Ngoảnh Lại Hóa Tro Tàn

Chương 6: Con rơi cửa quyền




Có lẽ Phương Đăng năng để ý, liên tiếp ba ngày, nó đều thất Phó Kính Thù hoặc vô tình hay cố ý ra cửa lớn, hoặc đứng trước cửa sổ chờ đợi. Bưu kiện mãi không tới, khiến gương mặt vốn bình đạm dần dần nhuốm vẻ sốt sắng.
Phương Đăng trước nay chưa từng nhận được bưu kiện, thậm chí chẳng ai viết thư cho bao giờ. Nó không hiểu được mùi vị chờ đợi kia, chỉ biết, bưu kiện ấy đối với Phó Kính Thù chắc chắn vô cùng quan trọng, mới khiến một kẻ quen giữ tâm tư trong lòng như cậu không giấu nổi vẻ mong đợi. Niềm hy vọng ấy như một mầm bệnh thầm bí leng keng hao hao tiếng chuông xe đạp bác bưu tá, dù đang làm gì, con bé cũng dừng lại ló ra cửa sổ ngó nghiêng. Buồn nỗi mấy lần âm thanh ấy đều từ các xe thu mua đồng nát.
Có một lần, Phương Đăng tình cờ bắt gặp bác bưu tá ở bến tàu, bác vừa lên đảo. Con bé vội vàng giữ bác lại, hỏi xem có bưu kiện nào gửi về Phó gia viện không. Cho dù bác bưu tá chẳng đời nào giao bưu kiện cho Phương Đăng, nhưng được là người đầu tiên mang tin vui cho Phó Kính Thù cũng đủ làm nó sung sướng lắm rồi.
Cái lắc đầu của bác bưu tá làm Phương Đăng ỉu xìu. Không nản lòng, con bé nài bác kiểm tra lại lần nữa các kiện hàng gửi đến trong túi. Bác bưu tá cất giọng già nua nói, ông đưa thư trên đảo mười mầy năm, thường vào dịp này mỗi năm, đích thực có một bưu kiện từ hải ngoại gửi về Phó gia viện, ông không bỏ sót bao giờ, năm nay thực chưa thấy có.
Phương Đăng rơi vào chán nản, chẳng biết tự khi nào, cảm xúc của nó đã phụ thuộc vào Phó Thất như thế, cậu ấy vui nó sẽ vui, cậu ấy buồn nó cũng buồn. Bấm ngón tay nhẩm tính, đã vào tháng mười, sinh nhật Phó Kính Thù sắp đến. Phương Đăng lén xem sổ học bạ của cậu ta nên biết được. Nó muốn nghĩ cách làm cậu ta vui, kể cả làm trò chọc người đó cười một cái cũng được.
Tấm thiệp chúc mừng sinh nhật một mặt có in hình bó hoa nó không biết tên, bên trên rắc kim tuyến lấp lánh. Mấy bông hoa màu vàng, hơi giống chậu chuối tây “của mình” giờ đã yên vị bên ban công phòng Phó Kính Thù. Nó nghĩ, cậu ta trồng nhiều hoa, chắc chắn sẽ biết bó hoa trên tấm thiệp là loại gì.
Để cho thật hoàn hảo, Phương Đăng tập đi tập lại trên giấy nháp mấy lần mới dám nắn nót viết mấy chữ “Chúc mừng sinh nhật pt” lên mặt sau tấm thiệp. Nó không phải đứa kém mồm mép, song ngẫm nghĩ một lúc cũng chỉ muốn nói với cậu ta mấy chữ đó. Nó mong cậu ta vui vẻ, chỉ đơn giản có thế thôi. Cuối cùng ở phần ký tên, cô bé vụng về vẽ một ngọn đèn.
Nếu cậu là kính, vậy nó sẽ làm đèn, nó sẽ chiếu rọi cậu rồi soi sáng con đường của mình bằng chính những phản quang lấp lánh lóe lên sau đó.
Ngày sinh nhật của Phó Kính Thù cuối cùng đã đến, Phương Đăng sắp xếp mọi việc đâu vào đấy. Con bé định bụng chặn đường bác bưu tá ở bến tàu, nhờ đưa tấm thiệp đến Phó gia viện, khiến Phó Kính Thù kinh ngạc một phen. A Chiếu xung phong đảm đương nhiệm vụ này.
Trải qua chuyện hôm nọ, cậu nhóc thò lò mũi xanh A Chiếu cả ngày cứ quẩn quanh bên Phương Đăng và Phó Kính Thù. Quen cô độc một mình, ngày thường vây quanh nó chỉ toàn những ánh mắt rẻ rúng khinh thường, bây giờ mới có người tốt với mình, lại mạnh hơn mình rất nhiều, thằng nhỏ liền như người chết đuối vớ được cọc, đã nắm được là không có chuyện buông.
Phương Đăng hiếm khi niềm nở với A Chiếu, thấy quẩn chân vướng víu là mắng không thương tiếc, nhưng giữa Phương Đăng và Phó Kính Thù, A Chiếu ở bên Phương Đăng có vẻ thoải mái hơn. Phó Kính Thù chẳng bao giờ nặng lời với A Chiếu nhưng không hiểu sao thằng bé vẫn thấy sờ sợ. Nói cho chính xác, đó là kính sợ. A Chiếu luôn hướng về chàng thiếu niên dù chỉ hơn mình vài tuổi, lại được sống ở Phó gia viện huyền thoại bằng con mắt sùng bái. Nó cảm thấy, có “dây mơ rễ má” với con người này thật sự là điều đáng tự hào trong cuộc sống ảm đạm của mình.
Chính bởi thế, được Phương Đăng cho làm chân chạy vặt, lại nhằm tặng quà cho Phó Kính Thù, A Chiếu cảm thấy vô cùng vinh hạnh. Ban đầu Phương Đăng hơi đắn đo, nhưng nghĩ lại, thường vào buổi hoàng hôn, sau khi tan học, bác bưu tá mới lên đảo. Nếu nó ra bến tàu chờ, thể nào cũng lỡ giờ nấu cơm. Ông bố đói bụng Phương Học Nông quyết không để nó yên. Huống hồ, con bé cũng mong đứng trên gác xép, tận mắt trông thấy cảnh Phó Kính Thù nhận quà. Thế là sau một hồi nghe Phương Đăng dặn đi dặn lại, A Chiếu vui sướng nhận lệnh.
Sẩm tối, Phương Đăng đang giở tay nấu nướng, bỗng nghe từ dưới lầu truyền tới tiếng huýt sáo của A Chiếu. Tiếng huýt sáo báo hiệu sứ mệnh đã hoàn thành. Dù “sứ mệnh” này không mấy phức tạp, nhưng nom A Chiếu loắt cha loắt choắt vậy mà được việc ra trò. Phương Đăng thò đầu xuống nở nụ cười khen ngợi, thằng nhỏ hí hửng chạy mất.
Từ lúc đó, Phương Đăng luôn vểnh tai nghe ngóng động tĩnh ngoài cửa sổ. Đến tận khi hai cha con ăn cơm xong, thu dọn bát đĩa đâu vào đấu, trong ngõ mới vang lên tiếng chuông xe đạp của bác bưu tá. Đối với Phương Đăng mà nói, âm thanh ấy chẳng khác nào âm thanh từ thiên đường.
“Phó gia viện có đồ, mau xuống nhận.” Ông bưu tá già hô lớn bằng giọng khàn khàn.
Phương Đăng đứng bên cửa sổ, cắn môi dõi xuống. Phó Kính Thù mau chóng đi ra. Chẳng rõ Phương Đăng có nhầm không, khi đón lấy bưu kiện, hai tay cậu dường như run rẩy.
Từ trên này nhìn xuống, Phương Đăng chỉ thấy rõ nửa mặt cậu. Tim đập thình thịch, nó nửa quan sát nửa ước đoán thái độ của cậu lúc này. Vui sướng không? Hoặc bối rối? Hay nghi ngờ… nhưng dường như vẻ mặt Phó Kính Thù là thất vọng và phẫn nộ thì đúng hơn…
Ông bưu tá đã đi xa. Phó Kính Thù chầm chậm quay mình, trong tay cầm lá thiệp đã mở toang. Cậu nhìn đăm đăm về cái cửa sổ nhỏ. Phương Đăng nhanh như chớp thụp đầu xuống, nghĩ bụng chắc khó mà qua được mắt người ta. Sau hai chục lần đắn đo, con bé dè dặt ló lên. Người đó vẫn đứng yên tại chỗ, chẳng thấy cái thiệp đâu nữa, dưới chân chỏng chơ một cục giấy bị vò nát.
Lòng Phương Đăng rối bời, nỗi chờ mong đang nhảy nhót tươi vui chợt ngậm ngùi rớt xuống đáy thẳm. Dạo hai vòng quanh gác xép chật hẹp đến ruồi nhặng cũng chẳng thèm ghé thăm, cuối cùng nó ào xuống tầng.
Phó Kính Thù nhìn nó chạy đến, ánh mắt lạnh căm. Không đúng, trong ấy chất chứa lửa giận mà nó chưa từng trông thấy bao giờ.
“Anh sao thế? Tôi muốn làm anh vui mà!” Phương Đăng cúi xuống nhặt cục giấy dưới chân cậu ta, xót ruột miết phẳng ra, “Anh ghét tôi, nhưng thứ này có làm gì anh đâu, có cần phải thế không?”
“Em muốn tôi vui ư? Còn chúc tôi sinh nhật vui vẻ? Nếu mong tôi vui em sẽ không bày trò trêu chọc tôi như thế này!” Phó Kính Thù cố giữ cho giọng mình bình thường, nhưng hơi thở dồn dập phả ra khiến cậu thất bại.
Phương Đăng đã hiểu. Đây đâu phải cái bưu kiện mà người ta mong ngóng. Cậu ấy không cần lời chúc ngốc nghếch của nó, cái gọi là “bất ngờ ngày sinh nhật” làm cậu mừng hụt. Giận là đúng thôi.
Nó hơi ý thức được việc mình làm không mấy hợp thời, chẳng trách cậu ta nghĩ nó ngốc. Cảm giác hối hận chẳng thể làm vơi nỗi buồn trong tim.
Phương Đăng ấm ức hét lên: “Bưu kiện của anh quan trọng lắm chắc?”
“Dĩ nhiên.” Giọng Phó Kính Thù nhẹ tênh, lời gọn mà ý sâu, chẳng có nửa phân do dự.
“Quan trọng lắm thì đã sao? Cho đáng đời anh chờ mãi không thấy!” Phương Đăng mở miệng, nhưng nước mắt tuôn trào.
Mặt Phó Kính Thù thoáng trắng bệch, lặng thinh. Một giọng nói, cái giọng nói mà cả hai đứa đều không muốn nghe thấy bất chợt vang lên.
Phó Chí Thời mồm đầy kem, đứng trước cửa tiệm tạp hóa ngọng nghịu lên tiếng, nhưng hai đứa nghe rõ mồn một.
“Chẹp chẹp, có kịch hay để xem rồi, chuột cùng một lỗ mà cũng có lúc cắn nhau!” Nó ném cái nhìn khiêu khích về phía Phương Đăng, “Cầu xin đi, có khi tao nói cho mày biết chú Bảy nhà tao đang đợi cái gì đấy.”
“Xéo!” đang giận mà chưa có chỗ phát tiết, Phương Đăng thuận thế vo tấm thiệp trong tay lại, ném thẳng về Phó Chí Thời. Lá thiếp nhẹ bẫng, chưa chạm đến người đã rớt xuống.
Phó Chí Thời nhả cây kem ra, để lộ khóe miệng xanh xanh vế bầm chưa kịp tan, minh chứng cho vụ ẩu đả hôm nọ. Lạ lùng là sau cái hôm bị Phương Đăng và A Chiếu dần cho một trận nhừ tử, không thấy nó quay lại sinh sự, đường hoàng hay lén lút đều không. Phương Đăng vốn chẳng coi thằng này ra gì, A Chiếu thủ sẵn sỏi trong cặp mấy ngày liền cũng không có đất dụng võ. Phương Đăng cảm thấy, cái thằng Phó Chí Thời này đúng là đầu hùm gan thỏ, y như con rùa, thích há miệng cắn người, nếu ra sức đánh, áp chế được dáng vẻ kiêu căng của nó, thì con rùa sẽ tự động rụt đầu vào mai.
“Mày bảo đi là tao phải đi á? Có ngon thì ra đây đánh tao này, đừng có lén lút giở trò sau lưng, xem đứa nào lãnh đủ. Mày khóc nhoe nhoét cả mặt, đánh sợ bẩn tay tao.” Phó Chí Thời vênh mặt, liếc xéo Phó Kính Thù một cái, lại quay sang nói với Phương Đăng, “Mày tưởng mày là ai? Một cái thiệp quèn mà đòi sánh với bưu kiện từ Malaysia gửi về? Có mấy kẻ bố không thương, mẹ chẳng yêu chỉ nhờ tấm tình rơi vãi mỗi năm đến một lần ấy sống qua ngày ấy. Vịn vào đó người khác đỡ tưởng nó là con hoang, là thứ chẳng ai nhớ đến. Chú Bảy của tôi ơi, chú nào hay, người ở Malaysia từ lâu đã chẳng màng đến chú, chú cứ nằm đây chờ mục rữa cùng với cái nhà ma này thôi.”
“Ý cháu là gì.” Phó Kính Thù trước nay không chấp nó, nhưng lúc này thật khó giấu cơn giận, tiếng nói thốt ra lạnh như băng.
“Ý gì đâu. Mày chẳng thích đem thân phận chú cháu ra đè đầu tao lắm còn gì? Cho dù mày có là cụ là kị mà trong nhà không nhận, thì mày chẳng bằng cái bủm. Sao bố mày ra nước ngoài nhận tổ tông mà bỏ mày ở đây một mình? Phòng Ba nhận ông bố con hoang của mày là đủ rồi, cái loại con của hon hoang muốn ngóc đầu lên, làm gì có cửa. Mỗi năm bố mày gửi thư, tùy tiện gửi kèm mấy thứ vớ vẩn, mày cứ tưởng là báu vật? Ha ha, mẹ tao bảo, khác chó gì bố thí thằng ăn xon cho nó khỏi bám theo mình. Bây giờ thì hay rồi, đến bố thí người ta cũng lười… Mày không tin à? Thế mày nói xem sao bên đó không gửi đồ về nữa? Thôi đừng đợi, nhớ mọi năm xem, đến thì nó đã đến từ lâu rồi!”
Phương Đăng không dám nhìn mặt Phó Kính Thù. Nó vẫn còn giận cậu ta, nhưng càng điên cái thằng Phó Chí Thời đổ thêm dầu vào lửa. Trên đời có kẻ thích cười trên nỗi đau của người khác như vậy đấy. Phương Đăng hận không thể cào nát bản mặt dương dương tự đắc kia.
“Con chó điên này! Mày sủa đã chưa?” Phương Đăng nhìn tứ phía, nhặt một hòn đá to bằng nắm tay ở chân tường lên, “Tao nhắc lại lần nữa, mày cút ngay cho tao!”
Phương Đăng mà ra tay thật, Phó Chí Thời phải e sợ vài phần. Nó hiểu rõ chọc con bé này điên tiết thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Dù sao trông Phó Kính Thù thế kia nó đã khuây khỏa lắm lắm, thấy được thì rút luôn, chẳng thiệt đường nào. Há to miệng cắn hết phân nửa cái kem sắp chảy, Phó Chí Thời khệnh khạng bỏ đi. Phương Đăng nghĩ nán lại chẳng để làm gì, quệt nước mắt, quay mặt chạy lên gác.
Ngày hôm sau là thứ bảy, Phương Đăng dắt A Chiếu đến bên hồ bắt cá. Đầu óc cô cả buổi lửng lơ tận đâu đâu. A Chiếu trông ngớ ngẩn, vậy mà học mấy trò vặt lại giỏi, người cỏm nhỏm còm nhòm, nhưng khua lưới vừa nhanh vừa cao hơn người khác. Hôm ấy thu hoạch không tệ. Nghĩ đến việc Phương Đăng đồng ý chừa lại mấy con cá rán, nước dãi thằng bé sắp sửa rõ ra dài ngang ngửa hai hàng nước mũi.
“Chị ơi, vừa nãy đi ra hình như em thấy anh Bảy đứng trước cổng nhà, vẫn chờ bưu kiện kia hay sao ấy.” A Chiếu vừa bỏ cá vào túi nilon, vừa nói. Nó lẻo mép, trước mặt Phương Đăng một điều chị hai điều chị, lại nghe Phương Đăng gọi Phó Kính Thù là Phó Thất, cũng theo thế gọi anh Bảy. Phó Kính Thù chẳng đáp bao giờ, càng không phản đối nó gọi như thế. Theo lời A Chiếu, vì nhiễm chứng sưng phổi quá nặng, ra đời chưa được bao lâu nó đã bị bỏ lại ở cô nhi viện chưa thấy mặt bố mẹ bao giờ. Bởi người yếu, lại nhát cáy nên ở cô nhi viện mấy đứa to đầu một tí đều bắt nạt nó. Các bà sơ thì ghét hai sợi nước mũi kinh niên dơ dáy, chẳng ai thèm để ý đến thằng nhóc đáng thương. Phương Đăng là người duy nhất cho nó đi cùng, Phó Kính Thù chịu giúp, không ruồng rẫy nó, cứ như người thân của nó vậy. A Chiếu không rõ lắm giữa chị và anh Bảy xảy ra chuyện gì, chỉ biết vì một bưu phẩm mà cả hai đều không vui.
Phương Đăng cúi xuống nhìn chỗ cá bắt được, lại trông ra đường tiu nghỉu nói: “Kệ đời. Về thôi, có vẻ sắp mưa rồi.”
Con bé nói không sai, mưa đến còn nhanh hơn dự đoán, khí thế không nhỏ. Phương Đăng và A Chiếu xách dụng cụ bắt cá chạy một mạch về ngõ, quần áo trên người đều ướt sũng.
Con bé mặc kệ, nhưng vào đến hành lang, không nhịn được lại nhìn về phía Phó gia viện một cái. Phó Kính Thù đứng trước cửa, chẳng thèm tránh mưa, nín lặng. Mặt mày cậu tái nhợt, như một bức tượng dựng ở đó từ lâu lắm rồi.
A Chiếu liếc thấy, bối rối đưa mắt sang Phương Đăng. Phương Đăng lớn tiếng mắng: “Sao ngây ra thế? Không vào đi? Ốm lăn quay bây giờ?”
A Chiếu vô cớ bị đau màng nhĩ, vội giơ hai cánh tay khẳng khiu che đầu, chạy ào đến cửa cô nhi viện. Phương Đăng chui vào cầu thang, xăm xăm lên tầng. Chưa đến gác xép con bé đã dừng lại. Giậm chân thật mạnh, ném sọt cá sang một bên, nó lao vào cơn mưa lần nữa.
“Anh ngốc lắm, hôm nay là thứ Bảy, mưa thì to thế này, ông bưu tá chắc gì đã lên đảo. Hơn nữa cứ đứng chờ thế này ích chi?”
Phó Kính Thù liếc nó một cái, nhẹ vuốt dòng nước chảy trên mặt, “Vậy em nói xem, tôi phải làm gì?”
“Tôi mặc kệ tất cả, bây giờ anh bị cảm ai thương cho? Biết đâu bưu kiện đó bị lỡ chuyến thì sao?”
“Nên tôi mới đứng đây chờ.”
“Anh chờ ở đâu chẳng được? Sao phải làm khó mình như thế? Đợi bao nhiêu ngày rồi, có thì đã đến từ lâu, nếu năm nay người ta quên gửi, anh muốn ở đây đợi đến chết hả?”
“Không đâu, một năm chỉ lúc này ông ấy mới phải nhớ đến tôi, đâu có nhiều. Phương Đăng, chuyện này không liên quan đến em, em đừng bận tâm.”
“Tôi không bận tâm đến anh thì ai bận tâm? Già Thôi thì đi rồi.” Phương Đăng thở gấp. Một người ngày thường sáng suốt như thế, không ngờ gặp phải chuyện này lại cố chấp đến vậy. “Bọn họ bỏ anh ở đây có phải ngày một ngày hai đâu. NẾu thật sự người ta nhớ nhung lo lắng, chẳng lẽ mỗi năm chỉ gửi một gói đồ về an ủi anh, còn lại chẳng để tâm gì nữa? Bưu kiện và thu của cha dù quan trọng, nhưng chẳng lẽ không có nó anh không sống nổi ư?”
“Dĩ nhiên tôi sống được, nhưng chẳng khác gì đã chết.” chưa bao giờ Phương Đăng thấy Phó Kính Thù lớn tiếng với mình như vậy. Mưa càng rơi càng mau, dường như chính cậu cũng thấy lạ khi bản thân phản ứng như vậy. “Phó Chí Thời nói không sai, tôi chẳng là cái thá gì. Nếu không nhờ cái họ, tôi chỉ là đồ con hoang, con rơi con rớt. Tôi sống trong nhà cao cửa rộng, nhưng khác gì A Chiếu và mấy đứa trẻ trong cô nhi viện. Phương Đăng, em biết những kẻ ấy khinh khi chế giễu tôi thế nào rồi đấy. Tôi không muốn thế, không muốn cả đời bị người ta coi thường, không muốn chết rục ở nơi quái quỷ này! Bọc bưu phẩm đó là lý do duy nhất để tôi thuyết phục bản thân rằng mình là người nhà họ Phó, em hiểu không?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.