(*) Tiền đầu bất lợi: Từ đầu đã không gặp may
—-
Dưới ánh đèn leo lét đang đặt giữa phòng, tôi chỉ mơ hồ trông rõ được một nửa gương mặt của Trần Thuyên.
Ánh nhìn của anh như xoáy sâu vào tôi, nhất thời tôi không thể phân tích được bất cứ cảm xúc nào vương trên cái mím môi nhẹ ấy.
Ngày đó tại Chương Đức Viên mà Trần Thuyên nhắc tới ắt hẳn chính là hôm tôi gặp phải hai kẻ biến thái khi chờ Đông Ly quay lại.
"Giờ nào rồi ạ?" Tôi há miệng, cuối cùng lại biến thành một câu hỏi không mấy liên quan.
Mi mắt Trần Thuyên khẽ động, nhẹ nhàng đáp: "Vừa qua giờ Tuất."
Tôi thầm tính toán, thì ra chỉ mới bảy giờ tối. Mùa đông ngày ngắn đêm dài, tôi cứ tưởng mình đã ngủ cả đêm rồi chứ.
Lại liếc nhìn Trần Thuyên, anh như hiểu tôi muốn nói thêm điều gì liền mỉm cười: "Ta dùng bữa tại Chương Đức viên xong mới tới gặp nàng. Mạnh nhờ ta hỏi thăm nàng đấy."
Ôi chao!
Lo nghĩ đủ đường lại quên khuấy mất vị hoàng tử bé con Trần Mạnh. Người trông thấy tôi khóc bù lu bù loa... ngoài cậu nhóc ấy ra thì còn có ai.
Điều này còn chứng tỏ rằng Trần Thuyên cũng đã nắm được đại khái thông tin về vụ việc ngày hôm ấy, câu hỏi khi nãy hoàn toàn chỉ có mục đích xác nhận lại với tôi mà thôi.
Tôi thở dài, một hơi kể lại tóm tắt những gì đã xảy ra, vừa nhấn mạnh rằng bản thân không gặp tổn hại gì, lại lược bỏ đi vài trăm chữ chuyện do bị đau chân nên được Quân Trì bế suốt một lúc lâu.
À đương nhiên là không thể không tỏ ra biết ơn vì Quân Trì xuất hiện kịp thời nên sự việc mới có thể dừng tại đó rồi.
Trần Thuyên thoáng trầm ngâm, không phản ứng lại dù tôi đã "báo cáo" xong xuôi.
Thấy anh nhíu mày tôi mới chợt nhớ ra Trần Thuyên không ưa Quân Trì cho lắm, còn từng dặn dò tôi không nên thân thiết với anh ta.
Không lẽ Trần Thuyên khó chịu vì người cứu tôi là Quân Trì?
Ý nghĩ này vừa xuất hiện, từ dưới lồng ngực tôi dâng lên một cảm giác bức bối khó tả.
"Em không sao đâu, chàng có thể về được rồi." Kết quả, tôi phun ra một câu trái lòng.
Thậm chí tôi còn định xưng "tôi" gọi "Quan gia" giống trước đây nhưng cảm thấy mình không đủ dũng cảm để chọc giận Trần Thuyên nên chỉ biết lí nha lí nhí một cách không có khí phách như vậy.
Càng nghĩ tôi càng thấy tủi thân, không thèm đợi Trần Thuyên đáp lời mà kéo chăn lên đầu, trùm kín mặt mày.
Anh dở khóc dở cười: "Thôi nào, đã nửa tháng rồi chúng ta không gặp..."
Tôi lạnh nhạt bảo: "Em biết chàng bận rộn quốc vụ, trước giờ chưa hề phàn nàn câu nào đâu."
Từ trong chăn tôi nghe giọng Trần Thuyên trầm xuống: "Nàng đang giận vì ta không thường xuyên đến thăm nàng, hay vì ngày ấy người cứu nàng không phải là ta?"
Hay, hay lắm.
Chỉ một câu mà trúng ngay tim đen.
"Không dám, mời Quan gia về cho." Tôi vốn định bùng nổ nhưng nghĩ thế nào lại thôi, quyết định lầm bầm đuổi khách, biết rằng Trần Thuyên vẫn có thể nghe rõ tới từng chữ một.
"Được." Vô cùng ngắn gọn.
Tiếp theo đó, tôi không còn thấy sức nặng nơi mép giường nữa, lại nhanh chóng nghe tiếng mở - đóng cửa vô cùng lạnh lùng.
Tôi khẽ nhắm mắt lại, trái tim đang nhảy điệu cha-cha-cha bên ngực trái như muốn nhắc nhở rằng rõ ràng mày chỉ đang gây sự vô cớ, mày đâu muốn người ta bỏ đi. Xảy ra chuyện ngoài ý muốn kia không phải lỗi của anh, mà chính sự quấn thân cũng không phải lỗi của anh nốt.
Lâu ngày không gặp, cuối cùng chúng tôi lại có một cuộc cãi vã nhạt nhẽo không gì bằng.
Mà Trần Thuyên kia cũng thật là... Nói đi là đi ngay cho được, không dỗ dành an ủi tôi thêm được câu nào, cứ vậy mà phất áo đóng cửa cái rầm.
Rồi biết khi nào mới có dịp gặp nhau?
Tôi thì không có khả năng "tự thân vận động", sao có thể một mình chạy vào cung yêu cầu gặp hoàng đế được. Nói trắng ra, bấy giờ chỉ anh mới có khả năng chủ động gặp tôi.
Nghĩ mà muốn phát điên.
Mặt mũi thoáng chốc đã nóng bừng, tôi đành lật chăn ra, trông thấy trước mắt không còn ai nữa.
Tôi nổi giận cũng không xong, chỉ biết thở dài một hơi như muốn trút hết không khí trong lồng ngực. Anh cứ vậy mà bỏ đi hả, đồ hoàng đế chết tiệt!
Sau đó tôi nghe thấy một tiếng cười khẽ khàng.
Tôi lập tức ngồi bật dậy, xoay người lại mới thấy Trần Thuyên đang tựa người vào tường nơi góc phòng, vừa vặn đúng vào điểm mù khiến tôi không nhận ra được anh vốn chưa từng rời khỏi phòng mình.
Trần Thuyên nín cười, tiến lại gần rồi gõ vào trán tôi một cái: "Thân là hoàng đế một nước, sao ta có thể bị xua đuổi một cách dễ dàng chứ?"
Sau cơn hoang mang cực độ tôi mới nhận ra mình vừa bị tên nhóc này trêu đùa.
Tức thì, hốc mắt tôi cay xè, hai dòng lệ trào xuống trước sự hốt hoảng của Trần Thuyên.
"Ơ kìa!" Trần Thuyên cuống cả lên, vội vội vã vã ngồi xuống cạnh tôi, tay chân bối rối đưa lên hạ xuống đến là tức cười.
Tôi ổn định tâm trạng, cố gắng khóc một trận thật nghiêm túc chứ không thể nào tự nhiên phì cười được, như thế vừa mất mặt lại không doạ được Trần Thuyên một phen.
Có lẽ Trần Thuyên đang hối hận, biết trước thì đã nói chuyện cẩn thận với tôi từ đầu, để đến giờ lại dở chứng khóc lóc như mất sổ gạo thế này ai mà dỗ cho nổi.
Anh lắp bắp: "Niệm Tâm, nàng... nàng không được khóc. Ta... trẫm... không cho phép nàng khóc..."
Ruột gan tôi xoắn cả lại vì nhịn cười, ngoài mặt thì nước mắt giàn dụa, chắc chắn bộ dạng vô cùng thê thảm.
Khiến cho Trần Thuyên bối rối đến mức phải xưng "trẫm" cũng là một loại thành công đấy nhỉ?
Tôi giả vờ lạnh lùng: "Không cho phép? Vậy phiền Quan gia chờ một lát, dân nữ lập tức soạn một bản tấu chương, bao giờ Quan gia chuẩn tấu thì mới dám nhỏ một giọt nước mắt xuống ạ."
Mặt mày Trần Thuyên méo mó: "Nàng... nàng dám nói chuyện với trẫm như vậy hả?"
Lúc này người nhường nhịn trước sẽ là kẻ thua cuộc, tôi liền ưỡn ngực lên, hiên ngang đáp: "Phải đấy, rồi sao?"
"Thì... thì... không sao cả." Trần Thuyên "hừ" một tiếng, giả vờ lườm tôi.
Tôi bĩu môi, giật lấy vạt áo của Trần Thuyên lên xì mũi thật mạnh, lờ đi khoé miệng anh đang run run, cảm thấy tinh thần mình tốt lên không ít.
"Lần sau ra ngoài nàng phải chú ý những nơi vắng vẻ, cũng không được đi một mình nữa." Trần Thuyên nghiêm mặt, quyết định ngưng đùa cợt mà nhắc lại chuyện cũ dặn dò.
Thấy rõ được sự lo lắng trong ánh mắt của anh, lòng tôi mềm như bông, chỉ biết dịu dàng đáp lời: "Vâng ạ, em nhớ rồi."
Trần Thuyên ngồi bên giường, tôi giấu người trong chăn, cả hai trò chuyện đến khi ánh đèn tối dần, tôi ngủ quên lúc nào không hay.
Do ngủ sớm nên dậy cũng sớm, khi Đông Ly đẩy cửa bước vào thì tôi cũng vừa gấp gọn xong chiếc chăn dày rồi cất vào góc giường.
Con bé hớn hở: "Cô cả dậy rồi ạ!"
"Có chuyện gì vui thế?" Tôi cười theo nó, đúng là bắt đầu ngày mới với một nụ cười vẫn là tốt nhất.
Đông Ly cười khúc khích: "Hôm qua em bị Quan gia trách phạt ạ."
Tôi:?
Con bé này bị chập mạch hay sao ấy nhỉ?
"Bị mắng mà còn cười á hả?" Tôi thương hại nhìn Đông Ly, sợ rằng cô em gái này của mình đã mắc bệnh tâm thần chỉ sau một đêm ngắn ngủi.
"Ối chao." Con bé ngẩn người, lập tức sờ tay lên mặt xác nhận lại nụ cười tươi rói. "Sao lại thế này?"
Hỏi tôi thì tôi biết hỏi ai bây giờ?
"Thế Quan gia trách em cái gì?"
"Dạ, đương nhiên là vì em hành sự lỗ mãng, dám để cô lại một mình nên mới sinh chuyện. Mà khoan, sao cô cả không bảo em chứ! May mắn là có cậu Quân Trì cứu được... Cô có biết là Quan gia nổi giận đáng sợ lắm hay không? Cô cả này..."
Mặc dù Đông Ly mồm miệng liến thoắng nhưng sự tươi tắn ở khoé mắt vẫn không hề biến mất.
Ồ, có lẽ nào...
"Thành An về kinh đô rồi à?" Tôi hơi nghiêng đầu, ngắt lời.
Hai má con bé ửng đỏ thay cho câu trả lời.
Tiết trời đông lạnh giá nhưng trong tim Đông Ly lại đang nở một vườn hoa đầy màu sắc, hương thơm ngào ngạt.
Cũng hiếm khi thấy con bé vui vẻ tới mức này, tôi không đành lòng phá vỡ.
"Phải rồi, tuy Quan gia lệnh không nói với cô cả nhưng em nghĩ cô vẫn nên biết một chuyện." Đông Ly thần thần bí bí ghé lại gần tai tôi, nhỏ giọng thì thầm.
Tôi nhướn mày, nhìn Đông Ly chờ đợi.
Con bé hơi híp mắt, tiếp lời: "Hai gã đàn ông dám động tay động chân với cô ngày ấy... đều chết cả rồi."
"Cái gì?" Tôi sững sờ. "Là Quan gia... Quan gia..."
"Đương nhiên là không." Đông Ly nhìn tôi như người ngoài hành tinh. "Vốn là Quan gia lệnh em tới gặp thằng Bính thăm dò, cũng muốn tìm cho được hai gã mất dạy kia để cho chúng một trận nên thân. Moi thông tin từ thằng Bính dễ òm, em lân la nói chuyện mấy câu thì mới biết là chết cả rồi. Kẻ say rượu ngã sông, người bị chó dại cắn. Đều là những cái chết đột ngột cả."
Tôi rùng mình lạnh lẽo, không phải là trùng hợp đến thế chứ?
...
Sau vài hôm, tôi bảo Đông Ly dẫn đến nhà gã Bàng, muốn tự mình xem xét một phen.
Đúng như lời Đông Ly nói, gã ta sống một mình tại căn nhà nhỏ chỉ có hai, ba gian, dường như chẳng có công ăn việc làm gì ổn định.
Nhà của Bàng nằm ở một nơi hẻo lánh ít người qua lại nên tôi và Đông Ly cũng không dám nán lại quá lâu, chỉ đi vòng quanh mấy lần mà ngắm nghía.
Có tật thì giật mình, Bàng chính là kẻ như vậy.
Không khó để thấy được quanh tường nhà gã được vạch một đường vôi dài trắng toát, thậm chí cả hàng dậu và mấy khóm cây quanh nhà cũng bị vẩy đầy vôi.
Tôi và Đông Ly nhìn nhau, sắc mặt nó vô cùng nặng nề, ra hiệu cho tôi cùng quay lại con phố chính.
Gần đây tôi mới biết được dân ta có tục rải vôi quanh nhà để đề phòng vong hồn người chết quay về dương gian làm hại người sống.
Gã Bàng kia không hề có gia đình hay họ hàng gì, nghe đâu sống đơn độc đã chục năm rồi, bỗng nhiên lại sợ hãi bị hồn ma quấy nhiễu?
Câu trả lời chỉ có một: Chính gã đã làm một chuyện gì đó rất khủng khiếp, sinh ra tâm lý lo lắng bị người đã khuất trả thù.
Không hiểu sao tôi lại có linh cảm rằng cái chết của Ninh Thế Sơn, tờ giấy nợ đã được điểm chỉ, gã Bàng và khu nhà bí ẩn mà Đông Ly từng theo dõi có liên quan mật thiết tới nhau.
Đường đi tới khu nhà kia không quá xa, tôi theo chân Đông Ly được một lát thì bắt đầu thấy có gì đó không ổn.
Từ từ, vị trí này là phía tây thành Thăng Long...
Chẳng phải... chẳng phải... đây là "căn cứ" khi xưa Tống Chí Khiêm bắt cóc tôi và những cô gái khác làm vật tế cho Thần Giữ Của hay sao?
Tôi kéo Đông Ly lại, quyết định quay về phủ.
Tống Chí Khiêm đã phải chịu lăng trì, chết không toàn thây, nhưng rõ ràng hắn ta vẫn còn ám ảnh tôi theo cách này hay cách khác.
Năm xưa tên mặt đen Đặng Bá tưởng đã chết xuất hiện trở lại, biến thành cơn ác mộng của kinh đô. Đến nay, khu nhà cũ mà Tống Chí Khiêm từng sử dụng cũng một lần nữa được "phát huy tác dụng".
Tôi như cảm nhận được một sợi dây vô hình nối liền mọi sự kiện từng xảy ra, suốt từ thời điểm năm năm trước khi bản thân mới trở thành Đoàn Niệm Tâm mà đỡ thay Trần Thuyên một tên, đến tận bây giờ.
Sau khi tóm tắt đại khái câu chuyện năm ấy bị bắt cóc với Đông Ly, tôi dặn dò con bé đi tìm hiểu mấy tờ giấy nợ của Ninh Thế Sơn, xem xem là nợ ai, bao nhiêu tiền, vì sao lại nợ.
Rất có thể, từ manh mối này chúng tôi sẽ có khả năng giải được oan khuất cho Ninh Thế Sơn, ít ra không để hắn chết trong uất ức.
Nhận ra sự tình phức tạp đến không ngờ, tôi và Đông Ly thất thểu bước trên con phố lớn, không còn lòng dạ nào mà đi ăn chè nóng như dự định nữa.
Gần tới giờ Ngọ, phố xá vắng người qua lại.
Đông Ly sánh bước đi cạnh tôi, thực tế vẫn chưa từ bỏ ý định mua mấy bát chè mang về nhà nên cứ ngó nghiêng khắp chốn.
Một dáng người mảnh dẻ đi lướt qua, bước chân nhẹ như bay.
Tôi khựng lại trong khoảnh khắc, quay ngoắt đầu về phía sau, vừa kịp thấy người đó rẽ ngang vào một con ngõ nhỏ. Tôi có bị quáng gà không ấy nhỉ?
Là Triêu Lộ? Nàng ta đã đến kinh thành rồi?
Thành An vừa hoàn thành nhiệm vụ, trở về bên cạnh Quan gia thì Triêu Lộ cũng xuất hiện...
Có muốn cũng không đuổi kịp để xác nhận nữa, tôi thà rằng mình chỉ nhận lầm người. Ít ra còn có thể to gan mà tuyên bố rằng ở chốn này, Thành An là "của riêng" Đông Ly mà thôi.
...
Nội dung bên trong tờ giấy nợ mà tôi mong chờ mãi hoá ra chỉ vỏn vẹn mấy chữ, đại khái là Ninh Thế Sơn nợ gần trăm quan tiền, đã điểm chỉ đầy đủ.
Cuộc sống của tôi đủ sung sướng, chưa từng phải lo nghĩ chuyện tiền bạc nên hoàn toàn không biết được một trăm quan tiền là nhiều hay ít.
Đông Ly trầm ngâm: "Hơn mười năm trước có nạn đói to, dân chúng phải bán con trai con gái cho nhà có tiền làm gia nô, cứ mỗi người là một quan tiền." (1)
Tôi kinh hãi, giá trị của mạng người quá rẻ mạt!
Thời xưa không có lạm phát khủng khiếp như thời hiện đại, nên dù là mười năm sau thì giá tiền cũng không thể chênh lệch quá nhiều.
Một trăm quan tiền đối với nhà họ Đoàn tôi đã được coi là một món tiền lớn rồi chứ chưa nói đến hai vợ chồng Thế Sơn - Ánh Hoa.
Tôi lại hỏi Đông Ly có để ý thêm được gì về Bàng không, nhận được câu trả lời gây thất vọng vô cùng: Nhiều ngày qua gã ta chỉ ở nhà, không còn lén lút đi đến khu nhà cũ phía tây thành nữa.
Bỗng nhiên mọi thứ trở nên thật tối tăm, như thể bảy bảy bốn chín vị thần tiên trên cao híp mắt nhìn xuống, chỉ vào tôi rồi bảo: "Bớt nhúng tay vào chuyện thiên hạ đi!"
Vậy là thuận theo ý trời, tôi lại quay về với những ngày tháng vô lo vô nghĩ, chấp hành nghiêm túc bốn chữ mà nghìn năm sau vẫn thường lưu truyền: Khó quá bỏ qua.
Tháng ngày trôi qua lặng lẽ, không có bất kỳ sự kiện lớn nào xảy ra.
Tuy Thành An đã trở lại kinh thành nhưng cái chức Nhất đẳng Thị vệ vẫn thuộc về Đỗ Quân. Như Đông Ly giải thích đại khái thì giờ đây Thành An và Đỗ Quân đều có nhiệm vụ riêng của mình, người hoạt động ngoài sáng, kẻ ra tay trong tối, phối hợp chấp hành mệnh lệnh của Quan gia.
Đã rất nhiều lần tôi do dự, không biết có nên bóng gió với Đông Ly về việc Triêu Lộ rất có thể chính là cô gái mà Thành An ngày đêm nhớ mong, để có thể sớm ngày chặt đứt mối tương tư của con bé. Nhưng cứ nhìn nụ cười "viên mãn" của Đông Ly mỗi lần gặp Thành An thì tôi không thể nào cất lời.
Ngoài ra, lần giận dỗi vớ vẩn của tôi và Trần Thuyên ngày ấy cũng phát huy chút ít tác dụng. Anh đã biết rút kinh nghiệm, không lặn một hơi nhiều ngày liên tiếp nữa mà ít thì hai, ba ngày, nhiều thì sáu, bảy ngày sẽ ghé phủ họ Đoàn thăm tôi một lần.
Đặc biệt, nếu có vấn đề gì phát sinh thì chắc chắn người đưa tin đến sẽ là Thành An.
Không rõ là vô tình hay hữu ý, hành động này của Trần Thuyên khiến Đông Ly vui phát điên!
Quá nhiều lần tôi trông thấy dáng vẻ thẹn thùng con bé thay tôi ra nói chuyện với Thành An, chỉ cần nhận được một nụ cười của y cũng đủ mất ngủ cả đêm.
Ừ thì người đến trước để lại dấu ấn sâu đậm nhưng mà người ta vẫn nói: Nhất cự ly nhì tốc độ. Tôi bắt đầu có niềm tin rằng một ngày nào đó "tảng băng" Thành An sẽ tan chảy trước một Đông Ly rực rỡ như mặt trời, quên đi đóa sen dưới ánh trăng mờ ảo khi xưa.
...
Tính ra tôi "sống" ở Đại Việt dưới Hoàng triều Trần đã được năm năm nhưng mới được ăn cái Tết thứ ba.
Không biết có phải là do va phải tình yêu rồi hay không mà tôi chẳng còn để tâm tới thời gian nữa.
Ngày đài tháng tiếu, dường như chỉ mới ngủ một giấc mà đã thấy Đỗ Quân rước thê tử mới cưới về phủ.
Qua mấy lần gặp Hồ Diệu Hân - vợ kế của Đỗ Quân - thì tôi có thể khẳng định được đây là một cô gái hiền lành tốt bụng tới mức cực đoan.
Ví dụ có kẻ dùng gậy đánh Diệu Hân thì nàng cũng sẽ hỏi ngược lại là có bị tê tay hay không, hoặc dội nước vào nàng thì lại có câu thở than rằng phí phạm nước nôi quá!
Tóm lại, Diệu Hân sẽ luôn nhận lỗi về phần mình, kể cả khi nàng phải chịu tổn thương.
Có vẻ như đây là hậu quả của những lời đồn đại sau cái chết của vị hôn phu quá cố, gần như đã huỷ hoại cuộc đời của một cô gái trẻ.
Diệu Hân rất biết chăm sóc Đỗ Quân, mà y đáp lại không kém, nâng niu vợ mình tới tận chân tóc. Phu thê ân ái hết mực khiến Đỗ Chi lo lắng cho anh trai lâu ngày phải bật khóc nức nở.
Tôi vỗ vỗ lưng Đỗ Chi, thì thầm: "Thế là an ổn rồi nhé!"
Cô lau nước mắt, nhìn tôi đầy ý nhị: "Phải, giờ đây chỉ còn chị thôi. Bao giờ Quan gia mới đón chị vào cung?"
Câu hỏi này không khác gì một cái bạt tai thật mạnh. Tôi cười khan mấy tiếng, tìm cách lẩn ra chỗ khác, không dám ở cạnh Đỗ Chi thêm một giây phút nào nữa.
...
Hưng Long năm thứ mười hai, triều đình mở khoa thi Thái học sinh, tức khoa Tiến sĩ, rộn ràng cả kinh thành Thăng Long.
Trên chiếc chõng tre ngoài vườn, Đoàn Nhữ Hài ngồi một bên, tôi một bên, cùng uống trà trò chuyện về khoa thi lần này.
Mà thực ra tôi có biết gì đâu, toàn là Đoàn Nhữ Hài nói đấy chứ.
Nghe cậu ta giải thích một hồi, cái gì mà Mục thiên tử với cả Y Thiên quốc, rồi kinh nghi, kinh nghĩa... Khi nói xong thì tôi suýt chút nữa đã lăn ra bất tỉnh nhân sự.
Sau lần trò chuyện thân tình ngày ấy, mặc dù có khè nhau một chút nhưng tình chị em giữa chúng tôi lại tăng thêm một bậc, gần gũi hơn. Mà cụ thể là Đoàn Nhữ Hài không còn khinh thường tôi ít hiểu biết nữa.
Đặc biệt, có vẻ như cậu ta cũng nghe lời khuyên của tôi mà thể hiện tình cảm nhiều hơn với vợ, từ đó mà gia đình ấm êm bội phần.
Đoàn Nhữ Hài bảo: "Mấy ngày nữa Tam khôi sẽ du ngoạn phố xá cho dân chúng chiêm ngưỡng, chị mà đi chơi thì nhớ cẩn thận." (2)
"Tam khôi... ấy à?" Tôi kéo dài giọng, dù muốn giấu dốt nhưng chẳng thể nào qua nổi mắt em trai.
Cậu ta thở dài: "Là ba vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, đều là người có tài cả. Còn có Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn mới mười sáu tuổi, là thần đồng của Đại Việt ta đó!" (3)
Tôi nuốt nước bọt, dù đã có cơ hội gặp nhiều danh nhân lịch sử nhưng cứ xuất hiện thêm một người là thì tôi lại có mong ước được trông thấy họ cho thoả tấm lòng của con cháu đời sau.
"Mới mười lăm, mười sáu tuổi đã đỗ Tiến sĩ cơ à? Thế người đỗ đầu là Trạng nguyên phải không? Vị đó thì bao nhiêu tuổi?" Tôi lân la hỏi Đoàn Nhữ Hài.
Cậu ta tốt bụng cung cấp thông tin: "Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi năm nay ba mươi ba tuổi."
Tôi liền hét lên: "Mạc Đĩnh Chi? Là... Mạc Đĩnh Chi ấy à?"
"Hử? Chị quen Trạng nguyên à?"
"Không... tôi... hâm mộ... một chút..."
Đoàn Nhữ Hài không quan tâm lắm, kệ tôi lắp ba lắp bắp một lúc lâu.
Khí phách kiên cường và tài năng không thể chối bỏ của Mạc Đĩnh Chi còn lưu truyền tới ngàn đời sau, được phía nhà Nguyên phê là "Lưỡng quốc Trạng nguyên" - tức Trạng nguyên của hai nước.
Tôi từng đọc rất nhiều giai thoại về Mạc Đĩnh Chi, ngoài việc dung mạo ông không được bảnh bao cho lắm (nghe nói đến Trần Thuyên còn lên tiếng chê bai, có dịp tôi nhất định sẽ cho anh một trận) thì còn là tài ứng đối mẫn tiệp, khiến quan lại nhà Nguyên phải tái mặt, thấy khó mà lui.
Hẳn ai ai cũng biết, đối với nước nhỏ hơn thì hoàng đế nước ta tự xưng "thiên tử", là mặt trời rực rỡ trên cao nhưng đối với phương Bắc thì lại phải nhún nhường đôi phần.
Khi Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên, đầu tiên bị họ khinh bỉ do dáng người thấp bé, sau đó không biết ai đã ra một câu đối vô cùng nghênh ngang:
Nhật hỏa, vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thố.
Có nghĩa: Mặt trời là lửa, mây là khói bay, ban ngày đốt cháy mặt trăng.
Nghe hay đấy, nhưng hơi sĩ đời nha.
Mạc Đĩnh Chi không chút sợ hãi, liền đối lại: Nguyệt cung, tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô.
Có nghĩa: Mặt trăng là cung, ngôi sao là tên, chiều tối bắn rụng mặt trời!
Ôi chao, không chỉ phá tan sự vênh váo của mấy ông già triều Nguyên mà còn thể hiện được Mạc Đĩnh Chi có kiến thức khủng khiếp, thậm chí còn lấy điển tích Hậu Nghệ bắn mặt trời để vả mặt nhà Nguyên.
...
Và thế là đến ngày rước Tam khôi vòng quanh kinh thành Thăng Long, tôi hăng hái rủ Đông Ly cùng đi mình, cốt chỉ được một lần được ngắm nhìn dung nhan của vị Lưỡng quốc Trạng nguyên tuyệt đỉnh ấy.
Chỉ có điều, tôi đã đánh giá quá thấp độ hóng hớt của dân chúng đô thành. Người ta tụ tập hai bên đường, đông đúc đến nghẹt thở. . Тhử đọc 𝑡г𝙪yện không q𝙪ảng cáo 𝑡ại [ Т г ù ⅿ Т г 𝙪 y ệ n.𝑽N ]
Danh tiếng của Mạc Đĩnh Chi được truyền khắp chốn, một là do đỗ đầu trong kỳ thi Thái học sinh, hai là bởi dám bật Quan gia không nể nang gì.
Đúng vậy, ai đời vua lại đi chê thần tử xấu xí, thần tử liền làm một bài phú tên "Ngọc tỉnh liên", tức "Sen trong giếng" để giãi bày nỗi lòng.
Trong bài phú có đoạn:
Cẩu dư bính chi bất a,
Quả hà thương hề phong vũ.
Khủng phương hồng hề dao lạc,
Mỹ nhân lai hề tuế mộ.
Dịch nghĩa sơ sơ có thể hiểu là:
Khi ta giữ lòng thành ngay thẳng
Dù mưa gió cũng chẳng nề hà
Chỉ lo khi hồng phai sắc thắm
Mỹ nhân cũng chẳng còn mùa xuân.
Có ghê gớm không chứ?
Tôi hóng trộm chị gái A nói với bà cô B bên cạnh: "Nghe đâu Trạng nguyên có dung mạo không tầm thường."
Bà cô B thở phì phò: "Hình như hơi xấu xí."
Hai người che miệng cười cợt với nhau.
Dám bodyshaming Trạng nguyên nước nhà? Máu nóng dồn lên não, tôi há miệng định lên tiếng bảo vệ thanh danh của Mạc Đĩnh Chi thì bị Đông Ly lôi xềnh xệch ra ngoài.
Con bé thở hổn hển bảo: "Em sắp chết rồi!"
Tôi giật mình, nhận ra thoát khỏi đám đông kia một cái là hô hấp dễ dàng hơn hẳn.
Thôi vậy, dù gì cũng có em trai làm quan lớn, tôi chẳng cần lo việc không có cơ hội được gặp thêm vài vị danh nhân như Mạnh Đĩnh Chi.
Đương lúc dắt díu nhau trở về thì có một người đàn ông gầy gò lao đến bám vào váy tôi, miệng rên rỉ xin ít tiền.
Tôi sợ hết hồn, vội bảo Đông Ly móc ra vài đồng bạc lẻ cho ông ta.
Người đàn ông nhận được tiền rồi chỉ ngẩng đầu lên nhìn tôi một cái, chẳng nói chẳng rằng chạy biến đi nơi khác.
Ăn mày trong kinh thành ai nấy đều đáng thương vậy ư? Nhưng mà... hình như có gì đó không được bình thường cho lắm.
Thân hình người đàn ông khi nãy chỉ toàn da bọc xương, vàng vọt bốc mùi. Dưới đôi mắt là quầng thâm đen sì, phần nhân trung là nhiều tầng máu đã khô cứng lại, giống như là bị chảy máu mũi rất nhiều lần nhưng chỉ lau đi một cách qua loa.
Trông cách đi đứng của ông ta cũng không được vững vàng cho lắm, chỉ sợ sẽ lăn ra đất bất cứ lúc nào.
Đông Ly nhìn theo hướng người đàn ông chạy đi rồi khẽ nói: "Dạo gần đây kinh thành lắm ăn mày quá cô ạ."
Tôi nhíu mày không lên tiếng, chỉ tự hỏi thầm: Liệu đó có phải ăn mày thật không?
...
Sự thật đã chứng minh rằng nhãn lực của tôi, hay là Đoàn Niệm Tâm, vô cùng tốt.
Tôi có thể chắc chắn tới chín mươi chín trăm phần trăm rằng người phụ nữ mình nhìn thấy lần trước chính là Triêu Lộ.
Lý do là gì? Bởi vì hôm nay nàng đã tìm đến tận cổng lớn của phủ họ Đoàn, hẹn tôi ra quán trà hàn huyên chuyện cũ.
"Chị tới kinh thành mấy tháng nay rồi mới sắp xếp được thời gian gặp em đấy, em đừng giận nhé!" Triêu Lộ dịu dàng tự nhận lỗi khiến tôi không dám mở miệng trách móc câu nào.
Tôi cười cười: "Có hề gì, chị còn nhớ đến em là em vui rồi!"
Triêu Lộ kể cho tôi rằng đã về thăm nhà mẹ đẻ, cũng may ai nấy đều đã bỏ qua chuyện cũ, sẵn sàng đón nàng về ở. Thế nhưng Triêu Lộ đã quen với việc nay đây mai đó, thà rằng một thân một mình phiêu bạt cũng không chịu ngồi yên một chỗ.
So với năm ngoái gặp gỡ, Triêu Lộ đã có da có thịt hơn, gương mặt trơn bóng, thể hiện cuộc sống hiện tại rất tốt.
Chỉ là không hiểu sao, ánh nhìn của nàng dành cho tôi có gì đó hơi kỳ quặc. Dù đang cười mà đuôi mắt vẫn trĩu xuống, khi đồng ý với tôi chuyện gì đó thì lại lắc đầu.
Như thể... tâm thức của nàng đang từ chối sự hiện diện của tôi vậy.
Đông Ly tỏ ra đặc biệt yêu quý Triêu Lộ, hỏi han rất nhiều. Dù sao thì cũng chính là con bé đã từng cứu Triêu Lộ một mạng.
Không thể chịu nổi cảnh tượng trước mắt, tôi tìm cách lừa Đông Ly lánh đi một lúc để có thể thoải mái moi thông tin về Thành An từ Triêu Lộ.
Nàng là người thông minh, biết nhìn mặt đoán ý, bình thản hỏi: "Em có gì muốn hỏi riêng chị à?"
Tôi hơi ngạc nhiên, gật đầu xác nhận, trong đầu vội vã suy tính xem nên nói với Triêu Lộ như thế nào. Nghĩ tới nghĩ lui, tôi cảm thấy vòng vo không phải là cách hay, tốt nhất là cứ thẳng thắn cho được việc.
"Chị Lộ... chị có thích hoa sen không?"
Do đang nghĩ tới bức tranh "Liên hoa vọng nguyệt" mà Thành An cất giữ bấy lâu nên cái miệng của tôi đã tự động bẻ lái, khiến chính bản thân mình muốn phát điên.
Triêu Lộ:?
Tự dưng hỏi một câu không đầu không cuối, người ta chưa đánh cho là may.
"À... cũng bình thường..." Triêu Lộ ngập ngừng nhìn tôi đáp.
Xét vẻ mặt này của nàng thì đây không phải lời nói dối.
Được rồi.
"Chị có quen một người tên là Thành An không?" Tôi nói thật nhanh.
Tức thì, Triêu Lộ sững người, lồng ngực đang phập phồng theo hô hấp cũng ngưng lại trong khoảnh khắc. Lông mày nhướn cao, mắt mở to, quên cả chớp.
Quả là... đúng là như vậy rồi.
Triêu Lộ vội vã nâng chén trà lên miệng nhấp một ngụm, sau đó đặt xuống bàn, bộ dạng bối rối không thể che giấu.
Biểu cảm kinh ngạc đã qua đi, nàng nhìn tôi dò hỏi nhưng có vẻ không nhận lại được thông tin gì nên thở dài, khẽ đáp: "Anh Thành An... là một người bạn cũ thân thiết của chị."
—-
(1) Toàn thư chép:
Canh Dần, [Trùng Hưng] năm thứ 6 [1290], (Nguyên Chí Nguyên năm thứ 27).
(...)
Đói to, 3 thăng gạo giá 1 quan tiền, dân nhiều người bán ruộng đất, và bán con trai con gái làm nô tỳ cho người, mỗi người giá 1 quan tiền.
(2) Tam khôi: Ba danh hiệu cao nhất trong kỳ thi Tiến sĩ (Thái học sinh), thuộc Đệ nhất giáp.
(3) Hoàng giáp: Cũng là danh hiệu của học vị Tiến sĩ, đứng dưới Tam khôi.