Nữ Y Về Thời Loạn

Chương 100:




Edit: Yunchan
Hai cha con đang nói chuyện hăng say, Trần Tín vừa nghiêng đầu thấy nương tử nhà mình thì nhoẻn miệng cười, gọi: “Nương tử, nàng về rồi.”
Văn Đan Khê dịu dàng bước lên, cười nói: “Ta nghe Tiểu Lục tử nói chàng đang uống rượu giải sầu, làm ta lo chết được.”
Trần Tín nhìn cô, rồi nhìn con gái trong lòng với vẻ mặt yêu thương, đoạn than nhẹ một tiếng: “Vốn định uống tới say mới dừng lại, kết quả bà vú bế Bảo nhi tới, ta vừa nhìn thấy nó thì mọi phiền não đều biến mất.”
Văn Đan Khê đưa tay ôm lấy con gái, Trần Tín không chịu để lòng trống không, bèn ôm luôn hai mẹ con vào lòng. Văn Đan Khê dựa khẽ vào ngực hắn, đắn đo một lát rồi kể lại sơ lược chuyện của Trịnh Mỹ Vân. Trần Tín gật đầu: “Nàng làm đúng, bất luận người lớn ra sao thì đứa bé vẫn vô tội. Hơn nữa, ta cũng đã hỏi, mẹ, không, là Đỗ thị chủ động trêu chọc Vương lão đầu. Hai cha con họ hoàn toàn không biết thân phận của bà, theo lý cũng không có lỗi gì. Ta cũng lười làm khó nhà hắn.”
Văn Đan Khê thở dài bất đắc dĩ, rồi lại hỏi dò: “Vậy chàng định xử trí mẹ chàng thế nào?”
Sắc mặt Trần Tín lạnh lẽo, trong mắt hiện lên tia dứt khoát: “Ta đã nghĩ xong rồi, ta quyết không nhận bà ta lần nữa.”
“Sao?” Văn Đan Khê có hơi kinh ngạc.
Trần Tín thở ra một hơi dài, nói với giọng nặng trịch: “Chẳng phải bà nuôi ta mười năm sao? Vậy thì ta sẽ phụng dưỡng bà nửa đời sau. Có điều trên danh nghĩa bà chỉ là biểu di bà con xa của ta, chứ không phải mẫu thân ta. Bà nhất định không thể nào sửa đổi được tính tình, ta không muốn sau này Bảo nhi lớn lên bị người ta chỉ trỏ. Ta bị khinh bỉ nhục mạ, nhưng ta không muốn để nó chịu những thứ đó chút nào. Sau này bà ta cũng đừng mơ gặp lại con của ta, để nó đỡ bị ảnh hưởng xấu.”
Văn Đan Khê lặng thinh chốc lát, cuối cùng dịu giọng hỏi: “Chàng đã nghĩ kỹ rồi sao? Sau này không hối hận chứ?”
Trần Tín gật đầu kiên định: “Ta nghĩ kỹ rồi, ta đã cho bà ta cơ hội, nhưng chính bà ta đã không biết quý trọng.” Nói đoạn, Trần Tín lại nói với vẻ hơi bất an: “Đan Khê, nàng sẽ không cảm thấy lòng dạ ta độc ác chứ?”
Văn Đan Khê lắc đầu cười, nhưng không trả lời trực tiếp câu hỏi của hắn: “Ta biết chàng làm vậy nhất định trong lòng rất khổ sở, nhưng mẫu thân đã như vậy thì chàng phải làm sao? Sau này chúng ta cho người phụng dưỡng bà thật tốt là được rồi.”
Trong lúc hai phu thê nói chuyện, tiểu Tử Khôn đã ngủ say từ lúc nào không hay. Trần Tín sờ sờ khuôn mặt bé xíu non mềm của con gái, vui vẻ nói: “Sau này con lớn lên nhất định là một người điềm đạm nho nhã. Một chút cũng không quấy.”
“Cũng chưa chắc đâu.”
Văn Đan Khê đứng dậy đặt con vào giường nhỏ, nghiêng đầu nhìn nhóc con bé tí thì không nhịn được phát sầu: “Mới chút xíu thế này, không biết bao giờ mới trưởng thành đây.”
Trần Tín tiếp lời: “Tục ngữ nói, không sợ không lớn, chỉ sợ không nuôi. Nàng cứ chờ đi, chẳng mấy là nó sẽ lớn như thổi.”
Hai người nắm tay nhau lên giường đánh giấc trưa. Trần Tín bướng bỉnh lấy mái tóc dài của cô quấn quanh cổ mình như lần trước, rồi ôm cô dần chìm vào giấc ngủ. Nửa canh giờ sau, Trần Tín thức dậy đúng giờ, Văn Đan Khê sửa soạn cho hắn xong xuôi rồi cười tiễn hắn ra cửa, Trần Tín hung hăng hôn cô một lát, sau đó mới hài lòng ra khỏi nhà.
Trần Tín mới đi chưa bao lâu, Văn Đan Khê chợt nghe chỗ cổng vòm phía Đông vẳng tới tiếng cười trong vắt. Cô bèn cười cất giọng gọi: “Tuyết Trinh, Linh nhi.”
“Cô cô ơi —“ Hai đứa trẻ cùng bổ nhào về phía cô. Văn Đan Khê định bắt chước Trần Tín bế mỗi tay một đứa, nhưng khổ nỗi cô quá yếu, hoàn toàn không bế lên nổi. Cô cười cười trêu: “Hai cô bé nặng không phải vừa đâu, cô cô bế không nổi nữa rồi.”
Bạch Hiển lại đứng bên cạnh lắc đầu, nghiêm trang nói: “Nữ tử các người trời sinh đã yếu hơn nam nhân bọn cháu, bế không nổi cũng chẳng có gì là lạ.”
Văn Đan Khê cố ý trêu nó: “Ơ hay, Hiển nhi đã là nam nhân rồi à.”
Băng Nhạn cười rạng rỡ, xoa xoa đầu Bạch Hiển. Hai người kéo nhau vào thiên thính nói chuyện, Văn Đan khê bảo Xuân Thảo dẫn bốn đứa bé tới phòng đồ chơi, ở đó chất đủ loại đồ chơi mà Trần Tín chế tạo lúc rảnh rỗi.
Lý Băng Nhạn thấy bên cạnh vắng vẻ, bèn hạ thấp giọng hỏi: “Nghe nói muội với mẹ chồng có mâu thuẫn à?”
Văn Đan Khê bèn khéo léo kể lại nguyên nhân cãi nhau của hai người, kể cả cách xử lý của Trần Tín cũng không giấu cô. Lý Băng Nhạn nghe xong thì kinh ngạc, nói chung là cô không ngờ được Trần Tín sẽ xử lý dứt khoát như vậy.
“Muội phu, đúng là…” Lý Băng Nhạn lắc đầu, vẻ mặt rối rắm.
Văn Đan Khê chuyển đề tài: “Muội thấy sắc mặt tỷ rất tốt, có phải có chuyện gì tốt mà giấu muội không?”
“Chuyện này…” Mặt Lý Băng Nhạn ửng đỏ, dáng vẻ cực mất tự nhiên.
“Tỷ không phúc hậu, muội có chuyện gì cũng không giấu tỷ.”
Lý Băng Nhạn ngượng ngùng chỉ chốc lát, rồi ấp úng nửa che nửa giấu: “Từ lần xảy ra chuyện ở tửu lâu, y thỉnh thoảng tới khuyên nhủ tỷ, lúc đầu còn mượn danh nghĩ của muội muội muội phu… sau đó, bốn đứa trẻ đều ở chỗ tỷ, y lại tới dạy chúng, y lại rất hợp với Hiển nhi. Năm ngày trước, chẳng biết y uống say ở đâu, lại tới chỗ tỷ, tỷ làm canh giải rượu cho y, giữa chừng y còn nói mấy câu mê sảng… Tối qua, y lại tới nữa, nói với tỷ là y đã suy nghĩ kỹ, sau đó hỏi ý tỷ.”
Trong lòng Văn Đan Khê vui vẻ không thôi, hỏi dồn: “Tỷ đồng ý chưa.”
Trong sắc mặt vui mừng của Lý Băng Nhạn lại pha thêm vẻ lo lắng âm thầm: “Nhưng mà… ta sợ vì say rượu làm loạn nên y muốn chịu trách nhiệm. Trong lòng có hơi lấn cấn.”
Văn Đan Khê kinh ngạc: “Hóa ra Nhị đệ lại say rượu loạn trí!”
Mặt Lý Băng Nhạn đỏ phừng lên như trái cà chua, cô vừa thẹn vừa giận: “Muội muội, sao muội lại… lại nói trắng ra như vậy. Lúc đó y cùng lắm chỉ ôm ta một chút, không có gì nữa hết.”
“Ôi.” Văn Đan Khê thầm nhạo mình nghĩ đi đâu xa quá.
Cô chớp chớp mắt, nhìn Lý Băng Nhạn với ánh mắt gian xảo, rồi nghiêm mặt nói: “Tỷ tỷ, sao tỷ không đổi cách nghĩ, tuy Nhị đệ là một thư sinh, nhưng tửu lượng cũng rất tốt, ngay cả muội phu của tỷ còn không uống lại y. Muội thấy hết tám phần mười là y muốn mượn rượu lấy gan để tiến thêm một bước với tỷ. Tỷ cũng biết đó, tính tình của mấy người đọc sách rất chi là hàm súc. Nếu tỷ cứ lo lắng nữa, thì chẳng phải phụ lòng tốt của y sao.”
Lý Băng Nhạn giơ tay ra vẻ muốn đánh, Văn Đan Khê thì cười ha ha né trái tránh phải, hai tỷ muội đang đùa hào hứng thì chợt nghe nha đầu Thúy Vũ của Lý Băng Nhạn tới báo có người muốn gặp cô.
Văn Đan Khê cười nói: “Tỷ nhanh lên nào, tám phần là bà mối tới.”
Lý Băng Nhạn phóng cho cô một cái liếc xéo, ra vẻ hung dữ: “Muội cứ chờ đó, lát nữa tỷ lại tới tìm muội tính sổ.”
Hôn sự của Lý Băng Nhạn và Tần Nguyên được quyết định rất nhanh, do cả hai đều không phải kết hôn lần đầu, cho nên nghi thức cũng được giản lược rất nhiều, chỉ mời bằng hữu thân thiết và huynh đệ tới tham gia tiệc cưới. Chẳng biết xuất phát từ nguyên nhân gì, ba ngày sau khi thành hôn Tần Nguyên bèn đưa ra đề nghị muốn tới Liêu Tây. Hỏi y lý do, y chỉ nói mình luôn phòng thủ ở hậu phương, rất ít khi ra tiền tuyến, giờ đây Dịch Châu đã yên ổn, lại có Chu Thông và Ngô sư gia giúp đỡ phụ tá, mặc dù mình rời khỏi đây cũng không xảy ra việc gì. Trần Tín và Văn Đan Khê thấy y quá kiên quyết nên cũng đành đồng ý. Thế nhưng, tới lúc sắp xếp bốn đứa trẻ lại phát sinh sự cố. Bạch Hiển và Bạch Linh tất nhiên muốn đi theo cha mẹ mình, nhưng bốn đứa trẻ luôn như hình với bóng, hai huynh muội Tuyết Tùng Tuyết Trinh với Linh nhi khóc lóc sướt mướt, cố sống cố chết không muốn xa nhau. Người lớn thấy cũng không đành lòng, cuối cùng Lý Băng Nhạn quyết định dắt theo cả hai huynh muội Tuyết Tùng. Tuy Văn Đan Khê không nỡ xa hai đứa trẻ, nhưng suy nghĩ một hồi cũng đành phải đồng ý.
Sau khi Tần Nguyên đến Liêu Tây được một tháng, bèn viết một bức mật thư cho Trần Tín, theo dặn dò trong thư, trước hết Trần Tín để cho đại quân và lương thảo tới Liêu Tây từng nhóm riêng rẽ, sau khi hoàn tất mọi chuyện mới dẫn theo một tốp thân binh khua chiêng giống trống tới Tần Châu, đi được nửa đường mới đổi ý định rẽ sang Liêu Tây. Hai người quần anh tụ hội, đánh một trận cực đẹp —-  họ thừa dịp Đông Lỗ nội loạn, tập kích bất ngờ Tuyên Châu, Hóa Châu, Liêu Bắc, tổng cộng năm tòa thành trì. Mãi tới khi tin chiến thắng truyền về, Văn Đan Khê mới hiểu ra trong bình hồ lô của hai người này chứa gì. Sau đó Tần Nguyên còn cố ý viết một phong thư giải thích, nói mình dặn đại ca không được tiết lộ cho bất cứ ai. Bởi vì gần đây trong thành Dịch Châu có không ít mật thám, tản ra khắp nơi, nên y phải đặc biệt cẩn thận.
Văn Đan Khê nghe xong mà bỗng lạnh toát sống lưng. Xem ra họ đã bắt đầu thu hút sự chú ý của người có tâm. Cô lập tức chỉnh đốn lại nội viện của mình một lượt, bảo đảm tất cả mọi người đều đáng tin cậy. Đồng thời cô còn thấy may mắn vì đã đưa Đỗ thị đi, bằng không với tính tình và cách hành xử của bà, nếu kẻ địch muốn lợi dụng thì quả là chẳng cần tốn sức mấy. Theo lời kể của Trịnh Mỹ Vân, lúc đó Đỗ thị đã tuân thủ rất nghiêm lời Trần Tín dặn, che giấu thân phận của mình, nhưng Trịnh Mỹ Vân gạ chuyện mấy lần, thì bà cũng để lộ ra thân phận của mình. Lần này may là Trịnh Mỹ Vân, nếu đổi lại người có thủ đoạn cao tay hơn, người được huấn luyện nghiêm chỉnh hơn, thì hậu quả thiết nghĩ không chịu nổi.
Lần này Trần Tín xuất chinh lâu hơn trước đây, đánh hạ năm thành Liêu Tây rất gian nan, và quãng thời gian sau đó thử thách của bọn họ cũng cực lớn.
Sau khi Đông Lỗ tỉnh táo lại, đã cấp tốc tổ chức quân đội phản công, tuy bọn chúng nội chiến nghiêm trọng, nhưng dù sao cũng là dân tộc lớn lên trên lưng ngựa, ai nấy đều dũng mãnh thiện chiến. Lương thảo từ Dịch Châu và Bá Châu vận chuyển tới Liêu Tây không ngừng. Song phương tiến hành cuộc chiến giằng co trường kỳ, Văn Đan Khê ở lại nhà mà lòng nóng như lửa đốt, nhưng cô chẳng có cách nào, chỉ còn biết cố gắng hết sức ổn định hậu phương, để họ có thể an tâm đánh trận.
Cuộc chiến giành giật năm thành Liêu Tây, hai bên đánh suốt bảy tám tháng ròng, ai nấy đều mệt nhoài đuối sức, cuối cùng Tần Nguyên phái Chu Thông tới Đông Lỗ làm sứ giả, hiến hai tòa thành Hóa Châu và Liêu Bắc cho bộ lạc lớn thứ hai Kim Xương của Đông Lỗ. Rất nhanh sau đó, Kim Xương và bộ lạc lớn thứ nhất Đông Lỗ, Hậu Liêu lại rơi vào chiến tranh. Quân Phá Lỗ tạm thời nghỉ ngơi lấy sức. Mà Trần Tín cũng chỉ huy bộ hạ trở về đổi quân. Văn Đan Khê nhận được tin này thì lo âu trong lòng nhất thời được quét sạch. Trần phủ vắng lặng đã lâu thoắt cái đã huyên náo hẳn lên.
Văn Đan Khê ôm tiểu Tử Khôn hưng phấn nói: “Bảo nhi của mẹ, cha con sắp về rồi.”
“Về, về —“ Tiểu Tử Khôn quơ cánh tay nhỏ như búp sen, nhại lại lời cô. Văn Đan Khê hôn chóc nó một cái, rồi dạy một cách nhẫn nại: “Bảo nhi ngoan, gọi mẹ nào.”
“A a.” Văn Đan Khê định dạy tiếp thì thấy đầu con gục gà gục gặc, rồi ngủ khò. Cô cười bất đắc dĩ, bảo bà vú bế con đi ngủ.
Bà vú vừa bế Tử Khôn đi, thì Xuân Thảo đã vào báo: “Phu nhân, Trịnh Mỹ Vân đã đầy tháng, bốn người đến đây xin tội.”
Văn Đan Khê ngẩn ra, cô đã quên bẵng mất người này, đoạn phất tay nói: “Để họ vào đi.”
Không bao lâu, Trịnh Mỹ Vân, Vương mặt rỗ và cha chồng Vương Tài nối đuôi đi vào. Văn Đan Khê thầm đánh giá Trịnh Mỹ Vân, hiếm khi cô ta ăn mặc mộc mạc thế này, vì mới sinh nên vóc dáng cũng đẫy đà hơn trước đây. Phong thái cũng đã trầm tĩnh hơn rất nhiều.
Cô ta giao con cho chồng, chậm rãi đi tới trước mặt Văn Đan Khê, khom lưng bái thật sâu rồi bình thản nói: “Ta đã sinh con xong, mời xử trí.”
Vương mặt rỗ bước vội lên, ôm con quỳ phịch xuống đất: “Phu nhân, xin phu nhân tha cho nương tử ta, toàn bộ gia sản của Vương gia xin đưa hết cho phu nhân.”
Nói rồi hắn đưa mắt nhìn Vương Tài, Vương Tài chần chừ chốc lát, cuối cùng vẫn móc một cái hộp hơi cũ từ trong lòng ra, ông bước lên vài bước, dâng lên với cánh tay run rẩy: “Xin phu nhân đừng chê, đây là toàn bộ tài sản của Vương gia chúng tôi, bên trong có khế đất của mười mẫu đất và cả khế ước bán nhà, cùng năm mươi lượng ngân phiếu.”
Văn Đan Khê nở nụ cười, ngoảnh sang hỏi Trịnh Mỹ Vân: “Là bé trai hay bé gái?”
Trịnh Mỹ Vân sững sờ một giây, sau đó thấp giọng đáp: “Bé gái.”
Văn Đan Khê gật đầu: “Tốt, vừa vặn kém Bảo nhi một tuổi.”
Trịnh Mỹ Vân cắn cắn môi, cúi đầu nói: “Mấy tháng này, ta đã suy nghĩ kỹ những chuyện trước đây ta chưa từng hiểu. Theo lý mà nói, ca ca ta nhẹ dạ tin lời gièm pha, bỏ mặc đạo nghĩa bằng hữu, thừa dịp đục nước béo cò, mượn gió bẻ măng, huynh ấy bị Tướng quân xử tử cũng là phải tội. Đổi lại chúng ta cũng sẽ làm như thế. Mà ta và Trần tướng quân, trước khi cô xuất hiện hắn cũng không bằng lòng cưới ta, sao ta có thể đổ tội lên đầu cô chứ? Huống chi, ta muốn gả cho hắn cũng không phải thật lòng, mà do khi ấy không chọn được người thích hợp thôi. Thế nên, bây giờ ta không còn oán hận gì cô nữa, cô muốn xử thế nào thì cứ xử, chỉ xin cô đừng làm khó ba người họ là được.”
Văn Đan Khê nghe xong thì cười thoải mái: “Nói thật, nếu hôm nay cô không tới thì ta cũng không tới tìm cô đâu — vì ta đã quên hết rồi.”
Vương mặt rỗ và Vương Tài nghe vậy thì mừng ra mặt. Trịnh Mỹ Vân vẫn bình tĩnh nhìn cô, chờ cô nói tiếp.
Văn Đan Khê dừng một lúc mới tiếp: “Về phần ân oán giữa chúng ta và ca ca cô, nó đã xóa bỏ theo cái chết của hắn rồi. Vốn dĩ chúng ta không có thâm cừu đại hận gì. Các người về thì nhớ cầm cả chiếc hộp này về nữa, hãy sống cho thật tốt.” Cô nói xong câu này thì đứng dậy quay về phòng. Để lại ba người yên lặng nhìn nhau.
Vương mặt rỗ đột nhiên mừng chảy cả nước mắt: “Nương tử, nàng không sao, không sao rồi!”
Trịnh Mỹ Vân thả nắm đấm đang siết chặt ra, trên mặt là nụ cười giải thoát hoàn toàn.
Đúng lúc này, chợt nghe Xuân Thảo hô: “Các người chờ một chút.”
Vương mặt rỗ vừa nghe thì chân bỗng đảo một phát, xuýt nữa thì ngã sóng soài. Trịnh Mỹ Vân thì sợ tới mức sắc mặt tái nhợt, hớt hải kéo con mình qua, rồi khẽ quay đầu lại hỏi: “Xuân Thảo cô nương, còn chuyện gì nữa?”
Xuân Thảo nghe ra trong giọng của Trịnh Mỹ Vân mang theo một loại thấp thỏm bất an. Cô bèn hạ giọng, đưa qua một bọc quần áo với vẻ mặt ôn hòa: “Đây là đồ trẻ con mà tiểu thư nhà tôi không mặc vừa, vừa hay cô nương nhà cô lại mặc được.”
Trịnh Mỹ Vân nhìn thoáng qua bao quần áo căng phồng với nét mặt hết sức rối rắm, trầm mặc chốc lát, cô mới nói với giọng cực kỳ trịnh trọng: “Xin hãy nói cho phu nhân nhà cô biết, nữ nhi của ta tên là Trịnh Hỉ. Sau này ta sẽ cho nó nhớ kỹ tiểu thư và phu nhân nhà cô.”
Xuân Thảo gật đầu đồng ý. Vương mặt rỗ nhận lấy bọc quần áo rồi mỉm cười với xuân Thảo.
Thế là một nhà bốn người mang theo những tâm trạng khác nhau ra khỏi Trần phủ.
Văn Đan Khê có nằm mơ cũng không ngờ rằng, hai mươi năm sau, tiểu nữ anh Trịnh Hỉ này sẽ trở thành một trong những công thần khai quốc của Đại Chu, cô ta với sự lạnh lùng độc nhất và không từ thủ đoạn của mình đã thanh trừ mọi vật cản cùng chướng ngại trên con đường lập nước của Trần Tử Khôn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.