lão?
Mọi người đều đưa mắt nhìn theo mục quang Huyền Từ thì Mộ Dung Bác chính là nhà sư áo trắng ngồi gốc cây.
Nhà sư áo trắng bật lên tràng cười rồi đứng dậy nói:
- Phương trượng đại sư! Ðại sư thiệt có con mắt tinh đời và đã nhận ra tại hạ! Rồi lão đưa tay lên kéo tấm khăn bịt mặt ra để lộ mày thanh mắt sáng phong tư tuấn nhã.
Mộ Dung Phục đứng ngay bên lão thất kinh la lên:
- Gia gia! Gia gia... chưa chết ư?
Huyền Từ nói:
- Mộ Dung thí chủ! Bần tăng cùng thí chủ đã có mối giao hảo lâu năm. Bấy lâu, bần tăng không tìm thấy thí chủ nữa. Sau đó được tin thí chủ mắc bệnh qua đời. Bần tăng đau đớn vô cùng! Bần tăng lại nghĩ rằng thí chủ cũng như bần tăng tin lời người gây nên tội lỗi. Ngờ đâu... Hỡi ôi!...
Tiếng than của đại sư vừa tỏ ra hối hận vừa tỏ ra thống trách Mộ Dung Bác.
Tiêu Viễn Sơn cùng Tiêu Phong đưa mắt nhìn nhau.
Bây giờ hai người mới hiểu Mộ Dung Bác đã phao tin này để gây xích mích giữa hai bên Ðại Tống và Khất Ðan. Ðồng thời trong lòng hai người cùng nghĩ:
- Vụ thảm án ngoài ải Nhạn Môn quan, tuy Huyền Từ phương trượng chùa Thiếu Lâm chỉ vì quan tâm đến sự an nguy của giang sơn nhà Ðại Tống và sự tồn vong về kinh điển võ học của môn phái nên phải dốc lòng theo đại nghĩa mà làm. Rồi sau đại sư phát giác ra lỗi lầm nên đã hết sức bồi bổ lại. Thế thì kẻ đại ác là Mộ Dung Bác chứ không phải Huyền Từ.
Trong quãng thời gian ba mươi năm trời, Tiêu Viễn Sơn chồng chất mối oán hờn lên Huyền Từ, còn Tiêu Phong thì lại có lòng thương sót nhà sư.
Mộ Dung Bác cười ha hả nói:
- Người Tống cùng người Khất Ðan đã có mối thù truyền đời, hễ thấy mặt nhau là giết, còn phân biệt gì đến chuyện phải trái nữa. Hài nhi! Chúng ta đi thôi!
Lão nói xong, xoay mình lại dắt tay Mộ Dung Phục toan bỏ đi.
Tiêu Phong lớn tiếng quát:
- Khoan đã! Các ngươi đâu có thể bỏ đi dễ dàng thế được?
Mộ Dung Bác hỏi lại:
- Sao? Ngươi muốn lĩnh giáo võ công của nhà Mộ Dung ở Cô Tô chăng?
Tiêu Phong đáp:
- Mối thù giết mẹ có lý nào không báo được? Bao nhiêu mầm hoạ đều do ngươi mà ra. Vậy bữa nay ngươi khó lòng trốn tránh công đạo được đâu.
Mộ Dung Phục cười khẩy một tiếng, buông tay Mộ Dung Phục ra rồi tung mình nhảy đi theo đường lên núi rất mau lẹ.
Tiêu Viễn Sơn cùng Tiêu Phong nói:
- Chúng ta phải vượt theo hắn! Ðoạn hai người chia bên tả hữu đuổi theo.
Cả ba người này đều là những tay võ công trác tuyệt. Chỉ trong nháy mắt đã đi rất xa.
Một người chạy trước hai người đuổi sau. Cả ba người đều chạy về phía chùa Thiếu Lâm. Một bóng trắng hai bóng đen, trong giây lát đã biến vào sau bức tường vàng ngói biếc chùa này.
Quần hùng thấy biến diễn ly kỳ đều nghĩ thầm:
- Mộ Dung Bác, Tiêu Viễn Sơn hai người công lực ngang nhau không phân cao thấp. Lại thêm Tiêu Phong nữa thì Mộ Dung Bác không thể địch nổi. Vậy sao hắn không chạy xuống núi lại chạy lên chùa Thiếu Lâm?
Mộ Dung Phục la gọi:
- Gia gia! Gia gia!
Rồi y cũng rượt theo lên núi. Tuy y khinh công tuyệt đỉnh nhưng so với ba người phía trước vẫn chưa bằng.
Bọn Ðặng Bách Xuyên, Công Dã Càn, Bao Bất Ðồng, Phong Ba Ác và mười tám tên võ sĩ Khất Ðan muốn chạy theo lên núi để viện trợ cho chủ mình.
Nhưng họ vừa cất bước thì Huyền Từ đã quát lên:
- Lập trận để ngăn trở mọi người.
Hơn một trăm nhà sư chùa Thiếu Lâm, vâng lời, bày thành trận thế ngay giữa đường. Người cầm thiền trượng, kẻ cầm giới đao cản lại không cho mọi người lên núi.
Huyền Tịch cũng lên tiếng:
- Chùa Thiếu Lâm ta là nơi cửa Phật đất lành không phải là trường đấu và cũng không phải là nơi để quý vị đến làm việc riêng. Vậy các vị thí chủ đứng thiện tiện tiến lên đó nữa.
Bọn Ðặng Bách Xuyên thấy chùa Thiếu Lâm người nhiều, thế mạnh, biết rằng không thể nào xông pha lên được. Nếu còn xung đột thì chỉ tổ gây thêm cừu địch. Tuy họ băn khoăn về chủ nhân mà đành phải dừng bước đứng lại nguyên chỗ.
Bao Bất Ðồng nói:
- Phải rồi! Chùa Thiếu Lâm là nơi của Phật đất lành chỉ để nuôi những hạng con tư sinh vô thừa nhận. Gã vừa nói câu này thì mấy trăm con mắt căm hận nhìn thẳng vào mặt gã. Nhưng Bao Bất Ðồng là người lớn mật, tuy gã biết rõ quần tăng chùa Thiếu Lâm có rất nhiều cao thủ vào hàng chữ Huyền, thì bất luận là ai gã cũng không địch nổi. Thế mà gã muốn nói là nói chẳng uý kỵ chi hết. Gã thấy tăng lữ chùa Thiếu Lâm nhìn mình bằng con mắt hằn học thì gã cũng hằm hằm nhìn lại không chớp mắt.
Bỗng nghe Huyền Từ lớn tiếng nói:
- Lão tăng phạm vào đại giới Phật môn làm nhơ danh chùa Thiếu Lâm. Huyền Tịch sư đệ! Theo giới luật bản tự thì nên trừng trị thế nào?
Huyền Tịch ngập ngừng đáp:
- Cái đó... sư huynh...
Huyền Từ nói:
- Nước có phép nước, nhà có luật nhà. Bất luận là môn phái, hay bang hội, hay tôn tộc, chùa chiền đều khó lòng tránh khỏi cái nạn con em bất tiếu. Muốn bảo toàn thanh danh để vĩnh viễn khỏi có người phạm pháp nên phải trừng trị theo luật định, không thể nhân nhượng được. Chấp Pháp tăng! Hãy đem Hư Trúc đánh một trăm ba chục côn. Một trăm côn phạt chính mình y chịu tội. Còn ba mươi côn là y tình nguyện thay cho nghiệp sư.
Chấp Pháp tăng đưa mắt nhìn Huyền Tịch.
Huyền Tịch gật đầu.
Hư Trúc đã quỳ xuống để chịu phạt.
Chấp Pháp tăng giơ trượng (côn) lên đánh. Lưng và mông Hư Trúc da thịt nát nhừ, máu tươi lênh láng.
Diệp Nhị Nương trong lòng đau xót nhưng sợ Huyền Từ oai nghiêm không dám van xin. Một trăm ba mươi trượng đánh xong, Hư Trúc lại không vận nội lực chống đỡ. Y đau quá không ngồi dậy được.
Huyền Từ lại nói:
- Từ giờ phút này ngươi ra khỏi cửa chùa hoàn tục và không được trở lại làm tăng lữ chùa Thiếu Lâm nữa.
Hư Trúc sa nước mắt đáp:
- Xin tuân pháp dụ.
Huyền Từ lại nói:
- Huyền Từ này phạm vào dâm giới cũng phải chịu tội như Hư Trúc. Nhưng làm phương trượng mà phạm tội thì tội nặng gấp đôi. Chấp Pháp tăng phải đánh Huyền Từ hai trăm côn thật nặng. Thanh danh chùa Thiếu Lâm là ở giới luật nghiêm minh, không được tư vị để sinh tệ nhũng.
Huyền Từ nói xong, quỳ phục xuống đất nhìn về phía Phật tượng trong Ðại hùng bảo điện cởi áo tăng bào để hở lưng ra.
Quần hùng ngơ ngác nhìn nhau. Phương trượng chùa Thiếu Lâm thụ hình trước mặt công chúng thật là một chuyện xưa nay chưa từng có.
Huyền Tịch nói:
- Sư huynh! Sư huynh!...
Huyền Từ lớn tiếng nói:
- Thanh danh ngàn thu chùa Thiếu Lâm há để tiêu diệt về tay ta!
Huyền Tịch rưng rưng nước mắt hô:
- Chấp Pháp trưởng tăng! Ðộng hình!
Hai nhà sư chấp pháp chắp tay khom lưng nói:
- Phương trượng! Tiểu tăng thật đắc tội!
Rồi đứng ngay người lên giơ cao hình trượng đánh xuống lưng Huyền Từ.
Hai nhà sư, biết rằng phương trượng phải thụ hình, cái khó chịu nhất là bị nhục nhã trước mặt công chúng chứ cái đau về xác thịt chưa đáng kể. Nếu còn dung tình để người ngoài nhìn thấy rồi xuyên tạc câu chuyện thì vụ phương trượng thụ hình bữa nay không còn thu lượm được kết quả nào hết. Vì thế mà mỗi côn đập xuống lưng Huyền Từ đều vang lên những tiếng rùng rợn. Lưng và đùi Huyền Từ đầy vết trượng, máu chảy ướt đẫm cả tăng bào.
Quần tăng nghe nhà sư chấp pháp vừa đếm vừa đánh, ai nấy cúi đầu xuống niệm Phật.
Ðạo Thanh đại sư chùa Phổ Ðộ đột nhiên lên tiếng:
- Huyền Tịch sư huynh! Quý tự tôn trọng giới luật Phật môn. Chính phương trượng cũng phải thụ hình. Bần tăng rất lấy làm khâm phục. Có điều Huyền Từ sư huynh già nua tuổi tác, lại không vận nội lực chống đỡ thì chịu nổi thế nào được hai trăm côn? Bần tăng mạo muội có lời năn nỉ: Hiện giờ sư huynh đã chịu tám mươi trượng rồi, xin tạm hoãn chỗ còn lại.
Quần hùng cũng la lên:
- Phải rồi! Chúng tôi cũng đồng thanh năn nỉ về việc này.
Huyền Tịch chưa kịp trả lời thì Huyền Từ đã lên tiếng:
- Ða tạ thịnh ý của các vị. Nhưng giới luật bản tự nghiêm cẩn như sấm sét không thể khoan dung được. Chấp Pháp tăng! Tiếp tục động hình đi! Mau lên!
Hai nhà sư chấp pháp đã dừng lại, nghe lời phương trượng kiên quyết đành tiếp tục đánh xuống.
Vừa đánh thêm được bốn chục trượng nữa, Huyền Từ chịu không nổi, hai tay chống xuống đất nhũn ra, mặt va xuống đất chạm vào cát bụi.
Diệp Nhị Nương vừa khóc vừa la:
- Việc này không nên trách phương trượng. Trăm điều ngang ngửa đều vì tiện phu. Tiện phu bị người ta khinh khi nên có ý quyến rũ phương trượng. Vậy phần phạt trượng còn lại tiện phu xin chịu thay.
Mụ tiến ra phía trước muốn nằm phục xuống chỗ Huyền Từ để thay cho nhà sư.
Huyền Từ đưa ngón tay trỏ điểm ra đánh véo một tiếng để phong toả huyệt đạo của mụ rồi tủm tỉm cười nói:
- Con người si tình kia! Thí chủ không phải là nữ ni, vậy không phạm vào giới luật thì chẳng có tội chi hết!
Diệp Nhị Nương đứng thộn mặt ra không nhúc nhích được. Hai hàng nước mắt nhỏ xuống như mưa.
Huyền Từ lại quát lên:
- Thi hành phạt trượng đi!
Nhà sư chấp pháp đánh đủ hai trăm trượng.
Huyền Từ máu me đầm đìa mặt đất, phải cố gắng đề khí hộ vệ trái tim để không đến nỗi ngất đi.
Hai nhà sư chấp pháp dựng hình trượng lên, quay lại nói với Huyền Tịch:
- Bẩm thủ toà! Huyền Từ phương trượng chịu đòn đã mãn.
Huyền Tịch gật đầu rồi không biết nói gì nữa.
Huyền Từ cố gắng ngồi lên giơ tay lên điểm trên không để giải khai huyệt đạo cho Diệp Nhị Nương. Không ngờ đại sư bị thương nặng quá, không ngưng tụ chân khí được, tay chỉ điểm ra mà vô hiệu.
Hư Trúc cũng đứng bên mình mẫu thân, thấy vậy liền giải khai huyệt đạo cho mụ.
Huyền Từ trông hai người vẫy tay.
Diệp Nhị Nương cùng Hư Trúc lại bên đại sư.
Hư Trúc ngần ngừ không biết nên xưng hồ Huyền Từ bằng gia gia hay bằng phương trượng.
Huyền Từ nhìn quần tăng chùa Thiếu Lâm thều thào nói:
- Bốn nhà sư hàng chữ Huyền chùa Thiếu Lâm bị chết về tay người, Huyền Thống và Huyền Nạn hai vị sư đệ bị chưởng môn phái Tinh Tú là Ðinh Xuân Thu sát hại. Huyền Khổ sư đệ bị Tiêu Viễn Sơn thí chủ hạ sát. Huyền Bi sư đệ cũng bị chết bất đắc kỳ tử. Ban đầu lão tăng nghi cho Cô Tô Mộ Dung hạ độc thủ. Nhưng sau gặp Mộ Dung Phục thí chủ thì nhận thấy bản lãnh y chưa có thể hạ sát được Huyền Bi sư đệ. Bần tăng lúc nào cũng băn khoăn về vụ này mà chưa tìm ra được manh mối. Vừa rồi thấy Mộ Dung Bác lão thí chủ đứng ra ngăn cản con y không cho tự sát mới biết là vị cố nhân này vẫn chưa chết mà cái môn gậy ông, lại đập lưng ông quả nhiên là tuyệt kỹ bậc nhất thiên hạ. Nhưng xét cho cùng thì phái Thiếu Lâm cùng Mộ Dung lão thí chủ không có thù oán gì nhau, không hiểu tại sao y lại cố tình mưu hại bản phái. Vụ này thật ra ngoài sự hiểu biết của lão tăng.
Quần tăng chùa Thiếu Lâm trong lòng vừa bi thảm vừa uất hận đồng thanh la lên:
- Bây giờ phải bắt sống Mộ Dung Bác đem xử tử để báo thù cho Huyền Bi đại sư.
Huyền Từ lắc đầu, trên môi thoáng một nụ cười chậm rãi nói:
- Ðã là chúng sinh tất có tội nghiệt và chỉ trông vào đức từ bi của Phật tổ giải trừ cho.
Ðại sư lại chìa tay ra nắm lấy cổ tay Diệp Nhị Nương, còn một tay nắm lấy Hư Trúc đọc câu kệ:
- Người trên thế gian, đều có thất tình, lòng tục sạch không thực là khó kiếm.
Huyền Từ đại sư nói xong từ từ nhắm mắt lại.
Diệp Nhị Nương cùng Hư Trúc không dám nhúc nhích để ý nghe xem đại sư còn nói gì nữa không.
Không ngờ tay đại sư mỗi lúc một giá lạnh.
Diệp Nhị Nương giật mình kinh hãi, đưa tay ra sờ mũi thì đã tắt hơi rồi.
Mụ biến sắc la lên:
- Ôi ông ơi!... Ông bỏ tôi mà đi ư?
Ðột nhiên, mụ nhảy lên cao đến hơn trượng rớt xuống chân Huyền Từ đánh huỵch một tiếng. Mụ giãy lên mấy cái rồi không nhúc nhích nữa.
Hư Trúc la hoảng:
- Mẫu thân! Mẫu thân!...
Ðoạn đưa tay ra đỡ mụ dậy, thì thấy lưỡi đao truỷ thủ đã đâm vào trái tim rồi.
Hư Trúc hốt hoảng, điểm vào các huyệt đạo xung quanh vết thương. Y lại vận chân khí vào trong thân thể Huyền Từ. Y luống cuống chân tay vì muốn đồng thời cứu cả hai người.
Tiết Mộ Hoa chạy lại giúp đỡ, nhưng thấy hai người trái tim ngừng đập và đã tắt hơi không còn cách nào giải cứu được nữa, liền cất lời khuyên nhủ:
- Sư thúc nên bớt nỗi bi thảm. Hai vị lão gia tịch cả rồi, không còn cách nào cứu được nữa.
Hư Trúc vẫn chưa chịu thôi. Y vận "Bắc minh chân khí" đến nửa giờ mà vẫn không thấy động tĩnh gì.
Bỗng nghe quần tăng tuyên Phật hiệu rồi đồng thanh niệm kinh vãng sinh chú.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.