Mùa Xuân Ở Căn Nhà Cũ

Chương 43: Đầy tớ




Cơm trưa rất phong phú, đều là các món sở trường của Tông Lãng, đầy ắp một bàn lớn.
Chú La, bác Ngô, vợ chồng chú Lưu, còn cả Bạch Nguyên và Tông Lãng, cộng thêm Trình Nặc, mấy người ngồi vây quanh bàn. Trình Nặc mua loại rượu ngon nhất trong tiệm bán, rót mỗi người một ly.
Trình Nặc ngồi cùng Tông Lãng, lúc rót rượu cho anh, cô cố ý dừng lại, tay trật đi, rượu đổ ra ngoài ly, rồi nói với vẻ tiếc nuối: “Ây da, sao lại đổ ra ngoài rồi, tiếc quá. Loại rượu này trong tiệm bán chỉ có mỗi hai chai, muốn mua thêm cũng không có, không biết ông chủ kia làm ăn thế nào nữa, hàng bán hết rồi cũng không biết lấy thêm.”
Giọng Trình Nặc không lớn, mà trên bàn những người khác đều đã ăn, nhất là Bạch Nguyên, ăn xì xà xì xụp, căn bản không nghe thấy lời cô.
Chỉ có Tông Lãng nghe thấy, anh cười khẽ, “Nói sớm rồi còn gì, ông chủ kia hơi đần.”
Trình Nặc đang đứng, liếc nhìn đỉnh đầu anh rồi mới ngồi xuống, “Ây, em thấy anh ta không phải đần đâu, là kẻ gian đấy.”
Cô vẫn nhớ chuyện anh giấu giếm thân phận chủ tiệm, lần trước bị anh dây dưa một đêm nên nhất thời quên mất, giờ đến tiệm bán đồ mua rượu mới nhớ ra.
Nhớ đến mấy lời nhắn trong sổ ghi nợ, còn cả băng vệ sinh đột nhiên xuất hiện trên quầy. Trong lòng vừa ngọt vừa giận, thì ra từ lâu anh đã ‘không có ý tốt’ rồi, còn nói gì mà chủ tiệm kính nhờ anh lắp camera, giờ nghĩ lại, tất cả đều là âm mưu, âm mưu cả.
Ngẫm nghĩ một hồi, cô quyết định vẫn chưa vạch trần, cô muốn xem xem anh có thể giả vờ tới khi nào.
Một bữa cơm mà ăn đến gần hai giờ, chủ lẫn khách đều vui mừng. Ăn xong, Trình Nặc liền tính tiền lương cho đội thi công. Về cơ bản nhà đã làm xong toàn bộ, chỉ có tường ngoài sân là chưa sửa. Sửa tường phải dùng cửa sổ, mà cửa sổ còn chưa làm, không biết phải đợi đến khi nào nên tính tiền lương trước.
Mấy người chú Lưu cũng không từ chối, sảng khoái nhận lấy. Chú La đã đồng ý sẽ làm cửa sân cho, lúc sắp đi nói: “Ở nhà chú sẽ tranh thủ thời gian làm cửa sân cho cháu, khỏi tiền bạc gì cả, chắc chắn trước cuối năm sẽ đưa cháu.”
Trình Nặc cảm kích cám ơn, vừa tiễn họ về thì Bạch Nguyên la hét nói chóng mặt, tửu lượng cậu không cao, chỉ uống được mấy ngụm là không nhúc nhích gì được nữa, nằm ngay trên xích đu ngủ khoèo.
Trình Nặc cầm chăn mỏng đắp cho cậu rồi mới đi dọn dẹp bát đũa. Tông Lãng liếc nhìn Bạch Nguyên đã ngủ mà bực bội, vất vả lắm mới có thời gian ở riêng với Trình Nặc, nhưng lại để tên oắt này quấy rối.
Không biết làm gì nên chỉ có thể ra sân trước, táy máy khuôn cửa sổ, định tranh thủ mấy ngày rảnh tới đây sẽ làm cửa sổ cho Trình Nặc.
Trình Nặc dọn dẹp tươm tất rồi lại đi chăm gà con vịt con. Bạch Nguyên vẫn chưa tỉnh, cho đến bốn giờ chiều, sợ cậu không bắt kịp chuyến phà, Trình Nặc mới đánh thức cậu.
Bạch Nguyên tỉnh dậy vẫn còn lảo đảo, không đứng vững. Trình Nặc cười nói nếu sớm biết cậu không uống được rượu thì đã không cho uống rồi.
Bạch Nguyên lại nói không sao: “Chân hơi phiêu thôi, chứ đầu em vẫn còn tỉnh mà.” Nói xong đi được hai bước là lại chân nam đá chân chiêu, suýt nữa đã ngã rồi.
Trình Nặc không yên tâm để cậu về như thế, cô thay quần áo, định đưa cậu đi. Tông Lãng thấy thế thì cũng đi cùng.
“Vừa hay phải lên trấn trên mua hai túi xi măng, dùng làm cửa sổ.” Anh giải thích.
Thế là ba người cùng đi xe ba bánh, qua sông tới trấn trên.
Lúc đến nhà Bạch Nguyên lại phát hiện trong nhà cậu rất náo nhiệt, có rất nhiều người đến. Bố mẹ Bạch Nguyên nhiệt tình mời Tông Lãng và Trình Nặc vào ngồi. Nghe họ nói mới biết, thì ra đã sắp đến đại thọ một trăm tuổi của bà lão, mấy người trong nhà ông nội Bạch Nguyên đều đến cả, thương lượng muốn tổ chức đại thọ cho bà.
Có câu nói, người sống bảy mươi xưa nay hiếm*, bà lão lại còn một trăm tuổi, các con cháu chắt lại càng quý trọng, muốn làm long trọng. Ý của bọn họ là muốn mở tiệc ở nhà hàng trong thành phố, đến lúc đó cháu chắt nam nam nữ nữ trong nhà đều về, nhiều hơn trăm người, chắc chắn sẽ rất náo nhiệt.
(*Ngày xưa các cụ “định nghĩa” rằng 50 là già rồi (thậm chí có nhiều địa phương 40 đã lên chức lão), cho nên “Thất thập cổ lai hy” tức sống đến 70 là chuyện hiếm trong vấn đề nhân thọ.)
Tuy nhiên bà Bạch nhân vật chính của sự kiện lại không muốn, cứ phồng má như đứa trẻ, buồn buồn không vui. Con cháu hỏi bà vì sao không vui, nhưng bà không nói.
Cho tới khi Trình Nặc đến, bà lão mới tủi thân mở miệng, gọi Trình Nặc lại nói chuyện.
Trình Nặc đứng cạnh ghế của bà, hỏi vì sao bà lại mất hứng.
Bà cụ thở dài, nói: “Bà đã già thế rồi, không muốn đến thành phố dày vò.” Vừa nói vừa ngắm Trình Nặc, muốn nói gì đó rồi lại thôi.
Trình Nặc nhận ra, cười nói: “Bà có lời gì cứ nói với cháu đi, không sao đâu ạ.”
Trong mắt bà lão mang theo mong đợi, vuốt tay Trình Nặc, “Hầy, bà ấy, chỉ muốn làm đại thọ ở bên nhà cũ, nhưng mà, ngôi nhà kia giờ đã là của cháu rồi.”
Người bên cạnh nghe thế thì bừng tỉnh, thì ra bà lão không vui vì chuyện này. Nhưng ngôi nhà cũ đó đã bán rồi, muốn làm thọ yến ở đấy thì đúng là không được.
Trình Nặc lại rất sẵn lòng, đại thọ trăm tuổi đấy, có thể cả đời này chưa chắc cô gặp được lần thứ hai. Hơn nữa bà lão cũng kết hôn trong căn nhà cũ đó, ở suốt cả đời, làm đại thọ ở đấy, nhất định là chấp niệm của bà.
Có thể hoàn thành niệm tưởng của bà lão, cô không thấy có gì là không tốt cả. Bèn đồng ý.
“Vậy thì đến nhà cũ làm ạ, cháu hoan nghênh còn không kịp nữa là.”
Bà lão thấy cô đồng ý, lập tức vui vẻ hẳn, vỗ tay Trình Nặc nói: “Được lắm, con gái ngoan, làm đại thọ ở nhà cũ, cả đời này của bà đã trọn vẹn rồi.”
Bố mẹ Bạch Nguyên vội nói cám ơn Trình Nặc, chỉ là thọ yến là chuyện lớn, nhà bọn họ lại đông khách, đến lúc đó nhốn nháo ồn ào, sợ làm phiền.
Trình Nặc nói không sao: “Cháu thích náo nhiệt ạ, vừa hay cũng mới sửa nhà xong, làm ở đó, không có gì là không tiện cả.”
Nếu cô đã nói như thế, người nhà họ Bạch cũng rất vui lòng. Lập tức bàn nhau xem tổ chức vào ngày nào.
Sinh nhật của bà lão là hai mươi tháng Chạp.* Nhưng theo tập tục ở nơi này, chúc thọ người lớn tuổi phải tổ chức trước một ngày, thế nên định vào ngày mười chín tháng Chạp.
(*Sinh nhật bà cụ được tính theo ngày âm.)
Trình Nặc giở lịch xem, vừa hay hôm đó là lập xuân. Lúc này cô mới phát giác, thì ra năm nay có hai mùa xuân*.
(*Vì năm Âm lịch 2017 bắt đầu vào ngày 28/1/2017 và kết thúc vào ngày 15/2/2018, Lập xuân sẽ diễn ra 2 lần, một lần vào ngày 3/2/2017 tức mồng 7 tháng Giêng và lần thứ 2 vào ngày 4/2/2018 tức 19 tháng Chạp.)
Rời khỏi nhà Bạch Nguyên, Tông Lãng dẫn cô đi mua xi măng, lúc đi ngang qua cửa hàng bán điện thoại di động, Trình Nặc thấy có bán giá ba chân đỡ điện thoại, lúc này bèn mua một cái, như thế sua này quay video cũng dễ dàng hơn.
Mua xi măng xong lại mua ít sắt thép cỡ bằng ngón cái, sau đó hai người mới chịu về. Lúc về nhà thì đã hơn năm giờ, Trình Nặc chỉ làm hai món mặn một món canh đơn giản để hai người cùng ăn. Ăn xong, Tông Lãng đi hòa xi măng ngay, chuẩn bị làm khuôn cửa sổ.
Trình Nặc thấy lạ, đi theo nhìn. Giá ba chân vừa mua được dịp sử dụng, cô để một bên điều chỉnh góc độ, quay lại quá trình Tông Lãng làm việc.
Thật ra cũng rất đơn giản, hòa xi măng xong thì đổ vào khuôn, lại uốn sắt cho thích hợp, đặt trong xi măng làm khung, còn lại đợi gió thổi khô xi măng. Khuôn là loại ghép, đợi đến khi khô thì có thể tháo khuôn ra.
Tường sân chỉ sụp đổ một phần, nếu nói sửa lại thì cũng chẳng dùng đến mấy cửa sổ, nhưng Trình Nặc lại thích nên mỗi loại đều làm hai ba cái. Sau khi tất cả đều lắp khung xong, đếm phải được chừng hơn hai mươi cái.
Lắp khung rồi thì đặt trong sân trước phơi khô, đến khi xong xuôi tất cả thì trời đã tối đen.
Trình Nặc ra giếng múc nước rửa tay, Tông Lãng cũng lại gần rửa, rửa xong thì nhìn đồng hồ, đã gần tám giờ rồi.
“Anh về trước đây.” Anh nói.
Trình Nặc chuyển gà con vịt con vào phòng bếp, nghe thấy thế thì đầu tiên là ngẩn ra, sau đó ồ một tiếng, “Được.”
Vừa dứt lời, anh liền xoay người rời đi, đi rồi?
Trình Nặc đứng tại chỗ, đến khi thấy anh ra sân mới chắc chắn là đi thật. Chợt trong lòng như tắc nghẽn, còn nói mấy ngày nay sẽ ở cùng cô chứ, kết quả mới sớm thế đã về rồi.
Đá hòn đá nhỏ dưới chân, không nhìn bóng lưng anh nữa, cô quay người dọn dẹp phòng bếp, vào nhà lấy quần áo sạch chuẩn bị đi tắm.
Nhà vệ sinh đã được sửa xong, rốt cuộc cô đã có thể tắm thoải mái rồi.
Cửa nhà vệ sinh chính là cửa sau của căn nhà lúc trước. Cầm lấy quần áo, đi chốt cửa trước rồi lại khóa cửa sau, lúc này mới vào nhà vệ sinh. Chỉ ở có một mình, vẫn nên cảnh giác thì hơn.
Phòng tắm trong nhà vệ sinh không lớn lắm, đã lắp bình nóng lạnh nên cũng không sợ lạnh. Vừa cởi áo khoác thì lại nghe thấy động tĩnh ở ngoài cửa, là tiếng bước chân, quanh quẩn ngay cạnh cửa.
Trong lòng chợt rét lại, rồi lại nghe thấy tiếng cửa mở, hiển nhiên người nọ đã đi vào nhà rồi. Trình Nặc sợ, không biết là ai đây. Nếu như là người quen, không thấy cô thì nhất định phải gọi, nhưng người này lại cứ im lặng mà tiến vào.
Theo bản năng muốn lấy điện thoại gọi cho Tông Lãng, nhưng rồi mới phát hiện điện thoại đã để ở trên bàn, không đem theo bên mình.
Cô lại nhìn xung quanh, trong nhà vệ sinh không có thứ đồ gì có thể sung làm vũ khí, chỉ có một cái chùi bồn cầu mới mua, miễn cưỡng có thể làm vũ khí.
Cô cầm chặt chùi bồn cầu trong tay, dựa vào cửa nghe động tĩnh, trong đầu nghĩ nếu người nọ lập tức rời đi thì cô cũng sẽ không đuổi theo. Dù gì tự vệ vẫn quan trọng hơn. Nhưng tiếng bước chân kia mãi vẫn không đi ra.
Cô nghĩ, không biết có phải cố ý ở lại trong nhà đợi cô về hay không. Càng nghĩ càng sợ, lại sợ người kia sẽ tìm được nhà vệ sinh, thế là vội tắt đèn. Cô nín thở chờ đợi trong bóng tối, chờ rất lâu mà vẫn không có động tĩnh gì. Lại nghĩ, nếu không thì bây giờ cứ xông ra, đi vào thôn nhờ giúp đỡ.
Cô tự tiếp sức cho mình, thầm đếm một hai ba, sau đó lấy hết sức mở cửa nhà vệ sinh ra, giữ chặt cây chùi bồn cầu trước người rồi xong ra ngoài, nhưng bất ngờ lại đụng phải người.
Trình Nặc bị giật mình, cầm cây chùi bồn cầu khua khoắng lung tung, miệng lớn tiếng gọi tên Tông Lãng.
“Làm gì đấy?”
Trình Nặc dừng lại, trông thấy Tông Lãng ù ù cạc cạc.
“Sao lại là anh chứ!” Cô buồn bực nói, lại đập cây chùi bồn cầu vào người anh, “Anh dọa chết em, dọa chết em rồi!”
Tông Lãng an ủi cô: “Đừng sợ đừng sợ, đây là sao?”
Trình Nặc vốn nhát gan, vừa rồi còn bị dọa như thế, hốc mắt đã đỏ lên, “Không phải anh đã về rồi sao, sao lại tới nữa?”
Tông Lãng vô tội nói: “Mấy ngày không về, không biết mạch điện gặp vấn đề ở chỗ nào nên mất điện rồi, tắm cũng không được, nên không phải anh cầm quần áo đến chỗ em tắm sao.”
Vừa nói vừa chỉ vào túi hành lý đặt cạnh cửa. Trình Nặc nhìn, nhét đầy một túi to đùng, đâu có giống là tới tắm thay bộ đồ đâu.
“Vậy vì sao anh không lên tiếng, em còn tưởng trộm ghé nhà chứ.”
Anh cười, “Anh thấy em không ở trong nhà, nhà vệ sinh lại sáng đèn, đoán em đang tắm nên mới không gọi.”
Trình Nặc vẫn đang giận, lại cầm cây chùi đập vào người anh, có điều lực rất nhẹ.
Rốt cuộc Tông Lãng cũng đã nhìn thấy vũ khí trong tay cô là gì, quát to một tiếng: “Fuck!” Lại nhảy về sau ba bước lên, “Vừa rồi em dùng thứ đồ này quẹt mặt anh?!”
Trình Nặc bật cười, đặt cây chùi bồn cầu xuống, “Mới mua mà, còn chưa dùng lần nào.”
Tông Lãng nói thế cũng không được, vừa nói vừa ôm người vào nhà vệ sinh, một cước đá bay cửa, “Làm sao em có thể lấy cây chùi bồn cầu mà quẹt chồng em được, đúng là buồn nôn, mau mau, mau rửa sạch cho anh!”
Trình Nặc chạy không thoát, giả vờ tội nghiệp tắm rửa cho anh, cả người mất hết sức lực, anh lại tốt bụng tắm giúp cô, lúc này mới thỏa mãn ôm cô vào nhà.
Đương lúc cô mơ màng, hỏi anh: “Anh không về à?”
Anh ôm cô vào lòng, bàn tay lướt dọc theo đường cong, thấp giọng trả lời.
“Nhà mất điện rồi, có về cũng chẳng tiện, hay em thu nhận anh mấy ngày đi, anh còn có thể làm việc giúp em.”
“Anh bảo đảm, nhất định sẽ siêng năm làm việc, rất ngoan rất nỗ lực, không sợ khổ không biết mệt, bất kể ngày đêm đều tùy thời nghe lệnh.”
Trình Nặc lại nghe ra nghĩa khác trong câu nói, cắn một phát lên vai anh.
“Anh không biết xấu hổ hả?”
Anh cười, “Chẳng lẽ em không thích à? À, có lẽ biểu hiện vừa rồi của anh không tốt lắm, thế thì lại một lần nữa đi, nhất định anh sẽ biểu hiện tốt.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.