Ân Thừa Phong dẫn hơn trăm đệ tử cùng hơn hai trăm người già yếu, phụ nữ, con nít vượt sông Dịch, đợi trên bờ sông cùng hợp lại với Hách Liên Xuân Thủy, Tức đại nương cùng hơn trăm bộ chúng đoạn hậu, đánh chìm thuyền, chỉnh đốn binh mã, tổng số hơn hai trăm năm chục tráng đinh, ba phần thụ thương nặng nhẹ khác nhau.
Chúng nhân thấy bên bờ kia khói lửa ngút trời, biết quan binh đang phóng hỏa, thiêu rụi Thanh Thiên Trại, cơ nghiệp bao năm hủy trong chốc lát, ai nấy đứng trong làn gió lạnh dâng lên niềm thương cảm, xem lẫn bi phẫn.
Cao Kê Huyết đã hy sinh, xương cốt không còn, hắn và Vi Áp Mao đều bị kéo vào trường truy sát này, lần lượt gục ngã. Tức đại nương buồn phiền hơn hết, Cao Kê Huyết chết vì nàng, tâm ý bao năm nay của hắn, người thông mình như nàng lẽ nào không biết? Hách Liên Xuân Thủy cũng buồn bực, xưa nay y cùng Cao Kê Huyết đấu trí đấu mồm miệng, nước lửa không dung nhưng hắn chết rồi, y lại thấy thương tâm cùng tịch mịch vô cớ.
Có lẽ y và Cao Kê Huyết đều có một đoạt tình cảm vô vọng khắc sâu trong lòng, đều hiểu nhau rất rõ. Nhưng cả hai không bất cần nguyên tắc, bất chấp thủ đoạn như Vưu Tri Vị, biết là vô vọng nhưng sẵn sàng trả giá tất cả vì chút tình vô vọng đó.
Nhưng kết quả thì sao.
Y không dám nghĩ tới.
Cao Kê Huyết chết rồi, y càng cô độc hơn.
Một mặt, y cảm giác mình vô vọng cùng hoang đường, mặt khác lại dâng lên hy vọng khấp khởi trong lòng, càng lúc càng thôi thúc.
Tám bộ thuộc của Vi Áp Mao và Cao Kê Huyết đã hy sinh mất năm, Hãm Trận Phạm Trung cùng Trung Phong Vũ Toàn Thịnh đều chết, tám người đến tiếp viện cho Phạm Trung cũng chết mất bốn, tổng số còn lại bảy người, không còn đường rút nữa nên họ tạm thời theo Tức đại nương.
Bốn gia tướng của Hách Liên Xuân Thủy cũng bị Chu Tiếu Tiếu giết chết ba, Thập Tam Muội chết bởi trúng mai phục của quan binh, còn lại một người hầu duy nhất, Thập Nhất Lang cùng Hổ Đầu Đao Cung Thúy Hoàn.
Đám nha sai do Hỷ Lai Cẩm dẫn đến cũng mất hai người, mười một người còn lại vẫn tiến thoái cùng Thiết Thủ, dù gì họ cũng hết đường, chỉ còn cách theo hắn mở đường máu.
Nếu Ân Thừa Phong không sớm hạ lệnh triệt thoái để bảo tồn thực lực, e rằng thương vong nặng hơn nhiều.
Ân Thừa Phong là người trong lục lâm, thiện nghệ du kích chiến, hành quân đánh trận không sánh với Hách Liên Xuân Thủy. Y là bậc danh tướng thao lược, lão luyện hành quân tiến thoái, cộng thêm Thiết Thủ trầm ổn cơ trí, tuy địch nhân đông hơn nhưng vẫn thoát được trùng vây mà vượt sông Dịch.
Ân Thừa Phong nhảy lên Bát Tiên đài, ngựa đã bỏ lại lúc vượt sông, hiện tại bốn phía mênh mông, không biết nên đi đâu? Hách Liên Xuân Thủy đề nghĩ: "Chúng ta đến Bát Tiên trấn, bèn định với Hải bá bá xem có chỗ dung thân không đã".
Thiết Thủ trầm ngâm: "Hải lão đã rút chân nhiều năm, giờ muốn ông ta đắc tội quan binh, tựa hồ không được ổn thỏa".
Hách Liên Xuân Thủy ngẫm nghĩ: "Thiết nhị ca không cần cả nghĩ. Hải bá bá là chí giao của cha đệ, nếu dung nạp chúng ta được quyết không chối từ, nếu không thể, cũng không mật báo cho quan binh".
Tức đại nương lo lắng: "Chúng ta cùng đến thế này, có phiền Hải thần tẩu chăng?".
Hách Liên Xuân Thủy đáp: "Cũng không sao. Hải bá bá chịu ơn của nhà ta, có người quen thuộc địa hình ở đây như ông ấy giúp, ắt có chỗ đi, còn chúng ta đi loạn xạ, một khí truy binh vượt sông, hợp lại với binh mã huyện nha đến vây công, chỉ e không chịu nổi chiến đấu lâu dài. Chi bằng để ta đến chỗ bá bá thăm dò trước".
Ân Thừa Phong định lượng cục thế: "Quan binh muốn vượt sông phải đợi thuyền, ít nhất phải hai, ba ngày nữa, chúng ta đến đâu cũng mang theo nhiều gia quyến, sau cùng không thoát được bị vây công, dù Hải thần tẩu bất tiện ra mặt, chỉ cần có chỗ cho chúng ta ẩn náu, đề phòng quan binh, tạo con đường sáng để chúng ta đi là quá tốt rồi".
Hách Liên Xuân Thủy đáp: "Tại hạ cũng nghĩ vậy".
Ân Thừa Phong nói: "Vậy phiền công tử một chuyến".
Thiết Thủ đề nghị: "Có nên đi thêm một người nữa, nhị vị cùng đi?".
Hách Liên Xuân Thủy tư lự: "Thiết nhị ca là danh bộ, tạm thời không nên ra mặt, Ân trại chủ gánh trách nhiệm nặng nề, đệ tử Thanh Thiên Trại trông cả vào ngài, cũng không nên mạo hiểm. Vậy xin Đại nương đi cùng tại hạ một chuyến".
Chúng nhân thương lượng một hồi, thấy đó là cách vẹn toàn hiện tại, để an toàn, Thiết Thủ yêu cầu Hách Liên Xuân Thủy và Tức đại nương mang theo tín hiệu hỏa tiễn, Ân Thừa Phong mai phục mấy chục tinh binh ngoài Bát Tiên trấn, vạn nhất có biến cũng cứu kịp.
Hách Liên Xuân Thủy và Tức đại nương giả trang làm phu phụ đi chơi, cùng Thập Nhất Lang và một người hầu, thuận đường đến thăm bằng hữu, trà trộn vào trấn, tìm tới Hải phủ.
Đến nơi, hai người quăng tín hiệu báo tin lành, xuống ngựa chỉnh trang y phục, thông báo tính danh, đưa cả danh thiếp, coi như đủ lễ số. Gia nhân cầm thiếp vào báo, hai người nhìn nhau, lòng tay lấm tấm mồ hôi.
Nếu Hải Thác Sơn có liên lạc với người thuộc phe họ Phó trong triều hoặc quan binh đi dẹp phỉ, đột nhiên trở mặt không nhận người, tình cảnh của họ ắt càng nguy hiểm.
Họ đợi một chốc mà như lâm đại địch, ngầm quan sát thần sắc quản sự, nhận thấy điều gì không ổn sẽ rút ngay.
Đang lúc thầm cảnh giác thì Hải Thác Sơn cũng một lão tẩu tự thân ra ngoài đón, cười bảo: "Khách quý! Khách quý! Hách Liên công tử lại tới. Xin thứ cho tội đón chậm". Vừa gặp mặt lão đã ôm vai bá cổ, hết sức thân thiết, lại cho rằng Tức đại nương là phu nhân của Hách Liên Xuân Thủy nên nói toàn những câu khách sáo "châu ngọc sánh đôi", "một cặp trời sinh" khiến y mất hẳn tự nhiên, ngược lại Tức đại nương khá thoải mái.
Hách Liên Xuân Thủy ngầm quan sát dung mạo, nhật thấy Hải Thác Sơn vẫn còn đáng tin, hào khí chưa giảm, Tức đại nương cũng thấy vậy. Y liền thuật lại sự tình, uyển chuyển đề xuất với Hải Thác Sơn, cho lão biết tình hình nghiêm trọng, có thể bị liên lụy, nếu ngày sau rửa oan được, ắt sẽ báo đáp.
Lời Hách Liên Xuân Thủy biểu hiện rằng không cần Hải Thác Sơn phải người giúp đỡ, chỉ cần tìm hộ nơi tạm lánh và cung cấp lương thảo. Tức đại nương vội bổ sung, nếu Hải phủ bất tiện, họ cũng không ép, sẽ lập tức rời Bát Tiên đài, chỉ mong lão giữ bí mật, vạn lần không hé ra là họ từng qua đây cầu viện.
Hải Thác Sơn nghe kể, trầm ngâm một lúc, đi đi lại lại tỏ vẻ cân nhắc.
Tức đại nương nói: "Hải tiền bối không cần khó nghĩ, có câu rằng: "có lòng mà vô lực", tiền bối còn gia đình cơ nghiệp, có chỗ nào bất tiện, xin cứ cho là bọn vãn bối mạo muội, tiền bối không nên để trong lòng, bọn vãn bối sẽ rời khỏi trấn ngay".
Hải Thác Sơn ngẩng đầu lên rồi lại cúi xuống, nếp nhăn trên mặt tăng hẳn: "Hách Liên công tử, Tức đại nương, theo lý mà nói, không cần tính tới chuyện lão tướng quân có ơn nặng với bọn lão hủ, chỉ cần dựa vào nghĩa khí giữa võ lâm đồng đạo cùng chút tình tương giao của chúng ta, Thanh Thiên Trại bên kia sông gặp nạn, lão hủ không nên lo nghĩ nhiều, chẳng qua lão hủ già rồi, không được như năm xưa".
Hách Liên Xuân Thủy hiểu ý lão, cũng hiểu được cả tâm tình của lão.
Phụ thân y Hách Liên Nhạc Ngô cũng vậy.
Anh hùng sợ tuổi già, hảo hán sợ bệnh, tướng quân sợ ấm êm, một khi có vợ con, gia đình, tâm chí sẽ không còn như xưa.
Không phải không có dũng khí mà phải cân nhắc.
Y định cất bước nhưng Hải Thác Sơn ngăn lại.
Bàn tay lão nóng bỏng.
Ánh mắt vẫn chưa già chút nào.
"Chỉ là...". Hải Thác Sơn nói với vẻ nhiệt tình, "Có những việc lúc trẻ làm, khi già mới có ký ức để tự hào, cũng có những việc làm xong rồi, chết mới nhắm mắt được".
Hách Liên Xuân Thủy bật cười.
Y nhìn sang Tức đại nương.
Ánh mắt phảng phất muốn bảo nàng rằng y không nhìn lầm người, vị Hải bá bá này vẫn là người có lòng.
Hải Thác Sơn nắm chặt tay y: "Công tử đợi một chút, lão hủ cùng lão nhị, lão tam thương lượng đối sách, tình hình xong sẽ cho công tử biết".
Lão giả đứng cạnh đó nãy giờ yên lặng, thần tình pha chút ngạo nghễ, cuối cùng cũng lên tiếng: "Bọn lão phu phải thương nghị nhưng bất kể kết quả thế nào, việc của Hách Liên công tử cũng là việc của Thiên Khí Tứ Tẩu chúng ta".
Lão tẩu ngạo mạn nói xong quay sang bảo Hải Thác Sơn: "Chúng ta đi tìm lão tam".
Đoạn hai người đi vào nội sảnh.
Hách Liên Xuân Thủy đương nhiên minh bạch ý lão tẩu nói.
"Việc của công tử cũng là việc của chúng ta. Thiên Khí Tứ Tẩu đã chấp nhận. Hiện tại chỉ còn tính cách ổn thỏa. Xin cứ yên tâm".
Tức đại nương lẽ nào không hiểu ý tứ của lão.
"Hải Thác Sơn này vốn cùng ba cao thủ khác kết nghĩa, hợp xưng Thiên Khí Tứ Thiếu, lấy danh hiệu Thiên Khí hàm ý bị trời bỏ rơi nhưng con người không được nản chí. Xuất thân của Hải bá bá năm xưa không phải quyền quý, thường nếm mọi gian khổ nên gọi là Thiên Khí". Hách Liên Xuân Thủy giải thích: "Bốn người kết nghĩa, luận theo tuổi tác, Lưu Vân hơn cả nên là lão đại, Ngô Chúc lão nhị, Ba Lực lão tam, Hải bá bá vốn tên chỉ có một chữ Sơn, xếp thứ tư nhưng luận võ công lại đứng đầu. Họ đều lớn tuổi nên Tứ Thiếu thành Tứ Tẩu".
Tức đại nương động dung: "Tiện thiếp hiểu rồi, hóa ra sau này tên họ là Lưu Đan Vân, Ngô Song Chúc, Ba Tam Kỳ cùng Hải...".
Hách Liên Xuân Thủy bật cười: "Vốn là Hải Tứ Sơn nhưng Hải bá bá xếp cuối, mà võ công, danh tiếng lại quá lớn, tam tẩu đều nể. Hải bá bá lấy là Thác Sơn, sau này người trên giang hồ đều tôn là Hải Thác Sơn, bỏ qua chữ "tứ". Dù thế, bá bá vẫn niệm tình cũ, kính trọng ba vị huynh trưởng kết nghĩa, mời ở lại Hải phủ cung phụng, quả thật là người trọng tôn ti".
Tức đại nương nói: "Trời bỏ rơi nhưng người không buông xuôi, con người không tự buông xuôi ắt có chỗ đứng trong trời đất".
Hách Liên Xuân Thủy nói: "Người nãy trầm mặc ít nói, thần thái ngạo mạn là Ngô Song Chúc, lời lão nói rất có trọng lượng".
Tức đại nương dịu dàng hỏi: "Không biết họ đóng cửa, thương nghị thế nào nhỉ?".
Hải Thác Sơn từ sau rèm bước ra, bên cạnh ngoài Ngô Song Chúc thần thái ngạo nghễ còn có một lão đầu mặt mày hiền hòa, chính thị Ba Tam Kỳ. Hải Thác Sơn vừa ra đã mỉm cười: "Để nhị vị đợi lâu".
Nguyên lai ba người đóng cửa mật nghị, quyết định đưa người Thanh Thiên Trại đến nham động bí mật cạnh cảng Thanh Khê trên sông Dịch tạm lánh một thời gian, sau hai, ba tháng, quan binh bớt lùng sục, sóng yên gió lặng rồi tính tiếp.
"Bí Nham động" vốn là căn cứ năm xưa của Thiên Khí Tứ Tẩu lúc họ còn làm phỉ đồ, hết sức bí mật lại hiểm trở, quan binh từng hai lần tấn công nhưng đều thất bại quay về. Hải Thác Sơn đồng ý cung cấp lương thảo, do Ba Tam Kỳ phụ trách bí mật vận chuyển tới. Bí Nham động do Ngô Song Chúc thiết kế phòng vệ nên chỉ cần hơi có động tĩnh sẽ phát hiện được ngay.
Hách Liên Xuân Thủy và Tức đại nương đều vui mừng, liên tục cảm tạ.
Hải Thác Sơn chỉ nói: "Thế điệt, ta và lệnh tôn giao tình sâu như biển, giúp đỡ một chút này cũng không đáng gì". Lại dặn thuộc hạ phải cẩn thận, không để quần hiệp xảy ra chuyện tại Bát Tiên đài.
Kỳ thật lão có chỗ khó xử.
Lão sợ bị liên lụy nên hơi do dự, lại nghĩ Hách Liên lão tướng quân giữ trọng quyền trong triều, thân thiết với Gia Cát tiên sinh, có thể trình bày với Hoàng đế, tất sẽ dẹp yên vụ này, giả như mình không giúp, sau này còn mặt mũi gặp Hách Liên Nhạc Ngô sao? Hà huống đạo nghĩa võ lâm, tình nghĩa bạn cũ, không thể thấy chết mà không cứu.
Lão bèn đi tìm Ba Tam Kỳ, ba người cùng bàn luận cẩn thận.
Ba Tam Kỳ cực lực phản đối, cho rằng không nên rước họa vào thân, lại e việc này có quan hệ đến Phó thừa tướng hoặc Thái Kinh, cả hai đều quyền khuynh triều chính, không thể chạm vào.
Ngô Song Chúc lại muốn tương trợ, chiếu theo nghĩa khí của đồng đạo võ lâm đương nhiên phải giúp, cung cấp lương thực, khoái mã để Hách Liên Xuân Thủy và tàn binh Thanh Thiên Trại đi khỏi thật nhanh.
Nhưng Hải Thác Sơn cũng không muốn Hách Liên Xuân Thủy cứ thế mà đi, sợ sẽ có ngày chuyện đó thành chướng ngại cho quan lộ của mình, nhất thời dùng dằng không quyết nổi.
Ba Tam Kỳ đề nghị: "Chi bằng đợi đại ca về hỏi ý kiến".
Hải Thác Sơn đáp: "Nhưng hiện tại đệ phải an bài cho họ". Đọc Truyện Online mới nhất ở TrumTruyen.vn
Ngô Song Chúc nói: "Nên để họ trốn đi đã, việc này gấp rút, liên quan đến mấy trăm tính mạng, không thể chần chừ".
Hải Thác Sơn không biết làm sao, đành nghe theo kế này, dẫn tàn binh của Hách Liên Xuân Thủy đến Bí Nham động.
Lần này quần hùng kiếm được chỗ tạm tránh, Thiết Thủ bèn lệnh cho Thiết kiếm, Đồng kiếm nhị đồng phi ngựa về Yến Nam tìm đại sư huynh Vô Tình.
Hắn không biết đại sư huynh còn ở đó không nhưng Vô Tình xuất phát từ Tư Ân trấn đi tìm Thích Thiếu Thương, bất kể đi đâu tìm cũng sẽ để lại ám ký cho nhị đồng truy theo.
Sở dĩ Thiết Thủ phái nhị đồng đi tìm bởi hắn có chỗ khổ tâm: thứ nhất hắn không muốn nhị đồng theo quần hiệp chịu khổ, thứ hai nhị đồng chưa từng lộ diện trong chiến dịch, để cả hai đi cầu viện sẽ không khiến ai chú ý, hơn nữa nhị đồng rời khỏi đội ngũ đang bị truy đuổi sẽ được an toàn. Hách Liên Xuân Thủy lại sai một người hầu cùng đi, chiếu cố cho nhị đồng.
Y biết ở lại Bát Tiên đài chỉ tạm thời yên thâm, tránh khỏi đầu sóng ngọn gió để dưỡng sức, đợi bước vào trận đánh mới nhưng không hiểu sao trong lòng luôn có điềm bất tường, bất quá không hiểu vì đâu nên không nói ra.