Những Người Tình Cô Đơn Kỳ Lạ Của Tôi

Chương 4:




Cuộc sống của tôi ở nhà Tee khá dễ chịu. Tôi đã quá quen thuộc với căn nhà ấy đến mức đôi khi không khí ở đó vẫn làm tôi nhầm tưởng như mọi việc vốn chẳng có gì thay đổi, như khi tôi vẫn lê la ở nhà Tee nhiều giờ đồng hồ trước khi về nhà. Chỉ có những lúc hì hụi dọn nhà hay đến giờ nấu cơm, tôi mới chợt nhớ sự ngớ ngẩn của mình. Nực cười là mọi việc sẽ lặp lại y hệt như thế vào ngày hôm sau. Cứ như một cuốn băng được tua đi tua lại mà ta còn nghe rõ mồn một tiếng tua băng rồn rột của cái đài cát-sét cũ.
Tình bạn của chúng tôi bắt đầu từ hồi lớp Một, khoảng thời gian thật khó khăn khi bố mẹ tôi ly dị. Khác với đa số gia đình hạnh phúc của bọn bạn cùng lớp, Tee sống cùng ông bà nội và chị gái. Có thể vì cái hương vị không trọn vẹn ấy mà tôi ngay lập tức bị thu hút bởi cảm giác mỗi khi ở bên Tee. Sự hiện hữu của Tee, đối với tôi, là một lời khẳng định sâu sắc rằng chúng tôi đều có thể sống tốt mà không cần mẹ. Tôi yêu bố và Tee cũng vậy. Thế thôi đã là quá nhiều để bắt đầu yêu mến nhau.
Suốt năm năm cấp một, đầu tóc và quần áo của Tee lúc nào cũng ngắn ngủn, bụi bặm như lũ con trai. Vì thế, Tee thường xuyên là đối tượng trêu chọc của lũ bạn cùng lớp. Cái kiểu trêu chọc ít ác ý nhưng thừa sức gây ra những nỗi ám ảnh kéo dài đến cả đời. Đến tận bây giờ, Tee vẫn không dám để tóc ngắn cũng như khoác lên mình bất cứ món đồ nào ít nữ tính hơn mức bình thường. Cô nàng thường tự bào chữa cho nỗi sợ của mình bằng nụ cười ngượng nghịu bất lực và nói như thể trách móc: “Bệnh tâm lý ấy mà!”
Tôi đã chẳng hề thấy phiền chút nào về bộ dạng đó của cô. Tôi chẳng thấy đầu tóc hay cách ăn mặc của cô có gì lạ thường. Có lẽ, một phần vì tôi ăn mặc cũng hài hước chẳng kém gì cô. Khi những bộ cánh xinh xắn của mẹ sắm cho từ nhỏ bắt đầu chật, tôi chỉ trung thành với hai cái quần đồng phục học sinh màu xanh tím than mà mỗi năm một lần bố tôi lại mua chúng ở cửa hàng bách hóa. Đi kèm với hai cái quần ấy là những cái áo rộng thùng thình già nua và lỗi mốt của mẹ tôi để lại.
Có thể, đó là một trong những nguyên nhân khiến chúng tôi bị đám con gái có vẻ ngoài đáng yêu ở lớp kì thị. Chúng không nói chuyện, không chơi cùng, thậm chí còn chẳng thèm ban phát một cái liếc nhìn khi chúng tôi bước vào lớp nhưng lại sẵn sàng nhìn chăm chăm vào đôi bitis cũ mòn đã bắt đầu bốc mùi của Tee trong cả buổi chiều và rúc rích với nhau mỗi khi cố ý lia ánh mắt khinh bỉ qua chúng tôi.
Mỗi lần ngắm lại những bức ảnh hai đứa chụp chung hồi cấp một, tôi đều không lấy làm lạ khi lũ con gái được yêu chiều chăm chút như những con búp bê đắt tiền ấy lại sẵn sàng cư xử với chúng tôi lạnh lùng, tàn ác đến như thế.
Dẫu vậy, năm năm cấp một vẫn luôn là thời gian hạnh phúc vô tư nhất của cả tôi và Tee. Chúng tôi đã thực sự có những giây phút hạnh phúc vô lo tuyệt vời. Không lo lắng vì bề ngoài, chẳng cần lo lắng về suy nghĩ của người khác, không ám ảnh bởi cảm giác mình có được yêu hay không, cũng chẳng phải nghĩ ngợi trước khi làm điều gì. Với tuổi thơ, có lẽ sống cũng đơn giản như việc hít thở vậy.
Khi còn nhỏ, tôi đã có một ước muốn kì cục. Mỗi khi mọi giác quan của tôi giãn ra trong hạnh phúc, tôi luôn nhắm mắt lại và ước thầm, giá mọi thứ cứ mãi như thế này, đừng bao giờ thay đổi. Tôi không nhớ rõ tại sao một con bé vẫn còn làm rách đũng quần sau mỗi ngày lê la ấy lại có thể có mong ước kì lạ như thế. Nhưng chắc chắn một điều, suy nghĩ kì lạ ấy đến với tôi sau khi mẹ rời khỏi gia đình. Đương nhiên, chẳng bao giờ tôi băn khoăn vì sao mình có suy nghĩ ấy.
Năm chúng tôi học lớp Năm, bà nội Tee qua đời. Với kiểu tư duy ngu ngơ của tôi, đơn giản chỉ là từ nay không còn nhìn thấy bà của Tee nữa. Điều đó cũng không làm nên cái gì thực sự chấn động. Giống như từ hồi bố mẹ ly hôn, tôi cũng không còn nhìn thấy mẹ. Có lẽ, tôi đã giỏi bảo vệ mình từ hồi còn bôi nước mũi ra tay áo ấy.
Nhưng với Tee, tôi đã hoàn toàn tin chắc, từ cái hồi lớp Năm ấy, cô đã đồng ý ký vào thứ giấy thông hành một chiều vào một thế giới khác – nơi tôi đã tìm đủ mọi cách để trốn chạy.
_________________

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.