Ngoảnh Lại Hóa Tro Tàn

Chương 4: Giọt máu dưới chân Phật Tổ




Gạt Phó Kính Thù ra khỏi cuộc sống của mình, đảo Qua Âm trong mắt Phương Đăng bỗng mới mẻ như ngày đầu đặt chân đến. Trước đây nó chỉ nhìn mỗi bóng lưng Phó Kính Thù, hiện giờ mới phát hiện, hai bên con ngõ nhỏ trên đường đi học về nở đầy hoa chuối tây, những buồng lá xanh mỡ màng bọc quanh bông hoa lớn rực rỡ. Cho dù là hoa màu vàng mơ hay đỏ thẫm, đều toát lên vẻ đẹp vừa phong tình, vừa nồng cháy. Nó thích nhất hút lấy mật bên trong bông hoa chuối tây, ngọt đượm. Thêm nữa, tan học về không mất thì giờ quẩn quanh bên bờ tường Phó gia viện, nó tự làm một cái túi lưới đến bờ hồ bắt cá. Có ngày may mắn bỏ rọ mười mấy con, về nhà rán lên, ông phương học nông thích nhất món nhắm này, lần nào trông thấy cũng gọi “con gái rượu” không ngớt miệng.
Khoảng mười mấy ngày sau, cái sọt rác mà Phương Đăng tưởng đã bị công nhân quét rác mang đi bỗng xuất hiện một cách kì tích trước hành lang, bên trong là chiếc túi đựng phân hóa học được gấp gọn gàng. Nó bồn chồn ngó sang nhà họ Phó, không biết có phải do tưởng tượng, nó bỗng nhớ lại thời gian này, trong ngõ thường nghe thoang thoảng mùi bùn.
Ngày hôm sau Phương Đăng trực nhật về muộn, đến trước cửa tiệm tạp hóa lão đỗ, bất giác cảm thấy là lạ, ngoảnh đầu nhìn thì thấy tấm rèm nhung một nửa trên căn gác đối diện liền bị ai đó kéo vào. Nó mang xô và túi lưới định ra bờ hồ thử vận may, đi được vài bước, lại nghe có tiếng gọi.
“Phương Đăng, em qua đây.”
Đúng cái giọng nói ấy. Lần đầu tiên cậu ra gọi tên nó. Chính Phương Đăng còn cảm thấy tên mình nghe sao xa lạ. Nó giả vờ vô tâm quay lại.
“Làm gì?”
“Em vào đây, tôi cho em xem cái này.”
“Không! Có gì thì nói luôn.”
Nó đứng ngoài cửa, nói như máy.
Người đó không tiếp lời ngay, cái kiểu đủng đỉnh làm người ta phát ghét. Nếu còn dùng dằng, trời sập tối, ra hồ sẽ không an toàn nữa. Phương Đăng sốt ruột ra mặt, nhưng không cất bước.
“Cho em này.”
Nhìn theo mắt Phó Kính Thù, Phương Đăng trông thấy một chậu hoa đặt ngay dưới chân cậu, hình như là… cây chuối tây?
“Hơ, ai trồng thế!” Phương Đăng cười khinh khỉnh hòng che giấu vẻ kinh ngạc. Chuối tây là một trong mấy loại hoa ít ỏi mà nó biết tên, loài cây này mọc hoang khắp nơi trên đảo, chưa thấy ai trồng làm cây cảnh bao giờ, lại còn trồng vào cái chậu cũng ưa nhìn ta phết.
Phó Kính Thù nói: “Tôi nhổ từ bên đường trồng vào chậu, bón bằng phân bón em cho đấy.”
“Thảo nào khó ngửi thế thế!” Phương Đăng cố tình khịt khịt mũi.
“Lúc đầu hơi có mùi, nhưng phơi khô rồi nghiền nhỏ ra, dùng bón hoa nhiều chất lắm. Tôi chọn cái chậu đẹp nhất đấy. Em mang về chỉ cần tưới nước là được.”
Phương Đăng từ chối cái rụp, “Không thèm.”
Phó Kính Thù không giận, cười nói: “Em thù dai ghê.”
Phương Đăng cúi đầu rứt rứt những mắt cá túi lưới, thản nhiên: “Tôi bên này không phải chỗ trồng hoa.” Nơi ở của nó và cậu ấy không giống nhau, đừng nói là vườn hoa, đến một cái cửa sổ cũng không có, người còn chẳng có chỗ đặt chân, lấy đâu ra hứng thú trồng hoa.
“Hoa này cũng không khó trồng, chỉ cần…”
“Anh để nó sống bên góc tường là xong, cần gì phí một cái chậu… lại cả công sức nữa?”
“Em không thích à?” Giọng cậu ta vẫn êm ả dễ chịu như trước, khiến người khác khó mà cương quyết chối từ.
Phương Đăng đột nhiên cáu lên, nói lớn: “Tôi bảo thích lúc nào? Tôi thích cắn một miếng thật to, nhai nát, rồi nhổ nó ra đất đấy!”
“Vậy em cầm lấy mà ăn.” Phó Kính Thù điềm nhiên không ngờ. Phương Đăng bắt đầu cảm thấy chọc giận con người này là nhiệm vụ bất khả thi.
“Không ăn!” Nó buột miệng. Rõ ràng đang tức, bỗng dưng nó cảm thấy như mình mới là kẻ gây chuyện. Phương Đăng không ghét chậu hoa, thậm chí không thật sự ghét người trồng hoa. Có điều nó biết rõ dù mang chậu hoa về, chẳng bao lâu cha sẽ lại nhổ béng cái cây, quẳng đi, lấy cái chậu làm âu đựng bãi nôn. Hoa không đáng tiền, nhưng đã mang về trồng thì nên đối tốt với nó một chút.
Phó Kính Thù nghĩ một hồi, đâm lẩm nhẩm tự nói một mình: “Hay để tôi thay mặt cô chủ chăm sóc nó vậy.”
“Tùy.”
Phương Đăng không nói nữa, nó sợ nấn ná thêm, kể cả biết cây hoa sẽ bị cha chà đạp cũng sẽ mang về để ngắm hết đêm nay mất. Trước lúc trời tối nó kịp ra bờ hồ, nhưng một con nòng nọc cũng chẳng bắt được.
Tay không về nhà, vẫn còn buồn rầu vì chuyện ban nãy, Phương Đăng chạm mặt vợ chồng lão đỗ đứng ở cửa tiệm nghe ngóng. Cửa lớn Phó gia viện mở toang, đèn đuốc sáng trưng, chốc chốc lại có tiếng nói và bước chân vọng ra, thật là rộn ràng hiếm có.
Phương Đăng lòng đầy hoài nghi, dừng lại quan sát. Một lát sau, vào người đàn ông mình trần nhao nhao khiêng đồ ra ngoài, có cột nhà, có cả bàn ghế đá, cả mấy món đồ cổ trông kỳ quái.
“Cẩn thận, cẩn thận va vào đâu hỏng mất đấy!” Một người đàn ông trung niên đeo kính, dáng người mập mạp đi bên cạnh dặn tới dặn lui, vẻ mặt rất phấn khởi. Phương Đăng nhận ra, ấy là cha của Phó Kính Thời.
Ông già thọt chân nét mặt âu sầu đứng bên cửa là già Thôi, trong tay ông chực sẵn giấy bút, mỗi món đồ ra khỏi cửa, ông liền gạch một nét trên giấy.
“Đứng lại! Giàn hoa này ở lầu hai, không nằm trong những món chúng ta đã thương lượng.: Người đi sau cùng là mẹ Phó Chí Thời, “chị dâu” của Phó Kính Thù. Tay bà ta cầm món đồ gỗ chế tác tinh xảo, bị già Thôichặn đứng ngay cửa.
“Thằng già mũi thính hơn chó! Ai bảo đây là đồ trên lầu hai, rõ rành rành bày giữa cầu thang.” Xem ra người đàn bà chẳng coi già Thôi ra gì, cười nhạt hai tiếng: “Vả lại, nếu là đồ trên lầu hai thì sao? Trong nhà ngoài căn biệt thự này có cái gì không phải là của họ Phó ta? Năm xưa chúng ta sống ở đây, lão chỉ là thằng làm vườn quèn, bây giờ vẫn thế, lúc nào đến lượt lão lên tiếng hử?”
Già Thôi hơi khom người xuống, giọng nói không nặng không nhẹ, nhưng phảng phất chút chế nhạo, “Các anh chị sống ở đây? Mười ba tuổi ta tháy cha vào nhà họ Phó, năm nay ta bảy mươi ba tuổi. Chân què, tai điếc, nhưng đầu óc chưa lẫn. Mười mấy năm trước, ông Duy Nhân bên Phòng Lớn nhà các người còn tại thế đã điểm chỉ bán toàn bộ đồ đạc lẫn Phòng Lớn cho bà Trịnh nhà chúng ta. Cái phòng ấy chị chưa một giấy nào ở, những thứ bên trong chẳng có cái nào của anh chị sất.”
“Ô hô! Bà Trịnh ‘nhà chúng ta’. Già gọi thân mật đấy. Phòng Lớn nhà tôi ra ma rồi, già có giỏi thì đi theo bà Trịnh ‘nhà chúng ta’ đến Malaysia mà ăn hương ngậm hoa. Tiếc thật, người của Phòng Ba ở nước ngoài an hưởng thái bình, cơ mà chắc gì đã nhớ được tên lão.” Mẹ Phó Chí Thời trông vẻ ngoài ra dáng một phụ nữ trí thức, dù thẹn quá hóa giận nhưng nói câu nào câu đó sâu cay câu đó. Bà ta vỗ trán mình, chua giọng: “Suýt nữa thì quên mất, ông mà đi biết kiếm đâu con chó canh cửa cái nhà hoang này, tiện chăm sóc cho thằng con hoang chẳng biết ở đâu chui ra kia.”
Khi thốt ra câu cuối, bà ta cố ý thấp giọng nhưng Phương Đăng vẫn nghe được. Đèn ở lầu hai sáng tỏ, Phương Đăng thật mong lúc này có trận gió quét qua, cuốn đi những lời ác nghiệt ấy, đừng để lọt vào tai người kia. Nó không hiểu sao người phụ nữ đó phải thốt ra những lời như vậy.
Già Thôi tuổi cao, chân chậm tay run miệng lắp bắp, làm sao nói lại người đàn bà mồm năm miệng mười, cơn giận xông lên, lồng ngực già thấy như có chôn bễ gió bên trong. Hơi thở nặng nhọc, già nói: “Tài cán thì đừng mặt dày chia tay xin Phòng Ba tiếp tế, không có bà Trịnh, mấy năm trước anh chị xây nổi nhà mới không? Lời như thế mà cũng thốt ra được!”
“Chúng tôi nào có nói gì đến thím ba? Mấy món đồ này các người chẳng đồng ý rồi đó thôi!” Cha Phó Kính Thời chạy ra dàn hòa.
Đồng ý?” Giọng già Thôi bắt đầu the thé, “Chỉ học thủ đoạn của lũ đê tiện để tư lợi là nhanh!”
“Người trong nhà đã chẳng nói thì thôi, lão lắm lời làm gì?” Bà vợ mặc ông chồng khuyên ngăn, nhất định muốn giành phần hơn, “Lão có giỏi cứ đánh điện sang bên kia mách thím ba, bà ấy dù muốn nhúng tay vào việc nhỏ này cũng không để mặc cho lão già chết tiệt như ông muốn làm gì thì làm đâu.”
“Lưỡi dẻo lắm, lưỡi dẻo lắm! Mặc chị nó trăm câu vạn cách, chỉ có người sống trong kia mới đích thị là chủ nhân cái nhà này, anh chị tự tiện mang đồ đi, kể cả một cọng cỏ cũng là trộm! Trộm ranh! Cái thứ hạ tiện, chẳng trách Phòng Lớn các người…”
“Lão nói ai, Phòng Lớn làm sao…”
“Đừng cãi nữa.”tình huống gay go tưởng chừng như không thể chấm dứtỗng dưng bị gián đoạn, cứ như một gáo nước lạnh thình lình tạt lên cái nồi đương nóng bỏng. Phó Kính Thù không nõ từ khi nào đã đứng dưới gốc đa, nói với ra cửa chính: “Chú Thôi về nghỉ đi. Anh hai chị hai, mời mang đồ về, người cũng mời về cho.”
Già Thôi thở dài thượt, nghoảnh mặt đi vào trong. Người đàn bà kia định nói gì đó đã bị ông chồng giật mạnh tà áo ngăn lại, lắc lắc đầu, ý bảo việc xong thì rút mau. Bọn họ trắng trợn chế giễu Phó Kính Thù sau lưng, nhưng trước mặt vẫn phải kiêng dè vài phần. Cậu thường không giận không buồn, tỏ vẻ khách sáo, lại càng khiến họ được nước quấy nhiễu đến cùng.
“Tôi chẳng muốn ở lại chốn ma quỷ âm u ấy dù chỉ một phút!” Người phụ nữ nói.
Người đàn ông lôi vợ đi, tiện miệng đe nẹt vợ chồng lão đỗ và Phương Đăng đang đứng đấy: “Cút mau! Nhìn cái gì? không liên can đến chúng mày!”
Phương Đăng thoăn thoắt trèo lên góc tường quen thuộc, thấy Phó Kính Thù và già Thôi đang lom khom dọn dẹp. Cả khu vườn cứ như vừa trải qua cơn bão. Đám người khiêng đồ ban nãy giẫm nát mấy khóm hoa, thêm hai chậu cây trên hiên bị đánh đỗ, chậu vỡ làm mấy mảnh, bùn văng đầy đất. Tiểu Thất thu lượm từng thứ một, nhẹ nhàng dựng dàn hoa lên, thật cẩn thận. Phương Đăng càng thêm kinh ngạc, cái đình hóng mát sụt nửa mái bên miệng giêng đã hoàn toàn sập, bàn ghế đá bên trong bị mang đi từ lúc nào. Nó nhớ lại dáng vẻ Phó Kính Thù đứng vẽ bên đình, bày biện hoa cỏ trên bàn đá, bất giác trong lòng thấy buồn thay cho cậu.
Cuối cùng già Thôi cũng phát hiện ra Phương Đăng, quát: “Trẻ con nhà nào đấy? Chỗ đấy là chỗ để mày ngồi phỏng? Còn không xuống? Đi mau cho ta!”
Phó Kính Thù nghe tiếng thẳng người đứng dậy, đột nhiên nở nụ cười. Thần thái khi cười của cậu khiến Phương Đăng liên tưởng đến bầu trời xanh biếc trong giấc mơ hôm nọ. Nó tin, cho dù cả nhà po bày trò hèn hạ như thế nào cũng không thể làm cậu tổn thương.
Già Thôi thấy Phó Kính Thù cười, hơi hiểu ra, hoặc có thể cặp mắt quáng gà của già bây giờ mới nhận ra người trên tường. Rất nhanh, già phủi ống quần, khẽ nói với Phó Kính Thù: “Chú mệt rồi, về ngủ đây.”
Đợi già Thôi đi xa, Phương Đăng huỵch một tiếng nhảy xuống vườn. Phó Kính Thù nói: “Cần thận kẻo thành thiếu niên cụt chân đấy. À, phải là thiếu nữ cụt chân mới chuẩn.”
Phương Đăng thấy cậu ta còn pha trò được, bèn nhếch miệng cười hùa, ngồi cái rụp xuống thảm cỏ, lưng dựa vào con hồ ly đá.
“Sao họ không lấy con này đi?”
“Chắc thấy nó nặng, lại chẳng đáng tiền.”
Trên giàn hoa của cậu hẵng còn mấy chậu chuối tây mới trồng, trong đó có một chậu đang ra hoa. Tiểu Thất hái hết hoa xuống, đưa cho Phương Đăng, “Cho đấy, trẻ con đứa nào cũng thích mút cái này.”
“Nói cứ như anh lớn lắm, hơn tôi có hai tuổi, giở cái giọng ông cụ non!” Phương Đăng đón lấy hoa, hút một lèo hết sạch mật bên trong, cười hì hì, ánh mắt long lanh. Nó vỗ vỗ con cáo đá sau lưng, hỏi: “Hay anh không phải người, mà là cáo đá biến thân? Mấy món đồ trang trí này thường làm cả cặp, sao tự nhiên chỉ còn có một con? Người ta đều nói đồ vật lâu năm sẽ có linh tính, hóa thành yêu quái. Từ lâu tôi đã thấy anh chẳng giống người.”
“Em đang khen hay đang mắng tôi vậy?”Phó Kính Thù nhìn thấy bông hoa chuối tây bị Phương Đăng ném sang một bên, cười nói: “Cây chuối tây còn gọi là mỹ nhân thảo, Phật giáo cho rằng nó là máu tươi trên ngón chân Phật Tổ hóa thành. Em ăn suốt ngày,hấp thụ kha khá linh khí, biết đâu chính em mới biến thành hồ ly đấy.”
“Sao anh là hồ ly thì đươc biến thành người, còn tôi là người lại biến thành hồ ly?” Phương Đăng ngẫm nghĩ lời của Phó Kính Thù , càng nghĩ càng buồn nôn, “ý anh là trước giờ tôi toàn liếm ngón chân Phật Tổ?”
“Thấy không, tôi đã bảo em rất sáng dạ mà.”
Phương Đăng nhặt xác hoa dưới chân ném về phía cậu, “Phó Kính Thù , đồ khốn kiếp!”
Cậu ta nghiêng đầu né, học theo Phương Đăng ngồi xuống bên kia con hồ ly đá, “Ái chà, hiếm khi nghe em gọi tên tôi âu yếm như thế.”
Phó Thất đúng là đồ chẳng ra gì! “Phương Đăng bĩu môi nhưng trong lòng sớm đã chẳng còn giận nữa”
“Sao anh lại để bọn người đó cướp đồ đạc đi? “ Nói xong trong lòng nó nảy ngay ra một câu trả lời, thấy sợ, nó liền hoảng hốt ướm lời: “… Anh để họ mang đồ đi, người mà thằng nhãi Phó Chí Thời mới không làm phiền anh phải không?”
Phó Kính Thù nói: “Thế nào họ cũng tìm cớ khuân đồ đi. Nhưng chẳng sao, năm ngoái gió to làm đổ cây ngọc lan, mái đình vỡ mất một nửa, năm trước nữa lầu tây cũng sụp hẳn. Cho dù không có gia đình Phó Chí Thời, dinh thự này vẫn sẽ tàn tạ dần, biết đâu chừng lúc nào đó,lầu đông cũng chỉ còn là cây gỗ mục nát.”
Cậu ta nói như bay gió thoảng,Phương Đăng nẫu ruột chẳng buồn trả lời. Con bé ngàn vạn lần không ngờ một hành động xả giận nhất thời của mình lại tạo nên hậu quả như thế, hận không tự nhét bùn vào miệng cho xong.
Phó Kính Thù thấy nó im lặng,sắc mặt ủ ê, đoán ngay trong đầu nó đang nghĩ gì. Cậu đưa cọng cỏ đuôi chó ra khều khều mũi Phương Đăng, “Sao mà buồn? Cái gì phải đi sẽ đi, cái gì phải tới sẽ tới”.
---------- BỔ SUNG THÊM ----------
“ Bọn họ là người thân của anh thật ư?” Phương Đăng ảm đạm hỏi.
Cọng cỏ đuôi chó trong tay Tiểu Thất run run gật đầu. Cậu ngồi lại cho thoải mái, nói: “Già Thôi gọi tôi là Tiểu Thất run run gật đầu. Cậu ngồi lại cho thoái mái, nói:” Già Thôi gọi tôi là Tiểu Thất vì trong họ, tôi xếp thứ bảy trong các anh em ngang hàng. Già Thôi ban đầu lấn cấn không rõ nên gọi tôi thế nào, chú lớn tuổi nên đầu óc nghĩ không thoáng ra được, chẳng dám gọi thẳng tên tôi. Nhưng thời buổi nào rồi, không thể gọi lão gia, thiếu gia mãi được. Tôi chẳng phải là đại công tử gì, già Thôi nuôi tôi lớn, ông ấy như cha tôi vậy.”
“Vậy cha ruột anh đâu? Sao ông ấy để anh lại một mình ở đây… Cô Chu Nhan nói ông ấy ra nước ngoài rồi.”Phương Đăng hối hận vì đã lỡ lời, nó quên mất “Chu Nhan” là hai chữ cấm kỵ không thể nhắc đến với Phó Thất.
“Cha của Phó Chí Thời tên là Phó Kính Thuần, ông nội anh ta và ông nội tôi là anh em ruột. Cụ nội tôi, Phó Học Trình, có ba con trai, một con gái.Phòng Lớn* có Phó Truyền Bản, con trai Phòng Nhì tên Phó Truyền Cách, Phòng Ba con trai là Phó truyền Thanh, con gái tên gọi Phó Truyền Vân.”
“Tôi biết cụ nội của anh. Trong giờ lịch sử thầy từng nhắc đến ông ấy, còn có ông Phó Truyền Thanh, toàn những nhân vật tài giỏi. Phó Truyền Vân… có phải là nghệ sĩ dương cầm danh tiếng lẫy lừng Phó Truyền Vân không?” Phương Đăng không nén nổi ngơ ngẩn xuất thần, nghĩ tới những nhân vật ít nhiều ghi tên mình trong lịch sử cận đại của nước nhà đều xuất thân từ dòng tộc Tiểu thất, được chảy chung dòng máu với cậu ta, nó cảm thấy kỳ diệu.
Phó Kính Thù gật gật đầu, “Trong ba đứa con của cụ nội, con trưởng Truyền Bản sớm qua đời, để lại giọt máu duy nhất là Duy Nhân, mồ coi từ trong bụng mẹ. Ông Duy Nhân chính là ông nội của Phó Chí Thời, bác cả của tôi. Mẹ bác cả ở vậy nuôi con, bác không có anh chị em ruột, là người hiền hậu, an phận thủ thường, không thích kinh doanh. Thời trẻ trong nhà có của ăn của để, nhưng bác một mực ở lại đảo dạy học, sản nghiệp của Phòng Lớn quá nửa giao cho Phòng Ba thay mặt xử lý. Trước giải phóng, cả nhà học Phó dời ra hải ngoại, bác cả không chịu đi, nói gốc gác mình ở đây, cả đời giảng bài dạy học, sống thanh bạch, thời cục có biến đổi ra sao chẳng ảnh hưởng đến mình. Thực tế về sau bác chịu khổ rất nhiều, phần lớn là chịu thay cho gia đình đã sơ tán ra nước ngoài.”
“Sao ông lại giao tài sản đứng tên họ Phó cho bà Trịnh? Bà Trịnh là ai?”
“À, chuyện này đợi có dịp tôi sẽ kể. Sau giải phóng vài năm, sống trong dinh thự này không phải người họ Phó nữa, bởi chính phủ đã sung công ngôi biệt thự này. Nghe già thôi nói, vào lúc đông nhất nơi đây tề tựu hơn hai mươi hộ gia đình, chắc chắn em không tưởng tượng nổi không khí náo nhiệt lúc đó, vườn hoa ở cửa chính chi chít nhà gỗ dựng tạm.”
Phương Đăng cười giễu: “Đùa à, anh đúng là no quen không hiểu cảm giác người đói. Từ nhỏ tôi đã sống cảnh ‘náo nhiệt’, bây giờ cũng chẳng lấy gì làm ‘đơn côi’. Chưa biết chừng trong hơn hai mươi hộ ngày đó có ông bà người thân của tôi.”
Phó Kính Thù khẽ cười, tiếp tục kể chuyện quá khứ gia đình mình.
“Về sau, chính phủ ra chính sách khuyến khích kiều bào về nước, Phó gia viện được trả lại cho họ Phó, người sống ở đây lục đục dọn ra. Lúc đó lầu tây đã bị tàn phá khủng khiếp, lầu đông mà hiện nay tôi ở do diện tích nhỏ hơn, nên ít người vào sống hơn, có điều cũng trở nên tồi tàn đến mức đáng thương. Cả nhà bác cả ra ngoài sống hai mươi mấy năm, chịu đủ mọi giày vò, chẳng còn muốn dính dàng chút gì đến gia đình họ mạc nữa, họ mất hết nếp nhà. Do đó trước lúc lâm chung, bác Duy Nhân đã đứng ra bán hết toàn bộ tài sản còn sót lại của Phòng Lớn cho nguời chịu trách nhiệm Phòng Ba , bà Trịnh, vợ ông nội tôi.:
Nghe mấy chữ “Vợ ông nội tôi” thật nuốt không trôi, Phương Đăng biết bên trong có uẩn khúc, nhưng sợ lại phạm phải điều cấm kỵ của Phó Thất nên không dám tùy tiện hỏi.
“Sau khi ký tên vào thỏa thuận, Phó gia viện hoàn toàn không có liên quan tới người của Phòng Lớn nữa. Phó Kính Thuần còn một người anh, sau khi bác Duy Nhân mất, hai anh em liền chia nhau tiền bán nhà đi làm ăn. Kết quả, người anh lên phương Bắc, nghe nói cuộc sống tương đối khá. Phó Kính Thuần đi buôn lỗ chồng lỗ chất, có lúc bị săn lùng gắt gao nhà còn không dám về. May mắn sau đó cải cách mở cửa, họ liên lạc được với họ Phó ở nước ngoài, Phòng Hai Phòng Ba biết Phòng Lớn cơ cực, thường xuyên tiếp tế, do đó nhà họ mới khá giả hơn đa số dân đảo.”
“Nhà ấy cứ như bầy sói đói, mắt trắng dã!” Phương Đăng mường tượng lại vẻ mặt cả nhà Phó Chí Thời, bất giác bực tức thốt lên.
“Quyền quý cao sang ai chẳng muốn. Đều do cuộc sống thúc ép mà thôi. Họ sợ nghèo túng, cái gì vơ được là muốn vơ sạch. Tôi đoán cả nhà đó vẫn chưa hết oán hận vì sao cùng họ Phó mà người thân ở hải ngoại được sống sung sướng, còn họ phải thay cả dòng tộc chịu tội.”
“Kể cả thế cũng không nên lấy anh ra trút giận chứ!”
“Cá lớn nuốt cá bé là quy luật cuộc sống.” Phó Kính Thù nói bằng giọng điềm đạm, “Đối với những người cho họ cái này cái kia, dĩ nhiên họ chẳng dám ho he. Còn tôi không thể cho họ cái gì…. cũng là lẽ thường thôi.”
“Tiếp theo là về Phòng Nhì . Gia đình Phòng Nhì đứng đầu là Phó Truyền Cách, họ đơn giản hơn nhiều. Cụ tổ tôi có bà vợ lẽ, chỉ sinh được mụn con gái tên Phó Truyền Vân. Sợ sau này người vợ lẽ không có ai nương tựa, cụ tổ bèn đứng lên làm chủ, cho con trai của viên chủ quản thu chi các phòng sang làm con nuôi bà.”
“Ồ, tức là ông Phó Truyền Cách ở Phòng Nhì không phải con ruột cụ tổ của anh à?”
“Không sai, nhưng cụ nội đối xử với ông chẳng khác nào con ruột, ông cũng rất hiếu thuận. Ông Phó Truyền Cách theo đạo, cưới con gái nhà họ Khưu danh gia vọng tộc đảo Đài Loan, cũng là một con chiên ngoan đạo. Họ tiếp quản toàn bộ việc kinh doanh của cụ nội ở Đài Loan, chủ yếu là buôn gạo, trở thành gia đình giàu có hạng nhất. Phòng Nhì đời sau có bốn trai hai gái, là nhánh hưng thịnh nhất của nhà họ Phó.”
“Đáng tiếc dù thế nào cũng không phải huyết mạch họ Phó, chẳng trách Phòng Ba có tiếng nói lớn như vậy.” Phương Đăng trầm tư suy nghĩ.
“Đúng là tiểu hồ ly, cái gì cũng biết một ít.” Phó Kính Thù khẽ phe phẩy ngọn cỏ đuôi chó đuổi con muỗi vo ve giữa mặt hai người đi, “Dù trong gia phả họ rõ ràng là con cháu họ Phó, nhưng Phòng Nhì tự biết mình không phải dòng dõi chính tông, cho nên từ đời Phó Truyền Cách họ bắt đầu định cư bên Đài Loan, một lòng một dạ gây dựng ở đó. Căn nhà tổ này có khu dành cho Phòng Nhì , kỳ thực họ không ở đây được bao lâu, việc trong gia tộc họ ít khi chủ động hỏi đến. Sau khi Phòng Lớn suy bại, Phòng Ba làm gì thì họ theo nấy. Nhớ ơn cụ nội, nghe nói ở Đài Loan họ cho xây một tòa nhà không khác nhà tổ bao nhiêu, cũng gọi là Phó gia viện. Tuy là bản sao nhưng hiện nay ngôi nhà ấy chắc chắn đẹp hơn nơi này nhiều lần. Con cháu Phòng Nhì nhiều, tôi chỉ thi thoảng được nghe tin tức về họ, hình như phần đông không làm kinh doanh nữa, hoặc theo ngành y, hoặc làm nghệ thuật, đều sống đầy đủ khấm khá.”
Phương Đăng chưa bao giờ nghe cậu nói liền một hơi nhiều đến thế. Trông bộ dạng cậu khá thoải mái, có lẽ ai cũng cần những phút giây hồi tưởng và giãi bày. Nghe cậu nói chuyện với Phương Đăng là một cách hưởng thụ, đến lũ ruồi muỗi nhảy múa trêu ghẹo cũng không làm nói phiền lòng.
“Ông Phó Truyền Thanh Phòng Ba chính là ông nội của anh. Tên tuổi người này cũng chẳng kém cha mình là mấy.”
“Ông nội Phó Truyền Thanh là con trai nhỏ nhất của cụ tổ, do bà cả sinh ra, được nâng niu như bảo bối. Ông không chịu kém ai, từ nhỏ cần cù trau dồi, thông minh quả cảm, rất có khí phách của cụ tổ thời trẻ nên được cưng chiều nhất trong đám anh em. Năm hai mươi tuổi, dưới sự sắp xếp của gia đình, ông nội lấy con gái một vị đô đốc ở Malaysia, họ Trịnh, chính là bà Trịnh mà hiện giờ mọi người nhắc đến. Sau khi kết hôn ông chính thức thay cha xử lý công việc, kế thừa sản nghiệp, khuêch trương kinh doanh gỗ và cao su của gia đình. Ngoài các việc kinh doanh do cụ tổ dốc sức đặt nền móng từ trước, tự ông đặt làm thuyền buồm, mở rộng ngành hàng hải. Đó là thời điểm cực thịnh của nhà họ Phó, hàng năm tiền của thu về như nước, trở thành tài phiệt đứng đầu một thời. Dưới tay ông nội, Phó gia viện được sửa sang xây mới, vườn hoa được hoàn thiện, lầu đông được cất lên để cho phụ nữ trẻ con Phòng Ba vào ở. Ông nội tôi tên chữ là Phong Đào, thời đó lầu đong còn có tên là biệt viện Phong Đào, chính là nơi tôi ở hiện nay.”
“Ông nội anh có mấy bà vợ, mấy người con?” Đây mới là điểm mấu chốt của vấn đề, Phương Đăng dè dặt hỏi.”
“Phòng Ba không đông con cháu như Phòng Nhì . Ông nội tôi chỉ có một người vợ, chính là bà Trịnh, nay bà vẫn còn khỏe mạnh.”
Phương Đăng thấy khó hiểu: “Sao lại….”
Phó Kính Thù thật sự giống như một con hồ ly tu luyện ngàn năm, nhìn sơ là thấu hiểu suy nghĩ của người khác. Cậu thủng thẳng tiếp lời Phương Đăng: “Bà Trịnh cũng là một người phụ nữ hiếm có, nhân phẩm tài mạo không thua kém ông nội tôi chút nào. Bà là con gái độc nhất trong gia đình, con người thông minh, tinh nhanh sắc sảo, rất có tiếng nói ở nhà mẹ đẻ. Ngày ấy bà mang theo của hồi môn kếch xù đến làm dâu họ Phó. Có thể nói nếu không được nhà ngoại giúp đỡ, họ Phó khó lòng gìn giữ được thịnh vượng suốt bốn đời ở Nam Dương*. Ông nội khi còn sống cũng rất kính trọng bà…”
“Á à biết rồi nhé, ông nội anh sợ vợ!” Phương Đăng vừa cười vừa vỗ tay, tự thấy vô duyên liền nhăn mặt.
Phó Kính Thù nửa cười nửa không. “Tóm lại, bà Trịnh là nội tướng giỏi giang của ông nội cả đời. Có điều… Kết hôn vài năm, con trai và con gái sinh được đều chết yểu, rất lâu sau không sinh thêm nữa.”
“Sau đó thì sao…”
“Đầu thập niên Bốn mươi, tình hình trong nước sáng sủa dần. Ông nội đồng ý kiến nghị của bà Trịnh, cả Phòng Ba cùng dọn về Malaysia. Phòng Nhì thì ở đảo Đài Loan, cơ ngơi nhà họ Phó trừ Phòng Lớn , chỉ còn hai người làm chịu trách nhiệm trông coi.”
“Tôi đang hỏi ông nội anh sau này có con không cơ mà?” Phương Đăng kỳ thực chỉ quan tâm thân thế và số phận của Phó Kính Thù, những chuyện khác chẳng liên quan gì đến nó.
“Em kiềm lòng không đặng nữa rồi.”Phó Kính Thù cười cười, “Tôi đang kể đến chuyện đó đây. Đêm trước giả phóng, người ở Phòng Ba , thực tế chính là toàn bộ quyến thuộc sót lại của họ Phó, mang theo hầu hết vật dụng đáng giá bỏ đi cả, chỉ còn lại một người làm vườn, chính là già thôi, một cô hầu, và… đứa trẻ trong bụng cô hầu ấy.”
“Đó là cha của anh phải không?” Phương Đăng nói xong khẽ ngậm miệng lại, hỏng, nhất thời kích động lại làm chuyện ngốc nghếch rồi. Việc xảy ra đã hàng chục năm về trước, nếu là sự thật, Phó Thất chắc chắn là yêu quái có bí thuật gìn giữ tuổi xuân.
Phó Kính Thù ngửa cổ lên mà cười, “Phương Đăng, em đúng là…” nụ cười của cậu ta thật cạn, chớp mắt đã vụt tan, “Chính là cha tôi đó, tên ông là Phó Duy Nhẫn.”
“Tại sao người khác tin đó là con của chủ nhà, chứ không phải con của cô hầu và anh làm vườn?” Phương Đăng thầm cầu cho già thôi không nghe được lời này.
“Bởi vì cô hầu gái và người làm vườn là hai chị em. Một năm sau ông nội tôi đích thân gửi thư thừa nhận, còn nhờ người Phòng Lớn chăm sóc giúp. Vốn ông định chờ vài năm để bà Trịnh tâm trạng dễ chịu hơn sẽ đón hai mẹ con sang, ai ngờ chớp mắt thời thế thay đổi, việc đó không được, vậy là họ chờ liền mười mấy năm.”
Phương Đăng nói: “Ban đầu cô hầu bị cho ở lại coi vường chắc là chủ ý của bà Trịnh.”
Phó Kính Thù cười đáp: “Có lúc em thông mình ghê, có lúc sao mà ngốc. May mà thời gian thông mình nhiều hơn. Cô hầu ấy tên là Tiểu Xuân, mọi người thường gọi là Tiểu Xuân cô nương. Cô là con bà vú của ông nội, lớn hơn ông năm tuổi.”
Phương Đăng há hốc miệng kinh ngạc, “Về sau Tiểu Xuân cô nương, bà nội của anh cũng đi Malaysia chứ?”
“Không, bà chết rồi. Đáng ra là đi được. Dù gì đứa con Tiểu Xuân cô nương sinh ra cũng là giọt máu duy nhất của ông nội. Không ngờ bà Trịnh bôn ba tìm thuốc cuối cùng cũng đạt được ý nguyện, hơn ba mươi lăm tuổi bà sinh đôi một trai một gái. Bà không chịu đón hai mẹ con sang nữa. Đến tận lúc ông nội qua đời, trước khi lâm chung phó thác bà Trịnh nhất định phải đón cha tôi về Malaysia nuôi dạy tử tế. Bà Trịnh niệm tình vợ chồng mấy chục năm, cuối cùng đành nhận lời.” Phó Kính Thù thuật lại qua loa.
“Tiểu Xuân cô nương sao lại chết? Sao anh không sang Malaysia với cha?”
“Em thắc mắc quá nhiều đấy. Tôi không đi là vì bà Trịnh chỉ đồng ý mang ‘con trai’ của ông nội về Malaysia, chứ không kèm theo bất cứ ai khác.”
“Anh mà lại là ‘ai khác’ ư?” con bé ngầm cảm thấy căn nguyên bên trong nhất định có liên quan đến cô cn, nếu không Phó Duy Nhẫn làm sao nỡ để lại vợ trẻ con côi mà đi xa. Nhưng Phương Đăng không dám hỏi đến việc này.
Chuyện Phó Kính Thù không muốn nói chẳng ai ép được cậu ta mở miệng.
“Vẫn thích để muỗi cắn tiếp à? Tôi không muốn mai đến trường mọi người tưởng mình bị phát ban đâu.” Cậu chuyển ngay chủ đề.
Phương Đăng quay sang nhìn, góc vườn có một ngọn đèn vàng lờ nhờ, gương mặt Phó Thất bình thản như thường, nhưng Phương Đăng thấy rất rõ, đôi mắt luôn trong sáng lạ thường của cậu lúc này hơn mơ màng, có lẽ vẫn đang lạc lỗi trong câu chuyện năm xưa.
“Thôi về, mặt ngứa quá.” Phương Đăng rảo bước đến chân tường, quay lại nói với Tiểu Thất thêm một câu, “Hay thật, tôi ngưỡng mộ anh đấy.”
“Ngưỡng mộ tôi?” lời nói không suy nghĩ của Phương Đăng khiến Phó Kính Thù kinh ngạc.
Phương Đăng gật đầu nói: “Người nhà anh cứ như sống trong tiểu thuyết ấy. Chẳng trách mọi người đều bảo họ Phó là gia tộc hoành tráng nhất đảo này. Nếu tôi là anh, nhất định sẽ thấy tự hào lắm.”
Phó Kính Thù ném cọng cỏ đuôi chó đã mân mê cả buổi tối xuống đất, cười giải vây, lời nói đượm chút hiu quạnh, “Ngoài cái họ, em xem tôi và những người từng sống trong nhà này có gì giống nhau nữa đâu?”
“Dĩ nhiên!” Phương Đăng trả lời chẳng thèm suy nghĩ, “Nói không chừng anh còn tốt hơn… Xem nhé, anh biết vẽ, lại còn biết trồng hoa.” Con bé hình như cũng cảm thấy mình đang nói linh tinh, bèn gãi gãi đầu, cười tiếp: “Dù sao tôi chẳng quen ai họ Phó còn sống trừ anh. Cái thằng ranh Phó Chí Thời và nhà nó chẳng nói làm gì, mấy người đó không xứng, chỉ là con chồn sinh ra trong ổ phượng hoàng thôi. Toàn làm mấy trò trộm gà bắt chó vớ vẩn.”
Phương Đăng nói xong, sột soạt một hồi đã leo lên đầu tường, tư thế chẳng mấy đẹp đẽ. Con bé hùng hồn chỉ trích người khác trộm gà bắt chó, cứ làm như mình đường hoàng rời khỏi nhà người ta lắm. Nhanh nhẹn nhảy xuống đất, nó vẫn nghĩ mãi không hiểu nụ cười của Phó Kính Thù khi tiễn mình ban nãy là gì. Cậu ta ngồi trong tối, mà sao nụ cười cứ sáng như trăng đầu hè.
Hoặc giả, tất cả chỉ là nó tưởng tượng ra.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.