Mê Hành Ký

Chương 14: Cựu sự thê lương




Mưa dầm dề, tháng Năm hoa nở.
Cây hợp hỷ trong sân viện đã hé mở búp hoa đỏ thắm. Lá hợp hỷ giống lá của cây bồ kết vừa dài vừa mỏng, cành cây xù xì, mọc vươn ra ngoài mấy trượng, mấy cây dây leo màu tím cuốn chặt lên đó.
Gió vuốt ve khuôn mặt, hương hoa nức người.
Chàng đột nhiên nhớ tới một câu trong sách y:
“Muốn trù cáu giận của người ta thì nên tặng thanh đường.”
Thanh đường chính là hợp hỷ. Lá cây sớm mở tối thu, nên còn có tên là “dạ hợp”, “hợp hôn”. Dần dần, người đời gọi nó là “hợp hôn[1]”.
[1] Chữ “hôn” đầu tiên là hoàng hôn, chữ “hôn” thứ hai là hôn nhân. Đây là cách chơi chữ đồng âm khác nghĩa.
Đỗ Tử Mỹ[2] có câu rằng: “Hợp hôn hoa đương nở, Uyên ương chẳng lẻ đôi[3]”, chính là ý này.
[2] Đỗ Phủ (712 - 770), tự Tử Mỹ, đại thi nhân thời Đường, Trung Quốc.
[3] Hai câu trong bài Giai nhân của Đỗ Phủ: Hợp hôn thượng tri thời, Uyên ương bất độc túc.
Còn nhớ gốc dạ hợp này với cây tương tư kia là do một vị bằng hữu của ông ngoại đem về từ Lĩnh Nam. Vốn cho rằng khí hậu không hợp, trồng cũng chẳng sống được lâu, không ngờ trồng ở đây rồi, mười năm đầu đã vươn cao tới năm trượng, hoa nở sum suê nhưng lại không kết hạt. Mấy năm Hà Y mới tới, hồng đậu lại cứ thế kết rộ rụng đầy sân.
Người trong ốc thường lấy hồng đậu hòa gạo nếp và than để cất giữ long não. Nghe bảo làm như thế, mùi hương của long não có thể tỏa lâu mà không tan. Đêm hè, hai người thường ngồi dưới hai cây này uống nước đá hóng mát.
Dạ hợp hoa khai mãn viện hương,
Đêm khuya rượu tỉnh mưa vấn vương.
Thư xa trân trọng chưa gửi được,
Chuyện cũ thê lương chẳng dễ nghe…[4]
[4] Trích bài Biểu huynh thoại cựu (Anh họ nói chuyện xưa) của Đậu Thúc Hướng thời Đường.
Chàng buồn rầu nhớ lại bài thơ cổ này, buồn rầu nhâm nhi ly rượu trong tay.
Có một cái bóng nhỏ bé chạy đi chạy lại dưới cây tương tư trước mắt, nhặt từng hạt từng hạt hồng đậu rơi đầy đất lên, nhét vào cái túi đỏ be bé.
“Cha ơi, xuyên cho con một sợi có được không?”, Tử Duyệt nũng nịu chạy tới trước mặt chàng, kéo tay, đổ một vốc hồng đậu vào lòng bàn tay chàng.
Thời gian thấm thoắt, cô bé đã có thể nói, tuy rằng vẫn cứ ngọng nghịu, không rõ lời.
Chàng thở dài một tiếng, đáp: “Ừ”, nói rồi tìm kim chỉ, xuyên từng hạt từng hạt lại với nhau.
Thân hình nhỏ bé kia ngồi bên chân chàng, tay cứ níu lấy tay chàng. Chàng cảm thấy thân thể con gái nóng bừng, y phục đã ướt đẫm một mảng.
Xem ra con bé có mái tóc đen giống Hà Y, vừa thô vừa dài. Bây giờ cũng cuộn lên thành một búi sau đầu.
Nhìn tới nhìn lui, đây hình như là điểm duy nhất Tử Duyệt giống mẫu thân nó.
Chàng cười khổ.
“Không được chạy linh tinh, không được tới ven hồ, nghe chưa?”, chàng vuốt ve đầu con gái, cảm thấy chân cô bé lại bắt đầu muốn cựa quậy. Tử Duyệt đúng là chẳng thể ngồi yên một khắc.
Điểm này thì hoàn toàn giống Hà Y.
“Ưm, phụ thân, con đi trèo cây một tẹo…”
“Tìm cây thâm thấp mà trèo, nếu không bị ngã, phụ thân không đỡ nổi con”, chàng cố ý đanh mặt.
“Vâng ạ”, nói xong là chạy biến.
Chàng xuyên xong chuỗi hồng đậu bèn lấy kéo lách cách mấy tiếng, cắt cái móc khóa một chuỗi vòng ngọc trai trong hộp đồ trang sức, buộc vào hai đầu chuỗi hồng đậu.
Xỏ hồng đậu vội vàng, ngón tay đã bị kim đâm tứa máu.
Vừa ngẩng đầu, ánh mặt trời chói mắt khiến chàng hoa mắt.
“Tử Duyệt”, chàng đảo mắt nhìn bốn phía, không thấy bóng con, bèn gọi một tiếng.
“Con ở đây!”, tiếng cô bé vọng ra sau một bụi cỏ.
Tử Duyệt chạy lại, mặt mũi đỏ hồng, mi mày nhíu chặt, biểu hiện trên mặt rất lạ.
Chàng đeo chuỗi vòng hồng đậu cho con gái.
“Con… con bị ong vò vẽ đốt rồi…”, cô bé vốn đang cố chịu đau, cuối cùng nước mắt rơm rớm nhìn chàng.
Không cần phải nói, chàng nhìn thấy rồi. Trên trán Tử Duyệt đã sưng lên một cục to tướng.
“Để cha xem nào.”
Chàng đau lòng ôm lấy con gái, đặt ngồi lên chân mình rồi quay xe lăn vào phòng bôi thuốc cho cô bé. Tử Duyệt khóc lóc không ngừng, vừa khóc, vừa víu tay áo chàng lau nước mắt.
“Được rồi, sau này không vào bụi cỏ đó nữa nhé”, chàng an ủi con.
“Đau quá… hu hu… vừa đau vừa ngứa”, Tử Duyệt bắt đầu lớn giọng khóc to.
Trông cô bé đáng thương nhường ấy, trán đã sưng vống lên.
Chàng chỉ đành thoa thêm thuốc, dỗ dành rất lâu, Tử Duyệt mới từ từ cuộn mình trong lòng chàng ngủ thiếp đi.
… Không nhớ nổi đây đã là lần thứ mấy con bé bị ong đốt rồi. Tóm lại, hình như cứ được vài ngày là con bé lại bị thương, lần nào cũng khóc tới khi khản tiếng kiệt sức. Mà cứ khỏi rồi, con bé lại lập tức chạy đi nghịch ngợm những trò nguy hiểm khác.
Trẻ con hai tuổi chẳng quản nổi nữa rồi, chàng thầm thở dài một tiếng.
Thực ra, trẻ con hai tuổi đối với chàng mà nói đã rất nặng rồi, chàng phải tốn rất nhiều sức mới có thể đặt Tử Duyệt lên giường một cách yên ổn.
Thời gian thừa ra, chàng phê duyệt y án một canh giờ, sau đó Phượng tẩu tới bế Tử Duyệt đi.
Thoắt cái trong viện lại yên ắng trở lại.
Ăn xong cơm trưa, chàng tới tiểu đình giữa hồ, đưa mắt ngắm nhìn cảnh sắc giữa hồ.
Mặt hồ lớn trong sáng man mác này vốn nằm giữa hai ngọn núi lớn, không biết vì sao, gần đây lúc nào chàng cũng chỉ nhìn thấy ngọn núi bên trái.
Con bên phải, luôn là một màu trời nước mênh mang lãng đãng lúc ẩn lúc hiện vô cùng tận.
Nghìn năm thoáng chốc, mạch núi từ huyền cổ tới nay cũng có thể trong chớp mắt biến mất trong mắt chàng.
“Hà Y, ta cũng không biết ta làm sao rồi”, chàng lẩm bẩm.
Trước mặt, bóng hình áo tím nhạt kia lại xuất hiện.
“Chàng chỉ là đang nghĩ quá nhiều thôi”, nàng cười, tay nâng ly trà.
Chàng cũng khẽ cười nhìn nàng, người kia cười vang rồi chợt mờ ảo đi. Mộ Dung Vô Phong choàng tỉnh, nhanh chóng rời khỏi tiểu đình đó.
Lúc tất tả tới nơi, trong phòng chẩn bệnh các đại phu đã tề tựu đầy đủ.
Sau khi Trần Sách bình phục vết thương, vẫn tiếp tục chủ quản y vụ ngoài cốc. Mộ Dung Vô Phong bình thường giữ Sái Tuyên lại phòng chẩn bệnh, một là bởi vì ở phòng chẩn bệnh của chàng có nhiều bệnh nhân nặng nhất, hai là vì chàng không khỏe, lại không muốn phiền người khác, trang viện của Sái Tuyên thì ở gần chỗ chàng nhất.
Chàng rửa tay, rồi ra lệnh, ba người bắt đầu kiểm tra thương thế của bệnh nhân. Lật người bệnh nhân qua lại một lúc, Vương, Sái hai người mỗi người lại chẩn ra mạch khác nhau, mọi người thảo luận một lúc, Vương Tử Kinh liền nói: “Đây là chứng thương thấp, mồ hôi chảy quá nhiều, tứ chi không động đậy được. Học trò đã thử dùng canh nhân sâm dưỡng khí nhưng không thấy có hiệu quả gì”.
Sái Tuyên nói: “Sách Nội kinh viết: ‘Sốt cao quá mức, dùng vị ngọt mát để chữa, lấy vị chua mà khống chế’, học trò cho rằng đường quy vị cay nồng, vỏ quýt vị đắng chát, bạch thược lại có tính hàn, ba loại này có thể dùng được, bổ tì, kiện phế”.
Mộ Dung Vô Phong gật đầu: “Anh nói không sai, đây rõ ràng là chứng thấp thương nên bị uất khí mà bại liệt. Đầu tiên dùng phương thuốc của anh, nếu như toàn thân bệnh nhân nóng lên, thì dùng thêm xuyên liên, sinh truật, hậu phác, quật bạch, đại hoàng. Còn như bụng trướng lên, thì dùng ngũ linh tán và nhị truật cao. Loại bệnh kéo dài này, chỉ có thể điều dưỡng như thế, không vội được, càng không được vì muốn thấy có hiệu quả mà dùng thuốc mạnh”.
Vương Tử Kinh vội đáp: “Thưa vâng”, rồi rất nhanh chóng ghi lại ý chàng, phái một đệ tử mang đơn thuốc tới phòng thuốc.
Mộ Dung Vô Phong nói: “Người tiếp theo là ai?”.
Sái Tuyên cười nói: “Hẳn tiên sinh quên mất rồi, vị này là bệnh nhân cuối cùng của hôm nay. Một lúc nữa học trò và Vương đại phu sẽ tới chỗ Ngô đại phu. Tiên sinh bệnh nặng mới khỏi, vẫn nên về nghỉ ngơi sớm thì tốt hơn”.
Vì không muốn chàng mệt mỏi quá độ, Sái Tuyên cố ý đem bệnh nhân chuyển hết cho Ngô Du.
“Xem ra hôm nay cũng không bận lắm”, Mộ Dung Vô Phong nói.
Sắc mặt chàng vẫn trắng tái tới đáng sợ, thêm vào đó là thân hình gầy gò cực độ. Công việc chẩn trị, đại khái chàng chỉ có thể duy trì trong một canh giờ.
Sái Tuyên đáp: “Thưa vâng, hiếm khi được thoải mái, học trò đưa tiên sinh về”.
Chàng lắc đầu: “Không cần, một lúc nữa Hà Y sẽ tới đón ta”.
Hai người kia sững người, bốn mắt nhìn nhau.
Ánh mắt Mộ Dung Vô Phong ngơ ngẩn nhưng lại có thêm một tầng ấm áp rất lâu không thấy.
Sái Tuyên lắp bắp nói: “Đã… đã như vậy, học trò đi pha… pha trà cho tiên sinh”, trong lòng buồn rầu lo lắng, giọng nói không khỏi có chút run rẩy.
“Đa tạ, ta ở đây đợi nàng, các anh cứ đi trước đi”, chàng đón lấy tách trà, uống một ngụm.
Trà vị rất nồng, có phần đắng chát. Chàng thong thả thưởng thức chợt nhận ra hai người trước mặt vẫn cứ đứng nguyên ở đấy không động đậy bèn ngẩng đầu hỏi: “Sao các anh còn chưa đi?”.
Sái Tuyên cười cười, cười tới mức càng thêm miễn cưỡng: “Học trò… học trò… chỉ lo… vạn nhất… vạn nhất… phu nhân quên thì sao?”.
“Nàng đã bao giờ quên chưa?”, chàng từ tốn hỏi ngược một câu, tựa như vấn đề của Sái Tuyên thật quá hoang đường.
Chẳng biết làm sao, lại sợ chàng lúng túng, hai người Sái, Vương chỉ đành lui ra khỏi cửa nhưng vẫn không yên tâm, đứng xa xa ở một góc hành lang đợi xem chàng.
Một lúc sau, Vương Tử Kinh nói: “là cảm giác của tôi sai hay là…”.
Trong mắt Sái Tuyên thấy cay cay, nói: “Không sai…”.
“Vậy chúng ta nên làm thế nào?”
“Hy vọng đây chỉ là tạm thời. Có lẽ là vì tiên sinh bi thương quá độ… Trong cơn bệnh nặng, không tránh khỏi xuất hiện ảo giác.”
“Nói câu này huynh đừng có sợ, đây là lần thứ hai tôi gặp chuyện này rồi.”
“Tôi cũng thế. Lần trước, trong phòng còn có đầy học trò cơ.”
“May là lúc khám bệnh tiên sinh vẫn rất tỉnh táo…”
“Tính tình tiên sinh vốn sầu muộn kiệm lời. Nhất thời gặp việc thương tâm, trừ phu nhân ra cũng chẳng còn ai khác có thể khuyên giải. Bây giờ phu nhân đã khuất, tiên sinh… hằng ngày…”
“Rồi tiên sinh sẽ khỏe lên thôi.”
“Trà Thiết quan âm trong chén đã dần nguội lạnh. Mộ Dung Vô Phong ngồi tựa trên ghế, thân thể đã gần như hoàn toàn cứng đờ.
Lơ đãng nhìn bóng chiều chậm chạp ngoài rèm, chàng đợi chờ tiếng bước chân quen thuộc kia vang lên.
Đợi rèm châu được bàn tay kia vén lên kêu “đinh đang”.
Chàng đợi trọn một canh giờ, Sái Tuyên và Vương Tử Kinh cũng ở bên ngoài từng ấy thời gian.
Cuối cùng, một bóng hình lẻ loi cũng xuất hiện trên hành lang, chàng mệt mỏi, khó khăn đi ra ngoài phòng, khuôn mặt toát lên vẻ mất mát khiến người ta thấy mà tan nát cõi lòng.
Bóng chàng dần khuất phía xa, hai người chợt cảm thấy bi thương trào lên, nước mắt không kìm được cứ trào ra mãi không thôi.
Những ngày tiếp theo, bệnh tình của chàng không hề thuyên giảm.
Dần dần, các đại phu trong cốc cũng quen với ảo giác của chàng, không bàn tán nữa. Chàng thì lúc tỉnh tảo, lúc mơ hồ. Chỉ sợ bệnh tim chàng bộc phát, cứ khi nào chàng xuất hiện ảo giác thì mọi người đều hoặc là giả vờ không nhìn thấy, hoặc là đáp qua quýt với chàng, tuyệt đối không dám nhiều lời, càng không dám vạch trần sự thật làm tăng thêm nỗi thống khổ của chàng.
Chàng bắt đầu liều mạng vùi đầu vào công việc, lại bận rộn như xưa. Ngày nào cũng phải xem qua tất cả y án, tự mình sắp xếp và phân phối tất cả bệnh nhân.
Vào thời diểm bận bịu nhất, chàng lại chẳng quản xem thân thể mình có chịu nổi hay không, bất kể ngày đêm làm việc không nghỉ.
***
Mùa thu năm nọ, đột nhiên có một vị thương nhân Ba Tư tới Vân Mộng cốc, dùng thứ tiếng Hán cứng ngắc giới thiệu với các tổng quản một hộp chứa ba mươi viên thuốc đem về từ nước Cổ La xa xôi.
Tên thuốc, miễn cưỡng dịch sang Hán văn gọi là “Địch nô thống cân hoàn”.
“Trong sách dược quả thật cũng có ghi, chỉ là không biết thuốc này là hàng thật hay hàng giả”, Sái Tuyên nhìn món hàng thương nhân Ba Tư đưa tới, rồi bổ viên thuốc ra, dùng các phương pháp kiểm tra dược tính, cuối cùng gật đầu, nói với Triệu Khiêm Hòa: “Mua được đấy, chín phần mười là thuốc thật”.
Nghe nói thuốc này trị phong thấp cực kỳ hiệu nghiệm, chỉ là từ trước tới nay chưa có người nào ở trung thổ dùng qua.
Ba mươi viên thuốc nho nhỏ này, tay thương nhân người Ba Tư tên Đóa Nhan chai mặt kiên trì đòi năm vạn lượng bạc.
“Nếu như thuốc này có thể chữa được chứng bệnh hành hạ quý cốc chủ bao nhiêu năm nay, chớ nói năm vạn lượng bạc, có là một trăm vạn lượng bạc cũng đáng”, đôi mắt màu lam của Đóa Nhan lấp loáng, dùng giọng điệu kỳ dị nói.
Triệu Khiêm Hòa và Quách Tất Viên nói rách mép, cuối cùng cũng giảm xuống giá ba vạn lượng thành giao, lúc phấn khởi đem tin này báo cho Mộ Dung Vô Phong, chàng lại chẳng mảy may hứng thú.
Thuốc đó cứ để mãi trên cái giá đầu giường chàng, trước sau chưa hề được mở ra.
Qua mấy ngày, chàng gọi người tìm một chiếc rương gỗ, đảo mắt nhìn quanh rồi bắt đầu thu thập di vật của Hà Y.
Tất cả y phục của nàng, từ trong ra ngoài, từng bộ từng bộ được xếp chỉnh tề vào trong rương. Nhưng trang giấy nàng tập viết cũng được chàng đóng thành gần mười cuốn sách to nhỏ khác nhau.
Trên chiếc lược vẫn còn vương vài sợi tóc dài của nàng, chàng cẩn thận gỡ chúng ra khỏi răng lược, cất vào trong túi gấm, sau đó dùng tấm rèm lụa thêu hình con gián gói lại hết những bộ y phục nhỏ với chiếc giày tí xíu nàng làm cho Tử Duyệt.
Khóe mắt lại hướng vào cuốn sách đầy máu trên bìa đã biến thành màu đen.
Sau khi nàng chết, cuốn sách đã được đưa đi in, bây giờ các tiệm sách lớn đều đang bày bán.
Chàng thoáng nhìn cuốn sách một cái, tròng mắt lại đột nhiên ươn ướt, liền vội vàng tìm một mảnh vải cẩn thận bọc lại, giống như những thứ đồ vật khác, đặt hết cả vào trong rương, sau đó “lách cách” một tiếng, dùng một cái khóa lớn khóa chiếc rương gỗ lại.
Chỉ có một tấm áo tím nàng thường mặc là chàng giữ lại cất ở đầu giường.
Chàng vẫn giữ thói quen trước đây, đêm đến, chỉ có níu một góc tay áo Hà Y mới ngủ được.
Làm xong mọi việc, chàng thấy Phượng tẩu đã đưa Tử Duyệt tới.
“Tử Duyệt ngoan, phụ thân tháo vòng hồng đậu xuống cho con, có được không?”, cảm thấy vòng hồng đậu ấy quá bận mắt, chàng cầm một chuỗi hạt trân châu dụ con gái đổi.
Trên mặt cô bé lập tức hiện vẻ cáu giận, hai tay che chặt trước cổ, lớn tiếng: “Không được!”.
Chàng mặc kệ con, dùng sức giữ chặt lấy người Tử Duyệt, tháo bỏ móc khóa chuỗi hạt.
“Oa…”, Tử Duyệt khóc tới kinh thiên động địa, nước mắt tuôn như mưa: “Phụ thân xấu! Con không muốn phụ thân! Con muốn mẹ! Hu hu… con muốn mẹ!”.
Chàng thở dài một tiếng, lỏng tay ra, dịu giọng nói: “Phụ thân không xấu, con thích thì cứ đeo đi vậy”.
Tử Duyệt duỗi tay ôm lấy cổ chàng, níu chặt lấy người chàng như thạch sùng bám tường.
“Được rồi… Phượng tẩu, tẩu đưa nó tới chỗ khác chơi đi.”
“Ứ đâu! Con muốn ở cùng phụ thân cơ!”, đôi tay nhỏ trong lòng cứ bám chặt lấy chàng.
“Tử Duyệt… ngoan nào, chúng ta ra ngoài đi. Phụ thân con đang ốm đấy”, Phượng tẩu vội kéo cô bé.
Chàng lại thở dài, mắt dõi theo bóng con gái xa dần.
Mặt trời chính Ngọ chiếu trên mái tiểu đình.
Chàng tới mép nước, quăng chìa khóa của chiếc rương gỗ xuống hồ.
“Hà Y… Ta phải quên nàng”, chàng sầu muộn đăm đăm nhìn từng gợn sóng lăn tăn, “Vì Tử Duyệt, ta vẫn phải sống tiếp”.
Chiếc chìa khóa nhanh chóng chìm xuống, chớp mắt đã không thấy đâu nữa.
Nếu như ký ức cũng có thể biến mất nhanh như thế thì tốt rồi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.