Nhất Niệm Chi Tư

Chương 49: “Gã đàn ông này là ai?”




Đến khi tỉnh lại, tôi đã thấy mình nằm trên giường bệnh. Mu bàn tay gắn kim truyền dịch, máy đo nhịp tim đặt trên đầu giường, mới chỉ nhấp họng một chút, tôi đã thấy cổ họng mình đau cuộn lên như bị rạch xé.
Cơ thể cứ lâng lâng mệt mỏi, rất giống với cảm giác mỗi lần tôi uống thuốc quá liều, không ngủ được mà cũng chẳng thể thức dậy.
Tôi muốn sờ thử lên cổ để xem rốt cuộc mình bị làm sao, nhưng chỉ vừa động đậy một cái, chiếc máy đặt bên cạnh đã phát ra tiếng ù ù nhức óc. Một dáng người mang theo hương thơm bất ngờ sà đến, đè lại tay tôi.
“Đừng cử động, lại chảy máu bây giờ. Cháu lạnh à? Để dì chỉnh cho dịch truyền chảy chậm lại nhé.” Hứa Tịch cầm tay tôi, giảm tốc độ truyền dịch.
“Cháu bị sao vậy?” Tôi nén đau để nói, giọng khản đặc khó nghe như thể toàn bộ dây thanh quản vừa trải qua một vụ tai nạn giao thông thảm khốc.
Hứa Tịch ngồi nghiêng trên mép giường, hai mắt dì đỏ và hơi sưng thũng, nước mắt chực trào.
“Cháu còn dám hỏi dì ư?” Dì xoa đôi má tôi, một giọt nước mắt trong suốt rơi xuống, đáp trúng tay tôi, “Có trở ngại nào trong cuộc sống mà không thể vượt qua, tại sao cháu lại hành hạ bản thân mình như thế? Dì với Tiểu Đường mà tới trễ một tiếng thì cháu đã chẳng thể tỉnh lại được nữa rồi. Tiểu Niệm, nếu cháu còn coi dì là dì, thì cháu đừng bao giờ làm dì hoảng loạn như vậy nữa.”
Tôi ngờ vực. Hành hạ là sao? Sao lại không thể tỉnh dậy được nữa? Tôi làm ai hoảng loạn chứ?
Tôi nhớ mình đã uống rượu và thuốc ngủ, nhưng theo như những gì Hứa Tịch nói, chẳng lẽ dì ấy tưởng tôi… uống thuốc tự tử ở nhà ư?
Đùa à, thế quái nào mà tôi tự tử được?
Vừa nghĩ tới chuyện sau khi chết bản thân sẽ bị người ta lôi ra chỉ trỏ, cuộc đời mình sẽ biến thành mẩu tin sốt dẻo về giới hào môn cho dân tình thỏa thê đồn thổi, chó hay mèo gì cũng có tư cách để bình phẩm về thái độ đối nhân xử thế của mình, thì cho dù có biến thành quỷ, tôi cũng phải tìm cách quay về dương gian chứ sao có thể chủ động tìm đến cái chết được?
Tôi không sợ chết, nhưng tôi không bao giờ cho phép người ta được cười cợt mình.
“Cháu không…” Tôi cau chặt mày, cố gắng giải thích cho dì ấy hiểu, nhưng vì cảm giác khó chịu ở trong cổ họng cộng với cảm giác mệt mỏi trong người chưa hoàn toàn tiêu tán hết nên nghe chẳng có sức lực gì.
“Nhìn dáng vẻ ngày hôm qua của cháu là dì biết sắp có chuyện xảy ra rồi. May mà cháu đặt mật khẩu nhà giống với căn hộ trước, nếu không thì dì với Tiểu Đường đã chẳng vào được rồi.”
Hứa Tịch không tin tôi, dì khăng khăng cho rằng tôi nghĩ quẩn nên mới muốn tự tử, nếu không thì thật khó giải thích cho lí do vì sao mà một người trưởng thành bình thường lại đi trộn thuốc ngủ vào rượu mạnh.
Để thôi không mơ nữa.
Tôi thoáng suy tư về tính hợp lý của câu trả lời này, sau đó ngoan ngoãn nằm xuống, thật thà chấp nhận lời khuyên bảo tận tình của Hứa Tịch mà không biện giải cho bản thân.
“Đây là lần thứ hai dì cứu cháu…” Hứa Tịch dém chăn cho tôi, tâm sự bằng giọng mũi đặc sệt, “Tang Niệm, dì biết cháu oán giận bọn dì vô cùng. Nhưng trong lòng dì, cháu vẫn mãi là đứa trẻ mà dì đã bế về nhà họ Hứa vào hai mươi năm trước. Nó là đứa trẻ ngoan ngoãn và dũng cảm nhất mà dì được gặp, nó lớn lên, trở thành một người kiên cường hơn bất kì ai khác.”
“Dù cháu là ai hay cha mẹ cháu là ai, thì dì vẫn luôn mong rằng cháu sẽ được mạnh khỏe và hạnh phúc trong tương lai.”
Hứa Tịch luôn tránh nói về những chuyện mà thời thơ ấu tôi từng trải qua, đây là lần đầu tiên sau khi trưởng thành tôi nghe dì đề cập đến vấn đề này. Tôi không nghĩ dì lại nhận xét tích cực như thế.
Dì ấy đề cao tôi quá…
Tôi nhìn thẳng vào dì ấy, muốn mỉm cười để dì không phải lo lắng cho mình nhưng khóe môi lại cứ run rẩy, không thể giữ nguyên độ cong như tôi mong muốn.
“… Cháu nằm viện thì mấy con mèo của cháu tính sao đây?” Vừa mở miệng đã nói lảng sang chủ đề hoàn toàn không liên quan.
Dường như Hứa Tịch cũng hiểu ra vì sao tôi lại đánh trống lảng như thế nên không ép tôi nói tiếp: “Monica đưa hai con mèo con về nhà rồi, còn con rùa thì Tiểu Đường bảo để nó chăm sóc cho, nó có kinh nghiệm.”
“Kinh nghiệm cái mốc xì.” Tôi nói thầm.
Nó mà biết cách chăm thì đợt trước con rùa nhỏ kia đã chẳng bị bệnh suýt chết rồi.
“Đến bản thân cháu cháu còn không chăm nổi thì đừng nghĩ đến chuyện con rùa làm gì nữa.” Hứa Tịch nói với vẻ bất đắc dĩ, “Bác sĩ bảo cháu bị suy nhược cơ thể, phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng thật tốt.”
Tôi uể oải đáp “ừm” mỗi một tiếng, vì thuốc ngủ trong cơ thể vẫn chưa chuyển hóa hết nên tôi chỉ nói thêm mấy câu nữa rồi lại híp tịt mắt.
Việc súc rửa dạ dày làm tổn thương đến thành niêm mạc nên suốt mấy ngày hôm sau, tôi chỉ ăn được mỗi thức ăn dạng lỏng và phải truyền dịch dinh dưỡng liên tục, ba hôm sau, bác sĩ xác nhận rằng sức khỏe của tôi đã không còn đáng ngại và cho phép tôi xuất viện.
Tôi không trở về căn hộ đang thuê. Tình trạng nghiện rượu và lạm dụng thuốc của tôi ngày một trở nên trầm trọng, nếu tôi không cai hẳn thì nó sẽ là một vấn về nghiêm trọng trong tương lai. Đau dài không bằng đau ngắn, tôi nhờ Hứa Tịch tìm một bệnh viện có chuyên môn về cai nghiện và phục hồi sức khỏe cho mình, ngay sau khi xuất viện, tôi lập tức chuyển vào bệnh viện đó và bắt đầu thực hiện liệu trình cai nghiện chuyên nghiệp.
Tôi ở phòng đơn, bên trong phòng được trang bị camera giám sát và không có bất cứ một vật sắc nhọn nào, cửa sổ duy nhất trong phòng chỉ hé ra được một khe nhỏ, thậm chí còn không đủ chỗ cho một cánh tay vươn ra, ngoài ra phía ngoài cửa sổ còn lắp cả lưới chắn an toàn.
Cơm nước được phục vụ đều đặn ngày ba bữa, thuốc có y tá phát đến tận phòng, sau khi ăn trưa, mọi người sẽ tổ chức các hoạt động rèn luyện, nâng cao sức khỏe như tập thể dục nhịp điệu, ca hát hay luyện Thái Cực Quyền. Ngoại trừ việc người thân và bạn bè có thể tự do ra vào thăm hỏi thì nơi đây giống hệt như một nhà tù với hệ thống đầy đủ tiện nghi.
Trạng thái cảm xúc nhanh chóng ổn định trở lại dưới sự kiểm soát của thuốc, không còn phẫn nộ, cũng không còn than trời trách đất.
Thỉnh thoảng Đường Tất An với Hứa Tịch lại đến thăm tôi rồi trò chuyện về những chuyện tầm phào ở bên ngoài.
Có lẽ do sợ kích thích đến tôi nên chưa bao giờ hai người họ đề cập tới chuyện của nhà họ Tang. Tang Chính Bạch có công khai danh tính của tôi hay không, hôn ước với Cố Dĩnh phải xử lí thế nào, Kỷ Thần Phòng đã nhận tổ quy tông hay chưa… Tôi không hay biết một chuyện nào cả.
“Anh này, dạo này cậu Trịnh cứ tìm anh suốt, mọi người không biết anh ở đâu nên cứ toàn hỏi em.” Đường Tất An ngồi trên ghế sô pha đôi kê bên cạnh giường, nó đút tỏm mấy quả cherry vào miệng, nhồi cho má căng phồng lên như một con sóc háu ăn.
Đầu bút lia trên mặt giấy một cách lưu loát, tôi ngẩng đầu lên khỏi chiếc bàn nhỏ, hỏi nó: “Mày trả lời cậu ta thế nào?”
“Em bảo anh đi tu, trên núi không có sóng, người ngoài không quấy rầy được.”
Đuôi lông mày giật giật, tôi từ chối bình luận, cúi đầu làm việc tiếp.
“Nhưng mà gần đây có tin đồn rằng chuỗi cung ứng vốn của nhà họ Trịnh đã bị đứt đoạn, nhà họ nợ mấy tỉ, sắp phá sản rồi, chẳng biết có phải thật không nữa.”
Tôi ngỡ ngàng, đầu bút không hạ xuống mặt giấy.
Nhà họ Trịnh sắp phá sản? Chẳng lẽ Trịnh Giải Nguyên tìm tôi vì chuyện này?
Nếu vậy thì cậu ta tìm nhầm người rồi. Giờ cần một, hai triệu thì tôi vẫn gom được, nhưng nếu là mấy tỉ thì làm khó tôi quá.
“Anh, anh viết gì mà sao ngày nào cũng thấy cầm bút thế?” Bỗng dưng Đường Tất An bưng bát cherry bước tới, “Đợt trước anh sai em đi mua tận mấy trăm tấm thiếp chúc mừng là em đã thấy lạ rồi, thời buổi bây giờ làm gì còn ai gửi thiệp nữa, lạc hậu chết. Hôm nay là tiết lập hạ, cơm trưa không ngon, còn canh thì không đến mức tệ lắm… A ha ha, anh viết gì mà tếu thế, thế mà em cứ tưởng anh đang viết thư tình cơ.”
Tôi úp tấm thiệp xuống, bặm trợn nhìn nó rồi lạnh lùng nói: “Mày lo ăn đi.”
Đường Tất An ngồi trở lại ghế sô pha, vừa cười vừa đưa cherry lên miệng.
Tôi lật tấm thiệp, đọc lại nội dung mình viết trên đó rồi thoáng đắn đo… Thực sự tệ đến vậy ư? Nhưng chẳng phải ngày xưa Kỷ Thần Phong cũng viết về mấy chuyện nhạt nhẽo như thế này à?
Sao anh viết được còn tôi thì không?
“Anh, anh viết cho… bác sĩ Kỷ à?” Đường Tất An thử thăm dò.
Ngày ấy cãi vã ầm ĩ như thế, đã vậy tôi còn rời khỏi công ty trong tâm thế “chó lạc mất chủ”, phỏng chừng tin đồn đã lan truyền đi khắp nơi rồi. Ngoài ra, Đường Chiếu Nguyệt là thân tín của Tang Chính Bạch, nhất định ông ta sẽ không giấu giếm bà ta về chuyện này. Đã vậy, Đường Tất An có biết về sự tình xảy ra giữa tôi và Kỷ Thần Phong thì cũng chẳng có gì lạ.
Tôi gấp tấm thiệp lại rồi cẩn thận nhét nó vào chiếc phong bì trơn màu xanh nhạt không ghi địa chỉ. Sau đó, tôi kéo ngăn tủ đầu giường bên cạnh ra và đẩy chiếc phong bì vào qua khe hở.
“Bác sĩ Kỷ gì nữa, giờ phải gọi người ta là cậu Tang chứ?”
“Ơ, cô Hứa không kể gì với anh à?” Đường Tất An thốt lên với vẻ kinh ngạc, “Bác sĩ Kỷ đi rồi, anh ấy không ở lại nhà họ Tang đâu. Anh ấy bảo mình đến đưa thư cốt chỉ để hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của mẹ nuôi thôi, anh ấy có cuộc sống riêng của mình và không có ý định từ bỏ con đường mà bản thân đã chọn vì bất cứ ai.”
Tôi ngỡ ngàng, cảm thấy hơi khó tin: “Bố… Tang Chính Bạch để yên cho anh ấy đi ư?”
“Ông Tang giận lắm, nhưng cũng làm gì có cách nào cưỡng ép anh ấy đâu. Người ta đã không muốn nhận tổ quy tông, chẳng lẽ mình lại trói gô người ta rồi đưa lên đồn cảnh sát bắt sửa họ à. Với cả, vốn dĩ giữa hai người họ đã chẳng có tình cảm cha con, nếu làm quá, nhỡ đối phương cắt đứt quan hệ thì sao đây?”
Gia tài hàng tỷ bạc mà Kỷ Thần Phong kêu không cần là không cần ư? Anh ấy bị ngốc đấy à? Lão già Tang Chính Bạch lắm tiền như thế, đến sở thú ông ta còn mở cho được chứ nói gì là bệnh viện thú y, vậy mà anh ấy vẫn muốn đi theo con đường vô vọng kia sao?
Tôi nhớ về ngày hôm đó, khi đứng dưới bầu trời phủ đầy tuyết rơi, anh hỏi tiền quan trọng đến vậy cơ à, còn tôi thì đáp trả rằng điều tồi tệ nhất trên đời này chính là nghèo đói. Tuy biết bây giờ mình không nên tự ảo tưởng nữa, nhưng tôi vẫn không cầm nổi lòng mà suy nghĩ… Có phải Kỷ Thần Phong đang muốn chứng minh cho tôi thấy rằng anh ấy thực sự coi tiền là giấy rách và chỉ muốn tận hưởng một cuộc sống bình thường không?
Bản edit này chỉ có ở wordpress của Hải Đường Lê Hoa.
Gần sang mùa hè, liệu trình phục hồi sức khỏe của tôi đạt được kết quả khá tốt, cơ thể đã có da thịt hơn, thần sắc tươi tỉnh, chất lượng giấc ngủ cũng được cải thiện lên rất nhiều.
Monica và Hứa Tịch đến đón tôi xuất viện. Trong lúc sửa soạn hành lý giúp tôi, họ phát hiện ra mấy trăm tấm thiệp chúc mừng được cất trong ngăn kéo.
“Ôi trời, gì thế này?”
Monica tò mò cầm một tấm phong bì thư lên xem nhưng đã bị tôi lanh lẹ cản lại.
“Đống này để anh tự dọn.”
Cô ấy vội vàng đứng lùi ra sau, bày tỏ mình không có ý định xâm phạm quyền riêng tư của tôi.
Tôi bỏ thiệp chúc mừng vào đầy một cái hộp các-tông. Một tay tôi xách hành lý, một tay quắp hộp lên xe Hứa Tịch ngồi, rời khỏi nơi mình đã ở trong ba tháng.
Không khí bên ngoài đã nhuốm chút hanh khô của đầu hè, hàng cây trồng hai bên lề đường đã hoàn toàn khôi phục sức sống, rợp bóng sum suê.
Hứa Tịch muốn tôi chuyển đến sống cùng dì, từ lời nói đến cử chỉ đều tỏ ra lo lắng cho tôi. Nhưng tôi không đồng ý, bởi thứ nhất là không muốn đến làm bóng đèn, thứ hai là làm việc riêng rất bất tiện.
Hứa Tịch lái xe vào tiểu khu rồi cho đỗ ở ngay dưới chỗ căn hộ tôi thuê, dì ấy xuống xe, đưa tôi lên tận trên nhà.
“Có chuyện gì thì phải tìm dì ngay, đừng khách sáo với dì.” Hứa Tịch dặn dò.
Tôi gật đầu nhưng trong lòng vẫn tự đưa ra quyết định cho riêng mình, sau này nếu không thật sự cần thiết thì tôi sẽ không tìm dì ấy.
Dì và tôi không giống nhau, dì là em gái của Hứa Uyển Di và là em vợ của Tang Chính Bạch. Không chỉ có quan hệ họ hàng mà ngay cả sự nghiệp cũng gắn bó chặt chẽ với nhà họ Tang. Tang Chính Bạch mà biết Hứa Tịch vẫn liên lạc thường xuyên với tôi thì sẽ không tốt cho dì ấy.
Vì có Đường Tất An đến quét dọn theo định kì nên căn nhà vẫn sạch sẽ, sáng sủa, không vương bất cứ một hạt bụi nào. Toàn bộ rượu trong nhà bị đem vứt đi hết, bất kể là vang đỏ, rượu ngoại hay thậm chí là rượu dùng cho nấu ăn.
Tôi cắm sạc vào chiếc điện thoại không được khởi động trong suốt ba tháng, ngay khi màn hình sáng lóe lên, một lượng lớn tin nhắn và thông báo cuộc gọi nhỡ đã ồ ạt ập đến.
Tôi check tổng thể một lượt, thấy không có thông tin nào quan trọng thì làm thao tác xóa sạch toàn bộ.
Sau khi tắm rửa và thay quần áo, tôi lại mang hộp các-tông đựng đầy thiệp chúc mừng ra ngoài.
Đông qua xuân tới, xuân đi hạ lại gần, trong khi cây cỏ đang không ngừng phát triển thì chỉ có thành Ruồi là vẫn vẹn nguyên như ban đầu.
Dây điện giăng chằng chịt trên không, đường phố đổ nát, những bậc thang dốc dài nguy hiểm khiến ai nhìn vào cũng lắc đầu ngán ngẩm.
Dạo trước không rõ Kỷ Thần Phong sẽ chuyển nhà đi đâu nên tôi vẫn chưa gửi thiệp vì sợ anh không nhận được. Bây giờ đã biết anh không có dự định trở về nhà họ Tang để thừa kế gia nghiệp nên tôi đoán đại khái rằng anh vẫn sống ở thành Ruồi, dù sao đây cũng là nơi mà anh ấy đã lớn lên.
Mùa đông leo cầu thang lên nhà Kỷ Thần Phong còn thở hồng hộc chứ nói chi đến mùa hè, lết chân lên đến nơi thì cổ với lưng tôi đã vã mồ hôi như tắm.
Tôi trịnh trọng đặt chiếc hộp các-tông xuống trước cánh cổng sắt màu xanh lam, tuy bên trên không ghi tên nhưng chỉ cần mở ra đọc, chắc chắn Kỷ Thần Phong sẽ biết ai là người viết chúng.
Đây là thư hồi âm mà tôi nợ anh ấy…
Tôi điều chỉnh lại vị trí của chiếc hộp rồi thấp thỏm quay người rời đi. Khi bước xuống cầu thang, từ đằng xa, tôi bỗng thấy hai dáng người đang sóng vai đi cạnh nhau từ dưới cuối cầu thang.
Ngay cả khi đó chỉ là một bóng dáng mơ hồ thì tôi vẫn có thể nhận ra một trong hai người đó là Kỷ Thần Phong.
Tôi chưa sẵn sàng để đối diện với anh, hay nói đúng hơn là tôi không biết làm thế nào để giải thích cho động cơ của mình khi có mặt tại đây. Tôi bối rối quay về chỗ cũ, chạy lướt qua cánh cửa sắt màu xanh lam và lỉnh sâu hơn vào trong hành lang, sau đó nghiêng người nấp sau chồng thùng xốp chất cao hơn người.
Mấy phút sau, Kỷ Thần Phong dẫn gã đàn ông lạ mặt đi lên và dừng bước ngay trước cánh cửa sắt nhà mình. Hai người xách túi trên tay, có vẻ vừa đi siêu thị về.
“Ơ? Cậu có hàng chuyển phát nhanh à?”
Gã đàn ông lạ mặt kia trông trạc ba mươi tuổi, tướng mạo trông khá thô kệch, nghe giọng thì có vẻ là người phương Bắc, tuy không cao bằng Kỷ Thần Phong nhưng thân hình của gã cũng gọi là vạm vỡ.
Gã nhấc chiếc hộp các-tông lên khỏi mặt đất, lật qua lật lại rồi nói: “Nặng phết đấy.”
Kỷ Thần Phong nhận lấy chiếc hộp không ghi bất cứ một thông tin nào từ tay gã, cau màu nghi hoặc: “Em không mua gì cả.”
Trông anh vẫn chẳng khác ba tháng trước là bao, mặc một chiếc áo phông rộng rãi thoải mái, cơ thể nhẹ nhàng thanh thoát, trông như sinh viên đại học đang nghỉ hè ở nhà.
“Hay người quen gửi cho mà cậu quên mất? Haizz, thôi vào nhà đi, anh nóng sắp chết rồi…”
“Nóng tới vậy sao?” Kỷ Thần Phong mỉm cười rồi đưa hộp các-tông cho đối phương, ngoài miệng nói vậy nhưng anh vẫn lấy chìa khóa ra và nhanh chóng mở cửa.
Gã trai đẩy anh vào nhà: “Chú thì băng cơ ngọc cốt rồi, có biết sợ nóng sợ lạnh là gì đâu, giống thế quái nào được đám phàm phu tục tử chúng tôi…”
Cánh cửa sắt khép sập lại, ngăn cách cuộc trò chuyện vui vẻ giữa hai người với bên ngoài.
Tôi đứng yên tại chỗ một lúc rồi chậm rãi bước ra từ phía sau thùng xốp, khi tới trước cửa nhà, tôi sốt ruột muốn nhìn xuyên qua tấm ván sắt để quan sát tình hình bên trong.
Người đàn ông này là ai? Tại sao mới chỉ ba tháng mà bên cạnh Kỷ Thần Phong đã có một người như vậy? Trông cử chỉ còn rất thân mật nữa.
Anh cười với gã, đi mua sắm với gã rồi cùng gã về nhà…
Gã là bạn trai mới của anh ấy ư? Mới chỉ có ba tháng mà anh ấy đã yêu người khác rồi hay sao?
Tôi lùi giật lại từng bước rồi quay người chạy nhanh xuống cầu thang, bất chấp việc bản thân có thể sẽ ngã lộn cả cổ.
Đáp chân xuống đất bằng, tôi thở hổn hển, chống tay đỡ đầu gối một lúc rồi vội vã lấy gói thuốc trong ví ra, dốc một viên thuốc chống rối loạn lo âu cho vào miệng.
Do không có nước nên tôi chỉ đành uống thuốc khan, may sao trên vỏ thuốc có bọc đường nên cũng không quá đắng.
Tôi ra đường cái, nơi có thể gọi xe, sau đó lấy điện thoại ra tìm số của A Dao rồi gọi cho cô ấy. Trước khi vào bệnh viện phục hồi chức năng, tôi đã giải quyết xong hết các khoản thù lao cho cô ấy. Tôi cứ tưởng mình sẽ không phải thuê A Dao làm việc cho nữa…
May mà tôi vẫn chưa xóa số của cô nàng.
“Alo, sếp à?” A Dao bắt máy rất nhanh, hỏi: “Chẳng phải sếp đã bảo em là không cần theo dõi Kỷ Thần Phong nữa ư? Sếp vẫn còn chỉ thị khác sao?”
Tôi ngoái đầu, nhìn lên nhà Kỷ Thần Phong lại lần nữa, cánh cửa sắt màu xanh lam bắt mắt một cách lạ thường, cho dù đứng từ xa nhìn thì vẫn có thể thấy rõ.
“Điều tra giúp tôi một người, tôi muốn thông tin của gã ngay lập tức.”
Thân gửi bác sĩ Kỷ:
Hôm nay là tiết lập hạ, cơm trưa không ngon, còn canh thì không đến mức tệ lắm. Em thấy giờ ngủ trưa hôm nay hơi ồn ào, ngồi dậy nhìn thì bắt gặp một con chim khách đang đậu trên lưới chắn bảo vệ.
Người ta bảo chim khách là điềm báo của sự may mắn, nhưng em chẳng biết với mình, chuyện gì mới được xem là may mắn đây, chỉ mong nó đừng làm phiền đến giấc ngủ của em nữa.
Tang Niệm.
24/6/2022

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.