Hoạ vô đơn chí: Tai hoạ không đến một lần.
-
Lại là hồ Nhật Thịnh.
Trần Thuyên và tôi, mỗi người theo đuổi những suy nghĩ riêng, bất tri bất giác đã sóng bước tới hồ Nhật Thịnh từ khi nào.
Anh siết chặt tay tôi, cả thân mình hơi sững lại.
"Quay lại thôi." Trần Thuyên khẽ lên tiếng.
Tôi chưa nghe theo lời anh nói vội, ngẩng đầu lên nhìn sắc trời, chỉ thấy từng cụm mây xám xịt che khuất vầng dương rực sáng trên cao.
"Tam nhật trùng tụ" giờ chỉ còn hai, hơn nữa như Quỷ Dẫn Đường nói, tình huống của ba năm trước vốn là vạn lần có một, tôi không nên lo lắng quá.
Hồ Nhật Thịnh vắng người, tính cả hai chúng tôi còn chưa đủ một bàn tay.
Tôi bảo Trần Thuyên: "Em với chàng ra đình ngồi một lát đi." Ngập ngừng một chút, tôi cười trấn an anh: "Chỉ cần không chèo thuyền ra giữa hồ là không sao đâu."
Anh do dự hồi lâu, thấy tôi không có ý định quay người đành đồng ý cùng tôi bước đến đình nghỉ chân cạnh hồ Nhật Thịnh.
Dường như nơi này vừa mới chịu một trận gió to, lá khô phủ đầy trên ghế đá.
Trần Thuyên nhanh chóng khoát tay, đám lá khô rơi lả tả xuống nền, ở trên vừa vặn lộ ra đủ khoảng trống cho hai chúng tôi ngồi xuống.
Câu chuyện khi nãy về Thành An đã bị đứt quãng, nếu giờ tôi cố tình hỏi lại sẽ khiến Trần Thuyên nghi ngờ. Việc này... chỉ còn cách chờ cơ hội khác.
Vả lại, tôi vẫn còn một chuyện đáng quan tâm hơn nữa
Lời đã đến đầu môi, tay cũng sẵn sàng lôi chiếc dao găm trong người ra để "chất vấn" Trần Thuyên thì đột nhiên, tim tôi nhói lên một cái. Tựa như một hồi chuông báo động đang vang lên liên hồi, chỉ cốt ngăn cản tôi không thể hé miệng.
Trần Thuyên đang nhắm hờ đôi mắt dưỡng thần, dải lụa tối màu buộc trên tóc bay phất phơ theo gió.
Như cảm nhận được điều gì, anh mở mắt, nghiêng đầu nhìn tôi: "Nàng sao thế?"
"À..." Tôi ngập ngừng, rốt cuộc có nên nói hay không?
Một chữ Nhẫn của anh, có lẽ chẳng hề đơn giản. Nếu tôi cố tình đào sâu, liệu có phá vỡ sự yên bình hiếm hoi mà chúng tôi đang có hay không?
Bên mày Trần Thuyên khẽ nhướn, trong mắt hiện lên ánh lo lắng dịu dàng.
Tôi liền cười xoà: "Không có gì, em chỉ đang thắc mắc vì sao dạo này Tham tri Nhữ Hài lại bận rộn thế!"
Cơ mặt Trần Thuyên giãn ra, liếc nhìn tôi rồi bảo: "Nàng... à, là Vân Phi lo lắng phải không? Càng cuối năm lại càng bận rộn, nàng hãy về khuyên bảo Vân Phi thông cảm cho Nhữ Hài, cậu ta cũng mệt mỏi lắm."
Hoàng đế đã nói vậy thì tôi lại càng không dám kỳ kèo gì thêm.
Cuộc hẹn của chúng tôi kết thúc khi ráng chiều dần phủ xuống bầu trời, buông hờ trên những ngọn cây.
...
Đảo mắt một cái trời đã sang đông. Những cơn mưa chợt đi chợt đến, khi ào ào đổ xuống, lúc lại tí tách từng giọt.
Những lúc như vậy tôi thường cuộn tròn trong chăn, phần lớn thời gian chỉ dành để ngủ, hoặc là ôm thằng cháu mũm mĩm trong lòng, và ngủ.
Nếu tiết trời khô ráo, tôi sẽ cùng Đông Ly dẫn Lâm Vũ sang phủ họ Đỗ, vừa thăm Đỗ Chi lại vừa củng cố tình cảm của Lâm Vũ và Huệ, hai bên thông gia tự nhận lại càng khăng khít.
Thời gian còn lại tôi chăm chỉ ghé qua Chương Đức viên bầu bạn cùng Trinh Túc phu nhân, nhưng cuối cùng lại được mọi người giao "trọng trách" chơi đùa cùng Trần Mạnh.
Đương nhiên mấy bà vú vẫn sẽ đứng một bên canh chừng, nhưng có tôi ở đó thì Trinh Trúc phu nhân cũng sẽ rảnh tay hơn được đôi chút.
Lúc này tôi đang ngồi xếp thẳng chân bên cạnh Trần Mạnh, miệng ca vang:
"Nu na nu nống
Đánh trống phất cờ
Mở hội thi đua
Chân ai sạch sẽ
Gót đỏ hồng hào
Không bẩn tí nào
Được vào đánh trống!"
Bài đồng dao này có nhiều dị bản, tôi chỉ thuộc mấy câu như vậy nhưng cũng đủ chọc thằng bé cười khanh khách.
Cho tới hiện tại, Trần Mạnh đã gần bốn tuổi. Dù chỉ là một đứa nhóc tì nhưng thằng bé lại là con cháu đế vương, khí chất được tôi luyện từ khi mới sinh, vô cùng khác biệt.
Ví như Lâm Vũ cháu tôi, chỉ kém Trần Mạnh khoảng hơn một tuổi nhưng cực kỳ hiếu động. Ở trong nhà, Lâm Vũ chỉ sợ mỗi cha là Đoàn Nhữ Hài, còn lại không chịu nghe lời bất cứ một ai, dù có là bà nội, mẹ hay bác của nó (tức là tôi đây này).
Còn Trần Mạnh mới bốn tuổi nhưng rất ngoan ngoãn, biết tiến biết lùi không khác gì một người trưởng thành. Vị tứ hoàng tử này khi nói chuyện luôn tỏ vẻ cung kính, với kẻ dưới cũng rất biết thể hiện phong độ hoàng gia, đi đứng đều thẳng lưng, không đòi hỏi, không mè nheo.
Nếu như chuyện thằng bé khóc toáng lên với Huyền Trân ngày hôm ấy không xảy ra thì tôi đã nghi ngờ là có kẻ đoạt xác hoàn hồn, sống trong thân xác của Trần Mạnh rồi ấy chứ.
Tuy rằng lần đầu tiên gặp tôi, Trần Mạnh đã thể hiện rõ cảm tình của mình nhưng suy cho cùng thì khi ấy tôi vẫn là người lạ. Thằng bé có thể tỏ ra thích thú nhưng sẽ không quá thân cận, cơ bản là thấy mới lạ mà thôi.
Nói về mối quan hệ cô - cháu với Trần Mạnh, chính bản thân tôi cũng cảm thấy rất buồn cười. Mạnh là con trai của Trần Thuyên, đáng lý ra tôi phải có chút gì đó ghét bỏ, nhưng không, những cảm xúc mà tôi có lại ngược hoàn toàn!
Vì sao tôi lại yêu quý thằng nhóc này đến vậy cơ chứ!
Sau một thời gian làm thân, Trần Mạnh đã dần dần tiếp nhận tôi xuất hiện trong cuộc sống thường ngày của cậu bé tại Chương Đức viên.
Càng như vậy, Trinh Túc phu nhân cùng đồng bọn lại càng yên tâm để một mình Trần Mạnh ở lại trong phòng với tôi và Đông Ly, miễn là có thêm một, hai bà vú đứng từ xa để ý là được.
Trần Mạnh thể hiện rất tốt, miệng xưng con gọi cô ngọt ngào dễ thương, khiến ai cũng phải mềm lòng.
Thế nhưng...
Chỉ cần người lớn trong phủ đi khuất tầm mắt là Trần Mạnh sẽ lập tức thay đổi thái độ!
Thằng bé như được giải phóng một nhân cách thứ hai, hoàn toàn khác biệt nhưng suy cho cùng lại... đúng với lứa tuổi của nó hơn.
Tôi có bốn chữ dành tặng cho Trần Mạnh: Không thể đuổi kịp!
Trần Mạnh chạy nhanh như sóc, loáng một cái thân hình nhỏ bé đã phi tới cuối sân. Thân thủ Đông Ly không tồi, lập tức vọt theo. Chỉ có tôi ôm bụng tất tả chạy đằng sau, bắt đầu tự hỏi liệu mình có sai lầm khi quyết định trở thành bạn bè với vị hoàng tử bé con này hay không?
Trần Mạnh né được bàn tay đang vươn tới của Đông Ly, nhấc chân xoay người, lao thẳng vào người tôi.
Sức mạnh ấy không nhỏ, xô tôi ngã lăn xuống đất.
"Shit!"
Hai tay tôi ôm lấy Trần Mạnh, miệng thở ra một hơi.
Với tình huống khi nãy, bình thường tôi đã kêu lên câu "con mẹ nó" quen thuộc rồi. Tuy nhiên, bản thân tôi ý thức được rằng mình đang chơi với trẻ con nên phải biết giữ mồm giữ miệng, vì thế mới quyết định chửi bậy bằng tiếng Anh.
Thằng nhóc lồm cồm bò dậy, phủi phủi quần áo rồi tò mò hỏi: "Thưa cô, xít là gì ạ?"
Nếu bây giờ đang uống nước thì nhất định tôi sẽ phun ra cho bằng hết!
Tôi dở khóc dở cười đáp: "Đó là do cô bị đau nên mới kêu lên vậy thôi, không có gì đâu!"
Trần Mạnh mím môi, hai mắt long lanh: "Là Thánh Sinh làm cô bị đau ạ?"
Dễ thương đến mức này, ai mà muốn trách tội?
Tôi ngồi xổm dậy, vuốt vuốt vạt áo cho Trần Mạnh rồi lắc đầu, cười dịu dàng: "Không đâu. Nhưng mà lần sau Thánh Sinh không được chạy nhanh như thế nữa nhé, ngã đau lắm đấy."
Hoàng tử bé con gật mạnh đầu: "Dạ vâng ạ, xít!"
Dứt lời, lại một phen gà bay chó sủa.
...
Những câu chuyện không ai đỡ nổi về Trần Mạnh còn chưa dừng lại ở đó.
Một ngày nọ trời quang mây tạnh, tôi nhờ Đông Ly tìm cách gửi lời vào trong cung, hẹn Trần Thuyên đi dạo phố, cùng nhau đón đợt gió mùa mới về.
Hiệu suất làm việc của cựu Dạ Hành rất cao, chỉ sau nửa canh giờ đã trở về, chuyển lại một câu đồng ý của Trần Thuyên.
Hôm sau y hẹn, buổi chầu sáng xong xuôi, Trần Thuyên một thân áo quần gọn gàng, chờ sẵn ở cổng đón tôi ra ngoài. Buổi dạo chơi đáng ra cũng chỉ có vậy, lượn qua lượn lại phố phường kinh đô, ăn mấy cái bánh củ cải rồi về.
Mới đầu đông nên cái rét vẫn còn tạm chấp nhận được. Gió lướt qua da mặt như vuốt ve, chưa đến mức cắt da cắt thịt.
Gần đây tôi kể cho Trần Thuyên nghe về tác phẩm Đêm hội Long Trì của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, kéo dài tới mấy buổi hẹn.
Tôi bịa với Trần Thuyên rằng đây là câu chuyện hư cấu ở một triều đại không có thật, cộng với tài năng thêm thắt xào nấu chém gió thành thần của bản thân thì mặc dù tôi chỉ nhớ mang máng nội dung trong Đêm hội Long Trì cũng đã đủ khiến Trần Thuyên mê say, nghe tới quên cả trời đất. (1)
Xuyên suốt tác phẩm, đoạn văn khiến tôi tâm đắc nhất là khi Nguyễn Mại chém Đặng Lân nên lúc này càng cao hứng, bắt đầu khua chân múa tay và bằng một cách kỳ diệu nào đó lại có thể nhớ được gần như từng chữ mà nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từng viết lên:
"Khi ấy, tên Lân nhảy xuống giường định chạy đi, quay đầu quát Mại:
'Mày dám giết tao à? Tao thách đấy!'
Mại không sợ hãi, đáp lại: 'Bản chức đến đây vì việc ấy, có tội vạ gì bản chức sẽ chịu.'
Sau đó kiếm sáng vung đến, tên Lân sợ hãi quá liền gầm lên: 'Ta là Cậu Trời!'
Mại quát: 'Cậu Trời cũng chém!'
Dứt lời, chỉ một nhát kiếm đã khiến đầu Đặng Lân bay xuống đất, máu phun khắp nơi."
Sau đó tôi tóm tắt nốt chương cuối cho Trần Thuyên nghe, trong lòng hừng hực khí thế. .
||||| Truyện đề cử: Mưa Bụi Thượng Hải |||||
Anh bật cười, gật đầu tán thưởng: "Hay! Cậu Trời cũng chém! Kẻ tên Nguyễn Mại kia quả là một hiệp sĩ vì nước vì dân, không khuất phục trước cường quyền!"
Tôi nháy mắt: "Chàng khen phải lắm."
"Nhưng cớ vì sao nàng tả cảnh đầu rơi máu chảy lại phấn khích như thế?" Trần Thuyên dịu dàng xoa đầu tôi, gương mặt như đang nín cười.
Tôi:...
Sao nghe câu hỏi này... có ý muốn chửi tôi là đồ biến thái nhỉ?
Còn chưa kịp đáp lại lời anh thì một bóng đen nhỏ từ đâu lao vút tới ôm chầm lấy chân tôi, may mắn Trần Thuyên phản ứng nhanh mà đỡ kịp lấy vai tôi nên đã tránh được một phen lăn quay dưới đất.
Tôi hoàn hồn trong giây lát, cúi xuống nhìn, nhận ra cậu nhóc Trần Mạnh đang thích thú cười sằng sặc: "Cô Tâm, xít, xít!"
Lại còn chửi bậy nữa...
Chiêu Văn vương và Trinh Túc phu nhân tiến lại gần, ai nấy đều treo nụ cười mỉm trên môi như thể đang xem chuyện hay.
Không có gì đáng cười ở đây cả, tôi vốn đang hẹn hò riêng với Trần Thuyên, đến Đông Ly và Đỗ Quân còn phải lánh đi mà giờ lại bắt gặp hai vợ chồng Chiêu Văn vương?
Không những vậy... còn có cả con trai của anh nữa?
Trần Mạnh buông tôi ra, mất một lúc lâu mới phát hiện người bên cạnh chính là vua cha của mình liền lập tức thay đổi thái độ, gập người ôm quyền, cất giọng non nớt: "Thánh Sinh tham kiến phụ hoàng."
Tôi lén nhìn sang Trần Thuyên, chỉ thấy gương mặt anh hiện giờ như cái biểu đồ hình tròn: Ba phần tức giận, bảy phần ngạc nhiên. Đến tôi trông thấy dáng vẻ này của anh mà còn rợn tóc gáy, không biết Trần Mạnh ra sao đây.
Vô tình gặp con trai giữa phố phường đông đúc, người mà cậu bé lựa chọn để ôm chầm lấy lại là tôi.
Đúng là tức cười thật đấy.
Chiêu Văn Vương và Trinh Túc phu nhân không nhiều lời, chỉ im lặng hành lễ với Trần Thuyên để tránh thu hút quá nhiều sự chú ý của người đi đường.
"Trùng hợp quá." Chiêu Văn vương cười cười, tay phe phẩy quạt.
Trần Thuyên khó khăn lắm mới lấy lại được phong độ, gật đầu: "Vương cùng phu nhân đang dẫn Thánh Sinh đi chơi phố sao?"
Ông đáp: "Đúng vậy. Khi xưa Thái Tông đích thân di giá đến từng làng xã thăm hỏi dân chúng, không xa hoa phô trương, lại càng không rầm rộ khiến người kinh kẻ sợ. Đến nay Quan gia thường phục vi hành, là noi theo gương Thái Tông ngày ấy đấy thôi. Thần trộm nghĩ, Thánh Sinh tuy vẫn còn nhỏ nhưng cũng đã đến tuổi gần gũi dân tình hơn rồi."
Tôi nghe mà choáng váng cả đầu óc, chỉ là một buổi dạo chơi thôi nhưng Chiêu Văn vương lại dâng lên một cái "sớ" cho Trần Thuyên, có muốn trách tội cũng không có cớ gì hợp lý cả.
Nhân lúc Trần Thuyên trò chuyện cùng Chiêu Văn vương, tôi hỏi thăm sức khoẻ của Trinh Túc phu nhân mấy câu rồi nửa quỳ nửa ngồi xuống đất, hai tay giữ lấy vai của Trần Mạnh mà thì thầm:
"Thánh Sinh nghe cô, từ sau không được nói shit nữa nhé."
Cậu nhóc giương đôi mắt ngơ ngác con nai vàng lên nhìn tôi, giọng ỉu xìu: "Tại sao lại thế ạ?"
Tôi cắn môi suy nghĩ, làm thế nào để thuyết phục được Trần Mạnh đây?
Trong đầu tôi bắt đầu xuất hiện những cảnh tượng trong tương lai, một vị hoàng đế trẻ tuổi uy phong lẫm liệt đang ngồi trên ngai vàng, chỉ tay xuống đám quần thần quỳ phía dưới mà quát:
"Shit! Lôi lão già kia ra ngoài chém đầu cho trẫm!"
"Kẻ nào dám bênh vực? Shit! Đừng trách trẫm vô tình!"
Quả thật, việc chửi bậy rất dễ trở nên quen mồm, phải ngăn chặn từ sớm.
Tôi run run, thầm than trong lòng mấy câu rồi mới lên tiếng: "Vì... vì... đây là bí mật của cô và Thánh Sinh. Khi nào chỉ có cô cháu mình thì con mới được nói thôi. Đừng để người khác biết!"
Chơi đùa vui vẻ thì được, nhưng dỗ dành đám nhóc tì khó bảo này thì tôi hoàn toàn không có tí kinh nghiệm nào.
Trần Mạnh ấy thế mà lại nở nụ cười tươi rói, gật gật đầu: "Dạ vâng, Thánh Sinh sẽ không nói cho người khác biết đâu."
Tôi bổ sung: "Nhất là phụ hoàng."
Lập tức, thằng bé nghiêm mặt: "Nhất là phụ hoàng!"
...
Sau chuỗi ngày hanh hao tới mức nứt môi nẻ trán thì lại đến những cơn mưa phùn dai dẳng.
Tôi nhìn chậu than đỏ rực để ở góc phòng trong chốc lát rồi cắm cúi, tỉ mỉ thêu từng đường chỉ như Dư Nương mới dạy tối hôm qua.
Đến lần thứ mười ba bị kim đâm vào đầu ngón tay thì tôi quyết định từ bỏ, cẩn thận cất kim vào hộp nhỏ, tuỳ ý vứt lên bàn.
Đông Ly đẩy cửa vào, mang theo một túi khoai lang nóng hổi, cười tít mắt: "Cô cả không thêu nữa ạ?"
Tôi bĩu môi, sử dụng sự im lặng thay cho câu trả lời.
Chúng tôi vừa bóc khoai vừa xuýt xoa, cảm thấy như trên đời này không còn gì hạnh phúc hơn thế.
Trong lúc Đông Ly đang luyên thuyên về một chuyện gì đó, tôi tranh thủ quan sát con bé một hồi.
Nếu như tôi đoán đúng thì Thành An chỉ xuất hiện tại kinh thành duy nhất một lần để hỏi tôi về Triêu Lộ, còn về phía Đông Ly... đã nhiều tháng rồi con bé chưa được gặp lại y.
Là Đông Ly quá giỏi che giấu cảm xúc hay việc không được nhìn thấy người thương trong một thời gian dài chỉ là chuyện bình thường?
"Đông Ly này..." Tôi ngập ngà ngập ngừng lên tiếng, còn chưa nghĩ ra phải hỏi con bé như thế nào.
"Dạ?" Đông Ly nhanh nhẹn, trong chốc lát đã bóc xong vỏ một củ khoai, đưa lên miệng cắn một miếng thật lớn.
Tôi thấp thỏm: "Dạo này... em ổn chứ?"
Con bé hơi khựng lại, đưa mắt nhìn tôi dò hỏi, đoạn đáp: "À... mấy nay bụng em cứ ậm à ậm ạch, chắc là do ăn phải thứ gì bậy bạ rồi. Sao cô cả biết?"
"Ý ta là... Thành An..." Tôi đỡ trán. "Bao lâu rồi em chưa gặp y nhỉ?"
Hai má Đông Ly dần hiện lên một dải hồng nhạt. "Chắc cũng gần một năm rồi đó ạ."
Tôi sững sờ. Một năm? Vậy là tính cả thời gian chúng tôi sống ở Quy Hoá, từ đầu năm nay Thành An vẫn chưa một lần tới thăm Đông Ly?
Con bé mím môi, tỏ vẻ suy nghĩ: "Dạ Hành chúng em vẫn thường xuyên biến mất để thực hiện nhiệm vụ do Quan gia giao phó mà, chuyện này quá ư là bình thường luôn cô cả ơi."
"Vậy trong suốt thời gian qua hai người có trao đổi thư từ gì hay không?"
Đông Ly lắc đầu, nét mặt thoáng buồn.
Xem ra Thành An này là một kẻ dứt khoát, y chưa từng đáp lại tình cảm của Đông Ly và cũng không hề có ý định "kéo thả" gì với con bé cả.
Hơn nữa, giả sử như Triêu Lộ chính là người trong lòng của Thành An thì tôi có thể chắc chắn rằng: Người như Đông Ly không phải là gu của y.
Chỉ cần so sánh hai bên sẽ thấy rõ: Triêu Lộ dịu dàng đằm thắm, từng cử chỉ thanh thoát như mây; còn Đông Ly lại có chút gì đó bộp chộp, tính tình tới năm phần là giống tôi.
Là người ngoài nhìn vào thứ tình cảm mà Đông Ly dành cho Thành An, tôi chỉ thấy được sự thầm lặng và kiên trì, bởi vậy tôi mới có chút nghi ngờ rằng Thành An chưa chắc đã cảm nhận được nó.
Phía trước là một màn sương mù dày đặc, không biết đón chờ mình sẽ là một vườn hoa ngát hương hay vực sâu thăm thẳm.
Cô bé của tôi vẫn cứ hiên ngang bước đi, không để tâm tới bất cứ điều gì.
Sau mấy câu nhắc đến Thành An, cả tôi và Đông Ly đều rơi vào trầm mặc.
Để phá vỡ sự im lặng đang kéo dài, con bé tự tay bóc thêm một củ khoai cho tôi rồi làm bộ vu vơ nói: "Từ khi em với cô về lại kinh thành không có chuyện gì xảy ra nhỉ, yên bình quá!"
Tôi giật nảy mình, sợ tới bay cả hồn vía, vội quát: "Phủi phui cái mồm em đi!"
Như để đùa giỡn với nỗi sợ trong tôi, từ phía cửa phòng vang tới tiếng cót két nhè nhẹ.
Vân Phi từ tốn bước vào, vẫn duyên dáng như mọi khi nhưng hai mày hơi nhíu lại, môi mím nhẹ kéo sang hai bên, tay thì bấu chặt vào vạt váy.
Có điều gì đang khiến em dâu tôi lo lắng bồn chồn tới mức này?
Nghĩ đến đây tôi liền cảm thấy chột dạ. Vân Phi từng tâm sự với tôi về em trai Nhữ Hài, tôi một mặt thề thốt sẽ làm chủ cho con bé nhưng quay đầu cái, không tìm được cơ hội thích hợp liền quên ngay.
Thằng nhãi kia lại gây ra sự vụ gì hả?
"Chị ơi... em... bây giờ chị có bận gì không ạ?" Vân Phi ngập ngừng nói.
Tôi lắc đầu, bảo Vân Phi ngồi xuống ghế. Em dâu ném về phía Đông Ly một ánh nhìn đầy ý nhị, con bé lập tức hiểu ra, nhanh chóng dọn đống vỏ khoai rồi lui ra ngoài.
Không muốn cầm đèn chạy trước ô tô, tôi kiên nhẫn chờ Vân Phi mở lời.
"Em có chuyện muốn nhờ chị giúp." Em dâu tôi không phải người thích vòng vo, nếu có thể thì nhất định sẽ đi thẳng vào vấn đề.
Nghe vậy, tôi gật đầu: "Được."
Vân Phi ngạc nhiên: "Chưa biết là chuyện gì nhưng chị đã đồng ý rồi ạ?"
Thêm một điều nữa, Vân Phi cũng là một cô gái rất biết suy nghĩ, những việc đã nắm chắc trong tầm tay thì không bao giờ đi nhờ vả người khác cả.
Trong lòng phân tích đủ thứ nhưng ngoài miệng tôi chỉ mỉm cười nhẹ nhàng: "Ừ, vì em là vợ của Nhữ Hài mà."
Câu nói này quả thật có sức mạnh vô cùng to lớn, khiến Vân Phi cảm động mãi không thôi.
Chuyện là em dâu tôi có một người bạn "chốn giang hồ" khá thân thiết tên Dương Ánh Hoa, vốn là tiểu thư con nhà quan nhưng cãi lời cha mẹ, kiên quyết lấy Ninh Thế Sơn - một tên sĩ phu nghèo rớt mùng tơi.
Gã ta tuy có chí nhưng không đủ tài, từng thi trượt vô số lần. Thực ra, kẻ sĩ dù thi trượt, không được bổ dụng làm quan nhưng vẫn được đại đa số mọi người xung quanh kính nể, có thể theo đuổi nghề dạy học hay thầy thuốc gì đó để kiếm sống.
Vấn đề ở đây là nếu anh thi trượt một lần, dù là do anh chưa đủ giỏi hay thiếu may mắn thì người ngoài không biết được. Thế nhưng nếu anh thi trượt nhiều lần, vậy rõ ràng là bởi anh không có năng lực rồi.
Ninh Thế Sơn thuộc thuộc trường hợp thứ hai, cha mẹ đều mới qua đời năm ngoái, không để lại được gì cho con cháu ngoài một căn nhà nhỏ đổ nát. Hiện tại, cả hai vợ chồng Ánh Hoa và Thế Sơn đã biến thành giai cấp trung nông tại kinh thành. Số ruộng đất mà họ đang sở hữu hoàn toàn là do trước đây Vân Phi tìm mọi cách để giúp đỡ.
Mặc dù Ninh Thế Sơn luôn buồn rầu vì không có số thi cử nhưng Ánh Hoa lại rất biết cảm thông và khích lệ chồng, bởi vậy họ vẫn có một cuộc sống tương đối hạnh phúc.
Cho đến ngày hôm kia.
Dương Ánh Hoa chạy đến phủ họ Đoàn chúng tôi tìm Vân Phi khóc lóc, nói rằng Ninh Thế Sơn đã mất tích một ngày một đêm rồi. Nàng ta không biết phải làm sao nên mới tới cậy nhờ Vân Phi.
Chỉ có điều người duy nhất có quyền lực là Đoàn Nhữ Hại lại bận rộn ngày đêm, Vân Phi không nghĩ bản thân đủ can đảm để nói chuyện này với chồng.
Và thế là con bé nhớ đến tôi.
Tốt xấu gì tôi cũng có "mối quan hệ đặc biệt" với Quan gia, lại từng điều tra vài vụ án lớn nhỏ, được coi là một nhân cử tuyệt vời.
Nghe Vân Phi trình bày xong, tôi đồng ý ra ngoài gặp Ánh Hoa.
Tuổi tác của Ánh Hoa ngang ngửa với Vân Phi, nhưng một người là vợ quan lớn, người kia tất bật ruộng đồng từ sáng sớm đến tối mịt nên ngoại hình có sự chênh lệch rất lớn. Hơn nữa chồng lại đang biến mất không lý do nên có lẽ điều này đã khiến diện mạo Dương Ánh Hoa kia tiều tuỵ đi không ít.
Qua một màn giới thiệu, khóc lóc, cầu xin thì tôi cũng đã nắm được đại khái vấn đề.
Khoảng một năm gần đây Ninh Thế Sơn chơi rất thân với một người đàn ông tên Bàng, gã ta sống ở thành Thăng Long, và cũng là một kẻ thi trượt nhiều lần giống Ninh Thế Sơn vậy.
Cứ hai, ba ngày là Thế Sơn lại sang nhà ông bạn kia tụ tập, tối mịt mới về, chuyện này đã thành quen nên Ánh Hoa không quá để tâm. Lần này thì khác, Thế Sơn một đêm không về, cho tới buổi sáng hôm sau cũng chẳng thấy tăm hơi.
Dương Ánh Hoa rối bời, chạy tới tìm Bàng thì chỉ nhận được câu trả lời lạnh nhạt rằng chồng nàng đã rời đi từ tối hôm trước, gã cũng không rõ chuyện gì.
Có tiếng là bạn bè lâu năm nhưng lại không mảy may lo lắng, Dương Ánh Hoa nhận thấy Bàng là kẻ không đáng tin nên mới phải nhờ Vân Phi giúp đỡ.
Tôi hỏi: "Vì sao cô không báo lên phủ Kiểm Pháp?"
Dương Ánh Hoa cất giọng thở than: "Bồ dục đâu đến bàn thứ năm... tôi không có tiền dúi cho đám canh cửa, chắc phải vài tháng sau đơn báo mất tích mới đến tay của Đại an phủ sứ mất!"
Tôi suy nghĩ đôi chút rồi bảo: "Cô đã loại trừ mọi khả năng có thể xảy ra chưa?"
Nàng ta ngơ ngác nhìn, tỏ ý không hiểu.
"Ví dụ, có khi nào là chồng cô bất chợt phải đi thăm hỏi họ hàng, hay bạn bè rủ đi đâu đấy chẳng hạn?"
"Không thể." Dương Ánh Hoa khá thông minh, chốc lát đã hiểu tôi muốn nói gì. "Gia đình của Thế Sơn chỉ còn mỗi mình tôi, họ hàng thì sống ở nơi xa tít mù tắp. Từ lúc lấy nhau đến giờ, chúng tôi chưa bao giờ xa nhau quá một ngày. Hơn nữa... kể cả có việc cần rời đi thì chàng nhất định sẽ về báo với tôi một tiếng..."
Nếu đúng như lời Ánh Hoa nói thì hẳn là đã có chuyện không hay đã xảy ra với Ninh Thế Sơn, khả năng cao là còn liên quan tới gã đàn ông tên Bàng kia nữa.
Tôi bảo Vân Phi yên tâm ở nhà, còn tôi và Đông Ly sẽ theo Dương Ánh Hoa bí mật đến nhà của gã Bàng xem xét một chút. Ít nhất phải xác định được gã ta có mối liên hệ gì tới sự mất tích của Ninh Thế Sơn hay không rồi mới tính tiếp được.
Đúng vào lúc chúng tôi sửa xoạn ra ngoài thì trời ngừng mưa, âu cũng là một sự may mắn.
Do quá lo lắng nên Dương Ánh Hoa đi rất nhanh, Đông Ly thì không vấn đề gì nhưng tôi lại không thể đuổi kịp.
Đường sá toàn bùn lầy trơn trượt, tôi bước hụt một cái, cả người ngã ngửa ra phía sau. Đông Ly đi trước nên không kịp đỡ, khi quay người lại chỉ biết trơ mắt nhìn tôi lăn đùng xuống đất. Cũng may bên ngoài còn có áo khoác, không thì toàn thân tôi đã dính đất bẩn rồi.
Cú ngã khá mạnh, không chỉ đau mông và trẹo chân thì tôi còn là trò cười của dân chúng qua đường nữa.
Dương Ánh Hoa lo lắng hỏi han tôi mấy câu còn Đông Ly mặt mày méo xệch, bảo: "Để em đưa cô cả về phủ rồi mời cậu Bân tới xem sao ạ."
Tôi khẽ liếc sang Ánh Hoa, thấy cô nàng tuy có sốt ruột nhưng vẫn đồng ý với đề nghị này của Đông Ly.
Chần chừ trong giây lát, tôi vỗ vỗ vào tay con bé rồi nói: "Giờ em đỡ ta vào quán nước kia ngồi tạm đã. Em cứ theo Ánh Hoa tới nhà gã Bàng, xem có gì khả nghi không rồi quay lại đây kể lại với ta."
Mạng người quan trọng, đặc biệt, gở mồm mà nói chứ nếu Thế Sơn đã chết thì chúng tôi lại càng phải nhanh chóng tìm được manh mối, không để kẻ xấu thoát thân hoặc... người tốt phải chịu hàm oan.
Đông Ly đi theo tôi đã lâu nên hoàn toàn hiểu quyết định này, dặn dò tôi vài câu rồi theo Dương Ánh Hoa rời đi.
Đúng là đen đủi thật, có lẽ nào là do khi nãy bước chân ra khỏi cửa tôi quên không nói trộm vía không nhỉ?
Ngồi uống bát nước chè đắng được khoảng gần hai khắc thì lại trời lại đổ mưa lâm thâm.
Chập tối, hàng quán đã bắt đầu lên đèn.
"Cô gái ơi..." Chủ hàng nước cất tiếng gọi. "Tôi phải dọn hàng rồi..."
Tôi cuống quýt trả tiền cho ông ta rồi ôm cái áo khoác đã lấm bẩn trong tay, cà nhắc một đoạn tới dưới mái hiên của căn nhà gần nhất để trú mưa.
Xem chừng ít nhất cũng phải một khắc nữa Đông Ly mới quay lại.
Mới nhấc chân được vài bước tôi đã thấy đau điếng người, hẳn là tôi không thể tự mình trở về phủ họ Đoàn được rồi.
Mưa càng nặng hạt, tôi càng thấy mệt mỏi.
Cách tôi khoảng vài bước chân vọng đến tiếng cười khàn đặc của đàn ông, khiến tóc gáy tôi dựng đứng cả lên, trái tim trong lồng ngực đập điên loạn như thể đang cảm nhận được mối nguy hiểm cận kề.
Chỉ trong khoảnh khắc, cánh tay tôi bị chộp lấy, kéo giật về phía sau, sức lực tương đối lớn nên tôi không thể phản kháng lại.
Tôi bị lôi vào ngay cái ngõ nhỏ cạnh hiên nhà mình vừa đứng trú, dưới sắc trời đang tối dần có thể trông rõ hai tên đàn ông cao lớn, dáng vẻ có hơi lảo đảo.
Bợm nhậu?
Tên đang giữ tay tôi cất giọng cười khùng khục khiến tôi thất kinh, vội giật tay trở lại, mong muốn thoát khỏi gã càng xa càng tốt.
Tuy đã dễ dàng tránh được sang một bên nhưng hành động của tôi lại chọc giận gã, bị gã hất tay một cái liền ngã dúi dụi xuống đất.
Thế võ mà Đỗ Quân từng dạy tôi hiện tại không hề có tác dụng, nhất là với một bên chân đau muốn khóc như thế này.
Tên đàn ông còn lại xông tới, tóm vào cổ áo của tôi với ý định giật bung ra. Tôi liều chết giữ lại, há miệng hét lên: "Cứu..."
Mới được nửa chữ thoát ra khỏi miệng, cái tôi nhận được là một cái tát nổ đom đóm mắt. Bên má như đang bốc cháy, bỏng rát.
Nếu để so sánh, khi xưa bị nhốt dưới hầm nhà Tống Chí Khiêm hay thậm chí đêm mà tôi gặp phải gã ma-càn-sùng cũng không đáng sợ như thế này.
Vành mắt tôi cay xè, phải cố gắng cắn chặt môi để tránh khỏi việc bật khóc. Tiếng thút thít nức nở yếu đuối sẽ chỉ khiến hai gã đàn ông kia phát điên hơn mà thôi.
Không được nghĩ linh tinh nữa, phải tìm cách thoát thân, chớ để chúng làm hại đến mình!
Nhưng... phải làm sao bây giờ?
Nãy giờ chưa tới nửa canh giờ, Đông Ly có lẽ vẫn còn đang quanh quẩn ở nhà gã Bàng để điều tra.
Con ngõ nhỏ tối tăm không có lấy một bóng người qua lại, phía ngoài đường lớn cũng chẳng một ai chú ý về hướng này.
Lần đầu tiên tôi cảm thấy tuyệt vọng vô cùng.
Bất tri bất giác, một giọt nước mắt từ từ rơi xuống, lập tức hoà lẫn với những hạt mưa đang xối xuống đầu tôi.
Hai gã đàn ông bàn bạc xong xuôi, một tên tiến tới như gọng kìm giữ chặt lấy hai tay tôi, mặc kệ tôi có giãy dụa thế nào cũng không có tác dụng.
Gã còn lại cất giọng cười sung sướng, bàn tay thô ráp vuốt dọc từ gò má tôi xuống đến cằm.
Đột nhiên, chỉ vụt một tiếng rất nhẹ, thân hình gã đàn ông trước mặt bị bắn sang một bên, đập người vào bức tường lớn.
Đây là một cú đạp cực kỳ uy lực!
Gần như ngay lập tức, cả tên còn lại đang khoá tay tôi cũng chịu kết quả tương tự.
Vóc dáng cao gầy đứng sừng sững bên tôi, còn không quên tiến đến bồi cho mỗi gã đàn ông kia thêm một cái đạp.
Ân nhân cứu mạng nhanh chóng tháo chiếc áo điêu cừu trên người ra phủ lên tôi, mạnh mẽ bế xốc tôi dậy.
Anh ta bước từng bước vững chãi đưa tôi ra phía đường lớn, lúc này tôi mới thấy thằng Bính đang đứng một góc, dáng vẻ bồn chồn không yên.
Tôi vội ngước mặt lên, khó nhọc cất tiếng: "Cảm ơn anh... Quân Trì."
—-
(1) Đêm hội Long Trì: Tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, có bối cảnh dưới thời vua Lê - chúa Trịnh.