Ma Nữ Nghê Thường

Chương 21: Thạch thất




Thật vậy sao?
Đôi lúc sẽ cảm thấy, có lẽ bản thân vĩnh viễn không cách nào thật sự thích ứng được, thích ứng đứa nhỏ này thỉnh thoảng sẽ làm ra một hành động ngoài dự đoán có thể trực tiếp chạm đến lòng người.
Chính mình chưa bao giờ nghĩ đến sinh nhật nàng, mà nàng lại nhớ kỹ của tôi, còn nghĩ đến ngày tuyết rơi sẽ tặng lễ vật, thật sự làm cho người... Tôi không nói lời nào, cúi thấp đầu, lại nâng mắt nhìn nàng, miễn cưỡng kéo khóe môi, một lần nữa khôi phục vẻ tươi cười trên gương mặt. Sau đó, yên lặng nhìn đôi mắt nàng, lắng nghe âm thanh nàng nói chuyện.
Nàng không phát hiện được điều gì, hứng khởi tiếp tục câu chuyện, nói cho tôi biết làm sao nàng tìm được hai viên đá này, rồi là dùng kiếm sư phụ tặng như thế nào để mài giũa hình dạng viên đá theo ý muốn. Tôi lẳng lặng nghe, thấy nàng nói nói, dường như nghĩ tới cái gì đó rắc rối, chậm rãi nhăn mày.
- Sao vậy? - Tôi hỏi, đưa tay xoa mi tâm nàng đang nhíu lại.
Nàng trước giờ là một hài tử không thích bị yếu thế, đặc biệt khi ở trước mặt tôi. Bây giờ thấy tôi hỏi, con ngươi lay chuyển một hồi, nhìn bên này vài lần, cuối cùng vẫn là hạ quyết tâm, hơi buồn rầu mở miệng.
- Nhưng mà... Nói nhiều như vậy, cái này vẫn chưa đạt. Chính ta còn cảm thấy không vừa ý, tặng cho sư phụ và ngươi nữa, không ổn.
Sững sờ, tôi khó hiểu nói:
- Không ổn chỗ nào? Không phải rất khá à? Ta thật sự thích nó.
- Thế nhưng ngươi xem này.
Nàng đưa hai viên đá nhỏ đến trước mặt tôi, thậm chí so với lúc nãy còn gần hơn:
- Vốn dĩ rất bóng loáng trơn nhẵn, khắc qua rồi, chẳng bằng mấy hòn đá trên sông, sờ không thoải mái.
Cái này để quá gần, tôi hơi ngửa người ra sau mới có thể tập trung nhìn kỹ, phát hiện đúng như Luyện nhi nói, trên bề mặt viên đá còn lưu lại từng vết tích gọt giũa, tuy nhỏ xíu, nhưng số lượng nhiều, hiển nhiên tạo cảm giác sần sùi.
Kỳ thực muốn khuyên nhủ nàng không sao cả, nói cho nàng biết quà ít tình nhiều, tự vấn nguyên tắc không đòi hỏi quà vật của ai. Nhưng lại rất hiểu bản tính của đứa nhỏ này, đối với mấy chuyện cần lưu tâm nàng vốn rất dễ nghĩ cực đoan. Lần này chắc hẳn xem vật này rất quan trọng, trong tiềm thức sợ là có chút tư tưởng thắng bại, tuyệt đối không chấp nhận thua kém tôi một lần. Nếu như trực tiếp dùng vấn đề này giải thích đàng hoàng với nàng, e rằng có khi hoàn toàn phản tác dụng.
Yên ổn nhất, vẫn là nghĩ cách nào đó giúp nàng giải quyết vấn đề này mới đúng...
Cứ như vậy cân nhắc, đầu óc xoay như chong chóng, nghĩ đến mấy hòn đá dưới nước mà nàng vừa nhắc, vô tình lướt qua dòng nước bên người, đột nhiên linh cơ chợt lóe, tôi cười hô:
- Luyện nhi, có rồi.
- Sao?
Nàng nghiêng đầu nhìn bên này, không phấn chấn gì mấy, nhưng ánh mắt chứa đựng sự chờ mong.
- Sở dĩ mấy viên đá dưới nước trơn nhẵn là nhờ dòng nước bào mòn trong thời gian dài mà tạo thành. - Tôi hướng nàng giải thích:
- Thế nên chỉ cần tìm một tấm lưới bọc hai viên đá này lại, thả vào trong dòng nước chảy xiết, mượn sức mạnh của tự nhiên để mài giũa, nhất định có thể mài đến bóng loáng trơn tru, mấy vết tích chạm khắc đều có thể mất hết. Có điều...
- Có điều gì? - Nàng thúc giục.
- Chỉ có điều, sợ là phải mất không ít thời gian rồi, cái này không phải chuyện một sớm một chiều là có thể hoàn thành...
Đôi mắt kia vừa sáng lên liền âm u trở lại:
- Cái chính là không có thời gian a, sinh nhật của sư phụ, mấy ngày nữa là đến rồi...
Bây giờ mới là thời cơ.
Tôi cười nhẹ, giống như vỗ về, vô cùng thân thiết ôm lấy nàng, vô tình chạm đến mảng da thịt bên hông, mềm mại ấm áp, trong lòng bỗng nhiên có chút nhộn nhạo quái dị. Nhưng hiện tại chính mình cũng không quản được nhiều vậy, chỉ biết tranh thủ cơ hội nói ra lời ấp ủ khi nãy:
- Luyện nhi, thực ra lễ vật dù nặng hay nhẹ, cái quý là tình ý có đủ sâu hay không. Đợt trước, cái chén kia của ta chưa chắc đã tốt đâu, sư phụ yêu thích không phải vì nó là chén tốt. Cho nên ta dám chắc, lần này chỉ cần ngươi tặng, sự phụ nhất định hài lòng, việc này cùng với việc nó bị hỏng hay không hoàn mỹ thật sự không liên quan gì hết, ngươi đừng quá để tâm.
Bởi vì trước đó vòng vèo một hồi, nàng đối với lời này không chống đối, hẳn là tiếp thu được, ngẫm nghĩ một lúc, vẫn như cũ lắc đầu nói:
- Vẫn không được. Rõ ràng có thể làm tốt hơn, ta mới không thèm để như vầy mà tặng đâu.
- Phải không? - Quả nhiên là tính tình bướng bỉnh, ít nhiều cũng dự đoán được rồi, tôi không tranh luận nữa, thuận theo nàng cười nói:
- Đã như vậy, cứ đi kiếm cái lưới bọc nó lại thả vào nước đi, tháng ngày dài như vậy, năm sau lấy ra đem tặng cho sư phụ cũng như nhau mà?
- Năm nay thì sao? Bỏ qua à? - Nàng bực bội nói, đầy vẻ không cam lòng.
Không muốn phát sinh rắc rối, do đó vốn dĩ còn muốn khuyên giải nàng, nói là quên lần này cũng không sao, nhưng mà ngày thường quen nhìn thấy nàng thần thái phấn khởi tươi vui, hiện tại trên khuôn mặt này hiện lên rầu rĩ buồn bực, trong lòng không hiểu sao cảm thấy khó chịu theo...
Nhất niệm chi sai (ý nghĩ sai lầm dẫn đến hậu quả nghiệm trọng), tôi nảy ra chủ ý, nói cho nàng nghe trên đời này, tặng lễ vật không nhất thiết phải tự tay làm, mua tặng cũng có thể, tất nhiên tốt nhất là mua món đồ mà người thích.
Chính mình nghĩ ra ý này, rất là bình thường, hoàn toàn không có vấn đề gì. Chẳng qua là, sau đó, rất lâu sau đó, thường thường sẽ suy nghĩ, tự hỏi nếu lúc đó khuyên nàng quên đi, nếu như không có chủ ý sai lầm này, tất cả, có phải sẽ khác hay không?
Có lẽ là có. Không có chất xúc tác, những chôn giấu trong lòng có lẽ cứ như vậy mà mãi mãi bị chôn vùi.
Có thể sẽ không. Cho dù không có vật dẫn, ai cũng không chắc chắn được trong tương lai, sẽ ở thời điểm nào, dựa vào thời cơ ra sao, lặng yên không tiếng động mà trỗi dậy.
Dù sao đi nữa, có lẽ, vĩnh viễn chỉ là có lẽ.
Sự thực là, lúc đó nghe tôi giải thích xong, quả nhiên Luyện nhi phấn chấn lên nhiều, tuy ngoài miệng vẫn để bụng năm nay không thể tự làm quà cho sư phụ, nhưng nói đến sinh nhật năm sau có thể tặng rồi, nàng liền tươi tắn trở lại, tiếp đó bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ chọn mua lễ vật gì.
Bản thân đi mua đồ cũng không thành vấn đề, Luyện nhi dù không thích nói chuyện với những người sống dưới ngọn núi, tính khí nóng nảy, song có tôi ở bên nàng thì sẽ không sao, ít ra sẽ không gặp đại loạn. Chỉ là, nghiên cứu món đồ mà sư phụ yêu thích, bọn tôi không hẹn mà cùng vướng mắc. Bất kể là ăn, mặc, ở, đi hay dùng, xưa nay sư phụ đều không để ý nhiều, có cái nào thì dùng cái đó, rất ít khi đưa ra yêu cầu, càng hiếm khi thấy người thể hiện sự thích thú đối với vật gì. Nói ra chỉ cảm thấy xấu hổ, hồi đó tặng chén sứ là vì đã từng xem kịch tiếp xúc qua mấy lần, có chút khái niệm, thêm nữa nhớ bên dưới ngọn núi có làng thủ công, lúc này mới nhất thời nảy lòng tham chạy đi làm một mình, cũng không cân nhắc qua sư phụ thích gì. Giờ đây nếu đã nói với Luyện nhi như vậy, nàng cũng thật sự tin tưởng rồi, tự nhiên là không muốn phật ý nàng. Tôi cùng với nàng ở đó nghĩ tới nghĩ lui, thảo luận một hồi cũng không có kết quả. Cuối cùng không biết dựa vào đâu, Luyện nhi bất mãn đem tất cả những thứ này quy về nguyên dân là do sư phụ bế quan không ra ngoài, vậy suy ra phải vào trong thạch thất tìm tòi kết quả cuối cùng.
Nghe nàng nói vậy, thật sự bị dọa nhảy dựng.
Nơi sâu nhất của Hoàng Long động chính là tiểu thạch thất. Những năm gần đây, ngoài sư phụ ra thì không ai được vào. Từ lúc ban đầu tôi đã biết điều kiêng kị này nên luôn có ý thức tránh vi phạm, ngoại trừ đưa cơm bưng nước khi sư phụ đang bế quan thì chưa từng đến gần, cho dù bưng cơm đi nữa, mắt đều luôn nhìn thẳng, rất nhanh lui ra. Chắc là vô thức chịu sự ảnh hưởng của tôi, Luyện nhi tuy không có bao nhiêu kiêng kị, nhưng xác thực là vẫn chưa bao giờ bước vào, tất nhiên cũng có thể là vì nàng chưa có hứng thú với chuyện này. Nói chung mấy năm qua, mặc dù sư phụ không hề nói ra, trên thực tế nó là nơi cấm địa của thầy trò chúng tôi.
Một chỗ như vậy, vừa nghe Luyện nhi bảo muốn tìm tòi nghiên cứu, tìm kiếm manh mối thứ mà sư phụ yêu thích, trong lòng theo bản năng cực kỳ phản đối, cũng khuyên ngăn nàng đôi câu mà bởi vì không nói được lý do chính đáng nên không thuyết phục được nàng. Dù sao trước giờ sư phụ cũng chưa từng hạ lệnh không được phép tiến vào, cũng chưa một lần thuận miệng nói về vấn đề này, do đó Luyện nhi vẫn kiên quyết không có việc gì. Đến nỗi sau cùng, ngay cả mình, đều bị nàng dụ dỗ khơi lên lòng hiếu kỳ.
Con người chính là như vậy, cho dù lý trí ra sao đi nữa, sâu thẳm trong nội tâm vẫn luôn tồn tại ý nghĩ tò mò đối với một nơi thần bí.
Thế cho nên, cuối cùng cũng tán thành chủ trương của Luyện nhi, thậm chí còn cùng nàng đi vào, chỉ dặn nàng nhất định phải kiên nhẫn, đợi cơ hội sư phụ xuống núi mới có thể chân chính hành động.
Thực tế, căn bản không cần phải nhẫn nại tức mức như vậy. Quay về Hoàng Long động tôi mới chợt nhớ, lúc sư phụ bảo tôi gọi Luyện nhi về, hình như có nói là hôm sau người phải xuống núi có việc. Ngày hôm sau người liền xuống núi, giống như mọi khi không hề cảm thấy có điểm gì bất thường. Luyện nhi giữ đúng lời hứa, thật sự kiềm chế, nghe sư phụ nói muốn xuống núi cũng không biểu lộ chút bất thường nào, trái ngược với cách biểu hiện thường ngày của nàng, điểm này khiến cho tôi rất ngạc nhiên. Chỉ là, sư phụ vừa mới rời đi, nàng liền nhảy cẩng lên, lập tức muốn hành động. Tôi phải dụ dỗ kéo nàng ngồi đợi một lúc, đến khi xác định sư phụ đã đi xa không quay lại vì quên thứ gì đó, mới buông lỏng tay thả nàng. Vừa thả tay, nàng lại không kiềm chế nổi, mà cũng không cần kiềm chế nữa, bước vài bước tới nơi sâu nhất của động, vận công "vù vù" hai chưởng làm cho cửa chắn bằng đá rung chuyển, rồi bám chặt vào nó, hơi dùng sức đẩy sang một bên tạo khe hở vừa đủ một người ra vào. Hoàn thành xong, nàng quay đầu nhìn tôi cười đắc ý, sau đó nhấc chân xung phong vào trước. Mỉm cười bất đắc dĩ lắc lắc đầu, tôi cũng tiến vào theo.
Bởi vì khi xưa đứng nhìn sư phụ khai thông thạch thất cho nên cũng hiểu biết đại khái hình dáng cùng kích thước của nó, có điều hiện tại bên trong chưa đốt đèn, rất là tối. Đối với Luyện nhi thì không có gì đáng ngại, nhưng đối với người bình thường như tôi đây tất nhiên là có ảnh hưởng. Tôi lấy đá đánh lửa ra, không dám đốt nến trên bàn, chỉ sợ sư phụ trở về nhìn ra manh mối gì, lại ra ngoài đặc biệt cầm ngọn đèn đi vào, thắp sáng xong mới tỉ mỉ quan sát bố cục bên trong thạch thất.
Nói là bố cục, kỳ thực rất đơn giản, cái bàn cũng không có. Ở chính giữa là một tảng đá lớn tạm dùng làm bàn, bên cạnh trải tấm đệm mềm dùng để ngồi; trên vách đá có đóng một cái bàn thờ, không kính thờ Phật mà chỉ đặt chăn bông ghế đệm lên trên, ban đêm có thể trải ra nằm ngủ. Trừ mấy món lớn này ra, còn lại là một vài đồ linh tinh nhỏ nhặt. Giơ ngọn đèn nhìn quanh bốn vách đá, chỉ thấy trên vách khắc đầy các loại kiếm pháp, dấu tích mới có cũ có, các tư thế khác nhau, trong đó có vài bộ giống như đã từng thấy qua, một ít đã học được từ lâu, có lẽ là tâm huyết mà sư phụ nghiên cứu những năm qua.
Chỗ này so với ngoài động còn đơn giản hơn nhiều, làm sao có thể nhìn ra sư phụ yêu thích như thế nào? Tôi hơi nản chí, mà Luyện nhi không muốn ngừng, hai lần lật miếng đệm cùng đồ vụn vặt, lật đi lật lại chăn bông trên bàn thờ. Tính nhắc nàng không nên lục lung tung để tránh sư phụ quay về nghi ngờ, thì nghe được tiếng reo mừng hoan hô truyền đến. Đang định hỏi thì thấy Luyện nhi cầm trong tay quyển gì đó, xoay người đi tới hai ba bước, đến trước mặt cũng không nói nhiều, chỉ đưa thứ đang cầm cho tôi, nôn nóng hỏi:
- Này là cái gì?
Cúi mắt nhìn một chút, vô thức trả lời:
- Giấy bằng da dê.
Câu trả lời này khiến người đối diện khinh bỉ một trận, Luyện nhi trừng mắt nhìn tôi, sinh khí nói:
- Đương nhiên ta biết nó là tấm da dê. Bên trong, là bên trong!
Đặt ngọn đèn lên bàn đá, tôi cẩn thận từng chút mở mảnh da, chỉ sợ bất cẩn làm rách mất. Cuộn giấy rất dài, thực sự có thể đóng thành một quyển sách, phần đầu và giữa viết đầy các loại kiếm thức, giống những thứ được khắc trên vách đá, còn có thêm khẩu quyết tâm pháp, đoán là thành phẩm cuối cùng sau khi sư phụ chỉnh lý xong. Này có lẽ là thứ mà rất nhiều người trong giang hồ mơ ước chiếm đoạt, nhưng không hề liên quan tới mục đích chuyến đi của tôi cùng Luyện nhi.
Ngẩng đầu, vừa định nói với nàng như thế, lại cảm thấy không đúng. Cho dù có chữ nàng không biết, kiếm thức gì đó Luyện nhi nhìn hiểu được, sẽ không hưng phấn vì phát hiện cái này đâu. Nghĩ tới đây, kiên nhẫn mở ra thêm chút, kéo đến phần cuối mới thấy, so với phần trước hoàn toàn khác biệt, chữ viết màu đỏ sậm. Trong lòng cả kinh, màu đỏ này, nếu không nhìn lầm thì rõ ràng chính là từ máu tươi bay màu mà hình thành. Đây... đây không ngờ lại là huyết thư (thư viết bằng máu)? Không dám đoán bậy liền hỏi Luyện nhi, xác nhận quả thật như thế. Nàng dĩ nhiên không hiểu ý nghĩa của huyết thư, chỉ biết là dùng máu mà viết thành, trực giác mách bảo vật này khác với những thứ kia, cho nên mới tràn đầy chờ mong. Nhưng mà, nhìn món đồ trên tay, luôn cảm thấy không thích hợp lắm.
Thông thường, viết huyết thư thì chỉ có thể là gặp nguy hiểm hoặc giây phút cuối đời, mà trước mắt chữ viết ngay ngắn, chi chít ngập tràn, hiển nhiên chẳng hề hoảng loạn. Trong lòng khó hiểu, tôi mở rộng quyển sách, tỉ mỉ xem đến nội dung bên trong.
Đọc kĩ nội dung mới kinh ngạc phát hiện, vật này chính là sư phụ tự tay viết nên, nhật ký trong những năm gần đây! Hay chính xác mà nói, là người tự viết trong những năm qua, không liên tục, giống như một loại nhật ký.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.