Thành Biện Hà, phố Đông.
Sáng sớm sương mù còn chưa tan, mưa phùn rửa sạch phố dài. Cửa sau phủ thứ sử, năm, sáu gã sai vặt được đưa vào phủ.
Phủ thứ sử muốn sửa lại vườn sau, nghe nói mẫu thân của Thứ Sử đại nhân vài hôm nữa muốn tới chơi.
Thứ Sử Trần Hữu Lương là một người con trai hiếu thảo, mẫu thân muốn
tới phủ, cho dù bản thân có giật gấu vá vai cũng phải vì mẫu thân mà sửa lại vườn tược.
Biện Châu chính là cửa ngõ quan trọng của kênh đào nam bắc Đại Hưng,
đường thủy lưu thông tấp nập, phủ thứ sử đáng lẽ không thiếu bạc, nhưng
Trần Hữu Lương lại là một thanh quan. Hắn nhậm chức ở Biện Châu năm năm, không thu hiếu kính của thương gia, không nhận tiệc rượu của đồng liêu, nước trong phủ thứ sử trong đến độ có thể thấy đáy.
Triều đình ngu ngốc, thanh lương đáng quý. Trần Hữu Lương thanh liêm
thiết diện vô tư có tiếng, được văn nhân trong thiên hạ ngưỡng mộ, có
danh dự khá cao, dân chúng kính trọng gọi là thanh thiên.
Nhưng thanh thiên thuê công nhân làm việc cũng phải trả tiền, tiền
công phủ thứ sử trả rất thấp, ít có người đồng ý đến, cho nên chỉ tìm
thấy năm sáu gã thợ làm công này.
Vườn sau của phủ thứ sử rất tú lệ xinh đẹp, chẳng qua chỉ là nhiều
năm không tu sửa, tảng đá trên đường mòn mọc đầy rêu xanh, dưới núi giả
cỏ dại mọc lởm chởm. Gã sai vặt dẫn nhóm thợ làm công đến một lầu gác
bên cạnh vườn hoa hải đường, hoa hải đường đã già, mặt đất đầy cánh hoa
rơi, nhiễm hồng một mảnh.
“Bắt đầu từ nơi này. Tất cả lầu gác phải quét dọn sạch sẽ, đỉnh ngói
cũng phải chỉnh lại một lần, cỏ dại trong sân nhổ toàn bộ. Bên hồ có mấy viên đá khập khiễng, phải gắn lại cho chắc chắn, đừng để lão phu nhân
muốn tới thưởng thức cảnh hồ, lại dẫm trúng. Những việc này trong vòng
hai ngày phải làm xong, ban đêm trong phòng của tạp dịch có giường ngủ
chung, xong việc sẽ có người dẫn bọn ngươi đi.” Gã sai vặt phân phó xong công việc, nhưng không có ý tứ rời đi, hiển nhiên là muốn ở trong này
đốc công.
Nhóm thợ công nhận việc sau đó tự phân công nhau làm, một hán tử cúi
đầu lẩm bẩm, “Hai ngày làm việc, chỉ trả tiền lương bằng một ngày của
nhà người khác, còn không biết xấu hổ mà đốc công.”
Tên còn lại nghe thấy nói: “Được rồi được rồi, vậy sao ngươi còn đến đây?”
“Nếu không phải Thứ Sử đại nhân là thanh thiên của dân chúng thành Biện Châu chúng ta, ai muốn đến?”
“Vậy sao ngươi còn càu nhàu?!”
“Chẳng qua là ta nhìn gã sai vặt kia không vừa mắt, xem khuôn mặt dài như mướp của hắn đi, như thể chúng ta mới là người nợ tiền.”
Hai người nhỏ giọng nói thầm, một gã thiếu niên cầm thùng sơn đi qua, đi đến cột chống lầu gác thì dừng lại, cúi đầu thu mắt, yên lặng làm
việc, đáy mắt lại chứa vẻ trào phúng.
Thanh thiên sao?
Cha cũng nói Trần Hữu Lương là thanh thiên, chuyện từ chối đến làm việc trong thành Biện Hà năm đó khiến cha áy náy nhiều năm.
Năm ấy, trong thành Biện Hà xảy ra án mạng người liên hoàn, lần đầu
tiên cha nhận được công văn đến thành Biện Hà khám nghiệm tử thi, bởi vì biểu hiện rất tốt mà được Trần Hữu Lương coi trọng, hắn cũng có ý định
đưa cha từ huyện Cổ Thủy lên thành Biện Hà Thành để phụng chức. Nhưng
cha không muốn rời khỏi huyện Cổ Thủy, người nói phần mộ của mẹ ở đây,
mười lăm mỗi tháng đều phải đến dọn dẹp tế bái, sợ đi sẽ không thể
thường xuyên quay lại, khiến cho mộ phần của mẹ hoang phế thê lương.
Mộ Thanh biết, đây chỉ là một nguyên nhân trong đó.
Cha là vì nàng mà suy nghĩ.
Đến thành Biện Hà, cha vẫn là ngỗ tác, cũng không thoát khỏi tiện
tịch, chỉ là bổng lộc cao hơn một chút. Trong nhà nghèo khó, không phải
người không muốn có chút bổng lộc khá khẩm hơn, chỉ lo sợ công việc vất
vả sẽ khiến việc hôn sự trong tương lai của nàng gặp khó khăn. Nàng theo cha cũng là tiện tịch, mẹ là quan nô, từ nhỏ đã bị thầy bói phán mệnh
hung, một nữ hài tử lại suốt ngày ở trong nghĩa trang đùa nghịch với thi cốt, tuy rằng được mệnh danh là Phán Quan Âm Ty, nhưng rốt cuộc cũng
không thích hợp với lễ pháp.
Khắp thành Biện Hà đều là quan lại, phú thương, xuất thân và những
tin đồn về nàng khó có người muốn nhòm ngó tới, cũng khó có người dám
cưới. Cha không muốn nàng làm thiếp cho người ta, người nói năm đó cho
dù mẹ phải gả cho một ngỗ tác cũng không đồng ý chịu làm thiếp cho tri
huyện, nàng rất có khí khái của mẹ, cho nên tuyệt không để nàng đi con
đường mẹ không muốn.
Cha hy vọng nàng có thể gả cho một thiếu niên thành thật, trong nhà
có thiếu niên chưa vợ ở huyện Cổ Thủy, cha đều nắm rõ như lòng bàn tay.
Chuyển đến thành Biện Hà, không quen biết ai, sợ nhìn nhầm người, lầm lỡ cả đời nàng.
Cha là một hán tử hàm hậu, thành thật ít nói, không nói chuyện hôn sự trước mặt nàng. Buổi lễ cập kê của nàng, ban đêm hai cha con ăn mì
trường thọ, cha nói vài câu, nàng còn chưa bày tỏ thái độ, cha đã đỏ
mặt.
Trong trí nhớ của nàng chỉ có một lần cha có biểu hiện như thế, ngày
đó người từ thành Biện Hà khám nghiệm tử thi trở về, vừa vào cửa đã nói
chuyến đi lần này đúng là có ý nghĩa, Trần đại nhân giữ cha ở trong phủ
dùng cơm, thưởng một bàn rượu và thức ăn.
Thứ Sử Biện Châu, quan tứ phẩm, là người đứng đầu thành Biện Châu,
với thân phận và địa vị như hắn không thể nào ngồi ăn cơm chung với một
ngỗ tác, còn không chê trên người cha có mùi của người chết. Sau khi cha về nhà, vì chuyện này mà hưng phấn mấy ngày, từ đó về sau kính trọng
với Trần Hữu Lương càng thêm sâu, đối với chuyện từ chối đề bạt của hắn
năm đó càng thêm áy náy.
Từ đầu Mộ Thanh cũng cho rằng Trần Hữu Lương là thanh quan, thiết
diện vô tư chiêu hiền đãi sĩ, mà hiện tại thái độ của nàng với người này đã thay đổi.
Cái chết của cha chắc chắn có can hệ đến Trần Hữu Lương.
Đêm đó ở nghĩa trang, người coi nghĩa trang nói khi xác chết của cha
được mang đến có mùi rượu, phán đoán có lẽ là do uống rượu độc mà chết.
Thân phận của cha thấp kém, cho dù có diệt khẩu, cũng không cần cẩu
hoàng đế kia tự mình ban thưởng độc rượu, việc này nhất định là bên dưới làm.
Mà người có khả năng làm chuyện này nhất chính là Trần Hữu Lương.
Cha là ngỗ tác nhiều năm, đối với độc dược cũng hiểu biết, cho dù mùi độc của quả hạnh có nhạt, nhất định cha vẫn có thể phát hiện ra. Khi
ngỗ tác khám nghiệm tử thi, dựa vào mùi trên xác chết mà phán đoán
nguyên nhân tử vong là chuyện không thể xem nhẹ, những ngỗ tác có kinh
nghiệm đều có một cái mũi linh mẫn. Nhưng cha lại không đoán được mà
uống rượu độc, nàng chỉ có thể đoán ra một khả năng, đó chính là người
ban rượu chính là người cha kính trọng, lúc đó tâm tình của cha kích
động cho nên mới không thể phát hiện trong rượu có vị lạ.
Nhưng chỉ dựa vào suy đoán không thể kết tội một người, Mộ Thanh biết điều đó, cho nên nàng mới đến phủ thứ sử này để kiểm chứng.
Phủ thứ sử muốn thuê người đến sửa vườn, nhưng vì trả công thấp cho
nên không có ai muốn đến, điều này lại tạo cơ hội cho nàng lẩn vào trong phủ.
Thiếu niên ngồi xổm ở dưới cây cột của lầu các, yên lặng làm việc.
Chờ, vào đêm.
*
Chuyện tu sửa vườn tược một ngày không thể làm xong, cho nên ban đêm đám thợ công được bố trí nghỉ tạm trong phòng của tạp dịch.
Phủ Thứ Sử quản thúc nghiêm gắt, chạng vạng ăn cơm xong, sắc trời vừa tối đã khóa cửa phủ. Vài hán tử ngồi xếp bằng trên giường nói chuyện
phiếm về nữ nhân, Mộ Thanh yên lặng đi ra cửa.
Ánh trăng thanh lãnh, thiếu niên đảo mắt nhìn khắp nơi, ánh mắt sắc
bén giống như được tuyết lạnh tẩy qua. Khi vào phủ hắn đã xem xét qua
tình huống các nơi, tường viện không cao, bên cạnh còn có một cây cổ
thụ, có thể nhờ nó mà vượt qua tường.
Ngày thường khám nghiệm tử thi, phải đi rất nhiều nơi, thời điểm lên
núi cũng không thiếu, cho nên thể lực của Mộ Thanh cũng không tệ, lên
cây, trèo tường, rơi xuống đất, các động tác đều được nàng thực hiện
nhanh nhẹn, dứt khoát, sau khi rơi xuống đất, nàng vội vàng tránh ra sau núi giả.
Muốn biết có phải Trần Hữu Lương hạ độc cha hay không, nàng cần phải thấy hắn, giáp mặt mà hỏi.
Thế gian này, không ai có thể nói dối trước mặt nàng. Nếu như thật sự Trần Hữu Lương làm hại cha, nàng sẽ làm thịt tên cẩu quan này, lật đổ
thanh thiên mua danh chuộc tiếng!.
||||| Truyện đề cử: Trọng Sinh Trở Lại, Cướp Lại Gia Tài |||||
Mộ Thanh ngồi khom người, ẩn ở trong bóng tối nhìn đường mòn phía trước, vẫn đang chờ.
Phủ thứ sử quá lớn, nàng không nhìn được đường, lại không biết Trần
Hữu Lương ở chỗ nào, cho nên chỉ có thể chờ. Đợi có người đi qua, ép hỏi sẽ biết.
Chung quanh đây là phòng ngủ của hạ nhân, đợi không bao lâu quả nhiên có người từ trong bóng đêm bước ra. Trong tay người nọ cầm theo một hộp thức ăn, bước đi nhẹ nhàng, dáng đi ôn nhu, là một nha hoàn.
Mộ Thanh từng nghe cha nói, thê tử của Trần Hữu Lương chết sớm, hắn
không thành thân nữa, cũng không nạp thiếp thị. Dưới gối chỉ có một
người con trai, đã được gửi lên kinh học tập, không có ở Biện Hà. Bởi
vậy hạ nhân trong phủ Thứ Sử chỉ hầu hạ một chủ tử đó là Trần Hữu Lương, nha hoàn này ban đêm cầm hộp thức ăn, nhất định là mang đến chỗ Trần
Hữu Lương.
Không ngờ vừa tới đã có thể gặp, Mộ Thanh vội vàng lặng lẽ đuổi theo.
Đêm tháng sáu, gió hạ mát mẻ, hương cỏ cây lẫn hương son phấn theo gió thoang thoảng bay tới, khiến người ta có chút say.
Mộ Thanh chợt cảm thấy dưới chân mơ hồ.
Trong lòng sợ hãi, trước mắt đã như sương mù, trong hoảng hốt lại nhìn thấy nha hoàn kia xoay người, đi về phía nàng...
Nàng chỉ ý thức được một chuyện trước khi ngất đi đó là —— hương son phấn, có độc?