Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn

Chương 9: Những gạch nối từ quá khứ




Có lần, tôi đọc được trên Internet một tin ngộ nghĩnh. Một phụ nữ người Ba Lan tên là Agat Czemierys đã đăng quảng cáo với nội dung: “Chúng tôi muốn nhận nuôi một ông hay bà, người sẽ sống, tận hưởng các kỳ nghỉ mùa hè và đi mua sắm cùng chúng tôi suốt đời. Không ràng buộc về tiền bạc, chỉ có tình thương”. Kết quả Agat đã nhận được hàng ngàn thư trả lời từ các cụ già trên khắp Ba Lan, mong được làm ông bà cho các con của cô.
Câu chuyện đó làm tôi nhớ bà ngoại của mình quá đỗi. Tôi nhớ những ngày ngồi gọt cau với bà, lấy vỏ cau kết thành những chiếc thuyền thúng nhỏ xinh xinh. Bên thềm nhà, tôi gối đầu lên đùi bà, mắt lim dim ngủ trong làn gió mát thổi từ vườn và giọng bà khe khẽ kể chuyện thời con gái. Những khuôn phép đạo đức, những cách thức ứng xử hàng ngày được bà chỉ dạy qua những buổi trưa êm đềm với giọng thì thầm theo cách mưa dầm thấm lâu như vậy.
Nhà văn Louisa May Alcott viết rằng: “Mỗi ngôi nhà cần có một người bà trong đó”. Tại sao vậy? Tại sao mỗi khi nhớ về thời ấu thơ, ký ức về ông bà luôn là ký ức êm đềm nhất? Tại sao khi đến tuổi dậy thì, con cái thường cãi lời cha mẹ nhưng lại sẵn sàng nghe lời ông bà? Tại sao cũng xuất phát từ yêu thương nhưng cha mẹ thường trách mắng còn ông bà lại có thể bao dung? Tại sao có những chuyện ta không thể kể với cha mẹ nhưng sẵn sàng tâm sự với ông nội hay bà ngoại?
Có khi nào bạn tự hỏi điều đó?
Mỗi thế hệ đều có vai trò của mình. Có lẽ ông bà không còn phải chịu gánh nặng của cuộc mưu sinh như cha mẹ chúng ta, cũng không bị sức ép bởi trách nhiệm phải dạy dỗ ta nên người. Ông bà có sự thông thái và lòng kiên nhẫn của người đã trải nghiệm. Sự nhẫn nại và dịu dàng của người đã đi qua quãng đường dài. Luôn có một đoạn đường mà cha mẹ chúng ta chưa đi qua. Và ông bà ở đó, để yêu thương, nuông chiều và đôi khi làm hư hỏng chúng ta, với một tình yêu vô điều kiện.
Đôi khi, có những mâu thuẫn xảy ra giữa cách giáo dục nghiêm khắc của ba mẹ và sự chiều chuộng của ông bà. Nhưng khi lớn lên, bạn nhìn lại thời ấu thơ và sẽ hiểu rằng: nhân cách của mình đã được hình thành nhờ cả hai điều đó, nhờ sự cân bằng của cả hai. Quả thật, ai có được cha mẹ nghiêm khắc và ông bà nuông chiều, quả là hạnh phúc lớn lao.
Do cuộc sống bận rộn, không có thời gian chăm sóc thế hệ già nên người Nhật đã chế tạo robot Snuggling Ifbot có khả năng nói chuyện như một đứa cháu lên 5 tuổi để bầu bạn với người già. Nhưng chỉ sau một tháng, sản phẩm này đã trở nên ế hàng. Bởi ông bà của chúng ta không cần một người máy giúp họ “kích thích não hoạt động và tránh được bệnh hay quên”. Robot không biết lắng nghe, không biết hỏi chuyện ngày xưa, cũng không biết vòi vĩnh và đón nhận tình yêu từ ông bà. Trong khi, đó mới chính là cái mà ông bà cần ở những đứa cháu.
Ông bà chính là những chứng nhân đầy yêu thương, là một dấu gạch nối giữa chúng ta với quá khứ. Thế hệ ông bà cũng như cái rễ cây vậy. Bạn không nhìn thấy rễ cây, nhưng bạn biết rằng rễ luôn hiện hữu ở đó, là nguồn gốc của nhựa sống, là nơi khởi đầu của những chiếc lá non. Vì vậy, hãy kính trọng ông bà. Dù gặp ông bà ở đâu, trong gia đình hay viện dưỡng lão, hay thậm chí khi nhìn thấy ông bà trên đường, dù là ông bà của bất cứ ai, cũng đừng hờ hững đi qua mà không cúi đầu chào. Với lòng biết ơn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.