Mạn Thiên Hoa Vũ

Chương 81: Hoàng ly bất ngữ (2)




Trước Ba mươi Tết vài hôm, Thành An hoàn thành nhiệm vụ, quay về Thăng Long.
Y đứng chờ tôi dưới tán cây hoè, gương mặt phờ phạc sương gió, cằm lún phún râu. Trông dáng vẻ có mấy phần tiều tuỵ, thần sắc mỏi mệt.
Tôi nuốt mấy câu trách móc xuống bụng, cuối cùng lại không biết phải mở lời ra sao.
Dù Thành An không có tình cảm với Đông Ly nhưng tôi có thể thấy rõ y luôn coi con bé là em gái. Đã vậy... mất đi người thân đâu phải là một nỗi đau tầm thường.
Thành An và tôi hỏi thăm đối phương vài câu, quanh đi quẩn lại vẫn phải nhắc tới Đông Ly.
Y thở dài, nói rằng có lẽ đã đến lúc y rời Dạ Hành. Trước đây Thành An luôn đặt trên mình trách nhiệm dẫn dắt các thành viên khác, đặc biệt là Đông Ly. Hiện tại con bé đã ra đi, y bắt đầu suy nghĩ tới bản thân... cho rằng Dạ Hành dù thiếu đi một Thành An cũng chẳng hề hấn gì.
Về phía Triêu Lộ, nàng vẫn chưa chấp nhận Thành An. Y buồn bã nói rằng nếu cứ mãi giữ lấy vị trí trong Dạ Hành thì dù mất thêm mười năm nữa, mối quan hệ giữa y và Triêu Lộ sẽ càng nhạt phai.
Mà Thành An... không muốn lặp lại lỗi lầm xưa kia nữa.
Tinh thần của y không tốt cho lắm, bị tôi dẫn dắt một hồi, bắt đầu tiết lộ bí mật phía sau việc Văn Đức phu nhân bị phế.
Đại khái cũng không khác gì ngày ấy, khi tôi nghe trộm Trần Thuyên và Triêu Lộ nói chuyện ở chùa Thiên Ninh.
Ví như:
Sau khi Văn Đức phu nhân - tức Triêu Lộ - bị hàng vị, phế thành thứ dân, Thành An là người được Trần Thuyên giao nhiệm vụ hộ tống nàng rời khỏi thành Thăng Long.
Hoặc, mối quan hệ giữa Triêu Lộ và Trần Thuyên, dù là anh em họ hay vợ chồng... thì đã từng rất tốt. Có thể nói, trừ tôi ra thì nàng gần như là người duy nhất được Trần Thuyên chiều chuộng, dung túng hết mức có thể.
Chỉ là chính Triêu Lộ cũng không ngờ nổi tình cảm nhiều năm trời vẫn bị Trần Thuyên gạt sang một bên, đồng thời biến nàng trở thành con cờ chính trị.
Phế Văn Đức, một đòn cảnh cáo, sâu xa hơn là hạ thấp quyền lực họ ngoại.
Thành An trót đem lòng thương mến Thái tử phi, phải khóa kín thứ tâm tư này suốt thời gian dài.
Cho đến khi Văn Đức không còn là Văn Đức nữa.
Trong lúc rối loạn, Triêu Lộ đề nghị Thành An bỏ trốn cùng nàng. Khi ấy, y biết nàng đang đau khổ, càng rõ hơn việc nàng không hề có tình cảm với mình. Và bởi Thành An trung thành với hoàng đế, y không có cách nào đồng ý với Triêu Lộ.
Thế rồi xuân tàn hạ sang, tất cả hoá thành một nỗi tiếc hận, dằng dặc suốt mười năm.
Thành An nán lại lầu Thanh Quang chưa tới nửa canh giờ, trước khi rời đi còn nhét vào tay tôi hai thứ: Thư của Đoàn Nhữ Hài và một chiếc khăn tay be bé.
Trong thời gian qua, Bách Chu và Hồ Yên đảm nhận trọng trách "giao liên", giúp tôi giữ liên lạc với Đoàn Nhữ Hài một cách bí mật. Cũng có thể là Trần Thuyên biết nhưng anh mắt nhắm mắt mở, không muốn chặt đứt hoàn toàn các mối quan hệ của tôi.
Đoàn Nhữ Hài biết tôi ít học, lâu lâu mới gửi một lá thư, viết vài ba chữ dễ hiểu dặn dò tôi phải biết lo cho bản thân. Sau đó, tôi sẽ vẽ một cái mặt cười hồi đáp cậu ta, coi như thông báo mình vẫn bình an mạnh khoẻ.
Vài ngày trước tôi nghe Hồ Yên kể Bách Chu vừa nhận nhiệm vụ mới, vì vậy hôm nay người đưa thư mới là Thành An.
Mãi sau này tôi mới biết, nơi đầu tiên Thành An đặt chân đến sau khi quay về kinh thành Thăng Long là phủ họ Đoàn. Y chỉ xin phép Đoàn Nhữ Hài được ghé vào mảnh vườn phía sau phòng tôi chốc lát, thế mà em trai tôi quay đi quay lại, hai canh giờ trôi qua mà chưa thấy Thành An trở ra.
Cậu ta tưởng Thành An đã bật tường bỏ đi từ lâu, lại không ngờ từ khi bước vào, y vẫn luôn đứng chôn chân ở một vị trí. Nếu tôi đoán không lầm thì nhất định là Thành An âm thầm tiếc thương cho Đông Ly của tôi rồi.
Tôi cẩn thận đặt lên bàn chiếc khăn tay, món đồ thứ hai Thành An gửi lại, chậm rãi mở từng nếp gấp. Không biết nó được thêu từ bao giờ nhưng còn khá mới, khả năng là Thành An chưa bao giờ lấy ra, chỉ cất tạm ở nơi nào đó.
Ở góc phải, phía dưới chiếc khăn có hình một bông cúc nhỏ, đường nét vụng về.
Biến giới phồn hoa toàn truỵ địa,
Hậu điêu nhan sắc thuộc đông ly.
Khắp chốn, muôn hoa đều tàn lụi,
Giậu cúc phía đông vẫn còn tươi. [1]
Có lẽ Đông Ly muốn mượn lời thơ của Nguyễn Tái, ví tình cảm của mình dành cho Thành An với những bông hoa cúc... chẳng thể phai nhạt.
Vật chẳng thể về với chủ cũ, Thành An chỉ còn cách để lại nơi tôi.
Nắm chặt chiếc khăn trong tay, sống mũi tôi lại cay xè, nước mắt trào ra, lã chã rơi xuống.
...
Ba mươi tháng Chạp, ngày cuối cùng của năm Hưng Long thứ mười ba.
Càng gần Tết Nguyên Đán, tiết trời càng giá lạnh ủ ê.
Đại danh hào Nguyễn Du từng viết: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Tôi thì ngược lại, bị thứ thời tiết dở hơi này xáo động tâm trí, buồn phiền suốt mấy ngày.
Ấy vậy mà sớm nay tỉnh giấc, khi Ý Nghi mở cửa sổ ra đã thấy vầng dương vén mây, rót xuống trần gian những dải nắng dịu dàng.
Đúng là lẽ trời khai ân, ban phát phúc lành cho bách tính.
"Phu nhân, trời ấm lên rồi đó." Chị ấy vui vẻ nói, nhanh nhẹn bưng chậu nước rửa mặt vào phòng. "Người có muốn đi ra Vườn Ngự hít thở không khí một lúc không? Tất cả đều bận rộn dọn dẹp, chuẩn bị cho Giao thừa... sẽ không có ai làm phiền phu nhân đâu."
Tôi nhận khăn mặt đã được vắt khô từ Ý Nghi, khẽ lắc đầu: "Thôi, không cần đâu ạ."
Cùng là trong cung cấm, ngồi tại lầu Thanh Quang hay bước chân ra ngoài... có gì khác nhau đâu chứ?
Ý Nghi không cố gắng thuyết phục tôi, yên lặng kéo ghế ra cửa cho tôi ngồi.
Lầu Thanh Quang yên ắng, thậm chí còn lặng lẽ hơn bình thường mấy phần.
Vài ngày trước, hai bác cháu Ngô thị bắt tay vào quét tước lau dọn tòa bát giác, kỹ càng đến mức tới hôm nay không còn việc gì phải làm nữa.
Thế đấy, nếu tôi còn sống ở phủ họ Đoàn thì hẳn đã phải vắt chân lên cổ mà chạy đông chạy tây, nào được thoải mái dựa lưng xuống ghế mà ngắm trời mây thế này.
Vì chưa có danh phận rõ ràng nên tôi không cần (và cũng không có quyền) tham gia yến tiệc đón giao thừa. Đối với việc này, Trần Thuyên vô cùng bất mãn, suýt chút nữa đã giận chó đánh mèo sang cậu bé trung quan Phúc Lộc.
Để di dời sự chú ý của anh, tôi đành dối lòng an ủi: "Em đã tiến cung rồi mà, ngày tháng trước mắt còn dài lắm. Năm sau em sẽ cùng Quan gia đón Giao thừa, được không ạ?"
Lửa giận bốc trên đỉnh đầu Trần Thuyên theo đó mà tắt ngúm.
Gần cuối giờ Thân, Ý Nghi kéo tôi đi tắm rửa, coi tôi như một con búp bê mà mặc sức tô điểm.
Chị ấy giúp tôi búi tóc, tỉ mỉ gắn lên đầu tôi một đống trang sức lấp lánh. Rồi từng lớp, từng lớp áo khoác lên, mất tới hai khắc đồng hồ mới xong xuôi.
"Phu nhân cười lên tôi xem nào, dù không dự lễ Khu Na thì vẫn phải xinh đẹp đón năm mới chứ!" Ý Nghi cao giọng khuyên nhủ, bên cạnh là Hồ Yên phụ hoạ vài câu. [2]
Tuy rằng tôi cảm thấy không cần thiết lắm, dù sao Trần Thuyên sẽ chẳng có thời gian rảnh để tới lầu Thanh Quang ngắm tôi ăn diện, nhưng trước sự nhiệt tình của Ý Nghi và Hồ Yên, tôi chỉ còn cách cúi đầu vâng lệnh.
Bóng chiều dần ngả về tây, tôi nhấc từng bước chân, nặng nề lết ra ngoài hành lang.
Hồ Yên xin phép được về nhà với Bách Chu, đương nhiên là tôi đồng ý. Nghĩ tới nghĩ lui, tôi còn thuyết phục hai bác cháu Ngô thị sau bữa tối có thể đi tìm mấy cô cung nữ thân thiết, khỏi cần ở lại lầu Thanh Quang làm gì.
Chỉ là tôi thấy mình không mấy gần gũi với họ, thà rằng trải qua Giao thừa một mình còn hơn là phải cười nói gượng gạo với nhau.
Gọi là cô đơn thì cũng không đúng, trong lòng tôi trống trải đến cùng cực, như thể tôi chẳng còn hơi sức đâu để phiền muộn nữa.
"Niệm Tâm."
Chân trời nhuộm một màu đỏ au, tôi ngẩn người ngắm nhìn, đến khi hai mắt hoa lên, còn tưởng mình đang gặp ảo giác.
"Niệm Tâm à."
Ngơ ngác hồi lâu, mãi tôi mới lấy lại được tinh thần để cúi xuống, thấy Trần Thuyên đang vẫy tay, ánh mắt lấp lánh lạ thường.
Anh khoác trên mình áo long cổn, đầu đội mũ Bình Thiên. Hẳn đây là trang phục để dự yến tiệc Giao thừa, chủ trì lễ Khu Na. [3]
Năm đó, Trần Thuyên cũng vận nguyên cổn phục đón tôi ở Chương Đức viên. Đêm sâu thăm thẳm, hai đứa dắt díu nhau chạy tới hồ Thuỷ Tinh thả hoa đăng.
Không biết... anh đã ước điều gì nhỉ?
"Nàng đứng yên đó." Trần Thuyên lớn tiếng nói, xoay người tìm lối đi lên.
Hoàng hôn phủ lên vai anh, núi non tô điểm, ánh mặt trời rực rỡ phía sau lưng bớt đi phần lộng lẫy.
Tôi nhẹ nhàng ngước mắt, cảnh vật xung quanh như bị phủ dưới một lớp bụi mơ hồ, duy chỉ có dung nhan anh tuấn của Trần Thuyên là rõ ràng một cách tuyệt đối.
Hàng mi khẽ rung động, miện lưu lắc qua lắc lại, va vào nhau tạo nên những âm thanh trong trẻo. [4]
Trước khi Trần Thuyên kịp mở miệng, tôi lập tức cướp lời trêu chọc: "Lần đầu tiên được mặc trang phục của cung phi, hẳn là Quan gia đang thấy em xinh đẹp tuyệt trần phải không ạ?"
Anh như tỉnh lại từ trong giấc mộng, bật cười: "Phu nhân nói phải, Trẫm mải mê ngắm nàng, suýt nữa đã quên chốc nữa phải dự yến tiệc đấy."
"Quan gia cũng khéo nói lắm." Tôi bĩu môi.
"Dĩ nhiên rồi." Trần Thuyên nhếch miệng. "Vậy mới xứng đôi với Phu nhân nhà ta chứ!"
Có anh bên cạnh cười đùa hàn huyên, dù chỉ là mấy chuyện vụn vặt cũng đủ làm sự nặng nề trong tâm trí tôi vơi bớt phân nửa.
Tay của Trần Thuyên thật ấm, thoáng chốc đã bao trọn tay tôi. Từng ngón tay đan xen, biết bao lưu luyến.
Anh kéo tôi vào lòng, thì thầm: "Không còn cách trở như xưa, đêm nay ta nhất định sẽ đón năm mới cùng nàng."
"Dạ. Em chờ Quan gia về." Tôi gật đầu, dịu dàng đáp.
Trần Thuyên tỏ ra vô cùng hài lòng, sau lại thở dài: "Thật không muốn để nàng lại đây chút nào."
"Vậy Quan gia mau lệnh cho người dưới may túi ba gang, như vậy, dù đi đâu cũng có thể mang em theo cùng." Tôi biết anh thật sự khó chịu, chỉ mong mấy câu đùa giỡn ngớ ngẩn này có thể giúp anh thoải mái phần nào.
Quả nhiên, Trần Thuyên đã quen với việc tôi hay nói luyên thuyên, lập tức cười rộ lên: "Trẫm ước còn không được!"
...
Sau khi tôi dùng xong bữa tối, từ phía cung Đồng Nhân - nơi tổ chức yến tiệc tất niên - đã bắt đầu vang đến tiếng nhạc du dương. [5]
Hai bác cháu Ý Nghi vẫn không nỡ để tôi ở lại lầu Thanh Quang một mình nhưng lý lẽ lại thua tôi một bậc, chỉ vài câu đã phải nhượng bộ. Tôi đoán, họ cũng đâu muốn phải trải qua khoảnh khắc tống cựu nghênh tân ở nơi quạnh quẽ này.
Tôi không nghĩ ra nổi trò gì để giết thời gian, chẳng biết đã qua bao lâu, bắt đầu cảm thấy chán chường.
Bụng dạ bảo không nên nhưng đôi chân lại cứ bước, tôi vươn tay đẩy cửa, ló đầu ra ngoài: "Sắp sang năm mới rồi!"
"... Niệm Tâm?" Quân Trì hơi nhướng mày, ngạc nhiên khi thấy tôi.
Ban ngày thời tiết đẹp là thế mà mặt trời chưa khuất núi được bao lâu, cái lạnh đã nhanh chóng ập đến.
Tôi thu mình trong tấm áo hồ cừu dày dặn, một bước đứng cạnh Quân Trì.
Còn chưa đến nửa đêm, chính điện rộn ràng ca hát.
Anh ta không nhìn tôi quá lâu, cụp mắt lẩm bẩm: "Ta chưa bao giờ tưởng tượng được nàng... trong diện mạo này."
Tôi lập tức giả điếc.
Bởi tôi hiểu rõ, Đoàn Niệm Tâm của Quân Trì sẽ không bao giờ búi tóc rẻ quạt, khoác đối khâm thêu hoa lấp lánh như tôi bây giờ.
Kể cả nàng quyết định không về với Quân Trì, với tính cách yếu mềm trước đây, hẳn Niệm Tâm sẽ lựa chọn một cuộc sống êm đềm. Dựng vợ gả chồng, chăm sóc nhà cửa, nuôi dạy con cái.
Dù thế nào... Niệm Tâm và Quân Trì cũng sẽ chẳng có ngày hôm nay đâu.
Tôi chán nản vì phải ở một mình, hối hận khi đuổi bác cháu Ý Nghi đi quá sớm nên mới mò ra phía ngoài, định bụng bầu bạn cùng Quân Trì chốc lát.
Đến giờ tôi mới hiểu ra nguyên nhân sâu sắc nhất dẫn đến sự gượng gạo giữa tôi và anh ta.
Quân Trì quan tâm và bảo vệ tôi, là vì Đoàn Niệm Tâm.
Tôi không phải nàng, sao có thể cảm nhận được tâm ý của anh ta cơ chứ?
Mỗi lần tiếp xúc lại càng cảm thấy có gì đó kỳ quặc, chúng tôi chẳng bao giờ nói chuyện được quá ba câu. Đơn giản bởi Quân Trì vẫn là Quân Trì, mà người anh ta cảm mến đã hoàn toàn biến mất khỏi cõi đời này.
"Tất niên mà không thể dự tiệc, bất công cho anh quá." Tôi áy náy nói với Quân Trì. "Đang yên đang lành phải chịu gió rét ở nơi này..."
"Có hề gì." Anh ta khẽ cười, chất giọng êm dịu lạ thường. "Mấy chuyện cỏn con này sao có thể sánh với an nguy của nàng?"
Nụ cười trên mặt tôi như biến thành ngàn kim, châm chích khó chịu.
"Dù cho Quan gia không hạ lệnh, ta cũng sẽ xin được tiến cung bảo vệ nàng." Đột nhiên, Quân Trì thu hồi vẻ mặt dửng dưng ban đầu. "Niệm Tâm à, nếu nàng nghĩ ta chỉ biết bám víu vào quá khứ... thì nàng sai rồi."
Quân Trì bất động, chậm rãi nói từng chữ một.
"Trí nhớ của nàng đã quay lại hay chưa, không quan trọng. Kể cả nàng không còn là Niệm Tâm của khi xưa... thì nàng thử nghĩ mà xem, chúng ta đã quen biết nhau bao năm rồi?"
Anh ta không cần tôi trả lời, tôi đành lặng thinh lắng nghe.
"Nàng kính trọng vợ chồng Chiêu Văn vương, thật lòng thương yêu Thái tử Mạnh. Nàng coi Đông Ly như em gái, chưa một lần đáp trả sự cộc cằn của cái Yên... Những điều này, ta đều có thể thấy rõ. Nào có ai thập toàn thập mỹ, nhưng nàng không biết... trong mắt Quan gia, nàng quý báu tới nhường nào." Tựa như từng nút thắt được cởi bỏ, Quân Trì muốn mượn khoảnh khắc này để dốc hết nỗi lòng.
Anh ta thở dài: "Có lẽ... trong đầu nàng đang mắng ta hồ ngôn loạn ngữ. Nhưng không, ta hiểu chuyện hơn nàng tưởng đấy!"
"Nàng có biết trước mặt ta, nàng chưa bao giờ giấu được biểu cảm của mình không? Dẫu cho chúng ta đủ thân thiết để nàng không cần phải giả bộ, hay nàng vốn không quan tâm ta nghĩ gì về nàng... thôi bỏ đi, cái mà ta muốn nói ở đây là thái độ của nàng đối với ta, kể từ lần đầu tiên gặp lại nơi cung cấm này. Ta đã rất băn khoăn, nghĩ mãi, nghĩ mãi cũng chẳng hiểu vì sao nàng lại tỏ ra tội nghiệp ta như thế. Cho đến hôm nay thì ta đã hiểu. Niệm Tâm, nàng tự ti quá mức."
"Quân Trì, thực ra là..." Phản ứng đầu tiên khi bị chỉ trích của tôi là phản biện.
"Gượm đã, đừng vội lên tiếng." Anh ta đưa tay lên, ra dấu cho tôi ngừng lại. "Nàng cứ nghe ta nói xong rồi trả lời cũng không muộn."
Tôi gật đầu.
"Nàng thương ta, chắc chắn là vì biết được trước đây ta có tình cảm với nàng. Giờ đây nàng đã về bên Quan gia, dù sao đó cũng là lựa chọn của nàng, đâu cần thiết phải cảm thấy có lỗi? Vì sao nàng phải tội nghiệp ta, cho rằng nàng của hiện tại không xứng đáng được ta bảo vệ? Quá khứ đã qua, nhưng tương lai còn chưa đến mà?"
Dần dần, tôi càng cảm thấy câu 'ta hiểu chuyện hơn nàng nghĩ' của Quân Trì là sự thật. Chỉ dựa vào thái độ như có như không của tôi mà Quân Trì đã có thể phân tích sâu sắc đến mức này, tôi thật sự tò mò về cách tư duy của anh ta.
"Hay để tôi vào rót cho anh một chén trà nhuận giọng nhé?" Tôi hơi bất an, chỉ chờ Quân Trì tạm dừng là lập tức chen vào.
Anh ta cười ha hả: "Một trong những điểm xấu dễ thấy nhất của nàng là hay đùa giỡn sai thời điểm, nàng nên thay đổi đi."
Hừ, lại chê người ta rồi.
"Được rồi, nghiêm túc lại nào." Quân Trì hắng giọng. "Tiếp theo, là chuyện giữa Quan gia và nàng. Nói thế nào nhỉ, Quan gia là chủ nhân của ta, nhưng đồng thời cũng là anh em thân thiết, từng một thời bá vai bá cổ một cách ngang hàng."
Ừm, cái này tôi biết.
"À đúng rồi, chính bởi vậy mà ta phải dồn nén thứ tình cảm cũ kỹ của mình dành cho nàng xuống đáy lòng." Quân Trì khoanh tay trước ngực. "Vì nàng, Niệm Tâm, đã quyết định ở cạnh Quan gia, không phải vì Quan gia yêu thương nàng."
Đến đây thì tôi không hiểu lắm, nhưng thôi cứ bỏ qua.
Anh ta tiếp tục: "Nàng không muốn tiến cung, trở thành phi tần của Quan gia. Phải. Ngoài việc nàng thích tự do, hay mong muốn cái gọi là một chồng - một vợ, thì có lẽ nguyên nhân nằm ở chỗ... nàng cho rằng bản thân mình chưa đủ tốt. Nàng nhát gan, sợ hãi đủ điều."
Này này, đừng nhiếc móc tôi nữa được không?
"Nàng lo lắng sẽ không thể giữ nổi trái tim của Quan gia, sợ sớm muộn gì Quan gia cũng thay lòng đổi dạ, bỏ lại nàng héo mòn trong chốn thâm cung. Ta đoán đúng chưa nào?"
Quân Trì như muốn hét vào mặt tôi: Cãi đi, cãi nữa đi!
Nhưng mà... đương nhiên là tôi sẽ không tiết lộ với anh ta rằng vốn dĩ ngoài lá gan của thỏ đế, tôi còn cực kỳ ích kỷ nữa.
"Sắp sửa bước sang năm Hưng Long thứ mười bốn rồi..." Quân Trì hạ giọng, khẽ ngước lên nhìn thẳng vào bầu trời đêm vô tận, vắng vẻ trăng sao. "Từ lâu ta đã không còn nghĩ về quá khứ, nàng càng phải sống vì hiện tại. Năm dài tháng rộng còn ở phía trước, đừng ngoái lại đằng sau nữa."
"Tôi..."
Anh ta khe khẽ cười: "Được duyên đã khó, có phận càng không phải chuyện dễ dàng. Niệm Tâm, nàng hãy thử đặt niềm tin vào bản thân, vào... Quan gia đi."
Tôi không nhớ nổi mình đã quay lại tẩm điện bằng cách nào. Hình như Quân Trì thấy sắc mặt tôi không tốt nên mới xua về, nhất quyết không để tôi đứng ngoài hứng gió sương nữa.
Ngồi xếp bằng trên sập một lát, tôi duỗi chân xuống đất, định bụng uống một ngụm trà ấm. Ngờ đâu vừa đứng thẳng người, trước mắt tôi hoa lên, suýt chút nữa đã ngã dúi dụi sang một bên nếu không kịp chống tay lên bàn.
Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng, đầu đau như búa bổ. Chỉ trong chốc lát, tôi bắt đầu thấy kiệt sức, chân tay dần mất cảm giác.
Tôi ngả người xuống giường, đến búi tóc cũng không thèm tháo, kéo chăn lên che kín mặt.
Tiếng ù ù như vạn côn trùng đang đập cánh bên tai dần lắng xuống, tôi nghe như có người bước tới gần...
Cô cả, cô không được ngủ quên đâu đó, cậu Hài mà biết thì em bị mắng mất!
Cô cả, năm mới đến rồi! Chúng ta nhất định sẽ bình an...
...
Phí công lo lắng suy nghĩ cho cái Tết đầu tiên tại cấm cung, cuối cùng tôi lại lên cơn sốt ngay sáng sớm mùng Một.
Trận ốm này không đơn giản, một là do tôi bị trúng gió (lạy trời, cái tội mò ra nói chuyện với Quân Trì giữa đêm đây mà), hai là tinh thần yếu ớt, tích tụ quá nhiều phiền não.
Ngoài ra, việc tôi một lần nữa đổ bệnh đã một đao chém gọn dự tính bấy lâu nay của Trần Thuyên: Chờ tới ra Giêng để chính thức phong tôi làm phi.
Có muốn cũng không nổi, tôi thật sự nằm liệt giường suốt nhiều ngày. Thậm chí, bệnh tình của tôi nghiêm trọng đến mức Thái hậu và các vị cung phi khác phải sai người lũ lượt kéo đến lầu Thanh Quang thăm hỏi, gửi lại bao nhiêu là thuốc bổ.
Tôi ốm đau bao nhiêu ngày, thì từng ấy hôm Trần Thuyên túc trực tại lầu bát giác. Sáng thượng triều tại điện Thiên An, từ trưa đến tối, nếu không có chuyện quan trọng thì anh sẽ ở lại tẩm điện của tôi để phê duyệt tấu chương.
Có lúc tỉnh táo, tôi sẽ thấy Trần Thuyên khẽ thổi bớt hơi nóng trên thìa cháo loãng, cẩn thận đút từng miếng cho tôi ăn.
Hoặc như, khi cơn sốt lên tới đỉnh điểm, tôi nửa mê man nửa khóc lóc, cả người nóng hầm hập... anh sẽ tự tay vắt chiếc khăn nhúng trong nước ấm, giúp tôi lau cổ, lau tay.
Tẩm điện nồng nặc mùi thuốc thang suốt mười ngày nửa tháng, tới gần cuối tháng Giêng tôi mới dứt bệnh, lại có thể cãi tay đôi với Phạm Bân như ngày xưa.
...
Nguyệt sắc vi vi dạ hướng lan,
Đông phong đặc địa khởi xuân hàn.
Phiên không liễu nhứ niêm cao các,
Giác mộng Tương quân phác hoạ lan.
Đêm xuân hồ hết, bóng trăng mờ,
Lành lạnh hơi xuân mượn gió đưa.
Tơ liễu vờn không, vương gác thượng,
Cành tre quấy mộng, đập rèm thưa. [6]
Vừa qua tiết Lập Xuân, bóng nắng nhảy nhót trên mái ngói lưu ly, thời tiết vô cùng dễ chịu.
Trong cái rủi có cái may, nhờ sức khoẻ thất thường mà Thái hậu và các phi tần, ví như Thánh Bà và Huy Tư, đều từ bỏ ý định kéo tôi ra xa Trần Thuyên. Năm mới năm me, mong cầu như ý cát tường còn không được, đâu ai muốn ở gần một con ma ốm chứ.
Được ngày nào hay ngày đó, tôi càng cố gắng giấu mình trong cung Quan Triều, tuyệt không ló mặt ra ngoài lấy một lần. Bởi vậy, Trần Mạnh muốn gặp tôi là phải tới điện Đại Minh. Dù sao cậu đã khôn lớn, việc công khai tới tẩm điện của tôi - tức lầu Thanh Quang - không phù hợp cho lắm.
Cuộc sống trong thâm cung, với thân phận và trách nhiệm nặng nề của Hoàng thái tử, đã mài mòn nét trẻ thơ của Trần Mạnh. Cậu bé luôn đóng vai một "ông cụ non", đi đứng thẳng lưng, không bao giờ thể hiện quá rõ cảm xúc trên mặt, đặc biệt là khi có sự xuất hiện của đám trung quan cung nữ.
Lý do Trần Mạnh dễ dàng gần gũi trở lại với tôi, dù chẳng được như xưa, có lẽ bởi tôi là người duy nhất không dồn ép cậu bé với những câu hỏi kiểu: Hôm nay học được cái gì rồi, đã bắt đầu luyện võ chưa...
Đại khái là quan tâm tới vị trí Hoàng thái tử hơn cả.
Đương nhiên tôi không "vô tri" tới vậy. Chẳng qua kiến thức của tôi có hạn, đến đọc thư của Đoàn Nhữ Hài mà còn chật vật thì lấy đâu ra can đảm để tranh luận với Trần Mạnh về Tứ Thư Ngũ Kinh đây?
Tôi ngồi trên sập lớn, nhàn nhã ăn bánh uống trà, đối lập là Thái tử Mạnh đang chăm chú luyện chữ bên cạnh.
Chống tay xuống chồng gối thêu chỉ vàng, tôi buột miệng thở dài: "Điện hạ... lớn nhanh quá!"
Trần Mạnh nghe được, ngẩng lên nhìn tôi khó hiểu.
"Ban đầu ta còn tưởng Điện hạ đã quên mất Niệm Tâm này rồi cơ." Tôi hì hì đánh trống lảng, lại bẻ nhỏ miếng bánh ngọt, đưa cho cậu bé. Thái tử Mạnh ngoan ngoãn nhận bằng hai tay, chậm rãi cắn từng miếng.
Xong xuôi, tôi giúp cậu đi vụn bánh dính trên khoé miệng, thấy cậu hếch mũi đáp: "Phu nhân nghĩ nhiều rồi! Trí nhớ của con tốt lắm đó!"
Tôi mỉm cười: "Ồ? Vậy điện hạ nhớ những gì về ta nào?"
Trần Mạnh gác bút lên nghiên mực, híp mắt suy tư. Cậu bé tủm tỉm, ôm lấy tay tôi bảo: "Con nhớ cô Tâm... à, Phu nhân dạy con nói từ xít!"
Tôi:...
Bậy nào, tôi dạy cậu bao giờ!
"Phụ hoàng bảo từ này không có nghĩa, nhưng rõ ràng Phu nhân từng kêu như vậy khi bị ngã!" Trần Mạnh gãi gãi cằm.
"Ta đã dặn Điện hạ không được nói với ai khác, đặc biệt là Quan gia mà!" Chúa ơi, tôi chỉ biết khóc ròng.
"À." Cậu bé Thái tử chuyển sang gãi đầu. "Con quên mất."
Sao vừa khoe khoang rằng trí nhớ tốt lắm?
Ôi chao, chỉ một lần lỡ lời... Trong lòng tôi than thở vạn câu ngàn chữ, may mà ngày ấy không chửi mẹ nhà nó đấy...
"Hai cô cháu đang nói gì mà vui thế?"
Tôi vội đứng dậy hành lễ: "Bái kiến Quan gia, Huệ Vũ vương ạ."
Trần Quốc Chẩn gật đầu, đi ngang qua tôi rồi ngồi xuống bên cạnh Trần Mạnh.
Tôi bị tranh mất chỗ ngồi, đành tiến đến gần Trần Thuyên. Anh nhanh chóng nắm lấy tay tôi, ngón cái cọ cọ lên mu bàn tay.
Huệ Vũ vương biết cách dỗ trẻ con, chọc cho cháu mình cười khanh khách. Cảnh tượng gia đình đầm ấm trước mắt này dường như khiến Trần Thuyên rất vui, tôi có thể thấy rõ ánh sao lấp lánh trong mắt anh.
"Phàm kim chi nhân. Mạc như huynh đệ." Trần Thuyên khe khẽ ngân nga, tôi nghe vào tai lại thấy như một lời cảm thán. [7]
Không muốn phá hỏng cảm xúc hiện tại, tôi chỉ âm thầm ghi nhớ hai câu trên để có thể nhờ anh giải thích ý nghĩa khi có cơ hội.
Chừng một khắc sau, Trần Quốc Chẩn tỏ ý muốn xuất cung.
Thái tử Mạnh chạy theo, níu áo Trần Quốc Chẩn: "Chú! Chú! Khi nào chú mới đưa Huy Thánh vào cung chơi với con thế ạ?"
Trần Truyên ghé tai tôi, tốt bụng 'giải nghĩa': "Quận chúa Huy Thánh, con gái lớn của Huệ Vũ."
"Ha ha, Thái tử chỉ cần chăm chỉ học hành, nghe lời Quan gia và mẫu phi thì ta nhất định sẽ để Huy Thánh tiến cung chơi với Thái tử." Thì ra loại văn mẫu này đã có từ bảy trăm năm trước.
"Chú hứa đi! Rồi sau này có của ngon vật lạ gì con cũng sẽ cho chú!" Trần Mạnh không quá tin tưởng vào mấy câu dỗ dành chung chung, nằng nặc đòi Huệ Vũ vương phải có một lời.
Quốc Chẩn cười rộ lên: "Được! Ta hứa!"
Trần Mạnh đạt được thoả thuận, không dám để mất thêm thời gian mà lập tức quay về bàn, tiếp tục luyện viết.
Tôi cùng Trần Thuyên tiễn Huệ Vũ ra tới cửa điện, trước khi cậu ta rời đi còn tỏ vẻ ngập ngừng, nửa muốn nói gì đó lại thôi.
"Quan gia, đến nơi rồi ta sẽ lập tức cho người mang thư về."
Trần Thuyên tiến lên nửa bước, bất tri bất giác giấu tôi ra phía sau. Anh khẽ lắc đầu: "Không cần thiết, cứ bàn bạc kỹ với Thành An là được. Chú nhớ giữ gìn sức khoẻ."
Nghe vậy, Huệ Vũ chỉ tạ ơn rồi vái chào theo lễ, chốc lát đã biến mất sau cánh cửa son.
...
Từ sau khi Huệ Vũ Quốc Chẩn rời kinh thành Thăng Long "đi công tác", Trần Thuyên bắt đầu rơi vào tình trạng bận tối mắt tối mũi, phần lớn thời gian chỉ ở lỳ trong thư phòng cho vời quan thần diện kiến, tối muộn mới trở về tẩm điện nghỉ ngơi.
Chỉ chừng bốn, năm tháng nữa là công chúa Huyền Trân sẽ xuất giá làm dâu Chiêm Thành, tôi đoán đây là chuyện quan trọng nhất mà anh phải trực tiếp xử lý trong thời điểm hiện tại.
Cũng bởi vậy, tôi càng không dám để Trần Thuyên phải chạy đôn chạy đáo giữa điện Đại Minh và lầu Thanh Quang, năng tới tẩm điện của Trần Thuyên đến mức như biến nó thành của mình.
Yêm doãn Cao Nghiệp thấy tôi đến là sẽ vui mừng đón tiếp, còn không phải ông lo lắng hoàng đế cả ngày chỉ trợn mắt nhíu mày hay sao? Dẫu anh không có thời gian quay về tẩm điện nhưng có tôi chờ sẵn ở nơi này, đám trung quan tỳ nữ của điện Đại Minh sẽ có thêm một "lá chắn", tránh được cảnh giận chó đánh mèo (cái này gọi là đề phòng vạn nhất).
Mấy năm nay, chỉ có Trần Thuyên luôn bao bọc, che chở tôi trong vòng tay... Còn ngược lại, hiện tại chuyện triều chính tôi không hiểu, nào có thể cùng anh chia sẻ ưu phiền.
Nhưng rồi tôi nhớ đến lời dặn dò của Quân Trì, chí khí cũng được nâng cao hơn một chút. Luận về tài nói năng luyên thuyên, biến mình thành trò đùa để khiến người khác vui vẻ thì làm gì có ai vượt được tôi chứ.
Sẩm tối, Trần Thuyên từ thư phòng quay về điện Đại Minh, ánh mắt tối tăm, dáng vẻ mệt mỏi.
Đã gần một tuần tôi không gặp anh, chúng tôi chỉ truyền tin bình an qua cung nữ.
Quả thực, một khi hoàng đế đã bận rộn chuyện triều chính, đến Thái hậu cũng không dám làm phiền.
Duy có tôi được tự do ra vào điện Đại Minh, các cung phi khác muốn gửi cơm canh thuốc bổ gì cũng không được. Đấy là tôi xem phim Trung Quốc thấy thế, còn trước giờ tuyệt không thấy người của hậu cung xuất hiện tại cung Quan Triều.
Giống như Trần Thuyên và họ ở hai thế giới, chẳng chút liên hệ nào với nhau.
Tôi chờ Trần Thuyên thay sang thường phục, vội vã ấn anh ngồi xuống ghế. Nghe đâu từ sớm tới giờ anh bận họp hành, còn chưa kịp bỏ bụng miếng cơm nào.
Trần Thuyên mỉm cười, vỗ vỗ tay tôi: "Được rồi, từ từ kẻo ngã."
"Quan gia có đói không? Có mệt không? Có buồn ngủ không ạ? Chàng mau dùng bữa đi, ăn sớm nghỉ sớm..." Tôi liến thoắng nói.
"Nhìn thấy nàng cũng đủ no rồi." Anh hắng giọng, giả bộ nghiêm túc.
Không chỉ tôi mà tất cả cung nữ trong tẩm điện đều đỏ mặt ngại ngùng. Khác ở chỗ, tôi có thể phá lên cười thì họ chỉ cúi đầu, cố gắng giảm thiểu tối đa sự hiện diện của mình.
Xong xuôi bữa tối, khi tôi đứng đang đứng một góc súc miệng rửa tay thì Cao Nghiệp tiến lại gần, nhỏ giọng bảo: "Mấy ngày rồi mới thấy Quan gia ngon miệng như hôm nay, lão xin được cảm tạ phu nhân."
Tôi vội lắc đầu: "Không phải nhờ ta đâu."
Dạo này nếp sinh hoạt của Trần Thuyên bị xáo trộn, cứ mải mê công vụ để đến chiều muộn mới có thời gian dùng bữa trưa, "tiện thể" bỏ qua luôn bữa tối. Cứ vậy thì làm sao có hứng ăn uống đây?
Thấy sắc mặt Trần Thuyên hồng nhuận lên mấy phần, tôi có thể tạm yên tâm nên quyết định đánh bài chuồn về lầu Thanh Quang, để lại không gian cho anh thoải mái nghỉ ngơi.
"Niệm Tâm." Bỗng, anh cất tiếng gọi.
Tôi ngoan ngoãn đáp lời: "Dạ?"
"Chúng ta nhậu đi."
Tôi:?
Nghe giọng khá nghiêm túc, hình như không phải đùa cợt?
Đến khi Phúc Lộc đặt vò rượu xương bồ nhỏ lên bàn, rót đầy hai bát mà tôi vẫn chưa tin nổi. Trần Thuyên của hiện tại... đâu còn là một vị vua trẻ suýt bị phế ngôi chỉ vì uống say nữa.
Theo Cao Nghiệp - một người luôn theo sát hoàng đế, gần như 24/24 giờ - thì trừ yến tiệc cung đình ra, Trần Thuyên sẽ không đụng tới rượu, dù chỉ là một giọt.
Đếm trên đầu ngón tay, một lần chúng tôi cùng thưởng rượu hoa cúc tại hành cung Tức Mặc, còn lần khác là tôi dụ dỗ anh nhằm moi thông tin về Thành An và Triêu Lộ.
Được rồi, rượu chè gì cũng đều dính lấy Niệm Tâm này cả.
Sau khi khơi thêm đèn, Yêm doãn Cao Nghiệp thấy không còn việc của mình nữa bèn ra hiệu cho Phúc Lộc và mấy cô cung nữ đang đứng trực một góc. Chẳng cần nhiều lời, họ lập tức vái chào Trần Thuyên (chắc là cả tôi nữa) rồi lần lượt rời khỏi điện Đại Minh, chân bước nhẹ như bay.
Chỉ còn lại tôi và Trần Thuyên, thời gian như lắng lại nửa nhịp, xung quanh yên ắng.
Hương rượu thoang thoảng trong không khí, tôi nhìn ánh đèn sóng sánh trong chén, bất an níu tay Trần Thuyên: "Mai Quan gia còn phải dậy sớm thượng triều mà..."
"Nàng khéo lo." Anh khẽ cười. "Ta và nàng chỉ nhấp môi, đâu thể say tới mức không dậy nổi."
Cũng không phải Trần Thuyên thật sự muốn "nhậu nhẹt", anh chỉ mượn rượu để thư giãn, được quên đi gánh nặng giang sơn trên vai trong chốc lát mà thôi.
"Mời Quan gia." Tôi kính cẩn dâng lên chén rượu đầy, tít mắt cười.
Dòng chảy mát lạnh từ từ trôi xuống cổ họng, dù đã ăn no nhưng bụng tôi vẫn cồn cào mất một lúc lâu.
Chúng tôi không đả động tới việc đất nước, chỉ hi hi ha ha mấy chuyện nhỏ nhặt. Tôi thu chân bó gối, đặt khuỷu tay lên bàn, chép miệng: "Tự dưng lại không nghĩ ra cái gì để nói nữa. Hay Quan gia kể em nghe về Huy Tư Hoàng phi đi! Khi xưa Huyền Trân hay nhắc tới nàng lắm, bảo em phải học tập nàng..."
Trần Thuyên lập tức ném một cái nhìn sắc lẹm về phía tôi. Anh hừ một tiếng: "Nàng là nàng, cần gì phải so sánh tới người khác?"
Tôi vội vã vâng dạ, một câu của Trần Thuyên đã đủ chặn họng, không để tôi nhắc tới mấy bà vợ của anh nữa.
Qua thêm một tuần rượu, dường như Trần Thuyên vẫn còn lo tôi sẽ lảm nhảm về mấy chuyện không thích hợp, bắt đầu tìm cách lèo lái sang chủ đề khác.
Khung cửa sổ hơi hé, bên ngoài lặng gió, chỉ thấy vài ánh sao le lói, điểm chấm trên nền trời thăm thẳm.
"... Khi ấy nàng còn bắt ta rửa bát, đúng là khi quân phạm thượng!" Tay Trần Thuyên chống cằm, miệng trách móc nhưng đôi mắt đang nhìn tôi lại dịu dàng như sóng nước.
"Ai bảo Quan gia và Học sĩ Tái kết hợp lại lừa em chứ!" Tôi rụt cổ, lí nhí bao biện. "Quan gia đã cố tình giấu diếm, thân là con dân của ngài, em càng phải chấp hành."
Chúng tôi ôn lại biết bao kỷ niệm cũ, chỉ biết thở dài cảm thán. Mới vài năm ngắn ngủi mà như đã trải qua cả kiếp người.
"Phải rồi!" Trần Thuyên đột ngột đứng bật dậy, nở nụ cười rạng rỡ. "Nàng còn nhớ... cái ngày chúng ta chèo thuyền ra giữa hồ Nhật Thịnh..."
Tôi chắp tay trước ngực: "Dạ, dạ. Quan gia muốn một khung cảnh lãng mạn nên thơ, ai ngờ em lại rơi xuống nước..."
Nhiệt độ xung quanh giảm xuống vài phần, tôi thương cảm cho cái mạng quèn của mình, chẳng dám nói tiếp.
Vị hoàng đế trẻ tuổi lại coi như không có chuyện gì, thoắt cái đã bày ra vẻ mặt hớn hở: "Khi ấy để lại nàng ngồi ngoài mạn thuyền, vốn là muốn mang đến cho nàng một bất ngờ. Ta vẫn còn giữ chiếc cốc hoa cúc xấu xí của nàng đó!"
Đến lượt tôi lườm Trần Thuyên, muốn lòi cả hai con mắt ra ngoài.
"Quan gia cất ở đâu, để em đi lấy cho." Dù sao chiếc cốc ngày ấy cũng xấu thật, tôi nào có tư cách phật lòng. Chưa nói đến việc tôi không biết nhào nặn, tới vẽ mấy cánh hoa cúc trang trí cũng lộn xà lộn xộn... Hẳn là suốt nhiều năm qua, Trần Thuyên chỉ giấu kín nó trong hộc tủ nào đó, chưa một lần lấy ra sử dụng. Ừm, tránh bị kẻ khác chê cười.
Vì đứng dậy quá nhanh nên máu không kịp điều hoà, tầm mắt tôi như biến thành kính vạn hoa, cả người ngả nghiêng.
Trần Thuyên đã dời gót nhưng vẫn kịp xoay người, cánh tay rắn rỏi vươn ra, đỡ lấy eo tôi.
Tâm trí tôi không còn thanh tỉnh như bình thường, bỗng thấy sợ hãi, vội níu lấy áo Trần Thuyên rồi thở hắt ra một hơi.
Hai tay run rẩy, gương mặt anh gần trong gang tấc, tôi có thể trông rõ sao trời lấp lánh trong đôi mắt phượng kia.
Hai chúng tôi khựng lại nhìn nhau, anh hơi nhíu mày, chẳng rõ đang do dự hay trong lòng anh chất chứa điều gì.
Trần Thuyên mạnh mẽ kéo tôi lại gần hơn, một tay đỡ gáy tôi, để tôi thuận thế gác cằm lên vai anh.
"Niệm Tâm." Anh thì thầm, gọi tên tôi.
"Nàng đừng đi. Đừng bỏ ta lại nơi này... một mình."
Giọng Trần Thuyên trầm khàn, tựa rút ruột rút gan, mượn hơi men để thổ lộ những lời tận đáy tâm can.
Từng chữ... từng chữ... như vết dao khắc xuống trái tim, thoáng chốc, sống mũi tôi cay xè.
Tôi vòng tay ôm lấy Trần Thuyên, chỉ thấy ngàn câu vạn chữ... cũng không bằng khoảnh khắc này.
"Em ở đây, trong tầm mắt của chàng, cùng chàng sóng vai."
Lời còn chưa dứt, Trần Thuyên đã buông tôi ra, trên mặt là biểu cảm kinh ngạc chẳng thể che giấu.
Trong suốt mấy tháng qua, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi biểu lộ rằng mình đã hoàn toàn chấp nhận cuộc sống tại cung cấm. Trần Thuyên chiều chuộng tôi là thế, một phần cũng bởi anh hiểu được tôi chỉ mong ngóng được sải cánh tự do, thoát khỏi chốn cầm tù này.
Tương lai của tôi chỉ có Trần Thuyên, vì vậy, anh sẽ là bầu trời của tôi, lá chắn của tôi.
Nụ cười nhuốm dần lên khoé mắt, Trần Thuyên cố nén niềm vui, từng ngón tay đan chặt: "Dẫu non mòn bể cạn, hai ta sẽ luôn kề vai sánh bước, không phụ lương duyên." [8] [9]
Dẫu non mòn bể cạn, hai ta sẽ luôn sánh bước, không phụ lương duyên.
Tôi lặp lại lời Trần Thuyên trong đầu như tự nhắc nhở rồi hạ quyết tâm, kiễng chân hôn lên má anh. Đương lúc Trần Thuyên còn ngỡ ngàng vì hành động có phần ngoài sức tưởng tượng này, tôi gác tay lên vai anh rồi kéo xuống, "tặng" thêm một nụ hôn lên phía còn lại.
Trông dáng vẻ bối rối của Trần Thuyên mà tôi không kìm được, bật cười vui vẻ. Anh biết tôi đang trêu chọc mình, chẳng lấy làm giận mà nhanh chóng tóm lấy cổ tay tôi, không cho tôi cơ hội trốn chạy.
Trần Thuyên khẽ cúi đầu, ánh nhìn xoáy sâu vào tôi.
Ngọn đèn nhảy múa trong mắt anh biến thành rừng lửa cháy, lan tới nơi gò má tôi nóng rát, cuộn lại trong lồng ngực dậy sóng.
Không gian tĩnh mịch tột cùng, chỉ có nhịp đập dồn dập, trái tim cả hai đang thét gào.
Còn có...
Tiếng Trần Thuyên nỉ non, chứa chan biết bao nhiêu tâm sự.
"Niệm Tâm."
"Niệm Tâm..."
Hai chữ, xoá đi cách biệt bảy trăm năm. Thời gian tựa hồ ngưng đọng.
Tôi rủ hàng mi, cảm nhận bàn tay Trần Thuyên đang giữ eo mình khẽ dùng lực, tay kia nhẹ nhàng nâng cằm tôi lên. Cánh môi anh lướt qua chóp mũi, đặt xuống môi tôi một nụ hôn dịu dàng, nâng niu hết mực.
Hơi thở dần đan xen, động tác của Trần Thuyên càng thêm mãnh liệt.
Anh đã kiên nhẫn, chờ đến khi tôi thật sự nhận lời, quyết tâm ở lại bên anh.
Tôi như nghẹt thở, chỉ biết nhắm chặt hai mắt lại, ngẩn ngơ để mặc anh bế lên sập lớn.
Đầu ngón tay mát lạnh vuốt ve bờ vai trần, Trần Thuyên lưu luyến rời khỏi môi tôi, chậm rãi cúi đầu đặt thêm những dấu ấn sâu sắc lên cổ, trên xương quai xanh của tôi.
Lý trí đã cạn kiệt, thân thể tôi bồng bềnh giữa chốn bồng bềnh mây trắng, từng vị trí nơi anh đi qua đều trở nên nóng rát, nhưng cũng thật ngọt ngào xiết bao.
Dây yếm khẽ buông, tôi không còn muốn tránh né thêm, choàng tay níu Trần Thuyên trở về, trả lại anh một nụ hôn nồng nàn gấp bội.
Đêm xuân trăng tỏ sao thưa, nơi này triền miên quấn quít.
Thiên nhai hải giác, nhất phiến đan tâm. [10]

[1] Trích thơ "Cúc hoa kỳ 6" của Huyền Quang thiền sư.
Có lẽ bài thơ này khá quen thuộc với độc giả của MTHV rồi 🌸
[2] Khu Na: Lễ trừ tà, được tổ chức vào giao thừa
[3] Tình tiết hoàng đế triều Trần mặc cổn phục vào đêm Giao thừa chưa có sự chứng thực
[4] Miện lưu: Dải tua đính ở mũ miện
[5] Chi tiết cung Động Nhân tham khảo trong sách An Nam Chí Lược nhưng được tác giả hư cấu thêm
[6] Trích thơ "Xuân nhật hữu cảm kỳ" / "Cảm xúc ngày xuân kỳ 2" của Chiêu Minh vương Trần Quang Khải.
Dịch thơ: Ngô Tất Tố
[7] Trích Kinh Thi (Thường Đệ - thuộc Tiểu Nhã) - Khổng Tử
Mang nghĩa: Không có ai bằng anh em.
[8] Cụm "non mòn bể cạn" được lấy cảm hứng từ tác phẩm Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ
[9] Lương duyên: Mối duyên tốt lành, cũng chỉ duyên vợ chồng.
[10] Thiên nhai hải giác, nhất phiến đan tâm: Chân trời góc bể, một tấm lòng son.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.