Những Mùa Hoa Mãi Nở

Chương 26: Mai vàng ngày tết




Sáng điện thoại réo liên tục, tôi quờ quạng người bên cạnh sớm đã không thấy đâu. Cầm điện thoại trong tay tôi mới nhận ra không phải là tiếng chuông quen thuộc hàng ngày của mình. Nhưng vì hai cái điện thoại có cùng kiểu dáng y hệt nhau nên chỉ cần nhắm mắt tôi cũng quẹt được nút trả lời.
“A lô?” Tôi uể oải vì ánh nắng chiếu vào phòng khiến tôi không thích ứng được mở mắt ra lại cảm thấy đau.
“A lô, ai vậy?” Là một giọng nữ trầm ấm dễ nghe.
“Tìm Phát à? Lát điện lại sau nha. Đang ngủ.” Tôi lớ mớ nói năng lộn xộn, nếu đầu dây bên kia đủ thông minh có lẽ sẽ hiểu được tôi nói gì, nếu không thông minh thì cũng mặc kệ.
Hôm nay tiệm bắt đầu nghỉ tết, vậy mà bị phá rối!
Kì nghỉ tết của tôi cũng giống như mấy học sinh cấp ba, nghỉ nhiều hơn cũng được, vậy nên năm nào tôi cũng thoải mái đi chơi.
Vì thời gian hạnh phúc thường không kéo dài, nên tôi cố tận dụng khoảng thời gian này vui cười được ngày nào thì hay ngày đó. Thời gian bên Phát, tôi biết sẽ có lúc phải đối diện với sự thật, rằng qua tết lúc cậu ấy dự lễ trao bằng tốt nghiệp thì mọi việc có lẽ sẽ không theo hướng mà tôi mong chờ.
Hỏi trong lòng có muốn kết hôn với cậu ấy không á? Nếu nói không thì là tôi đang lừa gạt chính bả thân mình, còn nói có, thì cũng không chắc. Lúc nào tôi cũng thừa nỗi sợ và thiếu tự tin. Có lúc tôi biết chỉ cần mạnh dạn nắm chặt lấy cơ hội này, cố vun vén cho tốt thì cuộc sống sau này mãi mãi có cậu ấy. Nhưng tôi cũng không phải một đứa ích kỉ chỉ nghĩ đến mình, nên giờ cố gắng tận hưởng có lẽ cũng là giờ phút cuối cảm thấy chúng tôi giống một đôi đang yêu nhau.
Hai mươi tám tết cùng nhau đi dạo chợ hoa, nhìn những chùm đèn rực rỡ trên đầu, trong lòng chợt dâng lên bao niềm vui khó tả. Trời lạnh, đan tay vào nhau đi từ đầu đến cuối con đường hoa, rực rỡ, lung linh. Quay đầu sang nhìn nửa bên mặt của cậu ấy, cái mũi cao, gương mặt điềm đạm có vẻ lạnh lùng này đã ở bên tôi đi qua một phần ba đời người. Quãng đời tiếp theo sẽ như thế nào? Vấn đề này đối với một đứa không có năng lực phán đoán lẫn nắm giữ như tôi có vẻ khó nuốt. Tôi cũng không biết ngày mai trời nắng hay u ám thế nào, chỉ hôm nay nguyện ý nắm tay nhau đi như thế này là đủ.
Như cảm nhận được ánh mắt của tôi, cậu ấy quay lại mỉm cười: “Nhìn gì vậy?”
“Không có gì, chỉ là bông hoa bên kia đẹp quá.”
Cậu ấy đưa tay véo mũi tôi, “Nếu muốn sau này chúng ta sẽ xây nhà có hẳn một ban công đầy hoa, giờ mua hoa nữa e rằng không còn chỗ để đâu.”
Rồi lại dịu dàng nắm tay tôi đi tiếp. Tôi có một giấc mơ chỉ cần nắm tay cậu ấy như thế này, mãi không đổi dời là đủ rồi.
Đêm ba mươi, bữa tiệc nhỏ của hai gia đình tổ chức rôm rả dưới sân. Trong bàn ăn có đủ món của ba đứa nhỏ tôi thích, ba mẹ tôi cùng ba mẹ Phát khui rượu chúc mừng nhau.
Hai ông bà lặng lẽ nhìn chúng tôi nói chuyện, mỉm cười sung sướng. Cô Diễm phụ họa một câu: “Thời gian trôi qua nhanh quá, mấy nhóc cũng đã lớn từng này.”
“Ừ, lớn cả rồi, năm sau yên bề gia thất cho tụi nó hết là hai thân gia tụi mình đỡ lo rồi.”
Khi pháo hoa đầu tiên bắn lên nền trời, tôi đứng lên ban công cạnh cửa phòng nhìn mọi thứ lung linh rực sáng lên rồi chớm tắt. Chậu mai vàng rung rinh nghiêng mình đón sương, chào mùa mới, mùa của những gì tươi đẹp nhất. Nhưng tôi biết, pháo hoa sẽ tắt, hoa xuân sẽ tàn, cũng có thể những tháng ngày vui vẻ của tôi và cậu chỉ có vậy.
Đứng dựa lưng vào nhau, tôi đứng giữa Phát và nhóc Huy, hai bờ vai cao lớn che chở cho đứa con gái nhỏ giống y hệt như ngày còn nhỏ. Thời gian giống như một tấm rèm, chỉ cần vén lên sẽ thấy phía trước, nhưng là phía trước sẽ phải đối mặt với những gì thì không ai biết được. Ai chạm đến bức rèm đó cũng sẽ do dự, phải không?
Nhóc Huy rất biết điều, khi cái pháo hoa cuối cùng tắt ngấm trên nền trời nó cũng lén đi xuống lầu, chỉ còn lại hai chúng tôi. Trong thời khắc năm mới, tôi không muốn lỡ miệng nói điều gì không may nên chỉ đứng yên đó. Phát kéo vai tôi lại, hỏi: “Lạnh không?”
Tôi không ngước lên, chỉ khẽ lắc đầu. Đứng đó độ mười phút, Phát mới bảo: “Vào nhà thôi, sáng mai còn đi chúc tết sớm nữa.”
Tôi quay người vào nhà thì cậu ấy kéo lại, ôm tôi. Phía trên đỉnh đầu chỉ nghe giọng nói trầm ấm như một luồng hơi thổi vào đêm đông tịch mịch: “Mây, năm mới vui vẻ.”
Tôi cũng mỉm cười dù biết cậu ấy không thấy, “Phát, năm mới vui vẻ.”
Thời khắc chuyển giao, gọi tên nhau như lúc bé. Lúc bé chúng tôi thường nói chuyện với nhau như vậy, chỉ xưng tên. Lớn lên có bạn bè, hai đứa nói chuyện ít gọi tên nhau, nhưng lâu lâu gọi lại sẽ có cảm giác lắng đọng và êm đềm như ngày bé.
Cậu ấy hôn nhẹ lên trán tôi rồi hai đứa cùng nhau đi xuống lầu, nhiệt độ trên trán vẫn còn ấm như mùi hương của cậu vẫn mãi quanh quẩn nơi này, chưa bao giờ rời xa. Giá mà tình cảm cậu ấy dành cho tôi cũng dịu dàng như cách mà cậu đối xử. Giá mà trước giờ chúng tôi chưa từng có hơn hai mươi năm làm bạn thân, chưa từng cùng nhau trải qua bao thăng trầm có lẽ tôi sẽ can đảm tiến về phía trước nắm lấy tay cậu thử đánh cược một lần. Tiếc là mọi thứ bây giờ còn xa xôi quá.
Tôi nhìn lên nền trời đen kịch, với những ngôi sao nhỏ lấp lánh, "hai mươi sáu tuổi vui vẻ!" tôi thầm nhủ rồi bước nhanh xuống lầu, bỏ lại tuổi hai mươi lăm còn vấn vương đâu đó…
Mùng một, mùng hai, về thăm ông bà, gặp lại những chị em lâu ngày mới có dịp hội tụ, Phát vẫn đi theo tôi như mọi năm nhưng mọi người lại cứ nhìn chúng tôi khang khác. Tôi và cậu ấy vẫn chí chóe nhau, tranh đoạt đồ ăn rồi chơi với mấy đứa nhóc trong nhà. Nhìn cậu ấy chơi bài cào mà thua tơi tả quay sang mượn tiền lẻ tôi còn cố tình bắt cậu ấy viết giấy nợ.
“Mới mùng hai đã bị thiếu nợ rồi!”
“Vậy có mượn hay không?”
“Mượn.”
“Nè!”
“Đúng là tôi nợ cậu cả đời.”
Cuối cùng cậu ấy cũng gỡ gạc được kha khá nhưng rồi cũng chia tiền lì xì cho mấy đứa nhóc cả. Còn dày mặc khất nợ tôi.
“Không có tiền trả chỉ có thân này thôi, lấy đi.”
“Mặt cậu cũng quá dày rồi!” Tôi đá đá vào chân cậu ấy, có ai đầu năm đầu tháng đi mượn tiền còn cố tình không trả không.
“Cám ơn, cám ơn.”
“Không cần.”
Đồ đại gia con nhà giàu bủn xỉn keo kiệt lại tự kỉ!
“Chiều nay thăm ông đi, ông gọi bảo cậu đến.” Phát nhìn tôi cắn hạt dưa rồi mỉm cười. Không hiểu sao thấy nụ cười cậu ấy có vẻ gian.
“Ừ.” Mấy năm không có cậu ấy tôi vẫn đều đặn đến thăm ông mà.
Lúc đến nhà ông đã là buổi chiều. Bình Minh đầy nắng, dù bao năm qua tốc độ thay đổi nơi này rất chậm so với bãi bồi bên đây sông, thành phố thân yêu của tôi nhưng ông vẫn thủy chung ở lại nơi này. Nắng xuyên qua tán cây, cuối chân trời là một màu đỏ rực. Mấy năm qua dãy nhà cổ kính này vẫn uy nghiêm đứng đó, như ông. Ông từng là người ông uy phong mà tôi ngưỡng mộ, ông không nói nhiều, nhưng mỗi lời ông nói ra đối với tôi sẽ là một sự ảnh hưởng lớn. Ông không hiền từ như ông ngoại tôi, trong người ông toát ra một hơi thở khiến ai đến gần cũng không dám động vào.
“Cháu chào ông, dượng út, cô út, anh, chị.” Chào khắp một lượt mọi người mới gật đầu chào lại.
Chị Ngọc giờ đã là một người phụ nữ đỉnh đạt, có chồng, có con. Nỗi lo của cô Út năm xưa xem như không cần bận tâm nữa. Anh rể là một người đàn ông thư sinh nho nhã, không phải dạng phong lưu như Phát. Anh mang đến cho người đối diện một cảm giác an toàn, có lẽ vì vậy chị Ngọc mới chọn anh làm điểm dừng của cuộc đời mình.
Phát gật đầu với mọi người rồi nói: "Con về rồi!" xem như chào hỏi, cậu ấy biếng nhác vươn người đón lấy đứa bé đang ăn trong tay chị Ngọc. Thằng bé thấy người lạ khóc ré lên, Phát lấy điện thoại ra dụ nó, nó vuốt vuốt màn hình hiện lên những hình ảnh sống động lung linh thì nín khóc còn quay lại cười toe. Con nít thật dễ dụ.
“Hai đứa ngồi xuống ăn cơm rồi đi tắm rửa đi, tối mấy bác có bày tiệc xem ra cũng là ra mắt cháu dâu tương lai của ông.”
“Không cần đâu ông, tụi cháu ăn bên ngoại Mây rồi.” Nói xong Phát lau lau khóe miệng cho thằng nhóc, “Nó ăn xong rồi phải không? Em với Mây giữ nó cho, cả nhà ăn cơm đi.”
Ông cũng không nói gì tỏ vẻ đồng ý tiếp tục ăn, chị Ngọc đưa cho tôi bình nước với khăn lau mặt trên bàn. “Hai đứa giữ nó lát đi, chị lên sau.”
Tôi đi theo sau lưng phát lên lầu. Thằng nhóc hơn một tuổi rồi, đi chưa vững, cũng nói bập bẹ vài câu. Bình thường tôi hay sang đây chơi nên nó với tôi không xa lạ gì. Thằng nhóc quậy đến hai đứa tôi chóng cả mặt. Chị Ngọc lên Phát và tôi cùng thở phào, giữ em bé không phải chuyện dễ dàng gì.
“Em vào tắm đi, để nhóc chị giữ.”
Chị Ngọc đỡ lấy nhóc con trên tay Phát, cậu ấy cũng đến tủ tìm đồ đi vào nhà tắm. Phòng này của Phát, nơi mà cậu ấy và nhóc Huy hay ngủ. Tôi bình thường tới chơi qua đêm đều ngủ lại đây nên có vài bộ đồ để sẵn.
“Em quyết định rồi à?” Tôi đang dựa người nhìn ra ra, phía xa xa ba mẹ Phát đang lái xe tới.
Tôi hoàng hồn, quay lại nhìn thấy gương mặt nghiêm túc của chị. Tôi khẽ lắc đầu: “Em không biết. Mọi thứ đến chông chênh quá. Thuận theo ý Trời thôi chị ạ.”
Trong lòng tôi vẫn nghĩ chỉ cần có cậu ấy bên cạnh thì không có gì phải sợ. Nhưng cũng chỉ bản thân tôi biết mình sợ hãi biết nhường nào. Cậu ấy có thể lo lắng cho tôi, quan tâm tôi, xem tôi như sinh mệnh cuộc đời mình, cậu ấy có thể hôn tôi, có thể tự nhiên ôm tôi ngủ, càng khiến tôi chìm đắm càng khiến tôi biết được thứ tôi chạm đến không phải là trái tim cậu, mà là lòng trắc ẩn tận sâu trong lòng cậu dành cho tôi.
Thật ra, một mình tôi chống đỡ cảm giác đó cũng khó chịu lắm chứ. Không phải tôi không muốn biết mối quan hệ của cậu ấy với thế giới ngoài kia, chỉ là nó quá lớn, cũng quá nhiều phức tạp. Tôi không muốn tự mình ôm vào người những đau khổ mà lý ra tôi không cần biết.
Nhìn cậu ấy vô tư như cậu nhóc mười mấy tuổi ngày nào tôi cảm thấy vui. Vì hình ảnh tôi giữ khư khư trong lòng về cậu bao nhiêu năm qua vẫn không đổi. Có lẽ lỗi do tôi quá cố chấp…
Tôi bước đến, ngồi xuống giường, tiếng nước trong phòng tắm vẫn không dừng lại. Chị Ngọc nắm lấy tay tôi: “Không cần quá lo lắng, tin vào Phát đi, nó làm chuyện gì trong lòng nó đều rõ kết quả, sẽ không để em tủi thân.”
Tôi cười trấn an chị. Thật ra thay vì cười tôi càng muốn khóc. Cậu ấy làm như vậy khiến tôi áy náy, khiến tôi hiểu rõ được lòng cậu nhưng không thể nói ra, khiến tôi biết cậu vì tôi, nhưng sao tôi không nhìn rõ được lòng mình? Nếu giao trái tim ra, người tổn thương sẽ chính là bản thân.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.