Nữ Nhân Sau Lưng Đế Quốc: Thiên Thu Vị Hoàng

Chương 778:




Thẩm Nguyệt cụp mắt, hai mắt cay xè: “Thấy chàng ngủ ngon quá nên không quấy rầy chàng”.
Tô Vũ đáp: “Nếu nàng gọi ta, ta có thể tỉnh táo bất cứ lúc nào”.
Hắn vẫn luôn đợi Thẩm Nguyệt.
Thế nhưng hắn nghĩ, có lẽ Thẩm Nguyệt cũng không muốn tới tìm hắn, cũng không muốn trông thấy hắn.
Thẩm Nguyệt ngập ngừng nhưng vẫn nói: “Sau này chàng phải cảnh giác chút, nếu có người đến, chàng phải phát giác ra ngay”.
Bây giờ nàng đứng ở đây một lúc lâu cũng không thấy Tô Vũ tỉnh dậy, chắc hẳn hắn mệt lắm rồi. Tuy nàng không nói ra, nhưng làm sao nhẫn tâm đánh thức hắn được.
Âm thanh của Tô Vũ vẫn còn lẫn chút biếng nhác khi vừa tỉnh dậy: “Sau này phải cảnh giác chứ, bây giờ bên ngoài có thân binh mà Hoắc tướng quân để lại và cả Tần tướng quân nữa, ta có thể làm biếng mà thả lỏng ở mức độ phù hợp”.
Thẩm Nguyệt không nói thêm gì nữa, đưa bát canh rau dại trong tay cho hắn: “Bên ngoài không có gì ăn được, thứ này dễ ăn hơn lương khô, chàng ăn rồi hẵng nghỉ ngơi”.
Tô Vũ nói lời cảm ơn, Thẩm Nguyệt đáp rằng không cần khách sáo. Giữa hai người dường như bị bít lại bằng một tầng giấy mỏng, có chút xa cách.
Mà sau đó Tô Vũ nhìn nhìn nàng rồi ăn từng miếng một.
Đợi khi hắn ăn xong, Thẩm Nguyệt nhận lại cái bát, nói một câu “chàng nghỉ ngơi cho khỏe” rồi quay đầu rời đi.
Tô Vũ nghiêng người, đôi mắt đen như mực men theo khe hở của rèm cửa sổ mà nhìn ra ngoài, loáng thoáng trông thấy Thẩm Nguyệt đi ngang qua cửa sổ xe của hắn.
Hắn không gọi Thẩm Nguyệt, Thẩm Nguyệt cũng không dừng lại nhìn hắn.
Đợi khi mọi người đã ăn xong rồi nghỉ ngơi một lát, họ tiếp tục lên đường.
Ảnh hưởng và tổn thất mà trận lũ lụt này mang đến không hề ngừng lại khi trời quang mây tạnh mà vẫn tiếp tục lan rộng.
Những gì mà họ trông thấy và nhìn thấy ở thành Vân và thành Kinh chẳng qua chỉ là một góc nhỏ của cả Đại Sở thôi.
Các thành trì khác ở Đại Sở cũng bị mưa lớn tấn công, lũ lớn trên các triền núi bùng nổ còn kinh khủng hơn ở thành Vân và thành Kinh nhiều.
Suốt dọc đường tiến lên phía Bắc, họ gặp vô số nạn dân lưu lạc trên mảnh đất tiêu điều này, không nơi nương tựa.
Danh tiếng của Tĩnh Nguyệt công chúa cũng từ thành Vân đồn tới thành Kinh rồi tiếp tục lan rộng ra các nơi khác.
Chỉ là bách tính chịu khổ chịu nạn đều biết rằng trong triều có một vị Tĩnh Nguyệt công chúa tới dân gian, cứu khổ cứu nạn, chữa thương chữa bệnh, không hề chậm trễ.
Khi bách tính nhắc đến Tĩnh Nguyệt công chúa, không một ai không ngưỡng vọng.
Nghe nói Tĩnh Nguyệt công chúa sẽ đi lên phía Bắc, vô số nạn dân ào ào tập trung về các thành trì phương Bắc.
Con sông chảy qua thành Vân và thành Kinh chưa thể coi là một con sông lớn với lưu vực rộng, trong thời gian lũ lụt vẫn còn cơ hội khơi thông và điều tiết dòng chảy. Nhưng lãnh thổ Đại Sở vẫn còn vài con sông nữa chảy dọc theo hướng Bắc Nam trên một diện tích rộng lớn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.