Nhật Ký Xuyên Thanh

Chương 46: Tứ gia bắn cung




Cưỡi ngựa dạo vòng vòng hai chuyến, trải chiếu xuống đất ngồi ăn bữa cơm xoàng, xong xuôi, chuyến du xuân lần này cứ thế kết thúc viên mãn.
Thành quả lớn nhất Lý Vi thu hoạch được đó là đã dẫn Nhị cách cách đi đào rất nhiều sen Quan Âm, đại khái loài này được gọi chung bằng cái tên khoa học là Thực vật mọng nước. Trước kia nàng từng gặp ngoài chợ hoa, bèn bỏ mười tệ mua một bồn nhỏ về, sau vì tưới nhiều nước quá thành thử nó chết mất. Ai ngờ nay lại tìm ra được vô số sen mọc trên một sườn núi nhỏ! Nàng bèn đào một đống lên như vớ phải báu, định bụng đem về chăm. Lần này chắc chắn sẽ chăm khéo không để nó chết nữa, giờ nàng đã rất có niềm tin vào tài chăm hoa của mình rồi.
Vả chăng còn có thợ hoa nữa kia.
Thấy ngạch nương cầm đầu đi nghịch đất, Nhị cách cách khoái lắm. Lý Vi chốc chốc lại ngoái đầu trông Tứ a ca sợ chàng bắt gặp, đoạn nháy mắt ra hiệu với Nhị cách cách, còn dựng ngón tay "suỵt" với nó, sau đó khúc khích cười trộm.
Lúc trở lên xe, biết tỏng hai mẹ con này đang chơi trò mờ ám, Tứ a ca sáp tới gần, "Đào gì đấy?"
"Sen Quan Âm." Lý Vi bưng một đóa sen đương lúc nở rộ ra cho chàng xem.
Tứ a ca cau mày nhìn, nói: "Loài này dễ chăm lắm (tuy nó từng chết dưới tay nàng), đừng tưới quá nhiều nước, cứ đặt nó trong bồn rồi để đó là được." Trông chàng không có vẻ gì là thưởng thức, nàng nói ngay: "Cho chàng một bồn để chàng đặt ở bàn học." Nó biết phòng phòng xạ đấy.
Đây là tấm lòng của nàng, không thể nào khước từ, Tứ a ca đành bảo: "... Nghe cũng có tí thú thôn dã đấy."
Sau khi về phủ, Lý Vi đi tìm thợ hoa hỏi xin ít đá cuội, bảo muốn rải vào trong bồn, thế rồi lại đưa luôn sen Quan Âm cho ông ta, nói: "Cái này chắc đặt nuôi chung được, cứ chọn bồn nào miệng rộng như ang cá, rải ít sỏi lên đất nhìn cho đẹp mắt, còn nuôi chung với những hoa cỏ khác được luôn đấy."
Thợ hoa nghe mà chẳng hiểu ất giáp gì, nhưng thấy bảo cùng loài với xương rồng lê gai, trong bụng ít nhiều cũng biết mang máng. Vừa định gật đầu thưa không thành vấn đề, Lý Vi nói: "Bày một bồn đẹp đẹp đã, ta muốn trình cho a ca trước."
Thợ hoa suýt nhũn gối không đứng vững nổi, Lý Vi thấy ông ta sợ, vội bảo: "Không sao, không sao, mang sang cho ta, ta chỉ cần ngươi làm cho chúng nó cái bồn, phần sau cứ giao hết cho ta."
Muốn giàu thì phải liều, đã vào phủ Tứ a ca hầu rồi mà còn sợ lộ diện trước mặt chủ tử nữa chắc? Đây là miếng bánh ngọt hiếm hoi rơi từ trên trời xuống đấy!
Thợ hoa vội thưa: "Sao nô tài để chủ tử tốn sức được? Nô tài cam đoan sẽ làm thật xinh đẹp cho chủ tử!"
Lúc về, thợ hoa vẫn đợi cây phục hồi trước, xem chúng có quen mới bồn mới không. Lý Vi mong gần hai chục ngày mới được một bồn sen Quan Âm: kích thước to cỡ ang cá, ở trong có hòn núi giả làm bằng đá san hô lọc nước, trên đá còn nuôi thêm rêu xanh, viền quanh núi là đám đá cuội nằm chen lẫn nhau, chệch về hướng đông là ba đóa sen Quan Âm có lớn lẫn bé. Quanh quanh còn xuất hiện thêm đôi nhúm cỏ non mới nhú.
Nhưng Lý Vi không dám đưa sang kia.
Bởi lẽ, hai hôm trước hoàng thượng hạ chỉ chia đất phong hầu cho chư vị a ca, kết quả là Tứ a ca và một đám đệ đệ chưa làm lấy được một nhiệm vụ nào đều được phong Bối lặc. Ngay đến Bát a ca vừa dựng phủ năm nay cũng được lên hàng Bối lặc, ngang hàng với Tứ a ca đã bắt đầu đi làm từ ba năm trước.
Thế có khác nào tỏ rõ rành rành là hoàng thượng không ưng Tứ a ca.
Từ khi nhận chỉ, mấy ngày liền bầu không khí trong phủ luôn trong tình trạng ngột ngạt âm u, sao Lý Vi dám vác mặt qua lượn lờ trước mắt Tứ a ca vào những lúc thế này? Cho thợ hoa một phần thưởng hậu hĩnh, nàng viện cớ bồn hoa này đẹp quá muốn giữ ngắm dăm hôm, tạm thời gạt bỏ câu muốn tặng cho Tứ a ca sang một bên.
Đến Ngọc Bình và Triệu Toàn Bảo cũng tán thành rằng tốt nhất nàng nên ít ra mặt vào lúc này. Thế là, Triệu Toàn Bảo bèn biếu riêng cho Tô Bồi Thịnh một phần lễ vật với mục đích rằng sắp tới xin đừng nhắc tên Lý cách cách nhà mình.
Tô Bồi Thịnh vô cùng khó xử. Nhận à, thì đúng là hắn đang định nhắc Lý cách cách với Tứ a ca đây, xem liệu có khiến tâm trạng a ca khởi sắc hơn chút nào không. Nói chung dẫu Lý cách cách làm Tứ a ca bực, hắn cũng sẽ không gặp trở ngại gì. Nếu Lý cách cách dỗ được cho Tứ a ca vui lên, vậy thì hắn sẽ được hưởng lợi theo.
Còn không nhận à, thế chẳng rõ là "ta cứ muốn gài chủ tử ngươi đấy" à?
Mấy năm trở lại đây Triệu Toàn Bảo tiến bộ rất nhiều, không thì còn lâu mới biết đường quà cáp cho hắn. Tô Bồi Thịnh không thể không nể mặt, lưỡng lự một thoáng, sau cuối vẫn nhận, song cũng nói thẳng: "Nếu Tứ gia nhớ tới cách cách nhà các người, thì bọn ta không ngăn được đâu."
"Rõ vậy, rõ vậy." Triệu Toàn Bảo khom mình gật đầu cười tiếp liên hồi, nghĩ bụng: Tứ a ca nhớ cách cách mình thì thôi, nhưng đừng để đằng đây biết cái hạng ma quái nhà anh lén làm trò tầm bậy sau lưng là được.
Nhưng người Tứ a ca nhớ tới chẳng phải Lý Vi, mà là phúc tấn. Chàng ngồi trong thư phòng viết một hơi trăm trang chữ xong, mới gác bút thay quần áo đi sang chính viện, trước lúc đi còn dặn Tô Bồi Thịnh thu xếp phòng ở cho Đại a ca.
Trong chính viện, Tứ a ca và phúc tấn phân ghế chủ khách lần lượt ngồi xuống. Uống hết một tuần trà, Tứ a ca đi thẳng vào vấn đề: "Hiện giờ Đại a ca cũng nên học vỡ lòng rồi, bên kia đã có sẵn phòng, về người hầu ta cũng đã chọn xong. Lựa ngày nào đẹp rồi cho nó dọn qua."
Thái độ Tứ a ca chưa bao giờ cứng rắn như bây giờ, làm phúc tấn nghẹn lại, hồi lâu sau mới đáp: "... Dĩ nhiên sẽ nghe ý người cả. Thế nhưng Đại a ca sinh vào cuối năm, đến tháng chạp năm nay mới tròn ba tuổi, người xem liệu có phải cho nhũ mẫu và bọn a hoàn dọn qua cùng luôn không?"
Bấy giờ Tứ a ca chỉ muốn quát một câu "cái nhìn đàn bà", xong vẫn nuốt ngược về. Giờ chàng đang bực hết trong người, dễ cáu bẳn, chàng biết mình không thể trút xuống đầu phúc tấn được.
Căn phòng lặng ngắt làm người muốn điên.
Sau nửa chén trà, thấy hai bên thái dương phúc tấn đã toát cả mồ hôi, Tứ a ca dịu giọng lại bảo: "Nàng xem rồi xếp đi. Chỉ là tiền viện người qua kẻ lại, để a hoàn trẻ tuổi ở đó chung quy vẫn bất tiện. Nhóm nhũ mẫu thì cùng qua được, dù sao các bà cũng đã hầu hạ Đại a ca một thời gian dài."
Ít nhất là nhũ mẫu được đi, và việc Tứ a ca nói để a hoàn đi theo sẽ gây nhiều phiền hà cũng đúng, phúc tấn đành thôi không cố chấp thêm.
Chuyện chuyển chỗ ở cho Đại a ca về cơ bản đã xác định thuận lợi. Tâm trạng Tứ a ca thoáng khá hơn, lại nhớ ra một chuyện khả dĩ an ủi phúc tấn, nói: "Ta cũng lo Đại a ca mới sang kia sẽ lạ chỗ, nên quyết định sẽ cho Đại cách cách và Nhị cách cách dọn sang chung. Ban ngày ba chúng nó cùng học bài, Đại a ca sẽ không phải bơ vơ một mình đâu."
Phúc tấn nghe vậy, chưa lĩnh hội được ý tốt của Tứ a ca, lại nói: "Tứ gia, hai cách cách đều là con gái, tuổi này nên học đôi việc nữ công thêu thùa với ma ma là được, không cần phải vỡ lòng sớm thế. Huống chi còn là sang tiền viện, năm nay Đại a ca đã bắt đầu để tóc rồi."
Tiền viện toàn là thái giám, nghe nói hiện tại hãy còn giữ Đới tiên sinh ở lại, ngộ nhỡ va chạm người ngoài thì tính làm sao?
Dẫu biết Tứ a ca muốn tốt cho Đại a ca, song là một người mẹ cả, phúc tấn vẫn phải nói đỡ một câu cho Đại cách cách. Vả chăng trước khi có Đại a ca, bên cạnh nàng chỉ có duy nhất đứa con gái này, hồi bé người ốm o gầy mòn, yếu ớt lắm bệnh, nuôi được đến tuổi để tóc là cả một quá trình vất vả, phúc tấn đã tích góp dần của hồi môn cho nó rồi, sao nỡ cho nó qua tiền viện đọc những thứ sách không cần thiết này? Để nó kiệt sức thì biết tính sao?
Tứ a ca bỗng chốc sầm mặt. Có điều chàng vẫn nhớ phúc tấn nói vậy cũng vì nghĩ cho Đại cách cách, tuy trái ngược với kế hoạch của chàng, nhưng cũng không vì chuyện này mà nổi đóa với phúc tấn được.
Tâm lý của chàng vẫn chưa thực sự vững vàng đâu.
Tứ a ca đanh mặt, nói: "Nàng đã nói vậy thì Đại cách cách không phải đi nữa." Đoạn đặt chén trà xuống, "Ta còn có việc ở thư phòng, nàng nghỉ ngơi đi."
Nói xong phất tay bỏ đi.
Kẻ ngốc cũng nhận ra chàng bực rồi. Phúc ma ma và Trang ma ma thấp thỏm nhìn phúc tấn, một người muốn khuyên nhưng không dám mở miệng; một người sợ mình thâm niên chưa đủ, khuyên ra lại thành bắt chó đi cày. Vậy là Trang ma ma nhìn Phúc ma ma, tính rằng Phúc ma ma khuyên thì bà ta sẽ khuyên theo. Phúc ma ma nhìn phúc tấn, xem nàng có muốn nghe người khác khuyên không.
Phúc tấn tiễn Tứ a ca ra ngoài, lúc về trông mặt bình tĩnh, nói: "Đi dọn đồ cho Đại a ca đi."
Phúc ma ma: "... Dạ." Đoạn quay bước đi ra. Trang ma ma ngó trái ngó phải, bước lại đổi chén trà cho phúc tấn rồi đứng làm khúc gỗ tiếp.
Phúc tấn ngồi trên sạp, như không nghĩ ngợi gì cả. Trong phòng chỉ còn tiếng vọng trĩu nặng của đồng hồ quả lắc.
Tứ a ca đi phăng phăng, Tô Bồi Thịnh theo sát, dù bất lực nhưng vẫn phải cố thu bé mình lại để tránh châm trúng thùng thuốc nổ của Tứ a ca. Đúng lúc đi tới cửa tiểu viện, một bữa hiếm hoi trong viện thiếu vắng tiếng cười đùa của Nhị cách cách. Đến Tô Bồi Thịnh cũng phải khó hiểu đánh mắt nhìn tiểu viện mấy bận. Tứ a ca chợt chuyển gót, đi qua tiểu viện.
Triệu Toàn Bảo à, ta không có nhắc cách cách nhà mấy người đâu.
Phía sau, Tô Bồi Thịnh khấp khởi theo vào.
Trong chái Tây, Lý Vi đương bàn với Nhị cách cách chuyện khi sang tiền viện rồi, nó sẽ được học những gì với Tứ a ca.
Trên bàn trải một tờ giấy, trên giấy chình ình ba chữ to "Thời khóa biểu", ở dưới là một bản thời khóa biểu ngang dọc rạch ròi hàng thật giá thật. Lý Vi thấy hưng phấn như thể sắp "đưa con gái đi tiểu học", Nhị cách cách cũng rất lấy làm phấn khích với từng tiết học mà ngạch nương nó viết.
"Ngạch nương, con sẽ học những gì ạ?" Ngón tay mũm mĩm của nó chỉ chỉ trỏ trỏ vào tên các môn học.
"Môn nào cũng sẽ được học. Giờ con hạnh phúc hơn ta hồi ấy nhiều." Hiệu trưởng kiêm thầy đều là cha ruột, còn được học cưỡi ngựa, bắn cung, nuôi chó, chơi không đấy chứ làm gì có học.
Lý Vi ước ao biết mấy. Nhị cách cách rất thích thú với các bộ môn nuôi chó, bắn cung, cưỡi ngựa. Nghe Lý Vi bảo chỉ học mỗi buổi sáng, buổi chiều phải về ngủ nghỉ, nó còn không chịu, cứ kéo tay áo nàng nài nỉ: "Ngạch nương, ngạch nương dễ thương ơi, cho con học buổi chiều nữa đi mà."
"Không được, con còn bé lắm, ngày nào giờ nào cũng đi sao được." Lý Vi rất kiên quyết, nàng còn định bàn với Tứ a ca xin cho một tuần nghỉ hai ngày các thứ đây, nghỉ đông và nghỉ hè cũng cần có. Ngoài ra không thể giao quá nhiều bài tập, sẽ hại mắt lắm.
Nhị cách cách không vuôi.
Đứng ngoài cửa sổ chái Tây nghe hai mẹ con nàng nói chuyện với nhau, Tứ a ca cười hiểu ý, nhấc chân đi vào ẵm Nhị cách cách lên: "Nhị cách cách của a mã sao thế? Cái miệng treo được cả chai dầu luôn rồi này." Câu tục ngữ này chàng học từ Lý Vi, vì trong cuộc đời của Tứ a ca không tồn tại mấy thứ đồ như là chai dầu.
Nhị cách cách ôm cổ chàng: "A mã, con muốn ngày ngày đi chơi với Bách Phúc, ngày ngày đi chơi với ngựa con."
Tứ a ca cười nói: "Nhị cách cách thích sang tiền viện với a mã thế cơ à?"
Nhị cách cách gật đầu, nói: "Ngạch nương bảo ở chỗ a mã có nhiều ơi là nhiều chó con, ngựa con, chim non, còn được ra ngoài nữa."
Ra ngoài? Vừa nãy đâu nghe thấy cái này, Tứ a ca ngoảnh đầu hỏi Lý Vi qua ánh mắt.
Kỳ thực trong suy nghĩ của Lý Vi, nàng đã gả chồng rồi nên không tiện ra ngoài, nhưng thảng hoặc chàng có thể đưa Nhị cách cách đi dạo đây đó cũng được. Ai bảo từ khi chơi xuân về, Nhị cách cách cứ bảo muốn đến "chỗ đại viện thênh thang không có tường vây chơi" suốt. Ngạch nương cũng thích đi lắm chứ, năn nỉ a mã con đi.
"Tức là đi dạo phố, dạo các hàng tiệm đó ạ." Lý Vi nói.
Tứ a ca ẵm Nhị cách cách, ngồi xuống cạnh nàng, cười hỏi: "Nàng cũng muốn đi à?"
"Muốn ạ, nhưng không được đi à?"
Tứ a ca thấy vẻ hụt hẫng của nàng, nói: "Sao lại không được? Về sau ta sẽ đưa mẹ con nàng ra chơi."
Cho người ẵm Nhị cách cách xuống, hai người mới ngồi xem bảng thời khóa biểu mà nàng viết.
Thấy có các tiết âm nhạc, tiết mỹ thuật, tiết toán, tiết tiếng Mãn, tiếng luyện chữ,... chàng cười nói: "Nàng thật là biết tạo việc cho ta, sao đằng sau đây lại có cả cưỡi ngựa, bắn cung nữa thế?"
"Không cần học ư?" Lý Vi ngạc nhiên, "Hồi bé thiếp học cả cưỡi ngựa, bắn cung đấy." Giác Nhĩ Sát thị và Lý Văn Diệp đều biết, và cũng dạy nàng học từ nhỏ, nàng cứ ngỡ đây là những môn mà người Mãn thượng võ đều phải biết.
"Nàng biết bắn cung ư?" Tứ a ca cũng kinh ngạc.
"Thiếp bắn được ở cự li ba mươi bộ* đấy." Đứng cách ba mươi bộ mà bắn trúng bia ngắm là tài lắm rồi! Lý Vi rớt lước mắt, cũng tại ngày xưa đọc manga có nhân vật Kagome* hình như bắn được ở cự li mấy trăm mét, làm nàng tưởng cung này nhẹ tênh như lông hồng thôi, cứ bắn đại một phát là sẽ bay được rất xa. Kết quả nàng luyện bảy, tám năm mới bắn được ở cự li ba mươi bộ. Điều ấy chứng tỏ trong khoảng cách này, nàng sẽ bắn trúng bia.
*Bộ: đơn vị đo độ dài xưa, 1 bộ = 5 thước, 30 bộ ~ 50m.
*Kagome: một nhân vật trong InuYasha
"Ồ? Thế thử xem." Tứ a ca nổi hứng.
Tô Bồi Thịnh vào võ đài ở tiền viện đem tấm bia rơm và vài bộ cung tên sang, chỗ cung này đều là cung nhỏ. Thực ra hắn rất bất ngờ, sau khi rời cung, Tứ a ca không còn đụng vào cung tên nữa, vậy mà hôm nay lại nghĩ ra chuyện bắn cung... Tức mụ đầu luôn rồi à?
Lý Vi bước lên nói thẳng: "Đưa ta bộ lục đẳng là được." Tô Bồi Thịnh nhanh tay chọn một bộ, thấy Lý cách cách kéo mấy cái thử lực, ấy lại còn nhỏ giọng than phiền: "Sao mà chặt thế?"
... Toàn cung mới cả. Nhưng hắn cũng có phần hiểu được nguyên nhân Tứ a ca bỗng dưng muốn chơi cung. Nhớ lại biểu cảm của a ca mỗi buổi chiều phải ra thao trường, là Tô Bồi Thịnh muốn cười.
Bộ môn duy nhất mà Tứ a ca không đối phó được chính là đây.
Coi bộ lực tay của Lý chủ tử không được rồi. Tô Bồi Thịnh lại nhìn Tứ a ca, phát hiện nét mặt chưa phút nào hết căng từ lúc tiếp chỉ của chàng chợt đã ấm áp hơn nhiều.
Khóe môi Tứ a ca hơi cong, mỉm cười nhìn Lý Vi ngắm bắn. Phát thứ nhất, bay rồi, bay lệch hẳn bảy, tám bộ, cắm vào một bồn hoa nhài. Người hầu trong viện không ai nén nổi cười, Lý Vi lại thản nhiên như không. Làm sao, quá bình thường luôn ok? Đã mấy năm nàng không chạm vào cung rồi?
Phát thứ hai thì bắn trúng, song rõ là lực bắn chưa đủ, cách bia nửa bộ đã chúi mũi xuống, không rơi xuống đất mà cắm vào phần dưới cùng của tấm bia một cách hiểm hóc. Khán giả ai nấy thở phào, vội hô lên: "Trúng rồi!!!"
Kế sau càng bắn càng tốt, nhưng bắn đến phát thứ sáu nàng đã nhức hết cả cánh tay. Bắn xong phát này, cung cắm đúng vào đầu bia, nàng tự thấy không hề mất mặt, vừa lòng xoay người nói: "Chàng thấy sao? Thiếp bắn khá đúng không!"
Tứ a ca cười chẳng ngừng được, nghe vậy gật đầu lia lịa: "Khá lắm, khá lắm."
"Tới chàng, tới chàng!" Lý Vi chạy đến bên cạnh đưa cung cho chàng.
Tứ a ca khinh khỉnh nhìn cung của nàng, bảo Tô Bồi Thịnh lấy bộ cung chàng thường dùng ra. Kích thước bộ này suýt soát bộ của Lý Vi, nàng cầm thử trước, đoạn chau mày bảo: "Cứng quá." Dây cung gì mà khó kéo, nàng vận hết sức toàn thân mới kéo ra được chút chút, chàng đè vai nàng lại, nói: "Khéo bị thương, buông ra nhanh."
Tấm bia cỏ được dời về sau hai mươi bộ, tổng cự li là năm mươi bộ. Tứ a ca bắn rào rạt mấy phát, toàn bộ trúng vào những điểm then chốt như đầu bia, giữa bia.
Hai mắt Lý Vi tỏa sáng: "Ngầu quá..."
Tô Bồi Thịnh quay đầu nhìn Tứ a ca, chợt nhận ra mình chưa một lần nào thấy Tứ a ca hăng hái như thế này sau khi bắn cung! Lại nhìn Lý Vi, trăm phần trăm cảm thấy vị này với a ca nhà mình quả là cặp đôi hoàn hảo.
Buổi tối, hai người nằm trong màn, Lý Vi nắn bóp cơ bắp trên bả vai, cánh tay Tứ a ca, nói: "Cũng không cứng lắm, sao chàng giỏi thế."
Chàng giữ lấy eo nàng, nhấc nàng dậy ngồi lên eo mình, nói: "Lẽ nào đến cả nàng mà ta cũng không so được à? Thế thì gia còn mặt mũi đâu để gặp tổ tông nữa."
Ngồi trên người chàng, Lý Vi cố ý nhún lên nhún xuống, bị chàng đè lại, lườm một cái.
"Nàng nói ở nhà nàng, a mã và ngạch nương nàng đều biết kéo cung bắn tên à?" Chàng hỏi, nếu là thế thực, Lý Văn Diệp cũng đâu phải kém cỏi gì.
Nàng gật đầu đáp: "Đúng thế ạ, a mã giống thiếp, ngạch nương giỏi nhất."
Tứ a ca: "... A mã nàng với nàng dùng cung giống nhau à? Cự li bắn giống nhau luôn à? Ngạch nương nàng bắn xa nhất ư?" Cả gia đình cùng dùng cung lục đẳng luôn hay sao?
"Chính xác, nhà thiếp chỉ có mỗi một bộ cung. Lại còn là cung ngạch nương thiếp mang đến." Nghe đâu mấy thứ cung tên này đắt đỏ lắm, cách mỗi năm sẽ phải cầm đi bảo trì một lần, còn phải trả bạc cho người ta, không thì cung để lâu sẽ không dùng được nữa.
Nói xong, Lý Vi thấy Tứ a ca ra chiều vui lắm, lúc sau khi đang cày bừa hùng hục, tự dưng nằm bò ra vai nàng cười.
Cười quái gì...
(còn tiếp)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.