Bạc vụ nùng vân sầu vĩnh trú,
Thụy não tiêu kim thú.
Giai tiết hựu trọng dương,
Ngọc chẩm sa thụ,
Bán dạ lương sơ thấu. (1)
Ngày Tết Trùng Dương* dưới ngòi bút của Dịch An Cư Sĩ đã lộ ra sự lạnh lẽo, thê lương và cô tịch. Nhưng những gì mà Tiểu Ngọc đang nhìn thấy trước mắt là một đám người đang vô cùng bận rộn mà vui vẻ chuẩn bị cho ngày hội quan trọng này.
(* - Tết Trùng Dương hay còn gọi là Tết Cửu Trùng; lễ mùng 9 tháng 9, khi xưa vào ngày này, người ta lên cao để được sống thọ, nay là lễ người già của Trung quốc)
Tết Trùng Dương chính là một ngày lễ trọng đại của người Lâm An nha!
Tết Trùng Dương năm ngoái, nàng vẫn còn ở Minh Châu, ở đó mọi người cũng không có nhiều hoạt động như ở Lâm An. Ở Lâm An, trước khi tết Trùng Dương diễn ra nửa tháng, rất nhiều hoạt động như thưởng cúc, phẩm rượu, du sơn, cúng tế đã diễn ra. Trên đường toàn là tiếng rao hàng và bày bán các vật phẩm. Bình thường ban ngày đường phố đã cực kỳ náo nhiệt rồi, nhưng lúc này quả thực là đông đúc đến mức nước cũng không chảy qua được.
Từ sáng sớm, Văn Quyên đã phái người chuyển đến trăm bệ hoa cúc đủ màu, trang trí cho Tống phủ rực rỡ muôn màu.
“Phu nhân, những thứ cần chuẩn bị cho lễ hội năm nay ta đã sắp xếp ổn thỏa rồi ạ.”
Huệ Nương báo cáo công việc với Tiểu Ngọc, Tiểu Ngọc mỉm cười gật đầu. Huệ Nương đi theo nàng đã vài năm, càng lúc càng thêm chín chắn, cũng không còn sợ sệt như khi mới tới nữa.
Công việc có thể khiến cho người ta tự tin và trưởng thành hơn. Huệ Nương hiện giờ là quản gia nội trạch của Tri phủ Lâm An, nắm trong tay không biết bao nhiêu gia đinh và tỳ nữ. Ra ngoài đường cũng có không ít người đối xử khách khí với nàng, đương nhiên không thể nào so sánh nổi với ngày nàng còn ở quê nhà.
Tiểu Ngọc đã thay đổi nha đầu Tiểu Trân lúc ban đầu, rồi mua một nha đầu lớn hơn một chút tên gọi là Lê Hoa, trước kia nàng ta cũng là một nữ nhi trong sạch, sau này gia cảnh sa sút mới bị bán cho bọn buôn người để làm nha đầu cho nhà người ta. Khoảng thời gian này, Tiểu Ngọc thường xuyên tham gia rất nhiều hoạt động của mấy vị phu nhân khác, nếu bên người không có một nha đầu nhanh nhẹn để sai bảo thì thật là bất tiện.
Kỳ thực, hai năm qua các vị phu nhân cũng không giống như trong tưởng tượng của Tiểu Ngọc là không bước chân ra khỏi nhà, trái lại hoạt động xã giao của bọn họ nhiều vô kể. Từ lần trước, sau khi nàng thể hiện tài năng trong vãn yến tại quý phủ của Tư Dương Bá, mọi người biết nàng tinh thông mỹ dung dưỡng sinh*, nên số người muốn kết giao với nàng cũng tăng thêm.
(* - chăm sóc sắc đẹp)
Đó chính là lý do mà Tiểu Ngọc đã được mời tới tham dự thọ yến của một vị phu nhân Thị Lang nào nó, hoặc buổi liên hoan của vị phu nhân Viên ngoại nào đó, thậm chí cả những buổi tụ hội phạm vi nhỏ cũng có người mời nàng tham gia. Đương nhiên, nhiều người vẫn còn có thành kiến đối với xuất thân của nàng nên không muốn qua lại với nàng. Nhưng mà kể từ sau khi bọn họ nghe được một chuyện, đã lập tức thay đổi cái nhìn với Tiểu Ngọc.
Nghe nói, vị phu nhân Tri phủ có xuất thân hèn mọn này được đương kim Thái hậu và Hoàng hậu vô cùng yêu thích, thường xuyên được triệu vào cung. Tin đồn này không biết là thật hay là giả, nhưng kể từ khi nghe được thì thái độ của mọi người với Tiểu Ngọc đều có thêm ba phần kính sợ. Lại còn có nhân sĩ bát quái nào đó đào ra được tin tức trước kia, nói Ngô Thái hậu đã từng tự mình cầu xin cho hôn sự của Tống Tiềm và Tiểu Ngọc, còn Chu Hoàng hậu khi chưa xuất giá đã từng là bạn khuê mật của Tiểu Ngọc.
Bợ đỡ nịnh hót, mưu cầu danh lợi chính là những thói thường của con người. Điều làm cho các quý phu nhân có thể kiêu ngạo chính là gia thế của nhà mẹ đẻ và những mối quan hệ luẩn quẩn bên nhà chồng. Có thể trèo cao tới Thái hậu và Hoàng hậu như vị phu nhân Tri phủ này thì chắc hẳn là không thể khinh thường rồi!
Chẳng qua tất cả vẫn chỉ là truyền thuyết mà thôi. Nhưng đến khi Tết Trùng Dương qua đi, mọi người mới hiểu được rằng, “Không có lửa làm sao có khói” không phải là một lời nói suông!
Ngày đó, khi Tống Tiềm trở về Tống phủ, đã mang đến cho Tiểu Ngọc một tin tức chấn động.
“Chúng ta cũng phải tham gia lễ tế tự của Hoàng gia ư?”
Tiểu Ngọc khó tin hỏi lại Tống Tiềm, nhưng nàng biết Tống Tiềm không thể nói đùa.
Sau khi nghe Tống Tiềm giải thích cặn kẽ, Tiểu Ngọc mới hiểu được hoàng tộc của triều Tống quả thật là một vương triều “Dữ dân đồng nhạc“.*
(* - Dữ dân đồng nhạc: ý nói quân vương thi hành nền chính trị nhân từ, cùng dân chúng vui buồn, cùng hưởng thụ vui vẻ.)
Không chỉ vào dịp Tết Nguyên Tiêu và Tết Đoan Ngọ, Hoàng đế mới xuất cung gặp gỡ quần chúng, mà ngay cả Tết Trùng Dương lần này, các thành viên trong Hoàng thất cũng muốn chung vui cùng dân chúng trong ngày lễ trọng đại này. Vào sáng sớm ngày mùng tám, trong cung đã chuẩn bị đâu ra đó. Từ trên xuống dưới Thiên Hoàng cung, mọi người còn muốn ăn bánh ngọt và uống rượu Cúc hoa để cùng nhau chúc mừng. Hơn nữa, Hoàng đế còn muốn đích thân lên núi Vạn Tuế. Hoàng hậu, Hoàng tử, hậu cung giai lệ cùng với quần thần và gia quyến của họ đều phải đi theo.
Tống Tiềm làm Tri phủ Lâm An, cũng có đủ tư cách để theo hầu Thánh giá lên núi ăn mừng rồi.
“Ngày đó nhất định sẽ có rất nhiều quý phu nhân tham dự. Ôi, Thiên Thành, có đôi khi thiếp cảm thấy xã giao thật mệt mỏi, chỉ khi ở cùng chàng và Minh Nhi, ba người chúng ta ở nhà chơi đùa là vui vẻ mà thôi.” Tiểu Ngọc hơi bĩu môi làm nũng.
Tống Tiềm yêu thương ôm nàng vào lòng, lại hôn lên gương mặt nàng. “Sao ta lại không muốn như vậy chứ? Nhưng mà sống trong quan trường thì thân bất do kỷ!”
Tiểu Ngọc cũng hiểu rõ, người làm quan sao có thể thiếu được việc xã giao. Tống Tiềm so với đồng liêu * của hắn mà nói thì cũng đã đi xã giao ít hơn nhiều rồi. Hắn đã thoái thác hầu hết các yến hội không quan trọng để về nhà ăn cơm cùng nàng và nhi tử. Nếu muốn bình chọn lão công tốt nhất Nam Tống thì Tiểu Ngọc tin rằng Thiên Thành của nàng sẽ xếp ở vị trí cao nhất, hơn nữa còn bỏ xa người đứng thứ hai.
* - đồng nghiệp
Tất cả những ngày hội đều vô cùng mệt mỏi. Đây chính là cảm nhận của Tiểu Ngọc sau khi lên làm chủ mẫu.
Đầu tiên là phải chuẩn bị cho nghi thức tế bái Tết Trùng Dương của Tống phủ. Tống Tiềm cũng đã từng tu sửa ngôi mộ chôn quần áo và di vật của phụ mẫu một lần. Đó là vào Tết Trung Nguyên. Nói đến việc tu sửa ngôi mộ này, thì khi đó còn có một sự kiện nhạc đệm.
Khi Tiểu Ngọc theo Tống Tiềm hồi hương cũng không có ý định kinh động đến các quan địa phương, nhưng mà đám quan viên vẫn nghe ngóng được, tranh nhau tới nịnh hót, còn phái rất nhiều người tới trợ giúp Tống Tiềm. Tống Tiềm không tiện chối từ, chỉ có thể nhận lấy ý tốt của nhà người ta. Cuối cùng, một nghi thức “Khởi cốt”* đơn giản đã biến thành một màn khua chiêng gõ trống, ầm ĩ vô cùng. Ai bảo Tống Tiềm là cận thần đang được Hoàng đế trọng dụng cơ chứ?
* - bốc mộ
Tiểu Ngọc đứng trong đám người xem náo nhiệt, bất chợt nhìn thấy bóng dáng Mai Minh Châu!
Khuôn mặt trái xoan xinh đẹp của Mai Minh Châu đã béo lên gấp hai lần, cả người giống như vừa bị ngâm trong nước biển quá lâu, trông có vẻ không được khỏe và bơ phờ thiếu sức sống. Nàng ta đang bế một đứa trẻ, bên cạnh còn có một tỳ nữ mặc xiêm y bằng vải thô, có lẽ hoàn cảnh của nàng ta lúc này không được tốt lắm... Nhưng mà dù sao cũng đã xuất giá rồi.
Sau này nghe nói, nàng ta được gả cho một kẻ có tiền ở vùng này làm thiếp thất nhưng mà thường xuyên bị vợ cả đánh chửi. Ai bảo trên đầu nàng ta đội cái mũ “Hủy hôn” cơ chứ? Không có ai chịu thú nàng ta làm thê tử, đương nhiên cuối cùng chỉ có thể làm thiếp hoặc vợ kế mà thôi.
Về phần Hinh Nhi, nghe nói đã gả cho một tiên sinh làm sổ sách thu chi, nàng nói phu quân đối xử với mình rất tốt. Mặc dù chỉ là một thường dân nhưng cuộc sống một vợ một chồng này thật không tệ. Chính Hinh Nhi đã kể cho Tiểu Ngọc nghe chuyện của Minh Châu. Bởi vì khi Tiểu Ngọc hồi hương, đã lập tức phái người đi tìm Hinh Nhi để ôn chuyện, sau đó còn đưa phu thê nàng đến Mỹ Vị cư để làm việc.
Tiểu Ngọc còn nhớ mang máng, huynh đệ của vị tiểu tiên sinh này từng đưa thư giùm nàng, xem như cũng có ơn với nàng.
Ngôi mộ chôn quần áo và di vật của phụ mẫu Tống gia được dời đến một mảnh đất trù phú có phong thủy đẹp. Tết Trùng Dương năm nay, Tống Tiềm và Tiểu Ngọc cùng nhau dậy sớm để đi tế bái phụ mẫu, còn mang cả nhi tử đáng yêu của mình theo. Minh Nhi cũng bắt chước cha mẹ, dập đầu quỳ xuống trước tổ phụ tổ mẫu, dáng vẻ ngoan ngoãn đáng yêu này khiến Tiểu Ngọc yêu thương vô cùng.
Hai ngày tế bái tổ chính là ngày mà Hoàng gia lên núi tế tự.
Khi mặt trời còn chưa ló dạng, hàng trăm chiếc xe ngựa đã tụ tập ở trước cửa cung để đợi Hoàng đế.
Thái Thượng Hoàng Triệu Cấu và Thái hậu Ngô thị từ trước đến nay luôn khiêm tốn, nên không tham gia lễ nghi trọng đại này. Cho nên, đội ngũ đi tế tự lớn như vậy do Hoàng đế Triệu Thận dẫn đầu. Vương công quý tộc và các trọng thần của triều đình theo sát phía sau. Mà ở đằng sau các nam nhân, chính là Hoàng hậu dẫn đầu hậu cung phi tần cùng các nữ quan và nhóm phu nhân.
Ngoài ra còn có thái giám và cung nữ trong cung, gia đinh và hạ nhân đi theo hầu hạ nên số người trong đội ngũ đã lên đến hơn một ngàn người. Đoàn người chậm rãi đi lên núi Vạn Tuế. Ven đường, vô số dân chúng dừng chân vây xem, tranh nhau để được nhìn Hoàng đế, Hoàng hậu loan giá và các vị quan lớn, quý tộc cưỡi những con ngựa cao lớn. Những điều này cũng đủ khiến cho bọn họ tán gẫu suốt một tháng trời.
Tết Trùng Dương năm nay lên núi là còn có một mục đích khác. Bởi vì chủ soái đội quân Bắc Phạt là Thời Quý Phong đã đưa quân ra biên cảnh tập kết, bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng tuyên chiến cùng người Kim. Triệu Thận lên núi không chỉ với mục đích muốn cúng bái tổ tiên mà còn muốn cầu phúc cho các chiến sĩ đang ở chiến trường.
Vì lần cầu phúc này nên đã có một đội tăng ni cùng đi theo. Người đã xuất gia làm ni cô là Vệ Quốc Công chúa Tiền Vân Châu cũng xuất hành trong hàng ngũ. Nàng đã sửa pháp hiệu thành Tu Duyên, thường ngày chỉ ở trong Văn Tuệ am của biệt cung để tu hành. Điều khiến mọi người cảm thấy bất ngờ chính là, tiểu Công chúa ngày xưa hoạt bát càn quấy đã hoàn toàn thay đổi thành một người vô cùng trầm tĩnh sau khi xuất gia, khiến cho nhóm nữ quan vẫn thường đi theo sau giải quyết hậu quả cho nàng cảm thấy thật không quen.
Có lẽ nào tiểu Công chúa được Phật Tổ cảm hóa, nên đã thay da đổi thịt rồi?
Tiểu Ngọc lại vô cùng tin tưởng vào phán đoán của bản thân mình, nhất định là Vân Châu đã có người trong lòng, hơn nữa người trong lòng nàng đang làm quan trong triều, bằng không việc gì nàng phải diễn tuồng như vậy để bảo vệ công danh cho người yêu cơ chứ? Hiện giờ tính tình của Vân Châu khá là trầm tĩnh, nhưng mà đây cũng là phản ứng bình thường của một thiếu nữ biết tư xuân mà thôi. Khi một nữ hài tử đã có người trong lòng thì tự nhiên sẽ bớt đi tính trẻ con, trở nên dịu dàng và hướng nội.
Đội ngũ có quá nhiều người, hơn nữa lại còn là Hoàng gia xuất hành nên không thể gấp rút được, vì vậy khi lên đến đỉnh núi Vạn Tuế thì đã là nửa ngày sau, đã qua cả giờ Ngọ rồi.
Những thành viên trong hoàng gia dưới sự hướng dẫn của các quan viên có liên quan và thái giám bắt đầu tiến hành hoạt động tế tự theo lệ thường. Mà Tiểu Ngọc và đám nữ quyến lại được an trí trong một đình nghỉ chân giữa lưng chừng núi. Nói dễ nghe thì đây là tụ hội trong ngày Tết Trùng Dương, còn nói khó nghe thì chính là bắt ép các nàng phải ngồi đợi ở đây thật nghiêm chỉnh, đừng có quấy nhiễu Hoàng đế tế tự.
Các nàng chẳng qua chỉ là đạo cụ để Hoàng gia bày tỏ lòng “Thương dân” của mình mà thôi, Tiểu Ngọc đã nhìn thấu điều này. Nhưng các phu nhân khác cùng tham gia hoạt động này lại không cho là như vậy, ai ai cũng có vẻ mặt vô cùng vui mừng và hãnh diện.
Thật đúng là hư vinh, hư vinh mà!
Tiểu Ngọc thầm than, nhưng mà có ai lại không thích những thứ danh lợi phù phiếm này cơ chứ.
Nàng ngồi ở một chỗ đã được cung nữ chỉ định an bài, bởi vì nàng không phải là Cáo mệnh phu nhân, nên chỉ có thể ngồi cùng những phu nhân nhà quan cũng giống mình. Nhưng mà, trên bàn có mười người thì đến năm người có quen biết với Tiểu Ngọc, hơn nữa cung nữ lại vô cùng tri kỷ bày ra điểm tâm và trà xanh dùng trong Tết Trùng Dương, mấy người phụ nhân cứ nói nói cười cười, nên nàng cũng không cảm thấy nhàm chán.
Ra ngoài sưởi nắng một chút cũng không tệ!
Tâm tình của Tiểu Ngọc giống như bầu trời trong xanh không gợn mây của tiết trời mùa thu lúc này. Nhưng đáng tiếc, khi nàng nhìn thấy một bóng dáng quen thuộc lại không nhịn được mà nhíu mày. đam mỹ hài
Đúng là âm hồn bất tán mà.
(1) Trích bài thơ Túy Hoa Âm - Lý Thanh Chiếu
Dịch nghĩa:
Khói nhạt mây dày, ngày dài tẻ ngắt
Hương trầm đã nguội, lò vàng đã tắt
Tiết trời tươi đẹp đúng dịp trùng duơng
Gối ngọc màn the
Nửa đêm hơi lạnh len vào
Dịch thơ:
Sầu dâng khói nhạt mây dày
Lò vàng hương lạnh ngưng bay bao giờ
Trùng dương trời đẹp như mơ
Đêm thu gối ngọc màn tơ buốt hồn
(Vi Nhất Tiếu)
- Lý Thanh Chiếu (chữ Hán: 李清照, 1084 - mất khoảng năm 1151), hiệu Dịch An cư sĩ (易安居士), là nữ tác gia chuyên sáng tác từ nổi tiếng thời nhà Tống, (Trung Quốc). Theo đánh giá của nhà văn Lâm Ngữ Đường (林語堂), thì bà là nữ thi nhân bậc nhất Trung Hoa.