Thạch Thu Phong hạ chiến thư, lấy thân phận đồ đệ của cố nhân khiêu chiến gia chủ nhà họ Hoài Hoài Vô Nhai. Cậu dốc hết tiền túi ra mua năm mươi con bồ câu đưa thư, chiến thư bay khắp thế gia võ học, giang hồ đều hay, Hoài Vô Nhai không thể trốn tránh.
Ba ngày sau, Hoài Vô Nhai ứng chiến.
Địa điểm chọn ở võ đài đầu tiên ngay cửa vào tiêu cục lớn nhất thành Trường An. Võ đài rất to, tầm mắt rộng rãi.
Khách điếm quán trọ quanh lôi đài đã hết sạch phòng ngay từ mười ngày trước hẹn, trước sau trái phải dựng đầy khán đài tạm, người đông nghìn nghịt, không một chỗ trống. Mấy chục sòng bạc phái người tới bày sạp làm nhà cái, chênh lệch rõ ràng, không ít người giang hồ đặt toàn bộ gia sản của mình vào. Đến ngày ước định đấu võ, mười bảy vạn lượng bạc cược Hoài Vô Nhai thắng, năm ngàn ba trăm hai mươi mốt lượng tám xu cược Thạch Thu Phong thắng.
Hai mươi mốt lượng là của Thẩm đại phu. Ông nói, ngày chặt tay trái cho thằng nhóc liều mạng họ Thạch đó là ngày mười bốn tháng Bảy nên đặt hai mươi mốt lượng đi.
Bị người giang hồ xếp hàng dài bên cạnh cược cho Hoài Vô Nhai nghe thấy, có người cả gan tiến lên cản ông, khuyên: “Thần y đặt cho hắn làm gì? Lỗ là cái chắc!”
Thẩm đại phu nói: “Ta thích ánh mắt của thằng nhóc này.”
Người tới trợn mắt: “Chỉ thế thôi?”
“Chỉ thế thôi.”
Đi được mấy bước, Thẩm đại phu ngoái lại, thêm một câu: “Thằng nhóc họ Thạch chưa chắc đã bại đâu.”
Thẩm thần y danh chấn Trường An, một câu nói kéo được năm ngàn ba trăm lượng.
Tám xu kia là của một thiếu phụ đang chửa. Nàng là dân chạy nạn trốn thoát được khỏi Bạch thành bị Hung Nô phía bắc công chiếm vào mấy tháng trước. Để bảo vệ nàng và đứa trẻ trong bụng nàng, chồng nàng đã chết đói trên đường tới Trường An. Nàng cùng lắm cũng chỉ đôi mươi, trên gương mặt gầy guộc vàng vọt vẫn nhìn ra đường nét xinh đẹp, ngày nào cũng bị du côn Trường An quấy rầy. Có lần suýt nữa tổn hại đến đứa trẻ trong bụng, là Thạch Thu Phong cứu nàng, thuận tay đánh tàn phế bọn ác bá quanh đó.
Đó là chuyện từ lần trước Thạch Thu Phong tới Trường An.
Cậu nhất thời hiếu kì đi xem sạp hàng của sòng bạc, bị thiếu phụ liếc mắt nhận ra. Nàng đỡ bụng bầu bảy tháng, cược hết tiền ăn ba ngày.
Quy định là phải đặt từ một lượng bạc trở lên, nhà cái không chịu nhận.
Thạch Thu Phong xách đao mi tiêm, ép gã nhận.
Trên đường trở về, Thạch Thu Phong cười nói với ta, dù cho cuối cùng bại trong tay Hoài Vô Nhai, không thể báo thù thành công cho sư phụ, cũng không tính là đấu uổng một trận.
Ta xách túi tiền lên huơ huơ trước mặt cậu: “Giúp cậu lần nữa nhé?”
Thạch Thu Phong cả cười.
“Chị cho tôi một chén rượu là đủ rồi.” Cậu nói, mắt sáng như sao.
Đến ngày ước định. Mười bốn tháng Chạp, trước tết Nguyên Tiêu một ngày, trong hoàng lịch viết, thích hợp ra cửa, kị an táng, gió xuân tan băng, phương nam đại lợi. Đạo sĩ mù của sạp xem bói hiếm hoi lắm mới có một ngày thu về được mười lượng bạc tới trước võ đài nghe đấu võ phán, đây là ngày cực lành mười năm mới gặp một lần.
Tuyết lớn suốt một tháng ngừng rơi.
Người giang hồ đều nói đây là ông trời tạo thế cho Thạch Thu Phong.
Mượn tên của Thẩm đại phu, ta tìm được hai chỗ ngồi tạm trống trong tửu lâu sát bên võ đài, vị trí rất đẹp, ngay cạnh cửa sổ, phóng mắt ra không bỏ sót cái gì.
Trước khi ra cửa, hỏi Thạch Thu Phong muốn uống rượu gì.
“Nghe Tiết Vô Y nói, rượu mơ là chị tự tay cất?”
“Ừ.”
“Chính là hai cây mơ trước cửa ấy à?”
“Phải.”
“Chị không uống rượu, sao lại học cất rượu?”
Ta cười: “Người đúc đao chưa chắc đã dùng đao, người bán bút mực màu vẽ chưa chắc đã vẽ tranh, ai nói người cất rượu nhất định phải uống rượu?”
Cậu nghiêng đầu ngẫm nghĩ, cười: “Đúng vậy nhỉ.”
Ta một tay xách vò rượu mơ, một tay bế Cục Đá đang bận bịu liếm chân, lên tửu lâu. Gỡ lớp đất sét phong kín ra, rót cho Thạch Thu Phong một chén rượu. Cậu nhận lấy, ngửa đầu uống nửa chén, thò tay chọc Cục Đá rồi xoay người đi.
Trong chén sứ trắng hãy còn gợn sóng, dưới võ đài đã đen ngòm đông nghịt.
Trước người bỗng hắt xuống một cái bóng xám.
Ngẩng lên, người tới y phục như tuyết, dáng ngọc dong dỏng, lưng đeo trường kiếm.
Y khẽ mỉm cười: “Cô nương, chỗ này đã có ai ngồi chưa?”
Ta nhận ra y, y là vị cố nhân tình cờ gặp lại ông cụ vào đêm mưa rất nhiều năm trước. Đêm ấy ông cụ nổi giận, uống ba bát rượu đã say khướt, nhìn chằm chằm giọt mưa chảy từ mái hiên xuống, ngẩn người một đêm, ta nhớ rất rõ.
Ta bế Cục Đá đang nhảy nhót loạn xạ đi: “Xin cứ tự nhiên.”
Y ngồi xuống đối diện bàn, áo trắng không một hạt bụi. Y đã có tuổi, dung mạo tang thương hơn năm xưa không ít, mỉm cười, bên mép hằn một nếp nhăn: “Thạch Thu Phong là bạn của cô nương?”
Lúc rời đi, Thạch Thu Phong không che giấu hành tung, kha khá người đã thấy cậu.
Ta gật đầu: “Phải.”
“Cô cảm thấy ai sẽ thắng?”
Ta hỏi ngược lại: “Ông cảm thấy ai sẽ thắng?”
Người áo trắng cười, thoáng dừng rồi đáp: “Hoài Vô Nhai sẽ không thua.”
Hoài Vô Nhai không thể thua, ông ta đã cố gắng hơn nửa đời vì cái ngày tung hoành giang hồ này, vợ cả chết thảm trong tay kẻ thù, con gái duy nhất thành thú lồng tự trói mình trong tháp Đại Nhạn. Thua trận này, suốt đời ông ta sẽ không cách nào đứng lên đỉnh chóp của võ lâm. Hoài Vô Nhai đã hi sinh quá nhiều, dẫu không thắng cũng tuyệt đối không thể thua, ông ta sẽ dốc tất cả bảo vệ địa vị của mình – ông ta không chịu thua.
Thạch Thu Phong nói, có lẽ ưu thế duy nhất của cậu là có thể thua.
Người có thể được ăn cả ngã về không, người không thể thua cẩn trọng dè dặt từng bước. Càng cẩn thận lại càng dễ mắc lỗi, vật cực tất phản.
Người áo trắng gập ngón tay búng vò rượu: “Có thể chứ?”
Ta châm cho y một chén.
Y nhấp một ngụm, mắt lộ vẻ kinh ngạc: “Rượu mơ này, vị giống của một cố nhân tôi quen cất quá.”
“Cố nhân?”
“Phải,” Người áo trắng đặt chén rượu xuống, tiếng va chạm lanh lảnh, “Là một đại tài nữ, năm ấy rượu mơ chị ấy cất ngàn vàng khó cầu, đáng tiếc hồng nhan mất sớm, lúc qua đời tuổi chừng bằng cô bây giờ. Chỉ tiếc…”
“Chỉ tiếc cái gì?”
“Chị ấy vừa chết, tình lang của chị ấy đã hỏng người, vốn có tiền đồ xán lạn gấm hoa, lại tự chặt đứt, bỏ đi tha hương. Lần cuối tôi gặp anh ta đã là mười mấy năm trước, anh ta thành một con ma men chán chường qua ngày, rõ ràng chỉ hơn tôi mấy tuổi mà trông như ông già năm, sáu chục tuổi vậy. Không biết giờ đang trôi giạt nơi đâu, cũng chẳng hay đời này còn gặp lại được không.”
Người áo trắng bưng chén lên, ngửa đầu uống một hơi cạn sạch.
Rượu mơ là ông cụ dạy ta cất. Ông đã uống hết mọi thứ rượu trên đời trong đủ các tửu quán góc biển chân trời, nhưng đi đến đâu cũng không quen uống rượu mơ nơi đó, tóm tiểu nhị lại, đanh thép hùng hồn, phê bình việc nước…
“Phải vừa chua vừa ngọt, uống vào như nuốt một quả nho mọng nước.”
Tiểu nhị nghe mà ù ù cạc cạc, tửu khách chung quanh cũng nghe mà ù ù cạc cạc. Ông cụ hát kịch độc diễn đến mặt đỏ tía tai, chẳng ai lý tới.
Sau đó, ông không tranh luận với người của quán rượu xem rượu mơ nên ra sao nữa mà tỉnh táo một bữa hiếm thấy, tay nắm tay dạy ta cất rượu mơ. Ta không uống rượu nên học cất rượu, cũng chỉ biết cất mỗi rượu mơ, bị Tiết Vô Y cười nhạo một phen, nói ta cố chấp y như lừa, chẳng biết biến báo tẹo nào.
Lúc say đã sâu, ông cụ không uống rượu mạnh nữa, bảo ta rót rượu mơ cho ông. Ông thích ừng ực ngụm to uống rượu mạnh, uống rượu mơ lại nhấp từng ngụm nhỏ, nhìn hư không đăm đăm, mắt vô hồn, trong mắt vắng lặng như đồng hoang.
Bất kể ta cất bao nhiêu lần, ông cũng nói còn kém chút nữa, kém chút nữa.
Kém chỗ nào thì ta không biết, ông cụ cũng chẳng biết.
Có lần ta hỏi ông: “Sư phụ, chết kiểu nào cô độc nhất?”
Ông cụ suy nghĩ rất lâu, mãi sau mới đáp: “Chắc là chết khi lẻ loi hiu quạnh, mãi đến nhiều năm sau mới có người phát hiện ra thi hài đã hóa xương trắng của mình.”
Cuối cùng, ông một mình say chết trong quán rượu, gục xuống bàn suốt một giờ mà chẳng ai hỏi han, đến tiểu nhị cũng chỉ cho là ông say ngất rồi. Ban ngày ban mặt, kẻ đến người đi, nhộn nhịp rộn ràng, nhưng không một ai chú ý tới ông cụ mua say này đã chết.
Đúng kiểu chết lẻ loi hiu quạnh.
Đại khái là ông cụ đã liệu trước được sẽ có một ngày như vậy từ lâu, ta tìm được trong bao quần áo rách nát tùy thân của ông bức di thư đã viết xong từ ba, bốn năm trước – xưa nay ông vẫn biết uống rượu hại thân, chỉ là không dừng được, cũng không muốn dừng.
Ông cụ bảo ta thiêu xác cho ông, rải tro cốt trên đất Giang Đô, không được giữ lại một hạt tro nào. Giang Đô là cố hương của ông cụ, đáng lý cố hương hẳn phải có cố nhân của ông, vậy nhưng ông lại không cho ta nói với bất kì ai tin ông chết.
Ông đã chết như vậy, lặng lẽ không tiếng động, chỉ có tiểu nhị quán rượu hỏi một câu, ông già nát rượu ngày ngày mua say đó sao không tới nữa.
Dưới lầy vọng lên tiếng đánh trống.
“Thùng! Thùng! Thùng!”
Đấu võ bắt đầu. Thạch Thu Phong ở phía nam, Hoài Vô Nhai ở phía bắc.
Hoài Vô Nhai áo mũ chỉnh tề, lưng đeo trường kiếm, thân hình gầy guộc.
“Thạch Thu Phong,” Trước khi rút kiếm, ông ta chợt mở miệng, “Cậu làm tất cả những việc này chỉ để thay sư phụ cậu gỡ gạc lại trận thua năm đó thôi sao?”
Thạch Thu Phong nói: “Trước đây tôi cho là vậy, nhưng ban nãy bước lên đây, đột nhiên phát hiện hóa ra mình không hề nghĩ thế.”
Cậu đứng trên võ đài, lưng đeo cây đàn tam huyền của cha, ngực ôm thanh đao mi tiêm của sư phụ, sống lưng thẳng tắp: “Tôi không tới để báo thù thay sư phụ, đó là ân oán của các người, chẳng liên quan gì đến tôi. Nhưng nếu không báo thù cho sư phụ, tôi sẽ không thể đi tiếp về phía trước – chỉ khi đánh bại ông, tôi mới có thể không còn canh cánh, lòng dạ thanh thản tiếp tục đi con đường của chính mình phía trước.”
Hoài Vô Nhai trầm mặc hồi lâu.
Mãi sau, ông ta vung tay: “Bắt đầu đi.”
Bóng đao ánh kiếm, leng ca leng keng, như chuông đồng góc hiên bị gió thổi vang.
Năm trăm hiệp đầu ngang tài ngang sức.
Hai người trên võ đài giằng co quá lâu, khó phân thắng bại, đại đệ tử của Hoài Vô Nhai quan chiến một bên xem mà sốt ruột, tay phóng ám khí định giết Thạch Thu Phong, bị Tiết Vô Y quan chiến trên khán đài cách đó không xa rút đao ngăn chặn. Hai người giao phong mấy trăm hiệp, Tiết Vô Y trọng thương dưới kiếm đại đệ tử Hoài Vô Nhai.
Tiết Vô Y bất tỉnh dưới đất, Thạch Thu Phong rối loạn tâm thần, bị tóm được sơ hở, sai lệch một đao bại trước Hoài Vô Nhai, bỏ mình tại chỗ. Kiếm Hiệp Hay
Hoài Vô Nhai vốn không định giết Thạch Thu Phong, chỉ muốn đánh bại cậu vãn hồi lại thanh danh, lỡ tay ngộ sát, không khỏi sững sờ. Ngay trong sát na ấy, Phương Hàn Hoa giả trang đại phu trà trộn vào gia nô nhà họ Hoài xông ra, tay cầm chủy thủ, đâm một dao. Hoài Vô Nhai không tránh kịp, khó khăn lắm mới né thoát yếu hại, trọng thương ngã xuống.
Hết thảy xảy ra quá nhanh. Ta ngồi sau một song cửa nhỏ trên tầng năm tửu lâu, từ xa cách mười mấy trượng xem đao quang kiếm ảnh trên võ đài nho nhỏ, khuấy động giữa mỗi đao mỗi kiếm là thế cục giang hồ phong vân biến ảo. Về sau nghĩ lại, cái thấy tận mắt nghe tận tai hôm ấy tựa một giấc mộng.
Xung quanh võ đài rộ tiếng xôn xao.
Ta ôm Cục Đá lao xuống tửu lâu.
Dường như người áo trắng sau lưng đang gọi ta, mà dường như cũng chẳng phải.
Lúc ta trông thấy Tiết Vô Y, hắn đang ngâm mình trong thùng gỗ đầy ắp dược liệu của Thẩm đại phu, cả người kín vết thương do kiếm, hôn mê bất tỉnh. Thanh đao của hắn đặt trên bàn, thanh đao Tô Thu Trì tặng hắn, đã theo hắn mười năm ấy, đã gãy làm hai.
Thẩm đại phu chỉ nói một chữ, đợi.
Lại lần nữa ra khỏi phòng, giang hồ đã trở trời.
Hoài Vô Nhai trọng thương hôn mê, đại đệ tử kế thừa y bát cũng bị Tiết Vô Y đánh trọng thương, nhất thời không ai nắm đại cuộc. Mấy người giang hồ căm ghét Hoài Vô Nhai thừa cơ phơi bày từng chuyện bất nghĩa ông ta đã làm trong quá khứ bố cáo thiên hạ, trong đó bao gồm cả ân oán giữa Tiết Vô Y và Thạch Thu Phong.
Vì tiếng tăm của Hoài Vô Nhai và sóng gió Thạch Thu Phong làm dấy lên trên giang hồ nửa năm trước mà gần như mọi tiền bối hậu sinh nổi danh giang hồ đều tới Trường An xem trận đấu võ này, bê bối nhà họ Hoài truyền khắp trong khoảnh khắc. Chưa đến một ngày, thanh danh của Hoài Vô Nhai đã rơi xuống ngàn trượng, thành chuột chạy qua đường người người hô đánh.
Hôm sau, con gái duy nhất của Hoài Vô Nhai Hoài Ngọc gieo mình từ tầng chót tháp Đại Nhạn xuống.
Ta đi tây thành bốc thuốc cho Tiết Vô Y, lúc ngẩng đầu, từ xa trong thấy một bộ áo trắng rơi từ tháp đen chót vót xuống. Giống một con chim trắng gãy cánh, không cách nào bay lượn, dứt khoát dùng chuyến bay cuối cùng lao vào chỗ chết.
Cuối cùng, cô vẫn lên tầng chót tháp Đại Nhạn, chỉ tiếc không thể trở thành con cô ưng tự do chao liệng trên sa mạc kia.
Hôm nay là tết Nguyên Tiêu, không có giới nghiêm, đường phố nhộn nhịp, chăng đèn kết hoa, đèn đuốc rực rỡ. Phía tây thành treo một dải đèn lồng tròn trịa dài, trẻ con tập đi tập tễnh nắm tay cha mẹ chạy loạn khắp nơi, trước gian đoán đèn xếp hàng dài, trai thanh gái lịch, cười nói vui tươi, mặt như hoa đào.
Chưởng quỹ tiệm thuốc dùng túi giấy vỏ dâu bao thuốc, đưa cho ta.
Chưa đi được mấy bước, sau lưng vọng lại tiếng “két” đóng cửa.
Ngoái đầu, chưởng quỹ tiệm thuốc đã kéo rèm cửa xuống, tay cầm vài túi giấy dầu căng phồng, cười với ta: “Hôm nay chẳng làm ăn được mấy nên đóng cửa sớm, trong nhà hãy còn trẻ con đang đợi.”
Anh ta nhấc túi giấy dầu lên lắc lắc: “Đây là bánh mứt táo mua trong tiệm bánh ngọt của Vương đại nương cách vách, con nhỏ đòi ăn, quấy tôi mấy ngày nay rồi.”
Trở về nhà, cả phòng vắng lặng, đêm lạnh như nước.
Vào một đêm rất khuya rất tối mấy ngày trước, có hai người đàn ông cụng ly đổi chén ở đây, say mèm mới ngơi, há miệng nói mớ.
Một người nhếch mép cười nhạo: Cái đồ nhu nhược nhà anh, chết nhát không có tiền đồ!
Người còn lại cười ha hả: Cậu làm người đuổi mộng thì sao, cuối cùng chẳng hóa thành một đống đất vàng thì cũng thành một kẻ không vong1.
Ta đứng cạnh họ, rót rượu cho họ, nghe họ ăn nói quàng xiên, nhìn họ say quắc cần câu. Ta tựa hồ hiểu rất rõ hai người đàn ông này, lại cũng tựa hồ chẳng hiểu mảy may. Cơ mà, vậy có sao đâu, ta chỉ là một kẻ mất tâm lạnh nhạt bạc tình, lỡ sơ sẩy đánh mất hỉ nộ ai lạc của mình, đành phải lạnh lùng nhìn người khác vui buồn tan hợp, làm một khách qua đường đứng xem.
Ngoài cửa sổ là đèn đuốc vạn nhà, sáng tựa sông Ngân.
1 Trong tiếng Trung, vị vong nhân được hiểu như người bị người đã khuất bỏ lại trên đờihay người bị cái chết cướp đi người thân yêu (tiếng Anh có từ rất sát nghĩa với từ này là the bereaved one).
Lời tác giả:
Lối viết hoàng lịch phỏng theo lời thoại của Âu Dương Phong trong “Đông Tà Tây Độc” (phim của Vương Gia Vệ).
Lúc viết đến cái chết của ông cụ, chợt nhớ đến “Ai biết cho chăng” của đạo diễn Hirokazu Koreeda, những cái chết lặng lẽ không tiếng động, không để ai hay.