Mạn Thiên Hoa Vũ

Chương 23: Bát cháo




Hôm nay thời tiết rất đẹp. Gió thổi dịu dàng, kéo theo những sợi nắng trải dài trên mặt đất.
"Niệm Tâm, lại đây."
Đúng lúc tôi quay người lại, anh đã gọi tôi như thế.
Vài tia nắng chiếu vào mắt tôi, cả khung cảnh trở nên lấp lánh.
Giống như bị ảo giác, tôi nhìn thấy một cậu bé mười ba, mười bốn tuổi đang vươn tay ra. Tôi không nhìn rõ khuôn mặt cậu, bởi ánh nắng đang biến đổi liên tục.
"Tâm!"
Tiếng gọi xa xôi vọng về, như có như không.
Tôi giật mình mở mắt ra, thấy mình vẫn đang đứng giữa sân. Mặt đất dù bằng phẳng nhưng tôi lại có cảm giác chòng chành, sắp ngã tới nơi.
Gạt bỏ mấy suy nghĩ linh tinh, tôi vén váy chạy vào trong nhà, nhân tiện cười với Trần Thanh và Hồ Nguyên Đức một cái.
Trần Thanh nhíu mày nhìn tôi, thấp giọng: "Đã cuối giờ Ngọ rồi, đừng đứng ngoài nắng quá lâu."
Tôi cười cười cảm kích: "Ừ, tôi biết rồi."
Anh gật đầu rồi quay về phía Hồ Nguyên Đức hỏi: "Đã điều tra theo đúng lời tiểu thư Niệm Tâm nói hôm trước chưa?"
Khụ, tự dưng lôi tôi ra để hỏi một tụng quan như thế liệu có hơi quá phận không nhỉ? Để tránh gây hiềm khích, tôi vội vã đứng dậy cúi đầu, chắp tay tỏ vẻ khiêm tốn.
Tôi nghe một tiếng "hừ" nho nhỏ từ phía Hồ Nguyên Đức, nhưng ngay khi ánh mắt Trần Thanh chiếu tới, gã lập tức đứng thẳng người.
"Bẩm cậu, điều tra về Triệu Thị Mai cũng hơi khó khăn vì nạn nhân đã chết được gần một năm..."
Hồ Nguyên Đức im bặt, cúi đầu thật thấp.
Tôi nhận ra Trần Thanh đang rất tức giận, hơn nữa cơn giận này còn khiến Hồ Nguyên Đức vô cùng sợ hãi.
"Đứng lên!" Trần Thanh trầm giọng.
Hồ Nguyên Đức hơi khuỵu đầu gối, chực quỳ xuống đất nhưng nghe Trần Thanh mắng lại cũng không dám đứng thẳng dậy, cứ giữ nguyên tư thế nửa đứng nửa quỳ.
Tôi đang hoang mang, lại nghe anh gằn giọng: "Nói tiếp đi."
"Bẩm... bẩm cậu, về phần những người ở chợ thì đều không nhớ tới Thị Mai khi ấy như thế nào... Cha mẹ nạn nhân cũng, cũng vì trải qua đau thương quá độ nên giờ không muốn nhắc tới... Ngoài việc nhà họ có mối bán trứng cho vài gia đình giàu có ra thì cũng không có thông tin nào khác..."
Nghe Hồ Nguyên Đức nói tới tôi còn muốn đập bàn, không trách Trần Thanh lại tức giận tới như vậy. Quá mức vô dụng.
"Nhưng mà... cha mẹ Thị Mai nói nếu nhớ ra điều gì nhất định sẽ báo lại."
Tôi nhìn gã ta nửa đứng nửa quỳ một lúc đã run rẩy hai chân, trong lòng thương hại liền bảo: "Tụng quan đứng thẳng lên rồi nói."
Đương nhiên, Hồ Nguyên Đức còn phải xem sắc mặt Trần Thanh như thế nào. Hoá ra ở thời này, chức thư lại trong an phủ lại có cấp bậc cao tới thế, khiến một tụng quan hung dữ tới đâu cũng phải cúi đầu.
Trần Thanh còn đang bận nổi giận, chẳng thèm để ý tới Hồ Nguyên Đức.
Tôi mềm mỏng nói: "Anh Thanh, dù tụng quan có quỳ xuống cũng chẳng thay đổi điều gì. Thôi cứ đứng dậy đi."
Bấy giờ Trần Thanh mới miễn cưỡng gật đầu một cái, Hồ Nguyên Đức cảm kích nhìn tôi mà đứng thẳng lên.
"Từ từ đã, trước khi nói về các nạn nhân tiếp theo, anh đọc cho tôi nghe tên từng người đi."
Tôi trải giấy ra bàn, chấm mực vào đầu bút rồi nói. Có họ tên sẽ dễ hình dung hơn là gọi nạn nhân thứ nhất, nạn nhân thứ hai, nạn nhân thứ ba...
Lần lượt viết từng cái tên xong tôi mới nhận ra các nạn nhân của kẻ bắt cóc kia quả thực có điểm chung, chỉ là nếu không đặt cạnh nhau sẽ rất khó có thể để ý.
Nạn nhân thứ nhất: Triệu Thị Mai, mười sáu tuổi.
Nạn nhân thứ hai: Triệu Thuỳ Oanh, mười lăm tuổi.
Nạn nhân thứ ba: Bùi Thiên Ý, mười bảy tuổi.
Nạn nhân thứ tư: Phan Ý Linh, mười bảy tuổi.
Nạn nhân thứ năm (cũng là người hiện vẫn đang mất tích): Triệu Lan, mười tám tuổi.
Nạn nhân thứ sáu (người vừa bị bắt cóc): Đỗ Khiết Tâm, mười sáu tuổi.
Trước tiên, phải nói về gia đình của các nạn nhân. Từ họ tên của cả sáu người có thể thấy cha mẹ họ hẳn đều có học hành, bởi tên của người thành thị với tên người nông thôn có khác biệt rất lớn. Mà theo người của phủ Kiểm Pháp đã điều tra thì gia đình của các nạn nhân đều có của ăn của để. Như cha mẹ của Triệu Thị Mai tuy rằng chỉ là nông phu nhưng cũng sở hữu mấy mảnh ruộng, việc Triệu Thị Mai ra chợ bán trứng hoàn toàn vì cô nàng không muốn ăn không ngồi rồi mà thôi.
Không biết khi lựa chọn đối tượng, hung thủ có suy nghĩ tới điều này không?
Tiếp theo, trong sáu nạn nhân có tới ba người họ là Triệu: Triệu Thị Mai, Triệu Thuỳ Oanh, Triệu Lan.
Hai người có chữ "Ý" ở trong tên: Bùi Thiên Ý, Phan Ý Linh.
Đây cũng là một vài điểm chung cần để ý tới nên tôi tạm thời ghi chú nhỏ ở dưới tờ giấy.
Ngoài ra chỉ Đỗ Khiết Tâm là có họ tên không có điểm chung nào với những người còn lại.
Suy nghĩ một lát, tôi ngẩng đầu lên định bảo Hồ Nguyên Đức nói về nạn nhân thứ hai là Triệu Thuỳ Oanh thì nghe tiếng thằng Dần kêu toáng lên ở ngoài cửa.
Tôi bèn gọi nó vào, thấy trên tay Dần là một cái làn đựng đồ ăn.
Dần quỳ xuống chào từng người một, sau đó lôi ra từ trong cái làn một bát cháo thịt vẫn còn nóng nguyên.
Nó hào hứng nói: "Khi nãy con đi chợ với chị Tị về thì gặp anh trai mặt đen đứng trước cửa, hỏi có phải cô Niệm Tâm sống ở đây không. Con liền bảo phải, là cô Niệm Tâm nhà tôi."
Nghe Dần nói, tôi không khỏi mỉm cười một cái.
"Anh trai mặt đen liền nói: 'Cậu nhà tôi bảo đem cho cô Niệm Tâm bát cháo.' Nên con mang vào cho cô đây, cô ăn nhanh kẻo nguội."
"Chắc là anh Khiêm." Tôi cười bảo.
Là Tống Chí Khiêm, hắn vẫn nhớ lời hẹn cùng ăn cháo với tôi. Hôm nay tôi không tới hội quán được nên y mới sai kẻ dưới mang tới cho tôi đây mà.
Mấy cái bánh ăn lúc sáng giờ đã tiêu hoá cả, ngửi mùi cháo thơm nức mũi mà tôi thấy hai chân bủn rủn. Tôi đành xin phép Trần Thanh và Hồ Nguyên Đức xuống bếp lấy cái thìa, tiện thể dặn thằng Dần đi pha thêm một ấm trà mới và chuẩn bị cơm, khi nào công chuyện xong xuôi sẽ dọn cơm lên để ăn trưa.
Trong lòng tôi sung sướng, chỉ muốn xoay một vòng mà múa hát. Ấy vậy mà vừa bước lên phòng khách, ngay trước mắt tôi là bát cháo đã vỡ dưới nền đất.
Trong lòng tôi vô cùng xót xa, vội hỏi: "Cái gì thế này?"
Trần Thanh rất bình tĩnh đáp: "Tụng quan lỡ tay làm đổ."
Rồi anh ta liếc sang phía Hồ Nguyên Đức hỏi: "Có đúng vậy không?"
Hồ Nguyên Đức rất phối hợp, cúi đầu thừa nhận.
Tôi cắn răng chịu đựng, không dám trực tiếp xả giận mà bấm bụng đi tìm giẻ lau để dọn đống cháo dưới nền đất.
Đúng là kỳ quặc, từ chỗ Hồ Nguyên Đức đang đứng phải cách bàn tới năm bước chân. Gã có việc gì mà phải bước tận năm bước để cuối cùng hất đổ bát cháo của tôi chứ?
Tự dưng mất miếng ăn, tôi cảm thấy vô cùng buồn bực.
"Sao thế?" Trần Thanh ra hiệu cho Hồ Nguyên Đức dừng lại, cúi đầu nhìn tôi lo lắng.
Lúc ấy tôi vừa nằm rạp ra bàn, tay quệt qua nghiên mực.
Đầu tôi hơi quay cuồng, phải mất một lúc mới hiểu được người anh hỏi là mình. Tôi không muốn nói rằng mình không khoẻ, bởi nếu như vậy thì tôi sẽ bị gạt ra khỏi vụ án này ngay lập tức. Đã tìm hiểu sâu tới mức này, tôi sao có thể bỏ cuộc giữa chừng?
Tôi thận trọng trả lời: "Có lẽ là do đói." Nghĩ thêm một chút, tôi tỏ ra giận dỗi nói tiếp: "Bát cháo khi nãy bị đổ rồi còn đâu."
Hồ Nguyên Đức lập tức cúi đầu, lí nhí xin lỗi tôi.
Trần Thanh thì không như vậy. Anh nhíu mày, đưa tay khẽ chạm lên má tôi. Đến tận sau này tôi cũng không hiểu vì sao, khi trước mắt tôi quay cuồng tới vậy mà tôi vẫn có thể nhìn rõ được cái nhíu mày của anh.
"Hơi nóng." Giọng Trần Thanh hơi trầm xuống. "Không phải nàng ốm rồi đấy chứ?"
Tôi bị hành động của anh làm giật mình, liền gạt tay anh xuống. Trời ạ, đây đâu phải thời hiện đại nam nữ thoải mái, vì sao Trần Thanh lại có thể chạm vào má tôi một cách tự nhiên vậy hả?
Tôi không thể thừa nhận với anh rằng tôi ốm được.
"Không... không." Tôi lắp bắp. "Tôi..."
Còn chưa nói thêm câu nào thì Trần Thanh đã đứng dậy.
"Ngươi quay về An phủ, báo cáo lại toàn bộ những gì chúng ta đã bàn bạc hôm nay với Đại an phủ sứ. Ngày mai khi nào tiện, ta sẽ cho người gọi ngươi tới đây sau."
Mấy câu này là nói với Hồ Nguyên Đức. Gã cúi đầu, chắp tay chào Trần Thanh rồi gật đầu với tôi một cái, không chần chừ thêm một giây rời đi.
Tôi ngạc nhiên: "Ấy, đã bàn được mấy đâu?"
"Hôm nay tới đây thôi." Giọng Trần Thanh đã mềm mỏng hơn khi nãy. "Chúng ta vẫn còn thời gian mà."
Tôi liền nghĩ, cái đầu của anh sắp bay ra ngoài kia kìa. Nhưng xem ra anh ta không lo lắng cho lắm.
Trần Thanh tranh hết việc của tôi, từ việc gọi Dần dọn cơm tới cho người mời Phạm Bân tới. Tôi tiếp tục ngơ ngác nhìn Trần Thanh, nhận ra nếu Phạm Bân mà phán một câu tôi bị bệnh cần nghỉ ngơi thì có phải chết tôi không!
Bởi vậy tôi vội vã ngăn tên gia nhân kia lại, một mặt thuyết phục Trần Thanh rằng do đã quá giờ Ngọ mà chưa được ăn nên mới hơi mệt mỏi mà thôi.
Anh bán tín bán nghi nhìn tôi dò hỏi: "Thật chứ?"
Tôi gật đầu một cái chắc nịch, thậm chí còn bảy ra dáng vẻ hiên ngang trước gió.
Trần Thanh phì cười một cái, nói: "Được rồi. Nếu mệt thì cứ sai người tới phủ Kiểm pháp báo một tiếng, khi khác chúng ta bàn luận về vụ án."
Tôi chun mũi đáp: "Tôi biết rồi mà."
Anh gật đầu: "Ăn cơm đi, ta phải về rồi."
Dần từ dưới nhà lên, đặt hai đĩa thịt xuống bàn, cười nói: Cậu Thanh ở lại cùng dùng bữa với cô Niệm Tâm nhà con đi ạ."
Trần Thanh chỉ lắc đầu, nói rằng thật sự phải về rồi.
"Ở phủ Kiểm Pháp nhiều việc lắm à?" Tôi hỏi.
Anh ngẩn người ra một lúc rồi mới gật đầu, cười với tôi: "Nhớ nghỉ ngơi cho đầy đủ."
Tôi nhìn theo tấm lưng rộng của Trần Thanh, chăm chú quan sát một tay anh đặt sau lưng nắm chặt. Không hiểu sao tôi cảm thấy thật thương cảm.
Phước Lộc đâu rồi, vì sao hôm nay không đi cùng Trần Thanh? Vì sao tôi lại thấy anh cô đơn đến thế?
Dần lấy cái đũa chọc vào vai tôi mấy lần, tôi mới nhận ra mình đã ngồi ngây ra nhìn về phía Trần Thanh vừa đi khỏi được một lúc rồi.
Cơm trưa nay khô khốc, tôi nếm cái gì cũng thấy nhạt miệng. Sợ rằng ốm thật rồi.
Tôi đặt đũa xuống bàn trước mấy câu phàn nàn xen lẫn lo lắng của Dần.
Cả người tôi như bị ai đánh, đau ê ẩm, hoàn toàn không còn sức để ngồi nữa. Tôi chui vào giường nằm, mấy tờ giấy ghi lại kết quả điều tra các nạn nhân của Hồ Nguyên Đức nãy giờ bị tôi nắm chặt trong tay cũng vứt sang bên cạnh.
Trưa hôm ấy, tôi ngủ mà không yên giấc. Khi tỉnh dậy trời đã tối từ khi nào. Tôi nhớ rằng tôi đã mơ, nhưng những hình ảnh không hề rõ ràng.
Khoan đã, hồi trưa Hồ Nguyên Đức có nói gì về nạn nhân thứ năm - Triệu Lan nhỉ? Tôi ngồi bật dậy, lật tung đống giấy bên cạnh lên, rốt cuộc cũng tìm thấy đoạn thông tin ngắn ngủi mà mình dùng bút lông ghi lại.
Ôi, đúng là chữ xấu như ma.
"Triệu Lan, mười tám tuổi.
Cha: Triệu Sinh, là thầy thuốc. Do sức khoẻ không tốt nên ở nhà, mở một hiệu thuốc nhỏ cùng con gái buôn bán. Mẹ mất từ lâu nên không tìm hiểu.
Đáng ra cuối năm Triệu Lan sẽ kết hôn với một người hàng xóm, bà mối cũng đem sính lễ tới cả. Nhưng cuối cùng mất tích, bên nhà kia đang đòi huỷ hôn."
Đọc tới đây, tôi chửi to một câu: "Đúng là khốn nạn."
"Triệu Sinh kể lại trước khi con gái mất tích, hiệu thuốc nhà ông ta chỉ có vài vị khách là có tiếp xúc với Triệu Lan. Trong đó có một người đàn ông là nói chuyện với Triệu Lan khá lâu. Trước giờ Triệu Sinh cũng không để ý cho lắm vì khách tới mua thuốc cũng thường cần tư vấn, nhưng nghĩ lại thì quả là người kia có điểm đáng nghi."
Viết bằng bút lông, lại ngoáy tít lên, chữ xấu không tả nổi. Tôi vừa đọc vừa căng mắt lên, tự nhủ tại sao chữ mình lại xấu tới mức này?
"Triệu Sinh không nhìn được toàn bộ khuôn mặt của kẻ kia bởi ông ngồi trong nhà nhìn ra. Khi kẻ đó đi lướt qua mới kịp nhìn thấy hắn có một vết màu chàm ở quai hàm kéo dài xuống cổ. Dáng vẻ khá cao, không gầy không béo, da hơi đen nhưng không có gì đặc biệt."
Vết chàm ở cổ?
Hình như tôi đã từng nhìn thấy một người đàn ông có vết chàm ở cổ y hệt với lời tả của Triệu Sinh. Vấn đề là tôi đã nhìn thấy hắn ở đâu? Hắn có liên quan tới vụ án hay không? Cứ phải suy nghĩ nhiều là đầu tôi lại quay cuồng, đành gác sang một bên.
Tôi đứng dậy xoay người, vặn tay cho đỡ mỏi rồi ra ngoài. Hôm nay nhà đông đủ hơn mọi khi, chỉ thiếu mỗi Trần Thanh. Đỗ Quân, Đỗ Chi, Phạm Bân và cả Đoàn Nhữ Hài đang ngồi quanh bàn, trò chuyện rất vui vẻ.
Lúc này bọn họ đang nói về con gái của Đại hành khiển Trần Khắc Chung – Đỗ Khiết Tâm. Cũng may tôi vừa ngồi xuống thì câu chuyện mới bắt đầu.
"Nghe nói trong buổi thượng triều sáng nay, Hành khiển đã quỳ rất lâu trước Quan gia đúng không anh?" Đỗ Chi nhận bát cơm từ tay cái Tị rồi hỏi Đỗ Quân.
Trần Khắc Chung là anh họ của Đỗ Chi, theo lý cô phải gọi một tiếng "anh họ" nhưng lại tránh đi, chỉ gọi chức danh. Điều này chứng tỏ mối quan hệ giữa cô và gia đình bên kia không mấy tốt đẹp.
Đỗ Quân gật đầu, đáp: "Ừm, Hành khiển cầu xin quan gia đích thân điều tra vụ án, sớm bắt được hung thủ."
Trần Thuyên đích thân điều tra?
Do đầu óc đang không được bình thường, suy nghĩ của tôi lại trôi về trước đây khi mới gặp Trần Thuyên – một cậu thái tử mười bốn, mười lăm tuổi.
Cho tới khi quay về thực tại thì đám người Đỗ Chi đã nói tới chuyện ngày hôm nay có vị phu nhân nào trong cung bị đau bụng mà phải gọi đích tên Phạm Bân tới khám.
Phạm Bân kể chuyện xong là tới Đoàn Nhữ Hài, thằng em hờ của tôi. Chuyện của cậu ta thì chẳng có gì mới mẻ, bởi ngày nào cũng gặp đám học trò bước một bước làm hai câu thơ kia. Tôi chọn đúng lúc Đoàn Nhữ Hài mới cất lời liền ngáp một cái thật to.
Cậu ta "hứ" một tiếng, tỏ ra giận dỗi.
Đỗ Chi bật cười, quay sang tôi thân thiết hỏi: "Nghe nói hôm nay có người mua cháo tới tận nhà cho chị Tâm phải không?"
Nghe nói sao? Tôi liếc về phía thằng Dần đang đứng ở cửa, nó lập tức quay sang cái Tị giả bộ nói gì đó.
Còn chưa kịp trả lời thì Đoàn Nhữ Hài đã đáp thay: "Là anh Khiêm, bạn tôi. Sáng nay không thấy chị Tâm tới, anh Khiêm còn hỏi thăm rất nhiều nữa."
Do ngồi cạnh nên tôi không thấy được vẻ mặt của Đỗ Quân, chỉ nghe y hỏi: "Người đó là Tống Chí Khiêm?"
"Đúng rồi." Đoàn Nhữ Hài ngây người ra đáp. "À, là người khi nãy anh nhắc tới đúng không?"
Đỗ Quân gật đầu thay cho lời xác nhận. Tôi ù ù cạc cạc, không hiểu vừa nãy mình để lỡ chuyện gì về Tống Chí Khiêm. Để bọn họ không bàn tán thêm về bát cháo, tôi nhàn nhạt nói: "Còn chưa kịp ăn đã làm đổ dưới đất rồi."
Dần đứng tận ngoài cửa cũng phải ấm ức thay: "Bát cháo ngon tới vậy mà!"
Câu chuyện lại chuyển sang đối tượng khác, tôi vừa gật gù vừa nghe câu được câu không.
Tối nay tôi cũng chẳng được mấy hạt cơm vào bụng, cả người uể oải chỉ muốn quay về phòng để đánh một giấc cho tới sáng. Do mấy ngày nay trong đầu chỉ toàn là vụ án nên khi ngủ tôi cũng mơ về nó.
Tôi mơ thấy Đỗ Khiết Tâm bị bắt cóc ngay trước mắt mình. Trong mơ, tôi đang ngồi trên tầng hai của hội quán, nhìn xuống dưới đường. Đường phố vắng tanh vắng ngắt, chỉ có mình Đỗ Khiết Tâm và tên bắt cóc đứng ở đó.
Đỗ Khiết Tâm bị hắn lôi xềnh xệch đi, tôi lại cứ ngồi yên một chỗ, chỉ biết hét xuống đường: "Thả cô ấy ra! Thả ra!"
Tên bắt cóc ngẩng đầu lên nhìn tôi, ở dưới cổ hắn có vết chàm lớn.
Hắn cúi đầu chào tôi, rồi lôi Đỗ Khiết Tâm đi mất. Tôi trơ mắt nhìn tên bắt cóc đưa cô đi, cảm thấy mình thật vô dụng.
Chuyển cảnh, tôi trông thấy mình bắt đầu khóc, vừa khóc vừa cầu xin ai đó hãy cứu Trần Thanh. Hung thủ vẫn chưa bị bắt, tôi chỉ lo Trần Thanh bị quan gia chém đầu.
Đang khóc thì tôi giật mình tỉnh dậy.
Cửa sổ chưa đóng kỹ, có một tia nắng lọt vào chiếu xuống sàn nhà. Thì ra trời đã sáng rồi.
Tôi ngồi dậy, cố gắng nhớ lại từng chi tiết trong giấc mơ của mình đêm qua.
Cũng nhờ có giấc mơ này mà tôi mới nhớ ra được mình thực sự đã nhìn thấy người có vết chàm ở cổ, chính là khi ngồi trên tầng hai của hội quán. Tôi chỉ không nhớ được đã nhìn thấy hắn lúc nào mà thôi.
Nghĩ là làm, tôi dậy vệ sinh cá nhân rồi mặc ăn vận gọn gàng, ra ngoài phòng khách chờ Đoàn Nhữ Hài cùng tới hội quán.
Hôm qua không ăn uống mấy, thân thể mệt mỏi, tôi đồ rằng mình đã bị ốm nặng hơn. Cổ họng hơi đau rát, khi nói có chút khó khăn. Tôi lại không thể cứ thế bỏ qua mọi chuyện mà ở nhà ngủ một giấc được được, không hiểu sao tôi lại có cảm giác hôm nay sẽ gặp lại người có vết chàm ở cổ đó. Tôi phải tới hội quán.
Đoàn Nhữ Hài rất ngoan ngoãn rót trà cho tôi, còn hỏi tôi có muốn ăn gì không. Tôi lắc đầu, mắt dán chặt xuống dưới đường, cầu mong không bị sót bất cứ ai.
"Anh Khiêm nay đến muộn thật." Đoàn Nhữ Hài lầm bầm bên cạnh tôi, đúng lúc ấy tôi thấy Tống Chí Khiêm.
Hai chữ "kia kìa..." mắc nghẹn ở cổ họng. Tôi chết trân nhìn hắn.
Trong đầu tôi chợt hiện ra cảnh tượng cũ ngày hôm trước: Tống Chí Khiêm và tên hầu đứng dưới sân.
Và...
Tên hầu của hắn... có một vết chàm ở quai hàm, kéo dài xuống cổ.
Tống Chí Khiêm, như lời của Đỗ Chi tối qua, vốn có hôn ước với Đỗ Khiết Tâm. Nghe nói hắn không lấy vợ, chờ Đỗ Khiết Tâm lớn lên, đủ tuổi mới gửi bà mối mang sính lễ sang nhà Nhập nội Đại hành khiển.
Gia đình hai bên có quan hệ rất tốt, Tống Chí Khiêm và Đỗ Khiết Tâm lại thân thiết từ nhỏ.
Nếu nói Đỗ Khiết Tâm chỉ có thể bị bắt cóc bởi người quen, vậy chỉ còn một đáp án.
Gia đình Triệu Thị Mai, nạn nhân thứ nhất, có mối bán trứng cho một vài gia đình giàu có, trong đó có phủ của gia đình Tống Chí Khiêm. Khả năng hai người quen biết không phải là không có.
Nay người có vết chàm ở cổ như lời của Triệu Sinh – cha Triệu Mai, nạn nhân thứ năm – lại trùng hợp là tên hầu của Tống Chí Khiêm.
Cả người tôi lạnh toát, run rẩy không ngừng.
Tôi phải báo lại chuyện này với Trần Thanh. Dù Tống Chí Khiêm thực sự không liên quan tới vụ án thì cũng không thể bỏ qua được. Lúc này Tống Chí Khiêm đã xuất hiện trước cửa, tôi cúi người xuống, nói thật nhanh với Đoàn Nhữ Hài: "Ở lại đây, đừng để Tống Chí Khiêm đi đâu cả."
Đoàn Nhữ Hài giữ tay tôi lại, nét mặt có chút hốt hoảng.
"Chị định làm gì đấy?"
Tôi gỡ tay cậu ra, nhưng không còn thời gian giải thích nữa.
"Nhớ lời tôi dặn."
Đoàn Nhữ Hài như hiểu được mức độ nghiêm trọng của việc này liền gật đầu. Tôi vỗ vỗ vào vai cậu, quay người trở ra thì đụng phải Tống Chí Khiêm.
Hắn tỏ ra ngạc nhiên: "Tiểu thư không ở lại sao?"
Tôi mỉm cười: "Tôi có chút việc, lát nữa sẽ quay lại."
Không đợi hắn phản ứng, tôi vén váy gắng đi thật nhanh xuống dưới.
Với trí nhớ kém cỏi của mình cùng với việc đầu óc đang quay mòng mòng, tôi phải vừa đi vừa hỏi đường tới phủ Kiểm pháp.
Vì sao đường phố thời này lại phức tạp như vậy mà không có tới một cái biển chỉ dẫn chứ?
Tôi không còn tâm trạng đâu mà chửi bới, chỉ sợ rằng nếu mình báo muộn thì Tống Chí Khiêm sẽ chạy trốn mất. Hơn nữa, nạn nhân thứ năm là Triệu Mai và Đỗ Khiết Tâm vẫn còn mất tích, bắt được hung thủ sớm chừng nào thì khả năng họ còn sống sẽ cao chừng ấy.
Chỉ đi được một lát, còn chưa tới nơi mà tôi bắt đầu thở dốc. Tôi thật sự rất mệt.
"Ấy... cẩn thận!" Có tiếng người hô lên.
Tôi còn chưa kịp tìm hiểu xem ai nói thì đã va phải một người đang đi ngược lại mình. Xui xẻo hết mức, tôi bị bật ngược trở lại, suýt nữa đã ngã ngửa xuống đất nếu người kia không nhanh tay kéo tôi lại.
Một tên nhóc đằng sau người đó liền xông lên: "Này cô đi cái kiểu gì thế hả? Có biết đã va phải cậu nhà tôi không? Hả?"
Người kia liền quát: "Bính!"
Thằng nhóc tên Bính còn hăng hơn: "Cậu cứ để con!"
Thì cậu của nó trầm giọng: "Im miệng."
Lúc này tên nhóc Bính kia mới chịu im. Nó nhìn tôi rất thù hằn. Tôi đang vội, không có thời gian đôi co nên xin lỗi qua loa rồi định đi tiếp.
Người kia lên tiếng hỏi han: "Tiểu thư này... cô không sao chứ?"
Vừa đắng vừa ngọt, vừa đậm vừa thanh. Giọng nói của hắn mang tới cho tôi cảm giác giống như vậy.
Nếu là bình thường, nhất định tôi sẽ dừng lại mà quan sát khuôn mặt của hắn thật kỹ để xem hắn có dung mạo đẹp như giọng nói của mình hay không.
Nhưng việc gấp đang chờ phía trước, tôi không thể chần chừ.
Tôi giật mạnh tay ra khỏi người kia, cắm đầu đi tiếp. Cuối cùng phủ Kiểm Pháp đã hiện ra trước mắt tôi rồi.
Tôi dồn hết sức lực, chạy về phía cung phủ, trong lòng rối loạn.
Tên gác cửa ngăn tôi lại, hất hàm hỏi tôi muốn làm gì?
"Nếu muốn thưa kiện thì đặt đơn kiện vào đây." Gã chỉ xuống một cái thùng lớn dưới chân mình.
Tôi lắc đầu cật lực: "Tôi muốn gặp thư lại Trần Thanh!"
Lúc này tôi mới nhận ra giọng mình đã bị khàn đi bao nhiêu, nói một chữ cổ họng như muốn rách toác ra.
Tên gác cửa nhìn tôi nghi ngờ, đáp cụt lủn: "Trần Thanh? Không có!"
Tôi mím môi, lại nói: "Vậy còn tụng quan Hồ Nguyên Đức có ở trong phủ không?"
"Tụng quan ra ngoài từ sớm rồi!"
Cách tên khốn này thể hiện ra giống như việc gã ghét nhất chính là nói chuyện với tôi vậy.
Tôi cắn răng, chỉ muốn phát khóc mà nói: "Vậy cho tôi vào gặp Đại an phủ sứ một lúc có được không? Tôi có chuyện rất rất quan trọng..."
"Đại an phủ sứ là ai mà ngươi muốn gặp thì gặp được?" Tên gác cửa quát lên.
Tôi không để ý, bị hắn quát mà loạng choạng lùi lại vài bước.
Trong đầu tôi chẳng thể suy nghĩ nổi chuyện gì, cũng quên luôn rằng vốn bản thân có quen biết với Trần Thì Kiến. Lại càng không nghĩ tới rằng bạn bè của mình là Ngũ đô chỉ huy sứ Đỗ Quân, là thái y Phạm Bân. Mọi suy nghĩ biến mất sạch sàng sanh, tôi đứng ngơ ngác trước cung phủ.
Việc tôi cần làm là tập trung để nghĩ ra cách có thể vào trong cung phủ, nhưng tôi không làm được.
Tên gác cửa bị ai đó bên trong gọi, liền chạy đi.
Tôi nghĩ, mình cần phải tận dụng lúc không có ai canh cửa mà lẻn vào.
Một chân mới bước lên thì phía sau gáy nhói lên một cái.
Trước mắt tôi tối sầm lại.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.