Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết

Chương 49:




Một thời gian ngắn sau khi cuốn phim ra mắt khán giả, tôi đến Đại sảnh đường Camegie dự cuộc hội thảo của Phong trào quốc gia giải phóng phụ nữ với Osano và Charlie Brown. Cuộc hội thảo nêu tên Osano như là người phát ngôn duy nhất cho cánh đàn ông nói riêng và giống đực nói chung.
Trước đó chúng tôi đi ăn tối lại Pearl s, nơi Charlie Brown làm trố mắt đám phục vụ khi một mình nàng xơi hết nguyên một con vịt tiềm kiểu Bắc Kinh, rồi một đĩa cua nhồi thịt, một đĩa sò huyết với xốt dầu mè, một con cá tai tượng chưng tương và làm sạch láng những phần còn lại trong cái đĩa của Osano và của tôi mà vẫn không làm nhạt đi son môi của nàng. Khi chúng tôi ra khỏi taxi trước mặt Đại sảnh đường Camegie, tôi cố thuyết phục Osano đi trước và để tôi theo sau với Charlie Brown trong tay tôi để quý bà sẽ nghĩ rằng nàng cặp với tôi. Nàng quá giống một kiều nữ giang hồ theo truyền thuyết khiến nàng dễ chọc giận những người cánh tả của cuộc hội thảo.
Nhưng Osano, như thường lệ rất ương ngạnh. Ông muốn mọi người biết rằng Charlie Brown là người đàn bà của ông. Vì thế khi chúng tôi đi dọc theo lối đi giữa để tiến về phía trước tôi bước theo sau họ. Trong khi làm như vậy, tôi quan sát các vị nữ lưu ở trong phòng. Điều kỳ quặc duy nhất nơi họ đó là họ đều là đàn bà và tôi nhận ra rằng nhiều lần trong quân đội, trong viện mồ côi, trong các cuộc chơi bóng, tôi đã quen thấy hoặc là toàn đàn ông hoặc phần lớn là đàn ông. Lần này thấy đâu đâu cũng toàn là đàn bà, đối với tôi là một cú sốc, như thể tôi đang lạc vào một hành tinh lạ.
Osano được chào đón bởi một nhóm phụ nữ và dẫn đến khán đài. Charlie Brown và tôi ngồi nơi hàng ghế thứ nhất. Tôi ước phải chi chúng tôi ngồi phía sau, để tôi có thể lẻn chuồn ra khi nào muốn. Tôi bồn chồn đến độ, tôi chỉ nghe mơ hồ tiếng được tiếng mất các diễn văn khai mạc, và rồi bỗng dưng Osano được dẫn đến bục diễn giả và được giới thiệu. Osano đứng yên một hồi chờ đợi những tràng pháo tay chào đón không bao giờ đến.
Phần lớn quý vị phụ nữ tại đó đều đã từng bị xúc phạm bởi những bài luận văn bút chiến mang chất sô vanh giống đực cực kì hiếu chiến và phát xít của ông đăng trên các tạp chí dành cho đàn ông nhiều năm trước đây. Vài người lại cảm thấy bị xúc phạm bởi vì ông là một trong những nhà văn hàng đầu của thế hệ họ và họ ganh tị với thành tựu của ông. Và rồi còn có vài kẻ ngưỡng mộ ông họ vỗ tay khá yếu ớt để phòng hờ trường hợp diễn văn của Osano gặp sự bất bình từ phía hội nghị.
Osano đứng ở bục diễn giả, một vóc dáng đồ sộ. Ông chờ một hồi lâu; rồi ông dựa vào diễn đàn một cách ngạo mạn và nói chậm rãi, phát âm rành rọt từng lời.
- Ta sẽ chiến đấu với các người hay ta sẽ ngủ với các người.
Cả đại sảnh vang ầm lên những tiếng hú hét, tiếng huýt sáo, tiếng la ó phản đối rần rần. Osano vẫn cứ cố đạp bừa để tiến lên. Tôi biết ông dùng câu mở đầu ngổ ngáo kia với dụng ý chộp bắt sự chú tâm của công chúng thính giả. Chứ thật ra ông định phát biểu một diễn văn bênh vực giải phóng phụ nữ, nhưng ông chẳng bao giờ có cơ hội để làm điều ấy. Những tiếng hú hét la ó càng lúc càng ầm ĩ và mỗi lần Osano cố nói thì chúng lại vang lên cho đến khi Osano phải nghiêng mình cúi đầu chào thua và rời khỏi diễn đàn, bước xuống sân khấu. Chúng tôi theo ông dọc theo lối đi giữa và ra khỏi cửa của Đại sảnh đường Camgie. Những tiếng hú hét la ó bây giờ lại chuyển thành những loạt vỗ tay reo hò, để nói với Osano ông đang làm điều mà họ muốn ông làm. Tức là cút đi cho khuất mắt họ.
Osano không muốn tôi về nhà với ông tối đó. Ông muốn ở một mình với Charlie Brown. Nhưng sáng hôm sau tôi nhận được một cuộc gọi từ ông - ông muốn tôi giúp ông một việc.
- Nghe này, - Osano nói. - Tôi sắp đến đại học Duke ở Bắc Carolina, vào dưỡng đường ăn kiêng của họ. Nó được coi là nơi làm giảm cân tốt nhất ở Mỹ và họ cũng giúp cho bạn khoẻ mạnh. Có điều phiền là Charlie muốn đi theo tôi. Anh có thể nào tưởng tượng cô ta lại ăn kiêng suốt hai tháng trời được? Vì thế tôi bảo là cô không ở đó được đâu. Nhưng tôi phải mang chiếc xe tới đó và muốn cậu lái nó giùm tôi. Chúng ta cùng đem xe đến đó và cùng nhau chạy lăng quăng trong thành phố chơi ít ngày và biết đâu lại được những trận cười thoả thích đấy.
Tôi nghĩ qua chuyện đó trong một phút và rồi tôi nói:
- Được thôi.
Chúng tôi hẹn nhau vào một ngày của tuần sau.
Tôi bảo Vallie tôi sẽ đi độ ba hay bốn ngày. Rằng tôi sẽ lái chiếc xe của Osano đi với ông ấy. Ở với ông ít ngày cho ông ổn định tinh thần rồi tôi sẽ bay trở về.
- Nhưng tại sao ông ta không thể tự lái xe?
Vallie hỏi.
- Ông ấy thực sự không có vẻ khoẻ, - tôi nói.
- Anh không nghĩ ông ấy trong tình trạng thể lực và tinh thần đủ tốt để lái xe liên tục trong tám giờ.
Lời giải thích đó có vẻ làm thoả mãn Vallie nhưng có một điều vẫn còn làm tôi bực bội. Tại sao Osano không muốn dùng Charlie làm tài xế cho ông?
Đến đó có thể để cho nàng trở về ngay bằng máy bay, như thế cái lý do ông nại ra với tôi về chuyện không muốn nàng phải ăn kiêng theo ông cả mấy tháng liền là một lý do rởm. Rồi tôi nghĩ có lẽ ông đã "ngấy" nàng Charlie và đây là cách để ông thoát khỏi nàng. Tôi cũng chẳng hơi đâu phải lo con bò trắng răng. Có khối anh chờ mang nàng về để mà chăm chút bảo trọng cho nàng. Cũ người mới ta ấy mà. Có như thế để ai cũng có chỗ đứng dưới ánh mặt trời chứ?
Thế là tôi lái xe đưa Osano đến dưỡng đường của đại học Duke bằng chiếc Cadillac của ông, và Osano trông có vẻ khoẻ hơn ra.
- Tôi thích vùng này của đất nước chúng ta hơn, - Osano nói khi chúng tôi đi vào các bang Miền Nam. - Tôi yêu cách họ sùng kính Jesus Christ nơi đây. Đây là một trong những nơi tuyệt vời nhất trên hành tinh này. Khi nghĩ về cuộc đời mình, phải chi tôi đã là một nhà lãnh đạo tôn giáo thay vì một nhà văn. Như vậy sẽ hay hơn biết bao.
Tôi không nói gì. Chỉ lặng im nghe. Cả hai đều biết rằng Osano không thể là cái gì khác hơn là một nhà văn và tôi biết rằng ông đang theo một đường bay ảo tưởng của riêng mình.
Rồi ông nói về nếp sống của người miền Nam, về tín ngưỡng của họ, từ đó ông lại bình loạn lung tung về các tu sĩ và giáo hội với những lời lẽ phạm thượng, báng bổ nặng nề mà tôi không dám ghi lại ra đây ông tiếp tục cuộc "hoằng dương đạo pháp" theo hướng nghịch đó trong suốt năm mươi dặm đường tiếp theo. Rồi ông chuyển tông qua văn học nghệ thuật, rồi ông bàn về các chính trị gia và cuối cùng gần đến đoạn cuối cuộc hành trình, ông nói về Phong trào giải phóng phụ nữ.
- Cậu biết là, - ông nói - điều buồn cười là mình thực sự vì họ mà họ lại không biết, không chịu để cho mình nói hết lời. Điều phiền với đàn bà là vậy. Họ tuyệt đối không có chút ý thức hài hước nào. Họ không hiểu rằng tôi nói đùa, và sau đó tôi sẽ bênh vực cho họ?
Tôi nói với ông:
- Sao ông không đăng bài diễn văn lên tờ báo, tờ Esquire chẳng hạn, và họ sẽ hiểu ông hơn?
- Ờ nhỉ, - Osano nói. - Có lẽ khi ở trại giảm cân tôi sẽ gọt dũa lại bài diễn văn ấy để khi lên báo nó được hoàn chỉnh hơn.
Cuối cùng tôi cũng dành trọn một tuần ở với Osano tại dưỡng đường của đại học Duke. Trong tuần lễ đó tôi đã thấy nhiều người béo phục phịch - từ cỡ hai trăm năm mươi đến trên ba trăm pao - nhiều hơn tổng số người béo mà tôi thấy trong cả đời gộp lại.
Trung tâm Y khoa của Đại học Duke không nhắm đến việc làm giảm cân vì lý do thẩm mỹ mà là một nỗ lực nghiêm túc để sửa chữa những tổn hại tác động vào cơ thể con người bởi những thời kỳ vượt thể trọng kéo dài. Mỗi khách hàng mới đến phải qua nhiều ngày làm một thứ trắc nghiệm máu và chụp X-quang. Vì thế tôi ở lại với Osano và kèm sát để ông đến các nhà hàng ăn kiêng.
Lần đầu tiên trong đời, tôi nhận thấy mình quả là may mắn. Đó là dù tôi ăn uống cỡ nào hay ăn những thức bổ dưỡng đến mấy, tôi cũng không hề lên cân.
Bởi tại đây tôi đã chứng kiến nhiều cảnh vừa thảm não vừa buồn cười của những người "quá tải".
- Sống nơi đây ông sẽ có một thời gian hay lắm đấy, tôi bảo Osano. - Có biết bao chất liệu.
- Chẳng có quái gì đâu, Osano nói. - Người ta có thể viết một bi kịch về những người gầy còm, chứ không bao giờ có thể viết một bi kịch về những người béo phì. Người ta có thể khóc than cho nàng Camille ốm yếu hồng nhan bạc mệnh chứ làm sao có thể khóc nổi cho một cái túi căng phồng ba trăm pao thịt và mỡ? Tự thân nó, thật ra, là một sự kiện bi thảm nhưng trông lại chả ra làm sao. Không có nhiều đất để nghệ thuật tung hoành đâu.
Ngày sau đó là ngày cuối cùng làm các thử nghiệm của Osano và tôi dự định bay trở về New York vào tối hôm đó. Osano đã ứng xử tốt. Ông đã theo đúng mức chế độ ăn kiêng của trung tâm và ông đang cảm thấy thư thái vì có tôi bầu bạn. Khi Osano đến Trung tâm Y tế để lấy các kết quả xét nghiệm, tôi thu xếp hành trang trong khi chờ đợi ông quay về khách sạn.
Osano không xuất hiện cho đến bốn giờ sau đó. Mặt ông linh hoạt hẳn lên vì phấn khởi. Đôi mắt xanh lục của ông lại nhảy múa với màu sắc tinh anh lúc trước.
- Mọi chuyện ổn cả chứ? - tôi hỏi.
- Chắc cú lắm rồi. - Osano nói.
Thoáng trong một giây, tôi không tin ông. Ông có vẻ quá phấn khởi, quá lạc quan.
- Mọi chuyện hoàn hảo không thể nào tốt hơn. Cậu có thể an tâm quay về nhà tối nay và mình phải nói rằng cậu đúng là hảo bằng hữu. Không ai làm được những điều cậu đã làm vì mình, ăn chay từ ngày này qua ngày khác, và tệ hơn nữa, là phải nhìn ngắm những thị mẹt phục phịch nặng hàng ba trăm pao, vừa đi vừa lắc những bộ mông khổng lồ. Dầu cậu có phạm bất cứ tội lỗi nào chống lại tôi, tôi cũng sẵn sàng hỉ xả cho cậu.
Và trong một lát, đôi mắt ông rất dịu dàng, rất nghiêm trang. Có một biểu hiện rất khả ái trên khuôn mặt ông:
- Ta hỉ xả cho anh, - ông nói. - Hãy nhớ điều đó, cậu có lỗi với ta lắm, ta muốn cậu biết điều đó.
Và rồi, một lần trong rất hiếm khi kể từ lúc chúng tôi quen biết đến nay, ông ôm tôi thân mật. Tôi biết ông không muốn tỏ vẻ xúc động, trừ phi với đàn bà và tôi biết ông không ưa biểu lộ tình cảm. Tôi ngạc nhiên, nhưng tôi không thắc mắc về chuyện ông ám chỉ gì khi nói hỉ xả cho tôi bởi vì Osano vốn tinh ranh sắc sảo lắm. Ông ta thật sự tinh khôn hơn bất kì ai mà tôi từng biết, cho nên một cách nào đó ông biết lý do tại sao tôi đã không đưa công việc viết kịch bản ở Tri-Culture Studio cho ông. Ông đã tha thứ, thế là tốt thế là đúng phong cách Osano. Ông thực sự vĩ đại qua hành động đó. Điều phiền duy nhất là chính tôi lại chưa tha thứ nổi cho mình.
Tối hôm đó tôi rời đại học Duke và bay về New York. Một tuần sau tôi nhận được cú gọi từ Charlie Brown. Nàng có một giọng nói dịu dàng, ngọt ngào hồn nhiên như trẻ thơ và nàng bảo:
- Merlyn, anh phải giúp em.
Và tôi hỏi:
- Có gì vậy?
Nàng đáp:
- Osano đang hấp hối, ông đang nằm viện. Làm ơn, anh làm ơn đến ngay nhé.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.