Nhất Niệm Chi Tư

Chương 15: “Tôi là sự cứu rỗi của hắn.”




Mắt Thi Hạo long lên sòng sọc trước sự khiêu khích của tôi, gã nhấc chân toan sấn về phía trước.
Tôi điềm tĩnh chẳng thèm né tránh, để xem liệu gã có dám nhào qua hay không.
Tất nhiên là gã không dám rồi.
Vừa bước lên một bước gã đã khựng lại ngay. Thi Hạo đâu ngu, dù sao đây cũng là linh đường của cụ Thi, gã mà dám cả gan gây sự thì bậc cha chú trong nhà sẽ đá gã ra khỏi gia phả rồi cho đi đày vĩnh viễn.
Gã trừng mắt nhìn tôi đầy hung ác, sau đó miễn cưỡng thu chân về, mặt đen sì như than.
Chuyện xích mích với Thi Hạo đúng là hơi phức tạp. Nếu suy xét lại nguồn cơn thì vấn đề không phải nằm ở tôi, mà là ở Trịnh Giải Nguyên.
Sự ra đời của Thi Hạo vốn chẳng vẻ vang gì cho cam, mẹ gã là bồ nhí “lên hương”, năm đó chửa ễnh bụng rồi mới ép được bà cả rời đi. Mà người vợ cả này vừa khéo lại là dì của Trịnh Giải Nguyên.
Thế giới của trẻ con đơn giản lắm, cứ ai đối xử tệ với người thân của chúng thì đều là kẻ xấu hết. Chính bởi vậy mà cho dù hai bên gia đình đã sớm cắt đứt quan hệ thông gia từ trước cả khi Trịnh Giải Nguyên chào đời, nhưng với những điều mắt thấy tai nghe từ thuở tấm bé, Trịnh Giải Nguyên vẫn có cách nhìn nhận riêng về nhà họ Thi và Thi Hạo.
“Mày là con trai của con mụ ti tiện đó à?” Đây là câu nói đầu tiên mà Trịnh Giải Nguyên – giọng trẻ con – đã thốt lên sau khi gặp Thi Hạo vào năm bảy tuổi. Thù hận bắt đầu từ đó.
Song, lại vì bằng tuổi nhau mà cả hai cùng bị gửi đến một trường quốc tế trong suốt mười hai năm. Sau đó, giống như tình tiết trong những bộ phim nhạt nhẽo chiếu lúc tám giờ, ngay từ đầu hai người họ đã đấu đá như nước với lửa, ân oán của thế hệ trước đã được đời con cháu tiếp nối vô cùng triệt để.
Chuyện bọn họ trở mặt với nhau là chuyện riêng của hai bên gia đình, vốn chẳng liên quan gì đến tôi. Nhưng thằng chó Thi Hạo rõ là mắc bệnh dại, không chỉ táp Trịnh Giải Nguyên mà tất cả bạn bè thân thiết với cậu ta đều bị vạ lây, thậm chí gã còn cắn càn cả tôi.
Dù đã ba năm trôi qua, nhưng ký ức về đêm hôm đó vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi.
Hôm đó là sinh nhật lần thứ 22 của Trịnh Giải Nguyên, cậu ta mời nhóm bạn của mình, trong đó có tôi, đến quán bar chơi bời đàn đúm.
Khi ấy, tôi vốn đang phiền lòng vì mối quan hệ giữa Nghiêm Thiện Hoa và Kỷ Thần Phong nên chỉ ngồi nốc rượu suốt đêm, chẳng có tâm tư đâu mà nghĩ đến chuyện chơi bời. Uống đến nửa đêm thì ý thức cũng đã dần mờ mịt, trong khi đang dựa người trên ghế dài để nghỉ ngơi, tôi bỗng nghe thấy tiếng chửi rủa thất thanh của Trịnh Giải Nguyên.
Trùng hợp vậy đấy, thành phố Hồng có nhiều quán bar như thế mà Trịnh Giải Nguyên và Thi Hạo vẫn rúc vào chung một chỗ cho được. Tối đó Thi Hạo cũng dẫn hội bạn đến, tính bao nguyên quán, lúc nghe tin có người đặt trước gã đã định đi rồi, ngờ đâu lại gặp được kẻ thù truyền kiếp là Trịnh Giải Nguyên.
Như mọi lần trước đây, chẳng mấy mà hai bên đã xảy ra xung đột, lời qua tiếng lại một cách cay nghiệt.
Tiếng nhạc đã ngừng nhưng quả cầu disco vẫn tiếp tục quay, phát ra những luồng sáng trắng chói lòa. Thấy bọn họ sắp nhào vào choảng nhau, tôi dợn nghĩ, nếu Tang Chính Bạch mà biết tôi cũng liên quan đến vụ ẩu đả này, có khi lão sẽ lại gô đầu tôi về để thuyết giáo mất. Thêm một chuyện không bằng bớt đi một chuyện, tôi đứng dậy, định bụng kéo Trịnh Giải Nguyên đi.
“Sao đấy? Tính trốn à?” Hiển nhiên, Thi Hạo chẳng biết “thấy đủ thì phải thu tay” là thế nào, gã thấy tôi lôi kéo Trịnh Giải Nguyên thì mặt mày càng thêm hung hăng càn quấy.
(*) 见好就收: thấy được rồi thì thu tay, chỉ làm việc có chừng mực.
“Mẹ mày nữa, mày bảo ai trốn?” Trịnh Giải Nguyên xắn tay áo chuẩn bị lao lên.
Tôi đứng chắn giữa cậu ta và Thi Hạo, trầm mặt quát: “Thi Hạo, đủ rồi đấy.”
Dẫu sao nhà họ Tang và nhà họ Thi cũng là đối tác làm ăn cuả nhau, tôi cho rằng Thi Hạo không nể mặt tôi thì cũng sẽ giữ chút thể diện cho Tang Chính Bạch mà xí xóa. Nhưng chắc thằng Thi Hạo này bị ngu thật, gã không những phớt lờ dụng ý của tôi mà còn chĩa mũi giáo vào tôi.
“Làm sao, mày tưởng mình là ông chủ thật đấy à? *** mẹ, bớt ra lệnh cho tao đi.” Thi Hạo giễu cợt, “Trịnh Giải Nguyên sẵn lòng làm con chó chạy quanh mày, nhưng tao thì đéo.”
Câu nói này đã hoàn toàn kích động Trịnh Giải Nguyên, cậu ta sửng cồ, muốn vượt qua tôi nhào sang chỗ Thi Hạo: “Mày nói ai là chó! *** con mẹ, mày mới là chó đấy, mẹ mày là con chó cái lên giường với cả vạn thằng. Mày tưởng mày được người nhà họ Thi nhận mặt là mày thành thiếu gia thật à? Bố *** vào. Mày với con mẹ mày mãi mãi là cái thứ giẻ rách thổ tả người ta đéo thèm nhìn đến!”
(*) 上不了台面 (thành ngữ): tốt hơn nên giữ dưới bàn, chỉ những thứ tầm thường, quá kém để phơi bày cho người khác thấy.
“Giữ nó lại.” Tôi nghiêng đầu, quắc mắt với đám “anh em” vô dụng phía sau, ra hiệu cho bọn họ giữ Trịnh Giải Nguyên lại, đừng để cậu ta tiếp tục rống lên nữa.
Đã chẳng thể dùng từ “khó coi” để hình dung ra vẻ mặt lúc này của Thi Hạo. Thân thế luôn là nỗi đau mà gã không bao giờ muốn đề cập tới, Trịnh Giải Nguyên ngang nhiên chọc ngoáy vào chỗ đau đó của gã trước mặt bàn dân thiên hạ thế này thì đêm nay xác định không thể giơ cao đánh khẽ được nữa rồi. Gã nhìn Trịnh Giải Nguyên như thể đang nhìn một miếng thịt, hay đúng hơn là một miếng thịt máu me nhầy nhụa sắp bị cái máy xay của gã nghiền ra nát vữa.
Hết thằng này đến thằng khác… Sao chúng mày không đợi tao đi cho khuất mắt rồi hẵng phát rồ phát dại với nhau? Tôi ấn vào ngực gã, ngăn không cho gã tiến lên phía trước.
Gã gầm lên đầy hung ác: “Tránh ra!”
“Đừng có nhào lên nữa, mày cứ thế này thì e rằng sẽ chẳng có kết cục tốt đẹp đâu.” Tôi buông lời cảnh cáo.
“*** mẹ!” Thi Hạo trừng mắt nhìn tôi, gật gật đầu, “Được lắm.” Trong tình huống này gã vẫn nở nụ cười, dù gương mặt đã co quắp vặn vẹo.
Tôi cau mày, điệu cười của gã khiến tôi gai cả người.
“Vậy thì để bố xử luôn cả mày!” Gã đột ngột sấn sổ đến trước mặt tôi, sau đó thì thầm ra vẻ bằng thanh âm mà chỉ có tôi và gã nghe được, “Tao nghe mấy con đàn bà từng ngủ với mày kể, rằng khắp cơ thể mày in hằn các vết bỏng do thuốc lá gây ra, trên lưng, trên eo, rồi cả trên mông nữa, hồi bé bị bảo mẫu bạo hành à? Sao mà đáng thương thế. Mày biết tụi tao bàn luận như thế nào sau lưng mày không?”
“Mẹ tao có tệ thế nào đi chăng nữa thì vẫn tốt hơn hai đứa chúng mày, cái loại chỉ có mẹ đẻ chứ đéo có mẹ nuôi.”
Cồn xộc thẳng lên óc khiến trí nhớ của tôi đứt quãng, đến khi kịp định thần thì xung quanh đã văng vẳng tiếng la hét thất thanh. Tôi đè Thi Hạo xuống đất, một tay bóp cổ gã, tay còn lại giơ cao chai rượu bằng thủy tinh vỡ còn một nửa.
Rượu và máu hòa vào nhau, dính nhoe nhoét trên mặt Thi Hạo, một vệt máu gớm ghiếc kéo dài từ trán xuống tận khóe mắt gã. Máu tươi phủ đầy mắt nhưng gã vẫn cười.
“Mày có gan thì giết tao đi!” Máu chảy xuôi theo khóe môi đang giương cao của gã, nhuộm đỏ cả kẽ răng.
Chết đi.
Chết hết đi.
Chết mẹ hết đi!
Trong đầu tôi chỉ còn sót lại một ý niệm duy nhất, chẳng sợ hãi hay do dự chút nào, chỉ ngập ngụa mong muốn giết chóc cho thỏa lòng căm phẫn.
Đầu nhọn của chai rượu đã nhắm thẳng vào cổ gã, trước sự chứng kiến của bao cặp mắt, tôi đơm ngay chai rượu xuống người Thi Hạo, nhưng khi chỉ còn cách hai xen-ti-mét nữa, tôi đã bị Trịnh Giải Nguyên đã lao tới từ phía sau cản lại.
Cậu ta túm chặt lấy cánh tay tôi, kéo tôi xuống khỏi người Thi Hạo. Giọng nói của Trịnh Giải Nguyên lúc này nghe sao mà xa xăm hư hảo.
“Buông ra! Tang Niệm, ông buông ra đi.” Mãi một lúc lâu sau, tôi mới dần hiểu ra được cậu ta đang hét cái gì.
Khi nửa chai rượu tuột khỏi tay tôi cũng là lúc cảnh sát ập vào.
Tôi bị đè vật xuống đất, hai tay bị còng quặp lại sau lưng rồi bị áp giải lên xe cảnh sát. Đêm hôm ấy, tôi và Trịnh Giải Nguyên qua đêm ở đồn cảnh sát.
Vì chuyện này mà Tang Chính Bạch phải đích thân đến gặp cụ Thi. Tôi không biết hai người họ đã thương lượng với nhau thế nào, nhưng đến sáng hôm sau, cả tôi và Trịnh Giải Nguyên đều được thả. Không lâu sau đó, Thi Hạo cũng bị đưa ra nước ngoài.
Với bên ngoài, chỉ nói rằng tôi vì bênh vực Trịnh Giải Nguyên trước những khiêu khích của Thi Hạo nên mới hành xử bốc đồng. Nhưng chỉ mình tôi biết, sự vốn không phải vậy. Giống như Thi Hạo, kẻ bị đâm vào chỗ đau liền biến thành con chó dại, tôi cũng sẽ phát điên lên vì cơn đau dữ dội khi có người chọc ngoáy vào vết thương lở loét không thể động tới của mình.
“Được rồi, mày về đi.”
Nghi thức phúng viếng vừa kết thúc, Tang Chính Bạch đã nóng lòng muốn đuổi tôi đi. Như thể sợ rằng chỉ cần tôi nán lại thêm một phút nữa, sẽ có kẻ không biết điều nào đó tiến đến, yêu cầu ông ta giới thiệu đứa con trai này.
Tôi bước nhanh ra khỏi lễ đường, vừa đi tới bãi đậu xe, vừa nới lỏng cà vạt.
Đường Tất An đang ngủ gà ngủ gật thì bị đánh thức bởi tiếng vỗ cửa xe bất thình lình của tôi, nó vuốt ngực rồi mở chốt.
“Xong sớm thế cậu? Mình đi đâu bây giờ? Đến khách sạn ạ?”
“Quay về đi.” Tôi thả người xuống hàng ghế sau, vứt cà vạt sang một bên rồi mở thêm hai chiếc cúc, đến lúc này mới cảm thấy dễ thở hơi đôi chút.
“Dạ? À… vâng ạ.” Đường Tất An thậm thụt quan sát vẻ mặt tôi qua gương chiếu hậu, bộ dạng cẩn thận rụt rè như sợ chọc tôi điên tiết trông đến là phát ghét.
Tôi đá một phát vào lưng ghế, lạnh lùng nói: “Mày có lái xe cho đàng hoàng không, nhìn phía trước đi kìa.”
Đường Tất An vội dời mắt đi, suốt quãng đường còn lại chẳng dám nói với tôi câu nào.
Nhìn chiếc xe của Đường Tất An khuất bóng ở góc đường, tôi không lên lầu mà đi thẳng vào gara, mở cửa một chiếc xe thể thao màu đỏ rồi lại phóng ra đường.
Bản edit này chỉ có ở wordpress của Hải Đường Lê Hoa.
Băng qua trung tâm đô thị phồn hoa, phía bên kia sông là khu dân cư dành cho người có thu nhập thấp. Vì tập trung nhiều cư dân nghèo, môi trường sống cũng vô cùng bẩn thỉu và hỗn loạn nên nơi đây được mệnh danh là “khu ổ chuột” của thành phố Hồng.
Khu ổ chuột đổ nát này là nơi sinh sống của đủ hạng người trong xã hội, là nơi ẩn náu của rắn, côn trùng và chuột. Nó giống như căn bệnh vẩy nến mà thành phố này mắc phải, không thể diệt sạch, cũng chẳng thể chữa khỏi, chỉ đành mặc kệ cho nó ngang tàng sinh trưởng.
Đây là nơi mà Kỷ Thần Phong đã lớn lên.
Tôi dừng xe dưới những bậc thang dài, hai bên đường hoang vắng chẳng một bóng người, cũng không thấy có camera giám sát.
Khả năng cao đậu xe ở đây sẽ bị bọn trộm đập kính, nhưng tôi chẳng buồn quan tâm.
Tôi đút tay vào túi, bước từng bước cho đến hết cầu thang. Lối đi chật hẹp chất đầy những thứ đồ linh tinh, và căn phòng cạnh cầu thang kia nom có vẻ sạch sẽ nhất trong cả dãy, trước cửa phòng chỉ bày biện một chiếc bàn vuông nhỏ đơn sơ cùng hai băng ghế úp ngược.
Tiếng dao thớt va chạm vọng ra từ tấm cửa mỏng, tuy mới năm giờ nhưng chủ nhà đã bắt tay vào chuẩn bị bữa tối.
Vì không có chuông cửa nên tôi chỉ có thể chịu đựng cảm giác buồn nôn rồi đưa tay gõ vào cánh cửa trông chẳng mấy sạch sẽ.
“Ai đấy?”
Cánh cửa sắt màu xanh lam cọt kẹt bị đẩy ra từ bên trong, Nghiêm Thiện Hoa ngó đầu ra khỏi cửa, trên người vẫn còn đeo tạp dề và bao tay.
Trông thấy tôi, bà ta trố mắt ra vẻ không tin nổi.
“Tiểu Niệm…”
“Thư đâu?” Tôi nói thẳng vào vấn đề.
Nghe vậy, bà ta hiểu ra ngay, lập tức quay người bước vào phòng: “À à à, con đợi chút, để mẹ tìm cho con.”
Tôi bước vào căn phòng nhập nhèm ấy, vừa qua khỏi cửa, phía bên tay phải là căn bếp chật hẹp chỉ đủ cho một người xoay trở, nhìn sang trái là phòng tắm nhỏ cho một người sử dụng. Vào sâu hơn nữa là phòng khách kiêm phòng ăn chật chội được trải chiếu tatami.
Chẳng còn bao nhiêu không gian để kê thêm ghế dựa, dưới đất chỉ có độc chiếc bàn thấp được đặt trơ trọi. Hai tấm rèm được treo giữa phòng khách, gối mền được đặt cạnh ban công, dường như một khi rèm được kéo ra, căn phòng này có thể kiêm luôn chức năng của phòng ngủ. Dọc theo phòng khách hướng vào trong còn có một cánh cửa, hẳn là một phòng ngủ khác.
Nghiêm Thiện Hoa bước vào căn phòng đó rồi nhanh chóng trở ra với một đống đồ trên tay.
“Chúng đây!” Bà ta đưa cho tôi một phong bì dày cộp.
Tôi cầm lấy, trước mặt bà ta, tôi ngồi bệt ngay xuống sàn rồi lấy từng phong thư ra xem.
Nét chữ của Kỷ Thần Phong vừa ngay ngắn vừa xinh đẹp, tuy giữa nét phẩy và nét mác lộ ra chút sắc lạnh nhưng lại rất hợp với con người hắn.
Trong thư hầu hết là lời cảm ơn, xen kẽ với những câu chuyện về cuộc sống hằng ngày buồn tẻ. Hắn nói về thời tiết, về trường học, và thỉnh thoảng còn kể cho tôi nghe về những âm thanh mới mẻ diệu kì mà hắn nghe được.
Chỉ cần nhìn vào những dòng chữ này thôi, tôi đã có thể hình dung ra khung cảnh hắn ngồi trong căn phòng tối tăm ngột ngạt, viết những lá thư này với điệu bộ thế nào, biểu cảm ra sao.
Tôi đã giúp hắn nghe lại được âm thanh.
Tôi là sự cứu rỗi của hắn.
Ha, nếu sớm biết đây là cách hắn đối xử với tôi thì việc gì tôi phải phí công tốn sức tiếp cận hắn chứ? Có khi chỉ cần ngoắc ngón tay thôi là hắn đã ngoan ngoãn bò lồm cồm đến bên chân tôi rồi.
Thư hơi nhiều, bất giác, tôi mải mê đọc đến quên cả thời gian.
“Tiểu Niệm, chuyện là…” Nghiêm Thiện Hoa khom người ngồi xổm xuống cạnh tôi, vẻ mặt khó xử, “Thần Phong sắp tan làm rồi, nếu con không đi thì sẽ chạm mặt thằng bé mất.”
Tôi ngẩng đầu, thấy đồng hồ trên tường đã điểm sáu giờ.
Tôi nhét thư trở lại phong bì rồi trả cho Nghiêm Thiện Hoa, cười với bà ta: “Nó đã biết hết rồi thì tôi còn tránh làm gì nữa?”
Nghiêm Thiện Hoa sững sờ nhận lấy phong bì, mấp máy môi: “Vậy… vậy là con muốn… ở lại dùng cơm sao?”
Căn bếp bẩn thỉu, không khí ngập mùi ẩm mốc, nguyên liệu nấu ăn không biết được mua từ xó xỉnh nào về, bảo tôi làm sao mà ăn được?
Nghĩ vậy nhưng tôi vẫn đưa ra câu trả lời hoàn toàn trái ngược.
“Ừm, làm phiền bà quá, phải mất công làm thêm một phần cơm nữa.”
Đôi mắt vẩn đục của bà ta sáng bừng lên, Nghiêm Thiện Hoa mừng rỡ đứng bật dậy: “Không phiền không phiền… mẹ đi nấu cơm ngay đây!”
Âm thanh ồn ào của nồi niêu xoong chảo lại vang lên trong căn bếp, tôi chống cằm, tiếp tục quan sát không gian nơi mình đang đứng.
Trên tường treo rất nhiều ảnh chụp, có lớn có nhỏ, có mới có cũ. Trong đó có cả ảnh của Kỷ Thần Phong khi còn bé, hắn nở nụ cười ngượng ngùng trên môi, bên cạnh là người đàn ông tiều tụy ngồi ở đầu giường.
Người đàn ông ốm yếu xanh xao, sắc mặt võ vàng héo hon, đây… hẳn là lão chồng bất hạnh của Nghiêm Thiện Hoa, Kỷ Vi.
Sau khi bị gạch đập vào đầu, gây thương tích nghiêm trọng, Kỷ Vi hôn mê gần một năm, những tưởng sẽ không bao giờ tỉnh lại nữa thì bất ngờ thay, ông ta đột ngột hồi tỉnh. Để chăm sóc cho ông ta, Nghiêm Thiện Hoa đành phải từ bỏ công việc ở nhà họ Tang, từ đó, tôi bị giao cho một bảo mẫu mới trông nom.
Sau quá trình phục hồi khó khăn, mặc dù đã lấy lại được khả năng ngôn ngữ, nhưng Kỷ Vi đã không còn đứng dậy được nữa và chỉ có thể nằm liệt trên giường. Năm Kỷ Thần Phong lên tám, người cha vất vả giành giật lại sự sống đã qua đời vì một cơn cảm lạnh — vì đã nằm liệt trên giường suốt nhiều năm nên cơ thể dần trở nên yếu ớt, chỉ một loại virus nhỏ cũng có thể cướp đi mạng sống của ông ta.
Bấy giờ cũng xem như đã kết thúc một mảnh đời khốn cùng vô nghĩa.
Theo tôi, chết như vậy là quá muộn. Nếu ông ta chết sớm hơn một chút, biết đâu Nghiêm Thiện Hoa và Kỷ Thần Phong đã có cuộc sống dễ chịu hơn.
“Tiểu Niệm, mẹ… Mẹ ra ngoài mua thêm hai món nguội, con chờ me một lát nhé.”
Tôi chỉ nghe thấy cánh cửa sắt cũ kỹ phát ra tiếng kẽo kẹt, còn chưa kịp gọi Nghiêm Thiện Hoa để bảo bà ta đừng cuống lên thì cửa đã đóng sầm lại.
Không biết vì sao, tuy nơi này vừa bẩn lại vừa nhỏ, nhưng cả ánh sáng lẫn nhiệt độ đều khiến người ta buồn ngủ.
Hoặc do chưa tỉnh rượu hẳn, tôi nhoài người ra chiếc bàn thấp, thiếp đi lúc nào không hay.
Qua nửa tiếng hoặc hơn, cửa nhà Kỷ Thần Phong lại phát ra tiếng rền rĩ nặng nhọc. Tôi tưởng Nghiêm Thiện Hoa đã về nên chẳng buồn quan tâm, chỉ cau mày rồi tiếp tục say giấc. Mãi cho đến khi nghe thấy tiếng bước chân nặng nề trầm ổn đang tiến nhanh về phía mình.
Tôi ngẩng đầu lên trong khi vẫn còn ngái ngủ, trông thấy Kỷ Thần Phong đang thở hổn hển. Hắn kinh ngạc nhìn tôi.
“Sao cậu lại… ở nhà tôi?”
Có vẻ như hắn cũng bị cái “thang trời” dài dằng dặc bên ngoài hành cho lên bờ xuống ruộng.
Tôi đỡ trán, buồn ngủ ngáp một cái, đoạn cười nói: “Vì tôi không có nơi nào để đi cả, chỉ đành đến nhà cậu ăn nhờ bữa cơm vậy.”
12/3/2022
__
Nói ra điều này có lẽ sẽ khiến nhiều bạn bất ngờ, nhưng thành phố Hồng của Nhất niệm chi tư là thành phố Hồng bên Đảo Thanh Mai =))

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.