Mùa Thu Màu Hạt Dẻ

Chương 32:




Đang thừ người ra với suy nghĩ, Phượng chợt nghe ba gọi dưới nhà. Cô buông chiếc gối ôm, ra khỏi giường và bước xuống cầu thang.
Đến phòng khách cô ngạc nhiên trợn tròn mắt khi thấy ba mình đang ngồi nói chuyện rất vui vẻ thân tình với bà Mẫn Quyên.
Thấy Nhật Phượng ra tới, ông Phong hớn hở nói:
- Cô Mẫn Quyên đây là bạn thân của cô Đào con, hồi đó cô tới nhà ông nội chơi thường lắm, hai mươi mấy năm mới gặp lại, ba đâu có nhớ ra.
Bà Mẫn Quyên cười:
- Nếu không có tấm hình chụp anh chị ngày đám cưới treo trên vách, em cũng đâu nhận ra.
Ông Phong phì phà điếu thuốc:
- So với ngày xưa cô không khác hơn bao nhiêu, so với Trúc Đào em tôi, cô còn trẻ hơn nó nhiều, duy có những cái bất ngờ lẫn với tình cờ người ta không nghĩ tới, nên tôi không nhận ra cô đó thôi.
Quay sang nhìn Nhật Phượng, ông Phong cất giọng:
- Cô Quyên nhờ con tiếp tục dạy cháu ngoại cô ấy học. Con thấy thế nào?
Không đợi Phượng trả lời, bà Quyên dịu dàng bảo:
- Cô biết cả ngày cháu đi làm, tối về cũng cần có thời gian giải trí nghĩ ngơi nên trước đây cháu không tiếp tục giúp Hoài Tú, chị Đan Tâm đã không dám ép, mặc dù bé Tú rất buồn. Nhưng khổ cho cô hiện giờ là Đan Tâm đã đi du lịch nước ngoài với chồng, nó đem bé Tú về với cô, con bé phần nhớ mẹ, phần buồn vì xa cô Phượng nên dạo này lười ăn biếng ngủ ốm trơ xương. Thằng Thiên dỗ ngon, dỗ ngọt, chiều nào cũng cho đi chơi nhưng con nhỏ vẫn luôn dàu dàu…
Ngưng một chút để quan sát nét mặt Nhật Phượng, bà Quyên xuống giọng:
- Hoài Tú mong cháu lắm! Mỗi chiều cháu nhín chừng một tiếng đồng hồ tới chơi với nó được không?
Nghe nhắc tới bé Tú, Phượng thấy nao nao, cô cũng rất thương nó, nhưng nhớ đến gương mặt khinh khỉnh ngạo mạn, khi người của Thiên hôm đó, Nhật Phượng khó xử quá. Cả tháng nay anh ta không hề ghé qua nhà cô, dầu là để đi đánh bida hay uống cà phê với anh Trung. Thiên không ghé vì anh… chán cô quá rồi, chớ đâu phải vì cô “cảm” anh ta như cô vừa nói với chị Linh đâu.
Ngập ngừng một chút cô chối từ:
- Có lẽ cháu không sắp xếp được thời gian sớm để giúp Hoài Tú ôn bài, trể quá Tú sẽ buồn ngủ.
Bà Quyên kiên nhẫn thuyết phục:
- Hoài Tú, Đan Tâm, cô và cả Thiên đều rất quý cháu, gia đình cô luôn xem cháu như người trong nhà, bây giờ lại biết Trúc Đào là cô út của cháu, thật không gì vui hơn và thân tình hơn.
Bóp nhè nhẹ bàn tay của Phượng, bà Quyên lại nói:
- Đến với cô nhé Phượng! Hoài Tú sẽ mừng lắm đó!
Nhật Phượng vội nhìn qua phía ba mẹ mình như muốn hỏi ý kiến. Ông Phong dễ dãi bảo:
- Nếu không mệt vì đã đi suốt ngày, con nên giúp cô Quyên. Thời buổi bây giờ một người làm nhiều việc đâu có gì là xấu.
Nghe ông Phong nói thế, bà Quyên vội vàng thêm vào:
- Chiều đi làm về cháu ghé nhà bác nghĩ ngơi ăn cơm luôn, rồi khoảng sáu rưỡi bắt đầu dạy con bé tới độ bảy rưỡi, tám giờ gì đó là hết mức.
Bà Nga gật gù:
- Khỏi đạp xe đi tới đi lui cũng tiện.
Thấy mọi người trao đổi qua lại như đâu đó đã sắp xếp xong rồi. Phượng hơi tự ái. Cô đang cần tiền để sắp sửa quần áo đi làm coi cho được một chút, nhưng nghĩ tới Thiên cô chợt ngại ngùng gì đâu.
Thế nào Thiên cũng sẽ hất mặt làm cao như lần đầu cô gặp anh ở đêm sinh nhật Hoài Tú. Biết đâu chừng anh ta lại lãng vãng gần chỗ cô dạy Tú học, để thanh tra chất lượng lẫn giờ giấc cô dạy cho bỏ ghét…
Chẳng lẽ Thiên lại nhỏ mọn và trẻ con như cô nghĩ hay sao?
Dù đã viết thơ gởi đi nhưng Phượng không hề có tin tức gì của Nhã hết, sao không “moi” tin của anh từ gia đình bà Mẫn Quyên? Anh từng ở nhà bà mấy tháng trời lẽ nào không biết về được một lá thơ cám ơn.
Nghĩ tới Nhã, Nhật Phượng thấy như mình có được động lực từ trái tim thức dậy. Cô vờ vĩnh làm bộ làm tịch:
- Để cháu suy nghĩ lại xem sao đã! Chỉ sợ ôm đồm nhiều việc quá, cháu dạy Hoài Tú không được như trước vậy thì phụ lòng tin của cả nhà…
- Cô chẳng đời nào nghĩ quấy như vậy cả.
Mỉm cười nhìn Nhật Phượng, bà Mẫn Quyên ý nhị nói thêm:
- Cô chỉ mong có Phượng ở kề bên cho nhà cửa vui vẻ, ấm cúng hơn thôi!
Nhật Phượng nóng cả mặt khi thấy bà Nga thoáng tủm tỉm nhìn bà Quyên.
Chuyện gì nữa đây trời? Phượng thầm than trong bụng, cô thừa biết mẹ mình có cảm tình với gã Thiên… Dầu bà biết hắn từng có một đời vợ, nhưng ba luôn bênh vực cho rằng chuyện đó dang dở hoàn toàn do lỗi của người đàn bà kia. Còn tại sao mẹ nghĩ như vậy, thật tình cô không biết.
Ông Phong bỗng hỏi:
- À! Thầy Hoàng Tùng còn khỏe không cô Quyên?
Bà Mẫn Quyên bưng tách trà lên nhấp một ngụm nhỏ rồi trả lời:
- Em nghe người quen ở bển về nói lại, ông ấy vẫn còn rất khỏe so với lứa tuổi “Thất thập cô lai hỷ”. Có điều ông ấy luôn buồn bã vì xa quê.
Gật gù ra chiều thông cảm ông Phong nói:
- Người già nào lại không ngậm ngùi trông về cô xứ, nhất là người có tâm hồn đa cảm như thầy Tùng. Phải nói ngày xưa tôi mê nghe thầy giảng Kiều quá sức!
Phượng thấy bà Quyên gượng cười, ở dưới mắt bà chợt có những vết nhăn phiền muộn. Bà cũng già chớ không thật trẻ như những lúc vui tươi hớn hở. Có điều cái già ấy được bà che đậy bằng tâm hồn trẻ trung, điệu bộ thoải mái duyên dáng lịch sự đó thôi.
Mà sao ba cô lại đi hỏi bà Mẫn Quyên về thầy giáo ngày xưa nào nhỉ?
Ông Phong dụi đầu thuốc vào chiếc gạt tàn hình con cá, rồi lại hỏi:
- Sao hồi ấy cô không theo thầy Tùng xuất cảnh nhỉ?
Giọng bà Mẫn Quyên rành rọt vô cảm:
- Lúc đó em và… thầy Tùng đã ly dị được cũng gần mười năm rồi còn gì?
Phượng nghe cha mình ngạc nhiên:
- Vậy sao. Đúng là tôi vô tình quá!
Té ra ba của Thiên là một ông già gần tám mươi tuổi. Mẹ anh là học trò của thầy giáo mình. Hèn chi Nhã đã hợm hĩnh nói với cô Thiên dám vượt chỉ tiêu của bố mình, để có ba thê bốn thiếp. Đúng là nhà anh ta khá phức tạp! Như vậy người anh ở Canada đâu phải anh ruột của Thiên. Cô đang tò mò chờ nghe tiếp chuyện thì từ ngoài bé Hoài Tú chạy ùa vào. Nó đứng sựng lại giữa phòng rồi reo to:
- Cô Phượng!
Tội nghiệp! Đúng là con bé ốm quá, Nhật Phượng dang tay ra xúc động:
- Tới đây với cô!
Nhào lại ôm Phượng, con bé tấm tức:
- Con nhớ cô, con năn nỉ cậu Thiên cho tới thăm mà cậu không chịu. Tới bữa nay bà ngoại ra lệnh cậu Thiên mới cho con với ngoại tới đó.
Bà Mẫn Quyên nhắc:
- Hoài Tú! Con đã thưa ai chưa?
- Dạ chưa!
Giọng ngây thơ trong trẻo của Tú làm mọi người bật cười. Phượng đưa tay béo má nó rồi dạy Tú thưa ba mẹ mình.
Cái dáng cao cao quen thuộc của Thiên bước vào khiến Phượng mất tự nhiên, cô vờ áp mặt vào lưng Hoài Tú để khỏi phải trông thấy anh.
Không nhìn nhưng Phượng cũng thừa biết anh ta vừa chào mẹ mình và đang bắt tay ba mình. Thoát một cái cô đứng dậy kéo theo Hoài Tú:
- Mình ra ngoài sân ngồi xích đu bé Tú.
Phượng chạy ra hàng hiên và nghe giọng mẹ mình vang lên:
- Con bé được cái lớn xác chớ còn khờ lắm!
Phượng chợt tưởng tượng ra gương mặt Thiên đang cười. Có lẽ anh ta không đồng tình với mẹ cô đâu, vì dưới mắt anh ta, cô chẳng khờ khạo chút nào.
Nhưng cô thế nào cũng chẳng dính dấp gì tới Thiên, tại sao Phượng lại lo nghĩ vẫn vơ thế nhỉ?
- Cô Phượng ăn ô mai, ngon lắm!
Nhón chân chấm đất để đưa chiếc đu Phượng hỏi:
- Ở đâu Tú có vậy?
- Cậu Thiên mua và nói là mua riêng cho cô Phượng chớ không phải cho con.
Nhật Phượng mỉa mai:
- Cậu Thiên tốt quá nhỉ?
Vừa đưa bịch ô mai cho Phượng, Tú vừa gật đầu:
- Cậu Thiên tốt lắm, lúc nãy cậu nhất định cho con đi mua ô mai rồi mới vào nhà cô Phượng.
- Cô đâu thích ô mai!
Thấy Phượng không chịu cầm, Hoài Tú lém lỉnh:
- Nhưng cô không nhận, cậu con buồn lắm!
- Bữa nay Tú học ai cách ép người khác vậy?
Hoài Tú ngập ngừng trước đôi mắt nghiêm khắc của Nhật Phượng, con bé không quen nói dối ấp úng:
- Cậu Thiên biểu con phải làm sao cho cô Phượng chịu ăn ô mai của cậu mua, không thôi cậu sẽ không cho con vào nhà thăm cô.
Phượng cười nhạt, anh ta định giở trò gì nữa đây?
Cầm viên ô mai, cô bóc lớp giấy bọc rồi cho vào mồm. Ba vị chua của me, cay của gừng, ngọt của cam thảo làm cô gật gù khen:
- Món này ngon thật!
Mắt Hoài Tú sáng lên:
- Ngon thật không cô. Con biết thế nào cô cũng thích mà!
Búng cái hột me vào tường, Phượng bóc vỏ viên ô mai thứ hai, giọng cô ngọt ngào hơn:
- Sao con biết cô sẽ thích?
Hểch chiếc mũi bé xíu lên Tú tỏ vẻ hãnh diện:
- Cậu Thiên nói, cô gái nào cũng thích ô mai hết.
Nhật Phượng lại xuýt xoa vì gừng cay vừa nói:
- Lần này cậu Thiên nói chắc đúng!
Hoài Tú cãi lại:
- Con thấy lúc nào cậu Thiên cũng đúng hết! Vừa đúng, vừa giỏi, chuyện gì cậu Thiên cũng biết hết. Hay thật là hay! Bởi vậy dì Tường Vân là bác sĩ mà còn sợ không dám chích cậu con nữa đó.
Phì cười, Phượng nói:
- Khi không bác sĩ chích cậu con làm gì?
- Đâu có khi không, bữa hôm cậu con bệnh quá trời, dì Tường Vân đâu dám chích, ngoại phải nhờ ông bác sĩ mập như thùng tô nô lại chích cho cậu Thiên đó chớ.
Hoài Tú xuống giọng:
- Cô Phượng biết hông? Mấy hôm đó cậu Thiên đâu có đi làm, nằm ở trong phòng toàn ăn cháo không hà! Cậu ốm nhách, râu ria tùm lum, đã vậy còn quạu với bà ngoại làm bà ngoại hết đi Nha Trang chơi. Chị Nguyệt bị cậu Thiên la nhiều nhất. Bởi vậy chị mới nói: “không chịu lấy vợ cho rồi, để khi bệnh hoạn có người hầu hạ”. Nghe chị Nguyệt nói, cậu con giận chị Nguyệt luôn. Bữa nay hết bịnh rồi cậu vẫn chưa hết giận đó!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.