Chiếu là thiên mệnh. Nhận chiếu dù có hoài nghi điều gì cũng phải tỏ như không biết mà chấp hành. Điều đó có lẽ hoàn toàn đúng với lão tướng Hoàng Kiến Đạt lúc này. Ngồi thu mình trong góc phòng, lão Hoàng rơi vào trầm tư, ông hoài nghi mệnh lệnh của thiên tử nhưng rồi gạt phắt đi một cách nhanh chóng. Quần thần nghi ngờ vua chúa là phạm thượng khi quân, là tội chết.
- Bố! Bố có nghe thấy con nói gì không?
Một tráng niên mặc giáp bước vào gõ cửa, lại gõ mấy cái xuống mặt bàn, cất tiếng gọi lão tướng Hoàng.
- À... à... Có... có... Con gọi bố có việc gì à?
Lão tướng ngẩng đầu nhìn con trai, gật đầu nói. Như nhớ ra gì đó, lão tướng liền nhìn con hỏi:
- Kiến Phúc nói con hôm nay ở thao trường cả ngày, sao lại về rồi?
- Sao con lại về à? Con nghe mấy tên lính phủ Tể tướng bàn tán chuyện bố được phong làm Định Biên Tả phó tướng, cùng với Phạm Văn Đăng là Định Biên Hữu phó tướng, dưới quyền thập tứ hoàng tử đi bình định Ô Lạp Quốc. Con muốn về hỏi xem có thật là vậy không?
Hoàng Kiến Đạt vuốt chòm râu trắng, nhắm mắt gật đầu. Trái ngược với thái độ hết sức bình tĩnh của Hoàng Kiến Đạt, Kiến Huy nắm tay đấm hết sức bình sinh vào cây cột:
- Mẹ kiếp! Đây rõ ràng là tìm thua còn gì! Một hoàng tử ở trong chùa từ nhỏ, một tên thái giám còn chẳng biết binh pháp gì. Con nghĩ tờ chiếu này bảy, tám phần là do tên Tể tướng kia mạo danh viết ra.
Lão Hoàng rót hai chén trà, nghe con nói đến 'tên Tể tướng... mạo danh viết ra' thì vội giơ tay bịt miệng con:
- Hoạ từ miệng mà ra biết không! Ăn nói cho cẩn thận vào. Dù sao tương lai người ta cũng là Quốc trượng đó biết không? Ta nghĩ cũng chưa chắc đã thua được. Nghe nói vị hoàng tử đó học võ với Đào Hằng từ thuở nhỏ, nên ta đoán cũng không hẳn là bạch diện thư sinh yếu ớt như mọi người nghĩ.
- Bác đó là ai vậy? - Hoàng Kiến Huy nắm tay bố bỏ xuống, gật gật đầu như để xác nhận "Con biết rồi! Con hiểu rồi!", khi nghe nói đến Đào Hằng thì nổi tính tò mò hỏi.
- Nhà họ Đào mấy đời nay quy ẩn, không ra làm quan nên thế hệ các con không biết cũng phải. Để ta nhớ coi, con chỉ cần nhớ một điều đó là nhà họ Đào cũng như họ Hoàng ta, nhiều đời là võ quan, đều là khai quốc công thần thời Thái Tổ dựng nước, có thể coi như danh gia vọng tộc.
- Thì ra là vậy! Nếu vậy chúng ta cũng có chút hi vọng rồi, điều cần lo lúc này là tên phó tướng thái giám đó.
- Không, việc đó không quan trọng bằng quân lính. Con với Kiến Phúc, còn có mấy người nữa, từ giờ tới hôm ra trận, tập trung rèn quân.
- Thuộc tướng tuân lệnh Thái úy!
...***...
Nắng mùa hè gay gắt từ buổi sáng sớm. Khôi giáp cũng hai lớp, thêm lớp quần áo thường nữa khiến người ít mặc quân phục như Đức Hạo thấy bí bách. Nhưng thân là chủ tướng, là người đứng đầu hơn mười vạn quân binh, Đức Hạo vẫn cố ôm cây thương đứng dưới lễ đài xem trọn vẹn lễ khao binh xuất quân của triều đình.
Nhưng sốt ruột hơn cả vẫn là Sùng Chương Hoàng đế bởi bài văn tế do tứ đại học sỹ phân công soạn dài lê thê. Đức vua ngoài miệng đọc, nhưng hồn trí lúc này đã trở về Ngự Hoa Viên với mấy mỹ nữ mới tiến cung, với những món kỳ trân dị bảo, với mấy vò rượu Vân Sơn Động.
"Còn một câu cuối nữa thôi!". Ngôn Tình Trọng Sinh
Sùng Chương đưa mắt nhìn tờ văn tế, nhủ thầm rồi đọc nốt. Cần Chánh điện Đại học sĩ định nói gì đó nhưng vẫn không nhanh bằng hoàng đế:
- Toàn quân nghe lệnh, Ô Lạp Quốc thẳng tiến! Xuất quân!
Hơn mười vạn quân binh cứ thế không cần ăn uống chi, cứ vậy mà lên đường. Đi đến xẩm tối thì Đức Hạo hạ lệnh:
- Toàn quân dừng lại hạ trại!
Phó tướng Phạm Văn Đăng nhìn trời nói:
- Hoàng tử, trời còn chưa tối hẳn, vẫn có thể đi thêm một lúc nữa!
- Phạm phó tướng vậy là chưa rõ rồi! Nơi này đồng không mông quạnh, có đi nữa cũng chỉ thêm nhọc sức mà thôi, chi bằng dừng lại nghỉ ngơi lấy lại sức. Còn về lý do hạ trại sớm thì các ông cũng thấy rồi đó, nơi này nhiều bụi rậm, là nơi ẩn náu của rắn rết, cần phải dọn dẹp mới có thể yên tâm hạ trại. Thêm nữa chúng ta cũng phải tranh thủ trời còn sớm để chuẩn bị bữa tối nữa, có đúng không nào hả Hoàng lão tướng?
Hoàng Kiến Đạt nghe lời giải thích của Đức Hạo thì vô cùng hài lòng nên khi nghe hỏi thì không do dự mà gật đầu. Đức Hạo xuống ngựa đi xung quanh xem đám lính phát quang bụi rậm.
- Mấy cậu qua đây đốn cây này xuống làm củi.
- Chẳng phải chúng ta có củi rồi sao?
Đức Hạo lắc đầu trả lời câu hỏi của đám lính:
- Mấy cây củi ngắn đó chỉ có thể dùng để nhóm lửa nấu ăn, còn dùng để giữ lửa thì không thể. Thêm vào đó, những nơi như thế này đêm tối thường xuất hiện động vật hoang dã, chắc các cậu không muốn mình vào bụng chúng trú đông đâu nhỉ?
Lão Hoàng đứng phía sau cũng phải phì cười trước lối ví von đầy hài hước này của Hạo. Nghĩ đến cảnh mình bị mấy thú hoang xâu xé đến mảnh xương cũng chưa chắc đã còn, đám lính liền trở lên lạnh sống lưng. Một tên dáo dác nhìn quanh:
- Tướng... tướng quân... chúng... chúng ta phải làm sao để thoát khỏi chúng?
Phạm phó tướng đứng phía sau cười:
- Có gì đâu mà phải sợ! Con nào đến trực tiếp giết con ấy là xong! Các ngươi ít nhiều đều từng học võ, chẳng lẽ lại sợ mấy con súc sinh đó?
- Mỗi canh giờ có một tiểu đội tám người canh gác, nếu là hổ đến còn có thể chống đỡ, nhưng nếu là chó sói thì hơi khó đấy.
Họ Phạm bị nói đến không còn gì có thể phản bác. Hoàng lão tướng nãy giờ im lặng cũng lên tiếng:
- Hoàng tử kiến thức uyên bác, chắc đã có diệu kế gì rồi chăng?
Một tên lính chỉ vào mấy cái thân cây vừa bị chặt đổ hỏi:
- Chẳng lẽ là đốt mấy thân cây này làm đám lửa lớn?
- Chính xác! Có đám lửa lớn, tầm nhìn trong đêm của chúng ta sẽ được mở rộng, không chỉ xua đuổi thú dữ còn giúp cho việc canh gác trở nên dễ dàng hơn.