Nữ Y Về Thời Loạn

Chương 43:




Edit: Yunchan
“Sao vậy, nàng không thích sao? Tại ta thấy trên phố xá Tần Châu có rất nhiều nữ tử mặc loại xiêm y này.” Trần Tín nói với vẻ mặt tiu nghỉu.
Văn Đan Khê nhìn hắn cười cười: “Không phải, ta thích lắm. Ta đang nghĩ hình như Dịch Châu chúng ta không bán loại y phục này thôi.”
Trần Tín vừa nghe mặt mày đã rạng rỡ hẳn lên: “Ừ, ta cũng thấy đẹp.”
Văn Đan Khê không lời gì để chống đỡ, người ta đi cả quãng đường xa mang quà về, cô đâu thể nào làm phật ý người ta chứ? Quan trọng là tấm lòng thôi. Nghĩ tới đây, Văn Đan Khê vui vẻ nói: “Ta nhận, cám ơn ngài.”
“Không cần cảm ơn, nàng thích là được rồi.”
“Được rồi, ngài mau về tắm rửa thay y phục rồi ăn cơm đi, mọi người đều đang chờ ngài đấy.”
Trần Tín gật đầu lia lịa, vừa bước lề mề khỏi sân vừa ngoái lại mấy bận. Văn Đan Khê thở ra một hơi rồi gói ghém đồ đạc lại, sau đó tiện đường ghé qua bếp xem thử đồ ăn đã xong chưa.
Ngoài mấy món hấp cần nhiều thời gian ra, những món còn lại đều đã dọn lên mâm. Bọn hỏa kế đã rục rịch bưng mâm thức ăn siêu lớn về phía sảnh trước, Văn Đan Khê sực nhớ ra nên mang một phần thịt cá cho nhà ăn tập thể. Nhưng cô vừa nhắc, Lý thẩm đã nói Hạ hắc tử sai người đưa qua rồi.
Văn Đan Khê dặn dò hỏa kế thêm vài câu nữa, rồi cùng Lý Băng Nhạn bưng cua hấp và gia vị tới sảnh trước.
Trong đại sảnh, mọi người đã ngồi vào chỗ từ lâu, ai nấy đều đang mở to mắt nhìn hau háu cửa ra vào, chỉ chờ cô lên bàn là khai tiệc ngay lập tức.
Văn Đan Khê đặt cái nồi nhỏ lên bàn, cười nói: “Mọi người đừng đợi, cứ ăn trước đi.”
“A —-“ Mặt Thẹo hưởng ứng trước nhất. Ngay sau đó mọi người cũng nhanh nhảu cầm đũa lên nhắm thẳng tới mục tiêu của mình.
Mặt Thẹo vừa ăn vừa xuýt xoa: “Mẹ ơi, hôm nay đồ ăn ê hề, đời ta chưa từng ăn nhiều món ngon thế này.”
Văn Đan Khê ăn vài đũa để lót dạ, rồi bắt đầu lột tôm và cua cho hai đứa trẻ ăn. Trần Tín thấy cô lột tôm, cũng thò tay cầm một con cua to đùng, tỉ mẩn lấy hết gạch cua ra rồi bỏ vào trong bát Văn Đan Khê, nói: “Nàng lột chậm quá, coi ta này.”
Văn Đan Khê mỉm cười: “Ngài ăn nhanh đi, bồi bổ thật nhiều vào.”
Vừa nói tới từ “Bổ”, Trần Tín đã chợt nhớ ngay đến thư hồi âm của mình. Hắn vừa về phòng thì chuyện làm đầu tiên chính là tìm thư, nhưng tìm cả buổi trời chẳng thấy, hắn rất muốn hỏi cô rốt cuộc có viết không? Nhưng mà, ở trước mắt bao nhiêu người hắn không tiện mở miệng hỏi vấn đề này. Trần Tín mấp máy môi, cuối cùng vẫn nuốt lời muốn nói xuống bụng. Nhưng vì vậy mà hắn cũng tăng thêm một tầng tâm sự, vừa ăn vừa nghĩ ngợi đâu đâu: Không biết thư hồi âm của cô sẽ viết gì đây? Có phải cũng là hai bài thơ không nhỉ?
Vì bọn Trần Tín và Hạ hắc tử rong ruổi cả đêm, sau khi ăn xong còn cần bổ thêm giấc ngủ, cho nên cả bọn vừa lùa cơm thần tốc xong thì cũng thi nhau giải tán về phòng nghỉ trưa. Văn Đan Khê thì chỉ nghỉ ngơi chốc lát, rồi lại xuống bếp sửa soạng.
Tiết Trung Thu chủ yếu là vào buổi tối, nên bữa cơm tối này còn phải mất sức hơn cả bữa trưa nữa. Huống chi cô còn định làm bánh Trung Thu. Chỉ tội điều kiện có hạn, cô không đủ khả năng để làm loại hoa hòe tinh xảo, chủ yếu là để chúc mừng cho vui thôi.
Sau khi các loại nguyên liệu đã chuẩn bị đầy đủ, đầu tiên Văn Đan Khê làm mẫu mấy cái, sau đó giao cho những người khác làm, còn cô thì chuyển qua làm đào chúc thọ. Cô nhào sơ chỗ bột mỳ đã làm sẵn từ sáng một lúc, rồi cắt thành những nắm bột mỳ nhỏ đều nhau, cán chúng thành hình tròn, sau đó nhồi thịt vào rồi lấy tay nắn chặt. Tiếp theo vuốt nhọn trên đỉnh, còn mặt bên thì dùng dụng cụ để ấn ra hình dáng trái đào. Cuối cùng để vào nồi hấp tới khi chín là được. Cô còn làm riêng một trái cực lớn để dành cho Trần Tín.
Bữa trưa họ ăn quá nhiều món dầu mỡ, nên cơm tối Văn Đan Khê cố làm mấy món dễ tiêu. Ngẫm lại mấy anh em này nhất định sẽ uống rượu, cô bèn làm thêm ít rau trộn và vài món mặn để nhắm với rượu.
Thịt viên đầu sư tử, sườn heo chua ngọt, gỏi ngó sen, tôm rang, cá hấp, thịt xào đậu, thịt xào lá tỏi, giá xào hẹ, trứng gà ráng nấm, mực tươi xào bông cải, vịt nấu măng, đậu hủ dồn thịt, canh đầu cá đậu hủ, thịt trộn đậu đũa, chân gà ngâm ăn kèm với mấy loại rau xanh, cả một bàn đầy ắp. Mặt khác cô còn cố ý bảo người lấy vài vò rượu trái cây được ủ sớm nhất tới đây, để họ uống cho thả cửa.
Vào giờ cơm tối, lúc Trần Tín ngó thấy một rổ na ná đào mừng thọ thì ngỡ ngàng một giây, ngay sau đó đã kích động tới muốn khóc. Hắn không ngờ Văn Đan Khê lại nhớ ngày sinh thần của mình. Hắn giật giật môi muốn nói gì đó, nhưng trong phút chốc không tài nào biểu đạt thành lời, nên chỉ cười ngốc suốt.
Bọn Hạ hắc tử ngồi bên nhao nhao lên: “Chúc mừng đại ca.”
Trần Tín phất tay một cái, nói: “Tốt tốt.”
Ai nấy đều tặng lễ vật, Mặt Thẹo là ba bầu rượu, Tần Nguyên là một thanh đao. Hạ hắc tử dâng lên một quyển sách và một cây viết, những người khác cũng lũ lượt dâng lễ vật lên.
Thế nhưng nữ chính Văn Đan Khê lại ung dung tới chậm. Ai nấy cũng khấp khởi chờ mong, Trần Tín cũng nhìn dáo dác chung quanh liên tục.
Đúng vào lúc mọi người ở đây sắp nóng ruột tới hết chịu nổi, rốt cuộc Văn Đan Khê cũng thong dong bước tới. Trần Tín kinh ngạc tới nỗ há hốc mồm, sau đó lập tức toét miệng cười sung sướng.
Hóa ra Văn Đan Khê cố tình về phòng thay y phục mà Trần Tín tặng, cô khoác lên người tấm sa y trân châu và chiếc váy đỏ tươi bằng lụa, trên đầu cài trang sức vàng cũng do Trần Tín tặng.
Phong cách của Văn Đan Khê thiên về nhẹ nhàng, mọi khi cô cũng thích mặc quần áo màu nhạt. Nhưng giờ đây thay loại trang phục này vào, toàn thân cô đều tươi sáng hẳn lên, tới Lý Băng Nhạn nhìn thấy cũng phải ngẩn ra.
Trần Tín nhìn cô đờ đẫn, ánh mắt đứng tròng. Hoàn toàn lờ hết những âm thanh náo động chung quanh.
Văn Đan Khê bước lên nói: “Khai tiệc thôi.”
Lúc này Trần Tín mới sực tỉnh lại, vội vàng nói: “Ngơ ra đó làm gì, uống thôi!”
“Đúng đúng.”
Tần Nguyên đứng dậy mời rượu Trần Tín đầu tiên. Trần Tín hăng hái ngất trời, ai mời cũng tiếp, uống liên tù tì ba chén, đến phiên Mặt Thẹo, tên này lại đột nhiên cười hề hề hỏi với cái giọng thần bí: “Đại ca đoán coi rượu chúng ta uống hôm nay là ở đâu ra?”
“Mua.”
“Sai sai, là Văn cô nương ủ.”
“Hả —-“ Trần Tín cầm chén rượu kinh ngạc nhìn qua Văn Đan Khê lần nữa. Một lát sau hắn tự rót cho mình một chén đầy ắp, uống một hơi cạn sạch, uống xong còn chép miệng nói: “Nàng ủ rượu đúng là không bình thường, uống vào đã thấy máu thông gan nở.”
Văn Đan Khê nhịn cười, bước tới rót một chén hướng về phía Trần Tín, nói: “Nào, ta mời ngài một chén.”
Trần Tín trông rõ là thụ sủng nhược kinh, lật đật bưng chén rượu lên cười ha hả, rồi ngửa cổ uống hết một hơi.
Văn Đan Khê cũng khí phách làm một hơi, mọi người lập tức trầm trồ khen ngợi.
Văn Đan Khê lại rót thêm chén nữa, nâng về phía bọn Tần Nguyên, nói: “Ta mời mọi người một chén.”
Mọi người ngẩn ra một thoáng rồi cũng bưng chén rượu lên uống.
Sau đó Văn Đan Khê cười nói: “Được rồi, các vị ăn nhanh lên, đêm nay phải uống cho thật đã.”
Mọi người cười nói rồi rào rào ngồi xuống.
Trần Tín lại đứng lên nâng chén về hướng Văn Đan Khê, nói: “Ta, ta cũng mời nàng một chén. Đa tạ nàng đã chúc mừng sinh thần ta.”
Văn Đan Khê cười cười, đang muốn rót thêm chén nữa, Trần Tín bỗng đưa tay ngăn cô lại: “Đừng, nàng đừng uống nữa, ta mời nàng nhưng rượu thì ta uống.”
Văn Đan Khê nghệt ra, có loại mời kiểu mới này sao?
Trần Tín nói xong thì ngửa đầu nâng cốc uống cạn. Sau đó lại mời cô chén nữa: “Một chén này là… nói chung là muốn mời nàng.” Nói rồi lại ngửa cổ uống hết.
Mọi người nín cười khen tấm tắc.
Uống xong mọi người bắt đầu vào bữa, sau khi rượu quá ba tuần cơm qua ngũ vị, Tiền đầu bếp lập tức chớp thời cơ dâng lên cho Trần Tín một bát mì Trường Thọ to đùng. Trần Tín càng cười toe toét mừng rỡ, bầu không khí của bữa tiệc càng lúc càng tưng bừng.
Sau khi Văn Đan Khê ăn xong, tự giác cùng Lý Băng Nhạn dắt hai đứa trẻ lánh đi để những nam nhân này uống thả cửa. Mấy người này nhất định còn uống nhiều nữa, cô nên đi làm chuyện của mình thì hơn.
Văn Đan Khê ngẩng đầu nhìn trời, mặt trăng đã mọc trên phía chân trời, tỏa ra ánh sáng hiền hòa.
“Chúng ta đi ngắm trăng đi.” Lý Băng Nhạn cười đề nghị.
Hai người vừa đi vừa tán gẫu vài ba câu. Tuy nhiên rất nhanh sau đó Văn Đan Khê đã phát hiện ra Lý Băng Nhạn dường như không có tinh thần, cả người có vẻ ngẩn ngơ thơ thẩn. Có lẽ tỷ ấy nhớ người nhà của mình. Trung Thu là tiết đoàn viên, nhưng tỷ ấy lại lẻ loi một mình ở đây, làm sao không nhớ gia đình cho được. Văn Đan Khê muốn an ủi Lý Băng Nhạn đôi câu, nhưng không biết nói từ đâu, chỉ còn biết pha trò để Lý Băng Nhạn vơi bớt buồn thôi. Đi được một hồi cả hai đều đã hơi mỏi, bèn dừng lại nghỉ chân trong đình.
Đúng lúc này, chợt nghe văng vẳng như ai đó đang gọi tên Văn Đan Khê.
Ngay sau đó bỗng thấy một bóng người lảo đảo thất thểu đi về hướng này, vừa đi vừa gọi: “Đan Khê, nàng đừng đi, ta còn muốn mời nàng rượu mà.”
Mặt Văn Đan Khê xám xịt, sao cái tên này lại mò tới đây?
Lý Băng Nhạn lật đật đứng lên, kéo theo hai đứa trẻ nói: “Muội muội, ta về trước đây.” Nói đoạn cô cảm thấy để một mình Văn Đan Khê ở lại đây không ổn lắm, chân bất giác dừng lại.
Văn Đan Khê ngoảnh qua Lý Băng Nhạn: “Tỷ cứ về trước đi, trên núi có nhiều người lắm, nếu ngài ấy say quá thì muội sẽ gọi người tới.”
“Cũng được.” Lý Băng Nhạn dắt hai đứa trẻ bước nhanh đi.
Lúc này Trần Tín đã lắc lư tới trước mặt cô, hắn vừa loạng choạng vừa lẩm bẩm trong miệng: “Đan Khê, nàng mặc váy đỏ vào rất đẹp, hì hì… váy là ta chọn, ta không nói cho ai biết hết, hì hì…”
Văn Đan Khê ra khỏi đình đỡ lấy hắn, hỏi với giọng bất đắc dĩ: “Sao ngài không ở lại tiền sảnh uống rượu với các huynh đệ, chạy tới đây làm gì?”
Trần Tín dí sát mặt mình qua, phả mùi rượu lên mặt cô, tự hào nói: “Ta đánh gục mấy tên đó hết rồi.”
Văn Đan Khê đáp: “Giỏi, ngài thật lợi hại, giờ ta đưa ngài về nhé.”
Trần Tín vừa nghe phải về, nhất thời không chịu, giãy dụa muốn thoát ra, miệng còn oang oang: “Không, không về.”
Văn Đan Khê đâu chịu nổi sức hắn, hắn chỉ vặn vài cái đã tránh được cánh tay cô, ngã phịch xuống đất.
Văn Đan Khê hít vào một hơi chịu thua, buộc lòng phải ngồi xổm xuống dìu hắn, nào ngờ Trần Tín lại thấp giọng lầm bầm một câu, rồi nhào phắt người qua ôm lấy mắt cá chân của Văn Đan Khê, còn lẩm bẩm trong miệng: “Mẹ, mẹ đừng đi, mẹ đừng làm vậy mà… Lớn lên con sẽ hiếu thảo với mẹ, mẹ, mẹ đừng bỏ con lại một mình…”
Tuy Văn Đan Khê không hiểu rõ lý do bên trong, nhưng nghe giọng nói đó lại làm cho người ta khó tránh khỏi cay cay sống mũi. Cô cúi người dịu dàng dỗ dành: “Mau đứng lên đi, trên đất lạnh lắm.”
Không ngờ Trần Tín lại nhích sát vào người cô, dán chặt mặt mình vào mắt cá chân cô, sau đó khò khò ngủ say mất đất. Cái tên này, ôi trời…

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.