Nếu Như Được Quay Lại

Chương 2: Nếu như được quay lại quá khứ, bạn muốn làm gì?




Nếu như được quay lại quá khứ, chắc chắn tôi sẽ giúp bố mẹ sống tốt hơn!
Mải chạy theo bóng dáng nhỏ đó, Linh Đan dần kiệt sức. Vốn dĩ thể lực của cô khá yếu. Hồi cấp 3 nếu không phải thầy thương, thì cô cũng không qua nổi môn thể dục, cộng thêm việc lười vận động khiến Linh Đan 18 tuổi nhưng sức khỏe như cộng thêm vài chục tuổi vào vậy.
- Đợi đã.. đợi một chút..
Cuối cùng cũng đuổi kịp. Tay Linh Đan kịp bắt lấy tay của cô bé đó.
- Á mẹ ơi, bố ơi, anh ơi!
Cô bé vội hét lên. Có vẻ một từ "Mẹ!" đã khiến Linh Đan trong mắt cô bé không có ấn tượng tốt.
- Tớ chỉ muốn làm quen cậu thôi, cậu trông giống mẹ tớ hồi còn trẻ lắm.
Linh Đan vội nói, nhưng có vẻ không ăn thua, cô bé nghe chừng vẫn muốn chạy đi.
- Nè cậu thích "Thép đã tôi thế đấy!" đúng không, tớ tặng cậu cái kẹp sách này nhé, cậu có thể dùng kẹp ở những trang đang đọc dở.
- Kẹp sách?
Cuối cùng cũng có tác dụng! Linh Đan mở balo đưa cho cô bé chiếc kẹp sách màu hồng có hình hoa anh đào. Nhìn cô bé hào hứng, cô cũng thấy vui lây. May mà xuyên không mang theo cả balo. Hiện nay chiếc balo này là vật gần gũi với cô nhất rồi.
- Cậu tên là gì thế?
Cô bé có vẻ lại cảnh giác, chợt Linh Đan nhớ ra mẹ từng nói bà không có thói quen nói tên cho người lạ nếu chưa thực sự tin tưởng.
- Tớ là Linh Đan, năm nay vừa tròn 18 tuổi. Tớ muốn làm bạn với cậu được không?
- Linh Đan à.. Tớ là Thiên Hương, tớ cũng mới tròn 18 tuổi cách đây 2 ngày.
Đúng là tên mẹ rồi! Không phải là mơ, vậy là cô xuyên không à. Năm nay mẹ 18 tuổi, vậy bây giờ là năm 1988. Tuyệt thật! Lần đầu tiên Linh Đan nhìn Hà Nội năm 1988, quá là cổ kính đi!
Nói chuyện hai ba câu nữa, cô bày tỏ muốn về chơi nhà Thiên Hương. Nếu như cô thực sự đã xuyên không, vậy thì cô nhất định phải tìm hiểu thật kĩ tại sao bà nội lại không thích mẹ, và cô nhất định sẽ giúp bố mạnh mẽ hơn!
- Cậu có biết Bình An không?
Bước chân Thiên Hương chợt chững lại. Bình An là tên bố Linh Đan. Theo như bà ngoại kể thì khi mẹ cô 18 tuổi, bố cô bắt đầu theo đuổi mẹ. Nhưng lúc đầu mẹ không hề để ý đến bố, phải mãi 2 năm sau bà mới chấp nhận lời tỏ tình của người con trai ấy. 2 năm theo đuổi, 5 năm yêu nhau và 2 năm sau thì Linh Chi ra đời.
- Sao cậu lại biết Bình An? - Thiên Hương hỏi ngược lại
- Nghe bảo cậu ấy nổi tiếng lắm.
Đây là sự thật. Bố của Linh Đan học rất giỏi lại hiền lành dễ mến, hơn nữa ngoại hình cũng anh tuấn, nên hồi còn trẻ được nhiều bạn nữ thích, cũng như khá nổi tiếng với tên gọi "con nhà người ta".
- À, ờ. Cũng khá nổi tiếng.
Thiên Hương có vẻ thờ ơ. Linh Đan còn nhớ mẹ từng bảo trước khi xác định mối quan hệ, bà không có ấn tượng với bố cô. Lúc đó gu của mẹ là con trai hài hước, biết ăn nói, mà bố cô lại hướng nội, vì vậy lúc theo đuổi mẹ ông ấy đã phải nỗ lực rất nhiều.
Khu phố bố mẹ sống khá gần, nên khoảng chừng sau 10 phút hai cô gái đã đến nơi. Nơi đây giống y hệt trong những bức ảnh bà ngoại từng đưa Linh Đan. Có dòng sông nhỏ, cây cầu bắc qua sông, và cả cái cây to đùng trước cửa nhà mẹ, cái nơi mà mẹ kể hồi còn bé mẹ và đám bạn hay nhảy xuống tắm sông.
Ở căn nhà đối diện có cậu bé đang ngồi trước thềm nhà đọc sách. Gương mặt bình yên với đôi mắt nhỏ đen láy, mái tóc cắt ngắn gọn gàng. Đúng là bố cô rồi.
- Mẹ ơi!
Nghe thấy tiếng Thiên Hương, cậu bé liền ngẩng đầu lên. Ánh mắt của cậu từ đầu đến cuối dường như chỉ thấy bóng dáng của cô.
Linh Đan khẽ cười khúc khích.
- Có chuyện gì vậy? - Thiên Hương khó hiểu
- Không có gì, chỉ là tớ thấy cậu đáng yêu quá!
Gương mặt Thiên Hương hiện tại rõ là kì thị Linh Đan, nhưng có vẻ cô bé không còn quá cảnh giác.
Bà ngoại từng nói ngày xưa nhà bà có một cửa hàng tạp hóa. Không biết làm cách nào Linh Đan có thể xuyên không, cũng không biết làm sao để trở về. Hơn nữa việc cô mất tích chắc chắn sẽ khiến bố mẹ lo lắng. Trước mắt thì cô phải sống được đã, vì vậy cô cần chỗ ở và kiếm tiền. Hiện tại trong balo của cô có ít tiền lẻ, nhưng những tờ tiền này ở đấy chỉ là giấy vụn. Do đó, nếu cô có thể xin làm thêm tại cửa hàng của bà ngoại, dù cô cũng không chắc cửa hàng tạp hóa thì có cần nhân viên phục vụ không, thì vấn đề thu nhập sẽ được giải quyết. Còn về chỗ ở thì hơi đau đầu một chút..
- Đây là bạn con mới quen, Linh Đan.
Giọng nói của Thiên Hương cắt ngang dòng suy nghĩ của Linh Đan. Là bà ngoại! Nhìn bà trẻ quá, tóc bà vẫn còn đen và gương mặt bà có vài nếp nhăn, nhưng cũng không đáng kể. Lúc này bà chỉ khoảng hơn 40 tuổi.
- Chào con. - Bà ngoại mỉm cười hiền lành
Linh Đan vừa bồi hồi vừa xúc động. Sau khi bố mẹ kết hôn, anh trai của mẹ đã trúng tuyển một công ty trong Sài Gòn, vì vậy ông bà ngoại theo bác vào trong đó. Kể từ đó một năm bố mẹ chỉ vào Sài Gòn một lần do kinh tế còn khó khăn. Nhưng sau khi Linh Đan ra đời, nhà họ đã khá hơn, nên có thể vào khoảng 2-3 lần một năm. Vì từng là con gái cưng, được bố mẹ chăm lo chiều chuộng, nên việc xa nhà từng là thử thách rất khó khăn đối với mẹ Linh Đan. Sau khi sinh Linh Chi, bà bị trầm cảm nghiêm trọng đến nỗi suốt một năm ở cữ, bà ngoại phải ra Hà Nội để túc trực cạnh bên. Cũng vì lý do này mà Linh Đan muốn tự lập từ sớm, cô muốn rèn cho mình tính cách cho dù đi bất cứ đâu thì cô vẫn có thể chăm lo cho bản thân, và bố mẹ không cần lo lắng.
- Là bạn của Thiên Hương à?
Một người đàn ông cao gầy từ nhà bước ra. Đó là ông ngoại của Linh Đan. Nhìn cách bà nhìn ông trìu mến khiến cô rất tự hào. Ông bà ngoại có một tình yêu mà ai cũng phải mơ ước. Họ là bạn cùng tuổi, cùng lớp, cùng trường Đại học. Người theo đuổi là ông nhưng bà mới là người tỏ tình. Dường như trong mắt ông, bà thậm chí còn quan trọng hơn cả con cái. Bà cũng từng nói với Linh Đan: Người duy nhất đi cùng mình đến cuối đời, chỉ có người bạn đời của mình thôi.
Ông ngoại vốn là người đàn ông mạnh mẽ, nhưng khi đứng trước bà thì ông lại thành người chồng "đội vợ lên đầu", nghe lời, yêu thương vợ hết mực. Nếu như nói Linh Đan muốn một người chồng như thế nào, thì ông ngoại chính là một ví dụ điển hình.
- Con chào cô chú, con tên là Linh Đan.
- Chà, Linh Đan là một cái tên hay, chú cũng từng muốn đặt tên đó cho con gái chú, nhưng vợ chú lại thích Thiên Hương hơn. Thiên Hương ấy, là sắc nước hương trời. Vợ chú mong muốn con gái sẽ trở nên xinh đẹp. Cũng có thể nói là cái tên này..
Ông ngoại đúng là nói rất nhiều. Tính cách này đã di truyền cho Linh Chi. Và cái tên Linh Đan này vốn dĩ cũng là ông ngoại đặt.
- Thôi thôi bố đi vào đi. - Thiên Hương mất kiên nhẫn cắt ngang - Tối nay cậu có muốn ở lại ăn cơm không?
Ăn cơm là một ý kiến hay. Nhân tiện thì cô có thể hỏi về việc làm thêm tại cửa hàng của bà.
- Nếu cô chú cho phép thì..
- Cho phép cho phép, cháu cứ vào đi.
Quả nhiên tính cách hiếu khách của bà ngoại trước giờ vẫn vậy.
Căn nhà của mẹ rất sạch sẽ, đây có lẽ là nhờ bà ngoại. Nghe nói hồi còn bé, mẹ rất lười dọn dẹp. Phòng ốc của mẹ lúc nào cũng bày bừa. Mẹ nói rằng đó là ngăn nắp trong sự bừa bộn. Và bà ngoại luôn than phiền về điều này. Dù vậy, bà luôn âm thầm dọn giúp mẹ. Bà rất sạch sẽ, ở đâu có bà thì dù chỉ là một hạt bụi cũng không được phép tồn tại. Căn bếp là nơi bà thích nhất. Bà rất thích làm bánh. Linh Đan từng ăn bông lan trứng muối bà làm, nó mang hương vị rất riêng, không hề giống mua ở cửa hàng. Mềm mại và bông xốp, thậm chí còn thoang thoảng hương vani. Cô nghĩ rằng nếu không có cửa hàng tạp hóa kia thì có lẽ bà sẽ là chủ một tiệm bánh. Bà rất thích đốt hương trầm. Mỗi khi vào Sài Gòn thăm ông bà, cô luôn ngửi thấy mùi bánh hòa lẫn với hương trầm. Cô gọi đó là mùi của ông bà. Mùi hương đó đã đi cùng cô cả quãng tuổi thơ. Và căn nhà hiện tại cô đang đứng cũng có mùi bánh và mùi trầm.
- Thơm quá!
- Ồ, con là người đầu tiên nói hương trầm thơm đấy. Thiên Hương và chú không thích mùi này.
- Dạ, ở nhà bà của con cũng có mùi này.
Khi đi qua phòng bếp cô khẽ liếc vào bên trong. Quả nhiên là bà đang làm bánh. Đó hình như là bánh chuối.
- Cô đang nướng bánh ạ?
- Ừ, là bánh chuối, cháu muốn thử một miếng không?
- Dạ
Đúng là hương vị này rồi. Trong đầu Linh Đan chợt nảy ra một ý tưởng.
- Cô có ý định mở tiệm bánh không ạ?
- Ấy tiệm bánh nghe hay đó! - Thiên Hương bất chợt nhảy ra - Nhìn nè, Linh Đan, tớ mua nhiều "Thép đã tôi thế đấy!" lắm!
Nhìn chồng sách trên tay mẹ, Linh Đan ngẩn người.
- Nhưng mà cậu mua một quyển là được mà?
- Nhưng mà nó có nhiều bìa!
Đam mê của mẹ số hai thì không ai dám số một!
Tiếng cười nói của hai cô bé vang khắp nhà, chẳng mấy chốc cũng đến giờ ăn tối.
* * *
- Nãy con có gợi ý cô mở tiệm bánh đúng không? - Ông ngoại vừa hỏi vừa gắp thức ăn vào bát bà ngoại
- Vâng, bánh chuối của cô rất ngon. Con nghĩ nếu cô mở tiệm thì chẳng mấy chốc mà đông khách.
Đây không phải nói quá. Sự thật là bất kỳ ai ăn bánh của bà đều cảm thấy rất hạnh phúc. Dường như trong công thức của bà có một bí mật nào đó, khiến mọi người ăn vào như được trở về tuổi thơ, được cảm nhận hương gió mát mùa hè, đôi khi là sự ấm áp của tình yêu. Bà từng nói rằng làm cái gì cũng phải dồn hết tâm huyết vào đó. Khi làm bánh cho những người thân yêu, bà nghĩ đến khung cảnh sau khi họ ăn và cảm thấy hạnh phúc, bà đã thấy mãn nguyện rồi.
- Vợ nghĩ sao?
- Tiệm bánh cũng vui đấy, nhưng còn tiệm tạp hóa..
- Nếu không ai trông thì để con trông cho ạ!
Linh Đan vội nói. Đây là một cơ hội. Chắc chắn bà ngoại không muốn đóng cửa tiệm tạp hóa. Bà là người luôn trân trọng những kỷ niệm, nhìn cách bà lưu giữ album ảnh là biết. Từ những bức ảnh lúc mẹ và bác còn bé xíu, đến ảnh cưới của họ, nhờ sự gìn giữ của bà mà những tấm ảnh luôn được phẳng phiu, dù có chút ố vàng nhưng không hề cũ kĩ. Tiệm tạp hóa là quà cưới của cụ để lại cho bà khi bà lấy ông. Hồi đó khó khăn, ông lại hay đi công tác xa, nên món quà này là một trong những nguồn thu nhập của gia đình. Sau khi sinh mẹ được hai năm thì cụ mất, vì vậy bà luôn nâng niu và trân trọng cửa tiệm này. Cũng chính vì lý do đó mà bà luôn băn khoăn về việc mở tiệm bánh, vì bà không thể quản lý hai cửa tiệm cùng một lúc.
- Cậu không đi học à? - Thiên Hương khó hiểu
Quan điểm của ông bà ngoại rất rõ ràng. Học là học, làm việc là làm việc. Ông bà vốn phản đối việc học sinh sinh viên đi làm thêm, vì họ cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến việc học, nhưng thực tập ở công ty lại là việc khác vì điều này sẽ đem lại kinh nghiệm làm việc. Vì vậy mẹ của Linh Đan cũng lớn lên với suy nghĩ đó. Khi Linh Đan nói rằng sẽ làm thêm kiếm tiền sau khi đỗ Đại học, ví dụ ở quán trà sữa hay quán ăn, bà đã phản đối rất dữ dội. Bà nói rằng thay vì vậy nên làm tình nguyện viên hoặc làm những công việc liên quan đến chuyên ngành sẽ tốt hơn.
- Tớ không đỗ Đại học..
Đúng hơn là đã đỗ rồi nhưng không học được, vì trường cô đỗ không ở đây.
- Ôi, không sao đâu, năm nay không đỗ thì năm sau thi lại. - Bà ngoại vội an ủi
- Bố mẹ cậu có mắng không? - Thiên Hương vừa sốc vừa hỏi
- Bố mẹ tớ không ở đây..
Chính xác hơn là họ ở đây nhưng họ chưa biết đến tớ. Linh Đan thầm nghĩ.
- Vậy giờ cậu đang ở đâu?
- Tớ mới đến thành phố này, nên chưa có chỗ ở..
Sao bố mẹ cậu không chăm lo cho cậu? Gương mặt Thiên Hương hiện rõ dòng chữ đó. Nhưng Linh Đan tỏ ra không muốn nói nhiều về chủ đề này, nên cũng không ai hỏi kĩ hơn.
- Chú có quen một bác mở nhà trọ gần đây, tiền thuê cũng không quá đắt. Chú sẽ nhờ bác ấy để cho con một phòng. Con có thể trông coi tiệm tạp hóa giúp chú, sau khi có lương thì trả bác ấy sau.
- Dạ, vậy con cảm ơn mọi người nhiều ạ.
- Vậy ăn xong chú sẽ dẫn con qua đó, cũng gần đây thôi.
Vậy là giải quyết xong vấn đề chỗ ở và việc làm. Nói thật là mọi chuyện đơn giản đến nỗi nếu như Linh Đan là người xấu, thì ông bà và mẹ sẽ bị lợi dụng mất. Cô quyết định sẽ thêm một nhiệm vụ mới: Đó là bảo vệ gia đình của mẹ, cũng chính là gia đình của cô.
A, đúng rồi, nãy có nhìn thấy bố, mà quên mất chưa chào hỏi. Có lẽ mai cô sẽ ghé qua làm quen.
Sau khi ăn tối và dọn dẹp xong, ông ngoại cùng mẹ dẫn Linh Đan sang nhà trọ đó. Đúng là gần thật. Cách khoảng 5 nhà là đến nơi rồi. Cửa tiệm tạp hóa thì ở trên phố, cũng khá gần đây. Thế này thì cô vừa gần "chỗ làm việc", vừa gần mẹ, khoảng cách tuyệt vời để thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra.
Ông chủ nhà trọ là một bác trung niên, nhưng hiện tại bác ấy đi vắng nên vợ bác ra đón. Đó là người phụ nữ hiền hậu và thân thiện. Bà ấy nói rằng nếu có gì cần giúp đỡ cứ tìm bà ấy. Hai bác còn có một cậu con trai 20 tuổi, hiện đang đi du học tại Nga. Linh Đan không hề có ký ức về gia đình này, có vẻ sau này họ cũng chuyển đi nơi khác và không còn liên lạc lại.
Căn phòng Linh Đan sẽ ở khá bé, nhưng có đủ đồ dùng sinh hoạt và rất sạch sẽ. Chỉ cần bê người vào là ở được luôn. Theo lời bác gái là vậy. Vừa vào đến phòng ông ngoại kiểm tra rất kỹ. Điều này khiến Linh Đan cảm thấy ấm áp biết bao. Dù không biết là cháu gái mình, nhưng ông vẫn chăm sóc cẩn thận. Bất giác cô lại nhớ đôi mắt nghiêm nghị nhưng nụ cười hiền hậu của ông khi dạy cô học lúc nhỏ.
- Ổn đấy. Là con gái sống một mình thì phải cẩn thận nghe chưa. Cửa tiệm mở buổi sáng, nhưng nếu mệt quá muốn ngủ nướng thêm thì đến muộn 15-20 phút cũng không sao đâu. Dù sao thì.. ôi làm sao thế?
Không hiểu sao nước mắt Linh Đan không thể ngừng tuôn. Có lẽ là do nhớ nhà, nhớ ông quá.
Thiên Hương đứng bên cạnh không hiểu chuyện gì, cũng vỗ vai an ủi người bạn mới quen này.
- Có lẽ cô bé vất vả lắm, bố mẹ không có ở bên, lại phải một thân một mình cố gắng..
Lời nói của bác gái khiến Linh Đan càng khóc to hơn. Phải rồi, dù có gặp được bố mẹ, gặp được ông bà, nhưng lại chỉ có cô nhận ra họ. Điều này đối với cô gái 18 tuổi cũng không phải dễ dàng.
Đêm hôm ấy, trằn trọc mãi Linh Đan mới ngủ được. Tay cô nắm chặt móc khóa con chó Corgi treo bên chiếc balo. Đây là món quà mẹ cô tặng khi vừa tốt nghiệp Đại học. Ước mơ của cô là được nuôi thú cưng, nhưng mẹ cô bị dị ứng với lông chó. Vì vậy chú chó này cũng coi như hoàn thành một nửa ước mơ đó.
Không biết bao giờ mình sẽ được về nhà..
* * *
Hiện tại là 8 giờ sáng. Đây là trường hợp rất hiếm gặp khi Linh Đan tự mình tỉnh giấc sớm mà không cần ai đánh thức. Vốn dĩ đây là buổi sáng đầu tiên sau khi xuyên không, không tính ngày hôm qua vì lúc đó cô vẫn đang mơ màng. Cô nhanh chóng đánh răng, rửa mặt sau đó vơ lấy chiếc balo quen thuộc, chạy vội sang nhà ông bà ngoại. May mắn là cô gặp Thiên Hương đang ra khỏi nhà.
- Cậu đến rồi à? Tớ chuẩn bị đi học đây, cứ vào trong ngồi đi lát nữa mẹ sẽ đưa cậu ra tiệm.
- Đi học vui vẻ nha!
- Vui gì chứ.. à, chắc cũng vui đấy.
Linh Đan bật cười. Mẹ vốn dĩ ham chơi, nên thường trốn tiết để ra bờ sông, trèo cây hái quả hoặc đi xem phim, theo như mẹ nói thì thời bây giờ gọi là xem rạp chiếu bóng.
- Linh Đan à con? Đợi cô một chút nhé!
Có lẽ bà đang chuẩn bị đồ ăn sáng. Ông bà ngoại không thích ăn sáng ở ngoài. Mẹ thường kể rằng mỗi buổi sáng trước khi ra tiệm, bà sẽ chuẩn bị đồ ăn mang đi. Bà cho rằng ăn hàng sẽ không đảm bảo cho sức khỏe, vì có khói, bụi, và đồ ăn tự làm thì vẫn hợp khẩu vị hơn. Bây giờ có lẽ ông ngoại đã đến cơ quan rồi. Linh Đan chậm rãi đá mấy chiếc lá khô bên đường. Hiện tại đang là cuối thu, thời tiết bắt đầu se se lạnh.
Bỗng có tiếng lách cách thu hút sự chú ý của Linh Đan. Là bố! Chà, bố cô đẹp trai đấy chứ. Hôm qua nhìn lướt qua nên không để ý, nhưng hôm nay nhìn kĩ mới thấy đúng là sự nổi tiếng nào cũng có lý do của nó. Chưa bàn đến việc bố học giỏi như thế nào, nhưng vẻ an tĩnh cùng sự anh tuấn này cũng khiến khối bạn nữ đổ gục đấy. Có lẽ vẻ đẹp của cô là được thừa hưởng từ bố cũng nên.
Tiếng cười khúc khích khiến Bình An không thể im lặng được nữa.
- Cậu là ai vậy?
- Chào cậu, tớ tên là Linh Đan, năm nay tớ 18 tuổi, tớ là bạn Thiên Hương, tớ đang ở trọ đằng kia. Hôm nay tớ sẽ giúp cô trông coi cửa tiệm tạp hóa, rất vui được làm quen. Cậu là Bình An đúng không, nghe bảo cậu nổi tiếng lắm?
- Cậu là bạn Thiên Hương à?
Ái chà, biết chọn lọc thông tin ghê nhỉ. Linh Đan lại cười khúc khích. Ánh mắt Bình An nhìn cô y hệt ánh mắt Thiên Hương hôm qua vậy. Kì lạ, nhưng không có cảnh giác. Có vẻ nhìn cô ngớ ngẩn quá, nên không có cảm giác nguy hiểm?
- Đi thôi. Ấy Bình An à, chuẩn bị đi học à con?
Bà ngoại ra vừa đúng lúc. Có vẻ Bình An khá ngại ngùng và lúng túng, vừa nhìn thấy bà liền cúi đầu chào đạp xe rời đi. Linh Đan bất giác nghĩ có lẽ nhiệm vụ sẽ không khó để thực hiện đâu.
Khi ấy cô vẫn chưa biết rằng, sự xuất hiện của cô giống như hiệu ứng cánh bướm. Một thay đổi nhỏ, cũng có thể làm xáo trộn cả quá khứ lẫn tương lai.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.