Mr Đà Điểu Của Tôi

Chương 85: Ngõ cụt




Thực ra Cố Minh Tịch đã từng nghĩ đến việc bán nhà. Số tiền cần phải chi tiêu quá lớn, mới gần một năm mà đã dùng gần hết tiền, nếu không bán nhà, cậu thực sự không còn có cách nào khác để mẹ tiếp tục chữa bệnh. Thế nhưng căn nhà lại được đăng ký dưới tên của Lý Hàm nên cậu cũng không thể tự ý quyết định được.
Trở về tỉnh Z, cuối cùng Cố Minh Tịch và Lý Hàm cũng được vào ở trong căn nhà mới của họ, song chẳng có bất cứ ai cảm thấy vui vẻ. Ngày ngày Lý Hàm tĩnh dưỡng trên giường bệnh, còn Cố Minh Tịch thì nằm luôn dưới nền nhà để tiện chăm sóc mẹ.
Vào một buổi tối, Lý Hàm trằn trọc trên giường hồi lâu mà vẫn chưa ngủ được. Thấy thế Cố Minh Tịch bèn ngồi dậy, khẽ hỏi: “Mẹ sao vậy ạ? Mẹ có khát nước không?”
“Không đâu con.” Lý Hàm thều thào đáp. Chị cảm thấy rất khó thở nên phải một lúc sau mới hỏi Cố Minh Tịch: “Minh Tịch, chúng ta còn bao nhiêu tiền?”
Cố Minh Tịch im lặng một lát rồi thành thật trả lời: “Không còn nhiều ạ.”
“Chắc không thể lấy lại số tiền cho cậu con vay rồi. Không phải cậu con không muốn trả mà thực sự là không có tiền, thôi, đành vậy.” Lý Hàm cười khổ nói: “Con cũng đừng xin tiền bố con nữa, bố mẹ bỏ nhau rồi nên ông ấy không có trách nhiệm phải giúp đỡ mẹ.”
Cố Minh Tịch nói: “Những chuyện này mẹ đừng lo, con sẽ tìm cách, con sẽ vay mấy người bạn con quen chút đỉnh để dùng tạm.”
Lý Hàm lắc đầu: “Vay mượn người khác cuối cùng vẫn phải trả. Người bạn họ Sa đó đã cho con mượn đến 150 triệu rồi còn gì, số tiền đó cũng không thể cứ mượn mãi được. Về sau con trả tiền người ta kiểu gì?”
Thực tế là vậy nên Cố Minh Tịch không biết phải nói gì. Một lát sau cậu mới nghiến răng và nói: “Mẹ, nếu thực sự không còn cách gì nữa, vậy bán nhà đi ạ.”
“Không được!” Lý Hàm tỏ thái độ kiên quyết nhưng giọng chị vẫn thều thào: “Minh Tịch, mẹ biết bệnh của mình, có chữa trị thế nào cũng không sống được lâu. Mẹ không buông xuôi cũng là vì con. Con không có tay, mẹ rất sợ phải bỏ con lại một mình trên cõi đời này, để được ở cạnh con thêm mấy năm nữa, có bỏ ra chút tiền cũng xứng đáng. Nhưng nếu phải dùng đến cái nhà này, mẹ sẽ không điều trị nữa đâu!”
“Mẹ…” Cố Minh Tịch ngồi xổm bên giường, cúi đầu áp sát hai má vào tay Lý Hàm. Bàn tay mẹ cậu vừa mềm vừa ấm, nhẹ nhàng vuốt ve hai má cậu, Cố Minh Tịch nói: “Không còn mẹ thì căn nhà này cũng trở nên vô nghĩa thôi. Mẹ, chỉ cần mẹ còn sống, mẹ con mình có đứng đường cũng chẳng sao!”
“Ngốc quá!” Lý Hàm mỉm cười vỗ nhẹ vào gáy con trai, cất giọng đầy yêu thương.
Sau một lúc im lặng, Lý Hàm lại lên tiếng: “Minh Tịch.”
Cố Minh Tịch ngước lên, “Con đây mẹ ơi.”
Lý Hàm thong thả nói tiếp: “Nói thật cho mẹ biết, trong lòng con có oán trách mẹ không?”
“…” Trong lòng Cố Minh Tịch đã đoán ra ẩn ý của mẹ, cậu đáp: “Không ạ.”
“Mẹ biết chắc chắn trong lòng con có trách mẹ. Chẳng lẽ mẹ còn không hiểu con trai mình hay sao?” Lý Hàm lại đưa tay vỗ về hai má Cố Minh Tịch: “Minh Tịch, hứa với mẹ là đến tháng chín con sẽ đi học trở lại, được không?”
Cố Minh Tịch lắc đầu, “Mẹ, con thực sự không muốn đi học, chỉ lãng phí thời gian thôi ạ.”
“Nếu vậy con sẽ không có bằng đại học.” Lý Hàm thở dài, “Sau này con sẽ làm gì chứ? Vả lại, như vậy… con sao dám đi tìm Sảnh Sảnh đây?”
“Con sẽ không đi tìm cô ấy đâu ạ.” Cố Minh Tịch bình thản đáp: “Con đã chào từ biệt cô ấy rồi. Bây giờ cô ấy sống rất tốt, sau này có thể sẽ thi nghiên cứu sinh hoặc làm một công việc nào đó với mức lương rất cao.”
“Vậy còn con?” Lý Hàm hỏi: “Tương lai của con sẽ thế nào? Minh Tịch, con đã từng nghĩ đến chưa?”
Cố Minh Tịch ngẫm nghĩ rồi gật đầu, “Rồi mẹ ạ, khi nào mẹ khá hơn con sẽ thử đi làm xem sao.”
Sau tết âm lịch, Cố Minh Tịch và Lý Hàm quay trở lại thành phố S, trở về căn phòng thuê chật hẹp gần kề bệnh viện.
Cậu bắt đầu tính toán một cách cẩn thận, đã biết cách mặc cả khi mua đồ ăn. Mỗi tuần cậu nhờ bác chủ nhà đi siêu thị cùng mình một chuyến để mua một số vật dụng cần thiết. Cố Minh Tịch toàn chọn những thứ giảm giá rồi nhét vào ba lô đeo về. Đối với hai thứ tương đối nặng là dầu ăn và gạo, Cố Minh Tịch sẽ mua luôn ở trong khu nhà để có người đưa đến tận nơi.
Đã lâu rồi cậu không mua quần áo mới, có những chiếc màu tối đã giặt nhiều đến phai màu nhưng Cố Minh Tịch hoàn toàn không bận lòng, cứ giặt sạch rồi mặc tiếp. Thậm chí cậu còn được Lý Hàm dạy cho cách dùng kim chỉ đơm cúc bằng chân, nếu chẳng may quần áo bị tuột đường chỉ, Cố Minh Tịch cũng có thể khâu lại để mặc tiếp.
Đôi lúc đến chính bản thân cậu cũng thấy khó tin. Trước đây mặc dù không đến nỗi không biết làm gì nhưng cậu thực sự không cần phải biết về việc nhà. Từ nhỏ đến lớn cậu chỉ học bài rồi tập vẽ, gia cảnh nhà cậu có thể xem như tương đối khá giả, chưa bao giờ phải buồn phiền về chuyện tiền bạc nên Cố Minh Tịch chưa bao nghĩ rằng lại có một ngày phải gánh hết mọi việc trong gia đình với cơ thể khiếm khuyết của mình.
Nhưng thực sự không còn cách nào khác, mẹ già yếu còn cậu thì đã trưởng thành, kể cả cơ thể có thiếu sót đến đâu thì Cố Minh Tịch vẫn là con trai của mẹ và là một người đàn ông. Đàn ông phải lo nghĩ nhiều việc hơn phụ nữ là chuyện bình thường, cậu đã ỷ lại vào mẹ suốt hai mươi năm qua, còn bây giờ là lúc mẹ phải dựa vào cậu. Cố Minh Tịch cho rằng mình nên suy tính cho cuộc sống một cách cẩn thận, lo lắng cho những ngày tháng sau này, không chỉ cho mẹ mà còn cho chính mình.
Hàu và Sò mười bảy, mười tám tuổi đã đi làm thuê, họ tự kiếm tiền nuôi bản thân và còn gửi về nhà giúp đỡ gia đình. Bây giờ Cố Minh Tịch đã gần 21 tuổi, trước giờ cậu chưa bao giờ kiếm được một đồng tiền nào. Trước mắt các khoản chi tiêu trong nhà đều dựa vào tiền tiết kiệm và lương hưu hàng tháng của mẹ, nếu cứ mãi như vậy, miệng ăn núi lở, thậm chí sẽ có lúc thu không đủ chi. Vậy nên Cố Minh Tịch cho rằng cậu phải suy tính thật kỹ xem phải làm sao để nuôi sống chính mình.
Sau khi tiến hành cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối u ở gan lần thứ hai, Lý Hàm phục hồi khá tốt. Tới chăm sóc chị dâu, Hoàng Linh Lị nói hai mươi ngày sau Lý Thuần sẽ đến thay phiên. Còn Cố Minh Tịch, cứ rảnh rỗi là cậu lang thang trên đường, mua một tờ báo buổi chiều của thành phố S để xem có nơi nào đang tuyển dụng phù hợp với mình không.
Cố Minh Tịch nghĩ xem bản thân có thể làm những công việc gì, cậu biết vẽ tranh, biết sử dụng máy vi tính, vốn dĩ tiếng Anh cũng khá tốt nhưng sau hơn một năm xao nhãng gần như không sử dụng, tiếng Anh đã trở nên lạ lẫm với cậu hơn nhiều.
Cố Minh Tịch gọi điện cho mấy công ty. Sau khi biết cậu chỉ có bằng cấp ba, nhiều nơi đã lịch sự từ chối, một số nơi khác gọi cậu đến phỏng vấn nhưng vừa biết cậu là người khuyết tật, họ đều lập tức từ chối.
Đến cả một công ty tuyển tổng đài viên cũng không cho cậu tham dự vòng phỏng vấn, Cố Minh Tịch nói: “Mặc dù không có tay nhưng tôi gọi điện, nhận điện thoại được, tôi làm việc bằng chân cũng rất thành thạo, có thể tự lo cho bản thân, sẽ không gây phiền phức cho mọi người đâu.”
Kết quả đối phương đã cúp máy một cách bất lịch sự.
Trước đây khi còn đi học, Cố Minh Tịch đã bị rất nhiều ngôi trường từ chối, trường cấp hai dân lập, trường cấp ba trọng điểm, đại học. Thậm chí khi xin vào trường tiểu học Cầu Tri, ban đầu nhà trường cũng không muốn nhận cậu vào học.
Lúc ấy cậu bé bảy tuổi Cố Minh Tịch ngồi trên chiếc chiếu cói trong phòng hiệu trưởng, xung quanh là sáu, bảy giáo viên khác. Lý Hàm để hộp bút và một quyển vở dưới nền nhà trước mặt cậu, Cố Minh Tịch dùng đôi chân non nớt của mình mở hộp bút một cách vụng về rồi kẹp một cây bút máy để ra bên ngoài, cậu giữ vở bằng chân trái và dùng chân phải chậm chạp lật các trang giấy và ngước lên nói: “Thưa các thầy cô, em có thể giở sách vở bằng chân ạ.”
Sau đó cậu cầm bút lên bằng chân rồi điều chỉnh vị trí của cây bút bằng sự kết hợp giữa chân trái và chân phải, rồi cúi đầu viết vào trang vở.
“Em có thể viết chữ bằng chân, em biết viết rất nhiều, rất nhiều chữ. Đây là tên em ạ.” Cậu viết ba chữ “Cố Minh Tịch” rất đẹp nhưng hơi to, sau đó Cố Minh Tịch tự hào nói với hiệu trưởng: “Em còn biết dùng tẩy, vẽ hình bằng thước kẻ. Các thầy cô cho em đi học với ạ, em sẽ chăm chỉ học tập.”
Hiệu trưởng hỏi: “Em có thể tự ăn cơm được không?”
Cố Minh Tịch vội gật đầu như gà mổ thóc: “Có ạ có ạ, em tự ăn được ạ.”
“Em có thể tự đi vệ sinh không?”
Cố Minh Tịch đỏ mặt: “Em không cởi được quần.” Nhưng ngay sau đó như đã nghĩ ra cách, cậu dõng dạc nói: “Nhưng thưa thầy, em có thể không uống nước, không uống nước là có thể không đi vệ sinh.”
Đi ra khỏi phòng của hiệu trường, Bàng Thủy Sinh và Bàng Sảnh đã đợi cậu trên hành lang, hai đứa trẻ cùng đến phỏng vấn một ngày. Vừa nhìn thấy Cố Minh Tịch, cô bé sáu tuổi Bàng Sảnh liền nhảy chân sáo đến chỗ cậu, kéo tay áo trống không của cậu và hỏi: “Cố Minh Tịch, các thầy cô giáo có nhận anh vào trường không?”
Cố Minh Tịch đắc ý trả lời: “Dĩ nhiên là có rồi!”
***
Cố Minh Tịch tới ngày hội tuyển dụng, cậu nhận ra cứ mỗi khi mình dừng chân trước quầy tuyển dụng của một công ty nào đó, nếu như cậu đứng đọc bảng thông tin giới thiệu công ty thì tầm mắt của người phỏng vấn sẽ đảo quanh trên người mình. Thế nhưng sau khi cậu đọc xong bảng tin, tới chỗ người phỏng vấn định hỏi thăm thì họ lại nhanh chóng chuyển tầm mắt, cứ như chẳng hề chú ý đến người đang đứng trước mặt vậy.
Cố Minh Tịch thử xin phiếu điền thông tin từ người phỏng vấn của một công ty. Sau một thoáng do dự, người đó đưa cho cậu tờ phiếu, Cố Minh Tịch bỏ dép, định giơ chân lên nhận thì người đó vội vàng rụt tay lại rồi cất giọng thiếu kiên nhẫn: “Thôi khỏi, cho cậu điền chỉ tổ mất thời gian, chúng tôi không nhận người tàn tật!”
Ra khỏi trung tâm tuyển dụng là nhìn thấy một cây cầu vượt có ba ngã rẽ. Đây là khu vực trung tâm thành phố S, cây cầu rất rộng và nhộn nhịp người qua lại. Cố Minh Tịch đeo ba lô lặng lẽ đi trên cầu, cậu nhìn thấy rất nhiều người bán hàng hóa trên đó, còn có một vài người biểu diễn xiếc, có một ông lão mù kéo đàn nhị, một người đàn ông bị liệt chơi đàn ghi-ta và hát. Còn có một người ngồi bán những con thú nhỏ đan từ tre nứa không thấy có gì khác thường nhưng bên cạnh anh ta lại có một đôi nạng.
Cố Minh Tịch đứng đó khoảng chừng hai giờ đồng hồ. Sau khi trở về, một ý định dần hiện hữu trong đầu cậu.
Trong ba ngày sau đó, ngày nào Cố Minh Tịch cũng đi lên cây cầu đó thăm dò và quan sát, cậu cẩn thận để ý tình hình buôn bán của những người này và để ý cả số tiền mà những người qua đường cho người làm xiếc. Ý tưởng trong đầu cậu càng rõ nét hơn. Năm ngày sau đó, cậu nói với Lý Hàm và Hoàng Linh Lị là đã tìm được việc, muốn làm thử xem sao.
Hôm sau cây cầu vượt có thêm một chàng trai trẻ, cậu cắt tóc ngắn, cơ thể gầy guộc, da ngăm đen, mặc áo sơmi và quần rộng sạch sẽ, đi dép xỏ ngón, ngồi trên manh chiếu nhỏ. Dưới vai cậu là hai tay áo trống không, bên cạnh là một ba lô đầy ắp đựng những thứ mà cậu mang tới.
Cố Minh Tịch ngồi bên cạnh người đàn ông bán những con thú nhỏ bằng tre nứa kia. Cậu hơi cúi mặt, bình thản lấy đồ đạc từ ba lô để ra mặt đất: giấy A3, khay màu nước, thuốc màu, bảng điều màu, chai coca đựng nước sạch, bút vẽ và bốn, năm bản phác thảo.
Người đàn ông bên cạnh vừa đan một chú thỏ bằng cỏ vừa hỏi cậu: “Bị giật điện cao áp à?”
“Vâng.” Cố Minh Tịch khẽ gật đầu.
“Bao nhiêu năm rồi?”
“Mười lăm năm ạ.”
“Cậu biết vẽ à?”
“Vâng.”
“Cậu sống ở đâu?”
“…” Cố Minh Tịch bèn nói: “Trước đây em ở tỉnh Z.”
“Chắc chắn nơi này tốt hơn rồi vì thành phố S là tỉnh lị mà, ở đây nhiều người, tốt bụng, hào phóng, cũng trả rất nhiều tiền.”
Cố Minh Tịch thoáng im lặng rồi quay sang nói: “Em đi bán tranh chứ không ăn xin.”
“Dẹp đi, ở đây toàn là những người tàn tật như nhau thôi, có gì mà phải sĩ diện, sĩ diện có thành cơm ăn được không?” Người đàn ông cười to, “Anh bảo cậu nhé, cậu cứ ngồi xuống đây, vẽ bừa một bức tranh, kể cả xấu người ta cũng vẫn trả tiền, một ngày kiếm 600 nghìn dễ như bỡn, nếu gặp được ai giàu có, không khéo còn móc ví cho cậu một tờ đỏ (1)!”
(1) Chỉ tờ tiền mệnh giá 100 nhân dân tệ = 300.000 VND
Cố Minh Tịch nghiến răng thật chặt, ánh mắt lạnh tới thấu xương cậu nghiêm túc nhắc lại: “Em đi bán tranh chứ không ăn xin!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.