Năm tháng sau, ở Vạn Kiếp sai người báo tin vào kinh nói rằng Thiên Thành trưởng công chúa qua đời, lúc đó tôi đang ngồi trong sân dưới tán cây lê già xem Quốc Chẩn viết chữ.
Trời đương vào độ cuối tháng chín, lá vàng rơi khắp mặt sân, cây lê già cằn cỗi cũng không thoát khỏi số phận đó. Từng đợt lá tuôn xuống theo cơn gió cuối thu khiến cành cây trơ trụi, chỉ còn vài ba quả héo trên cây, không biết lúc nào thì rụng. Lúc nghe tin tôi còn chưa ý thức được, mờ mịt hỏi lại:
- Thiên Thành công chúa?
Thằng nhóc Quốc Chẩn cất lên chất giọng run run:
- Là.. là..bà ngoại...
Tôi giật mình đứng bật dậy, cái nghiên mực bị đụng trúng đổ xuống đầy mặt sân.
Sau này tôi mới chợt nhớ lại lần chia tay với bà trên thuyền khiến trong lòng lưu luyến bịn rịn khôn nguôi, sau đó dù không ít lần lo lắng bất an nhưng lần cuối cùng gặp lại vẫn bị dáng vẻ cố tỏ ra khoẻ mạnh của bà lừa gạt, kết quả ngoại trừ lần gặp mặt cuối trước khi đóng áo quan, tôi đã không còn gặp lại mẹ mình một lần nào nữa.
Tám năm dưỡng dục, một năm ở cạnh nhưng không phát hiện ra thân nhân, sau đó là vào cung rồi binh loạn. Khoảng thời gian tôi ở cạnh bà quả thật có thể đếm trên đầu ngón tay.
Ban đầu tôi tự hỏi, vì cớ gì một người đang độ hồng hào mạnh dạn như thế có thể nói đi là đi, rốt cuộc đến hôm trở về ngày tang lễ, cha tôi mới nói là do lần đó thuỷ binh của địch đuổi theo tập kích, giao chiến mấy trận không phân thắng bại, nhưng mẹ lại đỡ cho cha tôi một mũi tên. Cha nói mũi tên đó nếu bắn lên người ông cùng lắm thì bị thương nửa tháng, dưỡng sức một tháng, nhưng bắn lên người bà lại lấy đi nửa cái mạng. Lúc đó bà vẫn cố chấp nói rằng:
- Chàng mà bị thương, thì ba quân tướng sĩ biết phải làm sao?
Cha tôi khóc nói:
- Vậy nếu nàng chết, thì ta phải làm sao?
Mẹ tôi không nghĩ được nhiều như thế, tôi cũng hiểu lòng bà. Nếu như lúc ấy là tôi đỡ mũi tên cho Trần Khâm, dù mười lần một trăm lần tôi cũng nguyện, vì hễ mà anh ấy có mệnh hệ, là đất nước cũng lâm nguy. Tôi vô cùng ngưỡng mộ mối tình của cha mẹ tôi, cho đến hôm nay, mối tình này cũng chỉ còn nằm sâu dưới cõi lòng người trong cuộc.
Tôi có lần ích kỷ trộm nghĩ, nếu như mình đi trước Trần Khâm thì tốt quá, như thế có thể mỉm cười nắm tay chàng mà nói "em đợi chàng dưới suối vàng", chứ không phải là một thân một mình cô đơn trên trần thế. Vậy mà tôi lại không biết được cuối cùng chính mình lại là kẻ nhìn từng người từng người một rời khỏi thế gian.
Trần Khâm truy phong cho mẹ tôi thành Nguyên Từ Quốc Mẫu, có thể xem là một đặc ân vô cùng lớn, nhưng người đã chết rồi ấy mà, vinh quang dù sao cũng chỉ để dành cho người sống tự hào mà thôi.
Cũng như lần trước, sau khi mẹ tôi mất không lâu, tôi lại mang thai lần nữa, giống như là một đặc ân mà ông trời muốn an ủi tôi. Lần này là một cặp sinh đôi, đứa lớn đặt tên là Thượng Trân, đứa nhỏ gọi là Thiên Trân. Không phụ mong đợi, hai đứa trẻ không còn giống Trần Khâm nữa mà giống tôi y đúc, nhất là cô chị Thượng Trân, mỗi một cái nheo mắt nhướng mày, đều không sai biệt vào đâu được.
Chị Anh Nguyên rất vui vẻ, nhưng bỗng nhiên nhớ ra trước mặt chị ta là thằng bé cả con nhà anh ba, tuổi tác vừa hay lớn hơn hai cô Trân một chút. Nhìn chị ta ỉu xìu, tôi nói:
- Chồng chị hiện giờ đã làm đến chức Hữu Kim ngô Đại tướng quân, mà Nhữ Triết vẫn còn nhỏ, sau này trăm hoa khoe sắc tha hồ chọn lựa, cớ gì cứ đâm đầu vào mấy đoá tầm xuân đầy gai nhà em làm gì?
Chị Anh Nguyên thở dài, sau này cũng không thấy chị ta nhắc tới việc này nữa, hình như đã chịu bỏ cuộc.
Nói tới mới nhớ, ngay cả vợ của ông chú sáu ở bên kia hoàng thành cũng hạ sinh quý tử rồi, không sinh thì thôi, hễ mà sinh thì sinh một lúc mấy thằng con trai. Còn vợ anh ta do hai lần có công đánh giặc nên được phong làm Trinh Túc hương chúa, sau đó lấy anh ta thì đổi thành Trinh Túc phu nhân, dòng họ cũng được đề bạt rất nhiều người làm quan, nhất là những người theo chị ta hỗ trợ Trần Nhật Duật năm ấy.
Cái năm mà Trần Nhật Duật bỏ phủ đi ba ngày, tính ra cho đến hôm nay khi chị ta vinh quang gả vào phủ đệ Chiêu Văn tôi mới được tỏ tường chân tướng. Không giống với những gì mà tôi tưởng tượng năm xưa, chị ta đúng thật là con gái của tri huyện Tế Giang châu Thanh Hóa, cả nhà bị giặc giết hại, sau đó giúp đỡ chỉ điểm lúc quân đội của Trần Nhật Duật ở xứ Thanh, nhờ vậy mới có thể chuyển nguy thành an.
Sau này chị ta hầu đèn sách trong phủ của Trần Nhật Duật, chịu nhiều điều tiếng thì đã thôi, còn phải chịu vẻ mặt không nóng không lạnh của anh ta, lúc vui vẻ thì nói nhiều hơn mấy tiếng, lúc dở dở ương ương thì hết sai cái này tới bắt bẻ cái kia, không làm cách nào cho anh ta hài lòng. Trần Nhật Duật xuất sắc biết bao nhiêu, từng tuổi này lại chưa có gia đình khiến hầu hết con nhà quý tộc đã đỏ mắt thèm muốn, đương nhiên không chấp nhận nổi một kẻ mang thân phận hèn kèm, lễ nghi không có giáo dưỡng càng không từ đâu xen vào.
Ngược lại một công thần như chị Ngọc Châu cũng không chịu nổi hoàn cảnh như đứng giữa nước sôi lửa bỏng như thế, Trần Nhật Duật không đứng ra bảo vệ thì thôi còn ở giữa xem trò hay, thỉnh thoảng góp vui bằng một tràng vỗ tay, không căm tức mới là lạ đó.
Tôi nghĩ rằng lúc đó một phần vì chị ta ngán cái cảnh tứ cố vô thân, một phần vì trong lòng đã nảy sinh thứ tình cảm không nên có mới bằng lòng sống trong cảnh tạm bợ, à có lẽ lúc ấy chị ta cũng chẳng biết thứ cảm giác kỳ lạ đó là gì, chỉ biết xa Trần Nhật Duật là chị ta cực kỳ khó chịu. Giữa cái khó chịu giữa việc không thể gặp mặt Trần Nhật Duật và bị soi mói ác ý thì chị ta chọn vế thứ hai.
Đương nhiên Trần Nhật Duật vẫn là một chàng trai hết sức ngây thơ, ngây thơ thì không xấu, nhưng vừa ngây thơ vừa cao ngạo đó mới là vấn đề, anh ta rõ ràng không hiểu được lòng mình, giống như sự khôn ngoan trong chuyện gió trăng lại tỉ lệ nghịch với đầu óc thiên tài của anh ta vậy. Anh ta vẫn luôn không biết vì sao mình đặt biệt muốn tiếp cận với Ngọc Châu, mà càng muốn tiếp cận, anh ta càng làm mấy việc thiên địa bất dung, mấy chị em theo đuổi anh ta càng được nước lấn tới.
Thế rồi ngày nọ chị Ngọc Châu bất ngờ có thư nhà, nhưng chẳng phải người nhà chị ta đều chết hết rồi sao, việc này vừa hay lại có uẩn khúc.
Chị Ngọc Châu có một người bác họ làm nghề buôn bán ở phủ Tam Giang, vừa hay tin cả nhà em gái mình đều tử nạn chỉ còn lại một mình đứa cháu gái nhỏ trốn thoát, tình cảm thân nhân bỗng nhiên trỗi dậy, bác ta chợt nhớ tới hôn ước ngày xưa giữa cháu gái và thằng con mình, định bụng tìm kiếm tác hợp nên mối lương duyên.
Chị Ngọc Châu cảm thấy tuổi tác mình cũng lớn rồi, quyết tâm hỏi rõ Trần Nhật Duật một lần xem anh ta rốt cuộc xem mình là cái gì, Trần Nhật Duật lại dửng dưng nói:
- Không phải cô là người hầu đèn sách cho ta hay sao?
Chị Ngọc Châu mang một bụng ấm ức trở về, tính ra kể từ khi vào phủ, hình như chưa có buổi nào là hầu hạ trọn vẹn, nếu không phải anh ta chê mực mài loãng quá thì sẽ chê chị ta vụng về quá. Chị Ngọc Châu thì cảm thấy ngoài những lúc mình vô ý ngủ gật bên án thư ra, tất thảy đều hết sức bình thường, nhưng Trần Nhật Duật ấy mà, anh ta nào phải người bình thường chứ?
Kết quả thì ai cũng biết là chị ta khăn gói ra đi, Trần Nhật Duật lúc này mới hoảng hốt lên, bỗng nhiên cảm thấy khoảng thời gian qua dường như đã quen với việc có chị ta bên cạnh, đột ngột mất mát như thế hình như trong ngực có gì đó... nhói đau?
Lúc này ngoại trừ kẻ ngu ra thì ai cũng biết bản thân mình gặp phải vấn đề gì, nhưng mưa gió đi tìm, lúc phát hiện ra thì chị Ngọc Châu đã đính hôn, chồng chưa cưới là một chàng trai nhân hậu thật thà, gia cảnh cũng được xem là khá giả, lại hết sức nghe lời chị ta. Trần Nhật Duật lẻn vào phòng chị Ngọc Châu nói rõ lòng mình, thái độ vẫn y như cũ giống như ban ơn, bá đạo như thế, chị Ngọc Châu vừa khóc vừa mắng một trận, làm anh ta trở về như kẻ mất hồn.
Bẵng đi một thời gian, vào đúng cái ngày chị ta thành hôn thì mới hay Trần Nhật Duật thất bại ở Bạch Hạc, chỗ đóng quân này nói gần thì không gần, nói xa cũng không xa, vừa vặn cách phủ Đỗ của ông bác mình một dãy núi, hai con sông. Chị Ngọc Châu vội vàng tháo khăn cưới, đứng dậy kêu gọi gia nô đi hợp lực với triều đình, kỳ lạ là chồng chưa cưới của chị ta là kẻ nhiệt tình hơn ai hết thảy, gom hết lương thực gia súc đi theo đến Bạch Hạc giúp đỡ.
Có điều chị Ngọc Châu không hề biết, Trần Nhật Duật thua thì đúng là thua thật, nhưng anh ta là kẻ đứng đằng sau đi tung tin cho chị Ngọc Châu, để cho chị ta tự nhảy vào tròng. Sau cùng thì lộ ra việc Trần Nhật Duật từ lúc đưa quân đến đây, hai ngày một bận đều lẻn đến phủ Đỗ, nhưng chỉ dừng lại ở việc đứng từ xa mà nhìn người thương.
Trần Nhật Duật bây giờ không vô tri như Trần Nhật Duật lúc trước nữa, đương nhiên là làm chị Ngọc Châu cảm động trong lòng, nhìn vết thương trên tay đã được băng bó của anh ta càng thêm thuận mắt, lúc này chồng chưa cưới của chị ta lại đứng ra huỷ hôn, tác thành cho đôi uyên ương số khổ.
Chị Ngọc Châu ở lại doanh trại ngày ba bữa cơm nước thuốc thang, Trần Nhật Duật cũng khôi phục lại thương tổn về thể xác và tinh thần một cách thần kỳ, thậm chí đánh với giặc Nguyên mười tám trận lớn nhỏ không phân thắng bại. Hai người bọn họ ngày thì luyện tập võ nghệ bắn cung, đêm thì đàn hát, trong trại không ai là không biết cả, có điều nhìn tư thế oai hùng của chủ tướng và chủ tướng phu nhân tương lai, không ai dám hé răng nửa chữ.
Sau đó không may người chồng hụt số khổ của chị ta tử trận, cho dù là thắng lợi trở về, chị Ngọc Châu cũng không còn lòng dạ nào mà yêu với chả đương, đem xác anh chàng đó về định bụng thủ tiết. Tôi nhớ lại vẻ mặt mờ mịt của Trần Nhật Duật khi ấy, chắc là đang nghĩ cách nhanh nhất để đưa người thương về nhà. Cũng may anh ta mua chuộc được gia đình ông bác nọ, ai nấy xúm lại khuyên giải, chuyện mới coi như giải quyết xong.
Tất nhiên cả nhà anh chàng kia thăng quan phát tài, không phải là do Trần Nhật Duật nhúng tay, mà là do bọn họ thật sự có công phụ tá, ủng hộ của cải nhân lực và cả mạng người.
Mạc Đĩnh Chi không còn than phiền với tôi về tính khí thất thường của thầy sáu nó nữa, ngược lại rầu rĩ hỏi với dung mạo của nó thì có ai chịu lấy nó hay không? Tôi nhìn chàng trai trẻ năm nay đã ở ngưỡng hai mươi, vai rộng eo thon, dung mạo vì lớn lên nên ngũ quan cũng trở nên rõ ràng, không dễ nhìn lắm nhưng lại toát ra vẻ thư sinh nho nhã, không còn là thằng nhóc nhỏ xíu đen đúa ngày xưa. Đúng là dát chữ lên mặt, còn tốt hơn mấy lớp trang điểm tầm thường rất nhiều lần. A, đừng nói là sau khi lấy nhau, vợ chồng ông chú kia ngày ngày bày ra dáng vẻ ân ái, tình ý dạt dào khiến cho người khác đỏ mặt đấy nhé?
Tôi mỉm cười nhìn em ấy, ôn tồn nói:
- Một cô gái có thể nhìn thấu được vẻ đẹp bên trong của Đĩnh Chi mới xứng đáng là người vợ hiền.
Giống như cảm thấy mình đang nói dối một đứa trẻ, tôi bỗng nhiên hổ thẹn. Thôi cứ xem như mình suy bụng ta ra bụng người vậy, dù sao ngày ngày đi ra đi vào nhìn thấy gương mặt đẹp trai của Trần Khâm vẫn tốt hơn nhiều lắm.
Tháng hai, Trần Khâm lại cất quân thân chinh đi đánh Ai Lao, lần này tôi không còn đứng ngồi không yên đòi theo nữa, ngược lại rất bình tĩnh đưa tiễn chàng ra trận. Vị quan gia nhà tôi đã cứng cáp như một gốc cổ thụ có thể che mưa tránh gió cho tôi và con dân mình.
Nửa tháng sau anh thắng trận trở về, trên người nhiều thêm một vết thương, nhưng thần sắc tươi tỉnh đắc chí, vừa tan triều là sà vào người tôi ôm hôn một hồi, sau đó thì hỏi han các con một lượt. Tôi miễn cưỡng cười gượng nói hết thảy đều ổn, ôi chao, tôi làm sao có thể thú thật với anh ta là trong khi anh ta đang sống chết ở chiến trường thì thằng con quý tử của anh ta thường xuyên trốn nhà ra cung chơi với bọn công tử lêu lổng kia chứ, dù tôi có khi sai người giam lỏng nó lại trong cung, bằng cách nào đó nó vẫn có thể trốn ra ngoài.
Tôi thường âm thầm oán thán với Phạm Ngũ Lão, thứ võ công anh ta dạy là cái gì, có phải là công phu leo trèo hay không, ngày trước tại sao lại giấu nghề với tôi chứ? Phạm Ngũ Lão nói võ công là tự do phát huy, phu nhân ngày đó không phải vào cung ra cung như đi chợ hay sao, trong nhà ngoài chiến trận có nơi nào là không có dấu chân của phu nhân đâu, thay vì oán trách thần, phu nhân nên giáo dục lại tư tưởng của con trẻ đã.
Ay da, con trẻ dù sao cũng mười bốn tuổi rồi, đang trong độ tuổi nổi loạn, liệu anh nói nó sẽ nghe sao? Kể ra tôi còn có thể nghiêm khắc trách mắng, chị Trinh thì sao, giống như một túi nước mắt vậy, tôi hoang mang cảm thấy người phụ nữ năm xưa cản voi chắn hổ đã đi đâu mất rồi.
Xui xẻo that lúc Trần Khâm trở về, cũng là ngày thằng nhóc Thuyên ôm cái đầu u một cục về cung, nó vừa mở cửa phòng, đã bắt gặp ngay ánh mắt của ông già nhà mình đang nhìn chăm chăm. Ông già hỏi cớ gì mà ra nông nỗi đó, nó lại bảo là do chơi đuổi bắt với bọn ngoài phố, chúng đuổi rát quá, lại vừa đuổi vừa ném khiến nó chạy thục mạng, lúc chạy cũng không biết là kẻ nào ném đá trúng đầu.
Ông già đang cầm quyển bài tập vài ba chữ hổ lốn của nó trên tay, tiện thể vỗ lên đầu nó, mắng:
- Chúng nó ném ngươi thì ngươi chỉ biết cắm đầu cắm cổ bỏ chạy hay sao? Còn không biết ném lại?
- Dạ...được luôn ạ? – Thằng nhóc lắp bắp.
Trần Khâm quay mặt ho khụ khụ mấy tiếng, lườm nó:
- Thật là không biết phép tắc gì!
Trần Khâm phản ứng như thế cũng là lẽ hiển nhiên, từ trước đến nay anh ta còn chưa để mình chịu thiệt trước ai bao giờ, cho dù là ngày bé đối với tôi thì cũng chỉ là loại giả heo ăn thịt hổ. Đến nay thằng con mình lại chẳng có chút gì giống mình, hỏi sao không bực cho được. Cũng may dù sao thằng nhóc Thuyên cũng mang vài phần nể phục cộng với sợ hãi đối với Trần Khâm, nạn trốn nhà đi phá làng phá xóm tạm thời được dập tắt.
Cũng trong năm đó, Thượng hoàng băng. Tôi biết thế sự tre già măng mọc, Trần Khâm lại càng là kẻ giống như hiểu thấu hồng trần, trải qua hai cuộc chiến sống còn, sinh tử chỉ như một giấc mộng phù vân. Thượng hoàng băng theo như anh ta nói thì chính là trở về với liệt tổ.
Trần Khâm thực thi một loạt các cải cách mới, như việc đưa quan văn đi trấn nhậm các châu để ngăn chặn việc có quá nhiều quan võ do chinh chiến lâu ngày, vừa phong quan cho người tài nhưng cũng hạn chế số quan lại trong nước, có lần tôi nghe tin anh ta lại còn chỉ đích danh An Phủ Sứ Diễn Châu về phạt trượng do người này nhũng nhiễu dân lành. Tôi vừa thở dài vừa chải tóc cho anh ta, cười nói:
- Vừa qua tam tuần, cũng đâu phải là một ông lão sáu mươi, cớ gì càng ngày lại càng nghiêm khắc.
Anh ta cũng cười tươi rói đáp lời:
- Nếu không nghiêm khắc, sao làm gương cho các con? Thượng hoàng cũng băng rồi, ta không còn nơi để dựa dẫm nữa, không dựa vào chính mình thì dựa vào ai? Dù sao đánh xong một trận cũng cho anh ta trở về, bây giờ tương truyền câu "An Phủ Diễn Châu trong tựa nước", em nói kẻ được hời không phải anh ta sao?
Tôi ôm cổ anh, giống như ngày xưa cọ gò má mình vào anh, cảm thấy người đàn ông này trước giờ cho dù là tàn nhẫn nghiêm khắc với ai chăng nữa, đối với mình vẫn hết sức dịu dàng chiều chuộng.
Mùa xuân năm đó, tôi cùng Trần Khâm ngồi thuyền đi khắp đất trời Đại Việt, chỉ thấy dân chúng ấm no, mùa màng phơi phới, chợ búa thuyền bè nhộn nhịp, khác hẳn với cảnh đói kém những ngày vừa đuổi được quân xâm lăng, những chỗ nhà cửa, cầu đường bị đốt phá ngày trước đều được khang trang xây dựng lại. Trần Khâm đắc ý cười với tôi, tôi cũng khen mấy lời phụ hoạ, thành ra khung cảnh cực kỳ đầm ấm.
Năm ngoái tôi nghe tin nhà Nguyên lại rục rịch định cất quân sang đánh nước ta, sau đó giặc giã nổi lên không ngừng nghỉ, dân chúng lầm than đói khổ oán than khắp nơi. Lòng tôi thầm mắng ông già Hốt Tất Liệt này sống dai thế nhỉ, từng tuổi này rồi còn chưa chịu yên thân, suốt ngày đòi đánh tây dẹp đông gây nên nghiệp chướng. Trần Khâm lại nói, chưa chắc là có thể đánh được. Kết quả ngần ấy năm trôi qua Đại Việt vẫn quốc thái dân an, còn ông già hiếu chiến nọ thì bệnh nặng vài bận rồi cũng chịu buông tay giã từ trần thế.
Giặc giã đã vãn, cuối cùng thì cũng tới bước đầu trao lại quyền hành, dù tôi cảm thấy Trần Khâm vẫn còn trẻ và thằng nhóc Thuyên lại còn trẻ nốt, nhưng Trần Khâm tựa hồ không quan tâm lắm vấn đề đó, anh ta rất lạc quan phân trần:
- Đất nước thì thanh bình, bốn phương chúng dân đều an cư lạc nghiệp, tất cả những việc gì cần làm ta đã làm hết cho nó rồi, đây là lúc thích hợp nhất để trữ quân bắt đầu làm quen dần với việc nước.
Lúc Trần Khâm nói câu đó, nhóc Thuyên mười sáu tuổi chỉ mới được lập làm hoàng thái tử. Đời người dài chẳng tày gang, mới ngày nào gặp mặt thằng nhóc đó nó chỉ mới bốn tuổi còn đứng tới đùi tôi, bây giờ thoắt cái đã ở ngay trước mặt tôi rồi còn muốn cao hơn cả tôi nữa, lúc này tôi mới chấp nhận là mình đã già. Phụ nữ qua ba mươi tuổi ấy mà, không chịu nhận mình già thì là nói dối, dù ông trời có ưu ái thì cũng không thể bì được lúc đang xuân.
Thằng nhóc Thuyên môi hồng răng trắng, vai rộng như dãy núi Tràng Kênh, tóc đen óng như màu mực Tùng Yên thượng hạng, mày mắt toát ra vẽ lãng tử của chàng trai đang độ xuân thì. Đương lúc này Trần Khâm lại vươn tay bắt nó ngược trở lại vào chốn cung cấm, thằng nhóc nhác trông thấy bản thân sắp sửa bị chôn vùi thanh xuân tươi đẹp, buồn bã ủ rũ một hồi, rất có cảm giác "đêm qua rót đọi dầu đầy, than thân với bóng, bóng rày chẳng thương".
Thằng nhóc Thuyên mười sáu tuổi thì con bé Duyệt cũng vừa lên bảy, Trần Khâm nhân tiện lập nó làm thái tử phi, ban cho một bà hầu già trong cung về phủ Tiết độ sứ để dạy phép tắc. Tuy là còn chưa đến tuổi có thể vào cung làm vợ người ta, nhưng lệ cũ hai nhà trước giờ vẫn vậy, mà ngó khắp dòng dõi đằng ngoại thì chỉ có con bé Duyệt là thích hợp nhất thôi.
Đương nhiên trữ quân trước tiên phải có con nối dõi, trọng trách này giao lại cho Chiêu Hiền quận chúa, vị này là con gái duy nhất của Trần Bình Trọng khi xưa, đang độ trăng rằm, mày mắt như vẽ. Tuy thằng nhóc Thuyên từ nhỏ đã luôn nói mình một dạ chung tình với cô nhóc đã thấy mặt từ lúc mới sinh ra, nhưng đàn ông ba vợ bốn nàng hầu, làm sao bắt một chàng trai đương lúc tuổi trẻ sung mãn chờ đợi chứ. Tôi tuy nội tâm âm thầm không đồng ý, nhưng cũng chẳng có lý do để bài xích, dù sao bản thân mình chẳng phải chính cung gì.
Cũng may là Chiêu Hiền được Bảo Nghĩa vương phi nuôi dạy rất tốt, chị ta ở góa kể từ lúc Chiêu Hiền tám tuổi, lấy việc dạy con làm niềm vui. Chiêu Hiền sống trong tình yêu thương của mọi người, hình thành nên tính cách phóng khoáng, làm việc không câu nệ, kính già yêu trẻ, khiến cho hết thảy người trên kẻ dưới trong cung vô cùng mát lòng mát dạ, kể cả thằng bé Quốc Chẩn nhà tôi cũng một tiếng chị dâu, hai tiếng chị dâu, suýt thì quên mất chị dâu nhỏ hơn bốn tuổi thật sự của nó vẫn còn học hành cực khổ ở phủ Tiết độ sứ kia kìa.
Cuộc sống thoải mái chốn thâm cung của tôi khiến tôi quên mất đã từng có rất nhiều câu chuyện bi thảm xảy ra trong hoàn cảnh này, dù sao tụi nhỏ cũng là những đứa trẻ mà tôi hết dạ thương yêu, đương nhiên không thể để xảy ra sơ xuất. Đứa trẻ Chiêu Hiền rất lanh lợi khôn ngoan, mà con bé Duyệt tính tình lại giống chị An Hoa như tạc, sống hòa hợp thì tốt, nếu như xảy ra mâu thuẫn, không chắc được là con bé Duyệt có chịu ấm ức không. Tôi buồn thu sầu đông một hồi, ngược lại thằng nhóc Thuyên dưới bàn tay săn sóc che chở của vợ hiền lại ngày ngày sống rất thoải mái.
{{{
Quý Tỵ, Trùng Hưng năm thứ chín. Mùa xuân, tháng ba, ngày mồng chín, Trần Khâm nhường ngôi cho Hoàng thái tử Thuyên. Trần Thuyên lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Hưng Long năm thứ nhất, đại xá, tự xưng là Anh Hoàng, tôn Thượng hoàng làm Hiến Nghiêu Quang Thánh Thái Thượng Hoàng Đế, tôn Bảo Thánh hoàng hậu làm Khâm Từ Bảo Thánh hoàng thái hậu.
{{{
Kể từ khi mẹ tôi mất, chị Trinh cũng bệnh mãi không lui, cuối cùng đợi được tới ngày thằng nhóc lên ngôi cao cửu ngũ, trong năm đó chị cũng buông tay giã từ cõi đời. Trong lúc hấp hối chị mới kể cho tôi nghe về chàng trai đã liều mạng cứu chị năm Thoát Hoan tập kích phủ đệ Vạn Kiếp, kể từ lúc đó, trong lòng chị đã sớm như quả phụ để tang.
Chị nắm tay tôi thủ thỉ, làm vợ của quan gia tốt lắm, dù sao ngoại trừ một lần đêm tân hôn, trong lòng chị cũng không chịu cảnh dằn vặt đến độ đó thêm một lần nào nữa. Đức lang quân của chị vẫn còn ở trên trời đợi chị, cuối cùng thì cũng có thể nhắm mắt xuôi tay không màng gì nữa. Bệnh tật mấy năm qua, gắng gượng đến ngày hôm nay đã mệt mỏi lắm rồi. Đến lúc này tôi mới xem như có thể hiểu rõ nguồn cơn.
Sau khi cơn buồn bã qua đi, đại nạn trên đầu bỗng nhiên ập xuống, đang là một phu nhân nhàn tản lánh xa việc đời, tôi đột nhiên trở thành Tuyên thái hậu gánh vác sáu cung. Đúng là lúc đương thời chưa từng lên ngôi hoàng hậu, cuối cùng một bước thành chim phượng bay lên cành cao, bỗng nhiên nhận được hoàng ân thì sinh ra hoảng hốt.
Cùng một sắc mặt hoang mang tột độ với tôi, thằng nhóc Quốc Chẩn cũng vừa được phong làm Huệ Vũ Đại Vương. Tôi nghi ngờ nhìn thằng con mình mới mười ba tuổi miệng còn hôi sữa, lại nhớ tới khi xưa cha tôi đi đánh bại quân Nguyên ba lần mới được phong tước Hưng Đạo Đại vương, thầm mắng Huệ Vũ đại vương cái gì chứ, như thế này không phải quá mức miễn cưỡng hay sao?
Quốc Chẩn ngồi trên bàn đá đối diện nhìn tôi, bóng lưng thẳng tắp, ánh mắt đẹp đẽ có thần, lông mày như điêu khắc, muốn có bao nhiêu chính trực thì có bấy nhiêu, giống như là một bức tượng hoàn hảo được tạc ra từ trên người cha nó vậy. Thằng bé để hai tay xếp lại ngăn nắp trên bàn, hơi hơi cau mày nói, chất giọng không kìm nén được run run:
- Mẹ...anh cả đúng là... ưu ái cho con quá!
Tôi chống cằm thở dài:
- Phải gọi là quan gia!
Thằng bé im lặng không đáp, không khí nhất thời chỉ còn tiếng nghiêm khắc dạy dỗ nho nhỏ của cô ba Huyền Trân với hai cô Trân nhỏ mới vừa lên ba, tuy hai phe chênh nhau về số người nhưng khí thế của Huyền Trân thì hơn hẳn hai cô Trân cộng lại, vừa nhìn đã phân rõ thắng thua. Huyền Trân tuy mới sáu tuổi nhưng tính tình thì như bà cụ non suốt ngày thích ra vẻ răn dạy em út, mấy đứa nhỏ vậy mà lại vô cùng sợ hãi bà chị gái của mình, hết sức ngoan ngoãn lễ phép, nhờ thế tôi cũng an tâm hưởng thụ khoảng thời gian thảnh thơi sau giặc giã. Ấy vậy mà đương không bỗng dưng lại nhảy ra ngôi vị Thái hậu quái gỡ này.
Quốc Chẩn nhìn bộ dạng không có tiền đồ của tôi, lại càng thêm lo lắng hỏi:
- Vậy...vậy bây giờ con phải làm gì tiếp theo ạ?
Tôi còn chưa kịp nói thì Huyền Trân đã phóng tầm mắt sắc lẹm như dao găm sang, chỉ hận cả anh và mẹ mình đều là sắt không thể rèn thành thép, lạnh giọng nói:
- Đây là quan gia ban ơn chứ không phải là trị tội. Mẹ, anh hai, hai người lo lắng như vậy làm gì? Vạn vật đều có chỗ dùng, lúc cần thì người ta tự khắc nói, lúc chưa cần tới thì cứ hưởng thụ đặc ân thôi.
Nghe xong mấy lời đó tôi với Quốc Chẩn mới ngây thơ cảm thấy đúng vậy thật, nhóc Thuyên là đứa hiếu thảo với cha mẹ, thương yêu em út, những thứ này không phải là mình xứng đáng được nhận hay sao, việc gì phải lo sợ thấp thỏm. Đa số thời gian mình lại chỉ ở hành cung Thiên Trường, việc vừa hay lại xa không thể đến tay, huống hồ dưới mình còn có con dâu tài giỏi vén khéo, lo trong lo ngoài. Rốt cuộc cho đến khi việc rơi xuống đầu thì âm thầm mắng con bé một trận vì tội khiến cho mình không kịp chuẩn bị tâm lý,này qua ngày chỉ biết sống một cách vô tri.
Việc đầu tiên phải kể đến đó là hôm nọ cha tôi dẫn đoàn ngự đến cung Trùng Quang, Trần Khâm trông thấy thằng con của mình sau bao ngày không gặp mới chợt nhớ ra một việc trọng đại, bèn nói:
- Nhà ta vốn là người hạ lưu, đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên xăm rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc.
Câu này ngày xưa anh ta từng nói với tôi một lần, bây giờ nghe lại đương nhiên cảm thấy rất hoài niệm. Còn đang mê man nhớ chuyện xưa, bỗng giật mình phát hiện ra thằng nhóc kia từ lúc nào đã không thấy đâu, chỉ để lại chiếc ghế chầu vẫn còn vương hơi ấm.
Trong phòng thoáng chốc rơi vào lạnh lẽo, thằng nhóc Quốc Chẩn lúc này vẫn còn ngây ngốc không biết tai họa đang ập xuống đầu, thản nhiên cúi người phụ họa:
- Dạ, phàm là những việc tổ tiên để lại thì vẫn nên cung kính tuân theo, vậy thì mai sau cơ nghiệp mới lâu bền.
Tôi nháy mắt ra hiệu nó mau im miệng, nó vẫn còn chưa biết trời cao đất dày tiếp tục nói:
- Mẹ không khỏe ạ? Vậy con sai người đưa mẹ về cung nghỉ ngơi nhé, chỗ này chốc nữa phải làm việc hơi tế nhị, mẹ là nữ quyến ở lại cũng không tiện.
Đúng rồi đứa con chính trực của ta, lát nữa để xem con làm thế nào tự đưa đầu vào miệng cọp. Anh cả ưu ái con lắm, nhưng đừng quên cả cha con cũng rất yêu mến con.
Tôi vừa mới từ trên sập đứng lên đã nghe Trần Khâm ở bên cạnh lạnh giọng hỏi:
- Quan gia đâu rồi?
Bên dưới có nội nhân quỳ thưa:
- Quan gia đã về cung Trùng Hoa rồi ạ!
Không gian ngưng đọng một lát, tôi đứng bên cạnh nghe Trần Khâm hít sâu một hơi, nén giận hỏi:
- Quan gia đã trốn rồi chăng?
Đúng rồi, với tính tình không khiến người ta bớt lo của nó thì có thể như vậy thật đấy. Có điều hiện giờ người ta đã là quan gia, cho dù là sợ đau bỏ trốn thì đám quần thần bên dưới cũng vô phương hặc tội, chỉ biết cúi đầu im thin thít, không gian yên ắng đến nỗi có thể nghe rõ tiếng mồ hôi nhỏ giọt xuống sàn nhà.
Một lúc lâu, vị Thượng hoàng bên kia cũng nguôi nguôi giận, bất đắc dĩ nói:
- Thợ xăm cũng tới cửa cung rồi, vậy Quốc Chẩn qua xăm đi!
Lúc này kẻ chính trực Quốc Chẩn mới ngớ người hiểu được mấy cái nháy mắt kỳ lạ của tôi, cho dù trong lòng khổ não vẫn không hề tỏ ra ngoài sắc mặt. Chỉ là tôi dù sao cũng là mẹ nó, nuôi nó ngần ấy năm làm sao không hiểu rõ bụng dạ con mình, dù chắp tay tạ ơn nhưng hai bàn tay Quốc Chẩn vẫn không nén được run lên.
Mấy đứa trẻ này dù sao chưa từng trải qua những việc đau đớn về thể xác, phản ứng như vậy âu cũng là việc thường tình. Mỗi việc thằng nhóc Thuyên trốn tránh việc của tổ tiên, về sau cũng trở thành tiền lệ.
Lại như một bữa nọ vào tiết đoan ngọ, tôi theo Trần Khâm về triều, nói chuyện với con dâu về việc trong cung suốt cả canh giờ, sau đó mới thấy vẻ hậm hực của anh ta quay trở lại. Tôi cho Chiêu Hiền lui ra, cởi đi lớp áo bào nóng bức bên ngoài của Trần Khâm, lại lấy quạt nan ngồi trên sập quạt mát cho xua đi mồ hôi, mới lựa lời hỏi:
- Sao Thượng hoàng vừa mới sang chỗ quan gia chưa lâu mà đã trở lại rồi?
Trần Khâm uống một hớp trà nguội, còn chưa nuốt xuống cổ đã kêu lên "đắng quá!".
Tôi ngạc nhiên, liền cầm lấy uống thử một ngụm, cảm thấy ngoài để lâu nên nguội ra thì mùi vị vẫn như ngày trước, nào có đắng như lời anh ta nói đâu. Lúc này mới biết hoá ra không phải do tay nghề mình trở nên vụng về mà là do khẩu vị của Trần Khâm đã thay đổi.
Anh ta ăn hai miếng lê nhuận giọng, lúc này mới hằn hộc nói:
- Quan gia đúng là..không làm cho người ta bớt lo.
- Quan gia? Quan gia đã nói gì phật ý chàng ư? – Tôi thắc mắc.
Trần Khâm hừ một tiếng, đáp:
- Rượu xương bồ ngon lắm, ta còn chưa gặp được mặt mũi nó ra làm sao đâu!
Hoá ra là bị cho leo cây?
Việc này kể ra thì rất dài, ông vua cha về cung đột xuất ăn tết, ông vua con thì chẳng hay biết gì, uống say cùng chúng bạn một trận thoả thích đến mức say quắc cần câu, đám nội nhân vào lay gọi, thằng nhóc đó thế mà lại chẳng thể nào dậy nổi. Về việc này ngày xưa từ lúc thằng nhóc này bốn tuổi tôi đã nhận ra năng lực tiềm tàng của nó, cũng may là Trần Khâm không biết việc thằng nhóc khi ấy vẫn hay uống trộm rượu của tôi, nếu không thì anh ta có thể hay không sẽ nói rằng chính tôi là người điểm mắt cho rồng? Kể ra nhân chứng duy nhất là chị Trinh cũng đã về trời rồi.
Lúc này Trần Khâm hết sức bực tức trong lòng, bèn lấy sổ sách triều đình ra xem thì ôi thôi, từ trên xuống dưới gi gỉ gì gi những chức tước to nhỏ đủ cả, thậm chí có những tước mà anh ta mới nghe qua lần đầu.
Trần Khâm chậc lưỡi mấy tiếng, lại than:
- Một nước bé bằng bàn tay, mà ban chầu nhiều thế này, thì ăn hết của dân à? Ta không dễ dàng bỏ qua việc này đâu! – Trần Khâm nói xong, chớp mắt đã bước ra gọi người đến ban chỉ dụ – Tất cả các quan từ ngũ phẩm trở lên, sớm mai phải về Thiên Trường điểm mục!
Tôi thở dài, vừa mới về cung ngồi chưa nóng chỗ đã phải sửa soạn hành lý đi tiếp, cái thân già của tôi không biết chịu đựng nỗi cha con họ giày vò hay không. Đang than thở, lại nghe giọng Trần Khâm nói bên tai:
- Đã làm vua một nước mà còn không nên thân, chuyến này nếu còn không sửa đổi thì ta sẽ phế nó!
Trong lòng tôi phát hoảng, lúc này mới sực nhớ tới câu "ăn cơm chúa, múa suốt ngày", bèn lê cái thân già lén lút sai Huyền Trân đi báo tin, nói rằng quan gia mau mau dâng biểu trần tình với Thượng hoàng đi, Thượng hoàng đã có ý phế truất quan gia rồi đấy thay.
Con nhóc Huyền Trân đi suốt nửa canh giờ mới trở về, tức tốc thưa với tôi:
- Quan gia còn chưa tỉnh rượu, nhưng bên ngoài có kẻ tự xưng là Đoàn Nhữ Hài, là bạn học của quan gia. Con quýnh quá, mới buộc miệng nói ra việc này cho anh ta. Mẹ, có sao không ạ?
Trong đầu tôi lướt qua hình ảnh thằng nhóc năm sáu tuổi lẽo đẽo chạy sau đuôi thằng nhóc Thuyên, chợt nhớ ra đứa bé đó hình như cũng tên là Đoàn Nhữ Hài, lại nhẫm tính thằng nhóc ấy chỉ lớn hơn Quốc Chẩn một chút, xem ra cũng tới lúc nên phô bày năng lực. Ngày trước thằng bé đó không phải là rất có nội hàm hay sao?
Trong ngực tôi nhẹ nhõm không ít, nhỏ giọng nói với Huyền Trân:
- Yên tâm đi, con tìm đúng người rồi!
Kết quả thật sự là Đoàn Nhữ Hài đã đến Thiên Trường dâng biểu tạ tội cho quan gia, mà thằng nhóc Thuyên thì không dám tự mình đi tạ lỗi. Trần Khâm trong lòng có vẻ vẫn còn giận lắm, nghe đâu là để mặc cho quỳ ở ngoài sân. Kết quả lúc xế chiều tôi vừa ngủ dậy ngó ra vẫn thấy cậu nhóc quỳ trên sân, mà trời thì mây đen quần vũ, sấm chớp nổi lên như có con rồng đen lăn lộn trong mây.
Tôi khoác tràng vạt màu tía thêu hoa sen trên cổ tay, chật vật bước ra ngoài, Thuỵ Hương vội vàng che ô cho tôi, dù chưa mưa nhưng trời đã sẫm màu hết một mảng, gió thổi làm mấy cây kim quất trong sân như múa như reo một vũ điệu lạ lùng. Tôi bước ngang qua cậu trai, thấy cậu ta đã trổ mã thành thư sinh nho nhã, mày kiếm mắt sắc, ánh mắt sáng ngời. Vừa nhác trông thấy tôi, cậu ta vội thưa "Thái hậu".
Tôi vẫn chưa quen với tên gọi này, chỉ ỡm ờ một tiếng rồi đi vào trong, lúc bước lên bậc thềm bất chợt quay đầu, nói:
- Ngày trước quên mất phải cảm ơn ngươi, suýt nữa thì đã trách lầm quan gia rồi! – Nghĩ ngợi một chút, tôi lại tiếp – Tuy quan gia không phải bùn vữa không trát được tường, nhưng tính tình ham chơi càn rỡ là không thể tránh khỏi. Bây giờ quan gia còn trẻ, vẫn còn uốn nắn được, nếu lỡ mai này đến lúc ta và Thượng hoàng trăm tuổi mà vẫn chứng nào tật ấy thì biết làm thế nào?
Thấy Đoàn Nhữ Hài vẫn còn mờ mịt, tôi thở dài:
- Nếu như người ở bên cạnh mà có thể thỏ thẻ bên tai quan gia những lời hay ý đẹp thì hay quá!
Nói xong thì một mạch bước vào cung Trùng Quang, sau đó bỗng sực nhớ ra liền nhỏ giọng nói với Thuỵ Hương đang đứng trước hiên, chốc nữa nếu như có mưa mà Nhữ Hài vẫn còn quỳ ở đó thì mang ô ra che cho nó.
Bên trong lúc này đã đèn đuốc sáng trưng, có vẻ do trời sắp mưa nên hôm nay phá lệ chong đèn sớm. Trần Khâm vẫn đang ngồi trên sập đọc tờ biểu, đọc qua đọc lại mấy lần, vừa ý không thôi, hiếm hoi phun ra mấy chữ:
- Tờ biểu này viết thật khéo quá!
Tôi ngồi xuống bên cạnh anh ta, nhìn thấy nét chữ trau chuốt như rồng bay phượng múa liền biết không phải bút tích của thằng nhóc Thuyên thì cười nói:
- Nếu đã viết khéo như thế, sao Thượng hoàng lại không chịu gặp?
Trần Khâm nhếch môi:
- Thế thì dễ dàng cho nó quá! Nếu như kẻ này thật sự tận trung, chút khổ cực ấy có nhằm nhò gì, sau này quân thần là một thể, nếu như quan gia mà phạm lỗi, kẻ làm thần tử cũng không thể sống yên
Tôi bật cười:
- Ai là thần tử, người ta dù sao cũng chỉ là một thư sinh, lần này là quan gia được lợi đó!
Trần Khâm chỉ cười không nói.
Bên ngoài đã đổ mưa to, tôi lười nhác ngáp một tiếng nằm dài trên đùi anh, mùi mực thơm thoang thoảng vẫn còn vương bên mũi, bây giờ ngoại trừ vấn đề con trẻ, chúng tôi thật sự là sống rất an nhàn.
Giống như một câu chuyện dài, nếu như mỗi chương chỉ toàn ngập tràn niềm vui, thì sau này dù có kết thúc hay không vốn là không có gì quan trọng nữa.
Đợi mưa tan gió ngừng, tôi bật dậy nhìn ra sân, thấy Đoàn Nhữ Hài vẫn còn ngồi đó, quần áo ướt sũng, hình như Thuỵ Hương cũng không thể ngăn cản được quyết tâm vì vua chịu phạt của cậu ta, vị trí trên sân có chút xê dịch, tôi trộm cười, chắc có lẽ là Đoàn Nhữ Hài đã chống trả rất quyết liệt.
Lúc này Trần Khâm mới cho nội nhân đưa cậu nhóc đó trở về.
Sau đó thằng nhóc Thuyên cuối cùng cũng có can đảm đến nhận tội, nghe đâu Trần Khâm đã nói như đinh đóng cột rằng anh ta vẫn còn con khác để nối ngôi, ý bảo nếu như nó còn như vậy nữa thì cái ghế này nếu không lung lay cũng sẽ tự ngã. Thằng nhóc Thuyên mặt mày tái mét, thành khẩn nhận tội, hứa hẹn hết lời Trần Khâm mới tha cho.
Hết chuyện giải tán, kẻ làm vua thì vẫn làm vua, kẻ làm quan thì vẫn làm quan, nhưng lại mất đi rất nhiều vị quan vừa mới ban chức tước, nhiều hơn một Ngự sử Nhữ Hài, trong Ngự sử đài thì chức đó chễm chệ ở hàng thứ hai.
Trần Khâm xanh mặt, lại mắng:
- Đúng là làm việc rất hào phóng!
Tôi bật cười thành tiếng, đáp:
- Không phải Thượng hoàng gợi ý hay sao?
- Ai nói? Ta...
Phản bác mấy tiếng, giống như cảm thấy quả thật là vậy, bèn cắn răng im bặt, tôi lại phì cười.
Một buổi sáng nọ trời trở lạnh, tôi vừa tỉnh giấc ngồi dậy vén rèm, nhìn thấy trời trong xanh, bên ngoài trăm hoa đua nở, bướm bay từng đàn, quang cảnh đúng là kỳ diệu hiếm thấy. Trần Khâm vẫn còn say ngủ bị tôi kéo dậỵ, mơ màng dụi mắt, vẻ mặt giống như trẻ con mè nheo. Tôi kéo anh ngồi thẳng dậy, háo hức nói:
- Chàng xem, hôm nay đã có không khí của ngày xuân rồi!
Trần Khâm chớp chớp đôi mắt hơi ửng đỏ, móng vuốt nhào tới ôm lấy gò má tôi hôn lên, thâm tình nói:
- Kể từ khi có em, với ta thì ngày nào cũng là trong xuân!
Trần Anh Tông lên ngôi, mở ra thời kỳ Anh – Minh thịnh thế. Thuở ấy thóc lúa đầy kho, vua quan chăm lo đê điều, bờ cõi mở rộng, Phật giáo phát triển, ngoại giao cũng đạt được sự ổn định lâu dài. Đây chính là thời kỳ thịnh trị nhất của họ Trần, tồn tại trong suốt hơn bốn mươi năm.
_KẾT THÚC_