Lục Mạch Thần Kiếm

Chương 123: Nghe thần tăng quần hùng khiếp vía




Nhà sư già từ từ quay đầu lại nhìn Mộ Dung Bác.
Mộ Dung Bác thấy mục quang nhà sư lờ đờ tựa hồ không nhìn rõ mọi vật, lại giống người trong tâm có ẩn tàng chi bí mật. Bất cứ việc gì cũng bị lão nhìn rõ hết, nên hắn không khỏi ớn da gà, trong lòng khắc khoải không yên.
Bỗng nghe nhà sư già buông tiếng thở dài nói:
- Mộ Dung cư sĩ, tuy thuộc về giòng họ Tiên Tỵ, song ký ngụ Giang Nam đã mấy đời. Lúc đầu lão tăng tưởng cư sĩ đã hấp thụ được văn thái phong lưu của Nam triều, người đâu, cư sĩ lại mò vào Tàng kinh các, đem bao nhiêu những thuyết tinh vi về Tiên Tông cùng ngữ lục của các vị cao tăng truyền đời coi như đồ bỏ, lục lấy cuốn "Niêm Hoa chỉ pháp" mà tưởng chừng như vớ được đồ chi bảo. Người đời xưa đã "bán bò tậu ễnh ương" để tiếng cười cho muôn thuở. Thế mà chính hai vị cư sĩ đều là bậc cao nhân đương thời cũng còn có những hành động ngu Muội. Hỡi ôi! Những hành động ấy đã làm hại người mà cũng vô bổ cho mình.
Mộ Dung Bác lại một phen kinh hãi. Lão vào Tàng kinh các, buổi đầu quả nhiên đã lục lấy bộ "Niêm hoa chỉ công" và lúc ấy lão đã quan sát kỹ càng bốn mặt, cả trong ngoài không thấy bóng người, mà sao nhà sư già này nói như chính mắt mình trông thấy.
Bỗng nghe nhà sư già nói tiếp:
- Mộ Dung cư sĩ so với Tiêu cư sĩ thì lòng tham lại có phần hơn. Tiêu cư sĩ chuyên nghiên cứu cách khắc chế võ công của phái Thiếu Lâm, còn Mộ Dung cư sĩ thì lại ôm tuột cả "bảy mươi hai tuyệt kỹ" của bản tự đem đi. Sau ba năm mới trở lại Tàng kinh các. Chắc năm ấy cư sĩ đã tận tâm kiệt lực nghiên cứu cho hiểu hết "bảy mươi hai môn tuyệt kỹ" để đem về truyền thụ cho lệnh lang.
Nhà sư nói tới đây thì quay sang nhìn Mộ Dung Phục. Nhưng vừa nhìn một cái đã lắc đầu.
Lão ngó qua Cưu Ma Trí gật đầu nói:
- Phải rồi! Lệnh lang còn nhỏ tuổi chưa đủ công lực không thể nghiên cứu được bảy mươi hai tuyệt kỹ phái Thiếu Lâm. Té ra đại cư sĩ muốn truyền cho một vị cao tăng nước Thổ Phồn, Ðại luân Minh vương. Minh vương lầm rồi đó, cái lầm rất lớn, thành ra thứ tự đảo điên. Ðại nạn sẽ xảy ra trong sớm tối.
Cưu Ma Trí chưa vào Tàng kinh các bao giờ mà nhà sư già lại tuyệt không tỏ vẻ kinh sợ, hắn hững hờ hỏi:
- Cái gì mà thứ tự đảo điên? Cái gì mà đại nạn sẽ xảy ra trong sớm tối? Lời nói của đại sư tựa hồ như sẩm dắt mù.
Nhà sư già nói:
- Không phải sẩm dắt mù đâu Minh vương ạ! Xin Minh vương trả lại pho "Dịch cân kinh" cho ta đi!
Bấy giờ Cưu Ma Trí cũng không khỏi kinh hãi tự hỏi:
- Mình đoạt pho "Dịch cân kinh" ở trong tay gã đầu sắt mà sao lão này cũng biết? Lão muốn đòi kinh mình ư? Ðâu có dễ dàng thế được?
Hắn liền cãi biến:
- Pho "Dịch cân kinh" này, đại sư nói vậy khiến cho tại hạ không sao hiểu được.
Nhà sư già nói:
- Võ công bản phái truyền lại từ Ðạt Ma Tổ Sư. Ðệ tử nhà Phật học võ, mục đích là để cho thân thể cường kiện đặng bảo vệ Phật pháp, hàng phục ma quỷ. Bất luận là tu tập môn võ công nào, trong lòng đều phải có ý niệm từ bi nhân hậu. Nếu không lấy Phật học làm căn bản thì lúc luyện võ nhất định hại đến chính thân mình. Công phu luyện được sâu xa thì thân mình bị tổn thương càng trầm trọng. Nếu chỉ luyện về quyền đánh, chân đá, hoặc gươm đao, ám khí, những môn ngoại công thì chẳng nói làm chi, vì nó hại rất ít đến thân thể. Thân thể đã cường tráng là chống lại được ngay.
Nhà sư già chưa dứt lời, bỗng nghe dưới chân lầu có tiếng người huyên náo, tiếp theo là tiếng bước lên thang. Mấy tiếng bước nhẹ nhàng vừa thoáng qua đã thấy bảy, tám nhà sư tung mình lên gác.
Ði đầu là mấy vị cao tăng hàng chữ "Huyền" trong phái Thiếu Lâm như Huyền Sinh, Huyền Bệnh, kế đến bọn Thần Quang thượng nhân, Ðạo Thanh đại sư là mấy vị cao tăng từ ngoài đến. Sau nữa là Triết La Tinh, Ba La Tinh nước Thiên Trúc. Cuối cùng lại là mấy nhà sư hàng chữ "Huyền" như Huyền Châu, Huyền Tịch.
Các nhà sư thấy cha con Tiêu Viễn Sơn, cha con Mộ Dung Bác và Cưu Ma Trí cả bọn năm người đang ở trong gác lặng nghe một vị lão tăng lạ mặt hạ "Thuyết Từ" đều lấy làm kỳ dị.
Những tăng nhân này đều là kẻ sĩ cao minh, dày công tu dưỡng. Họ không tiến vào quấy nhiễu, chỉ đứng một bên nghe xem nhà sư nói gì.
Nhà sư già thấy quần tăng lên, chẳng hỏi han gì, tiếp tục nói:
- Nếu luyện những môn võ công thượng thặng của bản phái như "Niêm hoa chỉ", "Ba La hiệp chỉ", "Ban Nhược chưởng" mà hàng ngày không lấy Phật pháp từ bi để điều hoà, hoá giải thì lệ khí thấm vào tạng phủ ngày càng nhiều, so với ngoại độc, bất cứ loại nào cũng còn tệ hại hơn nhiều. Ðại Luân Minh vương nguyên là đệ tử nhà Phật, tinh thông Phật pháp. Kể về ký ức cũng như về minh kiến, tuy vào hạng quần thế vô song, nhưng nếu không chịu nghe giác ngộ, không lòng từ bi hỷ xả phổ độ người đời thì dù tinh thông điếm tịch đến đâu cũng không thể tiêu trừ được lệ khí do sự tụ tập võ công thượng thặng ngày một chồng chất mãi lên.
Quần tăng mới nghe nói mấy câu, đã biết vị lão tăng này rất là tinh nghĩa, trình bày rõ ràng những điều mà tiền nhân chưa từng nói đến, nên đều sinh lòng kính cẩn. Có mấy vị chắp tay niệm:
- A Di Ðà Phật! Ðức Phật từ bi!
Nhà sư già lại nói tiếp:
- Chùa Thiếu Lâm ta dựng nên đã hàng ngàn năm. Từ xưa tới nay, chỉ có mình Ðạt Ma tổ sư là kiêm thông hết được bảy mươi hai môn tuyệt kỹ. Còn về sau thì chưa có một vị cao tăng nào tinh thông hết được là vì lẽ gì? Kinh điển bảy mươi hai môn tuyệt kỹ vẫn để trong gác này và không bao giờ ngăn cấm đệ tử lấy xem. Minh vương có biết tại sao không?
Cưu Ma Trí đáp:
- Ðó là việc riêng của bản tự, người ngoài hiểu thế nào được?
Huyền Sinh, Huyền Bệnh, Huyền Chân, Huyền Tịch đều tự hỏi:
- Vị lão tăng này coi sắc phục chỉ vào hàng phụ trách tạp dịch mà sao lại có đạo hạnh cao siêu đến thế?
Nguyên những nhà sư chuyên việc phục dịch cũng là tăng lữ chùa Thiếu Lâm nhưng không được bái sư để truyền thụ võ công, không được liệt vào hàng Huyền, Tuệ, Hư. Họ chẳng khác gì những kẻ làm thuê để thổi nấu xới đất, quét tước hay làm những việc thổ mộc v.v...
Bọn Huyền Sinh đứng vào hàng cao tăng bậc nhất nên không biết tướng mạo nhà sư này chẳng có chi là lạ. Nhưng nghe nhà sư nghị luận cao nhã, kiến thức siêu việt thì không khỏi lấy làm kinh ngạc.
Nhà sư già lại nói tiếp:
- Bảy mươi hai môn tuyệt kỹ của bản tự, mỗi thứ đều có chỗ yếu hại của nó. Giết người một cách tàn nhẫn thì phạm đến Thiên hoà. Nên mỗi hạng tuyệt kỹ đều phải có Phật pháp từ bi hoá giải. Ðịnh lý này không phải các tăng lữ bản tự đều hiểu cả đâu. Nhưng mỗi người sau khi luyện được bốn năm môn tuyệt kỹ rồi lại lĩnh hội thêm về Thiền học và tự nhiên hiểu được đến nơi. Nên biết rằng, chủ ý của Phật học là để cứu nhân độ thế, mà võ công lại để sát sinh. Hai thứ đó trái ngược nhau mà song song rong ruổi là để kiềm chế nhau. Chỉ có Phật pháp càng cao siêu thì ý niệm từ bi ngày càng hưng thịnh mà những võ công tuyệt kỹ đó mới có thể luyện được nhiều. Nhưng các vị cao tăng dầy công tu dưỡng đến tột độ lại không muốn học nhiều về những môn pháp giết người cực kỳ lợi hại.
Ðạo Thanh đại sư gật đầu nói:
- Ðược nghe sư phụ giảng giải một lần mà tiểu tăng cởi mở được bao chỗ bế tắc ngu Muội.
Nhà sư già chắp tay nói:
- Không dám! Lão tăng nói có chỗ nào sai trật mong rằng các vị chỉ giáo cho!
Quần tăng đều chắp tay nói:
- Xin sư phụ giảng thêm về Phật pháp cho!
Cưu Ma Trí cũng tựa án sách nghĩ thầm:
- Bảy mươi hai tuyệt kỹ phái Thiếu Lâm bị Mộ Dung tiên sinh lấy cắp làm tiết lộ ra ngoài, để cho lão sư già này ở đây trá thần lộng quỷ là có ý hăm doạ người ngoài không dám luyện võ công của bọn họ. Hà hà! Cưu Ma Trí đâu có thể mắc bẫy dễ dàng thế được?
Nhà sư già lại nói:
- Trong bản tự dĩ nhiên có người không đủ về Phật học đã miễn cưỡng luyện võ công thượng thặng. Nhưng luyện vào nếu không bị bại hoại thân thể thì cũng bị nội thương khó lòng chữa khỏi. Trước đây Huyền Trừng đại sư đã có một tấm thân siêu phàm tuyệt tục. Các vị cao cấp vào hàng tiền bối đều cho đại sư là người có võ công đệ nhất của bản tự, trong vòng hai trăm năm nay. Thế mà chỉ trong một đêm đột nhiên cân mạch đều đứt hết đại sư biến thành phế nhân cũng chỉ vì lý do đó.
Huyền Sinh, Huyền Bệnh đột nhiên quỳ xuống nói:
- Ðại sư! Ðại sư có phép gì cứu được Huyền Trừng sư đệ chăng?
Nhà sư lắc đầu đáp:
- Chậm quá rồi, không thể cứu được nữa. Năm ấy Huyền Trừng đại sư vào Tàng kinh các để tìm sách luyện võ, lão tăng đã ba, bốn lần nhắc nhở người mà thuỷ chung chấp mê không tỉnh. Cân mạch đứt hết thì còn nối lại thế nào được?
Bỗng nghe ba tiếng véo, véo, véo khẽ vang lên. Những tiếng này không có gì khác lạ.
Bọn Huyền Sinh đều biết đó là công phu vô tướng kiếp chỉ của bản môn, mọi người đều quay lại nhìn Cưu Ma Trí thì thấy hắn biến sắc, song hắn miễn cưỡng mỉm cười.
Nguyên Cưu Ma Trí càng nghe càng không chịu phục.
Hắn nghĩ thầm:
- Ngươi bảo bảy mươi hai môn tuyệt kỹ phái Thiếu Lâm không ai học được cả. Thế mà ta học đủ rồi thì sao? Ta lại chẳng thấy gân mạch bị đứt để trở thành phế nhân chi hết.
Lão thủ hai tay vào trong áo rồi ngấm ngầm phóng chiêu "Vô tướng kiếp chỉ" thần không hay, quỷ không biết, bắn vào lão tăng.
Ngờ đâu, độc chỉ còn cách ba thước mới đến trước người lão tăng đã gặp phải một lớp bình phong vô hình mềm nhũn mà rất dai ngăn trở.
"Véo" một tiếng. Chỉ lực đã tiêu tan không còn thấy tăm tích đâu nữa, chứ không quật ngược trở lại.
Cưu Ma Trí giật mình kinh hãi nghĩ thầm:
- Nhà sư già này quả nhiên có phép thần thông chứ không phải nói khoác doạ người.
Nhà sư già thản nhiên như không có gì, mắt nhìn hai nhà sư Thiếu Lâm nói:
- Xin hai vị đứng lên. Lão tăng ở chùa Thiếu Lâm để các vị đại sư sai khiến, mà hai vị thi hành đại lễ thì khi nào lão tăng dám tiếp thụ.
Huyền Sinh, Huyền Bệnh thấy có một luồng lực đạo nhu hoà đẩy nhẹ vào cánh tay, người không tự chủ được phải đứng lên.
Không ai nhìn thấy nhà sư già giơ tay ra hoặc phất tay áo nên đều lấy làm kinh dị tự hỏi:
- Vị lão tăng này ngấm ngầm vận thần công, nghĩ tới đâu là cường lực tự nhiên tới đó. Phải chăng người là Bồ Tát hoá thân? Nếu không thì cũng thần thông quảng đại, Phật pháp vô biên?
Nhà sư già lại nói:
- Bảy mươi hai môn tuyệt kỹcủa bản tự đều chia ra làm hai loại "Thể" và " Dụng". Thể tức là nội lực trong người. Dụng là vận dụng các môn côn, kiếm, quyền, cước v.v. Hai vị cư sĩ cùng Ðại luân Minh vương và Ba La Tinh sư huynh bên Thiên Trúc có đủ nội lực vào hàng thượng thặng mà đến bản tự nghiên cứu toàn về phép vận dụng những tuyệt kỹ đó, tuy có tổn hại nhưng trong thời gian ngắn cảm thấy . Phải chăng Minh vương đã luyện môn "Tiểu vô tướng công" của phái Tiêu Dao?
Cưu Ma Trí càng kinh hãi hơn vì hắn đã học lỏm môn "Tiểu vô tướng công" của phái Tiêu Dao không một ai hay mà sao nhà sư này lại nhận ra ngay.
Nhưng hắn lại nghĩ rằng:
- Vừa rồi Hư Trúc đấu với mình đã sử dụng môn "Tiểu vô tướng công". Vậy chắc Hư Trúc đã bảo cho lão biết. Cái đó chẳng có chi là lạ.
Cưu Ma Trí nghĩ vậy liền nói:
- "Tiểu vô tướng công" tuy nguồn gốc ở đại gia, nhưng gần đây đệ tử nhà Phật rất nhiều người luyện. Lúc biểu diễn, người ta đã tập hợp những môn sở trường của Ðạo gia và Phật gia. Ngay trong quý tự đây cũng chẳng thiếu gì những tay cao thủ về môn này.
Nhà sư già hơi lộ vẻ kinh dị hỏi:
- Trong chùa Thiếu Lâm cũng có người biết "Tiểu vô tướng công" ư? Bữa nay lão tăng mới được nghe là lần đầu.
Cưu Ma Trí lẩm bẩm:
- Lão này khéo giả vờ thiệt!
Hắn tủm tỉm cười rồi không nói nữa.
Nhà sư già lại nói:
- "Tiểu vô tướng công" thật là rộng lớn tinh vi. Ai đã có căn cơ về môn này đều có thể vận dụng được bảy mươi hai môn tuyệt kỹ của bản tự. Nhưng nhiều chỗ khúc chiết, tế nhị không khỏi có trở ngại, nhiều môn coi bề ngoài trông rất đúng, mà thiệt ra thì không phải.
Huyền Sinh quay lại bảo Cưu Ma Trí:
- Minh vương tự xưng là thông suốt hết bảy mươi hai môn tuyệt kỹ của bản phái, té ra chỉ kiêm thông bằng cách đó.
Huyền Sinh nói câu này có ý để châm chọc Cưu Ma Trí.
Nhà sư già lại nói:
- Nếu Minh vương chỉ học phép vận dụng bảy mươi hai môn tuyệt kỹ thì thế nào cũng bị nội thương. Tuy có hại lớn nhưng cũng không đến nỗi mất mạng ngay được. Có điều hiện giờ huyệt "Thừa Khấp" của Minh vương đã ửng đỏ mà trên "Hương Huyệt" đã ẩn hiện màu tím. Huyệt "Mi Xung" cũng bị chấn động chứng tỏ Minh vương sau khi luyện bảy mươi hai môn tuyệt kỹ phái Thiếu Lâm lại gắng gượng đi luyện pho bí lục "Dịch cân kinh" của bản tự...
Nhà sư già nói tới đây, đột nhiên dừng lại đôi mắt lộ ra vẻ thương tiếc.
Cưu Ma Trí sực nhớ tới nửa năm trước đây đã lấy được pho "Dịch cân kinh" của gã đầu sắt. Hắn biết rằng: đó là một thiên võ học chi bảo rồi tìm nơi tĩnh mịch khổ luyện. Nhưng luyện đi luyện lại mà thủy chung vẫn không tiến được chút nào.
Hắn nghĩ rằng:
- Ðây đã là môn võ công thượng thặng thì không thể luyện trong một sớm một chiều mà thành công được. Nên tuy không tiến bộ mà hắn vẫn kiên trì luyện tập, không hề trễ nải. Hắn nhớ lại Mộ Dung Bác đã từng khen "Dịch cân kinh" của phái Thiếu Lâm và Lục mạch thần kiếm của Thiên Long đứng ngang hàng với nhau và đều là hai pho bí lục quý báu nhất trần gian thì dĩ nhiên không thể nào luyện tập trong một thời gian ngắn mà thành công, phải luyện đến mười năm mới có thể tinh thông và lãnh hội được những điều ảo diệu cao thâm.
Nhưng Cưu Ma Trí càng luyện, về sau càng cảm thấy trong lòng phiền muộn và tính tình nóng nảy. Thế là một mớ chỉ rối không đầu, chẳng biết đâu mà gỡ.
Hắn tự hỏi:
- Chẳng lẽ nhà sư này nói đúng sự thực như lời: "thứ tự đảo điên đại nạn sẽ xảy đến trong sớm tối" chăng?
Nhưng rồi hắn nghĩ lại:
- Tu luyện võ công không thành rồi sinh ra bại lực trở thành phế nhân cũng là chuyện thường.
Nhưng Cưu Ma Trí này tinh thông võ lực đến chỗ vi diệu, đâu có phải như người tầm thường? Miệng lưỡi lão này nói trơn như nước chảy, nếu mình trúng kế lão thì một lời mình lừng lẫy tiếng tăm, tất phải trôi theo dòng nước.
Nhà sư già giương cặp mắt chăm chú nhìn Cưu Ma Trí, thấy hắn lộ vẻ lo buồn, nhưng thái độ tự phụ của hắn tỏ ra không thèm để vào tai những lời nói của nhà sư.
Nhà sư già bất giác thở dài nhìn Tiêu Viễn Sơn nói:
- Tiêu cư sĩ! Gần đây cư sĩ có thấy hai huyệt đạo "Lương Môn" và "Ðạt ất" ngâm ngẩm đau không?
Tiêu Viễn Sơn toàn thân run bắn lên đáp:
- Minh kiến của thần tăng thiệt không sai chút nào.
Nhà sư già lại hỏi:
- Trên huyệt "Quan Nguyên" của cư sĩ tê dại, hiện nay thế nào?
Tiêu Viễn Sơn càng kinh hãi đáp:
- Mười năm trước đây, chỗ đó chai lại bằng đầu ngón tay mà bây giờ... lớn bằng miệng chén uống trà.
Lão nói tới đây thanh âm run lên.
Tiêu Phong nghe nói, biết phụ thân mình có ba chỗ yếu huyệt lâm vào trạng thái kỳ dị, chỉ vì miễn cưỡng luyện tập những tuyệt kỹ phái Thiếu Lâm mà ra. Theo lời phụ thân ông thì trạng thái này đã làm phiền cho lão lâu năm nay mà thuỷ chung không có cách nào trừ được. Thật là một mối lo tâm phúc. Ông lo thay cho phụ thân, liền tiến ra hai bước quỳ xuống sụp lạy nhà sư già nói:
- Thần tăng đã biết căn bịnh của gia phụ. Xin đại sư mở lòng từ bi giải cứu cho!
Nhà sư già nói:
- Xin cư sĩ đứng lên. Cư sĩ giàu lòng nhân đạo, thương đến đám lê dân trong thiên hạ, không chịu vì thù riêng mà đẩy quân dân Tống, Liêu vào bước lầm than. Cư sĩ đại nhân, đại nghĩa như vậy thì bất luận có sai bảo điều gì, lão tăng cũng nhất nhất tuân theo. Hà tất phải đa lễ?
Tiêu Phong cả mừng, dập đầu lạy hai lần nữa rồi mới đứng lên.
Nhà sư già lại nói: (Một trang không đọc được)
Mộ Dung Bác đột nhiên nghe nhà sư già nói ra các căn bệnh của mình chẳng khác gì sét nổ giữa lúc trời quang mây tạnh. Lão kinh hãi vô cùng! Thực ra lão là một kẻ võ công cao cường thì bên tai có nghe sét nổ lão cũng tuyệt không giật mình kinh hãi. Dù sét có nổ luôn mười tiếng, lão cũng chỉ cho là trời hắt hơi, chẳng cần để ý. Thế mà mấy câu lạt lẽo bình thường của nhà sư già đã khiến cho lão kinh hồn bở vía.
Mộ Dung Bác run lên hai cái thì đột nhiên cảm thấy ba huyệt đạo Dương Bạch, Liêm Truyền và Phong Phủ lại nổi lên bệnh kim châm. Những trận đau đớn kịch liệt bắt đầu phát tác.
Nguyên lúc này không phải là lúc lên cơn thường lệ như mọi khi, nhưng vì tinh thần chấn động mà cơn đau lại nổi lên , những đốt xương trong người lão vang lên rắc rắc tựa hồ như bị ai đánh đập vào.
Mộ Dung Bác là một nhân vật lừng lẫy tiếng tăm, có lý đâu lại van nài nhà sư già để thỉnh giáo? Lão nghiến răng để cố nhịn cơn đau. Nhưng hàm lão không cắn chặt lại thì răng đã chạm vào nhau phát lên tiếng run cầm cập.
Người lão cực kỳ hoang mang.
Mộ Dung Phục vốn biết phụ thân gã có tính cương cường hiếu thắng. Ai giết lão thì được, chứ bắt lão khuất phục trước mặt mọi người thì không bao giờ lão chịu cả.
Mộ Dung Phục nghĩ một lúc rồi chắp tay nói với cha con Tiêu Phong:
- Non xanh trơ đó, nước biếc còn đây. Bữa nay xin hãy tạm biệt. Hai vị muốn tìm cha con tại hạ để báo thù thì xin mời đến Tham Hợp trang, trong khu vực Yến Tử ổ ở Cô Tô. Cha con tại hạ xin sẵn sàng nghênh tiếp đại giá. Ðoạn y nắm lấy tay phải Mộ Dung Bác dắt đi nói:
- Gia gia! Chúng ta đi thôi!
Nhà sư già hỏi:
- Sao thí chủ lại nhẫn tâm như vậy? Thí chủ để lệnh tôn chịu cái đau đớn như người đẽo xương cắt gân ư?
Mộ Dung Phục sắc mặt lợt lạt, dắt tay Mộ Dung Bác rảo bước đi ra.
Tiêu Phong quát lên:
- Ngươi tưởng chạy ư? Trong thiên hạ sao lại có việc dễ dàng thế được? Phụ thân ngươi bệnh đang lên cơn. Bậc đại trượng phu không khi nào nhân lúc người ta gặp nguy nan mà hạ thủ đâu! Ngươi không có bệnh nên không hiểu cái đau đớn của người khác được.
Mộ Dung Phục khí giận nổi lên cũng quát to:
- Ta muốn tiếp mấy cao chiêu nữa của Tiêu huynh.
Tiêu Phong không nói gì nữa, phóng chiêu "Kiến Long tại điền" trong phép "Hàng Long thập bát chưởng"đánh tới Mộ Dung Phục.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.