Lương Nhân

Chương 43:




Sáng sớm hôm sau, ông nội Lục Trác Niên đòi về viện dưỡng lão vì chê ở thành phố ồn ào quá, buổi tối không tài nào ngủ nổi. Thật ra nhà họ Lục ở trong biệt thự riêng, xung quanh đều cách hàng xóm một vườn hoa, làm sao mà ồn ào được. Cái ông cụ sợ là nếu ở nhà lâu vào dịp Tết thế này thì chắc chắn sẽ có người tới nhà chơi. Hồi còn trẻ ông đã phải làm lụng vất vả, sự nghiệp ngày một đi lên kéo theo trách nhiệm trên vai nặng nề thêm, mà ông lại là người hiếu thắng, chỉ chăm chăm làm ăn nên đương nhiên không thể lo toan cho gia đình được. Đến khi vợ già đổ bệnh qua đời, ông mới bừng tỉnh nhận ra mình đã có tuổi rồi, có kiếm thêm tiền cũng chẳng ý nghĩa gì. Cố gắng đến khi con trai thay ông gánh vác gia đình, ông càng nhìn thấu mọi việc hơn, nên bắt đầu tận hưởng cuộc sống. Ông chỉ tiếc nuối duy nhất một điều là không thể cùng vợ hưởng thụ ngày tháng an nhàn này khi bà còn sống. Hồi trước bà hay trồng ít rau với hành ở ban công, bảo rằng rau này tươi ngon hơn mua ở ngoài, đến giờ khi đã được thảnh thơi thì bà lại chẳng còn ở cạnh nữa.
Vấn đề duy nhất bây giờ là cậu bé kia.
Ông cụ đã sai người đi tìm hiểu, hóa ra cậu bé bị bắt đi mất từ khi mới mấy tuổi, bố mẹ thì đổ lỗi cho nhau nên ly dị, mỗi người lại có gia đình riêng, chẳng ngờ đứa con đi lạc suốt bao năm lại được người ta đưa về. Vui thì cũng vui vì đó là con đẻ của mình, nhưng một thời gian sau, vấn đề bắt đầu nảy sinh.
Đầu tiên là vì cậu bé không được đi học nên người nhà tìm cách cho cậu vào trường cấp II, nhưng thử kiểm tra thì đến kiến thức lớp 7 cũng không theo được, nên nhà trường không chịu nhận. Nhà cậu lại đành nhờ người quen để cho cậu vào học trường cấp I, không theo được thì thôi nhưng vẫn phải học cho xong chương trình giáo dục bắt buộc. Cậu lớn hơn đám trẻ cùng lớp đến mấy tuổi, tính tình lại gàn dở lầm lì nên thuộc loại dị hợm trong lớp, toàn bị bạn bè xa lánh. Cậu cũng chẳng kêu ca gì, cho tới một ngày đột nhiên cậu tẩn hết đám bắt nạt mình một trận, mà đánh rất tàn nhẫn chứ không như lũ trẻ tiểu học đánh nhau, khiến đám nhỏ bị ám ảnh tâm lý, phụ huynh đến làm loạn lên thì cậu bảo cháu có đánh chết chúng nó đâu. Lời này vừa nói ra, bất kể chuyện này ai sai ai đúng thì nhà trường cũng chẳng dám cho cậu học tiếp nữa, nên cậu đành phải thôi học.
Cậu phải ở nhà, nhưng bố mẹ đều đã có gia đình riêng, mà chuyện vừa rồi còn đó, nên chỉ cần cậu hơi lại gần em trai em gái thôi là người lớn bắt đầu sợ hãi, chỉ lo cậu ghét đám em mà đánh chúng. Lũ em cũng không thích người anh trai này, thứ nhất là bởi không có cảm tình, thứ hai là bởi hai bên không cùng cha mẹ với nhau nên ghét bỏ là chuyện dễ hiểu. Trẻ con rất giỏi nhìn sắc mặt người khác, chỉ cần bố mẹ dung túng là chúng càng mè nheo làm loạn dữ hơn, đòi đuổi cậu bé đi mới thôi. Cả nhà ngày nào cũng ầm ĩ, hai người lớn lại bắt đầu đùn đẩy trách nhiệm và trách móc nhau.
Về sau hết cách nên họ đành để bà nội đưa cậu về quê. Bà lão thương cháu lớn, nhưng cũng thương cả cháu nhỏ, lúc nào cũng muốn hai bên làm hòa. Cho tới khi đứa cháu nhỏ bị ốm, cả bố cả mẹ đều bận rộn không có thời gian chăm sóc, đành phải nhờ bà nội tới chăm giúp, nhưng lại vì vấn đề của cậu bé kia mà cãi nhau um lên. Mẹ kế của cậu cho rằng cậu cũng mười mấy tuổi rồi, lại tự lập nên một mình ở dưới quê cũng chẳng sao, nếu đi theo bà nội lên trên nhà này có khi còn gây ra mâu thuẫn. Bố cậu còn đang do dự thì mẹ cậu đã biết chuyện đó nên càng làm ầm lên, trách ông không xứng đáng làm cha. Cứ thế, hai nhà lại loạn cả lên.
Hai bên còn chưa cãi nhau xong thì cậu bé đã biến mất, chỉ để lại một mảnh giấy nhỏ cho bà nội: “Bà đi chăm em đi ạ.” Ở đây chẳng còn ai là người thân của cậu nữa, nên cậu muốn đi thăm người thân của anh đã bị cậu hại chết, nhưng cậu không dám để ai biết cả. Cậu sợ người nhà mà biết sẽ tới tìm, mà càng sợ rằng người nhà biết cậu đi đâu rồi sẽ không tìm nữa.
Cậu một thân một mình lên đường, kiếm chút tiền nhờ làm việc vặt cho người khác. Ai hỏi cậu mấy tuổi rồi, cậu đều bảo mình mười sáu, nếu không họ sẽ không muốn nhờ. Trên đường cậu giúp việc cho sạp thịt nướng, khi gặp khách gây rối, cậu dù là người nhỏ tuổi nhất nhưng lúc giải quyết không hề nhẹ tay. Ông chủ thấy cậu nhanh nhẹn nên muốn giữ cậu lại, cậu chỉ lắc đầu, cầm tiền công rồi đi.
Cái tính bất an từ thuở cha sinh mẹ đẻ làm cậu không yên tâm ở lại một nơi quá lâu, cho nên cả quãng đường cứ lúc đi lúc nghỉ, mỗi lần tích đủ tiền mua vé tàu hỏa là cậu đến ngay thành phố tiếp theo, ròng rã mấy tháng trời mới tìm được tới viện dưỡng lão của ông cụ. Lúc bị người ta phát hiện, cậu đã quanh quẩn gần đó được hơn hai tuần rồi.
Câu đầu tiên cậu nói khi thấy ông cụ họ Lục chính là: “Cháu là người hại chết cháu trai ông đây ạ.” Bảo vệ đưa cậu đến gặp ông cụ nghe vậy thì suýt ngã ngửa, may mà ông cụ là người từng trải nên chỉ gật đầu đáp: “À, là đứa bé được nó cứu sống đấy hả, ông còn nhớ cháu.”
Cậu bé lặng im một hồi, đặng khăng khăng: “Cháu hại chết…”
“Vớ vẩn, cháu ông giỏi lắm, sao bị người ta hại chết được? Cháu không làm nó chết được đâu.” Ông cụ từ tốn. “Cháu còn phải để nó cứu đấy thôi.”
Không biết bao nhiêu lần cậu bé đã phải nghe người ta nói mình giết người, thậm chí đến cả cha mẹ kế lẫn em trai em gái cũng dè bỉu như vậy, ngờ đâu ông cụ lại nói câu đó. Cậu biết mình đã khiến một người tốt phải bỏ mạng, một người tốt chết đi chỉ để cứu một kẻ xấu xa, khiến cả nhà người ta phải đau đớn, lại càng khiến cậu xấu xa hơn.
“Cháu xin lỗi…”
Ông cụ híp mắt nhìn cậu, dắt cậu về nhà họ Lục.
Du Vi là người dễ mềm lòng, nhưng Lục Triển Đình lại là người rất lý trí: “Nên liên lạc với người nhà của nó, đưa nó về thì hơn.”
Du Vi ngẫm nghĩ rồi nói: “Thôi thì gọi người nhà đến đón, rồi tiện thể nói chuyện với nó cho rõ ngọn ngành.”
Vậy là chuyện này được quyết định như vậy. Lục Trác Niên và Kỳ Duật đưa ông cụ về viện dưỡng lão, tiện thể đưa cả cậu bé đi luôn.
Lục Trác Niên sắp xếp kế hoạch rất khéo, hắn vừa có thể đưa Kỳ Duật đi chơi tiết Thanh minh, đạp xe leo núi, lại còn chọn ngày đẹp trời để đi câu cá với ông nội, cũng coi như là giải tỏa ưu phiền.
Thoải mái chưa được mấy ngày, Kỳ Duật nhận được điện thoại của Kỳ Vân, bảo rằng ông nội anh mắc bệnh nguy kịch, cho gọi anh quay về. Lần này Kỳ Vân không nói mấy câu đại loại như gia đình yên ấm thì mọi sự mới thuận lợi, chỉ rằng: “Tài sản vẫn còn một phần của con đấy.”
Kỳ Vân đã từng rất cảm thông với Tả Kiều. Mặc dù ghét cách hành xử của bà ta, nhưng dù gì cũng là phụ nữ với nhau nên tất nhiên bà hiểu được những tủi hờn mà Tả Kiều phải chịu đựng. Dẫu sao Tả Kiều mới còn trẻ đã phải ở góa, giả như tình cảm vợ chồng mặn nồng thì còn có được chút hồi ức đẹp, nhưng sự thật nào có phải vậy.
Cho tới giờ, bà vẫn cho rằng nhà họ Kỳ đã mắc nợ Tả Kiều, nhưng món nợ này cũng có giới hạn của nó, bởi lẽ đâu có ai bắt Tả Kiều phải ở lại cái nhà này, mà Kỳ gia cũng đâu phải gia đình suy tôn trinh tiết như thời phong kiến. Chỉ là do Tả Kiều chưa hưởng được lợi lộc gì từ nhà họ, lại chẳng chịu buông bỏ mà đi, nên Kỳ gia cũng đành để mặc bà ta tùy ý. Nhưng nếu Tả Kiều định ỷ vào Kỳ Trấn và mối nợ này để đè đầu cưỡi cổ người nhà họ Kỳ thì lại hoàn toàn khác.
Trong buổi họp mặt gia đình, cả nhà họ Kỳ cãi nhau ỏm tỏi vì chuyện kết hôn của Kỳ Trấn và Từ Khả Huyên. Hôn sự này là do một tay Tả Kiều xếp đặt, đương nhiên bà ta đâu thể ngồi yên để cho chỗ dựa mang tên Từ gia bị lung lay chỉ vì mấy câu nói của Kỳ Duật. Trong mắt bà ta, Kỳ Duật luôn là đứa yếu đuối, dù bị bắt nạt cũng không hé miệng nói nửa lời, nào ngờ bây giờ cũng biết đe dọa người ta rồi. Từ Khả Huyên thì cứ khóc lóc nỉ non suốt cạnh bà ta, còn nhà họ Từ và nhà họ Tả thì van nài bà nghĩ cách giải quyết: bọn họ đã quen thói dựa dẫm vào uy thế của Tả Kiều và Kỳ Trấn để hưởng lợi từ nhà họ Kỳ. Cả hai nhà đều chỉ mong tới ngày Kỳ Trấn lên nắm quyền để địa vị của mình cũng được nâng lên theo, với tư cách là nhà ngoại của y.
Dòng họ đông đúc nên chuyện hôn nhân cũng phức tạp. Nhà nhiều người nên chẳng có chuyện gì là chưa xảy ra, nhưng rồi cũng giải quyết được hết cả, yên ổn đến được ngày hôm nay rồi nên chẳng ai cho rằng chỉ chuyện bé thế này cũng làm cả nhà đảo lộn, ngay cả Tả Kiều cũng chẳng tin. Ấy vậy mà Kỳ Vân vừa làm bà phải bẽ mặt chỉ vì một con chó, Kỳ Trấn thì tỏ vẻ chống đối, một lòng chỉ muốn giữ thể diện cho Kỳ gia, khiến Tả Kiều tức lắm, tới nỗi dám trách móc bố chồng trước mặt mọi người vì ông chỉ khoanh tay đứng nhìn, không can thiệp gì cả, còn có ý sau này ông mà chết đi thì cái nhà này còn phải nhờ đến hai nhà Tả - Từ chống lưng. Kỳ Vân thấy bố mình chỉ nhắm mắt, im lặng nghe Tả Kiều nói, chẳng hề phát hiện ra có điều gì bất thường. Nào ngờ ngay giây sau cả người ông đã đổ xuống.
Thế là cả nhà họ Kỳ nháo nhào hết lên.
Giờ nghĩ lại Kỳ Vân mới nhận ra, có khi ông cụ biết mình có bệnh từ lâu, nếu không ông đã chẳng bắt Kỳ Trấn phải từ hôn với con gái nhà họ Từ, giảm bớt ảnh hưởng của Tả gia lên Kỳ gia. Cái nhà này dựa vào ông cụ lâu quá rồi, ông vừa ngã xuống, tất cả mọi vấn đề đều thi nhau xuất hiện.
Những lúc ở cạnh ông mình, trông Kỳ Trấn rất ra dáng, nhưng khi phải một mình đối mặt với cả dòng họ, y lại không khỏi lộ ra vẻ yếu thế. Kỳ gia dòng dõi trăm năm, thân rộng gốc sâu nhường ấy, bề ngoài trông thật hiển hách, nhưng khi mọi thế lực đều ùn ùn đổ dồn về trước mặt y, những gương mặt quen thuộc kia nào còn là cô dì chú bác, mà rõ rành rành là những kẻ trục lợi, chỉ chăm chăm dỗ ngọt y trước khi ông cụ tắt thở.
Ngoài người từ nhỏ đã ở cạnh ông cụ họ Kỳ như y, người thật sự yêu thương ông cũng chỉ còn mỗi Kỳ Vân. Bà được cưng chiều suốt bao năm nên những lúc thế này cũng oai không kém Kỳ Trấn là bao. Bà đuổi hết mọi người ra khỏi phòng bệnh, thậm chí còn sai người ngăn không cho Tả Kiều vào, trong phòng chỉ còn mỗi bà và Kỳ Trấn trông coi. Kỳ Trấn không khỏi lệ thuộc hơn vào Kỳ Vân, nhưng khi y cất tiếng gọi “cô à”, Kỳ Vân lại chẳng thèm liếc mắt nhìn y, chỉ lạnh lùng nói: “Tôi nào dám nhận tiếng gọi cô của anh. Bây giờ anh còn gọi vậy, nhưng biết được chẳng mấy chốc cả cái nhà này đổi thành họ Tả, lúc ấy thì tôi còn là cái gì?”
Lúc này không ai dám rời khỏi bệnh viện nửa bước, tất cả đều ở lại chờ. Chuyện chăm sóc bệnh nhân tất nhiên đã có hộ lý lo, chỉ là bọn họ sợ nhỡ lúc ông cụ tỉnh táo mà mình không có mặt… Không ai dám chắc ông cụ đã lập sẵn di chúc hay chưa.
Ông cụ tỉnh lại, gọi nhũ danh của Kỳ Vân. Kỳ Vân rưng rưng nước mắt, vội nắm tay bố mình mà kêu: “Bố ơi… Con đây, con đây này bố.”
“Ở đây thì tốt, đừng có đi đâu cả…” Ông cụ lơ mơ nói, hệt như vừa tỉnh lại sau cơn ác mộng, phải nắm lấy tay con gái mới yên tâm. Kỳ Vân hiểu ý ông cụ, chẳng thốt nổi thành lời, mãi sau mới nghẹn ngào: “Bố đừng lo, con vẫn ổn mà.” Dứt lời, bà lại chẳng nói nổi nữa.
Bác sĩ đến thăm khám, ông cụ mới thật sự tỉnh hẳn, hỏi Kỳ Trấn: “Mọi người đâu rồi?”
Kỳ Trấn nhìn sang Kỳ Vân, không nói gì cả. Kỳ Vân chẳng giấu giếm: “Bị con đuổi ra ngoài rồi ạ.”
Ông cụ cười cười. Ông vốn là người nghiêm khắc, bình thường chẳng bao giờ lộ ra nét cười, cho dù là cười cũng rất khó nhìn ra. Nụ cười bây giờ của ông dường như là vì hết cách với bản tính ngang ngược của con gái, nhưng lại chẳng nỡ trách móc, chỉ nói: “Báo với bọn họ là chưa chết ngay đâu, để họ còn yên tâm.”
Kỳ Vân thấy mũi cay cay: “Bác sĩ thông báo bệnh tình nguy kịch làm con sợ chết khiếp…”
“Đúng là trẻ con!” Ông cụ có vẻ không hài lòng. “Thôi về nghỉ ngơi đi, ở đây có Kỳ Trấn rồi.”
Kỳ Vân cố gắng nén nước mắt, nói đùa: “Biết ngay bố thương nó nhất mà, lúc mới tỉnh còn gọi con, thế mà giờ lại chẳng đoái hoài nữa rồi.”
“Đàn bà con gái thì đừng có lôi thôi lếch thếch như thế, đi về nghỉ ngơi đi.” Ông cụ đáp. “Rồi gọi Kỳ Duật đến đây.”
Kỳ Vân ngẩn ra, sau đó ngoan ngoãn đứng dậy nói: “Vâng ạ.”
Ông cụ mở miệng nói chuyện mới khiến hồn vía đang bay lên mây của Kỳ Vân nhập trở lại người, không cứng đầu đòi ở cạnh giường bệnh của ông cụ nữa. Trước khi ra khỏi cửa, bà còn liếc nhìn Kỳ Trấn. Kỳ Trấn lại rất bình tĩnh, không hề lộ vẻ gì kỳ lạ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.