Mẹ tôi gật nhẹ, quyết định không nghĩ thêm, thở hắt ra nói:
– Được rồi, không cần phải suy nghĩ nặng nề như vậy, mẹ tin thằng Đăng nó không tệ bạc với con gái mẹ, mẹ chỉ sợ con ở cái nhà đó sẽ khổ, nhưng con cảm thấy điều gì là tốt hơn thì con làm.
Mẹ nhanh tay lau sạch bàn ăn thêm một lượt, đặt từng đĩa thức ăn lên đó rồi bước ra dỗ bố ngồi ăn. Tôi lo mẹ buồn, còn mẹ lo tôi khổ… Tôi có thể khổ được nữa không? Ít nhất thì lúc này tôi cũng không thể biết, chỉ biết trong sâu thẳm… niềm tin tôi dành cho anh mỗi lúc một lớn, mỗi lúc một khiến tôi có chút gì đó chờ đợi tối nay tôi sẽ được gặp anh. Việc tôi nói tôi muốn có quyền lực ở nhà họ Lâm… phần nhiều vì tôi muốn mẹ hiểu tôi có mục đích khi làm vợ anh, tôi đã chiến thắng trong cuộc đua của sáu năm về trước, còn thực lòng tôi không dám trông đợi quá nhiều khi chính Hải Đăng còn chưa thể tìm ra kẻ thù của anh, hoặc anh đã biết hắn là ai nhưng chưa đủ bằng chứng để ép hắn phải chịu trừng phạt.
Xong những việc thường lệ buổi tối, tôi pha ấm trà quý giá ngọt ngào rồi ngồi chờ đợi, trái tim tôi cứ vô thức nhịp nhịp theo từng tiếng tích tắc đồng hồ. Gần tám giờ rồi, liệu… anh và ông Quốc có giữ lời không?
– Cụ… cụ đến chơi ạ?
Mẹ tôi vừa mở cửa bởi chút trông ngóng trong lòng, bất ngờ mẹ giật mình, lúng túng khi thấy ông Quốc, chủ tịch hội đồng quản trị tổng công ty Phong Sơn xuất hiện. Ông Quốc mặc trên người bộ quần áo lụa đen sang trọng, đi sau ông là Hải Đăng một thân tây âu cao lớn kính cẩn cúi nhẹ đầu bước vào trong ngôi nhà có phần lụp xụp. Phía sau hai người họ, một dàn vệ sĩ mặc âu phục đen đeo kính đen đứng đó bảo vệ khiến hàng xóm láng giềng xôn xao nhấm nháy nhau tò mò đứng xem.
Tôi vẫn biết Hải Đăng thừa hưởng vẻ đẹp của người mẹ hoa khôi cùng người cha phong độ, vậy mà tối nay… dường như dung mạo tuấn tú của anh càng trở nên hút mắt làm tôi mê mẩn cứ ngây người ra ngắm. Anh lướt mắt qua khuôn mặt hồi hộp ửng hồng của tôi, dường như đôi môi kiêu bạc khẽ mím một nụ cười làm tôi giật mình, lập tức cúi xuống, hai má càng đỏ hơn.
Đứng sau lưng mẹ, tôi cũng mấp máy câu chào:
– Ông… cháu mời ông ngồi ạ.
Ông Quốc không kẻ cả mà ngồi xuống bộ bàn ghế gỗ đầy vết trầy xước, Hải Đăng cũng ngồi xuống cạnh ông. Mẹ tôi vội vã ngồi đối diện hai người họ rót trà vào chén rồi kéo tôi ngồi bên mẹ. Đối diện bộ bàn nước vừa là bàn ăn, bố tôi nằm ngủ quay lưng ra ngoài, chẳng biết bố có biết chuyện gì xảy ra với con gái bố hay không…
Ông Quốc nhấp môi ngụm trà theo phép lịch sự, đôi mắt tuổi già ấm áp nhìn anh rồi nhìn tôi, nhẹ giọng:
– Chị Quỳnh đừng khách sáo, ông cháu tôi đến đây để bàn chuyện hôn sự của bọn trẻ. Chắc chị cũng đã biết phải không?
Mẹ tôi hồi hộp đến mức âm giọng cũng lạc đi trước khí thế quá lớn của gia đình hào môn trước mặt, bà gật nhẹ mà viền mắt chuyển đỏ từ lúc nào.
– Thú thực với cụ, tôi nghe con Khanh nói mà tôi lo nhiều hơn là mừng. Cụ đúng là người nhân từ nhân nghĩa như biển mới có thể chấp nhận con Khanh nhà tôi làm con cháu nhà họ Lâm.
– Chị đừng nói thế, là gia đình chúng tôi có lỗi với con bé, cũng tại bà nhà tôi không biết nghĩ mới thành ra như vậy. Hai đứa chúng nó cũng coi như đã tỏ tường, chỉ thiếu một đám cưới, tôi nói thế có đúng không?
Mẹ tôi không trả lời cũng là thừa nhận. Ông Quốc cười hà hà, đặt tách trà xuống bàn, đi thẳng vào vấn đề:
– Tôi vốn để ý từ lâu, năm xưa thấy ánh mắt thằng Đăng nhìn con bé nhà chị tôi đã nghi ngờ nhưng nó giấu thân già này giỏi quá, lại dám làm bao nhiêu chuyện sau lưng, tuổi trẻ bồng bột mong chị thông cảm. Về nước một cái, bà nhà tôi ốm chưa bao lâu nó đã bảo tôi rồi bảo ba nó mời chị về làm quản gia, ba nó mải vui không quan tâm chứ tôi thì biết tỏng.
Ông Quốc khai hết chuyện làm vành tai ai kia đỏ ửng, anh khẽ huých khuỷu tay ông nhưng ông mặc kệ mà thao thao bất tuyệt vạch trần:
– Bao nhiêu năm nó ở nước ngoài rồi về Việt Nam, tôi vẫn sát sao theo dõi, tuyệt nhiên chẳng thấy đứa con gái nào, tôi còn đang lo sốt vó lên. Thế rồi nhà anh chị đến, nghe người làm kể chuyện mà tôi cũng mừng trong bụng. Hôm trước nó dẫn con bé đến chào tôi mà tôi lại tưởng chúng nó đến ra mắt tôi cơ đấy!
Tôi ngỡ ngàng mở to hai mắt nhìn Hải Đăng trong khi khuôn mặt anh lúc này không biết đã chuyển thành màu gì, vừa đỏ vừa trắng. Chẳng lẽ… bao nhiêu năm… anh không có ai cả sao? Vậy mà tôi cứ nghĩ anh ăn chơi bay bướm rách giời bên trời Tây rồi lại tiếp tục cái tật đó mà thoải mái buông thả ở Việt Nam. Hóa ra… sự thật lại không phải như vậy?
– Ông… ông nói gì thế…
Hải Đăng giật áo ông nội, điệu bộ sốt ruột ngại ngùng làm tôi cảm thấy vừa đáng yêu lại vừa buồn cười.
– Hà hà… ông nói thế sai à? Ông sợ con ế nên ông phải chộp ngay cơ hội, chứ ông không ép thì bao giờ con mới chịu cầu hôn con gái người ta hả?
– Được rồi… ông vào việc chính đi ạ!
Anh chịu thua người ông đáng quý này, khẽ nhướng mày thách thức khi tôi mím môi cười. Ông Quốc quyết định không làm cháu ông xấu hổ thêm nữa, e hèm một tiếng rồi nói tiếp:
– Chuyện anh Tùng nhà chị tôi không bàn đến, ai có tội đã phải chịu tội, người điên dở cũng đã điên dở, không thể làm khổ người khác mãi được. Tôi xem ngày đẹp là ngày hai mươi tháng tới, cũng còn gần một tháng nữa, đủ cho công tác chuẩn bị, chị thấy thế nào?