Nhất Phẩm Giang Sơn

Chương 170: Đại hốt du(*) trong cuộc chiến bảo vệ Địch Thanh




(*) Đại hốt du: nguyên văn 大忽悠, là tục ngữ vùng phía Bắc TQ, chỉ người chuyên nói khoác, miệng lưỡi linh hoạt.
Đêm đã khuya, trời vẫn mưa, ánh lửa hồng lét đét trong chậu ở phòng thiền sau hậu viện chùa Đại Tướng Quốc.
Địch Thanh vừa quay về đã đổ bệnh, lúc này ông ngồi dựa lưng trên chiếc ghế, hai mắt nhắm chặt, trên trán đắp một chiếc khăn ướt.
Người con trưởng của ông là Địch Tư rón rén đi tới, nhẹ nhàng lấy chiếc khăn trên trán ông, rồi nói nhỏ:
- Phụ thân, có Viên Giác phương trượng tới.
Ông ta là phương trượng chủ trì chùa Tướng Quốc.
Địch Thanh từ từ mở mắt, nhìn về phía Viên Giác hòa thượng với khuôn mặt nhân từ, bộ râu dài lất phất đứng ở cửa, khẽ gật đầu rồi nói:
- Phương trượng mời vào.
- Nghe tin Địch tướng công bị cảm phong hàn…
Viên Giác hòa thượng niệm một câu phật hiệu, rồi lại nói tiếp:
- Bần tăng vội đến hỏi thăm.
- Nghe danh phương trượng là bậc thánh thủ hạnh lâm (nghĩa là “rừng hạnh”, ý chỉ thầy thuốc rất giỏi)…
Địch Tư liền khẩn cầu:
- Xin phương trượng xem bệnh cho cha ta.
- Làm phiền đại sư rồi.
Địch Thanh từ từ ngồi dậy.
Viên Giác bèn ngồi xuống chiếc ghế nhỏ bên cạnh ông, dùng hai ngón tay ấn giữ mạch Thốn, Quan và Xích (*) của Địch Thanh, hai mắt khép hờ trầm ngâm một lúc lâu, sau đó đại sư mở mắt nói:
- Quý thể của Tướng công không có vấn đề gì.
(*) Thốn, Quan, Xích: ngang chỗ xương quay lồi ra ở cổ tay là Quan bộ, dưới Quan là Thốn, trên Quan là Xích. Người thầy thuốc trước hết lấy đầu ngón tay giữa để vào Quan bộ, sau đó đền ngón trỏ để vào Thốn bộ, rồi ngón tay nhẫn để vào Xích bộ, 3 ngón tay để sát vào nhau.
- Vậy tại sao đầu óc ta không được tỉnh táo, bên trong cứ như có lửa đốt vậy?
Địch Thanh giọng khàn khàn hỏi.
- Ngoài thân bệnh còn có cả tâm bệnh. Nếu theo “Trí tuệ độ luận” mà nói, thì các bệnh trong ngoài đều là thân bệnh, còn tâm bệnh là chín mươi tám muộn phiền, năm trăm mối tơ vò, những buồn đau phiền não, những đố kị, ghen ghét, nỗi sợ hãi, cả những dục vọng nữa…
Viên Giác đại sư chậm rãi giảng giải:
- “Tâm bệnh” cũng sẽ làm cho con người ta cảm thấy đau khổ, nếu không thì sao lại gọi là “bệnh”?
Phương trượng vừa nói vừa nhìn Địch Thanh:
- Tướng công đang có tâm bệnh phải không?
Địch Thanh im lặng, một lúc lâu mới gật đầu.
- Đại sư, tâm bệnh của cha ta phải chữa như thế nào?
Địch Tư lo lắng hỏi.
- Bần tăng ngay cả nguyên nhân tâm bệnh là gì cũng không biết…
Viên Giác lắc đầu gượng cười.
Địch Thanh lặng người không nói câu gì.
- Như thế này đi, Địch tướng công thử bốc một quẻ xem sao.
Viên Giác cười nói:
- Chúng ta xem Phật tổ phán gì cho tướng công.
Rồi nói với chú tiểu sa di đang đứng đợi ở ngoài cửa:
- Mang ống quẻ lại đây.
Tiểu hòa thượng lập tức chạy như bay đi, một lát sau mang về một ống trúc đen nhánh, quẻ thẻ ở chùa Đại Tướng Quốc rất linh nghiệm, nổi tiếng khắp thiên hạ, Địch Thanh cũng đã thử qua rồi.
Đó là mười mấy năm trước, khi y được triều đình điều về kinh thành, vào một ngày nhàn rỗi y lại có hứng thú đến chùa Đại Tướng Quốc du ngoạn, người cùng đi nói với y rằng quẻ trong chùa này rất thiêng, cho nên y cũng tùy hứng bốc một quẻ, trong quẻ nói rằng:
“Ngày ngày sớm tối phò trợ giúp vua, nhất cử thành danh không thắng hàn; bỗng nhiên nổi lên một trận gió to, vàng là cát mà cát cũng là vàng.”
Lúc đó Địch Thanh nhờ người giải quẻ, người giải quẻ cũng tặng y bốn câu:
“Gặp võ thì hưng, gặp văn thì suy, gặp thủy thì chết, gặp hỏa thì sống.”
Địch Hán Thần lúc đó là một thanh niên chí khí hơn người, ở độ tuổi dám nghĩ dám làm, vừa thấy vận mệnh sinh tử hưng vong của chính mình đã được định sẵn như vậy thì trong lòng không phục, thuận tay cắm quẻ vào trong ống trúc, tỏ vẻ coi thường nói:
- Quẻ linh gì chứ, đều là những lời nói linh tinh vớ vẩn, ta không tin!
Nhưng theo thời gian trôi qua, ông mới nhận ra rằng những lời trong quẻ và những lời của người giải quẻ nói lại trùng khớp với cuộc đời của ông… Trước kia khi ở trong cấm quân, ông từng làm tới chức Điện Tiền Ti Đô Chỉ Huy Sứ (thống lĩnh cấm quân), sau này còn thăng cấp làm Phó sứ Xu Mật. Mặc dù ông được triều đình tín nhiệm, cũng đã làm tới chức quan cao, nhưng danh tiếng cũng chẳng thể nói là quá cao, dù sao đây cũng là thời buổi của quan văn.
Chiến công thực sự làm ông vang danh thiên hạ chính là dẹp yên quân phản loạn Mã Chí Thư… Đây chẳng phải đúng với câu “ngày ngày sớm tối phò trợ giúp vua, nhất cử thành danh không thắng hàn” hay sao?
Lại nhắc tới việc giải quẻ, câu “gặp võ thì hưng”… cũng rất rõ ràng. Ông từ một tên lính vô danh tiểu tốt leo đến chức Xu Mật Sứ, chẳng phải cũng nhờ vào chiến công lẫy lừng thiên hạ đó sao? Hơn nữa vị thượng quan trọng dụng ông, rồi đề bạt ông đem quân đi xuống phía nam bình định quân phản loạn - Bàng Tịch Bàng tướng công cũng là người Thành Võ ở Đơn Châu, chữ “võ” cũng có trong quê quán của Bàng Tịch.
Còn câu “gặp văn thì suy” lại càng dễ lý giải. Ông là dân võ, nhưng lại gia nhập vào thế giới của các quan văn, những ngày tháng qua lẽ nào lại không đủ suy vong hay sao? Hơn nữa chức Tể tướng bây giờ chẳng phải cũng rất đúng với chữ “văn”…
Thậm chí ngay cả câu “gặp nước thì chết”… Ai mà không biết, sở dĩ Địch Thanh lâm vào tình cảnh như hiện giờ, chính là vì mọi người đều cho rằng ông phải chịu trách nhiệm với trận lũ to này!
…….
Nhìn thấy ống quẻ trong tay của Viên Giác đại sư, rất nhiều kí ức xưa trong ông đột nhiên hiện về. Lát sau, Địch Thanh định thần lại, rút ra một quẻ nhìn thoáng qua, mặt ông ngay tức thời như tờ giấy vàng, thấy quẻ hiện lên bốn câu thơ xưa:
“Ngày ngày sớm tối phù trợ giúp vua, nhất cử thành danh không thắng hàn, bỗng nhiên nổi lên một trận gió to, vàng là cát mà cát lại là vàng.”
Địch Tư lấy quẻ trong tay cha đưa cho Viên Giác hòa thượng. Viên Giác nhận lấy quẻ nhìn liếc qua, thản nhiên hỏi:
- Quẻ này có gì không ổn?
- Quẻ thẻ ta bốc mười năm trước cũng chính là quẻ này…
Địch Thanh khốn khổ nói.
- Điều này rất bình thường, bởi vì cùng một người bốc,
Viên Giác đại sư không cho đó là điều nghiêm trọng nói:
- Đồng nhân đồng mệnh, khó tránh khỏi sẽ bốc vào cùng một quẻ.
Đai sư ngừng một lúc rồi hỏi:
- Xin hỏi Địch tướng công năm nay bao nhiêu tuổi?
- Bốn mươi chín tuổi.
- Trùng khớp với số quẻ, đủ thấy đây không chỉ là ngẫu nhiên.
Viên Giác đại sư bình thản nói, Địch Thanh càng cảm thấy không thể lường trước được việc gì, càng muốn tìm hiểu đến tận sâu bên trong thì càng thêm sốt ruột. Ông tiến gần tới Viên Giác đại sư, tha thiết thỉnh cầu:
- Huyền cơ trong này, mong phương trượng giải thích giúp ta.
Ánh mắt Viên Giác đại sư sáng lên, nhìn lướt qua Địch Thanh, chậm rãi nói:
- Địch tướng công, quẻ này năm đó giải như thế nào?
- Gặp võ thì hưng, gặp văn thì suy, gặp nước thì chết, gặp hỏa… thì sống.
Địch Thanh trả lời ngay:
- Ba câu trước thì đều đã linh nghiệm rồi, chỉ có câu cuối cùng “gặp hỏa thì sống” mong phương trượng giải thích giúp.
- Trong Phật pháp, chính là nói đến niết bàn (*) trong hỏa.
Viên Giác hòa thượng nói:
- Kết thúc vòng nhân quả sinh tử, vượt qua thác nước sinh tử, mới có thể tiêu trừ khổ đau, được hưởng sự thanh thản.
(*) Niết Bàn: người tu đã chứng đạo, khi bỏ xác phàm vào nơi không sinh không diệt sạch hết mọi đường phiền não, cũng gọi là viên tịch.
- Làm sao mới có thể niết bàn (ý của ông là “dập tắt ngọn lửa phiền não”) đó?
Địch Thanh nhỏ nhẹ hỏi.
- Buông tay!
Viên Giác đại sư cảnh tỉnh:
- Buông hết thảy những chuyện thị phi, danh lợi, chặt đứt tất cả nhân quả, phiền não!
- Buông tay…
Địch Thanh ngẩn người ra.
- A di đà phật!
Viên Giác đại sư niệm một câu phật hiệu, rồi nói với Địch Thanh:
- Tướng công thứ cho lão nạp nói thẳng, người nửa đời chiến phạt, lập được nhiều chiến công hiển hách, nhưng cũng tạo ra nhiều sát nghiệt mà trong lòng lại không có Phật giới. Nếu không quay đầu thành tâm hướng Phật, thì chỉ sợ rằng đến cả Đại La thần tiên (*) cũng không cứu nổi.
(*) Đại La thần tiên: Trời chia làm ba mươi sáu tầng, Đại La là tầng cao nhất, thần tiên ở tầng đó được xưng là Đại La kim tiên.
Nếu như là ngày thường thì đối với những lời giật gân này, Địch Thanh cũng chỉ nghe cho có. Nhưng hôm nay thư viết tay của Văn Ngạn Bác đã khiến cho sự tự tin của Địch Thanh sụp đổ hoàn toàn, lúc này ông lại tin tưởng không chút nghi ngờ.
- Chuyện đến nước này, ngài còn muốn hỏi gì nữa không?
Viên Giác đại sư rất am hiểu lòng người, không thể nói quá nhiều tránh gây ra nghi ngờ cho người khác.
- Xin lão phương trượng chỉ giáo giúp câu “vàng là cát mà cát cũng là vàng” có hàm ý gì vậy?
Địch Thanh hỏi.
- Nếu làm chuyện xằng bậy thì vàng sẽ biến thành cát, nếu biết quay đầu thì cát sẽ thành vàng.
Viên Giác đại sư lại niệm một câu phật hiệu rồi nói:
- Thí chủ hãy tự giải quyết cho tốt.
….
- Nếu làm điều xằng bậy vàng sẽ biến thành cát, biết quay đầu thì cát sẽ biến thành vàng…
Sau khi Viên Giác đại sư đi, Địch Thanh như bị ma nhập, cứ nhắc đi nhắc lại câu này, sắc mặt của ông u buồn, cả một đời vinh nhục bây giờ giống như chiếc đèn kéo quân đang chuyển động trước mắt.
Ông nhớ khi mình còn trẻ, vì chứng kiến Trạng Nguyên diễu hành trên phố ở Đông Hoa môn mà nuôi chí hướng từ đó.
Nhớ tới trận chiến ở Tây Bắc, vị tướng quân mặt quỷ đeo mặt nạ đồng hình quỷ gớm ghiếc, tóc tai bù xù, không ai có thể đối địch.
Nhớ khi Phạm Trọng Yêm tặng cuốn “Xuân thu” cho ông, động viên ông chăm chỉ đọc sách.
Nghĩ tới khi Hàn Kỳ giết chết vị tướng thân tín của ông, Hàn Kỳ giận dữ hét lên:
- Những vị Trạng Nguyên được xướng danh ngoài Đông Hoa môn mới là hảo hán.
Nghĩ đến tại Côn Luân quan, chính mình đại phá đội quân hào hùng của Mã Chí Thư.
Nhớ lời thề “cả đời tận trung với vua” của triều đình sau khi hồi kinh.
Nhớ tới bốn năm qua khi giữ chức Xu Mật Sứ, bản thân đã nhẫn nhịn vì đại cục, nhưng lại phải chịu sự phẫn uất trước lời diễu cợt của các quan văn.
Nghĩ tới việc triều đình đã quên lời thề ngày xưa, ngầm cho phép Văn Ngạn Bác trục xuất mình ra khỏi triều đình…
Địch Thanh đột nhiên mất hết hy vọng, hai mắt ngấn lệ. Nhưng dù sao ông cũng là anh hùng thà đổ máu chứ không rơi lệ, hít một hơi thật sâu, trấn tĩnh lại cảm xúc rồi nói:
- Mang bút mực lại đây.
Địch Tư vội mài mực. Sau khi Địch Thanh ngồi ngay ngắn ở thư án, ông cầm bút lên, chậm rãi viết mấy chữ nặng tựa ngàn cân: “Đơn xin từ chức”!
- Cha!
Địch Tư mặt đột nhiên biến sắc nói:
- Việc đã tới nước này sao?
- …
Địch Thanh gật đầu không nói câu nào, rồi tiếp tục viết liên hồi, dường như muốn đem hết uất ức trong lòng gửi vào trong từng nét bút mà viết ra.
Đang viết, có tiếng từ cửa phòng, Địch Tư trầm giọng nói:
- Ai?
- Đại ca, là đệ.
Đây là tiếng của Địch Vịnh.
- Vào đi.
Cửa mở, Địch Vịnh như ngọc thụ lâm phong xuất hiện trước mặt cha và anh, phía sau y còn dẫn theo một thân binh cao lớn.
- Nó tới đây làm gì?
Địch Tư nhíu mày hỏi.
Địch Vịnh cười cười, rồi quay ra đóng cửa lại, nói với Địch Thanh:
- Cha, cha mau nhìn đây là ai?
Địch Thanh nghe vậy bèn ngẩng đầu lên, thân binh cao lớn kia cũng tháo nón tre xuống, để lộ gương mặt tràn đầy khí thế anh hùng.
- Tam Lang, tại sao ngươi lại tới đây?
Địch Thanh kinh ngạc hỏi.
- Vì không yên tâm nên đến thăm Nguyên soái.
Trần Khác cởi tấm áo tơi trên người nói.
- Ta hôm nay mất mặt rồi.
Địch Thanh tự cười giễu mình, rồi gọi y đến ngồi bên chậu than, sưởi cho ấm người lên.
Trần Khác nghe lời ngồi xuống, đảo mắt nhìn bản tấu Địch Thanh đang viết trên bàn nói:
- Tôi đang đoán xem Nguyên soái viết gì.
- Không cần đoán, là đơn từ chức.
Địch Thanh gác bút xuống thản nhiên nói.
- Sao Nguyên soái lại đổi ý,
Trần Khác vẻ mặt kinh ngạc nói:
- Trước đó vài ngày, tôi khuyên Nguyên soái rút lui, nhưng ngài cương quyết không chịu.
- Là ý của triều đình…
Địch Thanh thở dài nói.
- Nói như vậy là ngài đã nhận được thánh chỉ?
Trần Khác hỏi.
- Không có.
Địch Thanh lắc đầu nói.
- Là thư tay của triều đình?
Trần Khác hỏi tiếp.
- Cũng không phải, là thư tay của Văn tướng công.
Địch Thanh lắc đầu, rồi nói rõ chân tướng sự việc.
- Sao tôi chưa từng nghe nói đại thần Đông phủ có thể bãi miễn đại thần Tây phủ?
Trần Khác cười nói.
- Đương nhiên còn có ý kiến của triều đình.
Địch Thanh lại thở dài một tiếng, tinh thần vô cùng chán nản nói:
- Chỉ là triều đình năm đó đã báo trước, lúc này không thể nói một đằng làm một nẻo, nên mới cho Văn tướng công ra hiệu ngầm với ta…
- Ha ha ha ha…
Nghe Địch Thanh nói, mặt hai đứa con lão đều trắng bệch, còn Trần Khác cất tiếng cười to.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.