Một Đời Không Quên

Chương 53:




Tiếng tin nhắn điện thoại vang lên làm tôi giật mình, Hải Đăng dặn dò:
“Sáng nay cô ở nhà nhận thuốc, bảo nhà bếp sắc uống rồi nằm nghỉ. Trong vòng sáu tháng tới cô không cần đến tổng công ty nữa.”
Tôi nhắn lại một tin đã hiểu rồi vào phòng tắm làm vệ sinh cá nhân. Khi tôi vừa bước ra, mẹ tôi cũng bưng một bát phở thơm lừng tiến vào, nhoẻn cười nói:
– Con ăn sáng đi, từ nay chịu khó tuân thủ điều trị. Mẹ nghe mấy cô nhà bếp nói vị lương y này từng chữa khỏi trọng bệnh cho mấy ông to trong chính phủ đấy. Trước ông ấy cũng từng chữa cho ông Quốc nên mẹ con mình cứ nghe cậu Đăng thôi con ạ. Sáng nay trước khi đi làm cậu Đăng dặn mẹ tám giờ bên họ đem thuốc đến, lúc ấy mẹ ra lấy cho.
– Vâng… vậy con nhờ mẹ.
Chúng tôi ở đây… dường như quá dễ dàng, cơm bưng nước rót tận miệng. Mẹ tôi vui vẻ cũng là dễ hiểu, còn tôi… lòng cứ nặng như có tảng đá lớn đè lên, muốn thoải mái cũng không sao thoải mái. Ăn xong bữa sáng tôi đi dạo một vòng quanh biệt phủ hít thở không khí trong lành. Đêm qua, sau khi chìm vào giấc ngủ bình yên tôi ngủ say đến lạ lùng. Sáng nay gần bảy giờ tôi mới thức giấc, lúc nhắn cho tôi chắc hẳn Hải Đăng đã đến tổng công ty. Biệt phủ vắng lặng chỉ vang lên tiếng chim hót rộn ràng, những bông hoa tươi thắm cùng đua sắc tỏa hương đang được một chú thợ làm vườn chăm sóc.
– Chú… hoa hồng đẹp quá, chú khéo tay thật đấy!
Tôi nở một nụ cười khen, đưa một bông hồng nhung to cỡ bát cơm lên mũi hít hà. Chú ấy cười làm những nếp nhăn trên khuôn mặt đen đúa giãn ra:
– Tôi làm thành quen rồi. Biết cách chăm nó tốt thì nó sẽ phát triển tốt, cũng không có gì khó đâu.
Tôi gật đầu, đưa mắt nhìn chú ấy tiếp tục tỉa tót. Có phải… tình cảm giữa người với người cũng như một cái cây, gặp gỡ nảy mầm, đâm chồi nảy lộc rồi đến một ngày đơm hoa kết trái? Vậy… tôi và anh… cái cây ấy là cái cây gì?
– Chú làm ở đây lâu chưa ạ?
– Tôi cũng mới làm ở đây khoảng nửa năm nay. Xong vườn hoa này thì lại ra ao chăm cho cá, rồi lại tưới tắm cho rau quả cũng hết ngày.
Vậy đúng là Hải Đăng thay hết người làm trong khoảng nửa năm nay, dường như từ lúc bà Dung lâm bệnh anh có quyết định như vậy. Lâu nay ông Quốc ít đến tổng công ty, dù đã hơn bảy mươi tuổi nhưng ông ấy vẫn khỏe khoắn, vẫn quan tâm sâu sát đến mọi chuyện trong Phong Sơn. Tôi muốn tránh chạm mặt ông ấy nên chỉ loanh quanh khu vực phía tây căn biệt phủ rộng đến cả nghìn mét vuông này, hơn nữa… tôi hoàn toàn không muốn chạm mặt cô y tá tên Thảo kia một chút nào.
Một hồi tôi quay trở lại phòng ngủ, mẹ tôi cầm theo một bọc thuốc gói thành năm gói giấy giơ cho tôi xem rồi nói:
– Ban nãy có người đến đưa thuốc sớm, mẹ biết nên chủ động ra lấy, không muốn ai động vào thuốc của con. Cái cậu giao thuốc bảo thuốc này ông Minh gửi vợ chồng cậu Lâm Hải Đăng, may mà mẹ ra lấy không lại rách việc. Cậu Đăng ấy… xem ra cũng có lòng với con, con tính thế nào?
– Mẹ… chỉ là anh ấy cảm thấy có trách nhiệm với chuyện ngày xưa thôi… Con với anh ấy vốn dĩ ở hai thế giới, làm sao mà tính gì được? Hơn nữa… giờ con ra thế này… cũng là lỗi ở con.
– Mày thế nào cũng là một đời chồng với nó, mẹ cứ nghĩ nó quất ngựa truy phong nhưng hiểu ra thì cũng không phải…
– Mẹ… mơ mộng gì đây hả mẹ? Người ta thế nào, mình thế nào chứ? Thôi mẹ đừng nhắc gì về chuyện này nữa mẹ nhé! Con có khỏi được bệnh hay không thì rồi mình cũng phải rời khỏi đây thôi!
Mẹ tôi lần chần muốn nói gì nhưng rồi đành thở hắt ra chấp nhận trước thái độ của tôi. Tôi không muốn mẹ nuôi hi vọng như cách đây sáu năm, càng trèo cao thì sẽ càng ngã đau mà thôi!
– Giờ mẹ vào bếp sắc thuốc cho con, chắc chắn không ai được động vào, ở đây không tin ai được cả con ạ. Con làm gì thì làm đi!
Mẹ ra khỏi phòng rồi tôi cũng lôi laptop ra làm việc. Hải Đăng không cho tôi tham gia chuyện ở Phong Sơn thì tôi đành tìm việc khác để làm. Nhận một công việc biên dịch online theo sản phẩm, tôi cặm cụi làm. Tiếng Anh vừa là công cụ hỗ trợ công việc vừa là phương tiện tôi kiếm sống những năm qua, tôi không muốn thời gian nghỉ ngơi dài hơi làm tôi quên mất những gì đã có trong đầu. Một hồi mẹ tôi đem bát thuốc đen sánh vào phòng, tôi nhăn mặt nuốt cạn, cảm giác hơi khó nuốt nhưng chỉ biết cố gắng đưa sạch vào bụng.
Mẹ tôi hài lòng đỡ lại bát thuốc dặn:
– Con nằm nghỉ yên đi nhé.
Mẹ chỉ sợ tôi không chịu tuân thủ lời khuyên, để mẹ yên tâm tôi gấp lại laptop rồi nằm xuống, mỉm cười nói:
– Con có dám làm gì đâu, mẹ cứ khéo lo. Một tiếng thì con chịu được mà mẹ.
– Thuốc này một ngày chia năm lần uống. Sáng, trưa, chiều, tối, đêm.
Ôi trời đất… thế này thảo nào vị lương y ấy yêu cầu bệnh nhân phải nghỉ việc. Nhưng… cách uống thế này cũng giúp cơ thể có thể ngấm một cách tốt nhất. Tôi méo xệch miệng vâng dạ, chấp nhận bước chân vào phác đồ điều trị mà sâu trong lòng… tôi chưa từng dám hi vọng quá nhiều.
Mười một giờ, tôi chưa dậy làm việc được bao lâu thì giờ cơm lại đến. Nằm rồi ăn, ăn rồi uống thuốc, uống thuốc rồi lại nằm. Thế này không biết mấy ngày tôi thành con heo nữa? Với chiều cao một mét sáu ba của tôi, sau một tháng làm việc ở Phong Sơn tôi trở lại mức cân bốn bảy, cảm thấy cũng vừa vặn rồi nhưng mẹ cứ kêu tôi gầy, chắc chắn mẹ sẽ hài lòng lắm khi thấy một con heo mang tên con gái mẹ xuất hiện!
Bịt mũi uống thuốc lần hai, tôi đưa tay đón lấy cốc nước lọc mẹ tôi cẩn thận rót sẵn. Mới hai bát thuốc mà tôi đã cảm thấy hoa mày chóng mặt với cái hương vị lờ lợ này, sáu tháng tới… tôi phải sống sao đây?
– Chịu khó con ạ… Uống xong thấy thế nào hả con?
– Cơ thể cũng không có phản ứng gì ạ, thế là yên tâm rồi mẹ.
Mẹ tôi nhíu hàng mày lo lắng cầm bát thuốc ra ngoài. Không bao lâu sau, tiếng gõ cửa bất chợt vang lên, người cất lời là Hải Đăng:
– Khanh, tôi vào phòng được chứ?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.