Nghe Nói Thừa Tướng Quyền Thế Muốn Hoàn Lương

Chương 64:




Kỳ thi ba năm một lần trong kinh luôn được tổ chức vào mùa xuân.
Phương Nam không giống phương Bắc, xuân phương Bắc luôn vội lướt qua, còn xuân phương Nam như pháo hoa tháng ba trong sách, cảnh sắc chói mắt người xem, dương liễu lả lơi theo gió.
Mấy ngày qua, các sĩ tử mặc trường sam đeo hành trang vẫy tay tạm biệt người thân bạn bè tại bến phà tỉnh Hồ Châu lên thuyền đến phía Bắc. Xuôi theo dòng nước về phía Đông hơn trăm dặm là kênh đào Kinh Hàng do tiền triều xây dựng. Dọc theo kênh đào về hướng Bắc, có thể đi thẳng lên kinh theo đường thủy.
Trước kia, các sĩ tử hiếm khi chọn đi con đường này. Nhưng kể từ đầu năm trước, Sơ đại nhân từ kinh thành đến đây trị thủy, trong hai năm đã loại bỏ tất cả bất lợi, trời yên biển lặng, đến năm nay sông Hoàng Hà gần như đã không còn lũ lụt, thuyền có thể vận hành trở lại.
"... ba năm rồi!" tại bến phà, mấy sĩ tử mặc trường sam cùng nhau đi về phía mạn thuyền. Một sĩ tử có tóc mai đã bạc thở dài "Ba năm trước, bị vụ án gian lận khoa cử gián đoạn, chậm trễ một mùa thi ở Hồ Châu. Ba năm qua không biết đã phải chịu đựng bao nhiêu khổ sở, bây giờ cuối cùng cũng có thể vào trường thi rồi!"
Một sĩ tử bên cạnh đáp "Đúng vậy, sĩ tử mười năm đèn sách, đã cạn kiệt sức lực tinh thần, sao có thể đợi thêm ba năm nữa!"
Một người khác thở dài "Bây giờ nhất định phải nắm bắt cơ hội này, đừng để ba năm này trôi qua lãng phí."
Lúc này, một sĩ tử bên cạnh kinh ngạc nói "Vị kia... hình như là Sơ đại nhân!"
Không người Hồ Châu nào mà không biết Sơ Trường Dụ. Ở Hồ Châu này có thể được gọi là 'Sơ đại nhân' mà không kèm danh hiệu nào khác, không ai khác ngoài Sơ Trường Dụ.
Mấy sĩ tử nghe xong vội quay đầu lại, thấy bên bờ có một người đứng dưới liễu.
Người đó mặc trường bào dài tay xanh vỏ cua, khoác áo choàng dày, phủ lên áo khoác xanh nhạt có hơi cũ. Người đó thân hình cao thon như trúc xanh, điểm nổi bật nhất là vẻ ngoài gầy gò tuấn tú. Sống mũi của y rất đẹp, lông mày cũng thẳng, chỉ đứng đó cả người cũng toát lên vẻ thanh thoát tao nhã.
Bên hông y đeo một khối ngọc bội, kiểu dáng thô sơ nhìn như đồ từ thời tiền Tần. Nhưng thứ này đeo trên người y lại nhìn không hề chướng mắt, gần như hòa làm một với khí chất tao nhã trầm tĩnh của y.
Đúng thật là Sơ đại nhân.
Sơ Trường Dụ đứng dưới gốc liễu, trước mặt y là Phương Dư Khiêm năm đó đã giúp y cởi bỏ nút thắt trong lòng, cứu y một mạng đang chuẩn bị lên kinh thi lại.
"Lần này Phương huynh nhất định phải đỗ cao, như vậy mới không uổng phí!" Sơ Trường Dụ cười chắp tay, sau đó cầm tay nải của Phương Dư Khiêm trong tay Không Thanh, đưa lại cho hắn.
"Nhất định không phụ mong đợi của Kính Thần!" Phương Dư Khiêm mỉm cười trả lời.
Nhà của Phương Dư Khiêm ở phủ Hồ Châu, cũng xem như là thư hương thế gia, danh môn vọng tộc có tiếng ở địa phương. Khi Sơ Trường Dụ đến đây, hắn tận tình thể hiện vai trò chủ nhà quan tâm chăm sóc Sơ Trường Dụ. Hai người vốn có quan điểm giống nhau, nên chỉ trong thời gian ngắn đã trở thành tri kỷ, như huynh đệ ruột thịt.
"Vậy đi đường cẩn thận." Sơ Trường Dụ gật đầu "Tuy đường thủy này thông thoáng hơn đường bộ, nhưng nước lửa vô tình, đi đường không cần gấp, cứ thong thả, thời gian vẫn còn dư dả."
Phương Dư Khiêm gật đầu, sau đó hơi dừng, hỏi "Kính Thần, từ lúc đến Hồ Châu, huynh đã ba năm không về nhà. Hiện giờ lũ lụt ở Hồ Châu đã giải quyết được phần nào, huynh không cần lo quá, sớm ngày về kinh phục mệnh, cũng nên về đoàn tụ với người nhà."
Sơ Trường Dụ nghe vậy hơi sửng sốt, trong lòng bỗng xuất hiện một người.
Người đó chặn mình trong cỗ xe tối om, nghiến răng bảo mình đợi. Nhưng y đợi ba năm cũng không có tin tức gì, cả một phong thư cũng không có.
Ngược lại, y phái người về kinh điều tra tin tức, chỉ cần vài câu là có thể biết được tình hình của hắn.
Sơ Trường Dụ mất ba năm để chế ngự dòng nước hung hãn của sông Hoàng Hà, được Hồ Châu và thậm chí cả triều đình tán thưởng, tiếng thơm vang thiên hạ. Còn Cảnh Mục vẻn vẹn trong ba năm đã nắm chắc triều đình trong tay, uy danh chấn động bốn phương tám hướng.
Năm đầu tiên Sơ Trường Dụ đi, Đại Lý Tự đã phá vài vụ án, nhiều vụ án liên quan đến gốc rễ của đám người Hoàng hậu và Huệ quý phi. Những người liên quan đến vụ án đều nhà tan cửa nát, vợ con ly tán. Động thái này khiến người trong triều hoảng sợ, nhiều đại thần dần dần bắt đầu âm thầm nghiêng về phía Cảnh Mục cầu che chở.
Mùa đông cùng năm, Hung Nô ở phía Bắc xâm lược ải Ngọc Môn. Cảnh Mục chủ động xin dẫn đại quân tiếp viện, đánh bại Hung Nô, khiến quân địch lui hơn tám trăm dặm, giành lại năm thành ở Tái Bắc bị tiền triều đánh mất, khiến cả triều đình chấn động.
Bây giờ, Cảnh Mục đóng chiếm Binh bộ, nắm giữ hổ phù của phần lớn đại quân trong tay, quyền lực trải rộng văn võ bá quan, gần như áp đảo phe cánh của Hoàng hậu. Càng kỳ quái hơn là Càn Ninh đế đa nghi cũng bị hắn dỗ ngọt đến mê muội đầu óc, mặc hắn nắm giữ quyền hành, thậm chí ngày càng tin tưởng xem trọng hắn.
Chuyện này có liên quan đến sức khỏe biến hóa mấy năm gần đây của Càn Ninh đế. Nghe nói bán tiên trên núi Chung Nam kia gặp Càn Ninh đế còn không thèm mở mắt, chứ đừng nói đến việc hành lễ. Nhưng khi ông ta bấm quẻ cho Càn Ninh đế thì sợ hãi quỳ xuống hô vạn tuế.
Sau đó, bán tiên kia đưa cho Càn Ninh đế một viên thuốc, trong vị thuốc vô cùng quái lạ, phải yểm bùa chú, luyện trong lò bảy bảy bốn mươi chín ngày, được gọi là 'Cửu Chuyển An Hồn Tán'. Càn Ninh đế uống xong thì thấy tinh thần phấn khởi, như trở về thời kỳ tráng niên, hoặc thậm chí càng hơn thế. Mấy năm qua Càn Ninh đế thuận lợi đủ đường, thiên hạ thái bình, giàu có còn nhiều trung thần, vì thế tâm tình vui vẻ, tính tình thay đổi chóng mặt.
Sơ Trường Dụ cầm mật thư được gửi từ phương Bắc về, nhìn từng câu từng chữ trong đó, theo bản năng chọn lọc những tin tức liên quan đến Cảnh Mục, âm thầm chắp ghép lại ba năm này của hắn.
Càng nhìn hắn như vậy, y càng thấy mình không quen người này. Cảnh Mục dường như đã biến thành người khác, từ thiếu niên ngây thơ hoạt bát hay bám người đó trở thành một đoạn truyền kỳ trong sử sách.
Còn với Sơ Trường Dụ y thì cắt đứt hoàn toàn liên lạc. Mọi liên hệ giữa hai người dường như bỗng dưng bị đứt quãng, chỉ có Sơ Trường Dụ y vẫn vờ như vô tình quan tâm đến cuộc sống của đối phương.
Đôi khi Sơ Trường Dụ tự giễu nghĩ, có lẽ y đang cản đường Cảnh Mục. Kiếp trước hắn làm con rối hơn mười năm, nhưng kiếp này lúc y còn ở đó, hắn không làm gì cả. Nhưng y vừa đi, hắn như hổ thêm cánh bay lên bầu trời.
Ban đầu y chọn xuống phương Nam để cứu hắn, bây giờ nhìn lại vô cùng nực cười. Cứ như thể y trả giá đắt cho một chuyện rất tầm thường.
Bản thân Sơ Trường Dụ cũng không muốn thừa nhận, ba năm qua nhìn bề ngoài y có vẻ thuận lợi thăng tiến, nhưng thật ra y bị giày vò trằn trọc hơn bất kỳ ai. Y không muốn thừa nhận, Cảnh Mục cứ thế đoạn tuyệt với mình, người luôn bám lấy mình cứ thế biến mất không một dấu vết.
Y thuyết phục bản thân rằng y không mất Cảnh Mục. Nhưng ba năm qua, y vẫn chưa tìm được cái cớ thích hợp.
Y quả thật chỉ còn một mình.
Mỗi khi nghĩ đến điều này, Sơ Trường Dụ lại cảm giác tim mình đau nhói.
"...... Kính Thần, Kính Thần?"
Phương Dư Khiêm thấy y ngẩn người đứng đó hồi lâu không nói gì, bèn lên tiếng gọi y.
Lúc này Sơ Trường Dụ mới hoàn hồn, gượng cười gật đầu nói "Còn vài chuyện chưa giải quyết ổn thỏa, cần hơn một tháng, chờ giải quyết xong chắc cũng đã vào hạ. Nếu Hoàng Hà không còn thiên tai, ta sẽ về kinh."
Phương Dư Khiêm nghe vậy, mỉm cười gật đầu "Vậy đến lúc đó, ta sẽ ở trong kinh đợi Kính Thần."
Sơ Trường Dụ gật đầu.
Phương Dư Khiêm lại cau mày nói "Nghe đồng môn nói lần này đường thủy chỉ có thể đi được một nửa. Năm ngoái ở Sơn Đông xảy ra hạn hán, xuân năm nay lại không có mưa, đất đai nứt nẻ. Tình hình này e là sông cũng cạn, thuyền không qua được."
Sơ Trường Dụ cười lắc đầu "Chuyện này thì huynh cứ yên tâm. Kênh đào được xây dựng theo hướng Bắc thấp Nam cao, dẫn nước từ Giang Nam và Hoàng Hà, tuy kênh đào đi qua vùng nội địa của Sơn Đông, nhưng không đi qua những nơi xảy ra hạn hán. Dù nơi đó có nhiều nạn dân, cũng tuyệt đối không làm sông khô cạn được."
Phương Dư Khiêm gật đầu, thu lại nụ cười. Nghe Sơ Trường Dụ nói vậy, hắn càng nhíu mày, sau đó thở dài nói "Dân chúng ở Sơn Đông cũng thật đáng thương, vốn thuế má nặng nề, hạn hán một năm lại kéo dài sang năm thứ hai. Nghe nói tiền cứu trợ thiên tai đều đã bị quan viên địa phương tham ô, thuế lại không được điều chỉnh... sao có thể sống được đây?"
Hạn hán ở kiếp trước không nghiêm trọng như vậy. Khi đó, Sơ Trường Dụ đã nắm quyền, dốc hết sức của cả nước để giúp nạn dân, đồng thời miễn thuế cho Sơn Đông trong ba năm, do đó thiên tai lắng xuống. Nhưng kiếp này, Càn Ninh đế là người duy nhất có năng lực này, hẳn là không có ý định như Sơ Trường Dụ kiếp trước.
Sơ Trường Dụ nghĩ tới đây, vỗ vỗ vai hắn nói "Cho nên huynh muốn làm quan. Dân chúng không còn cách nào khác, chỉ có thể dựa trời mà ăn, nếu huynh làm quan tốt thì có thể bảo vệ họ khỏi hạn hán lũ lụt."
Phương Dư Khiêm gật đầu, tiếp tục "Đúng vậy! Kính Thần, ta luôn bái phục huynh, nằm mơ cũng muốn làm một vị quan như huynh. Huynh không biết đấy, hiện giờ dân chúng truyền nhau nói..." nói đến đây, hắn hạ giọng.
"Sơn Đông hạn hán, phương Nam lũ lụt, là do Hoàng đế không tích đức, tín nhiệm thuật sĩ, dùng quốc vận Đại Khải kéo dài tuổi thọ. Vốn mấy năm qua khí vận Đại Khải dần cạn, thiên hạ hỗn loạn. Nhưng may có Kính Thần là tinh tú hạ phàm đến phù hộ cho giang sơn Đại Khải."
Nghe vậy, Sơ Trường Dụ cau mày "Là ai nói mấy lời nhăng cuội này?"
Y là thần tử, lại có thể bù đắp cho công đức của Hoàng đế, thậm chí còn hạ phàm cứu thế, thật là hoang đường. Nếu là quan viên non kinh nghiệm chắc chắn sẽ thấy lâng lâng khi nghe vậy, nhưng Sơ Trường Dụ lại biết, những lời này có thể nhấc bổng người khác lên mây, rồi khiến người khác rơi xuống tan xương nát thịt.
Phương Dư Khiêm hoàn toàn không để ý, cười nói "Chẳng qua là đồn đãi trong dân gian, ca ngợi huynh có công trị thủy thôi."
Lúc này, người lái đò trên thuyền bắt đầu hét lớn, Phương Dư Khiêm vội chắp tay từ biệt, quay người vội vã lên thuyền.
Người lái đò tháo dây, chống sào đẩy thuyền ra xa bờ.
Phương Dư Khiêm đứng không vững trên thuyền, vẫy tay với Sơ Trường Dụ. Sau lưng hắn là núi non trùng điệp, mặt nước lấp lánh, khói sương lượn lờ, như phong cảnh thủy mặc.
Hướng mà Sơ Trường Dụ nhìn vừa hay là hướng Bắc. Thấp thoáng trong cảnh sắc nước non, xuyên qua lớp lớp núi sông, y nhìn thấy Triệu Kinh phía Bắc.
Tức thì mắt y hơi chua xót.
Y chớp chớp mắt, xoay người đi ngược lại đám đông tiễn đưa.
"Đi tra thử." y dặn dò Không Thanh nói "Tin đồn ta hạ phàm cứu thế từ đâu mà có."
- --------
Ải Ngọc Môn thuộc tỉnh Cam Túc ngày nay, là trạm biên giới xa nhất về phía Tây của Trung Hoa lúc đó. Tên ải Ngọc Môn là do tất cả đá ngọc ở Hòa Điền, Tân Cương thời xưa đều phải đi qua cửa ải này.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.