Năm Đó Nhớ Thương Đại Sư Huynh

Chương 16: (Ấu thơ) Sư huynh phá quan




Trong các sư huynh ở lại núi Thúy Vi, người Tiết Tử Dung ít qua lại nhất là Cửu sư huynh Thôi Bạch Hạc.
Lần đầu tiên gặp Cửu sư huynh là lúc nó vừa lên núi, trong ký ức sơ sài của nó vẫn sót lại tình cảnh Cửu sư huynh chảy hai dòng huyết lệ, khăng khăng đòi đưa nó đi làm lệnh bài đệ tử ngay đêm ấy.
Về sau nó cũng ít khi gặp lại Cửu sư huynh. Vị sư huynh này ngày thường ít khi ra ngoài, ba năm qua nó chỉ gặp chưa đến mười lần, mà trong đó có đến tám lần vị Cửu sư huynh đó đều chảy huyết lệ.
Lần này Thôi Bạch Hạc đêm khuya vào viện của đại sư huynh, vừa gặp nó đã kêu: "Đưa huynh đi gặp đại sư huynh đi!"
Nhìn thấy hai dòng huyết lệ đang chảy xuống trong đêm tối chỉ có ánh sáng lập lòe soi cho, đứa trẻ tám tuổi nào mà không hoảng sợ chứ. Nó lắp bắp: "Đại… Đại sư huynh, huynh, huynh ấy còn đang bế quan."
Thôi Bạch Hạc cũng lười nói với nó.
Dường như bóng đen chẳng có chút ảnh hưởng nào đến kẻ mù, hắn quay người đi về phía sau viện nơi suối linh mà chẳng chút khó khăn, thoạt nhìn hắn tựa như nhìn rõ đường đi hơn cả Tiết Tử Dung.
Cửu sư huynh hẳn sẽ không vô cớ đòi gặp đại sư huynh dù biết người đang bế quan nên nó cũng không ngăn cản mà chạy vội theo sau, vừa chạy vừa hỏi: "Cửu sư huynh? Có việc gì vậy?"
Thôi Bạch Hạc không đáp lời nó mà lẩm nhẩm gọi: "Sư huynh, sư huynh, sư huynh."
Gọi được mấy lần, hắn quay sang kêu Tiết Tử Dung gọi theo.
Thằng bé vừa sợ vừa không hiểu nhưng cũng gọi. Hai người cứ thế vừa đi vừa lầm rầm kêu đại sư huynh trong bóng tối, ai không biết còn tưởng bọn họ đang niệm chú gọi hồn cơ đấy.
Đầm nước phía sau viện có nhiều đá trơn, Tiết Tử Dung cũng không dám để Cửu sư huynh mình đi qua đó bèn đưa tay ra đỡ người nhưng dường như Thôi Bạch Hạc gấp lắm rồi, hắn kéo xềnh xệch thằng bé theo.
Đến trước cửa động, linh lực tạo thành kết giới hãy còn vây kín cửa. Đây là kết giới của sư phụ bọn họ giăng do lần này Ly Tương bị cưỡng chế bế quan, mà Thôi Bạch Hạc lại cũng không phải là kẻ linh lực dồi dào tu vi hơn người, còn Tiết Tử Dung đến dẫn linh còn chưa làm được nữa là. Nhưng thấy vậy Thôi Bạch Hạc chẳng những không nao núng mà còn bình tĩnh gọi to hơn: "Đại sư huynh, Tứ sư huynh."
Lúc mới lên núi có nhiều người hỏi Ly Tương rằng Tiết Tử Dung là lão Tứ phải không, Ly Tương đều phủ nhận, mấy năm ở đây khiến cho nó lờ mờ đoán được nó có một vị Tứ sư huynh nào đó, chỉ là mọi người vẫn chưa tìm ra người này, mà người này còn có khả năng là một đứa trẻ.
Thôi Bạch Hạc vẫn ra sức gọi, giọng hắn bắt đầu khàn cả, huyết lệ rơi tí tách xuống dòng suối, Tiết Tử Dung lén nhìn thì thấy chúng hòa tan mất hút giữa dòng, ánh sáng thanh lọc linh tuyền không ngừng nhấp nháy trong đêm u tối.
Ngay đúng lúc này, một tiếng nổ to vang lên, theo đó là ánh sáng như gợn sóng lan dần ra soi sáng cả hậu viện khiến cho thứ ánh sáng trong tay Tiết Tử Dung chẳng còn là gì cả. Kế đó, một bóng người vọt ra, quần áo người này ướt đẫm, tóc tai hãy còn nhỏ giọt.
Người vừa đến nắm chặt lấy vai Bạch Hạc mà lắc, hắn gằn từng tiếng hỏi: "Ở đâu?"
Tiết Tử Dung đứng cạnh người ấy, bị hơi lạnh từ người ấy tỏa ra làm cóng người.
Đó là giọng nói của Ly Tương.
"Chân núi Đông."
Thôi Bạch Hạc vừa dứt lời, Ly Tương đã buông hắn ra, kế đó người còn chẳng kịp gọi kiếm đến đã đạp lên phiến lá khô ven suối, bấm quyết rồi vọt về hướng đông.
Tất cả diễn ra trong chớp nhoáng, Tiết Tử Dung chưa kịp hiểu gì cả thì Thôi Bạch Hạc đã gọi nó: "Đưa huynh ra phía trước đi."
Nó chỉ đành vâng lời.
Tiết Tử Dung có rất nhiều điều muốn hỏi nhưng lại không biết hỏi từ đầu, nó dắt sư huynh mình đi trên đường nhỏ quay về sảnh trước, mấy lần cứ ngẩng đầu lên nhìn, muốn hỏi lại thôi. Dường như Cửu sư huynh của nó cảm nhận được bèn cúi người xuống nhìn, nói với nó: "Đệ muốn hỏi ta làm sao gọi đại sư huynh đệ ra ngoài được hay muốn hỏi về Tứ sư huynh."
Sau đó người đó nhìn nó rồi nở nụ cười. Huyết lệ chảy cạn rồi nên nụ cười ấy đã chẳng còn đáng sợ nữa, trông rất bình thường và gần gũi, hắn nói: "À, chắc là đệ muốn nghe cả hai."
Tiết Tử Dung im lặng ngầm thừa nhận.
Khi hai người đi tới bàn đá dưới gốc lê ở sân trước, Thôi Bạch Hạc ngồi xuống, hắn để tay lên bàn thì vô tình chạm phải thanh kiếm gỗ của tiểu sư đệ mình.
Tiết Tử Dung toang lấy lại, nhưng nhìn thái độ vuốt ve như nâng niu bảo vật của Cửu sư huynh dành cho thanh kiếm, nó chỉ đành nhìn mà không dám nói.
"Cái này là đại sư huynh làm cho đệ à?" Thôi Bạch Hạc bỗng hỏi nó.
Tiết Tử Dung gật đầu.
Nhưng ngay sau đó nó nhận ra Thôi Bạch Hạc sẽ không thấy nó gật đầu được bèn nói: "Vâng ạ."
"Tay nghề của huynh ấy kém quá."
Nói xong hắn để thanh kiếm lại lên bàn.
Tiết Tử Dung định hỏi có phải các sư huynh khác đều được đại sư huynh đẽo tặng kiếm gỗ hay không thì Cửu sư huynh nó bỗng nói: "Không bằng một góc của Tứ sư huynh. Chín đệ tử nội môn, vũ khí của ai cũng do một tay lão Tứ làm ra, tay nghề có thể nói là nhất nhì núi Thúy Vi này dù khi ấy huynh ấy chỉ vừa dẫn linh. Lão Tứ còn hứa sau khi Trúc Cơ sẽ tự tay rèn cho chúng ta mỗi người một món vũ khí khác..."
Bùi Nhiên là đệ tử thứ tư của Ly Nguyên Thượng chân nhân.
Từ nhỏ hắn đã say mê luyện khí, khi lên núi cũng chỉ hơn mười tuổi nhưng đã làm ra bao nhiêu là thứ hay ho cho các sư huynh, sư tỷ. Hồi ấy khắp Thúy Vi đều cười cợt hắn đam mê tạp học, không phải kiếm tu càng chẳng giỏi ngự thú khiến cho sư phụ phải mất mặt. Thời đại đó, kiếm tu đứng đầu các đạo mà luyện khí hay y tu chỉ là kẻ phụ trợ không hơn.
Lúc ấy, không ngày nào là Ly Tương và Kiều Trác Việt không đánh nhau với người ở đỉnh núi khác để bảo vệ tiểu sư đệ nhà mình. Thậm chí đến đêm Đề Sương sư tỷ còn thả côn trùng vào phòng bọn đó.
Những điều bọn họ làm chỉ có duy nhất một lý do, đó là để Bùi Nhiên có thể an tâm làm điều mình thích.
Về sau đánh nhau ầm ĩ đến sứt đầu mẻ trán, côn trùng cũng hành quân thành đàn càn quét các đỉnh mới làm các phong chủ khác kéo lên đỉnh Túc Phong nói chuyện. Mà họ Ly kia trời sinh cũng là kẻ giúp thân không giúp lý nên cuối cùng cả đám đệ tử bị phạt bế quan, bao gồm đám đệ tử Túc Phong và mấy kẻ giễu cợt Bùi Nhiên.
Quả nhiên về sau, vị trí của luyện khí sư cũng tăng lên đáng kể, hơn nữa vũ khí hắn rèn ra không kém cạnh gì so với loại được làm ở Yêu Châu.
Tiếc là hắn còn trẻ, cảnh giới chưa cao, tu vi nông cạn nên thứ làm ra chưa được tính là trác tuyệt, vẫn còn thiếu "lửa" so với loại được Yêu tộc mấy trăm tuổi làm ra.
Nhưng chỉ cần cho hắn thời gian, Bùi Nhiên hắn hẳn có thể làm được.
Bùi Nhiên là vậy đó.
Chỉ cần nhắc đến luyện khí hắn sẽ tự tin và kiêu ngạo biết nhường nào. Hắn từng nói với Ly Tương sẽ cải tiến Ngọc Tán cho hắn, để Ngọc Tán không chỉ là chiếc ô lúc không giao đấu, hắn sẽ rèn ra thanh kiếm đệ nhất cho Kiều Trác Việt để xứng với một kiếm tu đệ nhất phái như hắn, sẽ để mỗi một người ở đỉnh Túc Phong có thứ vũ khí độc nhất vô nhị.
Nhưng ngoài trừ luyện khí hắn cũng chỉ còn lại là một thiếu niên ngây thơ, tay trói gà không chặt. Sau khi hắn ôm lò Linh Lung mình hay dùng để luyện chế dẫn linh thì tu vi chậm chạp không tăng tiến, thứ hắn làm ra vẫn thiếu uy lực. Người khác dù tay nghề có kém hơn hắn nhưng thắng ở tu vi cao.
Muốn bức phá giới hạn bản thân mình trở thành điều thôi thúc hắn, nhưng hắn không có căn cơ, muốn Trúc Cơ vẫn chưa đủ.
Cứ thế, Bùi Nhiên vừa phải đối mặt với sự bất lực của bản thân mình vừa phải đối mặt với lời trào phúng từ bên ngoài. Ngay cả người bạn lên núi cùng hắn cũng đã Trúc Cơ nhiều năm rồi, là lứa đệ tử sáng giá số một số hai đỉnh Hoài Phong mà hắn lại là kẻ dẫn linh chỉ có nghề học tạp, lôi kiếp còn chẳng buồn nhìn đến hắn để khảo nghiệm.
Quả là làm mất mặt đỉnh Túc Phong.
Người bên ngoài ai ai cũng nghĩ thế.
Bùi Nhiên cũng nghĩ vậy.
Không biết xuất phát từ suy nghĩ ngu xuẩn và vận rủi nào, hắn tìm ra được trận pháp cổ xưa có thể dẫn lôi kiếp vượt cảnh giới. Hiển nhiên hắn giấu tất cả người để làm việc này, còn lừa Ly Tương đến làm hộ pháp cho.
Sách nói, phải có người tu vi cao hơn làm hộ pháp cho kẻ gọi lôi kiếp, mà trong mắt Bùi Nhiên, đại sư huynh không gì là không thể.
Bùi Nhiên nói đã tìm ra cách có thể luyện chế mà không cần tu vi cao, đó là gọi lôi kiếp đến để điểm lửa trong lò lên, Ly Tương lúc đó cũng không hỏi rõ, hắn nào biết lôi kiếp không phải thứ có thể gọi là đến, muốn "mượn lửa" là mượn được.
Một luyện khí sư dẫn linh, một tu sĩ Trúc Cơ vài năm cùng nhau vẽ ra trận pháp nghịch thiên mà chẳng nói với ai cả, thậm chí còn nghĩ pháp trận này sao lại bị cho vào tầng vào sách cấm ở Tàng Thư Các kia chứ?
Một người nghĩ là vì điểm lò bằng lôi kiếp sẽ giúp ích cho luyện khí sư tu vi thấp.
Mà người kia lại cho rằng có thể vượt cảnh giới.
Nhưng ngay khi tia sét đầu tiên giáng xuống Bùi Nhiên đang đứng ở trung tâm pháp trận thì linh cảm của Ly Tương sục sôi. Hắn bỗng dưng nhận ra thứ sấm sét đng giáng xuống sâu kiến là sư đệ mình uy lực còn lớn gấp trăm lần khi hắn vượt ải Trúc Cơ.
Mà Bùi Nhiên nào có cầm theo lò Linh Lung kia chứ.
Bùi Nhiên lừa hắn.
Nhận ra thì đã quá muộn.
Lúc tia sét màu lục cuối cùng giáng xuống thì Ly Nguyên Thượng đã tới nơi, chỉ thấy Ly Tương đang ôm chặt thi thể Bùi Nhiên, mà trên người hắn cũng đã chằng chịt vết thương.
Mấy đạo sét sau cùng là hắn thay Bùi Nhiên nhận lấy.
Không phải ba đạo sét của Trúc Cơ Ly Tương từng chịu mà là bảy đạo sét màu lục từng đợt giáng xuống kẻ dám đi ngược với con đường tu đạo gian nan.
Chết đi một Bùi Nhiên xem như đã là ít.
Sau đó Bùi Nhiên được an táng ở vùng cấm linh của núi Thúy Vi, chôn cùng hắn là chiếc lò Linh Lung thân quen. Đại sư huynh cũng bị thương đến gần như mất nửa cái mạng, đợi đến khi hắn tỉnh lại, ngồi dậy được thì cỏ trên mộ Bùi Nhiên cũng đã xanh. Hắn dập đầu đến chảy cả máu ở đó.
Bùi Nhiên chết khi chưa chịu xong bảy đạo sét Trúc Cơ do mình gọi đến nên hắn vẫn là người phàm. Mà may mắn làm sao, người phàm thì sẽ có luân hồi.
Ly Tương biết được điều này, hắn cũng biết mình đang làm trò nực cười ra sao nhưng hắn lại không thể ngừng xuống núi tìm kiếm như con ruồi không đầu.
Luân hồi rồi thì đó nào có phải là Tứ sư đệ của hắn nữa đâu.
Về sau Thôi Bạch Hạc khi đó vẫn còn nhìn rõ đến nói với hắn, Bùi Nhiên vẫn chưa đến lúc tái sinh hắn mới dần dần bình tĩnh lại, thôi chạy khắp nơi mà bắt đầu chờ đợi tin tức.
Chờ đến hôm nay, cuối cùng Thôi Bạch Hạc cũng đã tìm thấy người.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.