Edit: Dú
—————————————–
Tết Âm lịch đến sớm khiến học kỳ có vẻ ngắn hơn. Sau ngày nghỉ tết Nguyên Đán không lâu là đến kì thi cuối kỳ.
Kể từ ngày hôm đó giãy ra khỏi tay Tô Đồng, dường như bọn họ không gặp riêng nhau lần nào nữa. Tất cả mọi thứ đều cực kì bình thường, cậu đến lớp học, tan học thì rời đi. Chương trình học mới đã sớm hết, các giáo viên bộ môn cũng không ra bài tập hàng ngày nữa, hoàn toàn dựa vào sự tự giác của học sinh.
Nếu đêm tự học có tiết Hóa, Tô Đồng sẽ đến lớp nhìn rồi lại nhìn, ngồi bên cạnh bục giảng đọc một quyển sách, khi có học sinh giơ tay sẽ đứng dậy đến chỗ học sinh ấy.
Hai đề thi trước kì thi cuối kỳ không phải do anh ra đề, nên vào đêm phát đề đó, Lý Gia Đồ cũng không nhìn thấy anh trong phòng làm việc.
Tô Đồng vẫn nằm trong danh sách các giáo viên thay phiên công việc tuần tra kí túc xá, nhưng đến cuối học kỳ, tất cả mọi người đều an phận hơn rất nhiều, không cần giáo viên đến mỗi cửa phòng nhắc nhở nghỉ ngơi sớm nữa.
Lý Gia Đồ bỗng cảm thấy lạ, từ trước đến nay, sao cậu và Tô Đồng có thể vô tình gặp nhau lần này đến lần khác được như thế? Mà những sự ngẫu nhiên đó dường như trong thoáng chốc đều bị ông trời lấy đi hết rồi.
||||| Truyện đề cử: Hôm Nay Thiên Kim Lại Đi Vả Mặt |||||
Không còn một sự ngẫu nhiên nào nữa.
Cậu đã từng nghĩ tới chuyện phải làm sao mới có thể thu hút sự chú ý của Tô Đồng. Nhưng mỗi lần vừa nhớ đến những gì anh đã nói, đừng nghĩ quá nhiều, thì cậu không thể nghĩ nổi nữa.
Quyển sách giáo khoa cũ mà Tô Đồng cho cậu mượn đó, cậu đã lật giở vô số lần, thậm chí những lời chú thích dưới dòng văn bản cậu đều đã thuộc nằm lòng hết cả. Trước khi nghỉ đông, cậu đã muốn trả lại cho Tô Đồng mấy lần, nhưng nghĩ lại vẫn từ bỏ.
Tựa như một chiếc đạo cụ cuối cùng, dùng xong rồi thì sẽ không còn một lời viện cớ hay lý do nào nữa.
Chiều thi xong môn cuối, đám học trò đều chạy vội về phía kí túc xá, chạy về những ngày nghỉ mà họ chờ mong đã lâu. Lý Gia Đồ cầm sách giáo khoa cũ đi tới tổ Hóa học, nhìn thấy Tô Đồng ở bên trong, không nhịn được mà bước đến gõ cửa.
Ai ngờ tay cậu còn chưa gõ lên cửa thì chợt nghe thấy cô Lao đã thốt lên ở bên kia cánh cửa, “Tiểu Tô, có người tìm em.”
Lý Gia Đồ ngạc nhiên nhìn về phía một đầu hành lang khác, chỉ thấy một người thanh niên đeo kính không gọng đứng bên cạnh cửa, vẫy tay vào trong văn phòng, nở một nụ cười rất đẹp.
Trước khi người đó chú ý đến cậu, Lý Gia Đồ đã xoay người vào phía cầu thang.
Cũng không lâu sau, cậu nghe thấy Tô Đồng bước ra chào người thanh niên kia, “Về khi nào vậy?”
“Ngày hôm qua.” Ánh tà dương khiến bóng của hai người vừa gần nhau vừa dài hơn. Lý Gia Đồ thấy anh ta bước đến bên tai Tô Đồng, âm lượng không nhỏ, “Cậu nhìn tôi đi, dù chênh lệch thời gian vẫn đến gặp cậu. Nhiều tình nhiều ý như vậy.”
Tô Đồng khẽ cười, “Tôi biết cậu trọng nghĩa mà.”
Người đó sửa lại, “Ôi, cậu nghe nhầm rồi. Là ý trong ý tứ, không phải nghĩa trong trọng nghĩa. Sai một ly đi ngàn dặm.”
“Vẫn đang là giờ làm việc đó, thưa ngài. Để học sinh nghe thấy thì không tốt đâu?” Hình bóng của hai người như suýt kề sát nhau, nhưng Tô Đồng đã đẩy người đó ra.
Người thanh niên giơ tay lên, đang muốn chạm tới Tô Đồng thì lại bị anh dùng tay cản lại, “Sao cậu vẫn ngạo kiều như thế chứ?”
“Thật sự là cậu vẫn nên ở lại Mỹ đi, đừng có về.” Tô Đồng bó tay, “Có đói bụng không? Vừa hay tôi cũng tan làm, đi ra ngoài ăn cơm.”
“Tôi muốn ăn cơm cậu nấu cơ.” Anh ta nghiêm túc nói.
Tô Đồng thỏa hiệp, “Vậy cũng phải mua thức ăn chứ? Tổng giám đốc Vương.”
Nghe thấy Tô Đồng sắp tan làm, Lý Gia Đồ không đợi đến khi cả hai người bước đến chỗ cầu thang thì đã xoay người chạy xuống.
Chạy thẳng xuống đến tầng dưới, cậu bất cẩn chạy qua đống lá rụng mà lao công vừa mới gom cùng một chỗ, dưới lòng bàn chân đều là tiếng sống lá cây bị dẫm nát, giòn giã vang dội.
Một khắc kia, cậu bỗng ý thức được một chuyện: Tô Đồng là giáo viên, cậu là học sinh. Nếu quan hệ của hai người không phải như vậy thì cậu hoàn toàn không đoán ra nổi Tô Đồng sẽ có dáng vẻ gì.
Lúc anh không đi dạy, không tăng ca, không ở trường sẽ có dáng vẻ gì. Cậu không biết, cũng không tưởng tượng ra được. Cậu không biết chút gì về quá khứ của Tô Đồng, ngay cả bây giờ cũng không hiểu rõ, vậy đối với tương lai của anh lại càng không nắm bắt được.
Học kỳ một của lớp 11 cứ thế mà kết thúc. Không biết vì sao mà Lý Gia Đồ cảm thấy vừa như đã xảy ra rất nhiều chuyện, vừa như không có chuyện gì từng nảy sinh.
Lưng đeo hành lý bước lên chiếc xe buýt về nhà, cậu ngồi ở dãy ghế sau, vị trí cạnh cửa sổ. Trước khi xe buýt chạy, cậu nhìn thấy Tô Đồng bước ra từ cửa hông của khu sinh hoạt dành cho công nhân viên nhà trường, lên chiếc xe có rèm che của người họ Vương kia.
Nếu học kỳ sau có thể đổi thầy dạy Hóa là tốt rồi. Một khắc ấy, trong lòng Lý Gia Đồ nảy sinh một ý nghĩ như vậy, lại nghĩ tiếp, hay là đừng để cậu sắm vai một nhân vật không thể không gặp Tô Đồng nữa.
Lần đầu tiên cậu mang tâm trạng không thoải mái đón ngày nghỉ.
Buổi cơm tối đầu tiên của kỳ nghỉ đông, Lý Gia Đồ nghe mẹ mình phàn nàn về đám trẻ con trong nhà trẻ. Từ phản ứng của ba cậu, chỉ e rằng đây không phỉa lần đầu tiên bà kể lể về bọn nhóc, tập mãi cũng thành quen.
“Cơm thì không ăn cho xong, ăn mà bàn còn đầy ắp. Hoặc là vào giờ cơm thì không ăn, trưa ngủ thì cãi nhau, tỉnh ngủ thì khóc đòi ăn cơm.” Mẹ cậu nói xong, tặc lưỡi, “Mấy đứa ở nhà trẻ tư nhân kiểu này đều là đám không trường chính quy nào nhận mới dồn lại thành một. Ba tuổi định chung thân(*), vừa nhìn là biết sau này chẳng thành tài được.”
(*Nguyên văn: 三岁定终身 là một câu nói của Khổng Tử, nôm na là: Khi trẻ con lên ba, tính cách lúc này của bé cũng có thể được xem là tính cách được hình thành trong suốt cuộc đời.)
“Cũng không chắc.” Lý Gia Đồ thờ ơ phản bác một câu.
Mẹ cậu chớp mắt, “Sao lại không chắc? Con xem, nhà trẻ chẳng nhận, lên tiểu học còn có thể lên nổi trường tốt không? Sau đó thì sao, cấp hai, cấp ba còn có thể học lên nữa ư? Chênh lệch cứ giãn ra từng chút một thì thể nào đến cuối cùng sẽ là xa cách một trời một vực.”
Lý Gia Đồ hít vào một hơi, hờ hững nói, “Cũng có những người lúc nhỏ thông minh lanh lợi, lớn lên chưa chắc sẽ thành tài mà(*)?”
(*Chú thích: Nguyên văn ở đây là: 小时了了, 大未必佳. Các bạn có thể đọc câu chuyện hình thành nên câu thành ngữ này ở đây. Ngoài ra, câu này còn có thể hiểu là: Không nên đánh giá/nhìn nhận sự vật, sự việc, con người qua vẻ bề ngoài.)
“Nhưng loại này dẫu sao vẫn ít.” Mẹ cậu nghiêm túc nói, “Con nghe mẹ nói này. Lấy trường bọn con làm ví dụ mà xem, tỉ lệ đậu đại học hệ chính quy và đại học trọng điểm đều là số một số hai còn gì? Nhìn trường cấp ba số 43 trên núi kia xem người ta như thế nào? Số học sinh đậu trường loại 2(*) có thể đếm trên đầu ngón tay, phải treo băng rôn ở cổng trường để thông báo với cả thiên hạ. Có nghĩa là, ở trường các con, dù chỉ đứng hạng bét cũng có thể đậu trường đại học hệ chính quy rồi. Nhưng ở một vài trường khác, học sinh xếp hạng nhất cũng chỉ thi được có 211 điểm. Loại chênh lệch này con có hiểu không? Còn bé đã thông minh, lớn lên chưa hẳn sẽ thành tài, nhưng cái chưa hẳn thành tài này chẳng phải là kém cỏi gì.”
(*Chú thích: Ở Trung Quốc, hệ thống trường đại học được phân thứ bậc với 3 loại: Loại 1, loại 2 và loại 3. Theo như những gì mình hiểu khi tra thì loại 1 là đại học trọng điểm, loại 2 là đại học bình thường, loại 3 là học viện chuyên khoa. Cũng vì phân ra 3 loại nên điểm để đậu vào cũng khác nhau.)
Cậu từ bỏ việc cãi nhau với bà, dứt khoát gật đầu, “Vâng, cũng phải.”
Nghe vợ mình nói cả nửa buổi cơm, Lý Quân Trác mới mở miệng, “Sau khi phân ban rồi, độ khó của chương trình học chắc sẽ cao hơn nhiều. Thế nào? Có thể theo nổi không?”
“Chắc chắn là theo được nhỉ, đúng không con?” Người làm mẹ không thấy con mình trả lời nên đáp lại đầy tự tin thay.
Lý Gia Đồ cười nhạt, cúi đầu ăn cơm, không đáp.
Trong suy nghĩ của mẹ, rốt cuộc là mình đang ở độ tuổi nào? Từ khi tốt nghiệp cấp hai rồi thi đậu vào trường cấp ba này, hình như so với trước đây, mẹ đã thả lỏng hơn rất nhiều.
Mẹ bắt đầu xem mấy phim gia đình và phim thần tượng với những tình tiết vô nghĩa, diễn xuất quá lố trên mạng, chẳng quan tâm đến tình hình của Lý Gia Đồ ở trường nữa. Nhưng cậu biết, không phải mẹ cậu không hỏi, mà là bà không kiếm ra được nguyên cớ gì nên từ bỏ luôn.
Cấp hai của cậu rất gần nhà, vì có quan hệ công việc nên chồng của cô chủ nhiệm có nhiều lần qua lại với Lý Quân Trác, cho nên dù Lý Gia Đồ ít nhắc đến chuyện ở trường thì ba mẹ cậu vẫn rõ tình hình của cậu như lòng bàn tay. Nhưng bây giờ cậu học xa nhà, không ở trường cấp ba của huyện nên hai người không hỏi được gì nữa.
Huống hồ, bây giờ Lý Gia Đồ cũng không còn viết nhật ký nữa.
Vào buổi chiều những ngày cuối năm, họ hàng thân thích ở quê biếu cho nhà cậu một con gà còn sống và mập mạp.
Lý Gia Đồ ngồi xổm cùng mẹ trong phòng vệ sinh chật hẹp giết gà. Cậu không quen làm chuyện này, có giúp cũng chỉ là nắm cánh và hai chân của gà để nó không giãy dụa thôi. Thấy mẹ mình rì rầm lẩm bẩm “Ông nói gà bà nói vịt”, rạch một đường dao xuống mạch máu nơi cổ gà, máu bắt đầu tuôn chảy xuống bát.
Ban đầu nó còn giãy dụa nhưng rồi nhanh chóng mất sức, hoàn toàn buông xuôi. Cuối cùng là chết.
Lý Gia Đồ thả con gà đã chết ra, đến phòng bếp bưng nước nóng đã được đun sôi, ngồi xổm ở cửa phòng vệ sinh xem mẹ chần lông qua nước nóng, sau đó mới vặt lông.
“Rửa tay đi, không cần con giúp nữa đâu.” Mẹ cậu nói xong thì chỉ một nơi.
Lý Gia Đồ bước chân vào phòng vệ sinh, mở vòi nước rửa tay, trên mặt đất dính một chút máu gà bị bắn ra, một màu đỏ tươi. Cậu tìm một cái ghế cho mẹ ngồi, còn mình thì tiếp tục ngồi xổm ở cửa nhìn bà làm việc.
Mẹ cậu đặt con gà đã chần nước sôi lên mặt đất, bắt đầu vặt lông. Một lát sau, bà nói, “Chương trình học của lớp 11 thật sự khó hơn nhiều so với lớp 10 nhỉ? Mẹ thấy thành tích thi tháng của con rồi, hình như không như nguyện vọng lắm.”
Vào mỗi kì thi tháng trong một học kỳ và kì thi cuối kỳ, trường đều phát phiếu điểm về nhà. Vậy chắc đây là cách duy nhất để ba và mẹ của Lý Gia Đồ hiểu được về tình hình học hành thật sự của cậu.
Cậu gật đầu.
“Môn Hóa khá dễ nhỉ? Trừ văn, toán, tiếng Anh ra thì có Hóa là tốt nhất. Toán được 150 điểm đúng không? Nếu chuyển về thang 100 điểm thì còn chẳng bằng môn Hóa cơ.” Mẹ cậu quay đầu lại nhìn, “Thầy dạy Hóa vừa mới đến kia dạy không tệ nhỉ?”
Thật ra Lý Gia Đồ không biết Tô Đồng có dạy được hay không, chỉ là cậu thích nghe anh giảng bài hơn thôi. Ít nhất là học kỳ trước là vậy. Với chuyện này, Lý Gia Đồ gãi trán, bâng quơ đáp, “Cũng được ạ.”
“Môn khác cũng phải cố gắng nhé. Hầy, ba con không muốn nói con đấy thôi, chứ thật ra với thành tích cấp hai trước kia của con, thi cử như bây giờ cũng khiến ông ấy lo lắm. Nhưng trường con lại là nơi tập trung toàn bộ học sinh mũi nhọn từ các trường cấp hai đến, trước kia ai cũng ở hạng đầu, chắc chắn sẽ khác hơn rồi…” Lời an ủi từ miệng bà nói ra cứ như đang lẩm bẩm. Bà tiếp tục vặt lông gà, dông dài tiếp, “Cũng không phải căng thẳng gì nhé. Ở trường con gặp phải chuyện gì không vừa ý thì cứ nói với ba mẹ. Cả ba và mẹ đều tin tưởng ở con, còn một năm rưỡi nữa, cố lên.”
Lúc nghe thấy chính mẹ nói hai chữ “tin tưởng”, Lý Gia Đồ không khỏi cười nhạt một tiếng trong lòng. Nhưng trên mặt cậu không lộ vẻ gì, nhanh nhẹn gật đầu, “Con biết rồi ạ.”
Ngồi xổm quá lâu khiến hai chân Lý Gia Đồ run rẩy. Cậu nói với mẹ là về phòng đọc sách, sẽ không nói chuyện cùng bà nữa.
Cũng không lâu sau, cậu ngửi thấy mùi bay tới từ phòng bếp — là hương vị thịt gà được nấu chín. Ba cậu cũng nhanh chóng tan tầm về nhà, mẹ cậu đợi ông xử lý con gà vừa được nấu xong, hai người cùng bận bịu nơi phòng bếp.
Lý Gia Đồ đi ra cửa phòng, muốn xem bữa cơm năm cũ này sẽ ăn những gì. Nhưng cậu lại thấy được phong bì trên bàn trà phòng khách đầu tiên, vừa liếc mắt đã nhận ra đây là phiếu thông báo thành tích thi cuối kỳ mà trường cậu gửi về.
Cậu nhìn về phòng bếp, cầm phong bì lên xem. Dù trên phong bì có viết tên của cậu nhưng đã được mở ra, chuyện này Lý Gia Đồ không cảm thấy bất ngờ gì lắm. Bởi vì trên mép có một con dấu đỏ với hai chữ “Phiếu điểm” đã chứng minh đây không được tính là thư riêng.
Lý Gia Đồ lấy phiếu điểm bên trong ra, nhìn từ đầu tới cuối, rốt cuộc cũng thấy tên của mình ở vị trí thứ sáu từ dưới đếm lên. Trái tim cậu bỗng ngừng đập. Cậu khó có thể tin nổi mà nhìn những con số bên cạnh tên mình, hoàn toàn ngừng thở.